Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 27/02/2013, 10:59 AM

Hương sơn phong cảnh ca: Đề án phóng sinh cá cảnh, tâm linh hóa suối Yến

Ta mơ ước một ngày không xa, sẽ có hàng triệu cá cảnh được phóng sinh xuống dòng Suối Yến nên thơ này. Ngồi trên đò trẩy hội, du khách có thể vừa cho cá ăn, vừa ngắm những chú hươu nai ăn cỏ ven bờ suối

Một đêm tháng Chạp năm Thìn. Tạm gửi lại Hương Sơn tiếng tụng kinh gõ mõ, chúng tôi từ chùa Thiên Trù xuống tới bến Trò. Cô lái đò đã chờ sẵn và không quên nhắc chúng tôi ngồi ngược hướng gió kẻo lạnh.

Đã mấy tháng nay, nhóm chúng tôi, gồm mấy anh em có duyên với nhà Phật, thường tranh thủ ngoài giờ hành chính rủ nhau vào Tùng Lâm Hương Tích để xin ý kiến Thầy trụ trì về một Đề án “Rước thần ngư”, phóng sinh cá cảnh và tâm linh hóa cho dòng Suối Yến…

Hình như giời đã khuya lắm. Vẳng lại đâu đó mấy tiếng gà gáy xa. Tiếng sóng vỗ ì oạp và sương xuống đủ làm ướt tóc. Con đò nhỏ đưa chúng tôi trôi như mơ theo dòng Suối Yến. Bỗng nhiên giời hửng sáng như có giăng. Mà chưa hẳn đã là ánh giăng, bởi giống như cảnh khuya lung linh chỉ có trong huyền thoại và cổ tích. Những con thuyền đột ngột hiện ra trong khói sương mờ ảo… Trên thuyền có già, có trẻ, ăn vận như mùa Xuân Trảy hội Chùa Hương xưa. Một người có dáng Nhà Nho, giọng đọc thơ sang sảng, ngâm nga:

Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lững lờ khe Yến cá nghe kinh…

Một giọng còn trẻ lên tiếng:

- Thưa, có phải đó là Chu tiên sinh - Chu tiền bối không?

- Ta là Chu Mạnh Trinh, tự Cán Thần, hiệu Trúc Vân đây!

- Hân hạnh cho các vạn bối quá!

- Không dám, không dám… Nhà ngươi là…?

- Tiểu sinh cùng chúng bạn đi vãng cảnh “Nam Thiên đệ nhất động”. Nghe danh Chu tiên sinh đã lâu. Ngài nổi tiếng ở sự phóng khoáng, tài hoa, thành thạo cả cầm, kỳ, thi, hoạ, lại còn giỏi cả về kiến trúc. Ngài không chỉ là người đã xây dựng đền Đa Hoà, đền Hóa Dạ Trạch, (hai ngôi đền thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên), mà còn có công lớn trong việc vẽ kiểu, trùng tu chùa Thiên Trù. Nay may mắn bất ngờ được diện kiến… lại nghe tiếng thơ thánh thót bên tai, thật là vinh dự! 

- Đó là do người đời ưu ái, từ khi ta may mắn có bài phú Hàm Tử quan hoài cổ, ca ngợi chiến công của Thượng tướng Trần Quang Khải, đời Nhà Trần.

- Nhưng ngài có tài thật sự và xứng danh là Tiến sĩ của Khoa thi Hội năm Nhâm Thìn (1892) !

- Thời gian trôi nhanh quá! Vậy là ta đã mang danh Tiến sĩ đi trọn hai vòng tuần hoàn của 12 con giáp, từ năm Nhâm Thìn ấy tới năm Nhâm Thìn này là 120 năm tròn. 

- Ngài có điều gì tâm đắc muốn nhắn gửi cho mai sau chăng?

- Còn nhớ, thời Tổng đốc Hưng Yên tổ chức cuộc thi vịnh Kiều (1905), Chánh chủ khảo là nhà thơ Nguyễn Khuyến, ta vinh dự được giải Nhất về thơ Nôm. Thú thật, là ta say mê truyện Kiều, đồng cảm với nhân vật Thuý Kiều đến mức sáng tác cả một tập thơ Nôm mang tên “Thanh Tâm tài nhân thi tập”. Cứ ngỡ hậu thế sẽ không còn ai yêu Lục Bát như ta… Nhưng nay ta đã rất yên tâm vì đã có trang thơ trên mạng lucbat.vn! Lại còn có cả Lễ hội Lục Bát vào ngày Mùng Sáu tháng Tám hằng năm…

- Ngài từng làm quan tới chức Án sát sứ tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Thái Nguyên… Nhưng tiếc thay một đời danh sĩ tài hoa mà ngắn ngủi.

- Đó cũng chỉ là quan niệm của người đời sau. Chứ gia đình ta có truyền thống Nho học, thân phụ ta là cụ Chu Duy Tĩnh từng làm quan đến chức Ngự sử. Riêng ta còn mang phong cách của một tài tử, sống hay chết đều an nhiên và tự tại, chẳng có gì hối tiếc và ân hận cả. Bình sinh, ta chỉ thích ngao du thưởng ngoại phong cảnh thiên nhiên lãng mạn, ngâm vịnh thi phú, sáng tác ca trù và làm những việc nhân văn…

- Thế còn với bài “Hương Sơn phong cảnh ca”; đặc biệt là với câu “Lững lờ khe Yến cá nghe kinh…” Tiên sinh muốn điều gì?

- Ta đã nghe nói về một Đề án “Rước thần ngư”, phóng sinh cá cảnh và tâm linh hóa cho dòng Suối Yến… đã và đang được các Tăng ni, Phật tử Tùng lâm Hương tích cùng du khách thập phương thực hiện từ mùa Lễ hội Xuân Quý Tỵ - 2013 này. Ta mơ ước một ngày không xa, sẽ có hàng triệu cá cảnh được phóng sinh xuống dòng Suối Yến nên thơ này. Ngồi trên đò trẩy hội, du khách có thể vừa cho cá ăn, vừa ngắm những chú hươu nai ăn cỏ ven bờ suối, chú khỉ tinh nghịch nhảy nhót đùa nghịch và thân thiện với con người… Được như thế thì thú vị vô cùng.

Chuyện đến đây thì con đò của chúng tôi đã tới bến Yến. Những tiếc gà gáy giục sáng tơi bời đã khiến mọi người như bừng tỉnh giấc mơ, nhưng ai cũng tin là có thực.


Chùa Hương, tháng Chạp năm Nhâm Thìn.
Quảng Tuệ - Đặng Vương Hưng

_____________
Chu Mạnh Trinh (朱孟楨, 1862-1905), một danh sĩ thời Nguyễn, người đã có công trong việc vẽ kiểu, trùng tu chùa Thiên Trù, tác giả của bài “Hương Sơn phong cảnh ca” nổi tiếng.

Chú thích: * Tiêu đề đăng trên phatgiao.org.vn do BBT đặt, tiêu đề đăng trên Tạp chí Chùa Hương: "Tìm đâu bóng cá nghe kinh"


 
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Quảng Ninh "quản lý hòm công đức" và một góc nhìn!

Ý kiến – Diễn đàn 13:37 09/11/2018

Vậy thì, trước khi ban hành Công văn số 489/UB-VX1, UBND tỉnh Quảng Ninh đã được chủ sở hữu tài sản “ủy quyền” định đoạt hoặc ủy quyền được tham gia định đoạt tài sản chưa? Đã có trong tay quy định nào từ văn bản luật làm căn cứ pháp lý ban hành chưa? Nếu “chưa” thì rõ ràng là không ổn rồi!

Âm mưu phá hoại Phật giáo của Pháp Luân Công

Ý kiến – Diễn đàn 15:30 07/11/2018

Pháp Luân Công, một tổ chức ngụy trang Phật giáo, đã bóp méo giáo lý của Phật giáo. Cộng đồng Phật giáo phản đối việc đăng ký của Pháp Luân Công cũng là để làm sáng tỏ và bảo vệ Phật giáo chính thống thì lại bị buộc tội không coi trọng nhân quyền. Ai là kẻ vi phạm nhân quyền, phá hoại tôn giáo khác và ai mới là người bảo vệ tôn giáo chính thống?

Suy nghĩ đôi điều về sự cầu siêu và cúng thí thực

Ý kiến – Diễn đàn 15:10 11/10/2018

Cầu siêu là cầu mong siêu thoát, nghĩa là dùng phương pháp nào đó để giúp vong linh của người đã chết vượt qua khỏi cảnh khổ đau. Ý nghĩa thì như vậy, nhưng có siêu thoát được hay không, đây là vấn đề thuộc phương pháp siêu độ hay nói đúng hơn là Pháp thuật vi diệu nào đó mới siêu độ nổi vong linh người quá cố.

Nhà Phật có cấm đánh ghen không?

Ý kiến – Diễn đàn 05:15 09/10/2018

“Tinh tinh”... tiếng chuông tin nhắn vang lên. “Nhà Phật có cấm đánh ghen không mày?”, đọc tin cô bạn thân gửi mà tôi vừa thấy buồn cười lại vừa lo lắng. Tôi vội nhấc điện thoại hẹn gặp bạn ngay để hỏi thăm tình hình, phòng trường hợp bạn “giận quá mất khôn”.

Xem thêm