Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 27/02/2017, 09:16 AM

Khái luận về Pháp tướng Duy thức học (P.5)

Nghiệp lực là nguyên nhân tạo thành thân thể quả báo của sinh mạng mà trong đó có năng lực dẫn đạo của nghiệp và năng lực mô hình kiểu mẫu của nghiệp, vì thế nên biết năng lực dẫn đạo của nghiệp là nguyên nhân cho việc khởi sinh mạng quả báo và năng lực mô hình kiểu mẫu là nguyên nhân cho việc thành hình thân thể quả báo, cả hai gọi chung là nghiệp lực.

4. Vấn Đề Tự Tha Của Kiến Phần Thức Thứ Tám Và Thức Thứ Bảy

Đoạn này là nghiên cứu nông cốt của tâm tự và tha riêng biệt nhau ở chỗ nào. Vấn đề riêng biến và chung biến như đã trình bày ở trước cũng chính là căn cứ nơi sự riêng biệt của tự và tha này, nhưng tại sao có sự riêng biệt như thế? Phải biết rằng trong tám Thức, mỗi Thức đều có hai phần là Kiến Phần và Tướng Phần, căn thân và khí thế giới chính là Tướng Phần của Thức thứ tám, nương nơi Tướng Phần này, Kiến Phần ngay lập tức xuất hiện để hiểu biết Tướng Phần và Kiến Phần đây là chỉ cho cái thấy của Thức thứ tám cũng tức là công dụng của Thức thứ tám có khả năng hiểu biết, còn Kiến Phần của Thức thứ bảy thì chấp lấy Thức thứ tám này làm ngã của mình, cho nên Kiến Phần của Thức thứ bảy được gọi là Năng Thủ và Kiến Phần của Thức thứ tám được gọi là Sở Thủ; nói tóm lược, cái thấy của Thức thứ bảy chấp lấy cái thấy của Thức thứ tám cho là bản ngã của mình.

Thức thứ bảy từ khi còn bé thơ đã hướng nội bám lấy cái thấy của Thức thứ tám chấp làm bản ngã của mình không có thời hạn và cũng không bao giờ chấm dứt, còn quan niệm về bản ngã của mình nơi Thức thứ sáu mặc dù không có nhiễm trước quá rõ rệt, nhưng xét đến nguồn gốc sự chấp trước bản ngã của mình nơi Thức thứ sáu thì Thức thứ sáu chấp trước cũng không gián đoạn. Cho đến khi thành nhân dù ở bất cứ chỗ nào và trong bất cứ thời gian nào, Thức thứ sáu này đều luôn luôn bảo tồn, phát huy, đề cao và quan niệm về bản ngã của mình thì rất nhiễm trước một cách rõ rệt.

Phàm tất cả động vật có sinh mạng đều chấp trước bản ngã của mình một cách tương tục không gián đoạn và sự chấp trước đó chính là sự chấp trước của Thức thứ bảy chuyên bám lấy Kiến Phần Thức thứ tám làm bản ngã của mình. Thông thường tinh thần về bản ngã của mình đều nương gá nơi Kiến Phần của Thức thứ tám làm căn bản để phát hiện ra bên ngoài, nguyên nhân đã có cái ngã thì nhất định phải có cái không phải ngã và từ đó đã có cái sở hữu của ngã thì nhất định phải có cái sở hữu không phải ngã, đã phân biệt được vấn đề bỉ và thử thì mới có thể thấy rõ kiến phần và tướng phần của tự và tha, nhưng truy nguyên về Thức Mạt Na thứ bảy, tiếng Phạn là Mạt Na, Trung Hoa dịch là Ý, nghĩa là hằng thẩm và tư lương, hằng là không gián đoạn, thẩm là không nghi ngờ, tư là tính toán, lường là so lường, hằng thẩm tư lương nghĩa là tính toán so lường chấp lấy Thức Alaya làm bản ngã một cách liên tục và không nghi ngờ. Hơn nữa Kiến Phần Thức Mạt Na thứ bảy bám lấy và sử dụng Kiến Phần Thức Alaya thứ tám làm bản thể của ngã.

5. Vấn Đề Tổng Biệt Của Tám Pháp Tâm Vương Và Các Pháp Tâm Sở

Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức, Ý Thức, Mạt Na Thức, Alaya Thức gọi là tám Pháp Tâm Vương. Tám pháp này sở dĩ gọi là Tâm Vương, nói cho rõ mỗi một tâm pháp đều có năng lực điều khiển rất nhiều tâm lý tác dụng. Như Nhãn Thức có thể điều khiển rất nhiều tâm lý Thọ, Tưởng v.v... vì nó mà tác dụng nên gọi là Pháp Tâm Vương vá các Thức khác thì cũng như thế. Rất nhiều tâm lý nương nơi tám Pháp Tâm Vương nói trên tác dụng để làm vật sở hữu chính là các Pháp Tâm Sở và các Pháp Tâm Sở này có ý nghĩa lệ thuộc và trợ giúp cho tám Pháp Tâm Vương nên gọi là Pháp Tâm Sở. Pháp Tâm Sở tính chung thì gồm có 51 loại và chia thành 6 đơn vị:

1) Đơn vị Biến Hành gồm có 5 loại,
2) Đơn vị Biệt Cảnh gồm có 5 loại,
3) Đơn vị Tâm Thiện gồm có 11 loại,
4) Đơn vị Phiền Não gồm có 6 loại,
5) Đơn vị Tùy Phiền Não gồm có 20 loại,
6) Đơn vị Bất Định gồm có 4 loại.

Sáu đơn vị nói trên cộng chung lại thành 51 Tâm Sở. Tên của sáu đơn vị Tâm Sở khác nhau và đã trình bày qua ở trước. Mỗi Thức không phải có đầy đủ 51 Tâm Sở đây hỗ trợ, chỉ riêng Ý Thức thứ sáu thì được 51 Pháp Tâm Sở hỗ trợ tối đa và không thiếu mặt nào, nhưng cũng không phải trong một sát na 51 Pháp Tâm Sở này đồng thời có mặt cùng với Ý Thức thứ sáu, vì hỗ trợ tối đa cho nên Ý Thức thứ sáu đối với 51 Pháp Tâm Sở nói trên có thể gọi là tương ưng, còn năm Thức ở trước thì hoặc có tương ưng hoặc không có tương ưng với Pháp Tâm Sở; theo Thành Duy Tâm Luận Khảo Đính, năm Thức ở trước chỉ có 34 Pháp Tâm Sở tương ưng, đơn vị Bất Định thì không tương ưng, còn đơn vị Tùy Phiền Não thì hoặc có tương ưng và hoặc không tương ưng.

Thức thứ bảy thì có 18 loại tương ưng và Thức thứ tám thì chỉ có 5 loại tương ưng. Tâm Lý Học ngày nay chỉ giảng đến Tiềm Ý Thức hoặc Ẩn Ý Thức, có khi giảng hơi liên quan đến Thức thứ bảy và Thức thứ tám. Hai Thức thứ bảy và thứ tám đây rất là vi tế không những Tâm Lý Học của Hành Vi Phái thuộc Duy Vật Quan đã hoàn toàn không hề biết mà cả Tâm Lý Học Ni Tỉnh lại cũng chưa bao giờ nhận thức qua, nguyên vì hai Thức thứ bảy và thứ tám phải nương nơi định huệ tu chứng thì mới có thể soi sáng đến và quan sát được. Thức thứ tám gồm có 5 loại Tâm Sở Biền Hành tương ưng như:

1) Tác Ý, là thành lập chủ động lực thường báo động các Tâm và Tâm Sở khác hiện khởi.

2) Xúc, là tâm lý tác dụng thường tiếp xúc ngoại cảnh, nghĩa là năng lực khiến cho căn, cảnh và thức tiếp xúc với nhau.

3) Thọ, là tâm lý thọ lãnh những điều cảm xúc thuận lợi.

4) Tưởng, là tâm lý tưởng tượng, nghĩa là đối với sự lãnh thọ những cảnh giới đều bị hạn chế, chỉ tiếp nhận được một phần nào mà thôi, cho nên mới nảy sinh ra sự phán đoán về bỉ thử đúng hay sai của những cảnh giới nói trên để thiết lập danh xưng cho mỗi loại, cũng vì thế Tâm Sở Tưởng là tâm lý nương tựa nơi danh xưng và ngôn ngữ để định vị.

5) Tư, là tâm lý nương nơi cảnh giới của thọ và tưởng để hoạt động, đồng thời khiến cho các Tâm Vương và các Tâm Sở khác tạo tác.

Thêm nữa Thức thứ bảy thì ngoại trừ đơn vị Biến Hành kể trên, lại còn có Tham, Si, Mạn, Ác Kiến và các Tuỳ Phiền Não v.v... đều từ nơi Ngã Kiến phát sinh. Tám Pháp Tâm Vương thì nắm lấy tướng chung (tổng tướng) và các Pháp tâm Sở thì nắm lấy tướng riêng (biệt tướng). Cho nên tổng và biệt được phân chia từ đây.

Thí dụ như nhìn thấy một loại nhan sắc gì hoặc một thứ hình tướng nào, Nhãn Thức thì chỉ nắm lấy một tướng chung của một loại nhan sắc hay một loại hình tướng nói trên, ngay lúc đó các tâm lý tác dụng của Nhãn Thức như Xúc, Tác Ý, Thọ, Tưởng, Tư liền phát khởi và nắm lấy các tướng riêng biệt nào là đẹp hay không đẹp, nào là yêu thích hay không yêu thích của nhan sắc hay của hình tướng vừa trình bày, ý niệm phân chia tổng và biệt cũng từ lý do này.

Như trên đã nói, Tâm Thức thì nắm lấy tướng chung và các Tâm Sở thì nắm lấy tướng riêng, nhưng Ý Thức thì lại nắm lấy tướng chung của tổng hợp, cho nên vô số tổng và biệt của từng cấp do đây đều hiện hữu. Các thứ phép tắc sở dĩ được thành lập đều là do tám Thức tâm Vương và các Pháp Tâm Sở cùng nhau phân chia riêng biệt cho nên mới có sự khu biệt của tự và cộng, mới có sự trật tự của tổng và biệt, cũng nhờ Duy Thức biến hiện, tất cả pháp tướng mới có phép tắc của nó, mới có trật tự mà không bị rốì loạn.

6. Vấn Đề Tâm Cũng Như Cảnh Của Hai Phần Năng Duyên Và Ba Phần Sở Duyên

Tâm Thức thì có ba phần: phần tự thể, phần kiến và phần tướng. Phần Kiến là phần có khả năng hiểu biết và phần Tướng là phần đối tượng để hiểu biết. Thức nghĩa là hiểu biết, tức là chỉ cho công năng tri giác có thể hiển bày được cái hiểu biết thường gọi là năng tri, đã có năng tri thì phải có sở tri và sở tri nghĩa là chỉ cho đối tượng để hiểu biết, điều cốt yếu ở chỗ nếu thuyết minh năng tri (phần có khả năng hiểu biết) như thế nào thì phải trình bày rõ sở tri (phần đối tượng để hiểu biết) như thế đó.

Riêng tâm giác ngộ hồn nhiên không có vấn đề phân biệt trong đó thì thuộc về phần tự thể và phần tự thể đây thì bao gồm cả phần kiến và phần tướng; phần kiến là phần tác dụng của Thức Thể thuộc về một loại tri giác, phần tướng là phần hình tướng của phần kiến thuộc loại đối tượng để tri giác và phần tự thể, phần kiến, phần tướng hợp lại gọi chung là ba phần. Trong tám Thức, mỗi Thức đều có phần kiến, phần tướng, phần tự thể và các Tâm Sở của tám Thức cũng đều giống như thế.

Hơn nữa hai phần năng tri thì thuộc về tâm và ba phần sở tri thì thuộc về cảnh; còn phần tự thể thì thuộc về tâm giác ngộ hồn nhiên không phân biệt và cũng có thể trở thành cảnh sở tri. Năng duyên tức là chỉ cho năng tri, sở duyên tức là chỉ cho sở tri, riêng năng tri cũng có hai phần là phần tự thể và phần kiến. Phần tự thể của hồn nhiên không phân biệt tóm lược giống như Trung Lập Nhất Nguyên không phải tâm và không phải vật của La Tố chủ trương, nhưng một khi phân biệt thì trở thành phần kiến và phần tướng, phần kiến nghĩa là phần có khả năng biết rõ phần tướng, nhưng hai phần kiến và tướng này đều nương tựa nơi một thể hồn nhiên là phần tự thể, phần tự thể đây có một danh xưng gọi là phần tự chứng, nguyên vì phần tự chứng lần tự thể có khả năng thông suốt ngay lập tức sự biết rõ của phần kiến.

Nói cách khác, ý nghĩa của phần tự chứng là không chỉ hiểu rõ tri thức là thuộc về loại gì và còn hiểu rõ tri thức những thứ gì. Phần tự thể, phần kiến và phần tướng thì thuộc về cảnh sở tri cho nên gọi là ba phần sở duyên; riêng phần tự thể và phần kiến thì lại thuộc về tâm năng tri cho nên gọi là hai phần năng duyên; điều đặc biệt là cảnh sở tri không thể có ngoài thức và cảnh sở tri này nếu như so sánh với cảnh sở tri thuộc khách quan tồn tại hiện có của Tân Thật Tại Luận chủ trương thì hoàn toàn không giống nhau.

7. Vấn Đề Nhân Quả Của Chủng Tử Thức Thứ Tám Và Của Bảy Thức Trước Hiện Hành

Vấn đề Thức thứ tám biến hiện như trước đã giảng qua, nhưng kỳ thật Thức thứ tám không phải biến hiện mà ở đây là chỉ cho mỗi chủng tử của thế lực tiềm năng hoặc công năng riêng biệt nhau và không giống nhau đều nương nơi Thức thứ tám để tồn tại và biến hiện. Nguyên do Thức thứ tám là nơi hàm chứa tất cả chủng tử, cũng như miếng đất là nơi hàm chứa tất cả hạt giống và tất cả chủng tử trong Thức thứ tám mỗi mỗi đều có công năng tồn tại và tiềm ẩn bên trong để hiện khởi, cũng như tất cả hạt giống trong miếng đất mỗi mỗi đều có công năng tồn tại và tiềm ẩn bên trong để hiện khởi.

Những chủng tử được chứa trong Thức thứ tám này cùng với bảy Thức trước hiện khởi và lưu hành để thành nhân quả; chủng tử nơi Thức thứ tám là nhân, cùng với bảy Thức trước hiện hành, nghĩa là Tâm Vương, Tâm Sở, Kiến và Tướng hai phần cùng nhau làm quả, nhưng cái quả này không phải không có nhân mà cái nhân ở đây chính là chủng tử nơi Thức thứ tám. Bảy Thức trước sở dĩ hiện hành làm quả là do bởi bảy chủng tử nơi Thức thứ tám làm nhân, đây là chủng tử sinh ra hiện hành; nhưng chủng tử nơi Thức thứ tám một mặt cũng chính là quả của bảy Thức trước hiện hành và bảy Thức trước hiện hành lại cũng có thể làm nhân cho chủng tử nơi Thức thứ tám. Tất cả chủng tử của tâm Thức sau khi hiện hành ngay lập tức kết thành hạt giống của thế lực tiềm năng, đây là hiện hành sinh ra chủng tử. Nên biết rằng chủng tử nơi Thức thứ tám cùng với bảy thức trước hiện hành làm nhân quả lẫn nhau để kết thành bốn loại: một là chủng tử sinh chủng tử, hai là chủng tử sinh hiện hành, ba là hiện hành sinh chủng tử và bốn là hiện hành sinh hiện hành; ba loại trước thuộc về quan hệ của nhân quả và một loại sau thuộc về quan hệ của bỉ thử.

Chủng tử đây trong một sát na sinh khởi thì lúc đó Tâm Vương và các pháp Tâm Sở liền cùng nhau hiện hành để trở thành sự thật gọi là chủng tử sinh hiện hành; còn trước kia chủng tử đã có, khi trải qua giai đoạn hiện hành liến huân tập trở lại để biến thành chủng tử gọi là hiện hành sinh chủng tử, cũng như hạt giống sinh ra nhánh, lá và hoa, lại từ đóa hoa sinh ra quả để kết thành hạt giống trở lại. Cũng cần nên biết vạn hữu vũ trụ hiện thật không giống nhau là do nhiều nguyên nhân sai biệt sinh ra mà chúng nó không phải chỉ do một nhân từ Thượng Đế hoặc từ Tâm Khách Quan v.v... sinh ra. Vạn vật giả sử chỉ do Thượng Đế hoặc chỉ do Tâm Khách Quan v.v... sinh ra nếu đem so sánh với nhân quả thì ý nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau! Một nhân sinh mà sinh ra nhiều quả thì không tướng xứng với nhau! Các pháp hiện hành không giống nhau chính là do chủng tử khác nhau sinh khởi.

Hiện hành thì dĩ nhiên lại trở thành chủng tử, đồng thời cũng nên biết rõ thêm các pháp hiện tại trong đó đã có mầm sống để dẫn đến sự tác dụng về sau và mầm sống đó đối với nhân hiện tại mà nói thì được tạm gọi là quả đương thời; còn các pháp hiện tại nếu như quán sát trong đó hiện tiền đã có các vọng tướng thì các vọng tướng đó đối với quả hiện tại mà nói thì được tạm gọi là nhân câu hội; ý nghĩa nhân quả thuyết minh theo lối này mới được rõ ràng và cụ thể hơn. Các nguyên nhân đã sai biệt nhau thì các kết quả cũng sai biệt theo, hơn nữa hiện hành sinh hiện hành nghĩa là chỉ cho các duyên khác trợ giúp cho các nguyên nhân đó thành hình, cho nên chủng tử sau khi hiện hành thì không còn hình tướng chủng tử như trước nữa. Khác hạt giống lúa sau khi thành cây thì không còn hình tướng hạt giống lúa như trước nữa, nguyên do các duyên bất đồng quan hệ và huân tập vào khiến cho hạt giống lúa biến hiện khác đi.

8. Vấn Đề Còn Mất Của Thức Thứ Tám Hiện Hành Và Của Chủng Tử Tất Cả Pháp

Tất cả tiềm năng có tồn tại mãi mãi hay không, nghĩa là có phải quan hệ đến vấn đề còn mất này chăng. Ngay nơi hiện hành, cá nhân trên sự sinh khởi liên tục đã sống được mấy mươi năm, hoặc lịch sử nhân loại tồn tại đã được mấy vạn năm, trên hình thức mặc dù đã hoàn toàn tiêu diệt, nhưng kỳ thật không phải tiêu diệt, bởi vì các hiện hành đã huân tập thành chủng tử nằm trong Thức Alaya và nếu gặp được cơ duyên thì có thể hiện hành trở lại. Cho nên cá nhân mặc dù đã chết, thế giới mặc dù đã diệt, nhưng chủng tử của tất cả pháp đã được bảo trì tiếp nối tồn tại mãi mãi và như thế vấn đề còn mất có thể giải quyết.

Chủng tử của tất cả pháp cùng nhau hiện hành, nghĩa là Thức thứ tám hiện hành chỗ bảo trì, Thức thứ tám hiện hành một cách tương tục không gián đoạn, sinh trở lại rồi diệt trở lại, diệt trở lại rồi sinh trở lại và hiện hành có hai đặc tính: một gọi là hằng, hai gọi là chuyển. Chuyển biến sinh khởi và hoại diệt một cách liên tục không gián đoạn, chuyển biến chẳng những không gián đoạn và cũng không có khoảng cách nên gọi là hằng. Như Tâm Thức của mỗi con người sau khi chết dường như đã mất hẳn, nhưng kỳ thật không phải mất hẳn, chỉ vì kinh nghiệm bình thường chưa dễ gì thấy được, phải trải qua giới định huệ để phá giải hoàn toàn vô minh và đặng trí tuệ vô phân biệt là loại trí tuệ vô cùng sáng suốt thì mới có thể thấy được.

Riêng Thức thứ tám hiện hành trên sự thật mặc dù thường hằng liên tục nhưng trong đó có chuyển biến, ngoại trừ chủng tử tất cả pháp nương nơi Thức thứ tám đều tồn tại, cho nên tuy không đoạn diệt nhưng cũng không phải tồn tại cố định, chính nhờ sinh diệt liên tục từng sát na, từng sát na mà được tồn tại. Tuy rằng chủng tử của tất cả pháp cùng với tất cả pháp mặc dù có thể nhờ thường hằng nên mới được tồn tại mà không bị đoạn diệt, nhưng cũng không phải tuyệt đối không thể không đoạn diệt; nói cho dễ hiểu, do có tính chất tương phản cho nên cũng có thể khiến bị tiêu diệt.

Thí dụ như ánh sáng hiện hành vĩnh cửu liên tục thì chủng tử bóng tối lẽ tất nhiên không thể sinh khởi. Nên biết chủng tử của tất cả pháp mặc dù nương nơi Thức thứ tám chuyển biến liên tục, nhưng nếu như gặp phải tính chất tương phản thì có thể bị tiêu diệt. Chỉ một điều chủng tử của tất cả pháp nhờ bị tiêu diệt cho nên mới có một công trình sáng tạo, một công trình cải tạo, tự chọn lựa và tự canh tân nên rất dễ chuyển phiền não thành bồ đề, chuyển tạp nhiễm thành thanh tịnh.

9. Vấn Đề Đồng Dị Của Chủng Tử Tất Cả Pháp Và Của Tất Cả Hiện Hành

Mỗi pháp thì có sự sai biệt của mỗi pháp và mỗi loại thì cũng có sự sai biệt của mỗi loại, như Nhãn Thức thì chỉ duyên nơi hình sắc hiển lộ và hình sắc hiển lộ thì cũng có sự khác nhau như màu xanh, màu trắng, màu vàng, màu đỏ, nhưng màu xanh cũng có một loại duy nhất là cực vi. Trong lúc đó, hình sắc nếu cùng một loại thì giống nhau và ngoài ra những pháp như âm thanh, mùi hương, chất vị và cảm xúc thì lại có những loại khác biệt nhau; nhưng tâm pháp đối với các vấn đề cảm giác v.v... thì hình sắc mùi hương v.v... lại giống nhau đều là sắc pháp cả.

Như thế trong cái khác nhau này có cái khác nhau kia, trong cái giống nhau này có cái khác nhau kia và cái giống nhau cái khác nhau hiện hữu trùng trùng điệp điệp, tất cả đều nương nơi Thức thứ tám để tồn tại và có thể sinh ra chủng tử công năng của tất cả hiện tượng, vì đã có vô lượng vô số chủng tử công năng của tất cả hiện tượng sai biệt nhau cho nên hiện tượng của tất cả pháp cũng có vô lượng vô số khác nhau. Chủng tử của tất cả pháp là chỉ cho công năng tiềm ẩn thì đều có tướng trạng sai lầm sai biệt nhau. Trong những chủng tử khác biệt nhau, nếu có loại tương tợ với nhau v.v... thì trở thành giống nhau, nếu như nương tựa trong phạm vi lớn và nếu như đã giống nhau hoàn toàn thì không thể khác nhau được.

Chủng tử của tất cả pháp có loại biến hiện riêng biệt trong biệt biến và nếu như biến hiện riêng biệt trong biệt biến thì gọi là khác nhau, còn chủng tử của tất cả pháp có loại chung nhau biến hiện trong cộng biến thì gọi là giống nhau, cho nên các pháp sinh khởi thành hiện tượng có rất nhiều loại sai biệt nhau. Đối với hiện tượng sai biệt này của các pháp, những học phái Duy Tâm khác cho là chỉ có một tâm sinh ra vạn hữu và chủ trương như thế không nhiều thì ít trái ngưọc với nhau, nếu đem so sánh với vấn đề năng sinh và sở sinh của luật nhân quả thì lại càng hoàn toàn mâu thuẫn, cho nên không thể thành lập.

Nhưng vấn đề trong đồng có đồng và trong biệt có biệt là như thế nào? Hiện tượng sở dĩ sai biệt nhau là do công năng khác nhau của mỗi pháp sinh ra và cũng vì công năng của mỗi pháp khác nhau cho nên hiện tượng trở thành sai biệt nhau, nhưng mỗi một hiện tượng lại liên đới và nương tựa với tất cả pháp khác không thể tách rời để được sinh thành, từ đó có thể thuyết minh trong dị có đồng (trong chỗ khác nhau có chỗ giống nhau) và trong đồng có dị (trong chỗ giống nhau có chỗ khác nhau). Đây là chỉ căn cứ nơi không phải sinh mạng của tất cả pháp để bình luận về sự sai biệt của hiện tượng và nếu như muốn nghiên cứu sự sai biệt của sinh mạng nơi tất cả pháp thì tất phải tiến hành bình luận về nghiệp báo của mỗi pháp.

10. Vấn Đề Sinh Tử Của Nghiệp Nơi Sáu Thức Trước Cũng Như Quả Báo Của Thức Thứ Tám Và Của Thức Thứ Sáu

Thông thường một chúng sinh hữu tình khi mới bắt đầu thọ thai được gọi là sinh, đến khi lâm chung được gọi là tử và trong thời gian sinh tử có một sinh mạng hiện hữu liên tục. Mỗi sinh mạng thì lại có chỗ giống nhau và có chỗ khác nhau, như loài người so với loài người thì đồng loại với nhau và loài người nếu như so sánh với cầm thú thì khác loại với nhau; còn như đứng trên lập trường động vật mà nhìn, loài người và loài cầm thú thì giống nhau ở chỗ đều thuộc về động vật cả.

Điều kiện khác nhau và giống nhau nơi sinh mạng của mỗi cá thể cũng như nơi sinh mạng của mỗi chủng loại theo Duy Thức Học có thể: sáu Thức trước của mỗi loại thường gây tạo các nghiệp - nghiệp tức là hành vi, nghiệp này thông cả ba loại thiện, ác và vô ký, sáu Thức trước nương nới sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý để tiếp xúc và cảm thọ sáu trần của khí thế giới mà có các thứ động tác phát sinh, tức là nghiệp của hoặc thiện, hoặc ác, hoặc tính trung lập, trong Luận Lý Học gọi là hành vi. Nghiệp đây chính là tâm lý tác dụng trên kinh nghiệm nhằm phát động phán quyết mà sinh khởi, nương nơi kết quả của hành vi để phán đoán siêu năng lực của tính chất. Công dụng của siêu năng lực này nếu quan hệ riêng của cá nhân thì trở thành cá tính, nếu quan hệ chung của đoàn thể thì trở thành xã hội tính, cá tính thì thuộc về một phần của xã hội tính, tức là chỉ cho đức hạnh riêng tư và đức hạnh công cộng.

Nghiệp đây chỉ có ở nơi sáu Thức trước, được tạo nên do bởi tiếp xúc cùng với tâm và cảnh của kẻ khác, cho nên chính ở nơi nghiệp đã có tính sáng tạo và nghiệp đây nếu ở nơi Ý Thức thứ sáu thì có sức mạnh, có khả năng tự do phát động, có khả năng chuyển biến tâm thức của kẻ khác, sáng tạo không cùng và nghiệp sáng tạo đó rất là ưu thắng ở chỗ đủ sức khiến sinh mạng từ hiện tại sau khi chết liền trở thành năng lực chín mùi hoặc thiện, hoặc bất thiện, hoặc vô ký v.v... để rồi đi đến tái lập sinh mạng mới ở một thời kỳ khác. Sinh mạng mới sở dĩ thành hình là do năng lực của nghiệp một mặt dẫn đạo, mặt khác làm mô hình kiểu mẫu để quy định cho sinh mạng hậu lai vừa mới được thành hình thuộc về loại gì và sinh mạng của mỗi loại cũng vì do nghiệp lực sai sử cho nên hoàn toàn không giống nhau.

Nghiệp lực là nguyên nhân tạo thành thân thể quả báo của sinh mạng mà trong đó có năng lực dẫn đạo của nghiệp và năng lực mô hình kiểu mẫu của nghiệp, vì thế nên biết năng lực dẫn đạo của nghiệp là nguyên nhân cho việc khởi sinh mạng quả báo và năng lực mô hình kiểu mẫu là nguyên nhân cho việc thành hình thân thể quả báo, cả hai gọi chung là nghiệp lực. Nghiệp lực đây khi đến thời kỳ tận diệt thì sinh mạng quả báo phải chết và mô hình kiểu mẫu cũng phải mất. Điều này cũng như năng lực của viên đạn đại pháo một khi phát ra khiến cho viên đạn đến một nơi nào đó và năng lực của viên đạn khi không còn còn nữa thì viên đạn liền bị rớt xuống đất ngay lập tức. Nghiệp lực cũng có mức độ hạn định.

Thân thể quả báo hiện tại chính là do năng lực dẫn đạo của nghiệp lực và năng lực mô hình kiểu mẫu của nghiệp lực nơi sáu Thức từ kiếp trước tạo thành và cũng vì lý do đó mỗi loại đều có sinh mạng không giống nhau của từng cá thể, trái lại thứ năng lực dẫn đạo của nghiệp lực và năng lực mô hình kiểu mẫu của nghiệp lực này một khi đã chấm dứt thì sinh mạng nơi kiếp hiện tại phải bị tan rã ngay, đồng thời thứ năng lực dẫn đạo của nghiệp lực và năng lực mô hình kiểu mẫu của nghiệp lực khác thay thế tăng trưởng liền hiện khởi sinh mạng mới nơi kiếp vị lai. Sở dĩ vấn đề sinh diệt không gì khác hơn là do nghiệp lực dẫn đạo và nghiệp lực mô hình kiểu mẫu cùng nhau tác dụng sinh khởi hoặc không còn tác dụng sinh khởi thêm nữa mà thôi.

Nói cách khách các nghiệp đã sinh khỏi lại bị thừa trừ. Cần biết rõ hơn các nghiệp đây chìm thì các nghiệp kia nổi, tất cả đều là do các thứ nghiệp dẫn đạo và do các mô hình hiểu mẫu sinh diệt diệt sinh cho nên mói có vấn đề sinh tử luân hồi. Từ thuở quá khứ thế gian rất chân thật trong sự chứng đắc, như một vị minh quân khai quốc, mỗi khi quyết định kỳ hạn hưng thịnh của một thời đại thì đạt đến thành công viên mãn, về sau triều đại mặc dù diệt vong, nhưng đất đai và nhân dân không phải diệt vong theo, nhưng nơi đất đai và trong nhân dân đó, kẻ có thế lực mạnh lẽ tất nhiên sẽ thiết lập nên triều đại mới.

Tác giả: Đại Sư Thái Hư
Dịch giả: Thích Thắng Hoan
Trích trong: Khái luận về Pháp tướng Duy thức học
Còn nữa...

TIN, BÀI LIÊN QUAN:




CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Thầy Đồng Tâm ra mắt bộ 3 cuốn sách giúp bạn đọc lắng lại để nhìn sâu

Sách Phật giáo 23:26 10/04/2024

Đó là ba cuốn gồm Đủ duyên ta lại tương phùng, Sát-na này là thiên thu và Tịch tịnh do First News và NXB Dân Trí ấn hành. Trong đó, 2 cuốn đầu tái bản và làm mới, còn Tịch tịnh là tác phẩm in lần đầu.

Xem thêm