Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 12/04/2014, 11:45 AM

Khánh Hòa: Nghĩa Hòa, ngôi chùa chứa chan tình hữu nghị Việt - Lào

Chùa Nghĩa Hòa tọa lạc tại thôn Vĩnh Điềm Thượng, xã Vĩnh Hiệp, Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Chùa do một số phật tử lớn tuổi, tu học tại chùa Từ Thiện (Vĩnh Trung) tạo lập để có chỗ tu học, sinh hoạt.

Toàn cảnh chùa Nghĩa Hòa, Vĩnh Hiệp, Nha Trang (Khánh Hòa)

Năm 1951 (Tân Mão), các phật tử này đã tự nguyện đóng góp tiền, của và công sức mua một mảnh đất là trụ sở xã Vĩnh Trung, tổng diện tích 500m2. Nhà có 3 gian, mái ngói vảy, tường xây gạch. Sử dụng hai gian làm chánh điện thờ Phật và một gian  làm nhà khách.

Người khởi xướng là cụ Ông Lê Công Mộ, Hội trưởng Huyện hội Phật giáo Vĩnh Xương và cụ bà Lê Thị Ghé pháp danh Thanh Lâu. Cụ bà là nhạc mẫu của Hoàng thân Suphanouvong nguyên Chủ tịch nước Cộng Hòa Dân chủ Nhân dân Cách mạng Lào. Cụ bà đã được con gái và con rể hỗ trợ tịnh tài, tịnh vật góp phần cùng phật tử địa phương hoàn thành ngôi chùa.

Chánh điện chùa Nghĩa Hòa, ngôi chùa chứa chan tình hữu nghị Việt - Lào

Thật đúng là:

Phật pháp xương minh do Tăng già hoằng hóa
Thiền môn hưng thịnh do đàn việt hộ trì.

Nói về  hoàng tử Souphanouvong là một trong ba con trai của hoàng thân Bounkhong, Uparat Phó vương cuối cùng của Luang Prabang. Năm 11 tuổi, Suphanouvong đã đến Việt Nam học tập tại trường Albert Sarraut Hà Nội. 10 năm sau, năm 1920 ông sang du học tại Pháp.

Tốt nghiệp Đại học quốc gia cầu đường Paris, trở thành kỹ sư cầu đường đầu tiên ở Đông Dương Ông về Trung kỳ Việt Nam công tác đã từng đảm nhận chức vụ Kiến trúc sư trưởng Khu Công chánh Nha Trang.

Ông xây dựng khá nhiều công trình thủy lợi nổi tiếng tại Việt Nam, trong đó có 7 công trình cho đến nay vẫn đang còn sử dụng, tiêu biểu như Tháp nước Phan Thiết, đập Bái Thượng ở Thanh Hóa. 

 Ảnh cưới Hoàng thân Souphanouvong và Bà Nguyễn Thị Kỳ Nam

Khi làm Kiến trúc sư trưởng Khu Công chánh Nha Trang, ông thuê phòng ở một khách sạn tại Nha Trang. Tại đây, ông đã làm quen với con gái của ông bà chủ khách sạn là cô Nguyễn Thị Kỳ Nam - nữ sinh Trường Trung học Đồng Khánh. Điều kỳ lạ là năm đó, cô Nguyễn Thị Kỳ Nam tham dự cuộc thi Hoa khôi xứ Trung kỳ đã lọt vào mắt Ban giám khảo và trở thành người đoạt vương miện hoa khôi của xứ An Nam Trung kỳ. Hai ông bà  kết hôn này 19-1-1938 và tuần trăng mật là chuyến đi khảo sát trên các dòng sông miền Trung Việt Nam. Có lẽ đó là do lương duyên kỳ ngộ của tình hữu nghị Việt - Lào.

Tình nghĩa thủy chung và trong sáng hiếm có giữa hai dân tộc Việt-Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong câu nói của Người: “ Việt- Lào, hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. 

Hoàng thân Souphanouvong và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Còn Hoàng thân, Chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước: Souphanouvong thì so sánh để biểu hiện một cách sâu sắc: “Tình đoàn kết Lào - Việt Nam - cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất”.

Mặt tiền chùa Nghĩa Hòa được xây dựng đươi đời TT Thích Như Lưu trụ trì

Lúc đầu chùa lấy tên là Vĩnh Hòa và được chính quyền cũ xã Vĩnh Hiệp chấp nhận ghi vào sổ bộ, tọa lạc tại thôn Vĩnh Điềm Thượng, xã Vĩnh Hiệp, quận Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa. Chùa có ranh giới như sau:

  • Phía Đông giáp với mương nước.
  • Phía Tây giáp với phân ranh xã Vĩnh Trung.
  • Phía Nam giáp với đất ông Nguyễn Phép.
  • Phía Bắc giáp quốc lộ 1.

Năm 1955 (Ất Mùi) để cho thuận tiện trong việc sinh hoạt và tu học theo pháp môn Tịnh Độ, Phật tử nơi đây xin gia nhập vào Giáo hội Tịnh Độ Tông và thỉnh cầu Hòa thượng Thích Bích Lâm, Viện chủ Tổ Đình Nghĩa Phương khai sơn, ngài an danh là chùa Nghĩa Hòa. Chữ Nghĩa là theo nguồn gốc tông phong Nghĩa Phương, còn Hòa là đất Khánh Hòa.

TT.Thích Như Lưu trụ trì quyết tâm bảo vệ từng tất đất của chùa

Ban đầu Hòa thượng Viện chủ Tổ đình Nghĩa Phương đề cử thầy Thích Từ Thanh (tức thầy Mười Khảm) về làm trụ trì để hướng dẫn Phật tử tu tập.

Đến năm 1967, Đại đức Thích Thiện Tài là người kế thừa trụ trì.

Năm Mậu Thân (1968) ngôi chùa do ảnh hưởng chiến tranh làm hư hoại,  theo lời thỉnh cầu của Phật tử, vào tháng 6 năm 1971, Hòa thượng Thích Bích Lâm, Viện chủ Tổ đình Nghĩa Phương chứng minh làm lễ đặt đá trùng tu, trên phần đất phía sau ngôi chùa cũ. Năm 1972, Hòa thượng Thích Bích Lâm viên tịch, công việc trùng tu bị dở dang. .Năm 1972-1973, Đại đức Thích Thiện Hương, thừa kế trụ trì và tiếp tục tu bổ phần xây dựng dang dở. Thời gian không được bao lâu, Đại đức Thích Thiện Hương lại trở về quê hương Sông Cầu, Phú Yên.

Năm 1973 (Quý Sửu) theo sự thỉnh cầu của Phật tử nơi đây, cũng như được sự chấp thuận của Tỉnh Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Khánh Hòa. Tổ đình Nghĩa Phương đã bổ nhiệm Đại đức Thích Như Lưu về kế thế trụ trì và tiếp tục xây dựng hoàn tất ngôi Tam Bảo, dưới sự chỉ đạo của Hòa thượng Thích Huệ Quang, Tăng trưởng Tỉnh Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Khánh Hòa. Năm 1974, ngôi chánh điện đã tu bổ hoàn tất và thỉnh Phật nhập điện.

Thắm thoát, thời gian trôi qua hơn 30 năm, mọi vật cứ âm thầm theo định luật vô thường “thành, trụ, hoại, không” mà thay đổi. Ngôi chánh điện Nghĩa Hòa cũng nằm trong định luật ấy, đồng thời Nhà nước mở rộng đường quốc lộ 23/10, mặt tiền chùa bị giải tỏa, khuôn viên chùa bị thu hẹp nên sự sinh hoạt, lế bái gặp khó khăn.

Để bảo tồn cơ sở hoằng pháp lợi sanh, năm 2000 được sự nhất trí của Ban Trị sự Tỉnh Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa, và được Ủy ban Nhân dân Tính Khánh Hòa cho phép xây dựng. Nhân duyên hội đủ, ngày 21 tháng giêng năm Tân Tỵ (2001) Bổn tự tái thiết đại trùng tu ngôi Chánh điện.

Trong suốt hơn 6 năm xây dựng, công việc thi công đã gặp không ít khó khăn, đến năm 2007 (Đinh Hợi) chùa Nghĩa Hòa mới xây dựng hoàn thành.

Chư tôn Hòa thượng chứng minh, chứng trai Lễ trai tăng tại chùa Nghĩa Hòa

Lễ khánh thành được tổ chức vào ngày 19-20/4 năm Đinh Hợi (tức 5 và 6/05/2007) dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Thiện  Bình, Ủy viên Kiểm soát HĐTS GHPGVN, Trưởng BTS Phật giáo tỉnh Khánh Hòa. Hòa thượng Thích Huệ Quang, thành viên HĐCM GHPGVN.

Chứng minh Tỉnh Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa. Hòa thượng Thích Trí Tâm, Trưởng Ban Nghi Lễ GHPGVN, Phó ban trực BTS Phật giáo tỉnh Khánh Hòa… và chư Tôn đức Tăng, Ni BTS Phật giáo tỉnh, chư Tôn đức Tông phong tổ đình Nghĩa Phương.

Đại hùng bửu điện chùa Nghĩa Hòa (Nha Trang)

Từ khi Thượng tọa Thích Như Lưu thừa kế trụ trì chùa Nghĩa Hòa với khả năng ứng phú đạo tràng và tài biện luân, ứng xử, Thượng tọa đã xây dựng  Nghĩa Hòa phạm vũ huy hoàng, trang nghiêm tú lệ, Thượng tọa đã được Giáo hội tấn phong năm 2006.

Chùa Nghĩa Hòa ngày nay không chỉ là nơi phật tử hướng thiện, tu học, sớm tối đi về tụng kinh niệm Phật mà còn là địa chỉ văn hóa tâm linh của người dân xã Vĩnh Hiệp Tp.Nha Trang.

Thí vô giá hội - Trai đàn Chẩn tế bạc độ âm linh

NNC Trí Bửu - tháng 04.2014

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Một vài đặc điểm kiến trúc của ngôi chùa Việt

Chùa Việt 10:25 16/04/2024

Ngôi chùa được xem là bảo tàng nghệ thuật, là nơi lưu giữ nhiều di sản Phật giáo có giá trị. Bản thân kiến trúc chùa còn chuyển tải nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và tôn giáo.

Ngôi chùa cổ nằm chênh vênh trên vách núi hơn 500 năm

Chùa Việt 08:30 15/04/2024

Tương truyền, chùa Vô Vi được khởi dựng từ thời Đinh (thế kỷ X), sau nhiều biến cố của lịch sử, chùa được dời lên vách núi như ngày nay đã hơn 500 năm.

Hàng cây cổ thụ độc nhất vô nhị dẫn lối vào ngôi chùa màu hồng hơn 400 năm tuổi

Chùa Việt 07:45 14/04/2024

Chùa Hàng Còng, ngôi chùa duy nhất trong tỉnh An Giang có hàng cây còng cổ thụ nối dài từ cổng vào đến bên trong khuôn viên với bề dày lịch sử hàng trăm năm.

Phát huy di sản chùa Thầy

Chùa Việt 11:23 13/04/2024

Chùa Thầy là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Việt Nam nằm trong Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội.

Xem thêm