Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 06/09/2016, 15:15 PM

Học Phật pháp phải nên chú ý phần thực hành

Cũng như thế, người tu học Phật pháp nếu muốn tự thanh tịnh thân tâm thì phải chú trọng phần thực hành. Vì tâm bịnh của chúng sinh không đồng, nên Phật thiết lập ra bao loại pháp môn. 

Tuy cơ duyên khó gặp, nhưng bảo rằng tôi nói lời khai thị thì thật rất hổ thẹn. Quý vị thiện tri thức! Nhân duyên tới Quảng Châu lần này của tôi là do sự thỉnh mời của Tướng quân Trương Phát Khuê và Chủ tịch La Trác Anh đến đây kiến lập pháp hội Thủy Lục để cầu siêu độ cho các vong hồn chiến sĩ, đồng bào tử nạn trong đại chiến thế giới lần thứ hai. Lại vì ước hẹn với Hội Phật giáo tại Hồng Kông cùng muốn gặp gỡ các đệ tử hộ pháp, nên nay tôi mới đến đây. Hôm nay gặp quý vị tại pháp đường, thật là một cơ duyên khó được. Nếu nói khai thị pháp yếu, tôi cảm thấy rất xấu hổ muôn phần. Thứ nhất ngôn ngữ không thông, mình người ngăn cách. Thứ hai, tự không thể khai thị cho chính mình, sao dám nói đến việc khai thị cho người? Thế nên, chỉ có thể cùng quý vị tùy duyên mà đàm luận.

"Thường nghe được Phật pháp, người Hồng Kông quả thật có phước báu".

Chúng ta là đệ tử Phật, biết rõ Phật pháp khó được nghe. Tuy nhiên, tại Hồng Kông, thường có chư vị đại pháp sư từ các đạo tràng Phật giáo khắp nơi, qua đây giảng kinh giảng luận. Sao không thể bảo là người Hồng Kông có phước báo nhiều ư? Pháp sư giảng kinh nhiều; người hiểu rõ giáo lý cũng nhiều. Tuy nhiên, trong việc hoằng pháp, điều trọng yếu là phải dạy người chẳng nên chấp trước hình tướng bên ngoài. Kinh nói: "Đối với tất cả vật có hình tướng, đều là hư vọng".

Kinh lại bảo: "Chúng sinh trên cõi đất này đều có đầy đủ trí huệ phước đức của Như Lai".

Chúng sinh đều đầy đủ đức tướng trí huệ phước đức của Như Lai, nhưng chưa có thể thành Phật chỉ vì trần lao phiền não làm mê hoặc. Phước đức và trí huệ của Phật đà viên mãn tròn đầy; chân tâm thường trụ không còn bị mê hoặc. Thường tức là bất biến. Trụ tức là bất động. Chân tức là không giả dối. Tâm bất biến, bất động, không giả dối này giác ngộ liễu tri được hết tất cả pháp, nên gọi là chân tâm thường trụ.

"Khởi hoặc tác nghiệp, tạo vô lượng bệnh khổ".

Chúng sinh vì mê mờ chân tâm thường trụ nên khởi mê hoặc mà tạo nghiệp xấu. Trong bâng khuâng rối rít hiện ra vô lượng thống khổ. Đại Thừa Khởi Tín Luận viết: "Vô minh bất giác sinh ba tế. Cảnh giới do duyên khởi thành sáu thô".

Thô tức là tướng sự vật có thể thấy được. Những hiện tượng trước mắt trên thế gian như tham sân si, cùng bao nghiệp ác giết hại, ăn cắp, tà dâm, nói láo, v.v... đầy dẫy khắp cả. Do những nghiệp ác này, chúng dẫn dắt chúng ta lưu chuyển thọ quả báo, cho đến có sự lưu chuyển liên tục của chúng sinh và thế giới. Truy cứu nhân duyên luân hồi, biết rõ chỉ vì tâm mê chấp ngoại cảnh. Nếu thường giác ngộ, bỏ vọng xoay về chân thì sẽ tiêu diệt bao thống khổ của dòng sinh tử luân hồi.

Vì sao có tham sân si khiến sinh khởi những nghiệp ác, giết hại, ăn cắp, tà dâm?
 
"Nếu tâm mọi người đều thanh tịnh thì thế giới sẽ được thanh bình, và nhân dân được an lạc".

Như trong một gia đình, cha mẹ luôn thương mến ái hộ con cái, trai lẫn gái. Vì có ái nên có tham. Vì tham đắm ái dục này, nên thường thích hưởng thụ những việc sung sướng. Vì tham cầu không được nên tâm sân hận nổi lên. Tâm sân nổi lên hừng hực nên khởi tranh đấu. Việc nhỏ thì nhà này cùng nhà khác tranh. Việc lớn thì nước này cùng nước khác tranh, rồi khởi bao chiến tranh khốc liệt. Nếu muốn thế giới hòa bình nhân dân an lạc thì mỗi người phải tự thanh tịnh thân tâm. Có tham sân si cũng như người có tâm bệnh. Nếu muốn dẹp trừ tâm bệnh này thì phải y theo lời chỉ bảo, rồi dùng toa thuốc vi diệu của thầy thuốc. Đức Phật là vị lương y, trị tâm bệnh cho tất cả chúng sinh. Tất cả Phật pháp đều là những toa thuốc vi diệu. Tâm bệnh của chúng sinh có rất nhiều loại, nên phải có nhiều pháp môn để trị liệu.

"Học Phật pháp phải nên chú ý phần thực hành".

Nếu tin tưởng sự chẩn bệnh và toa thuốc của thầy thuốc, rồi tự dùng thuốc đó thì bịnh tất sẽ tiêu trừ. Ngược lại, tuy tin thầy thuốc và toa thuốc vi diệu, nhưng lại không uống thì bịnh vẫn y nhiên còn mãi. Cũng như thế, người tu học Phật pháp nếu muốn tự thanh tịnh thân tâm thì phải chú trọng phần thực hành. Vì tâm bệnh của chúng sinh không đồng, nên Phật thiết lập ra bao loại pháp môn. Đối với người có tâm sân hận nặng nề thì dạy tu quán từ bi. Để trị tâm tán loạn, phải dạy tu chỉ quán. Để trị bệnh nghiệp chướng nặng nề, phải dạy niệm Phật. Đức Như Lai thuyết ba tạng kinh điển, mười hai phần giáo mà không thiên vị gì là trọng (nặng) hay gì là khinh (nhẹ); thật không thể nghĩ bàn !

"Bất ly bổn tông, chuyên tâm tín lại".

Chỉ nên chọn lựa pháp môn nào thích hợp cho chính mình, rồi dùng pháp môn đó làm chính, còn những pháp môn khác thì làm phụ. Trong bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi thường chuyên tâm tu học mà không rời tông chính. Ví dụ, niệm Phật thì lúc nào cũng không quên niệm. Kinh nói: "Thọ trì danh hiệu sáu mươi hai ức hằng hà sa số chư Bồ Tát cũng đồng như nhất tâm niệm một danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ Tát. Công đức trì niệm này, thật không khác biệt".

Vì miễn cưỡng, muốn khích lệ chúng sanh chuyên tâm tin tưởng tông này, nên đức Phật mới thuyết như thế. Người học Phật, nếu không biết gì là chủ bạn, và không chuyên tu học, thì kết quả nhất định sẽ không đạt chi cả.

"Nỗ lực phá trừ tất cả vọng tưởng".

Lại nữa, người học Phật phải y theo giới luật Phật chế. Giới là cội gốc của đạo Bồ Đề vô thượng. Nếu y theo giới luật của Phật chế thì không luận tham thiền, niệm Phật, giảng kinh, v.v... tất cả đều là Phật pháp. Nếu không y theo giới luật Phật chế mà cuống quẩn tham thiền, niệm Phật, giảng kinh, thì cùng đạo cách xa muôn trùng, và dễ dàng lạc vào ngoại đạo. Người tu hành học Phật, chớ hướng ngoại truy cầu, chỉ nên tự trừ khử nghiệp chướng, thì sẽ không lưu chuyển trong dòng sanh tử. Nếu cắt đứt được dòng sanh tử thì không cần hành trì chi nữa.

Kinh thuyết: "Phật thuyết hết thảy pháp, để đối trị hết thảy tâm. Nếu không có tất cả tâm, thì không có tất cả pháp".

Tâm này chỉ cho tâm vọng tưởng. Ý của đoạn kinh này là nếu không có bịnh thì cần gì đến thuốc.

Lại nữa, người học Phật phải có đầy đủ niềm tự tin. Trong kinh Phạm Võng, đức Phật nói:

- Ta đã thành Phật. Các ông trong tương lai cũng sẽ thành Phật. Phải có niềm tin như thế thì giới phẩm mới đầy đủ.

Đoạn kinh này bảo rằng nếu người người tự tin là mình có đầy đủ đức tánh của chư Phật thì đời tương lai sẽ thành Phật. Vì thế, phải nỗ lực giải trừ hết tất cả vọng tưởng khách trần.

"Lại như một tuồng kịch, đời người vốn là mộng huyễn".

Phải tự tin tâm mình vốn là Phật. Tất cả phiền não, tất cả tướng, tất cả chướng ngại, đều là vọng tưởng điên đảo. Do đó, người tu đạo chớ nên chấp trước mà phải xả bỏ hết tất cả. Vì thế bảo rằng muôn pháp đều là không, nên chẳng thể chứng đắc một pháp gì. Kinh Kim Cang thuyết:

"Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng huyễn, như bong bóng nước
Như sương mai, như điện chớp
Phải nên quán sát như thế".

Tại sao tất cả pháp hữu vi trên thế gian đều như mộng huyễn không thật? Lấy một ví dụ để hiểu rõ ràng. Như trong một tuồng kịch cải lương, khi đánh trống khởi nhạc lên, các nghệ sĩ nam nữ già trẻ y theo vai tuồng của mình mà lên sân khấu diễn xuất. Trong khi diễn xuất, có bao tình tiết vui buồn, nóng giận, ghen ghét, v.v... Có người đóng vai làm Hoàng Đế oai phong lẫm liệt, nhưng khi xuống sân khấu thì trở lại làm người dân bình thường. Khi lên sân khấu thì diễn xuất bao cảnh giết người phạm pháp, hung ác, cùng bao cảnh tượng kinh hoàng khủng khiếp, hay ưu sầu buồn bã. Tuy nhiên, khi xuống sân khấu thì cười bảo: "Chỉ đóng tuồng thôi".

"Phải nên hiểu rõ, vì sao có khổ đau sung sướng ?"

Khi diễn tuồng thì những tình tiết trên sân khấu trông giống như thật, nhưng lúc hạ màn thì chẳng có một tình tiết nào là thật cả. Chúng sanh cũng như thế. Lúc chưa cắt đứt hết phiền não thì vinh hoa phú quý, vui buồn giận tức, xuất hiện rõ ràng. Ai ai cũng vốn là Phật, giống như người đóng kịch. Lúc lưu chuyển theo phiền não, cũng giống như đang đóng tuồng trên sân khấu. Phải nên hiểu rõ cảnh tượng thế gian giống như kịch trường sân khấu. Được lên tận thiên đường chưa phải là vui. Bị đọa xuống địa ngục chẳng phải là khổ. Người nam vốn chẳng phải nam. Người nữ vốn chẳng phải nữ. Phật tánh đồng một thể. Người thế gian không biết, trong mộng tự phân biệt rằng đây là mình, đây là người, đây là thân, đây là oán, nên mê muội không ngừng nghỉ. Người xuất gia tuy xả bỏ thân bằng quyến thuộc, nhưng vẫn phân biệt chấp trước mê muội rằng đây là chùa viện, là thầy, là đệ tử, là pháp hữu, và là bạn thân của tôi.

"Bỏ vọng xoay về chân. Tự lợi chính mình và làm lợi ích cho người".

Người tại gia bị ái dục thế tình làm mê mờ. Người xuất gia cũng bị pháp hữu, và pháp quyến thuộc làm mê hoặc. Những người như thế, vẫn chưa đắc được giác ngộ chân thật. Nếu cố gắng thoát ly hết tất cả mê hoặc, bỏ vọng xoay về chân thì mới thành Phật. Do đó, Lục Tổ đại sư khi nghe đến đoạn "ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm" trong kinh Kim Cang liền đột nhiên đốn ngộ. Tám chữ này, nếu dùng ngôn từ để giải thích thì không thể được mà nội tâm phải lãnh hội. Chân lý Phật giáo tuy không thể dùng ngôn ngữ để biểu thị, nhưng nếu phế bỏ hoàn toàn thì không thể được. Phải y theo văn tự mới có thể hiểu rõ nghĩa lý. Ngày nay, người học Phật phải nghiên cứu tất cả giáo lý, nhưng vẫn lấy sự hành trì làm căn bản, rồi hoằng dương Phật pháp, khiến ngọn đuốc chánh pháp mãi mãi tiếp tục lan truyền.

"Tương thử thâm tâm phụng trần sát. Thị tắc danh vi báo Phật ân", tức là dùng thâm tâm này để phụng sự chúng sanh như số cát vi trần. Đây gọi là báo ân chư Phật.

Hy vọng tất cả người học Phật, nên lấy hai câu này làm tiêu chuẩn cho việc tự lợi và lợi người.

Thiền sư Hư Vân (Khai thị tại Đông Liên Giác Uyển, Hồng Kông, năm 1947)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Làm thế nào để thực hành tâm từ (Mettā) khi gặp khó khăn

Ứng dụng 17:20 11/11/2018

Thiền Tâm từ (Mettā) không phải là một pháp thuật hay ma thuật mà có thể giúp người dân Hoa Kỳ có đời sống tinh thần lạc quan và tốt đẹp hơn nhưng không hề sử dụng bất kỳ sự đàn áp hay quyền lực nào. Thiền Tâm từ (Mettā) tịnh hóa trái tim và tâm trí của người thực hành bằng sự kiên nhẫn.

Sử dụng của cải một cách hợp lý

Ứng dụng 16:49 11/11/2018

Đối với đa số, một người, một cộng đồng hay một quốc gia, giàu có có nghĩa là 'giàu có' trong ý nghĩa có nhiều tài sản hay tiền bạc do sự đạt được từ vật chất. Nghĩa chữ của cải nguyên thủy là trạng thái hạnh phúc. Khối cộng đồng thịnh vượng mang ý nghĩa ấy. Nhưng bây giờ người ta sử dụng danh từ này vào ý nghĩa tài sản thường để khuyếch trương phúc lợi vật chất hơn là mở mang trạng thái tinh thần.

Tu hành là tìm lại bản lai diện mục...

Ứng dụng 15:55 30/10/2018

Tu đạo là vì giải thoát, không bị chìm đắm trong luân hồi. Coi bạn có thể tu đến chỗ "Ngũ Uẩn" sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều "Không" chăng?

Quán niệm vô thường để xả ly, buông bỏ

Ứng dụng 21:53 26/10/2018

Vô thường là không có gì thường hằng, tồn tại mãi mà phải thay đổi. Đổi thay từ hình thức đến nội dung, từ vật chất cho đến tinh thần, từ hiện tượng cho đến bản chất. 

Xem thêm