Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 23/10/2013, 08:58 AM

Kỹ năng viết tin, phóng sự

Nếu trước đây, bạn chưa từng viết tin bài, quay phim, chụp ảnh, nhưng bạn có tâm huyết để làm truyền thông Phật giáo, vậy là bạn đã có động lực; Hãy mạnh dạn chuyển tải ý tưởng thành nội dung văn bản, hình ảnh, đó là những xúc tác đầu tiên để làm truyền thông Phật giáo.

Cách viết tin, bài như thế nào? Bạn đừng ngần ngại mình viết chưa tốt, điều quan trọng là bạn tự tin viết theo văn phong của mình.
 
1. Viết tin ngắn

Là cách đưa tin nhanh, dễ đọc, dễ nhớ. Câu văn đơn giản, ngôn từ giản dị, không nên viết câu phức, câu kép. Bạn hãy viết sao cho một người già ở nông thôn hiểu được, học sinh cũng hiểu được, là bạn đã thành công.

Bạn có thể cung cấp nội dung cho người đọc bằng cách trả lời các câu hỏi sau: Sự kiện gì? Diễn ra ở đâu, vào lúc nào? Ai tham gia, tham dự? 

Muốn cung cấp tin sâu hơn, bạn có thể viết thêm: Sự kiện diễn ra như thế nào? Sự kiện diễn ra với ý nghĩa gì? 

Công thức 5W hay 5W+H chỉ tương đối, sự sáng tạo của người viết là quan trọng, tức là trả lời những câu hỏi trên không nên cứng nhắc, rập khuôn, mà phải linh hoạt, chủ động, tùy thuộc vào mức độ giá trị sự kiện. 

Bạn nên biết cách sàng lọc thông tin, không nên cố đưa tất cả vào bài viết. 

Ảnh kèm theo phải có chú thích nội dung và tên người chụp ảnh.

2. Phóng sự là gì?

Cách hiểu bình dân nhất, phóng sự là một cái tin được mở rộng, đào sâu; Là một câu chuyện thời sự. 

Phóng sự chú trọng đến con người (trong sự kiện, trong vấn đề, trong hiện trạng). Tin ngắn là chú trọng đến thông tin, còn phóng sự là chú trọng đến giá trị nhân văn của thông tin. Người viết bài được quyền đặc tả cảm nhận, phân tích theo góc nhìn của mình, nhưng trọng tâm phải là nhân vật, sự kiện và cuộc sống.

Một phóng sự phải đạt được:

- Tính logic.
- Mở bài mạch lạc.
- Thân bài có ý nghĩa.
- Kết ấn tượng.
 Ảnh minh họa

3. Viết phóng sự như thế nào?

Phóng sự có nhiều loại: phóng sự sự kiện; phóng sự hiện trạng/vấn đề; phóng sự chân dung. Hãy căn cứ vào câu chuyện, nội dung thực tế để lựa chọn loại thích hợp nhất. 

Phóng sự không nên khô khan, thuần túy cung cấp thông tin. Nếu chỉ dừng lại ở miêu tả và tường thuật thì chưa thể làm nên phóng sự. Đó mới chỉ thuần túy là ghi chép.

Với cách viết của nhiều Phật tử hiện nay, chỉ đơn thuần là ghi chép, mô tả, tường thuật một sự kiện. Đó là cách viết an toàn nhưng lối mòn. Giả sử bạn là một Phật tử tích cực viết bài cho chùa ở địa phương, bạn thử so sánh qua các ví dụ sau:
 
Ví dụ 1: Bạn viết bài lễ Vu Lan ở chùa A;

Bạn viết bài lễ vu lan ở chùa B;
Rất có thể hai bài viết hao hao giống nhau. 

Ví dụ 2: Bạn viết bài về lễ Phật thành đạo năm ngoái, ở chùa A. 

Bạn viết bài về lễ Phật thành đạo năm nay, ở chùa A. 

Rất có thể hai bài viết hao hao giống nhau. Còn chưa kể nhiều bài viết của phật tử về hoạt động của hàng trăm ngôi chùa khác, công chúng sẽ thấy thông tin na ná nhau.

Một cách viết khác, bạn có thể so sánh sự kiện, chương trình hoạt động của năm nay so với năm ngoái (cùng một ngôi chùa tổ chức). Bạn có thể phân tích nguyên nhân, điểm giống nhau và khác nhau, thuận lợi và khó khăn, số lượng và quy mô.v.v..
 
Xin nhấn mạnh là chúng ta chỉ nên so sánh sự kiện, chương trình của cùng một ngôi chùa tổ chức. Rất không nên so sánh sự kiện chùa này với chùa khác. 

Bạn có thể viết sáng tạo hơn về các chương trình phật sự, hoạt động từ thiện. Một phóng sự thường bắt đầu bằng chi tiết, viết về ai đó cụ thể, miêu tả một quang cảnh, viết một điều gì đó, viết một đối thoại… Hãy bắt đầu bằng chi tiết.

Chi tiết của phóng sự gồm hai loại: 

- Chất liệu phổ cập: là chất liệu về sự việc mà có thể thấy ở bất cứ đâu.

- Chi tiết độc đáo: thường là chi tiết, chất liệu về nhân vật, sự việc riêng lẻ, khác biệt, gây ấn tượng, thu hút người đọc. Chi tiết độc đáo có được nhờ sự quan sát tỉ mỉ và tinh tế. Một phóng sự hay thường phải có vài ba chi tiết loại này.

Ngôn ngữ phóng sự nên giản dị, dễ hiểu. Hạn chế dùng từ chuyên môn, từ lóng, từ Hán Việt, từ đa nghĩa, từ văn hóa sáo rỗng.

Một bài viết thành công phải đảm bảo tính thông tin logic, và tính thông tin thẩm mỹ, không trái với thuần phong mỹ tục. 

Phóng sự là một thể loại sâu sắc, người viết có cảm nhận và phân tích tốt. Do đó, người viết cần có hiểu biết rộng, sâu, tư duy logic, và kinh nghiệm xử lý thông tin để định hướng tốt cho người đọc. 

Bí quyết để viết một phóng sự tốt là bạn thấy được sự thay đổi, diễn biến câu chuyện theo nguyên nhân - kết quả. Từ đó mở rộng thông tin, đào sâu vấn đề, phản ánh được toàn cảnh.

4. Một số kỹ thuật viết 

- Xuống dòng (enter) khi  chấm câu, viết xong một ý.

- Nhìn lại xem câu đó có dài đầy 2 dòng không  (cỡ chữ 14)? Nếu có, cần xem xét tách thành hai câu.

- Nhìn lại xem câu có nhiều thành phần không? Nếu có, cần tách ra thành các câu đơn.

-  Hãy loại bớt các từ không cần thiết trong mỗi câu, sau khi đã viết xong cả đoạn văn, bạn.

-  Câu đầu tiên của đoạn văn bao giờ cũng cung cấp thông tin: ai làm gì? ở đâu? Các câu tiếp theo mới là giải thích nguyên nhân, và nói rõ hậu quả hoặc ích lợi…

- Lưu ý các liên từ: nếu, thì, mặc dù, tuy nhiên, trong khi, đồng thời, ngoài ra, bên cạnh, song song… Đây là các từ có nguy cơ làm cho tin bài của bạn rườm rà, câu văn dài, khiến bạn đọc khó nhớ.

- Lưu ý các bổ ngữ: bổ ngữ quá dài, làm bạn đọc không nhớ được thông tin về chủ ngữ và vị ngữ; tránh để bổ ngữ dài ở đầu câu.  (Bổ ngữ là các từ đứng sau động từ hoặc tính từ, tạo thành cụm động từ, cụm tính từ).

Trên đây là một số kỹ năng viết tin, phóng sự. Thể loại này rất phù hợp với truyền thông Phật giáo, bởi tính truyền cảm hướng thiện đến người đọc.

Kính chúc quý đạo hữu thân tâm an lạc, có nhiều tin, bài và ảnh phản ánh hoạt động phật sự  tại địa phương, cũng như của kiều bào và các hoạt động Phật giáo quốc tế.


CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Làm thế nào để thực hành tâm từ (Mettā) khi gặp khó khăn

Ứng dụng 17:20 11/11/2018

Thiền Tâm từ (Mettā) không phải là một pháp thuật hay ma thuật mà có thể giúp người dân Hoa Kỳ có đời sống tinh thần lạc quan và tốt đẹp hơn nhưng không hề sử dụng bất kỳ sự đàn áp hay quyền lực nào. Thiền Tâm từ (Mettā) tịnh hóa trái tim và tâm trí của người thực hành bằng sự kiên nhẫn.

Sử dụng của cải một cách hợp lý

Ứng dụng 16:49 11/11/2018

Đối với đa số, một người, một cộng đồng hay một quốc gia, giàu có có nghĩa là 'giàu có' trong ý nghĩa có nhiều tài sản hay tiền bạc do sự đạt được từ vật chất. Nghĩa chữ của cải nguyên thủy là trạng thái hạnh phúc. Khối cộng đồng thịnh vượng mang ý nghĩa ấy. Nhưng bây giờ người ta sử dụng danh từ này vào ý nghĩa tài sản thường để khuyếch trương phúc lợi vật chất hơn là mở mang trạng thái tinh thần.

Tu hành là tìm lại bản lai diện mục...

Ứng dụng 15:55 30/10/2018

Tu đạo là vì giải thoát, không bị chìm đắm trong luân hồi. Coi bạn có thể tu đến chỗ "Ngũ Uẩn" sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều "Không" chăng?

Quán niệm vô thường để xả ly, buông bỏ

Ứng dụng 21:53 26/10/2018

Vô thường là không có gì thường hằng, tồn tại mãi mà phải thay đổi. Đổi thay từ hình thức đến nội dung, từ vật chất cho đến tinh thần, từ hiện tượng cho đến bản chất. 

Xem thêm