Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 03/10/2014, 10:09 AM

Hệ thống tổ chức Hệ phái Khất sĩ

Năm 1981, hệ phái Khất sĩ gia nhập ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt nam. Bài viết tập trung đi vào một vấn đề có tính chất đặc thù của hệ phái Khất sĩ đó là hệ thống tổ chức của hệ phái.

Hệ phái Khất sĩ ra đời năm 1944 tại Nam bộ, đây là hệ phái do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập. Tiêu chí mà hệ phái đặt ra là “Nối truyền Thích Ca chánh pháp”, nâng cao về mặt tu tập và giải thoát, không phân chia Phật giáo theo Nam tông, Bắc tông. Sau một thời gian ra đời, hệ phái được nhiều người tìm hiểu, học hỏi, dần dần phát triển tín đồ, hệ phái ngày một vững mạnh.

Năm 1981, hệ phái Khất sĩ gia nhập ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt nam. Bài viết tập trung đi vào một vấn đề có tính chất đặc thù của hệ phái Khất sĩ đó là hệ thống tổ chức của hệ phái.

Có thể phân chia tổ chức của hệ phái thành ba thời kỳ. 

Thời kỳ đầu (1944) đến khi Tổ sư qua đời (1954)
Thời kỳ từ 1954 đến 1981
Thời kỳ từ 1981 đến nay.

1. Thời kỳ đầu (1944) đến khi Tổ sư qua đời (1954)

Sau khi chứng đạt Vô thường, Khổ, Vô ngã, ngộ đạo với pháp lý “Thuyền Bát Nhã”, năm 1944, đức Tổ sư Minh Đăng Quang bắt đầu truyền đạo.

Năm 1947, Từ Huệ là người được ngài thu nhận làm đệ tử đầu tiên, sau đó là một học trò nhỏ là Giác Chơn. Chùa Linh biểu (nay thuộc ấp 1, xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) là nơi khai mở đạo.

Do hoạt động của hệ phái là khất thực, hóa duyên, những người hành đạo buổi đầu sống đời sống du tăng “không nhà cửa, chẳng vợ con gia đình quyến thuộc, không ở một nơi nào cố định, không bao giờ cất giữ tiền bạc ở trong người nên tổ chức giáo đoàn theo quy định của Tổ sư hình thành một đoàn du tăng khất sĩ“ cấp tổ chức được tính theo con số du tăng:

Một tiểu giáo hội là 20 vị
Một trung giáo hội là 100 vị
Một đại giáo hội là 500 vị 

Ban đầu đoàn du tăng khất sĩ lập một tiểu giáo hội. Đức Tổ sư vừa là bổn sư vừa là Sư trưởng (Trưởng đoàn). Trong quá trình du tăng hành đạo đi đến đâu một mặt giáo đoàn tổ chức truyền đạo, mặc khác giáo đoàn lo xây cất cơ sở thờ tự. Sau gần 10 năm, đoàn du tăng khất sĩ dưới sự hướng dẫn của Tổ sư hình thành được 27 ngôi tịnh xá.( )

Trước lúc thọ nạn, Tổ sư “sắp đặt giao phó chức quyền chưởng quản giáo hội cho Thượng tọa Giác Chánh, người đệ tử tâm đắc”.

2. Thời kỳ từ 1954 đến 1981
2.1 Thời kỳ từ 1954 đến 1975
Thượng tọa Giác Chánh với cương vị chưởng quản giáo hội tiếp tục dẫn đoàn du tăng đi hành đạo. Tài liệu của TT.Thích Giác Duyên cho biết: “Trong lần ra miền Trung đầu tiên vào năm 1956, một số vị đại đệ tử của đức Tổ sư đã ở lại nơi đây để hành đạo và lập nên hai giáo đoàn, giáo đoàn 2 của Trưởng lão Giác Tánh, Giác Tịnh và giáo đoàn của Trưởng lão Giác An. Lần lượt sau đó, năm 1959 giáo đoàn Thượng tọa Pháp sư Giác Nhiên được thành lập, năm 1960 giáo đoàn của Trưởng lão Giác Lý cũng hình thành, rồi năm 1962 Thượng tọa Giác Huệ lập nên giáo đoàn mới. Bên chư ni có các đoàn hành đạo như đoàn Ni trưởng Huỳnh Liên, đoàn Ni trưởng Ngân Liên, đoàn Ni trưởng Trí Liên…

Sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập vào ngày 07/11/1981, Chư tôn đức lãnh đạo các giáo đoàn đã ổn định tổ chức, thay đổi danh xưng là giáo đoàn I, giáo đoàn II, giáo đoàn III, giáo đoàn IV, giáo đoàn V, giáo đoàn VI”.( )

Cần lưu ý là, mỗi giáo đoàn đều có một Trưởng lão đứng đầu, hoằng pháp ở một số tỉnh nhất định. nếu như trước đây hoạt động hành đạo là du hóa dần dần bao gồm hai thành phần là Hành xứ và Trụ xứ. Đoàn hành xứ thực hiện hạnh nguyện du phương hóa nguyện. Đoàn Trụ xứ trụ trì tại các tịnh xá để tụ tập và điều hành phật sự của giáo đoàn.

Đứng trước sự trưởng thành của Hệ phái, các vị Trưởng lão thấy cần thiết phải thiết lập một tổ chức giáo hội. Vì vậy năm 1964 ba Thượng tọa là Giác Nhiên, Giác Tường, Giác Nhu đứng ra xin phép thành lập Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam. Sau một thời gian vận động và chờ đợi, mãi đến ngày 22/4/1966, Bộ Nội vụ, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa mới chấp nhận cho phép thành lập Giáo hội với bản Điều lệ 32 điều theo nghị định số 405/BNV/KS cấp tại Sài Gòn. Bản Điều lệ 32 điều được “Làm tại Gia Định, ngày 18/12/1960”( ). Phần Danh hiệu - Hội sở - Mục đích cho biết.

Giữa những người tu sĩ xuất gia thuộc Phật giáo công nhận bản điều lệ này, có thành lập một Hiệp hội tên là: Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam (Điều thứ nhất). Sở dĩ Hệ phái chỉ được công nhận là Hiệp hội vì vào thời điểm soạn thảo Điều lệ, Đạo dụ số 10, ngày 6/8/1950 dưới thời vua Bảo Đại vẫn còn hiệu lực. Theo Đạo dụ này, chỉ có Giáo hội Công giáo được công nhận là Giáo hội, các tôn giáo khác chỉ được xem xét công nhận là Hiệp hội.

Điều thứ hai: Giáo hội hoạt động vô thời hạn và trong phạm vi toàn quốc. Hội sở đặt tại Tịnh xá Trung tâm 98, đường nguyễn Trung Trực, Gia Định.

Điều thứ ba: Giáo hội kết nạp Tu sĩ xuất gia không phân biệt chủng tộc, cư trú tại Việt Nam, thành một tổ chức hiệp nhất, theo đuổi mục đích: Tự giác, giác tha theo giáo lý của đức Phật Thích Ca. Bằng phương pháp trì bình khất thực và dạy đạo hỗ trợ cho cư sĩ trên đường tu học.

Phần: Thành phần của Giáo hội, gồm 01 Điều, Điều thứ sáu: Giáo hội gồm có Tứ chúng, bất luận quốc tịch, bất luận hạng số, phân ra bốn hạng: mỗi hội viên đều được giáo hội cấp cho một thẻ do Ban Trị sự lập ra, có thẻ này mới được dự phiên họp Đại hội.

Phần: Nhập hội - xuất hội và khai trừ gồm 11 Điều, trong đó từ Điều thứ mười đến Điều thứ mười bảy quy định về Ban Trị sự, quyền hạn chức năng của Ban và một số chức vị trong Ban.

Điều thứ mười: Ban Trị sự lo việc quản trị Giáo hội gồm có:

A) – Một Tri sự Trưởng
B) – Hai Tri sự phó
C) – Một Thư ký
D) – Một Kiểm soát viên
E) – Một hay nhiều Cố vấn

Điều thứ mười một: Nhân viên Ban Trị sự được chọn lựa trong số Hội viên thuộc hàng Tỳ kheo tăng và Tập sự Tỳ kheo, được ít nhất là 21 tuổi. Các nhân viên ấy do Đại hội bầu cử để làm việc trong ba năm. Theo số thăm tuyệt đối đa số, và có thể được luôn luôn tái cử. Trong trường hợp hai ứng cử viên đồng số thăm, thì người lớn tuổi đạo hơn là được quyền đắc cử.
Điều thứ mười ba: Trong thời kỳ sáng lập thì Ban khởi xướng tạm thời cai quản Giáo hội. Khi Điều lệ được chấp thuận rồi, Ban sáng lập sẽ nhóm Đại hội để cử Ban Trị sự thiệt thọ vào Lễ Tự tứ đương niên.

Điều thứ mười bốn: Tri sự trưởng chăm nom việc tu hành và để thi hành Điều lệ, mời nhóm các cuộc hội họp của Ban Tri sự và mời nhóm Đại hội khai mạc cũng như bế mạc. Các cuộc nhóm hội, khi số thăm trong các cuộc bỏ thăm chưa được ngã ngũ thì là thăm của Tri sự trưởng sẽ được thắng thế hơn. Tri sự trưởng thay mặt Giáo hội với nhà chức trách hay đối với tư nhân trong các trường hợp có dính dáng đến quyền lợi của Giáo hội.

Tri sự phó giúp đỡ Tri sự trưởng trong các công việc, thay thế Tri sự trưởng khi vắng mặt hay bận việc…

Điều thứ mười lăm: Thư ký lo việc lập biên bản, viết thông tư, giấy mời… trong khi nhóm họp và giữ các tài liệu, cũng như: quyển Danh bộ của Giáo hội, tên các hội viên.

Điều thứ mười sáu: Kiểm soát viên đặt dưới quyền Tri sự trưởng, đảm nhiệm việc trật tự, về tổ chức các phiên nhóm họp Đại hội, lãnh việc kiểm soát trong lúc tuyển cử. Kiểm soát tài vật của Giáo hội.

Điều thứ mười bảy: Cố vấn giúp đỡ ý kiến xây dựng và chỉnh đốn trong hàng ngũ để nâng cao về mọi mặt từ đời sống vật chất lẫn tinh thần( ).

Về hệ thống tổ chức, bản Điều lệ cho biết: Ngoài tổ chức Trung ương - Ban Tri sự( ), Hệ phái thành lập chi hội ở Tỉnh, quận, làng (Điều thứ hai mươi sáu). Cơ sở cuối cùng của Hệ phái là Tịnh xá, Am Cốc (Điều thứ hai mươi mốt). Ngoài ra ở Trung ương đến các chi hội đều có Phân ban Hoằng pháp. Bảo đảm nhận việc đọc kinh, tụng kệ, thuyết pháp phóng thanh truyền bá Phật giáo (Điều thứ hai mươi bảy). Đồng thời Ban Hoằng pháp còn có nhiệm vụ: Mở trường dạy học, mở các khóa huấn luyện về Phật pháp tại Trung ương cũng như các chi hội để giúp đỡ phật tử những phương diện cần thiết về đời sống tinh thần (Điều thứ hai mươi tám). Bản Điều lệ còn cho biết có Ban Kiểm duyệt báo chí, kinh kệ, thi văn muốn phổ thông Phật pháp.

Sau khi được Bộ Nội vụ công nhận Bản Điều lệ, các ngày 4-5-6/5/1966 Hệ phái Khất sĩ tiến hành Đại hội lần thứ nhất bầu Ban Tri sự. Một Ban Tri sự mới ra đời. Bao gồm:

Tri sự trưởng: Thích Giác Nhiên
Tri sự phó: Giác Tường
Tri sự phó: Giác Phúc
Tổng Thư ký: Giác Nhu
Phó Thư ký: Giác Hườn
Kiểm soát: Giác Thọ
Cố vấn: Giác Hiền

Theo TT.Thích Giác Duyên kỳ Đại hội này chưa phải là Đại hội toàn quốc. Nó “có tính cách giải quyết vấn đề hợp pháp, hợp lý về mặt giấy phép thành lập Hội”( ). Phải đợi đến nhiệm kỳ II (1970 - 1973) mới thực sự là Đại hội toàn quốc. Một biến cố xảy ra trong nhiệm kỳ này là các vị Trưởng đoàn lần lượt viên tịch. Đứng trước tình hình và nhiệm vụ mới, Đại hội III, một Đại hội khoáng đại được triệu tập ngày 4/9/1973. Lần đầu tiên sau hơn 15 năm chia nhau đi hành đạo, 5 giáo đoàn được dịp họp mặt đông đủ. Đại hội đề nghị cải tổ thành phần lãnh đạo Trung ương gồm 2 Viện:

Viện chỉ đạo, gồm: 1 đức Tăng chủ, 2 Phó Tăng chủ, 1 Chánh Thư ký. Các vị này thuộc hàng Trưởng lão Đạo sư chứng minh tối cao.

Viện hành đạo gồm 1 Viện trưởng, 2 Phó Viện trưởng, 1 Tổng Thư ký, 1 Phó Tổng Thư ký và một số các Tổng vụ như: Tăng sự, Hoằng pháp, Cư sĩ, Xã hội v.v… Cùng một Hội đồng Cố vấn Trung ương gồm các Trưởng lão, Thượng tọa cao hạ trong Giáo hội. Viện Hành đạo chịu trách nhiệm về đường lối hành đạo của Giáo hội, nhiệm kỳ của Viện là 5 năm (1973 - 1978). Đại hội cử Ban Tu chỉnh Điều lệ. Một bản Điều lệ mới ra đời gồm 26 điều thay thế bản 32 điều. Tuy nhiên về mặt pháp lý do bản Điều lệ 32 điều vẫn còn hiệu lực nên những vấn đề cải tổ giáo hội theo tinh thần Hội nghị khoáng đại chưa được chấp nhận. Ban Trị sự cũ vẫn tiếp tục lưu nhiệm để duy trì giáo hội cho đến ngày 30/4/1975.
2.2 Thời kỳ từ 1975 - 1981
 
Mùa xuân năm 1975 đất nước thống nhất, hoạt động của Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam cũng bắt đầu bước sang trang mới với những thay đổi và hoạt động mới.

Về tổ chức: Tại Trung ương một Đại hội khoáng đại (bất thường) được tổ chức vào ngày 17/6/1975 với sự tham gia của đại biểu 5 giáo đoàn. Hội nghị tiến hành kiểm điểm tình hình phật sự, kiện toàn Ban Trị sự Trung ương, tu chỉnh điều lệ kỳ II với 6 chương 27 điều.

Đây là đại hội duy nhất và sau cùng của Giáo hội. Sau đại hội các vị Trưởng lão, Thượng tọa trong hàng Giáo phẩm Trung ương trước kia ở tịnh xá nào nay về trụ xứ tại Tịnh xá đó. Mọi sinh hoạt của giáo hội xem như đình chỉ. Các chư tăng cùng sống chung, lao động sản xuất và thực hành tôn giáo tại Tịnh xá. TT.Thích Giác Duyên gọi đây là thời kỳ: Dĩ hòa vi quý; Dĩ nông vi thiền; Dĩ tâm vi Phật( ).

Về Giáo hội Khất sĩ Ni giới

Từ thời đức Tổ sư còn tại thế trong hàng ngũ xuất gia của Giáo hội, ngoài tăng còn có ni. Tác giả Thích Giác Duyên thống kê có tới 53 vị ni xuất gia làm đệ tử thời đức Tổ sư. Những phụ nữ sau khi thọ giới Cụ túc (Tỳ kheo ni) đều có pháp danh với từ cuối là Liên, ví dụ Huỳnh Liên, Bạch Liên, Thanh Liên, Kim Liên…( ). Ni giới Khất sĩ ban đầu do đức Tổ sư chỉ đạo. Sau khi ngài vắng bóng Ni trưởng Huỳnh Liên lãnh đạo Ni giới tiếp tục hành đạo.

Ni giới thấy cần thiết phải thành lập giáo hội riêng để thuận tiện trong hoạt động du hóa. Một ban vận động được thành lập với Bản Điều lệ gồm 30 Điều, làm tại Sài Gòn ngày 18/10/1957. Bản Điều lệ được Bộ Nội vụ, chính quyền Sài Gòn duyệt y theo nghị định số 7/BNV/NA/P5. Trên cơ sở của Nghị định số 7, ngày 11/1/1958 Ni trưởng Huỳnh Liên đứng ra thành lập Giáo hội Ni giới Khất sĩ Việt Nam. Đây là giáo hội độc lập về mặt tổ chức và phát triển, có pháp nhân, pháp lý. Trụ sở của Giáo hội đặt tại tịnh xá Ngọc Phương (nay là số 491/1 đường Lê Quang Định, phường 1, quận Gò Vấp, Tp.Hồ Chí Minh).

Bản Điều lệ, phần Danh hiệu - Hội sở - Mục đích, Điều thứ nhất quy định: Giữa những người nữ tu xuất gia thuộc Phật giáo công nhận Bản Điều lệ này, có thành lập một Hiệp hội tên là: Giáo hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam, đặt dưới chế độ Dụ số 10, ngày 6/8/1950.

Như vậy, cũng như Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt nam, Giáo hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam theo Đạo Dụ số 10 ngày 6/8/1950 chỉ được xem là Hiệp hội.

Về Thành phần giáo hội, Điều thứ sáu quy định: Giáo hội gồm có hội viên là Ni cô, bất luận quốc tịch, bất luận hạn số, phân ra bốn hạng: Tỳ kheo ni, tập sự Tỳ kheo ni, sadini và tập sự sadini.

Về tổ chức lãnh đạo cấp Trung ương của ni giới giống như tăng giới. Chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Tri sự trưởng, Tri sự phó, Thư ký, Kiểm soát viên, Cố vấn của Ni giới giống như Điều lệ của Tăng giới đã trình bày ở phần trên. Về tổ chức địa phương, ở tỉnh lập chi hội. Các chi hội đều phải tuân theo Điều lệ của Giáo hội Ni giới nhưng có quyền tự trị về các công việc địa phương của chi hội (Điều thứ hai mươi nhăm). Mỗi chi hội tỉnh có một Ban Tri sự Trung ương (Điều thứ hai mươi sáu).

Ban Tri sự sáng lập gồm:

Tri sự trưởng: Bạch Liên
Tri sự phó: Thanh Liên
Thư ký: Thành Liên
Kiểm soát viên: Chơn Liên
Cố vấn: Tạng Liên.

Trên thực tế về mặt tổ chức của Ni giới cho thấy trong một số giáo đoàn Tăng có phân đoàn Ni giới như: Hai phân đoàn Ni giới trực thuộc Tăng đoàn IV, một phân đoàn Ni thuộc tăng đoàn III.

3. Thời kỳ từ 1981 đến nay

Năm 1981, Hệ phái Khất sĩ là một trong 9 tổ chức Phật giáo hợp nhất thành một tổ chức mới với tên gọi: Giáo hội Phật giáo Việt Nam. “Đoàn Đại biểu Khất sĩ tham dự hội nghị do Hòa thượng Thích Giác Nhu làm Trưởng đoàn, Hòa thượng Thích Giác Phúc (Phó Trưởng đoàn), Ni sư Thích Nữ Tố Liên (Thư ký đoàn) cùng một số thành viên”. Từ đây Hệ phái Khất sĩ cùng với hai hệ phái Bắc tông và Nam tông là 3 hệ phái chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Sau khi gia nhập ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hệ phái Khất sĩ có điều kiện hơn để phát triển giáo hội về tổ chức, hoạt động nghi lễ và các hoạt động văn hóa - xã hội từ thiện. Về lĩnh vực tổ chức, đến năm 1982, Hệ phái Khất sĩ có thêm một giáo đoàn vốn do cố Hòa thượng Giác Huệ thành lập gia nhập hệ phái trở thành giáo đoàn VI. Một đoàn do cố Trưởng lão Từ Huệ lập năm 1950 hoạt động rải rác ở các tỉnh miền núi, miền Trung và Nam bộ gia nhập Giáo đoàn IV vào tháng 7/2007.

Kể từ năm 1982, Hệ phái Khất sĩ có 6 giáo đoàn Tăng và 1 Đoàn Ni giới, riêng 3 phân đoàn Ni giới nằm trong Giáo đoàn III và IV.

Về Giáo đoàn Tăng đến năm 2012 trải qua 3 kỳ đại hội, theo đó là mô hình tổ chức ngày càng được củng cố.

Mô hình tổ chức Trung ương của Hệ phái (nhiệm kỳ một 1991 - 1996)

Ban Chứng minh
Ban Thường trực

[gồm Trưởng ban, phó Trưởng ban, Thư ký (Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký), Kiểm soát, các Ủy viên]. Nhiệm kỳ này không có các tiểu ban.

Nhiệm kỳ hai (07/09/2009) có thêm 4 tiểu ban.

Tiểu ban Tăng sự
Tiểu ban Giáo dục
Tiểu ban nghi lễ
Tiểu ban hướng dẫn cư sĩ

Nhiệm kỳ ba (02/09/2012) ngoài 4 tiểu ban trên có thêm Tiểu ban Hoằng pháp.

Như vậy đến nhiệm kỳ 3, hệ thống tổ chức Trung ương của Hệ phái Khất sĩ gồm: Ban Chứng minh, Ban Thường trực và 5 tiểu ban.( )

Về Giáo đoàn Ni

Như phần trên đề cập Giáo đoàn Ni giới của hệ phái Khất sĩ gồm có 1 Đoàn Ni giới và 3 phân đoàn Ni giới nằm trong Giáo đoàn III và IV. Trong đó Giáo đoàn IV có phân đoàn 1 và phân đoàn 2, Giáo đoàn 3 có phân đoàn III.

Về tổ chức mỗi phân đoàn có cách gọi khác nhau:
 
Với Phân đoàn 3, nhiệm kỳ I (1981 - 1984), nhiệm kỳ II (1985-1989), nhiệm kỳ III (1990 -1994) gồm có các chức Trưởng ban, Phó ban, Thư ký. Nhiệm kỳ IV hệ thống tổ chức có sự thay đổi gồm: Ban Quản sự, Ban Thư ký, Ban Giáo luật, Ban Hoằng pháp, Ban Thủ quỹ, Hội đồng Tỳ kheo Ni.

Với Phân đoàn 2 từ năm 1981 đến năm 2003, hệ thống tổ chức gồm Trưởng Phân đoàn, Phó Phân đoàn. Từ năm 2003 thêm các Ban như: Ban Cố vấn, Ban Tăng sự, Kiểm soát, Từ thiện, Hội đồng Tỳ kheo Ni.

Do đặc thù, Giáo đoàn III có 2 Phân đoàn Ni giới, mùa Vu Lan 1998, dưới sự cố vấn chứng minh của Hòa thượng Thích Giác Ngộ, Ban Quản chúng Ni được hình thành, mục đích: hợp nhất hai Phân đoàn Ni (1 và 2) thành một tập thể thống nhất có lãnh đạo, nội quy sinh hoạt theo một hệ thống nhất định.

Tại nhiệm kỳ 1 (1998 - 2004) một hệ thống tổ chức ni giới thuộc Giáo đoàn IV ra đời gồm:

Ban Chứng minh: Trưởng ban, Phó ban, Thư ký, Phó thư ký, Giám luật, Phó Giám luật, Thủ quỹ, Ủy viên. Ngày 30/12/2003 thành lập Hội đồng Tỳ kheo ni. Tổ chức nhiệm kỳ II (2004 - 2007) giống như nhiệm kỳ I, năm 2007 - 2009 Ban Quản chúng Ni đoàn IV lưu nhiệm. Nhiệm kỳ IV (2009 - 2012) có thêm Ban Tăng sự và một số đặc trách các Phân ban.

Về tổ chức Ni giới: Phần trên bài viết đã trình bày về Giáo hội Khất sĩ Ni giới. Tổ chức được thành lập trên cơ sở nghị định số 7/BNV/NA/P5. Hệ thống về cơ bản được duy trì cho đến hiện nay. Tổ chức Ni giới ngoài việc thực hiện các điều luật đã được quy định trong Giới bổn và 114 Điều răn của Tổ sư Minh Đăng Quang, ngày 05/03/1992 dưới thời kỳ lãnh đạo của Ni trưởng Bạch Liên cho áp dụng Nội quy Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam. Bản Nội quy gồm 18 Điều “nhằm mục đích làm cho Ni giới Khất sĩ Việt Nam ngày càng xứng đáng là một tập thể IV: “giới đức, trang nghiêm tu học, song hành, giữ vững giềng mối xưa, làm rạng danh Thày Tổ”( ).

Đến thời điểm 2010, Giáo hội Ni giới của Hệ phái Khất sĩ trải qua 4 đời Ni trưởng.

Tính đến thời điểm năm 2010, Ni giới Hệ phái Khất sĩ thuộc Tổ đình Ngọc Phương hiện nay có 148 tịnh xá, 33 tịnh thất, 21 chùa và 1034 vị ni chúng xuất gia tu học (tính từ Sadini trở lên). Hằng năm đều có tổ chức khóa An cư Kiết hạ để chư ni các miền tịnh xá tập trung về thọ học Kinh, Luật, Luận, thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức.

70 năm đã trôi qua kể từ khi Đức Tổ sư khai sáng ra Hệ phái dù trải qua những thăng trầm và dù gia nhập vào ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, về hệ thống tổ chức, một mặt, Hệ phái có đại biểu của mình vào Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và một số ban ngành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mặt khác Hệ phái vẫn duy trì những nét đặc thù về hệ thống tổ chức. Đó chính là sự kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp mà đức Tổ sư đã dày công tạo dựng và các bậc Tôn đức lãnh đạo kế thừa.

PGs Ts.Nguyễn Hồng Dương - Viện Nghiên cứu Tôn giáo/Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 3 năm 2014
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Kinh Pháp Hoa: Ánh sáng nhân bản và hòa bình

Nghiên cứu 12:00 18/02/2024

Kinh Pháp hoa (Saddharma puṇḍarīka Sūtra) là một trong những bộ kinh thuộc truyền thống Đại thừa (Mahāyāna), hay còn gọi là Phật giáo Phát triển.

Vài nét về khái niệm tự lực và tha lực trong Phật giáo

Nghiên cứu 10:00 14/02/2024

Tự lực và tha lực tuy là hai khái niệm khác nhau nhưng không đối nghịch nhau, và hai yếu tố này không thể thiếu trong tiến trình tu tập của một người con Phật.

Dĩ hòa vi quý (Phần 1)

Nghiên cứu 11:00 04/02/2024

Dĩ hòa vi quý là lấy điều hòa làm quý, cần được tôn trọng. Đó là câu tục ngữ dạy đạo xử thế, làm cho cuộc sống chung với mọi người được êm ấm, vui vẻ. Đó là chìa khóa mở cửa lâu đài hạnh phúc cho chính mình và cho người khác trong cuộc sống tập thể từ gia đình đến xã hội.

Xem thêm