Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Khóa tu “Niệm Phật một ngày” cuối năm Giáp Ngọ ở chùa Hoằng Pháp

Sáng ngày 06/12/Giáp Ngọ (25/01/20115), hàng ngàn phật tử từ Tp.HCM và các tỉnh lân cận đã tập trung về chùa Hoằng Pháp để tham dự khóa tu một ngày lần thứ 12.

Ngoài việc tổ chức các khóa tu Phật thất 7 ngày, chùa Hoằng Pháp còn tổ chức khóa tu niệm Phật một ngày vào chủ nhật đầu tiên của tháng nhằm tạo điều kiện cho những phật tử là công nhân viên nhà nước hoặc những người bận rộn với công việc mưu sinh có cắt bớt trần duyên, đến chùa tu tập hầu thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức, nhất tâm niệm Phật, chứng nghiệm sự an lạc trong giáo pháp của Phật.

Buổi sáng đại chúng được nghe Đại đức Thích Minh Thành, trụ trì Am Pháp Ấn (Bảo Lộc - Lâm Đồng), giảng viên trường Cao Trung Phật Học TP.HCM trả lời 3 câu hỏi trong chương trình Ánh Sáng Phật Pháp kỳ thứ 49 với nội dung như sau: 
 
 
 
Câu 1: Kính bạch quý Thầy!

Con có một thắc mắc kính mong thầy từ bi giải đáp. Người tu tập nguyện xả ly, buông bỏ hết mọi thứ tạp niệm, tâm không vướng bận, không màng chuyện thế sự, vậy điều đó có phải là vô cảm không? Đạo Phật dạy mọi người hãy xem nhẹ mọi chuyện, đứng bám víu, hãy xem mọi thứ là không thì sẽ chẳng dính mắc, nhưng con không biết làm như thế nào mới là đúng? Ví dụ đi đường gặp cảnh cướp giật, nếu không giúp người đuổi cướp sẽ bị gọi là vô cảm, hèn nhát, còn nếu đuổi theo thì có phải là động tâm, bị sân si chi phối không? Thật khó quá khi không làm gì thì bị coi là vô cảm, còn can thiệp vào thì tâm chưa tịnh?

Con kính mong quý thầy giải đáp.

Câu 2: Kính bạch quý Thầy!

Theo như con được biết, trong quan điểm của Phật giáo có nói đến lục đạo luân hồi, tức là sáu con đường mà sau khi chết tùy theo nghiệp lành dữ khác nhau mà người ta tái sinh về, bao gồm: trời, người, a tu la, ngạ quỷ, súc sinh và địa ngục. Mỗi cảnh giới đều mang một nghiệp lực và quả báo khác nhau, như vậy con xin được hỏi: người đã chết bị đọa xuống địa ngục thì có thể hiện về nhập vào xác của người sống để báo cho biết hay không? Nếu có thì liệu có đúng với giáo lý nhà Phật hay không? Còn nếu không thì tại sao gần đây con thấy nhiều người lại nói rằng có người chết đọa địa ngục, sau đó lại về nhập vào người sống để nói chuyện cõi âm. Con rất thắc mắc trong vấn đề này, mong quý thầy giải thích cho con hiểu hơn.

Câu 3: Kính bạch quý Thầy!

Con có một chút duyên lành với Phật nên đã được nghe và hiểu ít nhiều về Phật pháp. Tất cả những gì hiện hữu xung quanh con biết đều liên quan đến nghiệp và cũng chính nghiệp chi phối cuộc sống trong hiện tại cũng như trong tương lai. Khi xưa chưa biết đến Phật pháp, con thường hay tin vào số mệnh. Con được biết số mệnh là quan điểm của Nho gia. Như vậy giữa nghiệp và số mệnh giống nhau hay khác nhau và sự giống hay khác ấy là ở điểm nào?
 
Nội dung phần giải đáp của Đại đức giảng sư kết luận như sau:

Câu1: Đạo Phật không vô cảm mà là hữu cảm, thiện cảm và linh cảm. Tùy  trường hợp mà chọn cho mình cách hành xử cho đúng với đạo lý, không thể thấy hoạn nạn mà vô tâm thờ ơ không giúp đỡ vì cho rằng động tâm. Ví dụ như quý thầy đi làm từ thiện từ Nam ra Bắc, từ trong nước ra đến nước ngoài như thầy trụ trì chùa Hoằng Pháp, có khi làm từ thiện sang Campuchia, một năm không biết bao nhiêu lần mà quý thầy vẫn an nhiên tự tại, tâm không hề bị động.

Câu 2: Theo giáo pháp của đạo Phật thì không có hiện tượng nhập xác. Là người Phật tử phải chọn minh sư để nương tựa, không chạy theo những hiện tượng lạ “hiển dị hoặc chúng”, phải tin vào thuyết nhân quả, lý nhân duyên. Vị thầy nào chỉ cho chúng ta con đường tu tập để diệt trừ khổ đau chính là bậc đạo sư mà chúng ta cần nương tựa.

Câu 3: Nghiệp khác hoàn toàn với số mệnh. Số mệnh của đạo Nho không thể thay đổi còn nghiệp của đạo Phật có thể chuyển do công năng tu tập của bản thân để chuyển đổi nghiệp xấu ác thành nghiệp thiện lành.

Sau chương trình Ánh Sáng Phật Pháp, đại chúng vào thời khóa niệm Phật kinh hành do ĐĐ.Thích Tâm Hóa chư tăng chùa Hoằng Pháp hướng dẫn.

Chiều cùng ngày, chư tăng và phật tử chùa Hoằng Pháp đã trang nghiêm long trọng cung đón Ngài Tam Tạng Pháp Sư thứ 12 Sayadaw Bhaddhanta Abhijātābhivaṃsa đến từ Myanmar viếng thăm và giảng pháp.
 
 
Trước khi thời pháp được diễn ra, Sư cô Thích Nữ Diệu Hiếu, du học sinh học vị Tiến sĩ tại Yangon, đã trình bày sơ lược về kỳ thi Tam Tạng Pháp Sư của Myanma và tiểu sử Ngài Đại Trưởng Lão Sayadaw Bhaddhanta Abhijātābhivaṃsa: 
 
Tam Tạng Pháp Sư Sayadaw Bhaddhanta Abhijātābhivaṃsa được sanh trong một gia đình Phật giáo tại Sagaing (Miến Điện), năm 11 tuổi Ngài thọ giới Sadi và học Phật pháp tại một tu viện địa phương, sau đó Ngài học tập tại Phật Học viện với các Bậc Trưởng Lão uyên thâm Phật pháp. Năm 20 tuổi Ngài thọ Đại giới Tỳ kheo. Kể từ đó Ngài không ngừng hành trì pháp học và đạt được nhiều văn bằng Phật học cũng những danh hiệu cao quý do chính phủ Miến Điện và Hội Truyền bá Pháp Tạng NiKaya trao tặng. Hiện tại Ngài đang giảng dạy lớp đào tạo chư Tăng và Tự Viện của Ngài nổi tiếng là “Nơi đào tạo Tăng tài” với nhiều Sư uyên thâm về pháp học. Những hoạt động về từ thiện và hoằng pháp của Pháp sư đã đem lại sự an lạc hạnh phúc cho nhiều người.

Sư Hộ Giới đã từ bi thông dịch những pháp ngữ của Tam Tạng Pháp Sư để đại chúng được hiểu pháp nghĩa. Sư đề nghị sau phần dịch pháp nghĩa, mọi người không nên vỗ tay mà hãy đồng thanh đọc: “Xà rưu! Xà rưu! Xà rưu! Lành Thay!”

Pháp sư rất xúc động và hoan hỷ trước tình cảm của chư Tăng và phật tử về chùa Hoằng Pháp tu tập. Ngài trình bày sơ lược về những khó khăn và những điểm kỳ đặc của cuộc thi Tam Tạng Pháp sư. Đây là cuộc thi được tổ chức dài ngày nhất và chất lượng kỳ thi này được thế giới công nhận. Để có được danh hiệu Tam Tạng Pháp Sư phải hội đủ nhiều yếu tố: sức khỏe, trí tuệ, sự tinh tấn và nhiều pháp hành Ba-la-mật khác, phải trải qua ít nhất là 10 kỳ thi, thuộc lòng và thông hiểu giáo pháp một cách chắc chắn và hoàn hảo.

Tiếp đến, Ngài đã có những lời sách tấn tu tập cho quý phật tử. Trên cuộc đời, chúng ta có nhiều hạnh phúc: hạnh phúc về con cái, tiền bạc, hạnh phúc về công việc làm ăn sinh sống, về sự hưởng thụ ngũ dục của thế gian. Thế nhưng, sự hạnh phúc đó không bền vững và đem lại nhiều bất an, lo lắng, buồn rầu, đau khổ cho ta. Chỉ có niềm vui trong Chánh pháp mới đem lại hạnh phúc thật sự cho con người. Ngày xưa ông Mahanama hỏi đức Phật làm sao để có được hạnh phúc trong đời sống của người cư sĩ. Phật dạy rằng phải thường nhớ nghĩ đến sáu điều (lục niệm): Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên. Người nào thường xuyên nhớ nghĩ và quán tưởng đến sáu điều này chắc chắn sẽ có được an lạc hạnh phúc. Người tu niệm Phật thì phải biết niệm “tánh đức” của đức Phật, phải hoan hỷ với những đức tánh cao quý nào của đức Phật mà ta ưa thích. Người nào thường nhớ nghĩ đến Phật sẽ không bị tham, sân, si chi phối. Chúng ta thực hành việc niệm Phật trong mọi oai nghi, mọi không gian và thời gian thì sẽ được an lạc giải thoát trong hiện tại và hướng đến Cực Lạc, Niết Bàn trong tương lai.

Kết thúc một ngày tu tập, BTC đã tặng quà pháp bảo: đĩa CD “Trách nhiệm của ai?”, kinh tụng khóa tu Phật thất, lịch khóa tu Phật thất 2015 cho tất cả phật tử.

Một ngày tu niệm Phật thật là tuyệt vời đối với đại gia đình chúng tôi gồm 7 người cộng thêm 7 phật tử chùa Đức Hòa (Ninh Hòa, Khánh Hòa). Bé út Na 4 tuổi, con của chị Hồ Yến ở nhà rất hiếu động, siêu quậy nhưng không hiểu sao khi về chùa bé rất ngoan, luôn miệng niệm Phật theo đại chúng trong thời khóa buổi sáng.

Chị Hồ Hà lần đầu tiên đến chùa Hoằng Pháp với thật nhiều cảm xúc: Giá như mình biết chùa sớm hơn, thật không uổng công khi vượt đường dài gần 500 cây số từ Ninh Hòa vào tận Hóc Môn để đón nhận được cảm giác từ bi, an lành lan tỏa từ thầy trụ trì Thượng tọa Thích Chân Tính, Ngài Tam Tạng Pháp Sư, chư tăng chùa Hoằng pháp, các cô bác công quả và các bạn sinh viên thuộc trường đại học Khoa Học Tự Nhiên, câu lạc bộ sinh viên Nhân Sinh, Làn Gió Ấm…đã không ngại gian khổ, mang cơm hộp lên các giảng đường cho hàng ngàn phật tử và cả những khách hành hương; các anh chị trong đội bảo vệ đã ân cần hướng dẫn chu đáo, góp phần làm nên sự thành công của khóa tu có đến hàng ngàn người tham dự.

Xin tri ân tất cả những vị Bồ tát giữa đời thường!

Quảng Ấn viết sau ngày dự tu tại chùa Hoằng Pháp
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Cam lộ chữa lành cơn khổ bệnh

Phật giáo thường thức 10:15 25/04/2024

Chúng ta biết rằng, mỗi chúng ta đều có khả năng lắng nghe, lắng nghe để có thể hiểu được những đau khổ, những khó khăn của người khác. Trong chúng ta, có những người có khả năng lắng nghe rất sâu, trong khi lắng nghe có năng lượng của hiểu và thương.

Thuyết luân hồi

Phật giáo thường thức 09:14 25/04/2024

Người thế gian không biết nên oán trách cha mẹ không có phước nên sanh mình ra khổ. Hoặc cha mẹ không có tài nên mình bây giờ phải thua sút người ta. Mà không biết chính mình thọ nhận quả báo đời trước đã tạo nên mới sanh vào gia đình tương ưng như thế.

Bài học khi sinh ra làm người nữ

Phật giáo thường thức 08:32 25/04/2024

Thưa Thầy, hiện giờ, con vẫn trăn trở về khái niệm "sứ mệnh" cuộc đời mà chồng con luôn nói đến - đó là việc phải sinh ra con cái, nuôi dạy chúng khôn lớn để đền đáp cuộc đời. Đó là lý do chính anh ấy ra đi.

Tâm tham ái dục vọng là một dòng chảy miên man vô tận

Phật giáo thường thức 19:47 24/04/2024

Khi Phật còn tại thế, nhiều vị tỳ kheo đã chứng quả A La Hán nhờ quán về đề mục, “thân này gồm có 32 phần thể trược trong cơ thể”. Nhờ quán như vậy, nên ta bớt tham đắm vào sắc thân ô uế; do đó, ta không si mê, dính mắc, tham đắm vào ái dục.

Xem thêm