Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 21/06/2016, 09:19 AM

Hiểu về thông điệp "Đối thoại đích thực"

Tổng thống Mỹ, Barack Obama, có nhắc tới một câu của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: "In true dialogue, both sides are willing to change". Nhiều người đã sử dụng cách dịch sau: "Chỉ có những đối thoại chân thành mới làm cho cả hai bên sẵn sàng thay đổi". Cách dịch đó truyền tải một thông điệp khác với thông điệp mà chúng con nhận được khi đọc nguyên văn của Thầy. Một thông điệp cũng là một chỉ dẫn để thực tập. Các cách hiểu khác nhau sẽ đưa tới định hướng thực tập khác nhau, và sẽ đưa cuộc sống của mình đi theo những chiều hướng khác nhau. 

Kính gửi: Ban Thông tin Truyền thông T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Chúng con là những thiền sinh tại Hà Nội. Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua của tổng thống Obama, ông đã có một bài phát biểu trong đó trích dẫn một lời dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Thông điệp đó đã được dịch sang tiếng Việt và lan tỏa nhanh chóng trên mạng Internet, được đón nhận nhiệt liệt.

Chúng con nhận thấy cách hiểu phổ biến đó chưa được đúng với tinh thần của thông điệp gốc, nên chúng con đã cùng viết ra cái thấy của mình, để được quý thầy xem giúp và soi sáng thêm cho chúng con. Nếu quý thầy thấy rằng những gì chúng con chia sẻ là hợp lí, hợp pháp, chúng con mong rằng nội dung đó sẽ đến được với đại chúng để đóng góp thêm một cách nhìn cho các độc giả, những ai đã quan tâm đến thông điệp do tổng thống Obama trích dẫn.

Chúng con cảm ơn quý thầy đã đọc thư!
***
Đối thoại đích thực

Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5/2016, Tổng thống Mỹ, Barack Obama, có nhắc tới một câu của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, trích từ cuốn "Living Buddha, Living Christ" (bản dịch tiếng Việt là “Phật pháp thân, Chúa hằng sống”). Đó cũng là câu nói được dư luận quan tâm gần đây: "In true dialogue, both sides are willing to change".

Nhiều người đã sử dụng cách dịch sau: "Chỉ có những đối thoại chân thành mới làm cho cả hai bên sẵn sàng thay đổi". Cách dịch đó truyền tải một thông điệp khác với thông điệp mà chúng con nhận được khi đọc nguyên văn của Thầy. Một thông điệp cũng là một chỉ dẫn để thực tập. Các cách hiểu khác nhau sẽ đưa tới định hướng thực tập khác nhau, và sẽ đưa cuộc sống của mình đi theo những chiều hướng khác nhau.

Khi đọc bản dịch tiếng Việt này và chứng kiến sự lan truyền nhanh chóng của nó trên mạng Internet, chúng con mong muốn đóng góp cách nhìn của mình để chúng ta cùng nhìn lại bài học mà Thầy đã gửi gắm.
 
Tiền đề của đối thoại

Trước khi bàn về sự khác nhau trong hai cách dịch ra tiếng Việt, chúng con xin thử dịch lại theo cách hiểu của mình. Để ý nghĩa được rõ ràng, chúng con sẽ trích dẫn nhiều hơn một chút.

Nguyên văn:

"In a true dialogue, both sides are willing to change. We have to appreciate that truth can be received from outside of - not only within - our own group. If we do not believe that, entering into dialogue would be a waste of time. If we think we monopolize the truth and we still organize a dialogue, it is not authentic. We have to believe that by engaging in dialogue with the other person, we have the possibility of making a change within ourselves, that we can become deeper.

Dialogue is not a means for assimilation in the sense that one side expands and incorporates the other into its "self". Dialogue must be practiced on the basis of "non-self". We have to allow what is good, beautiful and meaningful in the other's tradition to transform us."  

Chúng con xin đề xuất một cách dịch như sau:

"Trong một cuộc đối thoại đích thực, cả hai bên đều đã sẵn sàng thay đổi. Chúng ta cần thấy rõ được rằng sự thật có thể được đón nhận từ bên ngoài - chứ không phải chỉ bên trong - nhóm của mình. Nếu chúng ta không tin điều đó, đi vào một cuộc đối thoại sẽ là một việc làm mất thời gian. Nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta độc quyền sự thật và chúng ta vẫn tổ chức cuộc đối thoại, thì đó không phải cuộc đối thoại đích thực. Chúng ta cần tin rằng khi tham gia vào cuộc đối thoại với người kia, chúng ta có khả năng làm nên một sự thay đổi bên trong chính mình, rằng chúng ta có thể trở nên sâu sắc hơn.

Đối thoại không phải là phương tiện để thu nạp, theo nghĩa là một bên bành trướng ra và hấp thụ bên kia vào cái "ngã" của mình. Đối thoại cần phải được thực hiện trên nền tảng "vô ngã". Chúng ta cần cho phép mình được chuyển hóa nhờ những gì tốt lành, đẹp đẽ và ý nghĩa ở truyền thống của bên kia."

Nếu xét riêng câu "In true dialogue, both sides are willing to change" thì đã có thể thấy rằng câu này không nên được dịch là "Chỉ có những đối thoại chân thành mới làm cho cả hai bên sẵn sàng thay đổi". Cách dịch đó chỉ hợp nếu nguyên văn tiếng Anh là: "Only through/by true dialogue, both sides will be willing to change", hoặc là: “Only true dialogue can make both sides willing to change".

Nhưng chúng con không chỉ dựa vào việc phân tích cú pháp tiếng Anh để nhìn nhận lại cách hiểu thông điệp của Thầy. Sự thực tập nhìn sâu và trải nghiệm giúp chúng ta hiểu mấu chốt của vấn đề, và kết hợp với những lời dạy khác của Thầy, chúng ta có thể hiểu lại cho đúng ý Thầy và chọn cho mình cách thực tập lời Thầy cho phù hợp, cho lợi lạc nhất.

"Trong một cuộc đối thoại đích thực, cả hai bên đều đã sẵn sàng thay đổi", đó là cách mà chúng con đã chọn dịch, và chúng ta cũng có thể hiểu câu đó như sau: Khi muốn tổ chức/ xây dựng một cuộc đối thoại có thực chất, thì từ trước đó cả hai bên đều cần sẵn sàng cho việc thay đổi chính mình. Có nghĩa là sự sẵn sàng thay đổi nơi mỗi đương sự mới là điều kiện cần để đưa tới việc tổ chức đối thoại.

Điều này cũng đã được Thầy giải thích sáng tỏ ở đoạn tiếp theo: "Chúng ta cần thấy rõ được rằng sự thật có thể được đón nhận từ bên ngoài - chứ không phải chỉ bên trong - nhóm của mình. Nếu chúng ta không tin điều đó, đi vào một cuộc đối thoại sẽ là một việc làm mất thời gian. Nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta độc quyền sự thật và chúng ta vẫn tổ chức cuộc đối thoại, thì đó không phải cuộc đối thoại đích thực".

Nếu theo cách dịch hiện đang được nhiều người dùng, rằng "chỉ có những đối thoại chân thành mới làm cho cả hai bên sẵn sàng thay đổi", chúng ta nhìn nhận "đối thoại"nhân, "chân thành"duyên, và "hai bên sẵn sàng thay đổi"quả. Như thế, "đối thoại chân thành" là một điều kiện cần để đưa tới hệ quả là "cả hai bên sẵn sàng thay đổi".

Theo cách hiểu này, chúng ta có thể bước ngay vào một cuộc đối thoại và chấp nhận rằng việc hai bên có truyền thông được với nhau hay không là tùy thuộc ở cách mà cuộc đối thoại diễn ra; chỉ khi cuộc đối thoại đã diễn ra, ta mới biết hai bên có sẵn sàng thay đổi hay không. Chúng con nhận thấy đó là một cách tiếp cận thụ động và có thể làm chúng ta lãng phí nhiều thời gian khi dấn thân vào một cuộc đối thoại như thế.

Trên thực tế, chúng con cũng thấy rằng một cuộc đối thoại chỉ nên bắt đầu khi cả hai bên (hay ít nhất là phía chúng ta) sẵn sàng lắng nghe đối phương và cởi mở với mọi tình huống, nhờ đó ta cho phép mình được học những gì mình chưa biết và ta có thể thay đổi tư tưởng của mình nếu những thông tin đến từ đối phương có thể giúp mình cởi bỏ những gì mình còn đang ngộ nhận. Thái độ cởi mở này cần phải được chuẩn bị từ trước khi bước vào cuộc đối thoại, đó cần phải là một mong muốn thay đổi có tính chủ động.

Khi bước vào một cuộc đối thoại với tư tưởng bảo thủ quan điểm của mình, nắm giữ nó bằng mọi cách, kể cả cách phủ đầu đối phương bằng uy quyền, bằng sự áp đặt quan điểm của mình, hoặc tự ý gây gián đoạn và chấm dứt cuộc đối thoại với ý nghĩ rằng đối phương chưa có khả năng hiểu mình... thì chúng ta đã thất bại ngay từ khi chưa bắt đầu đối thoại. Vì thế, sự cởi mở và sẵn sàng đón nhận sự thật là điều rất cần thiết, trước và trong khi chúng ta đi vào bất kì một cuộc đối thoại nào.

"Chỉ có những đối thoại chân thành mới làm cho cả hai bên sẵn sàng thay đổi", cách dịch này tuy không khiến thông điệp trở nên tiêu cực, nhưng cái nghĩa tích cực của nó vẫn rất hạn chế bởi nó đã làm mất đi cái "tinh túy" trong thông điệp của Thầy.

Trước khi đi vào đối thoại, mình cần chuẩn bị tâm thế cho mình trước đã, đó là tâm thế sẵn sàng thay đối, không cố chấp, không độc đoán; mình mở ra trong lòng mình một khả năng là rất có thể là mình không đúng lắm như mình vẫn nghĩ đâu, và trong trường hợp đó, mình sẵn sàng thay đổi. Đó là sự chuẩn bị của tự thân mỗi người, trước khi chính thức bước vào đối thoại.

Thầy đã nhận ra cái lỗi mà chúng ta rất hay gặp phải: Chúng ta thường bước vào các cuộc tranh luận với tâm thế chiến đấu để bảo vệ quan điểm của mình. Vì vậy mà khả năng để mình thay đổi và hiểu nhau hơn thông qua đối thoại là rất thấp.  

Bằng một câu trích dẫn ngắn gọn lời dạy của Thầy về đối thoại đích thực, tổng thống Obama đã gợi mở nơi người nghe những chiều kích khác của hai chữ “đối thoại”. Đó là câu chuyện về sự truyền thông giữa người với người, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mà rộng ra là giữa quốc gia này với quốc gia khác, giữa tôn giáo này với tôn giáo kia, giữa hiện tại và quá khứ… và giữa nhiều mối quan hệ đa phương.

Trong đó, để đối thoại thực sự thông suốt thì mỗi bên cần tự đối thoại với chính mình trước thì mới hi vọng thành công trong đối thoại giữa các bên.

Thầy cũng đã phân tích về tầm quan trọng của khả năng tự đối thoại trong đoạn trích tiếp theo:

"But the most basic principle of interfaith dialogue is that the dialogue must begin, first of all, within oneself. Our capacity to make peace with another person and with the world depends very much on our capacity to make peace with ourselves. If we are at war with our parents, our family, our society, or our church, there is probably a war going on inside us also, so the most basic work for peace is to return to ourselves and create harmony among the elements within us - our feelings, our perceptions and our mental states.

That is why the practice of meditation, looking deeply, is so important. We must recognize and accept the conflicting elements that are within us and their underlying causes. It takes time, but the effort always bears fruit. When we have peace within, real dialogue with others is possible."  

Chúng con tạm dịch như sau:

"Nguyên tắc cơ bản nhất của một cuộc đối thoại liên tôn là cuộc đối thoại phải bắt đầu trước hết nơi chính mình. Khả năng của chúng ta trong việc gây dựng hòa bình với người khác và với thế giới phụ thuộc rất nhiều ở khả năng của chúng ta trong việc thiết lập bình an trong chính mình. Nếu chúng ta gây chiến với bố mẹ mình, gia đình mình, xã hội mình, hoặc với nhà thờ của mình, thì rất có thể bên trong chúng ta cũng đang có một cuộc chiến, cho nên việc cơ bản nhất để xây dựng hòa bình chính là quay về với bản thân và tạo ra sự hòa hợp giữa các thành tố trong chúng ta - cảm thọ, tri giác và tâm hành.

Đó là lí do vì sao mà thiền tập, sự thực tập nhìn sâu, là rất quan trọng. Chúng ta cần nhận diện và chấp nhận các yếu tố mâu thuẫn đang có mặt trong mình và các căn nguyên của chúng. Việc đó cần thời gian, nhưng nỗ lực luôn đưa tới thành tựu. Khi chúng ta có sự bình an bên trong, chúng ta mới có thể đối thoại với người khác một cách đích thực."

Hướng về ánh sáng

Đối thoại là một cách để truyền thông, truyền thông để học hỏi, mở ra những cơ hội đón nhận những gì mình chưa biết, và cởi bỏ những gì còn bế tắc trong mình. Một cái cây muốn được ánh nắng nuôi dưỡng mình thì cũng cần chủ động hướng về phía ánh sáng. Với một cái cây trốn sáng, dù ta có mang ánh sáng chiếu vào nó thì nó cũng sẽ tìm cách tránh né.

Nếu ánh sáng là những gì thật sự cần thiết cho sự sống của cái cây, tránh né ánh sáng tức là nó đang tự làm tổn hại chính mình. Những người muốn đối thoại với nhau cũng vậy, nếu muốn đối thoại để nuôi dưỡng mình và nuôi dưỡng đối phương thì ý muốn đó cần có sẵn từ trước rồi. Nếu đến cuộc đối thoại với thái độ bảo thủ thì dù sự thật có được bày ra trước mắt, ta cũng sẽ quay lưng lại.

Như vậy, ta chẳng được lợi lạc gì, đối phương lại càng không. Chỉ trong một vài trường hợp may mắn hơn, là khi những hạt giống hiểu biết, giác ngộ đã nổi lên một chút trong tâm người bảo thủ, thì may ra nhờ cuộc đối thoại khéo léo mà các hạt giống ấy được tưới tẩm và biểu hiện, người ấy có thể trút bỏ dần sự bảo thủ của mình.

Đây cũng chính là chỗ mà cách hiểu sai thông điệp kia của Thầy có thể ứng hợp được vào, là trường hợp mà người ta mang tâm bảo thủ đến đối thoại và được chuyển hóa nhờ cuộc đối thoại ấy. Tuy nhiên, chúng ta cần ý thức rằng sự chuyển hóa trong những hoàn cảnh đó là rất khó khăn.

Xây dựng truyền thông với gia đình, bạn bè và xã hội cũng là mối quan tâm của hầu hết chúng ta. Những cuộc đối thoại có thể giúp chúng ta hiểu nhau nhiều hơn nhưng nếu không khéo thì cũng có thể khiến chúng ta làm lớn thêm những hiểu lầm và nội kết đối với nhau.

Chính vì thế, chúng ta cần hiểu rằng nền tảng cho sự đối thoại đích thực nằm ở nơi chính mình và chúng ta cần phải có sự chuẩn bị trước khi bước vào một cuộc đối thoại. Không phải là chuẩn bị những lí lẽ, nhưng ngôn từ sắc sảo để lấn át, tấn công hay thuyết phục đối phương, mà là chuẩn bị một không gian rộng rãi và trong sáng nơi chính mình, để ta vừa có thể bao dung được những sự khác biệt trong quan điểm của mình và đối phương, vừa có thể nhẫn nại trong quá trình đối thoại, để vững chãi và thảnh thơi đi tiếp, cùng đối phương chia sẻ và lắng nghe lẫn nhau.

Ngày 01/06/2016
Trúc Thanh - Tâm Ảnh Nguyệt
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Quảng Ninh "quản lý hòm công đức" và một góc nhìn!

Ý kiến – Diễn đàn 13:37 09/11/2018

Vậy thì, trước khi ban hành Công văn số 489/UB-VX1, UBND tỉnh Quảng Ninh đã được chủ sở hữu tài sản “ủy quyền” định đoạt hoặc ủy quyền được tham gia định đoạt tài sản chưa? Đã có trong tay quy định nào từ văn bản luật làm căn cứ pháp lý ban hành chưa? Nếu “chưa” thì rõ ràng là không ổn rồi!

Âm mưu phá hoại Phật giáo của Pháp Luân Công

Ý kiến – Diễn đàn 15:30 07/11/2018

Pháp Luân Công, một tổ chức ngụy trang Phật giáo, đã bóp méo giáo lý của Phật giáo. Cộng đồng Phật giáo phản đối việc đăng ký của Pháp Luân Công cũng là để làm sáng tỏ và bảo vệ Phật giáo chính thống thì lại bị buộc tội không coi trọng nhân quyền. Ai là kẻ vi phạm nhân quyền, phá hoại tôn giáo khác và ai mới là người bảo vệ tôn giáo chính thống?

Suy nghĩ đôi điều về sự cầu siêu và cúng thí thực

Ý kiến – Diễn đàn 15:10 11/10/2018

Cầu siêu là cầu mong siêu thoát, nghĩa là dùng phương pháp nào đó để giúp vong linh của người đã chết vượt qua khỏi cảnh khổ đau. Ý nghĩa thì như vậy, nhưng có siêu thoát được hay không, đây là vấn đề thuộc phương pháp siêu độ hay nói đúng hơn là Pháp thuật vi diệu nào đó mới siêu độ nổi vong linh người quá cố.

Nhà Phật có cấm đánh ghen không?

Ý kiến – Diễn đàn 05:15 09/10/2018

“Tinh tinh”... tiếng chuông tin nhắn vang lên. “Nhà Phật có cấm đánh ghen không mày?”, đọc tin cô bạn thân gửi mà tôi vừa thấy buồn cười lại vừa lo lắng. Tôi vội nhấc điện thoại hẹn gặp bạn ngay để hỏi thăm tình hình, phòng trường hợp bạn “giận quá mất khôn”.

Xem thêm