Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Không thực tế khi Hiến chương đề cập đến khái niệm "bảo hộ" tài sản

Bảo hộ tài sản không phải là quyền có thực, cho nên Hiến chương không nên đề cập đến nữa.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam có chức năng “bảo hộ” tài sản, như ghi  trong Hiến chương hay không?

Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Điều 63: “Điều 63: Tài sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm có động sản, bất động sản hợp pháp: 

1. Do Giáo hội xây dựng, tạo mãi hoặc tư nhân trong và ngoài nước hiến cúng hợp pháp.

2. Do các thành viên tăng ni, cư sĩ phật tử thuộc các tổ chức Giáo hội, Hội, Hệ phái Phật giáo qua các thời kỳ xây dựng, tạo mãi hợp pháp, được Giáo hội bảo hộ và quản lý chung theo luật pháp Nhà nước”.

Theo nội dung trên việc “bảo hộ” là chung cho tài sản là động sản và bất động sản nếu căn cứ trên toàn nội dung Điều 63.

Nhưng, nếu xét trong giới hạn của mục 2 thuộc điều 63: “2. Do các thành viên tăng ni, cư sĩ phật tử thuộc các tổ chức Giáo hội, Hội, Hệ phái Phật giáo qua các thời kỳ xây dựng, tạo mãi hợp pháp, được Giáo hội bảo hộ và quản lý chung theo luật pháp Nhà nước”.

Về tài sản, nếu không rõ ràng thì tiềm tàng khả năng tranh chấp. Cụ thể, là khi đối với động sản, một bên cho là có hiệu lực bảo hộ khi căn cứ trọn Điều 63 Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong khi mục 2 điều 63, cho rằng bảo hộ chỉ có giá trị đối với bất động sản, mọi động sản không được Giáo hội Phật giáo Việt Nam bảo hộ.
Chùa quê. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Bảo hộ động sản thì làm sao thực hiện?

Động sản, có loại tuy không có giá trị cao, nhưng thuộc loại tài sản phải đăng ký, như xe gắn máy trị giá vài triệu đồng. Có tài sản có giá trị cao, như một TV cỡ lớn đời mới trị giá hàng trăm triệu đồng. Như vậy, xác lập và thực hiện bảo hộ động sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thực hiện ra sao?

Bảo hộ tài sản là một khái niệm có từ Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất


Trước khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, theo Dụ số 10 được áp dụng trên cả nước trước 1954 và ở miền Nam sau 1954, Phật giáo không được sở hữu bất động sản như đạo Ca tô La Mã. Tài sản của Phật giáo như chùa chiền thì hội trưởng, trụ trì đứng tên sở hữu, tổ chức Phật giáo không được đứng tên sở hữu.

Vì vậy, vấn đề tài sản trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất hết sức quan trọng.

Nhưng khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo hội này không có tài sản vì tất cả chùa chiền, đất đai của chùa trước đó đều buộc phải đứng tên cá nhân, thành ra phải có khái niệm bảo hộ.

Khái niệm bảo hộ tài sản trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất lúc đó, đương nhiên, phải phù hợp với luật pháp chế độ Việt Nam Cộng hòa.

Do chưa có khả năng tìm hiểu luật pháp của chế độ Việt Nam Cộng hòa liên hệ đến quyền bảo hộ tài sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, nên không rõ quyền bảo hộ tài sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất được xác lập và thực hiện như thế nào. Trong lịch sử Giáo hội Phật giáo Việt Nam trước năm 1975, chưa đọc thấy việc thực hiện quyền bảo hộ tài sản.

Nhưng đã nói bảo hộ, thì phải có chủ thể bảo hộ và đối tượng được bảo hộ. Chủ thể thực hiện việc bảo hộ đương nhiên không phải chủ sở hữu tài sản, vì không lẽ lại nói chủ sở hữu bảo hộ tài sản của mình? Nói như vậy, là quá thừa, vì tất nhiên chủ sở hữu có quyền và nghĩa vụ bảo vệ tài sản mình sở hữu. 

Còn ở đây là vấn đề Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bảo hộ tài sản đứng tên người khác.

Thí dụ trụ trì A đứng tên sở hữu chùa X tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thì chùa X treo bảng hiệu thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhưng vẫn là tài sản của trụ trì A. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có quyền và trách nhiệm bảo hộ đối với chùa A (thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất).

Việc bảo hộ này không lập thành văn bản và không ảnh hưởng gì đến quyền sở hữu chùa X của trụ trì A.

Cho nên bảo hộ không phải là một khái niệm thuộc phạm trù sở hữu tài sản. Trước pháp luật, giấy tờ sở hữu chùa X của ông A vẫn có hiệu lực pháp luật. Trường hợp ông A bán chùa, cầm cố ngôi chùa, về nguyên tắc pháp luật, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không có quyền can thiệp vì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn không có quyền sở hữu đối với chùa X.

Hiểu như vậy để thấy, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói bảo hộ tài sản có thể không phù hợp với luật pháp hiện hành

Khái niệm giám hộ, bảo hộ tài sản như vậy trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam là được Giáo hội Phật giáo Việt Nam mặc nhiên kế thừa từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Nhưng, đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam, luật pháp đã thay đổi rất nhiều.

Trong pháp luật hiện hành, không thấy nói tới khái niệm bảo hộ tài sản của một tổ chức đối với tài sản của một chủ sở hữu khác. Pháp luật hiện hành chỉ có nói việc giám hộ như cha mẹ giám hộ tài sản của con còn nhỏ trong một độ tuổi hạn định.

Tinh thần trong luật pháp hiện hành là xác định rõ chủ sở hữu đối với tài sản, bảo đảm cho người chủ sở hữu thực hiện các quyền sở hữu của mình.

Như vậy, không rõ quyền bảo hộ tài sản mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam ghi nhận trong Hiến chương, lại ghi nhận kèm theo cụm từ “theo luật pháp nhà nước” là bảo hộ như  thế nào, thực hiện ra sao?

Điều không có lợi cho Phật giáo Việt Nam là khi nói Giáo hội Phật giáo Việt Nam bảo hộ tài sản là xác định Giáo hội Phật giáo Việt Nam không phải là chủ sở hữu tài sản đối với tài sản đó. Nếu xác định là chủ sở hữu, thì trước sau như một, chỉ nên dùng một cụm từ chủ sở hữu mà thôi, không dùng bất cứ một hình thức diễn đạt nào khác, vì không có lợi cho việc xác định quyền sở hữu.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam bảo hộ tài sản bằng cách nào và thực hiện ra sao?

Như đã phân tích, căn cứ điều 63 Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có thể hiểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam bảo hộ cả động sản và bất động sản. Nhưng với động sản thì làm sao bảo hộ, dù động sản đó có giấy chứng nhận đăng ký như xe ô tô. Còn động sản không có quy định phải đăng ký, tức không cần có giấy tờ thì càng khó hơn nữa.

Thí dụ, trụ trì Y, chùa B mua 1 xe ô tô bằng tiến cúng dường của phật tử trị giá 1 tỷ 200 triệu đồng. Giấy chứng nhận đăng ký xe ghi tên trụ trì Y. Động sản này được Giáo hội Phật giáo Việt Nam bảo hộ bằng cách nào? Nếu trụ trì lập Hội đồng công chứng mua bán xe ô tô đó cho ông Z với giá xe 1 tỷ đồng, thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện quyền bảo hộ ra sao đối với tài sản này? Thực tế là không bảo hộ gì cả, vì trụ trì Y thực hiện quyền sở hữu của mình quyền đó đã được pháp luật bảo hộ. Giáo hội Phật giáo Việt Nam không thể khởi kiện ra tòa án yêu cầu tuyên Hợp đồng Công chứng bán xe ô tô vô hiệu.

Một thí dụ khác, trụ trì X mua 1 camera ghi hình chuyên nghiệp bằng tiền cúng dường của phật tử giá 100 triệu đồng phục vụ cho chùa A ghi hình thuyết pháp. Tài sản camera trước đây buộc phải có đăng ký, trước bạ, nay đã hủy bỏ, không cần giấy tờ. Đối với tài sản là camera có giá trị tiền rất cao này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện bảo hộ động sản ra sao nếu thực hiện theo Hiến chương. Nếu trụ trì X bán hoặc tặng camera nói trên thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam bảo hộ thế nào?

Như vậy, không có lựa chọn nào khác là Giáo hội Phật giáo Việt Nam sửa đổi Hiến chương về khái niệm "bảo hộ" tài sản.

Khi nói bảo hộ bất động sản, loại tài sản buộc phải đăng ký sở hữu, thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã xác định giáo hội không phải chủ sở hữu bất động sản đó. Đó là lý do trước tiên để phải sửa đổi Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, loại bỏ khái niệm bảo hộ đối với bất động sản.

Lý do thứ hai để làm việc trên là trong pháp luật hiện hành, không còn quyền sở hữu tư nhân về vấn đề đất đai mà thay vào đó là  quyền sử dụng đất. Trong khi đó, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các văn bản liên hệ lại không nói đến quyền sử dụng đất. Vậy, thì làm sao bảo hộ? Còn nếu nói bảo hộ quyền sử dụng đất đối với cơ sở Phật giáo, thì như vậy, có nghĩa Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có quyền sử dụng đất đối với đất tôn giáo đó? Đó là tình huống càng không thực tế.

Theo đúng pháp luật hiện hành, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải đề cập đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và việc đứng tên trong giấy tờ liên hệ.

Việc nói chung chung và nói đến khái niệm bảo hộ. Xin nhắc lại bảo hộ không phải chủ sở hữu. Và nói tuân “theo pháp luật nhà nước” như trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhưng đến bây giờ không nói đến quyền sử dụng đất thì đã là mâu thuẫn, không phù hợp với thực tế.

Một lý do nữa để sửa đổi Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, loại trừ khái niệm bảo hộ, xác định cụ thể quyền sử dụng (đối với đất), quyền sở hữu (đối với nhà và tài sản khác gắn liền với đất) là vì quyền bảo hộ là điều không khả thi.

Nói Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quyền bảo hộ, nhưng căn cứ vào đâu xác lập quyền bảo hộ, bảo hộ bằng cách nào, Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp có quyền và nghĩa vụ ra sao trong việc bảo hộ, quyền bảo hộ có hạn chế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sải khác gắn liền với đất? Rất nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn.

Tu sĩ X đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với tịnh thất A. Tu sĩ X tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tịnh thất A treo bảng Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nếu hiểu theo cách hiểu từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quyền bảo hộ đối với tài sản tịnh thất Y, tức là bảo hộ quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Quyền bảo hộ này là gì, gồm những quyền và nghĩa vụ gì? Có thực hiện được không?

Hiến chương và các văn bản liên hệ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam không nói đến quyền sử dụng đất, lấy căn cứ gì xác lập bảo hộ? Chẳng hạn nếu có tranh chấp đất trong trường hợp trên thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm được gì, hay lại chỉ có người đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết? Nếu Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn bảo hộ thì có tác dụng gì không, có hiệu lực gì không?

Nếu quyền bảo hộ không được pháp luật công nhận và trên thực tế không có hiệu lực thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam không nên nói đến bảo hộ tài sản cả động sản và bất động sản trong Hiến chương.

Trong thực tế tôi đã thấy một số ngôi chùa bị bán, một phần hay toàn phần, chủ mới chuyển chức năng sử dụng. Gần nhà cũ của tôi có chùa Linh Sơn đường Vĩnh Viễn, chùa Bồ Đề Lan Nhã đường Ngô Gia Tự, cũng chỉ cách chùa Ấn Quang, trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp.HCM mấy trăm mét, nhưng đều bị bán đi, không còn là chùa nữa. Đây là dạng chùa đứng tên sở hữu chủ tư nhân, và theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua những lần sửa chữa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều có quyền bảo hộ.

Không phải trong các thí dụ giả định, mà trong thực tế đã diễn ra, điều được gọi là bảo hộ không có tác dụng.

Nếu Giáo hội Phật giáo Việt Nam có các quy định đúng theo pháp luật hiện hành, thì mới tránh được việc bán chùa, chiếm chùa, thất thoát tài sản của thập phương đã cúng dường cho Tam Bảo.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Công đức phóng sinh và sám hội giúp thân tâm an lạc

Phật pháp và cuộc sống 13:13 29/03/2024

Em bây giờ quyết tâm tu hành tha thiết và hễ có cơ hội thì em đều khuyên người phát tâm trường chay, phóng sinh, niệm Phật, phát nguyện cầu sanh Tây Phương Cực lạc.

Tăng đoàn như cội đại thụ

Phật pháp và cuộc sống 11:25 29/03/2024

Thương phận người xuất sĩ lênh đênh giữa biển đời, đục trong cũng chịu, đắng cay cũng đành, như nhánh lục bình giữa gập ghềnh sóng cuộn vẫn lặng thầm vừa nở vừa trôi.

Ngọn rau quê mẹ

Phật pháp và cuộc sống 10:15 29/03/2024

Thị thành rau nhiều vô kể. Từ khắp nơi đổ về những cọng rau xanh um, non mượt, ú nu khoe dáng trong những khu chợ đông người. Loại nào cũng làm người ta mê mắt, nhìn là muốn mua về trổ tài nấu nướng cho cả nhà dùng.

Nhập thất: Nhất tâm, lộ trình sơ thiền (5)

Phật pháp và cuộc sống 17:30 28/03/2024

Tôi đề cập vấn đề này nhiều lần mà có vẻ như chưa đủ. Hai chữ nhất tâm nó có thể quyết định toàn bộ con đường tu tập, cả về phương pháp luận về các pháp hành mà Đức Phật đã chỉ ra.

Xem thêm