Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 31/12/2017, 10:58 AM

Kiến nghị của nữ giới Phật giáo

Trong nhiều năm qua, một số lượng lớn nữ giới Việt Nam đã tham gia rất tích cực trong các hội nghị của tổ chức này. Điển hình vừa rồi, tại Hội nghị Sakyadhita ở Hồng Kông đoàn Việt Nam có tới 165 người, là đoàn có số lượng đông nhất. Tại Hội nghị, tổ chức Sakyadhita Quốc tế đã có thư mời đến ni giới Việt Nam tham gia với tư cách là một chi nhánh chính thức của quốc gia.

Kính bạch Chư tôn Giáo phẩm Ban Chứng Minh!
Kính thưa đoàn Chủ tọa!

Kính thưa Quý vị Đại biểu!

Trước hết, cho phép con được bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đến Ban Tổ chức Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII đã dành cho con cơ hội phát biểu. Trong thời gian qua, với sự quan tâm và giúp đỡ sâu sắc của Trung ương Giáo hội, nên ni giới chúng con đã có điều kiện thực hiện nhiều phật sự như: Từ thiện, hoằng pháp, giảng dạy, phát hành Đặc san Hoa Đàm, hỗ trợ nữ giới Phật giáo Việt Nam tham gia mọi hoạt động của các tổ chức nữ giới Phật giáo quốc tế…

Qua đây, chúng con thành kính tri ân Trung ương Giáo hội, Ban Tăng sự, Ban Tôn giáo Chính phủ và các cấp chính quyền, đặc biệt là sự quan tâm của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự đạo hiệu thượng Thiện hạ Nhơn đã giúp đỡ cho phái đoàn ni giới Việt Nam tham gia Hội nghị Nữ giới Phật giáo Quốc tế Sakyadhita, giúp ni giới Việt Nam sánh vai cùng quốc tế. Chúng con cảm thấy mình thật diễm phúc khi được là một nữ tu sĩ Phật giáo trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Với những thành quả trên, đồng thời để phát huy hơn nữa sự phát triển của nữ Phật giáo, nhân dịp này, chúng con xin phép được đề xuất một số kiến nghị đến Trung ương Giáo hội và chính quyền các cấp.

1. Thực lòng chúng con thấy rất do dự và lo sợ khi nói ra điều này, nên con xin sám hối nếu điều này làm phật lòng Chư tôn đức và đại diện chính quyền có mặt tại đây. Đó là sự băn khoăn với tên gọi một số ban trong cơ cấu tổ chức của Giáo hội, chẳng hạn như tên gọi “Ban Tăng sự”. Tại sao gọi là “Ban Tăng sự” trong khi đó bên trong lại không hoàn toàn là công việc của Chư tăng? Thực tế hiện nay, Phân ban Ni giới nằm trong Ban Tăng sự, đã và đang có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Phật giáo nước nhà.

Trong công tác phật sự, trên tất cả các lĩnh vực như: từ thiện xã hội, hoằng pháp, giáo dục, thông tin truyền thông v.v…Con nghĩ nếu có thể điều chỉnh một chút cách gọi tên “Ban Tăng sự” thành “Ban Công tác Tăng Ni” chẳng hạn, để cho phù hợp với công việc thực tế của Ban, tương tự với cách gọi “Ban Giáo dục Tăng Ni” trong Giáo hội. Cách điều chỉnh tên gọi như vậy sẽ phản ánh đúng hơn công việc thực tế của Ban, tạo điều kiện tốt hơn cho ni chúng tích cực đóng góp, phục vụ, đem về lợi ích cho đất nước và nhân dân. Đồng thời, cách gọi ấy cũng sẽ là một bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế, thể hiện sự tiến bộ, đi trước thời đại của Phật giáo Việt Nam, đúng với ý nghĩa phương châm “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển” của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề xuất.

2. Là người may mắn được kế thừa “Đặc san Hoa Đàm” (Tiếng nói nữ giới Phật giáo Việt Nam) của Sư trưởng Như Thanh. Trong thời gian hơn 4 năm qua, Đặc san Hoa Đàm đã phát triển và trưởng thành, thu hút được ngày càng nhiều cộng tác viên và bạn đọc. Để giúp Đặc san Hoa Đàm có điều kiện phát triển, phục vụ tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, con xin được phép kiến nghị đến Trung ương Giáo hội và chính quyền các cấp cho phép nâng “Đặc san Hoa Đàm” thành “Tạp chí Hoa Đàm”. 
 
Hiện nay, Đặc san Hoa Đàm đã ra được 50 số, phát hành mỗi tháng 1 kỳ với số lượng trung bình 4500 cuốn, số đặc biệt 7000 cuốn, góp phần rất tích cực trong công tác thông tin truyền thông về Phật giáo nói chung, nữ giới Phật giáo nói riêng.

3. Nhân dịp này, chúng con xin kiến nghị với Trung ương Giáo hội và chính quyền cho phép thành lập một Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo, trực thuộc Viện Nghiên cứu Phật học. Nơi đây, sẽ tập trung thực hiện những công việc nghiên cứu và phật sự liên quan đến nữ giới bởi sự đặc thù của nữ giới nên việc thành lập trung tâm này sẽ tạo điều kiện cho nữ giới hoạt động tốt hơn.

4. Điều cuối cùng, con xin kiến nghị với Trung ương Giáo hội và chính quyền về việc thành lập Chi nhánh của Hiệp hội Nữ giới Phật giáo Quốc tế Sakyadhita tại Việt Nam, trụ sở đặt tại Học viện Phật giáo Việt Nam Tp.Hồ Chí Minh. Hiệp hội Nữ giới Phật giáo Quốc tế Sakyadhita được thành lập từ năm 1987 tại Bồ Đề Đạo tràng, Ấn Độ, là một tổ chức phi chính trị, phi lợi nhuận và chỉ hoạt động để đem đến lợi ích cho nữ giới Phật giáo trên khắp thế giới với mục tiêu là thúc đẩy sự phát triển giáo dục, hoằng pháp, thiền định và hoạt động xã hội của nữ giới Phật giáo. Sakyadhita có các chi nhánh tại Canada, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Anh Quốc, Hoa Kỳ, Úc châu, Nhật Bản, Ấn Độ, Nepal và nhiều nước khác, nhưng cho đến nay vẫn chưa có chi Nhánh của Sakyadhita tại Việt Nam.
 Quý Ni trưởng Phân ban Ni giới T.Ư tại Hội nghị Sakyadhita
Trong nhiều năm qua, một số lượng lớn nữ giới Việt Nam đã tham gia rất tích cực trong các hội nghị của tổ chức này. Điển hình vừa rồi, tại Hội nghị Sakyadhita ở Hồng Kông đoàn Việt Nam có tới 165 người, là đoàn có số lượng đông nhất. Tại Hội nghị, tổ chức Sakyadhita Quốc tế đã có thư mời đến ni giới Việt Nam tham gia với tư cách là một chi nhánh chính thức của quốc gia. Sự tham gia đông đảo của ni giới Việt Nam tại Hội nghị cũng đặt ra vấn đề thành lập chi nhánh Sakyadhita Việt Nam nhằm thực hiện công tác tổ chức cho đoàn và là cầu nối nối kết của Ni giới Việt Nam với nữ giới quốc tế, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ đối ngoại và hội nhập quốc tế của Phật giáo Việt Nam. Chi nhánh Sakyadhita Việt Nam sẽ là đơn vị trực thuộc Trung tâm Nữ giới Phật giáo của Viện Nghiên cứu Phật giáo nếu được thành lập.

Trước khi kết thúc, một lần nữa con xin trân trọng tri ân Đại hội đã cho chúng con cơ hội được nói lên tâm nguyện của mình. Kính chúc Chư tôn đức và quý vị đại biểu sức khỏe và an lạc. Kính chúc Đại hội thành tựu tốt đẹp!

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII

TS.Thích Như Nguyệt
Phụ trách Đặc san Hoa Đàm, Cơ quan ngôn luận của Nữ giới Phật giáo VN; 
Giảng viên Khoa Lịch sử Phật giáo, Học viện Phật giáo Tp.HCM; Phó Ban Quản viện Ni, Học viện Phật giáo Cơ sở 2 tại Tp.Hồ Chí Minh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông là Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2024 - 2025

Sách Phật giáo 11:04 24/04/2024

Sư cô Suối Thông (Thích nữ Hạnh Đức) - đang công tác tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, thành viên Ban Văn hóa Phật giáo TP vừa được trao nhiệm vụ này từ Sở TT&TT TP, trong ngày Sách và văn hóa đọc lần 3, hôm 19/4.

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Xem thêm