Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 10/02/2015, 07:48 AM

Hậu luận đại thừa khởi tín (P.1)

Nay lấy cái tâm bình thường của mỗi con người làm chính. Trước lập nghĩa chân như, sau lập nghĩa sinh diệt, trên lập nghĩa Phật, dưới lập nghĩa chúng sinh, phải lập nghĩa giác, trái lập nghĩa mê, trong lập nghĩa tịch tĩnh, ngoài lập nghĩa vọng động.

Lời BBT: Sư chú Thích Tuấn Minh nguyên là giáo viên dạy Vật lý ở Phú Thọ, cách đây 03 năm, sư chú xuất gia và tu học tại Tổ đình Hội Xá, như một nhân duyên đặc biệt, sư chú là thị giả ở bên cạnh cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Bích trong 03 năm trước khi cố Hòa thượng viên tịch tiêu dao về cõi Phật.

Trước Tết Ất Mùi 2015, chúng con đến Tổ đình đảnh lễ và viếng Tổ đình Hội Xá ở xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín - Hà Nội, tình cờ được sư chú trao cho quyển HẬU LUẬN ĐẠI THỪA KHỞI TÍN mà sư chú vừa biên soạn xong, tập sách mỏng, chỉ dày 75 trang A4. Phatgiao.org.vn xin được phép trích đăng:

HẬU LUẬN ĐẠI THỪA KHỞI TÍN

Không có Pháp trường tồn
Không có Pháp hoàn hảo
Không có Pháp của Phật
Không có Pháp của ta
Các Pháp đều vắng lặng
Hậu luận này cũng thế

LỜI NÓI ĐẦU
   
Pháp bảo là thứ quý báu ở đời, chẳng giống vàng ngọc vì không có tính tư hữu, lại chẳng phải dễ dàng vì dẫu có mà tâm chẳng tương ứng cũng bằng không vậy.

Tuy không có tính tư hữu mà phật pháp như mưa móc rưới khắp đất trời tùy chỗ nông sâu mà thấm đượm ít nhiều. Vì không phải dễ dàng mà thà để tâm chân thật tương ứng với một lời chú câu kệ còn hơn tụng suốt tam tạng mà tự dối chính mình. Chẳng thế mà xưa Chư Tổ ít lời, nếu chẳng phải duyên quyết định không nói. Người chẳng hiểu việc ấy suy đoán phật pháp riêng có cái bí mật có thể luồn túi trao tay ư? Sao chẳng thấy y bát của Phật Tổ gặp khi lòng tin sâu rộng còn chẳng nên giữ làm vật tranh chấp, há lại riêng đợi một tín hiệu li kì ư?

Kẻ phàm ngu tôi ngẫm thấy như vậy mà hổ thẹn chính mình, sớm vội mở lời chẳng phải  ngông cuồng lắm sao, làm ngơ không biết thì lời trước dở dang vì sơ suất mà lưu lạc trong nhân thế, dẫu chỉ gây họa cho một người cũng là tội muôn kiếp. Nay giãi lòng bạch thực, trông ơn bậc thiện tri thức rủ lòng từ mà chỉ giáo cho.

Kẻ phàm ngu tôi, trước vốn chẳng phải người hay sơ cơ xuất gia có phần hảo tâm mà thói đời chưa bỏ, tham dục tham danh cầu lợi còn nhiều, thân khẩu ý nhiễm uế vô lượng.

Nhờ hồng ân Tam Bảo, trong nương nguyện đại bi của chư Phật chư Bồ Tát làm trợ nhân, ngoài được sự giáo huấn của thầy tổ làm chính duyên, bởi vậy mà nhẫn nại tảo đường chẳng dám khinh suất. Mùa hạ, năm Giáp Ngọ, Phật lịch 2558, tôi có duyên được đọc cuốn "Luận Đại Thừa Khởi Tín" bản Việt dịch, chỉ lấy nghĩa không câu nệ văn tự, thấy có điều tâm đắc, xét lại mình công ít tội nhiều, lẽ phải hổ thẹn mà sửa sang ba nghiệp, đâu đã nên làm cái việc "vượt phép" của thiền gia. Lại e, Tổ đức khiêm nhường, nguyện sâu Thanh Thái, một khi vận hành biết ngày nào hành ngộ. Tới cuối thu, tại Tổ Đình Hội Xá, tôi có duyên gặp bác Trường, một phật tử thuần thành, bác Trường tỏ ý biếu nhà chùa một số cuốn "Tâm chúng sinh" của Hòa Thượng Trí Hải. Tôi nghe vậy thì biết sách này là Hòa thượng nương vào bộ "Luận Đại Thừa Khởi Tín" mà diễn nôm cho mọi người đọc tụng. Thế mới hay giáo pháp thậm thâm đâu lựa riêng phàm thánh, nếu chẳng tham công cầu lợi thực lòng chia sẻ cũng là việc nên làm.

Phúc duyên tôi được hầu hạ đức Trưởng lão Hòa thượng Hội Xá ba năm trụ thế cuối cùng. Muôn phần đức hạnh của bậc xuất thế, kẻ phàm ngu tôi đâu được một phần. Điều mà tôi thực sự băn khoăn là cho tới khi thị Phật, đức Trưởng lão cũng chưa để lại một trước tác nào chính thức. Nếu mọi đức hành của Ngài là tự nhiên lưu xuất, đồng nghĩa Ngài là bậc Bồ Tát Pháp thân tự tại ứng hiện. Vậy thì đời sau không thể thấy được manh mối của bậc chân tu, bởi bậc chân tu ngoài việc chuyên cần khổ hạnh hẳn còn phải có phương tiện tư duy. Nghĩ vậy, tôi liền lục tìm lại những sách vở mà Ngài đã xem (mà tôi được biết), hồi tưởng lại những manh mối từ những lời chỉ giáo của Ngài... rồi mạo muội lấy trí hạn hẹp của mình mà lường chỗ tư duy của bậc thánh trí!.....

Bởi những nhân duyên ấy mà tôi viết lại cuốn sách nhỏ này, có được phần công đức nguyện xin hồi hướng bốn ân ba cõi, nhược bằng tham danh cầu lợi ngông cuồng tà kiến xin chịu đọa tam đồ.

Kính ghi
Tiểu chùa Thích Tuấn Minh
Hội  Xá, ngày 11/9/ Giáp Ngọ.


TÔNG CHỈ

Ngày nay, hai chữ phương tiện che lấp đạo lý, mặc sức phóng túng ba nghiệp mà nói cốt ở tự tâm, thử hỏi ngoài nơi lời nói suy nghĩ việc làm còn tu tâm nào khác. Bởi tham đắm dục lạc tự mê hoặc chính mình, lại mượn chỗ thâm mật làm điều kỳ dị, dối gạt thế gian xét ra chẳng ngoài lòng ngã mạn, cố tình ngụy biện cho việc phi pháp của mình. Bởi thế bậc Đạo sư chỉ rõ kẻ phàm ngu chẳng cùng với Thánh Bồ Tát là vậy. Một Pháp của Phật vốn trong tịnh lan tỏa khắp Pháp giới, chẳng phải muôn điều ác chẳng bỏ mà cho là Pháp bình đẳng, lý lẽ cao tột tận mây xanh mà lời nói suy nghĩ việc làm thường theo ngũ dục, được chút lợi ích từ mấy trò khôn khéo mà cho là phúc đức nhân duyên, hẹp nhìn tự lấy làm sung túc, rộng xét tay trắng vẫn làm không!

Bởi vậy sách này nói rõ nghĩa đạo lý chỉ thẳng tâm chúng sinh, phân biệt phàm thánh, soi tỏ nguồn cơn tu hành, khiến cho kẻ hạn hẹp chớ khởi lòng ngã mạn mà coi dễ Phật Tổ, xem thường bậc tri thức, người rộng lượng chẳng sinh lòng ngại khó mà quyên chí độ sinh. Mới hay:

Chư Tổ ngậm cười:

Trên tòa sen Phật tỏa ánh hào quang
Chẳng e chúng sinh không thành đạo 
Ngại rằng hậu thế tìm chẳng ra

Sách nay nương "Luận Đại Thừa Khởi Tín" mà viết, lấy "Tam Pháp yếu" làm chuẩn mực, thuyết duyên khởi làm nòng cốt, lại lấy kinh điển Đại thừa làm dẫn chứng đều chẳng phải chỗ kẻ phàm phu tôi có thể trực nhận mà vẫn mong người tin sâu Pháp Đại Thừa. Vì vậy lấy tên sách là "Hậu Luận Đại Thừa Khởi Tín". "Hậu Luận" này là một Pháp chia làm ba: "giáo" này truyền đi, "giới" lưu ở chùa Đồng Quan, "tông" riêng chờ đất tốt, ắt tự nảy mầm!

ĐẠO LÝ VÀ CHÂN LÝ

Đạo Phật là "Đạo" với hai tính chất chân lý và đạo lý. Vì đủ tính chân lý nên gọi là đạo chân thật, lại mang tính đạo lý nên gọi là đạo giải thoát. Vì mang tính chân lý nên gọi là đạo trí tuệ, lại đủ tính đạo lý nên gọi là đạo từ bi. Chân lý theo định nghĩa thông thường mang bản chất hiện thực khách quan, được thể hiện thông qua tri thức đúng đắn của con người. Đạo lý là đức hành của con người chân chính, mang sắc thái tinh thần chủ quan và luân lấy chân lý làm chuẩn mực. Chân lý và đạo lý trong Phật giáo tồn tại mật thiết với nhau trong một thể thống nhất gọi là  "Đạo". Chân lý mang tính tương đối và tính tuyệt đối. Theo chủ nghĩa duy vật biện chứng hiện đại: tính tương đối của chân lý là tính phù hợp nhưng chưa hoàn toàn đầy đủ giữa nội dung phản ánh của tri thức với hiện thực khách quan. Tính tuyệt đối là tính phù hợp hoàn toàn đầy đủ trọn vẹn giữa nội dung phản ánh của tri thức với hiện thực khách quan. Trong tư tưởng Phật giáo cả tính tương đối và tính tuyệt đối cũng có quan hệ biện chứng với nhau, do đó mà thành lập một nghĩa gọi là "đệ nhất nghĩa đế" tức tính " trung đạo". Nhưng để thực hiện được tính trung đạo trước hết phải nhận thức được chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối. Chân lý hiện thực và đạo lý nhân sinh chẳng thể tách rời. Chân lý truyền tải thành đạo lý mới phát huy được giá trị thực tiễn. Đạo lý lại phải lấy chân lý làm chuẩn mực thì mới có được nội dung đúng đắn mang lại lợi ích an lạc thật sự cho con người, không có đạo lý nằm ngoài chân lý tuyệt đối, tất cả chân lý tương đối không hẳn đều được truyền tải thành đạo lý. Đạo lý của Phật giáo được thể hiện trên ba phương diện: chân lý, thực hành chân lý và lợi ích thiết thực.

Các ví dụ minh họa:

Trong tam Pháp yếu: "Các hành vô thường, các Pháp vô ngã, Niết bàn tịch diệt" thì "các hành vô thường, các Pháp vô ngã" mang tính chân lý thể hiện bản chất hiện thực, "Niết bàn tịch diệt" mang tính đạo lý thể hiện sắc thái tinh thần giải thoát.

Trong giáo nghĩa "Trung đạo duyên khởi" thì "trung đạo" thể hiện tính đạo lý, "duyên khởi" là chân lý.

Trong "Tâm Kinh Bát Nhã" có đoạn: "Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách" thì "ngũ uẩn giai không" là chân lý, "hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa"  là thực hành chân lý, "độ nhất thiết khổ ách" là giá trị thực tiễn vậy.

Theo chân lý tương đối " con người bình đẳng", theo chân lý tuyệt đối " chúng sinh bình đẳng", theo chân lý tương đối " con người thuộc nhóm động vật ăn tạp nên sát hại và ăn thịt các loài chúng sinh khác. Đạo lý của nhà Phật thuận theo chân lý tuyệt đối " chúng sinh bình đẳng nên chủ trương không giết hại ăn thịt các loài hữu tình khác.

Như vậy, đạo Phật là con đường hướng tới chân lý để đạt được hạnh phúc an lạc thật sự gọi là giải thoát. Người tu hành theo đạo Phật tới chừng mực nào đó gọi là "giác ngộ". "giác ngộ" là sắc thái tinh thần chủ quan hoàn toàn phù hợp đầy đủ trọn vẹn với hiện thực khách quan, do đó "chủ khách không phân", "diệt tướng năng sở", "chứng nhất thiết trí", "vào đệ nhất nghĩa" là cảnh giới tự tại vô ngại của bậc "như thật tu hành" tới ngôi chính giác, chẳng phải cảnh giới hoang đường của lực lượng siêu nhiên trong tư tưởng thần giáo vậy.

Đạo Phật lấy trí tuệ làm mục tiêu hàng đầu, lấy giải thoát rốt ráo làm mục đích tối hậu, lấy duyên khởi làm học thuyết xuyên suốt. Thể hiên trong tư tưởng : Bát Nhã là mẹ đẻ của chư Phật, cũng thể hiện trong tông chỉ Pháp Hoa: nhân duyên Phật xuất thế là một việc lớn, việc lớn ấy là "tri kiến Phật" tức là sự thấy biết sáng suất, thấy rõ nguyên nhân sinh tử, thấy rõ chân như bản tính. Cả Bát Nhã, Pháp Hoa đều thuộc giáo nghĩa "chân như duyên khởi".

"Luận Đại Thừa Khởi Tín" lấy "Tâm chúng sinh" làm nội dung thuyết minh thực chất chính là khảo sát vào tầng sâu trong phạm trù "nhận thức", mục đích cũng không ngoài việc tìm ra những cơ sở cho việc nhận thức đúng đắn của con người. Trong tư tưởng Đại Thừa Phật giáo cả tính chân lý và tính đạo lý đều không nằm ngoài phạm trù nhận thức ( chủ thuyết duy tâm-vô ngã ) trong đó tính chân lý thường được thể hiện là bản thể với các thuộc tính bình đẳng, bất biến...tính đạo lý lại được thể hiện là các sự tướng với các thuộc tính khuôn khổ, thứ lớp, tùy thuận...

Người theo đạo Phật nên biết tính phù hợp của đạo lý tín ngưỡng của mình là phải luôn lấy chân lý làm chuẩn mực có vậy mới không lạc vào tà kiến ngoại đạo hủy hoại chính Pháp của Như Lai. Người tu hành nương vào đạo lý để thấy chân lý như nương vào ngón tay chỉ để thấy mặt trăng vậy. Bởi tính đạo lý này mà có "tam quy-ngũ giới", "uy nghi-thập giới" cho tới "tám thứ Phúc điền-ba nghìn giới hạnh", cũng bởi đó mà được lòng tin kính muôn đời. Người tu khéo hiểu nghĩa này thì được sự quy kính của muôn người vậy.

PHÁP GIỚI - THẾ GIỚI

Ngôn ngữ chung của xã hội hiện đại gọi cả các sự vật hiện tượng trong một thể thống nhất là thế giới. Thế giới theo ngôn ngữ triết học hiện đại gồm hai phạm trù "vật chất" và "ý thức". Thế giới theo ngôn ngữ dân gian của người phương đông gồm hai phạm trù "tâm" và "vật". Thế giới theo ngôn ngữ ngành thiên văn học chỉ môi trường trái đất nằm trong hệ thống vũ trụ rộng lớn. Thế giới theo ngôn ngữ Phật giáo là đơn vị đại diện của Pháp giới, vô số thế giới gọi chung là pháp giới. Pháp giới chia làm "hữu tình" và "khí thế gian". "Hữu tình" tương ứng với sinh vật sống, tiêu biểu là con người. "Khí thế gian" tương ứng với môi trường sống.

Theo quan niệm "duy tâm chân như" của Đại thừa Phật giáo thì tất cả cảnh giới đều là hư vọng do một tâm chân như biến hiện mà thành. Khi tâm chân như ấy còn mang tự thể dưới hình thức một cá nhân ( một chủ thể ) thì gọi là "chính báo", cảnh giới vũ trụ vật ngã tương ứng với tự thể ( chủ thể tạo tác các nghiệp ) đó gọi là "y báo". Tính chủ thể tạo tác gọi là "ngã", các sự tướng tương ứng gồm cả chính báo và y báo gọi là "Pháp". Chủ trương của Phật giáo không ngoài việc hoàn thiện nhân cách và tạo dựng cảnh giới tốt đẹp, trang nghiêm, tức là ba nghiệp thù thắng thì cảnh giới tốt đẹp trang nghiêm vậy. Ba nghiệp thù thắng là giữc gìn ba nghiệp thân -khẩu-ý thanh tịnh, khi đã thanh tịnh thì khởi tác dụng không thể nghĩ bàn- nghiệp dụng bất khả tư nghĩ tạo lợi ích vô lượng, độ vô số chúng sinh thoát khổ.

Chủ trương hoàn thiện nhân cách và xây dựng xã hội tốt đẹp, chúng ta cũng được thấy trong tư tưởng các học giả thời hiện đại như: VI.LêNin trong quan điểm: " vấn đề là cải tạo thế giới chứ không phải là giải thích thế giới". Trong khi VI.LêNin lấy "lao động" làm yếu tố quyết định thì Phật giáo lấy "giáo dục con người" làm vai trò trọng tâm.

Khi hoàn thiện nhân cách tới mức trọn vẹn đỉnh điểm gọi là "Phật", được thể hiện trên ba phương diện là "pháp thân", "báo thân" và "ứng-hóa thân". "Pháp thân" là chỉ trí tuệ thuần tịnh hoàn toàn phù hợp đầy đủ trọn vẹn với chân lý, "báo thân" là chỉ hiện tướng của ba nghiệp thân-khẩu-ý thanh tịnh viên mãn thù thắng, "ứng-hóa thân" là chỉ nghiệp dụng bất khả tư nghì cứu độ chúng sinh, tức là những việc làm lời nói... của chủ thể đối với xã hội tự nhiên muôn loài vậy!

Chủ trương thanh tịnh ba nghiệp thân -khẩu-ý, hoàn thiện nhân cách, tạo dựng cảnh giới tốt đẹp trang nghiêm là định hướng là kim chỉ nam xuyên suốt các thời giáo lý Phật Đà. Chính vì vậy trong tất cả các thời giáo lý Phật và chư Tổ đều thuyết minh về vấn đề cơ bản là vấn đề quan hệ giữa "ngã" và "Pháp". Các học giả thời hiện đại cũng tổng hợp lịch sử phát triển triết học nhân loại cũng đã rút ra kết luận về vấn đề cơ bản của triết học: " là vấn đề quan hệ giữa tư duy và tồn tại". Điều đó cho chúng ta thấy hệ thống triết lý Phật giáo là một hệ thống triết học đồ sộ, ra đời sớm và mang tư tưởng tiến bộ nhân loại.

Xét trên phương diện triết học, đặc điểm đặc trưng của triết lý Phật giáo nguyên thủy là không chủ trương "nhất nguyên luận". Điều này thể hiện rất rõ trong việc Đức Phật giải quyết vấn đề tương quan giữa "ngã" và "Pháp" có sự chuyển biến theo "tam thừa". Tam thừa ở đây là chỉ trình độ căn cơ của chúng sinh có sai khác, có chấp trước không đồng, Phật tùy cơ thuyết Pháp cho phù hợp, Tổ xếp làm ba thừa.

Với trình độ căn trí hẹp hòi chấp trước tự tánh thần ngã, Phật nói "Pháp duyên sinh" chủ thuyết "ngã không -Pháp hữu", các Pháp đều do nhân duyên hòa hợp tứ đại ngũ uẩn mà thành, không có thật thể thần ngã (Brahman-linh hồn vũ trụ ) cũng không có thật thể tiểu ngã ( Atman linh hồn cá thể ). Các đối tượng này được xếp vào dạng tiểu thừa. Nếu đem đối chiếu tương quan thì với giáo nghĩa này Phật chủ thuyết "duy vật"

Với đối tượng căn trí bậc trung, Phật nói "Pháp-tướng đại thừa" chỉ rõ "ngã Pháp" đều không duy thức biến hiện. Thời kì này, Phật phá trừ chỗ chấp trước của nhị thừa về lý duyên sinh là thật có, nói lý duyên sinh ấy chỉ là giả dối như tuồng mà có, lại sợ họ rơi vào chấp "không-đoạn diệt" mà nói lý duy thức. Các đối tượng này được xếp vào hàng trung thừa. Nếu đem đối chiếu tương quan thì với giáo nghĩa này Phật chủ thuyết "duy tâm-chủ quan".

Với các bậc thượng căn thượng trí, Phật nói giáo nghĩa "vô tướng đại thừa" biện bạch tâm cảnh đều không, một mực bình đẳng là chân liễu nghĩa, với giáo nghĩa "chân như duyên khởi" còn sợ chúng sinh hiểu lầm ý Phật, chấp là thật có một cái "chân như" làm chuẩn mực ( do đó mà đánh giá Phật chủ trương "duy tâm-khách quan" ) bởi vậy mà thánh tổ tạo luận tỏ rõ nghĩa "trung đạo" là "đệ nhất nghĩa đế" phá trừ sự chấp trước bám víu vào một chuẩn mực của muôn Pháp mà chúng sinh (con người ) tìm cầu mãi không thôi. Dứt trừ sự tìm cầu vào một chuẩn mực là nghĩa đốn ngộ với bậc thiện căn sâu dày, trí tuệ thanh tịnh, kẻ nghiệp chướng sâu nặng, trí tuệ hạn hẹp chớ thấy lời này mà coi thường Pháp luật, ắt chịu quả báo, Phật Tổ hàm oan.

Như vậy có thể thấy một số học giả thời hiện đại đã vội vã không tìm hiểu sâu sắc trọn vẹn hệ thống triết lý Phật giáo dẫn đến nhận định Phật giáo chủ trương duy tâm. Nay chúng ta thấy rõ triết lý Phật Đà không rơi vào "nhất nguyên luận", ngay cả sự tương tự chủ trương duy tâm khách quan cũng hoàn toàn bị phá trừ triệt để. Sự nghiệp phá tà hiển chính này không thể không nhắc tới công lao to lớn của vị luận chủ nổi tiếng Bồ Tát Long Thọ vậy.

Có thể nói tư tưởng Phật giáo kiên định mục tiêu "hoàn thiện nhân cách, cải tạo thế giới", triệt để áp dụng phương pháp "phá tà hiển chính" loại trừ tất cả  những tà kiến thiên chấp thì nhận thức đúng đắn ( chính kiến ) tự nhiên phơi bày. Về sau, các vị tri thức muốn làm rõ những triết lý của Phật Đà dưới hình thức hệ thống tư tưởng liền cô đọng nghĩa lý trong các kinh điển thành các học thuyết với trình độ nông sâu khác nhau, như các giáo nghĩa:

"Nghiệp cảm duyên khởi" của trường phái A-Tì-Đàm
"A-lại-da duyên khởi" của trường phái Duy Thức
"Như Lai tạng duyên khởi" của trường phái Khởi Tín
"Pháp giới duyên khởi" của trường phái Hoa Ngiêm

Có thể thấy tất cả các trường phái giáo nghĩa đều bám chắc vào "lý duyên khởi" làm cơ sở lý luận. "Thuyết thập nhị nhân duyên" nằm trong giáo nghĩa "Nghiệp cảm duyên khởi". Bởi vậy, người muốn thấy "lý duyên khởi" là phép biện chứng triệt để nhất không thể không xem tới các giáo nghĩa về sau.

Nói tiếp về tương quan giữa "ngã" và "pháp", mặc dù trình độ của người tu học Phât đạo có sự tiến bộ theo ba thừa nhưng Phật vẫn kiên quyết chủ trương "vô ngã". Đây là tư tưởng kiên quyết phủ nhận quyền áp đặt, khống chế, thao túng của bản ngã cá nhân hay đại ngã thần quyền lên hiện thực khách quan. Tư tưởng này hãy còn nguyên giá trị cho tới thời hiện đại khi kẻ mạnh luôn muốn áp đặt khống chế thao túng thế giới xã hội con người theo tinh thần chủ quan của mình, đó là điều mà đức Phật cách đây hơn 2500 năm đã kiên quyết lên án vậy. Có thể khẳng định tư tưởng vô ngã của Phật giáo là một tư tưởng cực kì tiến bộ nhằm phòng ngừa những hệ quả tiêu cực  cảu tinh thần đề cao bản ngã cá nhân.

Lịch sử nhân loại đã chứng kiến một thảm kịch đau buồn nhất từ sự biến tướng của tinh thần đề cao bản ngã đó là thảm kịch của tư tưởng xây dựng một đế quốc đại đức với giống người thượng đẳng đã khiến 370.000 người Do Thái bị sát hại và biết bao con người là nạn nhân của chương trình "ưu sinh" cho tới nay vẫn không biết nguồn gốc gia đình mình.

Trong khi đó chủ thuyết về "Pháp" có sự chuyển biến từ "Pháp hữu" tới "Pháp không" và tới "Pháp bình đẳng" là nhằm mục tiêu khích lệ "người yếu" tiến tới cải tạo điều kiện hoàn cảnh sống của mình theo nghĩa tốt đẹp trang nghiêm trên tinh thần bình đẳng cùng có lợi.

Tới đây có thể khẳng định tư tưởng Phật giáo là một tư tưởng hoàn toàn tiến bộ mang cả hai sắc thái là "giác ngộ tinh thần" và "đấu tranh chân lý" chứ không phải là tư tưởng trốn tránh hiện thực an phận cá nhân như một số nhận định nông cạn vậy.

Điều mà các học giả ngày nay thường e ngại là Phật giáo không chủ trương "nhất nguyên luận" như vậy phải chăng Phật giáo chủ trương "trung lập-thỏa hiệp". Xin thưa rằng hoàn toàn không phải Phật giáo chủ trương trung lập-thỏa hiệp mà là sự tôn trọng và hướng tới chân lý trong sáng bình đẳng rộng khắp không bị ảnh hưởng hạn chế của tinh thần đấu tranh giai cấp vậy. có thể khảo sát vấn đề này qua tư tưởng Phật giáo về sự "tồn tại của thế giới" và "sự thống nhất của thế giới".

Quan niệm về sự tồn tại và thống nhất của thế giới theo chủ nghĩa duy vật biện chứng Ph.Ăng Ghen  viết: "tính thống nhất của thế giới không phải ở sự tồn tại của nó, măc dù tồn tại là tiền đề của tính thống nhất, vì trước khi thế giới có thể là một thể thống nhất thì trước hết thế giới phải tồn tại đã". Và đưa tới kết luận: "cơ sở của sự thống nhất của thế giới là ở tính vật chất của nó". Tư tưởng của Ph.Ăng Ghen chủ đích bác bỏ quyền thao túng của chủ nghĩa tư bản và tham vọng bá chủ thế giới của chủ nghĩa đế quốc.

Theo quan điểm của trường phái Jaina( một trường phái triết học cổ đại ) thì tính tồn tại và thống nhất được thể hiện qu một hệ phạm trù như "tồn tại", "không tồn tại", "vừa tồn tại vừa không tồn tại"... từ đó đi tới quan niệm về vật chất, tuy cũng thuộc chủ nghĩa nhất nguyên duy vật nhưng quan điểm không được rõ ràng. Còn theo quan niệm của các trường phái nhất nguyên duy tâm cũng thừa nhận tính thống nhất của thế giới nhưng xem bản chất của sự tồn tại là ở tinh thần. Quan niệm của Phật giáo khẳng định tính thống nhất trong mối quan hệ biện chứng ( duyên khởi ) ngay khi thế giới vừa tồn tại, thể hiện qua các giáo nghĩa "nhất thể nhất tâm" hay "Pháp giới viên dung" vậy.

Như vậy, triết lý Phật giáo vận dụng triệt để phép biện chứng ( lý duyên khởi ) ngay khi giải quyết vấn đề tồn tại sơ khởi của thế giới. Giáo nghĩa "nhất thể nhất tâm" nhận định thế giới sơ khởi là một thể thống nhất trong đó tinh thần chủ quan và hiện thực khách quan tương đồng trọn vẹn, trí tuệ thuần tịnh phản ánh hoàn toàn chân thực hiện thực khách quan do đó chủ-khách không phân, tính chủ thể và đối tượng không bàn ( diệt tướng năng sở ), theo quy luật vận động: tinh thần phân lập thế giới biến đổi ảnh hưởng qua lại với nhau, nương vào nhau mà thành lập, từ đó mà sinh ra con người, chúng sinh... cảnh giới trùng trùng vô tận.

Thế giới vận đông không ngừng, các sự vật hiện tượng tồn tại ảnh hưởng qua lại lẫn nhau mà vẫn giữ trọn tính thống nhất là tư tưởng "Pháp giới viên dung" vậy. Lại nữa tính sơ khởi của thế giới cho tới cả quá trình vận động của một sự vật hiện tượng dù rất nhỏ cũng "không khác" là nghĩa "Pháp giới vô ngại vậy"...Có thể thấy tư tưởng Phật giáo tôn trọng và hướng tới chân lý trong sáng, không bị hạn chế của tinh thần đấu tranh giai cấp, cũng không thể hiện quan điểm không rõ ràng, càng không đồng nhất với chủ nghĩa "nhất nguyên duy tâm". "lý duyên khởi" trong triết lý Phật giáo được khai thác triệt để là đỉnh cao của phép biện chứng sẽ được thể hiện rõ hơn trong các lập luận của " Luận đại thừa khởi tín" nói ở các phần sau.

Đối với vấn đề nhận thức thế giới, tư tưởng Phật giáo khẳng định con người có khả năng nhận thức được thế giới, thể hiện trong quan điểm: tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật, trong đó con người là đối tượng chính yếu. Minh chứng rõ nhất là "Phật" tương ứng với "giác ngộ" là một nhân cách hoàn thiện theo đúng nghĩa. "Phật" vốn là một con người bình thường do tu hành mà thành tựu, không phải là sản phẩm của thượng đế, cũng không phải tự nhiên sinh ra, từ thế giới không thể biết mà tới...

Phật là người giác ngộ trước, chúng sinh là người học theo sau như người thầy dùng đủ mọi phương pháp dẫn dắt học trò lĩnh hội tri thức cần biết, không thể nói ngay vào đáp án. Bởi vậy, khi Phật đứng trên phương diện lý tính, giả thiết chấp tính, chỉ tính không tồn tại, diệt lý tính-phá chấp tính thì "sự Pháp giới" hiển bày. Khi Phật đứng trên phương diện sự tướng, giả thiết chấp tướng, chỉ tướng như huyễn hóa, diệt sự tướng-phá chấp tướng thì "lý Pháp giới tỏ rõ". Nhờ lý mà hiểu sự, nương sự mà tỏ lý là "lý sự vô ngại pháp giới". Quán sát đồng thời trên phương diện sự-lý, ly được cả tính và tướng thì "Pháp giới  chân không". Phát huy cao độ lý duyên khởi, triển khai ra thì "hữu"-"vô" nương vào nhau mà thành lập, quy kết lại thì "thực-huyễn" bình đẳng chân như. Bởi vậy mà "sắc" chẳng khác "không", "không" chẳng khác "sắc", "chân như" dung, "bình đẳng" thì không, đấy là nghĩa "đem thế giới mà nhét vào lỗ chân lông" vậy.

Lại thấy chúng sinh còn mờ mịt, chẳng thấu suốt nguồn tâm mà lập cái nghĩa "chân như-sinh diệt" vốn là hai thuộc tính của muôn pháp, lại lập cái "Như Lai tạng" làm chỗ trú ngụ cho vô lượng công đức thanh tịnh, lấy "duyên khởi" làm động năng, Pháp giới nương vào cái giả huyễn đó mà khởi ra trùng trùng vô tận, chúng sinh trôi lăn trong sáu nẻo nương vào cái "Pháp như huyễn" đó mà trở về với viên giác mầu nhiệm của Như Lai. "Chân như" là Phật giới là cõi Thường Tịnh Quang, "sinh diệt" lá chúng sinh giới là cõi phàm thánh đồng cư. Cũng bởi một cái tâm ấy mà lập ra chân như-sinh diệt. cũng cùng một Pháp giới viên dung mà thành cảnh giới Phật-cõi chúng sinh. Đấy là "sự sự Pháp giới vô ngại" vậy. Nay lấy cái tâm bình thường của mỗi con người làm chính. Trước lập nghĩa chân như, sau lập nghĩa sinh diệt, trên lập nghĩa Phật, dưới lập nghĩa chúng sinh, phải lập nghĩa giác, trái lập nghĩa mê, trong lập nghĩa tịch tĩnh, ngoài lập nghĩa vọng động.

Lại: trước lập nghĩa sinh, sau lập nghĩa diệt, trên lập nghĩa thường, dưới lập nghĩa đoạn, phải lập nghĩa một, trái lập nghĩa khác, trong lập nghĩa đến, ngoài lập nghĩa đi. Chẳng trụ vào thái cực trước-sau, trái-phải, trên-dưới, trong-ngoài trực chỉ chân tâm. Thống nhất được chân như-sinh diệt, tịch tĩnh-vọng động, giác-mê, Phật-chúng sinh, tỏ rõ lý duyên khởi. Không rơi vào thiên chấp sinh-diệt, thường-đoạn, một-khác, đến-đi hiển bày lý trung đạo. Trực chỉ chân tâm là đỉnh cao của thiền học, lý duyên khởi là học thuyết xuyên suốt, nghĩa trung đạo là mưc thước của tư duy. Pháp giới hẳn nhiên phải lấy tâm sáng suốt của con người mà chiếu soi vậy!

Còn nữa...
Tiểu chùa Thích Tuấn Minh (Tổ đình Hội Xá - xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Tp.Hà Nội)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Kinh Pháp Hoa: Ánh sáng nhân bản và hòa bình

Nghiên cứu 12:00 18/02/2024

Kinh Pháp hoa (Saddharma puṇḍarīka Sūtra) là một trong những bộ kinh thuộc truyền thống Đại thừa (Mahāyāna), hay còn gọi là Phật giáo Phát triển.

Vài nét về khái niệm tự lực và tha lực trong Phật giáo

Nghiên cứu 10:00 14/02/2024

Tự lực và tha lực tuy là hai khái niệm khác nhau nhưng không đối nghịch nhau, và hai yếu tố này không thể thiếu trong tiến trình tu tập của một người con Phật.

Dĩ hòa vi quý (Phần 1)

Nghiên cứu 11:00 04/02/2024

Dĩ hòa vi quý là lấy điều hòa làm quý, cần được tôn trọng. Đó là câu tục ngữ dạy đạo xử thế, làm cho cuộc sống chung với mọi người được êm ấm, vui vẻ. Đó là chìa khóa mở cửa lâu đài hạnh phúc cho chính mình và cho người khác trong cuộc sống tập thể từ gia đình đến xã hội.

Xem thêm