Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 02/06/2014, 11:37 AM

Hè này con đã được uống nước cam lồ tại khóa tu "Sen nở mùa hạ"

Nương vào hồng ân Tam Bảo, tháng Vesak vừa đi qua để lại vô lượng hoan hỷ, nối tiếp đó là mùa an cư kiết hạ của Chư tăng, Hội Phật tử Phúc Tuệ Song Tu tổ chức khóa tu “Sen nở mùa hạ” vào ngày 01/06/2014, với mong muốn được giúp các bạn trẻ hướng tâm hồn mình trở lại trong trẻo vô ưu như trẻ thơ.

Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 có thể không chỉ dành riêng để bày tỏ tình cảm yêu thương, bao bọc, khích lệ trẻ em; đối với tinh thần đạo Phật, một khóa tu mùa hè tổ chức vào ngày này còn mang lại cho thanh niên tâm hồn tinh khôi mới mẻ, sau khi những thời khóa tu tập an lạc tỉnh thức đã thanh tịnh hóa những ưu phiền của cuộc sống thường ngày, để mỗi người có thể trở về bản chất chân thật an nhiên thường hằng.
 
Nương theo công đức của Chư tăng, ni đang thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức tại các trú xứ, khóa tu một ngày an lạc mang tên “Sen nở mùa hạ” của Hội Phật tử Phúc Tuệ Song Tu cũng chính là thắng duyên lớn dành cho giới phật tử tại gia được gieo duyên với Phật pháp, được vun trồng ruộng phúc. 

Cư sĩ tại gia, họ là những người sống trong cuộc đời đầy bon chen, bụi bặm, nhưng nhờ vào biết hướng đến Tam Bảo để vươn lên giữa nghịch duyên, mà kết nối từ trái tim này đến trái tim khác, vậy nên trong tâm mỗi người phật tử hôm nay đã có sẵn đóa sen tinh khôi đang hiến tặng hương sắc cho đời:

“Sen nở trong đầm đỏ trắng phơi
Bùn nhơ không nhiễm sắc thêm tươi
Thân ngay, ngó rỗng, gương đầy hột
Cái lý tu hành cũng thế thôi.”
 
 
Khóa tu một ngày an lạc tổ chức tại ngôi chùa Tĩnh Lâu cổ kính hiền hòa, nằm ven hồ Tây – vốn được coi như một cái máy điều hòa thiên nhiên lớn nhất Hà Nội, nên những làn gió mát lành thổi dọc hiên chùa đã phần nào xoa dịu cái nóng mùa hè; cùng với thời pháp nhũ trân quý từ TT.Thích Phước Đạt – Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM đã lan tỏa một năng lượng thanh lương vào tâm phật tử.

Tại buổi giảng Pháp, Thượng tọa khẳng định rằng mục đích ra đời của Phật giáo là ban vui cứu khổ cho nhân sinh, vì đức Phật cũng từng là con người mà Ngài đã tu tập giải thoát ra khỏi phiền não và luân hồi, giống như bông sen thanh khiết vươn lên khỏi bùn lầy để cống hiến hương sắc cho đời. Vì vậy Phật chính là hoa sen, hoa sen cũng là Phật.

Sen chính là Quốc hoa – loài hoa biểu tượng cho cốt cách của dân tộc Việt Nam thanh tao giữa loạn lạc và nghèo đói từ trước đến nay. Sen cũng chính là một trong những biểu tượng của Phật giáo – một nền giáo dục trí tuệ ra đời tại Ấn Độ, với nguồn gốc thanh khiết cao siêu, từ câu chuyện một vị Thái tử vì thiếu nghèo nên đã từ bỏ ngai vị, tài sản để ra đi tầm nghèo.

Vì lý tưởng đó, mọi người dân Việt đã đến với đạo Phật một cách hồn nhiên. Từ buổi bình minh lịch sử vào thế kỉ I trước Công nguyên, Phật giáo đã du nhập và đồng hành cùng dân tộc ta:

“Rủ nhau xuống bể mò cua
Lên non bẻ củi, vào chùa nghe kinh”
 
 
 
Câu ca dao trên đã nói hộ cho một khát vọng sống cao đẹp đầy nhân văn của cha ông từ ngàn đời để lại, bên cạnh việc mưu sinh thì nhu cầu tất yếu của con người còn có sự trải nghiệm về tâm linh, hướng nội. Điều này tùy thuộc vào sự lựa chọn lý tưởng của mỗi người : ai muốn ấm no thì nỗ lực lao động, ai đã đủ đầy và muốn giải thoát khổ đau cần tinh tấn nghe kinh học Phật, rồi từ đó họ tư duy về giáo lý và thực hành.

Từ xa xưa, con người Việt Nam đã biết thực thi nếp sống hướng thượng Văn – Tư – Tu để đi đến chỗ có trí tuệ, nhận biết được điều gì là sai là đúng;  để mà biết cải đổi. Thời nay danh xưng tu sĩ cũng có nghĩa : “tu” là sửa đổi, “sĩ” là sự hổ thẹn, đó là những người luôn biết tàm quý và sửa đổi để hoàn thiện chính mình. 

Biểu hiện của thái độ tàm quý và khả năng cải đổi bắt nguồn từ câu xin lỗi trong cuộc sống, trong nhà Phật đó còn là câu “xin sám hối”. Nếu nếp sống không ngại ngần xin lỗi từ nhà Phật được lan truyền ra ngoài rộng hơn nữa, xã hội Việt Nam sẽ ngày thêm văn minh, lịch sự.

Vì vậy mỗi người trẻ trong 150 khóa sinh ngồi đây đều có thể làm bổn phận “hoằng pháp viên” thể hiện nếp sống thanh nhã của nhà Phật trong xã hội, đó chính là phúc duyên thù thắng của họ. Phúc là sự tích lũy của các việc làm thiện lành, thiện đối với đạo Phật là những hành động, lời nói, ý nghĩ có giá trị mang lại lợi ích cho cả mình và nhiều người khác. Vì con người sống trong nhiều mối liên hệ lẫn nhau nên cần biết chia sẻ cho nhau.

Tấm lòng sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ cũng là hạnh bố thí. Phật pháp đã hòa hợp cùng truyền thống tốt đẹp của người Việt :

“Đói lòng ăn nửa trái sim
Uống lưng bát nước, đi tìm người thương”

Đó là biểu hiện tình cảm đồng cam cộng khổ với nỗi khó khăn của người thương. Người thương chính là những người xung quanh ta trong cuộc sống. Vì cuộc đời này suy cho cùng chính là triết lý để đi tìm tình thương yêu giữa lòng người, bằng cách nhìn để hiểu, hiểu để thương.
 
 
Để có thể ăn nửa trái sim, uống lưng bát nước mà chia sẻ giúp đỡ người khác, người phật tử cần biết sống thiểu dục tri túc – giảm ham muốn và biết đủ. Nếp sống này là điều kiện cần và đủ để tu thành Phật, theo như lời dạy của Quốc sư Viên Chứng :” Trong núi vốn không có Phật, chỉ cần lòng lặng mà biết, thì Phật ở trong tâm”. Lòng người chỉ có thể bình lặng khi ham muốn tìm cầu hoàn toàn vắng mặt.

Đáp lại thời pháp nhũ trân quý từ Thượng tọa giảng sư Thích Phước Đạt, thanh niên phật tử :

“Chắp tay lòng tự hứa với lòng
Yên tĩnh tâm hồn lắng sạch trong
Hướng về mười phương chư Phật
Cho đạo tình sưởi ấm những hoài mong”

Để hòa cùng niềm hoan hỷ trong khóa tu và chào mừng ngày Quốc tế thiếu nhi, TT.Thích Phước Đạt, ĐĐ.Thích Tuệ Hải đã trao những phần quà khen thưởng cho sự tinh tấn tu học của các bé thiếu nhi phật tử, qua đó còn khích lệ các mầm non tương lai sẽ góp phần xây dựng tương lai của đạo pháp – dân tộc. Trong đó, không thể không nhắc đến 7 bạn nhỏ mồ côi được thầy trụ trì từ chuyến đi từ thiện tại Hà Giang năm 2012 đã nhận nuôi và đặt tên: “Hạnh, Phúc, Nhân, Duyên, Hoàn, Mỹ, Đức. Thầy tạo điều kiện cho các em ăn học và sinh hoạt tại chùa.

Sau giờ thọ trai và chỉ tĩnh với sự tài trợ của nhà hàng chay Vân Phong Quán (số 15, ngõ 12 Láng Hạ, Đống Đa), đại chúng cùng vân tập về chính điện để bước vào thời khóa tụng kinh Phổ Môn, để nương theo đức Đại từ đại bi thiên thủ nhiên nhãn Quán Thế Âm Bồ tát, cầu mong thế giới hòa bình, cầu cho bốn chúng hữu tình bình an. Tụng kinh niệm Phật công đức lớn, ai nấy thấy nghe đều phát đạo tâm. Trời đất thuận hòa, đưa những cơn gió mát lành đến với đại chúng đang ngồi ngoài hiên tụng kinh.

Tiếp đó, ĐĐ.Thích Thanh Văn đã có thời pháp đàm chia sẻ giáo lý cùng phật tử. Thầy sách tấn phật tử tiếp xúc với những gì mắt thấy tai nghe một cách an nhiên tự tại, không bị ràng buộc, phụ thuộc, chi phối vì những gì xấu đẹp mà sinh tâm phân biệt, tâm phân biệt sẽ phát triển thành tâm tìm cầu. Trong đó con người tìm cầu nhiều chỉ mệt cho mình, và con người làm chủ chính mình và vạn vật xung quanh, không nên để vạn vật xung quanh chi phối mình.

Kết thúc khóa tu, ĐĐ.Thích Thanh Văn – chứng minh sư của Hội Phúc Tuệ Song Tu cầu chúc cho các thanh thiếu niên phật tử luôn giữ được đóa sen trái tim còn tươi mãi trong cái nóng bức, ngột ngạt của cõi đời, nhờ vào tinh tấn hành trì những giáo lý đã học từ khóa tu “Sen nở mùa hạ” hôm nay.

Diệu Hòa
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm