Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 20/05/2017, 15:13 PM

Làm chủ bản thân để sống an lạc hạnh phúc

Tất cả chúng ta có mặt trên thế gian này đều ước mơ sống một cuộc đời an vui, hạnh phúc, chẳng ai muốn đời mình bị bất hạnh, khổ đau. Thế cho nên, khi chúng ta gặp nhau, mình đều chúc nhau tràn đầy niềm an vui, hạnh phúc. 

Khổ đau trong đời sống con người vốn vô cùng tận, bởi do thấy biết sai lầm, nên dấy khởi tham đắm, hưởng thụ quá mức, dẫn đến phiền não tham-sân-si, làm khổ cho mình và người. Vậy nguyên nhân của khổ đau từ đâu ra? Thực tế, nó phát xuất từ ngay nơi thân tâm mình.

Làm chủ bản thân, tức là biết cách làm chủ sáu căn mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý, là cơ sở tiếp xúc với sáu thấy-nghe-hay-biết, sắc-thinh-hương-vị-xúc-pháp, để sinh ra sáu thức, rồi khởi tâm phân biệt, yêu ghét, và từ đó tạo ra muôn ngàn phước đức hay tội lỗi, được sinh ra làm người, có đầy đủ sáu căn và được gặp Phật pháp để tu học là đã có duyên lành từ nhiều đời.

Tất cả quý phật tử đang ngồi đây đều có phước báu lớn, vừa được thân người, lại có đầy đủ sáu căn, vừa được gặp Phật pháp. Dẫu được thân người, nhưng chúng ta nếu thiếu một căn là đã bất hạnh rồi, bởi vì sao? Người bị điếc thì làm sao có cơ hội nghe thuyết pháp mà biết được điều hay lẽ phải để áp dụng tu hành trong đời sống hằng ngày.

Con người có đầy đủ sáu căn được ví như người có gia tài, tiền bạc vậy. Nếu chúng ta biết sử dụng hợp lý thì đem lại an vui, hạnh phúc cho mình và người, nếu sử dụng sai thì chuốc lấy quả bất hạnh khổ đau cho người và vật. Chúng ta thử xem xét lại coi, nếu quý phật tử có tiền dư chút đỉnh đem ra làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo khổ, thiếu thốn, khó khăn, thì có đem lại niềm vui cho mình và người hay không? Còn nếu có tiền mà đem hút thuốc, uống rượu, hoặc hút chích xì ke, ma túy, ăn chơi sa đọa, thì có phải làm khổ đau cho mình và người hay không?

Do vậy, biết cách làm chủ bản thân là người sống có nhân cách đạo đức, luôn giúp ích cho nhân loại và không làm tổn hại một ai, nhờ vậy lúc nào cũng sống bình yên, hạnh phúc.

Làm chủ bản thân có nghĩa là ta luôn chính niệm, tỉnh giác trong khi tiếp xúc với thấy-nghe-hay biết, ta luôn giữ vững tâm thanh tịnh, sáng suốt, không cho nó chạy theo sắc-thinh-hương-vị-xúc-pháp. Làm chủ người khác coi vậy mà còn dễ hơn làm chủ chính mình; bởi vậy, kinh Pháp Cú có nói, “đánh thắng vạn quân không bằng tự thắng chính mình”. Làm chủ bản thân coi vậy mà khó lắm đó, chớ không phải dễ đâu, phải không các bạn?

Nhiều người có tiền của và tấm lòng nhưng không bao giờ biết quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Những kẻ giàu có tiền rừng bạc biển, nhưng không hề biết bỏ ra một xu để cứu giúp người bất hạnh, nghèo khó. Họ đang đói tình thương, họ đang cần bàn tay rộng mở, vậy mà ta vẫn ngoảnh mặt làm ngơ, giàu có như vậy thì để làm gì?

Lòng tham của con người như giếng sâu không đáy, nó luôn bám víu chúng ta, ai sống trên đời cũng đều phải tham muốn, tham ít hay nhiều tùy theo thói quen huân tập của mỗi người. Tham muốn càng nhiều thì khổ đau càng thêm lừng lẫy, bởi tham không được thì sinh ra oán giận, thù hằn, tìm cách bức hại lẫn nhau. Ngược lại với khổ đau là hạnh phúc. Nhiều người cho rằng, thỏa mãn được cảm xúc của sáu giác quan là hạnh phúc.

Hạnh phúc là điều mình mơ ước và mong muốn, tất cả chúng ta ai cũng muốn được như vậy, nhưng mình có được hoàn toàn hạnh phúc hay không? Tại sao ta ước mơ được bình yên, hạnh phúc và thường chúc tụng cho nhau hạnh phúc, nhưng vẫn không được hạnh phúc thật sự? Tại sao có những điều trớ trêu như vậy.

Những kẻ ăn chơi đàng điếm, trụy lạc, làm băng hoại xã hội, buôn bán, chuyển vận xì ke, ma túy, làm tiêu ma thế hệ trẻ. Những kẻ lười biếng, ăn bám xã hội, sống trên mồ hôi nước mắt của kẻ khác. Những kẻ khích bác, phỉ báng người đạo hạnh, khinh chê Tam Bảo, đố kỵ người dấn thân, đóng góp, đi vào đời để giúp đỡ, an ủi và sẻ chia. Họ cho rằng, như vậy là hạnh phúc vì thỏa mãn được sự mong muốn và khát vọng của họ.

Thông thường, mọi người thế gian có điều gì không được hài lòng, như ý, sẽ sinh ra giận dỗi mà nổi tam bành lục tặc. Vậy lục tặc là gì? Chữ lục là sáu, chữ tặc là kẻ cướp, kẻ giặc. Trong kinh, Phật luôn luôn dạy, “mỗi chúng ta đều có đủ sáu căn. Sáu căn đó nếu mê lầm sẽ bị sáu trần lôi cuốn thì sáu căn biến thành sáu tên giặc. Nhưng nếu ta khéo tu, khéo gỡ, không cho dính mắc, đắm nhiễm sáu trần, thì sáu căn liền biến thành diệu dụng không thể nghĩ bàn.

Như vậy, mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý của chúng ta là sáu tên giặc có thể phá nhà, cướp của, hoặc cũng là sáu thần thông diệu dụng không thể nghĩ bàn. Nếu không biết tu sẽ để dính mắc, nhiễm ô; còn khi biết tu thì biết cách chuyển hóa, không cho nó làm tổn hại đến người và vật.

Đạo Phật là đạo giác ngộ, là đạo của sự tỉnh thức, là đạo của tình thương, đạo của con người, vì con người mà đem lại hạnh phúc cho nhau. Toàn bộ lời Phật dạy nhằm chuyển hóa và đánh thức con người sớm được giác ngộ, giải thoát. Mê lầm là cội nguồn đau khổ, chỉ có giác ngộ mới cứu được mọi khổ đau của chúng sinh. Cho nên, muốn được bình yên, hạnh phúc, ta phải biết cách làm chủ bản thân qua mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý.
 
Hạnh phúc theo cách nhìn của nhà Phật là sống, ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt, làm việc, thấy, nghe, hay biết, đóng góp, phục vụ mọi người, mà vẫn không tham đắm, dính mắc như người đời. Thế gian gọi là hạnh phúc khi sáu giác quan được tiếp xúc với với sáu trần cảnh, cảm thấy vừa lòng, như ý. Sáu giác quan là mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý, sáu trần là sắc-thinh-hương-vị-xúc-pháp. 

Ai làm người cũng đều có mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý, nó là sáu giác quan chủ lực của con người. Nếu ta biết sử dụng theo chiều hướng thượng, thì đóng góp lợi ích thiết thực cho mình và người khác, Ngược lại sẽ làm khổ đau cho nhân loại. 

Trong kinh Phật dạy, thuở quá khứ có một đàn vượn sống theo bầy đàn đi ăn. Vượn chúa ra lệnh cho tất cả vượn con phải đi chung đàn, không được tách rời khỏi hàng ngũ sẽ dễ bị đám thợ săn bẫy bắt. Trong đó, có một vượn con vì ham ăn, nên bèn tách ra khỏi đàn, đi riêng lẻ một mình kiếm ăn. Đi được một hồi, thấy miếng mồi thơm ngon quá, nó liền dùng tay phải để chụp lấy, không ngờ đây là bẫy của người thợ săn đã gài chất nhựa xung quanh, nên nó bị dính một tay. Bởi dính tay này nên nó vội vàng lấy tay kia gỡ ra, nên đã bị dính cả hai tay. Kế đến, nó lấy chân sau gỡ và cũng bị dính, còn lại một chân, nó cố bươi để thoát thân, nhưng chất nhựa làm nó dính luôn cả hai tay lẫn hai chân.

Vượn thấy hai tay, hai chân đã bị dính, nên cố gắng lấy đuôi ngoe ngoe, mong cứu gỡ, nào ngờ càng dính thêm. Không còn cách nào khác, nó đành lấy cái miệng quặp để gỡ ra, nên bị dính luôn hết tất cả. Hai tay, hai chân, đuôi, miệng, cả sáu thứ đều bị dính, hết cục cựa, quậy quọ gì hết. Cuối cùng, vì chút mòi ngon mà con vượn bị dính sáu chỗ, nằm rên la, rơi vào bế tắc, khổ đau, đành chờ chịu chết. Chú thợ săn khoái chí đến bắt vượn ta, bỏ vô giỏ, quảy về để chuẩn bị làm thịt, xơi tái.

Đức Phật mượn hình ảnh thí dụ này để nói với người tu hành như chúng ta, phải biết nương thầy lành, bạn tốt để học đạo hiền Thánh, không nên tách rời đại chúng quá sớm khi mình chưa đủ đạo lực.

Cuộc sống ở thế gian này ai mà không ham muốn được hưởng thụ năm món dục lạc, sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngọt và thân xúc chạm êm ái là nhu cầu cần thiết mà ai cũng muốn tìm kiếm, nhằm thỏa mãn sự ưa thích hưởng thụ trong say mê, đắm đuối.

Cũng như chú vượn ngu si, vì quá tham ăn nên mới tìm cách tách bầy sớm, hy vọng có nhiều miếng mồi ngon, vì tham miếng ngon mà bị dính vào bẫy nhựa, khi đã bị dính rồi thì càng xoay xở, tìm cách thoát thân, thì lại càng bị dính chặt nhiều hơn. Vì thiếu kinh nghiệm, không biết đâu là mồi người ta bẫy, nên gặp gì lượm nấy mới bị dính tay, dính chân, cho đến năm căn không còn giãy giụa được nữa.

Đức Phật dụ cho miếng mồi ngon là sáu trần sắc-thinh-hương-vị-xúc-pháp. Một tay bị dính rồi thì cả sáu bộ phận sẽ bị dính theo hết. Khi sáu căn dính với sáu trần rồi thì người thợ săn xách đi đâu cũng phải chịu.

Chúng ta tu nếu khôn ngoan thì như con vượn đi theo đàn, có người bảo hộ. Vượn con không dính bẫy nên được tự do, tự tại, dù ăn uống có thiếu một chút cũng không sao; còn muốn ăn ngon, thưởng thức cao lương mỹ vị, nên tìm cách đi riêng đàn, thì dễ bị mắc bẫy.

Như vậy, sáu căn dính với sáu trần, tức là chúng ta bị tâm ma lôi kéo, dẫn đi. Nó biểu chúng ta làm gì thì chúng ta đều phải nghe theo, làm theo, không chạy đi đâu được hết.

Hằng ngày, chúng ta mắt đối với hình ảnh-sắc tướng, tai đối với âm thanh, mũi đối với mùi thơm-hôi, miệng đối vị ưa thích-ghét bỏ, thân xúc chạm với nóng-lạnh, ý đối với pháp trần không bị dính kẹt, đó là chúng ta an nhiên, tự tại, giải thoát. Nếu còn dính kẹt thì chúng ta bị bất hạnh khổ đau, trầm luân trong vòng luân hồi sinh tử. Như vậy, ta muốn tự tại, giải thoát là tâm không dính nhiễm với sáu trần.

Chúng ta vừa nghe câu chuyện con vượn tách đàn kiếm ăn, hình ảnh con vượn bị dính nhựa nên mất tự do và chờ chết, nếu không dính thì được tự do, đó là ta biết cách làm chủ bản thân. Ngược lại, ta còn dính mắc là sáu đứa giặc sẽ đưa ta vào chỗ mờ mịt, tối tăm. Chư tăng, Ni tu đừng để cho sáu căn dính với sáu trần, thì chúng ta được an lạc, tự tại, giải thoát, còn bị dính nhiễm sáu trần thì mình mất hết tự do, tự tại. Đó là gốc của sự tu hành cho hàng xuất gia; chỉ khác một bên, không biết tu để cho đắm trước, dính nhiễm, còn một bên biết tu gỡ bỏ, không cho dính mắc, đắm nhiễm; như mắt chúng ta thấy vật gì đẹp, liền trầm trồ khen ngợi, rồi sinh tâm ưa thích, muốn chiếm hữu về cho riêng mình, đó gọi là dính nhiễm vào hình sắc.

Như vậy, con mắt khi chạy theo hình ảnh, sắc đẹp, liền bám víu vào đó, gọi là một đứa giặc; vì dính nhiễm với sắc trần, nên nó phá hoại công đức tu hành của ta, làm ta chao đảo, bất an, không được tự do, tự tại; do đó, gọi nó là giặc, là kẻ cướp. Ai trong chúng ta tu mà thấy người đẹp, đồ vật đẹp, cảnh đẹp, liền chú ý, khen ngợi, thích thú, chính là bị anh tham lam chất chứa, dẫn đi rồi.

Kế đến là lỗ tai. Khi ta nghe ai khen, thì lỗ mũi hỉnh lên, trông thấy phát ghét. Nghe lời khen như vậy thì trong lòng chúng ta vui tươi, mừng rỡ, hả hê. Khi bị ai đó chê thì chúng ta phiền muộn, đau khổ, đó là anh giận hờn dẫn ta đi vào cảnh giới A Tu La; bởi vui mừng là háo danh, thích thú, phiền não, là bệnh hoạn, khổ đau. Cho nên, nó cướp mất công đức tu hành của mình từ bấy lâu nay mà ta không hay biết.

Lỗ mũi cũng vậy. Khi ta đi qua những chỗ có hương thơm, có mùi ngọt ngào, dễ chịu, thì ta bám víu, ưa thích, còn qua những chỗ có mùi hôi thối thì mình ghét bỏ. Như vậy, lỗ mũi khi chạy theo trần cảnh là đã phá hoại công đức tu hành của mình, đó là đứa giặc thứ ba.

Giờ ta nói đến lưỡi. Khi ăn món ngon, chúng ta thấy thích thú, luyến tiếc, muốn ăn hoài. Khi ăn món dở, không khoái khẩu, thì mình sinh tâm bực bội, khó chịu. Thích món ngon hợp khẩu vị mà không được ăn, ghét món dở mà bị ăn hoài thì sinh ra bực bội, tức tối, khó chịu. Vậy cái lưỡi thích ngon ngọt, chán cái dở là đứa giặc thứ tư.

Thứ năm là thân xúc chạm. Xúc chạm những gì êm ái, nhẹ nhàng thì ta có cảm giác thích thú, đắm đuối, say mê, muốn giữ mãi, chẳng muốn rời xa. Khi ta xúc chạm những gì quá nóng, quá lạnh, hoặc thô nhám, khó chịu, thì mình sinh tâm ghét bỏ, chẳng muốn ưa gần. Những xúc chạm đó làm chúng ta thích thú, say mê hoặc làm mình khó chịu, chán ghét, nên gọi nó là đứa giặc thứ năm phá hoại cuộc đời của ta.

Đứa thứ sáu là ý. Khi ý tiếp xúc với pháp trần, có nghĩa là chúng ta nhớ lại hình ảnh mắt thấy, tai nghe, mình nhớ lại hình ảnh người làm mình đau khổ, thì thấy bực bội, tức tối, muốn tìm cách trả thù, tạo ra oan gia trái chủ, gây nhân quả xấu về sau. Khi ta nhớ lại hình ảnh người yêu thương trìu mến, thì liền sinh tâm dễ chịu, luyến ái, nhớ nhung, và mong muốn được gặp người đó. Đó là đứa giặc thứ sáu đang phá hoại công đức tu hành của chúng ta, hàng xuất gia phải nên biết mà tìm cách chuyển hóa chúng không cho nó làm nhiễu loạn tâm ta.

Chúng ta tu hành, mong được giác ngộ, giải thoát sinh tử khổ đau, thì hãy nên thường xuyên xem xét, điều phục từ mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý, không cho nó chạy theo trần cảnh. Người phật tử chân chính phải khôn ngoan sáng suốt, đừng nuôi sáu đứa giặc phá phách này, thì công đức tu hành của mình ngày càng được thăng tiến. Như vậy, chúng ta tu là phải làm sao đừng để cho sáu căn dính mắc, nhiễm đắm với sáu trần. Đó là chúng ta biết cách điều phục chính mình, nên cuối cùng được an vui, giải thoát.

Mắt thấy tất cả mọi hình ảnh, sự vật đẹp hay xấu. Tai nghe được âm thanh ngọt ngào, êm dịu, hay chát chúa. Mũi ngửi được mùi hương thơm hay hôi. Lưỡi nếm được vị ngon hay dở. Thân xúc chạm nóng lạnh hay êm ấm. Rồi từ đó, ý bám víu vào đó, sinh tâm ưa thích, được thì cảm thấy hạnh phúc, không được thì cảm thấy khổ đau. Những cái ưa thích của mắt-tai-mũi-lưỡi-thân được toại nguyện là hạnh phúc phải không các bạn?

Giữ gìn trang nghiêm, không làm điều xằng bậy, hại người vật là thân đẹp đẽ, tướng nhu hòa. Ăn ở hiền hòa, biết kính trên nhường dưới, sống thủy chung một vợ một chồng là nết đẹp. Thấy người hoạn nạn, hoặc vấp ngã mà tìm cách nâng đỡ, đó là thái độ và cử chỉ đẹp của người đạo đức. Phụng dưỡng, cung kính, chăm sóc cha mẹ già, giúp đỡ, sẻ chia với người cô độc, nghèo khổ, biết nương tựa, học hỏi, tôn quý các bậc hiền Thánh, cúng dường chư tăng ni, đó là biết mở rộng tấm lòng.

Thấy người lâm nguy, sợ hãi trong cơn khủng hoảng mà nói lời an ủi, sẻ chia, đó là ta biết nói lời bao dung, độ lượng. Trong tâm lúc nào cũng hướng đến điều hay lẽ phải, đó là ý đẹp. Thấy người u tối, mê mờ không hiểu biết chân chính mà tìm cách khai mở trí tuệ, chỉ dạy tận tình đạo lý nhân quả, tin sâu chính mình, phá vỡ si mê vô minh, hướng dẫn mọi người sống đời an vui giải thoát, và sẵn sàng chia vui sớt khổ với tinh thần vô ngã vị tha, đó là chân hạnh phúc.

Thích Đạt Ma Phổ Giác
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Làm thế nào để thực hành tâm từ (Mettā) khi gặp khó khăn

Ứng dụng 17:20 11/11/2018

Thiền Tâm từ (Mettā) không phải là một pháp thuật hay ma thuật mà có thể giúp người dân Hoa Kỳ có đời sống tinh thần lạc quan và tốt đẹp hơn nhưng không hề sử dụng bất kỳ sự đàn áp hay quyền lực nào. Thiền Tâm từ (Mettā) tịnh hóa trái tim và tâm trí của người thực hành bằng sự kiên nhẫn.

Sử dụng của cải một cách hợp lý

Ứng dụng 16:49 11/11/2018

Đối với đa số, một người, một cộng đồng hay một quốc gia, giàu có có nghĩa là 'giàu có' trong ý nghĩa có nhiều tài sản hay tiền bạc do sự đạt được từ vật chất. Nghĩa chữ của cải nguyên thủy là trạng thái hạnh phúc. Khối cộng đồng thịnh vượng mang ý nghĩa ấy. Nhưng bây giờ người ta sử dụng danh từ này vào ý nghĩa tài sản thường để khuyếch trương phúc lợi vật chất hơn là mở mang trạng thái tinh thần.

Tu hành là tìm lại bản lai diện mục...

Ứng dụng 15:55 30/10/2018

Tu đạo là vì giải thoát, không bị chìm đắm trong luân hồi. Coi bạn có thể tu đến chỗ "Ngũ Uẩn" sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều "Không" chăng?

Quán niệm vô thường để xả ly, buông bỏ

Ứng dụng 21:53 26/10/2018

Vô thường là không có gì thường hằng, tồn tại mãi mà phải thay đổi. Đổi thay từ hình thức đến nội dung, từ vật chất cho đến tinh thần, từ hiện tượng cho đến bản chất. 

Xem thêm