Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 16/11/2014, 10:02 AM

Hướng về người thầy tâm linh

Con người cần đi trên những con đò để đi qua những dòng sông của cuộc đời, phải đối mặt với biển khổ. Để đi qua những dòng sông, chúng ta cần có những người thầy cho ta tri thức, nhưng để đi qua biển khổ mênh mông của cuộc đời, chúng ta cần có người Thầy tâm linh.

Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chiều ngày 08/11, các khóa sinh thuộc khóa tu thiền chùa Từ Tân (Trường Chinh, P.12, Q.Tân Bình, Tp.HCM), đã trang nghiêm tổ chức một buổi Lễ tri ân hướng về hai vị Sư phụ kính quý là Hòa thượng Thích Viên Giác – trụ trì chùa Từ Tân và Thượng tọa Thích Chân Quang – trụ trì Thiền Tôn Phật Quang nói riêng, và toàn thể Chư tôn đức tăng, ni nói chung – là những vị dù không trực tiếp giảng dạy nhưng gián tiếp qua sách vở, băng đĩa Phật giáo đã chuyển hóa thân tâm, làm cho mọi người biết tu, biết sống hạnh phúc hơn thì cái ân đó cũng rất trọng. 

Tham dự và chứng minh buổi lễ có Hòa thượng Thích Viên Giác cùng quý Thầy, quý Sư cô trong Ban Giám thiền và hơn 600 thiền sinh. Tiếc là thời khắc đó Thượng tọa Thích Chân Quang vắng mặt vì một phật sự quan trọng khác. 

Thật vậy, ngoài người trực tiếp đưa chúng ta vào đời và người đưa mình vào đạo hướng đến đời sống giải thoát thì tất cả những người trong đời, trong đạo đều là người mình cần trả ơn, vì trong vòng luân hồi vô tận, ai cũng đã từng là người thân của ta. 
 
 
 
Trong bất cứ xã hội nào, ở lĩnh vực nào thì cương vị của người Thầy luôn luôn giữ một vị trí quan trọng, cho dù vị Thầy ấy là thầy dạy nghề hay là thầy dạy chữ, huống gì người Thầy đưa chúng ta đến đời sống đạo đức tâm linh. Cho nên, tình Thầy trò trong đạo là một tình cảm thiêng liêng và tự nhiên.

Trong Kinh dạy rằng: “Thật là như vậy, này Ananda ! Thật là như vậy, này Ananda ! Này Ananda, nếu do nhờ một người, mà một người khác được quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, thời này Ananda, Ta nói rằng người này không có một đền ơn nào xứng đáng đối với người kia về đảnh lễ, đứng dậy, chắp tay, về làm những việc thích hợp và về dâng cúng các sự cúng dường như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Nếu do nhờ một người mà một người khác từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say các loại rượu men, rượu nấu, thời này Ananda, Ta nói rằng người này không có một đền ơn nào xứng đáng đối với người kia.” (Kinh Phân biệt cúng dường -Trung Bộ Kinh - số 142).

Cho nên, nhân truyền thống ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, các phật tử cũng hướng về những vị Thầy tâm linh của mình để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn. Tại buổi Lễ, anh Thiện Tâm đại diện cho hơn 600 Thiền sinh nơi đây và những huynh đệ khác trên khắp mọi miền đất nước, kính dâng lên lời tác bạch.

Trong đó nhấn mạnh: “Ông cha ta có câu “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, thế mà nhị vị Sư phụ, cùng quý thầy, quý sư cô đã và đang dạy dỗ chúng con cả một biển trời giáo lí mênh mông của Phật pháp thì cái ơn đó không thể nghĩ bàn. 
 
 
 
 
 
 
Để bày tỏ tấm lòng của mình mà cũng là nổi lòng của biết bao người khác, anh Thiện Tâm đã sáng tác một bài thơ, đồng thời ca sĩ Xuân Chánh đã phổ thành nhạc và hát trong buổi Lễ tri ân, kính dâng lên hai vị Sư phụ, cùng quý thầy, quý sư cô.

Nội dung bài thơ như sau: 
“Thầy là nguồn cảm hứng
Cho con những vần thơ
Thầy là niềm ước mơ
Cho con luôn vươn tới
Thầy là cả thế giới
Là cả bầu trời cao
Là biển sâu ngàn dặm
Là núi cao vời vợi
Mỗi khi con nghĩ tới
Lòng kính yêu dâng trào
Dù có ở nơi đâu
Con vẫn luôn nhớ mãi
Về người Thầy thân yêu
Đã dạy con sớm chiều
Những lời Thầy còn mãi
Cuộc đời còn chân lí
Còn nhân ái vị tha
Còn ánh sáng Phật Đà
Dẫu biển đời vô thường
Đầy rẫy những ác tâm
Nhờ có Thầy chỉ lối
Con nhớ mãi Thầy ơi
Thầy vô vàn yêu quý
Chúng con xin ghi nhớ ơn Thầy.”
 
Sau khi nghe bài thơ đã phổ thành nhạc, HT.Thích Viên Giác nhận xét rằng: “Hàng ngàn câu nói không bằng một câu ca. Bài hát rất hay, rất giàu thông tin. Bằng những âm điệu  trong những dòng thơ đầy cảm xúc đó, người học trò đã nói lên tâm tư, tình cảm của con tim mình một cách dễ thương, độc đáo. Đặc biệt, các học trò ấy cũng rất dễ thương”.

Nhìn hội chúng tu tập, Hòa thượng trụ trì tán dương những người phật tử trẻ tuổi đã sớm đến với Phật pháp và nhận ra những giá trị của đạo lý để thực hành mà nhiều người khác không thấy được. Hòa thượng nói: “Những cảm xúc này mà nằm nơi tuổi trẻ thì quả thực là tuyệt vời, bởi tuổi trẻ hiện nay rất khó kiếm được cái cảm xúc thánh thiện ấy”.
 
 
Theo Hòa thượng, tuổi trẻ bây giờ thiếu vắng những cảm xúc như vậy, nên tâm hồn bị rời rạc, khô khan, rất khó có sự rung động trước những giai điệu đưa mình về với cuộc sống mầu nhiệm. Vì vậy, để tìm người Thầy tâm linh có đủ khả năng để dạy cho ta những đạo lý vi diệu lại càng khó hơn. Hình ảnh của người thầy giáo mà chúng ta thường hình dung, là hình ảnh của người lái đò đưa khách sang sông, một hình ảnh rất đơn giản nhưng đẹp. 

Tuy nhiên, ngày xưa, một người thầy dạy học thì chỉ dạy một trò, nên hình ảnh đó phù hợp. Còn thời nay, chúng ta đi quá nhiều chuyến đò, học quá nhiều thầy, nên cảm xúc của mình về ông lái đò không lớn. Chỉ ông lái đò nào mà để lại trong ta những ấn tượng sâu sắc thì mình nhớ, còn thường thì ta quên hoặc bỏ qua. Chúng ta tri ân người dạy chúng ta nhưng rất khó để chúng ta nhớ hết họ. Do đó, buổi tri ân hôm nay, chúng ta hướng tới tri ân cả những thầy cô giáo.
 
 
 
Nói đến những người thầy, Hòa thượng định nghĩa đó là những người cho ta nguồn tri thức và cái tri thức làm nên sự khác biệt, làm nên giá trị của con người. 

Nói về vai trò của việc học, Hòa thượng nhấn mạnh rằng nó làm nên sự khác biệt giữa con người và các loài khác. Có học hành thì con người mới được thành người, ngược lại thì không thành người được. 

Chuyện học là chuyện cả đời, vì con người có nhu cầu phát triển, nâng cao liên tục để có đời sống tốt đẹp hơn. Học là việc làm thường xuyên và liên tục nên con người phải học rất nhiều, học trên tất cả các lĩnh vực. Chính vì vậy, chúng ta có rất nhiều thầy, đi qua rất nhiều con đò. 

Trong thời hiện đại, chúng ta được tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin khác nhau, nên dù không có thầy nhưng ta vẫn tìm được rất nhiều thông tin và  áp dụng vào trong cuộc sống, làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp. Vì tri thức trong thời hiện đại này ta tự tìm kiếm, không phải từ người thầy, nên tình thầy trò ngày càng lớn lên là không có, phải nói là rất hiếm hoi. Cho nên, để cảm nhận một cách trọn vẹn về người Thầy, với những cảm xúc thông qua những vần thơ, những giai điệu ngọt ngào như trên là rất khó. 
 
 
 
Nói về mục đích của sự học, Hòa thượng khẳng định: “Mục đích của sự học là tạo cho con người một đời sống phát triển và đạt được hạnh phúc. Những cái vật chất, tiền tài chỉ thỏa mãn đời sống thế tục chứ không tạo được mục đích của đời người, của sự học là cuộc sống hạnh phúc miên viễn”.

Do đó, nhiều người học rất cao ở những trường đại học lớn, có sự nghiệp thành đạt nhưng không hạnh phúc. Họ khốn đốn với công việc, với sự cảnh giác, với áp lực của cuộc đời, nên khi người đó nhận được giá trị của sự tu thì cũng già rồi. Cho nên, để đạt được sự giác ngộ là điều không dễ, cần có người Thầy tâm linh, người Thầy dạy đạo cho cuộc sống của mình, để bổ sung vào nguồn tri thức của chúng ta. 

Chúng ta cần tiếp nhận nguồn tri thức đó để đời sống của mình được nâng cao hơn. Những thông tin đó giúp chúng ta thay đổi được những tính xấu, khai thác được những yếu tố tốt nhất trong con người mình, để có được những thành tựu trọn vẹn. 

Nhắc đến vai trò của đạo, Người cho rằng: “Nếu không có đạo, chúng ta sẽ không đạt được mục đích của cuộc sống, chúng ta sẽ loay hoay trong sự được mất, hơn thua. Còn khi đi vào học đạo, chúng ta tiếp nhận được tri thức tâm linh, được Thầy dạy đạo khơi mở cho một nguồn tri thức mới để xây dựng cuộc sống hạnh phúc”. 

Tuy nhiên, học đạo cũng không phải là một việc dễ dàng, vì vấn đề tâm linh không có cái để đối chiếu. Trong tâm linh, Phật dạy và các bậc Tổ sư cũng dạy, nhưng mình là người trần mắt thịt nên việc lĩnh hội rất khó. Mình không đủ trí tuệ, không đủ điều kiện để thẩm định giáo lí. Để khắc phục khó khăn này thì chỉ có con đường đi tu. 

Mọi người đi tu nhiều khi sai, nhiều khi đúng. Có những người sai sửa được, nhưng có những người sai lại không sửa được. Vì vậy, học trò phải biết được giá trị của Thầy, nghe theo những lời dạy đúng đắn của Thầy để tu cho đúng. Học trò mà thực hành được những điều Thầy dạy, khai thác được những điều mầu nhiệm trong lời Thầy nói là những người học trò rất giỏi, nhưng cũng phải nói là rất hiếm. 
 
 
Theo lời Phật dạy, người Thầy chỉ là người chỉ đường, quyết định một phần giá trị của mình thôi. Và một phần giá trị của người Thầy chính là do học trò quyết định vì Thầy giỏi mà không có trò giỏi thì cũng khó. 

Ngoài việc lĩnh hội giáo lí, học trò còn gặp một khó khăn khác khi đến với đạo là tìm Thầy. Trong lĩnh vực tâm linh, không phải người Thầy nào cũng là người Thầy tốt. Hòa thượng nhắc nhở: “Thầy thì có Thầy đúng, Thầy sai; có Thầy thật, Thầy giả. Thầy đúng, Thầy giỏi là Thầy giúp mình loại bỏ được tham, sân, si, mình cần phải trân trọng”. 

Con người cần đi trên những con đò để đi qua những dòng sông của cuộc đời, phải đối mặt với biển khổ. Để đi qua những dòng sông, chúng ta cần có những người thầy cho ta tri thức, nhưng để đi qua biển khổ mênh mông của cuộc đời, chúng ta cần có người Thầy tâm linh. Thế nên!
Cửa từ bi sớm tối chỉ đường
Quay trở lại nguồn chân bến giác
Thuyền bát nhã tháng ngày chia cắt
Vượt ra ngoài biển khổ sông mê

Phải chăng, chúng ta vượt qua khỏi bể khổ cuộc đời bằng thuyền bát nhã chứ không phải thuyền tri thức, đây là điều ta cần phân biệt sự khác nhau giữa hai con thuyền này. Thuyền tri thức cung ứng cho ta những tri thức, những cách sống. Còn thuyền bát nhã tuy cũng là thuyền tri thức, nhưng dạy cho ta cách sống để đạt được hạnh phúc từ tương đối cho đến tuyệt đối. Chúng ta phải có con thuyền này. Thuyền tri thức là kiến thức về cuộc sống, thay đổi về cuộc sống, còn thuyền bát nhã là sự chuyển hóa ở trong tâm thức của mình; từ chỗ mình mê muội trở nên sáng suốt; từ chỗ đau khổ trở nên vui vẻ; từ chỗ buồn phiền, hẹp hòi, ích kỉ trở nên hân hoan, vị tha, độ lượng. Tức chuyển hóa từ tham, sân, si để được giới, định, tuệ, đạt được giác ngộ. Như vậy, người Thầy tâm linh rất đáng trân trọng, cần cho cuộc sống của chúng ta. Phật tử chúng ta đây đã có được người Thầy như thế và thấy ảnh hưởng của Thầy lên các thế hệ tương lai sẽ còn lớn lao hơn hiện tại rất nhiều.

Thông qua những lời dạy bảo của Hòa thượng, các phật tử có mặt tại buổi lễ vô cùng xúc động, ngẹn ngào, với một chút hoài niệm thiêng liêng về người Thầy của mình. Đến đây, anh Thiện Tâm đảnh lễ Hòa thượng và tác bạch: “Chúng con xin gửi lòng tri ân sâu sắc đến nhị vị Sư phụ, cùng quý thầy, quý sư cô đã không quản khó khăn, vất vả, trau dồi cho chúng con có được kiến thức cũng như khai mở tâm linh để chúng con có cuộc sống tốt lành hơn. Chúng con xin hứa sẽ cố gắng tu thật tốt, để xứng đáng với niềm mong mỏi của quý Thầy.

Cuối buổi lễ, các phật tử đã dâng tịnh vật cúng dường đến hai vị Sư phụ. Những món quà đó được dâng cúng từ tấm lòng chân thành của người học trò tri ân đến người Thầy của mình nhân ngày 20/11 sắp đến gần. 

Buổi lễ là cơ hội để các phật tử được nghe những câu chuyện, những triết lí hay về người Thầy, qua đó thêm hiểu và kính quý hơn Thầy của mình. Đồng thời cũng là dịp để các phật tử thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đến những người thầy đi qua trong cuộc đời, đặc biệt là Thầy dạy đạo. 

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm