Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Ký sự ánh đạo sáng ở Trường Sa

Trên nền tảng những điều đã làm được, sắp tới BTS tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục vận động tăng ni, phật tử, tình nguyện viên tình nguyện ra hoằng pháp nơi hải đảo; quan tâm dành nhiều kinh phí hơn nữa về vùng biên giới hải đảo, chỉ đạo các ban ngành của Giáo hội, Ban Trị sự kết hợp với chính quyền địa phương ở các đảo để tập trung đầu tư vào công tác truyền bá văn hóa Phật giáo.

Dân tộc Việt Nam ta có hơn bốn ngàn năm văn hiến thì trong đó, Phật giáo đã có hơn hai ngàn năm lịch sử. Trải qua hai ngàn năm cùng đồng hành, cùng phát triển; có lúc thăng, lúc trầm; có khi hưng thịnh cũng có lúc suy vong; đến nay, Phật giáo đã là một phần không thể tách rời của đất nước và dân tộc Việt Nam. Theo lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét:

“… Trong quá khứ, Phật giáo Việt Nam đã gắn chặt với dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Lịch sử đã xác nhận Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo, từ bản chất, bản sắc, từ trong thực tiễn hoạt động của mình, biểu hiện truyền thống yêu nước, gắn bó chặt chẽ với dân tộc, với Tổ quốc.

Trong sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc ngày nay, Phật giáo đã góp phần xứng đáng. Đối với Việt Nam, nói đến tôn giáo là người ta nghĩ ngay đến đạo Phật, đến các việc làm quý báu, đẹp đẽ của tăng, ni, phật tử.

Đạo Phật ở Việt Nam đã mang màu sắc dân tộc Việt Nam rõ rệt. Có thể nói rằng Phật giáo Việt Nam đã góp phần làm sáng ngời lý tưởng của dân tộc và trưởng thành cùng dân tộc”.
 
Tuy 36 năm đã trôi qua, thế cuộc xoay vần, có những thứ đã đổi khác rất nhiều nhưng lời nhận xét của cố Thủ tướng tại buổi gặp gỡ Chư tôn đức Đại biểu Đại hội hiệp thương thống nhất các tổ chức hệ phái Phật giáo Việt Nam để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (từ ngày 4-11 đến 7-11-1981) vẫn hoàn toàn chính xác. Ngày nay, tình hình biển đảo Việt Nam đang có những diễn biến phức tạp, đe dọa trực tiếp đến chủ quyền lãnh thổ của dân tộc. Trước tình hình đó, trong xu thế toàn đảng, toàn quân và toàn dân hướng về biển Đông, Phật giáo cũng không ngoại lệ.

Theo tinh thần “Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc”, với vị thế một tỉnh ven biển, có nhiều đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa có ý nghĩa chiến lược, Phật giáo Khánh Hòa đang là ngọn cờ tiên phong trong công cuộc phát triển, truyền bá Phật giáo đến với đồng bào vùng hải đảo, từ đó làm phong phú thêm đời sống tâm linh, củng cố thêm tinh thần yêu nước, giúp đồng bào thêm vững tâm bám trụ mảnh đất máu thịt quê nhà. Bởi lẽ Phật giáo là nhân tố không thể thiếu trong văn hóa Việt Nam. Nơi nào thuộc chủ quyền của Tổ quốc, có người Việt Nam thì nơi đó có chùa. Phật giáo đồng hành với dân tộc. Điều đó cũng đúng với Trường Sa. Những ngôi chùa ở Trường Sa ngày nay là sự tiếp nối truyền thống xa xưa của cha ông. Ngôi chùa chính là hình ảnh của chốn tâm linh để người dân ngưỡng vọng, thờ phụng đức Phật.

Xét vấn đề từ góc nhìn Phật giáo thì, đồng bào tại vùng hải đảo xa xôi là đối tượng nhân sinh có yêu cầu được giúp đỡ cao hơn cả. Theo tinh thần kinh Pháp Hoa, chính pháp là một trận mưa đem lại nguồn sống cho muôn loài, không phân biệt, càng không có sự phân biệt theo địa lý. Dùng “từ nhãn” mà nhìn chúng sinh, thì những đồng bào ở nơi miền núi, biên giới và hải đảo xa xôi đã phải chịu nhiều thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần. Hàng ngày hàng giờ đối diện với những khó khăn, thiếu thốn về vật chất, đặc biệt là những hiểm nguy, căng thẳng về chính trị, thứ mà những người dân ở quần đảo Trường Sa cần nhất để không bỏ cuộc chính là một chỗ dựa tinh thần vững chắc, một nơi để trở về với an tâm giữa bộn bề lo toan cuộc sống. Chùa và Phật pháp chính là một nơi như thế. Vì vậy, nơi huyện đảo xa xôi này rất cần có sự hiện diện của những người đệ tử Phật chân chính.

Nếu xét từ khía cạnh quyền lợi chung của đất nước, thì vấn đề truyền bá Phật giáo đến với đồng bào vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo càng trở nên cần thiết và cấp bách: Với ngư dân đánh bắt xa bờ trên biển Đông, các điểm đảo ở quần đảo Trường Sa chính là điểm tựa, là ngôi nhà thứ hai của họ. Trường Sa là của người Việt Nam. Điều này đã được chứng minh bằng lịch sử và các tài liệu khoa học. Tuy nhiên những năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều hành động gây hấn, xâm hại đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Người tu sĩ Phật giáo, trước hết là một công dân Việt Nam, cần nhận thức rõ sự cần thiết của việc giữ gìn chủ quyền đất nước, dân tộc Việt Nam. Những việc chúng ta có thể làm trước hết là chuyên tâm tu niệm, nguyện cầu cho hòa bình an lạc, sau là đem tất cả sức mình mang giáo pháp hoằng hóa khắp đảo xa.

Bởi với người Việt Nam, Phật giáo là một tôn giáo gần gũi với đời sống hằng ngày, mang tính chất biểu trưng cho dân tộc và là chỗ dựa cho đời sống tâm linh. Chùa là nhà, chùa là quê hương, chùa là làng xóm. Chùa không chỉ đơn giản là một cơ sở tôn giáo mà còn là nơi lưu giữ những giá trị thiêng liêng nhất về hình ảnh và linh hồn của dân tộc Việt Nam. Vì thế, trong tình hình hiện nay, sự hiện diện của những ngôi chùa, những vị tu sĩ tại quần đảo Trường Sa là một bằng chứng hùng hồn cho chủ quyền lãnh thổ của dân tộc.

Mặt khác, như đã nói ở trên, đạo Phật luôn đi cùng với lòng yêu nước, phụng sự dân tộc. Truyền bá đạo Phật tại hải đảo cũng là góp phần cổ vũ tinh thần yêu nước, củng cố và làm chỗ dựa cho quyết tâm bám đảo, bám biển của đồng bào. Từ đó bảo vệ vững chắc từng tấc đất, tấc nước quê nhà, với tinh thần từ bi và bình đẳng, hướng con người ta đến với cái chân – thiện – mỹ. Nơi nào Phật giáo hưng thịnh thời đời sống con người hài hòa hơn, không còn chiến tranh, xung đột của ý thức hệ. Phật giáo cho con người ta cái nhìn của chính giác, chính kiến, thấu rõ chân lý, bản chất của mọi việc, không bị ngoại cảnh làm cho u mê, kích động. Đây là điều cần thiết đối với những chiến sĩ và người dân nơi tiền tuyến trong thời kỳ hiện nay, bởi vì chỉ cần một hành động bồng bột, sai lầm thì hậu quả khó mà gánh hết.

Từ những yêu cầu cấp bách kể trên, trong suốt một nhiệm kỳ vừa qua, GHPGVN tỉnh Khánh Hòa đã rất quan tâm, chú trọng đến công tác hoằng pháp tại huyện đảo Trường Sa và cũng đạt được những thành công đáng kể: Trong thời gian vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã xây dựng 06 ngôi chùa tại các đảo: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa; Thành công trong việc xây dựng những ngôi chùa không chỉ thể hiện tinh thần Phật giáo mà còn thể hiện cụ thể và sinh động đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt nơi biển đảo từ xa xưa, với cốt lõi là tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm, quyết tâm bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; cử Chư vị đại đức tăng ra trụ trì tại các chùa nơi hải đảo; cử đoàn ra thăm tặng quà các chiến sĩ và cư dân đảo Trường Sa, làm lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ bờ cõi của đất nước; chùa không chỉ là cơ sở tôn giáo cho các phật tử về tu học mà còn trở thành nơi đi - về của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa mà cả những con dân nước Việt đến từ đất liền.

Song song với những thành tựu rực rỡ đã đạt được, trong những năm qua, công tác hoằng pháp tại huyện đảo Trường Sa vẫn còn một số vấn đề tồn tại: chưa có phương hướng hoạt động lâu dài và cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của nền Phật giáo tại huyện đảo; Chư vị đại đức tăng luân nhiệm trụ trì và thời gian cho 1 nhiệm kỳ là 1 năm nên chưa thực sự có được sự sâu sát và gần gũi với nhân dân địa phương cùng với việc chưa có các kế hoạch hoạt động thống nhất và lâu dài nên mỗi vị trụ trì sẽ có cách phương hướng, cách thức hoạt động khác nhau, mang tính nhỏ lẻ và ngắn hạn; Chưa tổ chức được những lớp học giáo lý hoặc buổi thuyết giảng giáo lý cho người dân: Phật giáo tại huyện đảo Trường Sa hiện nay chỉ tập trung vào việc lễ sám và cầu nguyện, việc dạy giáo lý vẫn chưa được chú trọng; Các hoạt động, sự kiện Phật giáo được tổ chức mang tính chất thời vụ, chưa có kế hoạch tổng thể và lâu dài, chưa có hoạt động mang tính đặc trưng cho Phật giáo địa phương; Tầng lớp thanh thiếu nhi phật tử trẻ tại đảo vẫn chưa được quan tâm đúng với tiềm năng và vai trò của mình, các hoạt động đặc thù gần như không có; tài liệu sách báo, kinh điển hay băng đĩa Phật giáo cho bà con tìm hiểu vẫn còn hạn chế; Các phương tiện phục vụ công tác hoằng pháp ở vùng hải đảo còn nhiều thiếu thốn. Nhiều nơi gần như không có phương tiện truyền thông, thông tin qua truyền hình và Internet. Đặc biệt, công tác thành lập Ban Trị sự GHPGVN tại huyện đảo Trường Sa vẫn còn dang dở.

Với những thành tựu và vấn đề như trên, BTS GHPGVN tỉnh Khánh Hòa đã và đang có những phương hướng giải pháp cho hoạt động hoằng pháp tại quần đảo Trường Sa trong thời gian sắp tới. Đầu tiên, để ổn định tình hình Phật giáo tại huyện đảo, BTS tính tiếp tục nhắc nhở các đại đức trụ trì tại các chùa trên huyện đảo Trường Sa luôn phải giữ thái độ bình tĩnh, nhẫn nại, chịu đựng những khó khăn gian khổ có thể gặp phải; khuyến khích quý thầy chia sẻ những bài pháp thoại ngắn, đơn giản để dẫn dắt đồng bào địa phương dần dần hiểu rõ hơn về Phật giáo; cần hướng dẫn bà con phát huy tư tưởng trong sáng của văn hóa Phật giáo, phân biệt rõ đâu là văn hóa Phật giáo, đâu là hiện tượng mê tín dị đoan; chư vị đại đức cần đi sâu, đi sát vào cuộc sống hằng ngày của người dân, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của họ, trở thành cầu nối giữa người dân và Giáo hội để giáo hội có thể kịp thời giải quyết những vấn đề, đáp ứng những nguyện vọng, nhu cầu thiết yếu của người dân.

Trên nền tảng những điều đã làm được, sắp tới BTS tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục vận động tăng ni, phật tử, tình nguyện viên tình nguyện ra hoằng pháp nơi hải đảo; quan tâm dành nhiều kinh phí hơn nữa về vùng biên giới hải đảo, chỉ đạo các ban ngành của Giáo hội, Ban Trị sự kết hợp với chính quyền địa phương ở các đảo để tập trung đầu tư vào công tác truyền bá văn hóa Phật giáo như: Xây dựng, trùng tu các cơ sở tự viện, mở các lớp tập huấn, tổ chức lễ hội, tuần văn hóa Phật giáo cho các vùng hải đảo; biên soạn chương trình học giáo lý của phật tử phù hợp với trình độ học vấn, khả năng tiếp thu và cơ sở vật chất tại địa phương; mở khóa tập huấn các kỹ năng hoằng pháp, bản lĩnh chính trị và tình hình thực tế tại đảo cho các vị đại đức trụ trì trước khi ra đảo nhận nhiệm vụ; quan tâm nhiều hơn nữa đối với tầng lớp thanh thiếu niên tại huyện đảo, tổ chức các hoạt động mang tính đặc thù cho tuổi trẻ; đầu tư hơn nữa cho công tác truyền thông Phật giáo tại quần đảo Trường Sa: Kinh kệ Phật giáo, băng đĩa pháp thoại của các giảng sư, các đầu báo, tạp chí Phật giáo… Các ấn phẩm này cần được chọn lọc một cách kỹ lưỡng và khoa học bởi đối với đồng bào huyện đảo Trường Sa đây gần như là cách thức duy nhất để tiếp cận với giáo lý nhà Phật.

Hơn hết là BTS tỉnh sẽ chú trọng để hoàn thành việc thành lập BTS tại huyện đảo Trường Sa càng sớm càng tốt. Bởi chỉ khi có được một BTS cho riêng mình, đi sâu, đi sát, hiểu rõ tình hình của địa phương, trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn các công tác phật sự thì Phật giáo tại đây mới có thể thực sự ổn định và phát triển. 

Trong bối cảnh chung của xã hội, đất nước hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa với lý tưởng phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật, theo tinh thần đoàn kết, hòa hợp, ổn định thì việc hoằng dương chính pháp, truyền bá đạo đức Phật giáo là góp phần xây dựng xã hội an vui, hạnh phúc, phù hợp với đạo đức, văn hóa, truyền thống dân tộc. Như những vần thơ của Thiền sư Mãn Giác:

 “Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ tông.”

Thật đẹp, hình ảnh hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông được giữ gìn dưới mái chùa. Ở đất liền, nếp sống và nhịp sống của bà con nông dân từ một thời rất xa xưa đã quyện chặt với nếp sống của nhà chùa, của Phật giáo và nơi hải đảo xa xôi, những ngôi chùa không chỉ thể hiện tinh thần Phật giáo mà còn thể hiện cụ thể và sinh động đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt nơi biển đảo, là cột mốc thiêng liêng với cốt lõi là tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm, quyết tâm bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Vì cớ ấy có thể nói, việc truyền bá giáo lý nhà Phật đến với đồng bào vùng hải đảo chính là một việc làm cần thiết, đậm chất nhân văn, thể hiện tinh thần từ bi - trí tuệ và sự báo ân chư Phật. Việc làm này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa GHPGVN nói chung và GHPGVN tỉnh Khánh Hòa nói riêng với đảng, nhà nước vì sự phát triển của cộng đồng dân tộc Việt Nam và sự bền vững của đạo pháp. Đây là một hành trình dài, nhiều gian nan thử thách, nhưng với tinh thần “đạo pháp gắn liền với dân tộc”, tin tưởng trong một tương lai không xa, phật pháp sẽ như vầng thái dương sáng tỏa nơi Trường Sa yêu dấu.

Chùa Linh Sơn Pháp Bảo, Nha Trang
Thích Tâm Như 
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nghĩ về hạnh nguyện ngài Địa Tạng

Phật pháp và cuộc sống 13:39 19/04/2024

Mỗi khi chắp tay kính lễ chư Phật và Bồ-tát, trong tôi lại sừng sững dáng Tăng của ngài U minh Giáo chủ Đại hùng, Đại lực, Đại từ, Đại bi Bổn tôn Địa Tạng Vương Bồ-tát.

Chuyện tử tế: Trụ trì chùa chăm lo cho hơn 1.000 sinh viên nghèo

Phật pháp và cuộc sống 14:25 18/04/2024

Suốt 27 năm qua, Thượng tọa Lý Hùng, trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây (P.An Cư, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), đã chăm lo việc học cho hơn 1.000 sinh viên nghèo là con em đồng bào Khmer khắp miền Tây.

Nhờ Bồ tát Quan Thế Âm gia hộ, bé gái bị dị tật bẩm sinh được lành bệnh

Phật pháp và cuộc sống 12:55 18/04/2024

Tôi lập gia đình năm 25 tuổi. Cuối năm, tôi sinh được một bé gái. Năm năm sau, vợ chồng tôi quyết định sinh đứa thứ hai. Chồng tôi rất thích đứa con thứ hai này là con trai, nhưng rủi thay lần mang thai này tôi lại sinh ba bé gái.

Chúng sanh và lục thông

Phật pháp và cuộc sống 12:20 18/04/2024

Lục thông là sáu thần thông ưu việt hơn những năng lực bình thường của đa số chúng sanh nhân giới. Sáu thần thông bao gồm: 

Xem thêm