Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 15/08/2016, 11:21 AM

Lãnh đạo và nhà tu hành phải làm gương!

Ngày 7/8 mới đây tại Quảng Ninh đã xảy ra vụ cháy xe bồn chở xăng do tàn đốt vàng mã bay vào. Sự kiện này xảy ra vào tháng 7 âm lịch có tiết Vu Lan báo hiếu, ngày xá tội vong nhân khi mà rất nhiều gia đình Việt Nam vẫn giữ thói quen đốt đồ vàng mã cúng tổ tiên. 

Thượng tọa Thích Nhật Từ (trái) và Tiến sĩ Bùi Hữu Dược.
Về vấn đề đốt vàng mã từ trước đến nay đã có rất nhiều khuyến cáo từ các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, tôn giáo, cho đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thậm chí việc cấm đốt vàng mã nơi công cộng cũng đã được quy phạm hóa, nhưng dường như nếp nghĩ, thói quen và việc làm của người dân là rất khó bỏ. 

Đi tìm căn nguyên của sự “khó bỏ” này cũng như quan điểm để giải quyết vấn đề, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã trao đổi với Tiến sĩ Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ và Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM.

Thưa Tiến sĩ Bùi Hữu Dược, tại sao người dân lại khó bỏ được nếp nghĩ, thói quen và việc làm trong vấn đề đốt vàng mã?

- Tiến sĩ Bùi Hữu Dược: Theo lịch sử, tục lệ đốt vàng mã (hay đồ mã) có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong gần ngàn năm người Việt bị người phương Bắc đô hộ, người phương Bắc đã mang phong tục vàng mã cùng nhiều phong tục khác đến và lâu dần trở thành phong tục trong đa số người Việt và tồn tại mãi tới ngày nay. Vàng mã tồn tại trong đời sống xã hội thể hiện rõ tính hai mặt.

Do khởi nguồn từ tâm tốt của người còn sống dành cho người đã chết khi dâng cúng chia sẻ vật dụng (dù biết là đồ không thật) nhưng nhiều người vẫn xem đó là việc làm hiếu nghĩa dành cho người đã khuất. Mặt khác việc làm này trong đời sống cũng có tác dụng giáo dục đạo đức,  giáo dục lối sống “tri ân và báo ân” “uống nước nhớ nguồn”, một hoạt động thể hiện nét đạo đức đẹp ở con người.

Tuy nhiên, xét ở giá trị thật của cuộc sống xã hội, thì việc đốt vàng mã cho người đã khuất nếu biết dừng lại ở sự tượng trưng để thực hiện giáo dục đạo đức, răn dạy lối sống tốt đẹp thì giá trị và ý nghĩa là tốt. Nhưng khi đã lạm dụng vàng mã thái quá thì tạo hệ lụy khó lường, làm cho con người trí tuệ u mê, tâm lý sợ sệt, tình cảm quỵ lụy, đưa con người vào mê tín. Đó là chưa kể đến sự lãng phí nghiêm trọng khi một năm có bao nhiêu giấy, bao nhiêu tre, nứa được dùng để làm mã đốt đi nếu số đó dùng để tái chế giấy, sản xuất vật dụng có ích thì lợi biết bao. 

Có quan điểm cho rằng thói quen đốt đồ vàng mã, đồ mã của người Việt trong tháng 7 âm lịch xuất phát từ một sự ngộ nhận về nhận thức tín ngưỡng. Thưa Thượng tọa Thích Nhật Từ, điều này có đúng không? 

- Thượng tọa Thích Nhật Từ: Thực ra, theo Phật giáo thì tháng 7 âm lịch là một trong ba tháng cấm túc “kết hạ an cư” của Tăng đoàn để tăng cường tu tập đạo đức, thiền định, trí tuệ, làm lớn mạnh nguồn năng lượng tâm linh. Ngày quan trọng nhất của tháng 7 âm lịch là Rằm tháng 7.

Về phía Tăng đoàn, rằm tháng bảy là ngày kết thúc ba tháng an cư, trong đó, có lễ “tự tứ”, tức thỉnh mời đồng tu “chỉ lỗi” cho mình khắc phục để phát triển nhân cách, phẩm chất đạo đức tốt đẹp hơn. Về phía quần chúng, Rằm tháng bảy là “Vu Lan bồn” gọi tắt là “Vu Lan” tức “Ngày báo hiếu” của con thảo cháu hiền đối với cha mẹ, ông bà đã có công sinh chúng ta với tư cách con người.

Đây là nét đẹp văn hóa “nhớ ân và đền ân” thuộc thuyết bốn ân trọng của Phật giáo. Ba ân trọng còn lại là ân thầy cô giáo, ân Tổ quốc và ân đồng loại. Đã từ lâu, trong dân gian, nhiều người ít tìm hiểu Phật giáo thường ngộ nhận ngày rằm tháng 7 là “ngày xá tội vong nhân” - Đó là điều đáng tiếc.

Thực ra, âm phủ không có thật. Theo Phật giáo nguyên thủy, sau khi chết, thần thức người chết lập tức tái sinh vào phôi thai của một người mẹ để trung bình 10 tháng sau đó trở thành con người mới. Vì tình thương dành cho người quá cố nói chung, cha mẹ ông bà nói riêng, nhiều thế hệ con cháu do mê tín sẵn lòng bỏ tiền ra mua đốt vàng mã vì nghĩ rằng việc làm này có thể giúp cho người quá cố được xá tội dưới âm phủ. Điều này góp phần gây ô nhiễm không khí và tổn thất tiền bạc vô ích (qua sự quy đổi thành vàng mã) trong khi trong xã hội có nhiều người nghèo đói không có tiền ăn, áo quần mặc chưa được giúp đỡ, ở một số trường hợp còn gây tổn thất tài sản như vụ làm cháy xe bồn chở  xăng tại Quảng Ninh mới đây.  

Là người đã có nhiều năm công tác trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tôn giáo, Tiến sĩ có cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần phải thay đổi cách thức tuyên truyền để người dân nhanh chóng nhận thức được rằng việc đốt vàng mã là một hành vi tín ngưỡng không còn phù hợp, nên loại bỏ để tránh sa vào mê tín, lãng phí?

- Tiến sĩ Bùi Hữu Dược: Thấy rõ tác hại của mê tín khi sử dụng vàng mã,  từ xa xưa qua thực tế cuộc sống và đặc biệt qua triết lý Phật giáo cha ông ta đã góp ý, phê phán nhằm hạn chế vàng mã. Cách nay trên bảy trăm năm, Đức vua, Phật Hoàng Trần Nhân Tông sau khi nhường ngôi cho con về Yên Tử tu hành đạo Phật, đắc đạo, Ngài đã xuống núi, chống gậy trúc đi khắp nơi khuyên dân dẹp bỏ mê tín dị đoan, bỏ tục đốt vàng mã, học kinh điển Phật giáo để biết điều đúng nên làm, điều sai nên bỏ, biết sống theo luật nhân quả, tự rèn luyện nâng cao nội lực con người, “ở hiền gặp lành” “gieo gió gặp bão”, biết kính trọng ông bà cha mẹ và mọi người lúc còn sống,  đó mới là hiếu hạnh.

Trải qua thời gian, thời nào trong Phật giáo Việt Nam các bậc cao tăng, những người hiểu biết đều góp ý phê phán việc đốt vàng mã. Gần đây Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có văn bản  hướng dẫn các địa phương trong việc tuyên truyền đến chức sắc tín đồ tôn giáo và nhân dân thực hiện nếp sống mới, hạn chế sử dụng vàng mã nhằm thực hiện tiết kiệm và đảm bảo an toàn nhiều mặt trong cuộc sống.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có Thông bạch nhắc nhở, quy định về nếp sống tâm linh, giảm dần việc đưa vàng mã vào trong chùa. Chủ trương và nội dung đề cập rất đúng, tuy nhiên giải quyết vấn đề vàng mã là việc làm khó bởi nó đã ăn sâu bén rễ trong nhân dân từ rất lâu.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường, theo quy luật cung-cầu, sự kiểm soát để giải quyết càng khó vì tiền của ai người đó tiêu. Hơn nữa bộ phận trục lợi lại luôn khai thác điểm yếu để thúc đẩy kích động người dùng vàng mã thể hiện “lòng hiếu thảo”. Tuy khó nhưng không có nghĩa không làm được bởi nhân dân có người còn chưa nhận diện đúng về vàng mã, nhưng không phải là tất cả. Nhân dân luôn mong muốn cuộc sống tốt lành, những hủ tục cần phải hạn chế dần. Làm được điều đó người lãnh đạo ở các cấp cần kiên trì, mẫu mực và gương mẫu, tạo lòng tin và làm động lực cho nhân dân cùng nhau chung tay xây dựng cuộc sống mới, đúng như Bác Hồ đã dạy “ dễ trăm lần không dân cũng chịu,  khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Giải quyết vấn đề vàng mã còn liên quan đến cuộc sống của nhiều người đang sống bằng nghề làm vàng mã là những người lao động thật sự, vậy cần có sự quan tâm định hướng để giúp họ có chuyển đổi nghề để đảm bảo cuộc sống. Với đối tượng lợi dụng lòng tin để trục lợi, cần có biện pháp cụ thể để đấu tranh vạch rõ việc làm không đúng, tuyên truyền giáo dục để họ thực hiện đúng nếp sống văn hóa mới.

Bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và bản thân mỗi người tu hành nói riêng sẽ có tiếng nói rất quan trọng trong việc tuyên truyền để hạn chế tiến tới loại bỏ việc đốt vàng mã, thưa Thượng tọa?

- Thượng tọa Thích Nhật Từ: Tôi cho rằng tục đốt vàng mã đi ngược lại chính tín trong đạo Phật. Do đó, bên cạnh các quy định cấm trong các nghị định của Chính phủ về việc bài trừ mê tín do đốt vàng mã, thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có sắc lệnh về việc bài trừ mê tín dị đoan, mà phần lớn vốn xuất xứ từ văn hóa Trung Quốc, trà trộn vào dân gian Việt Nam, ảnh hưởng tiêu cực đến các chùa ở nước ta, đặc biệt ở miền Bắc và miền Trung.

Mỗi tăng ni, đặc biệt là các vị trụ trì của các tự viện Phật giáo trong cả nước nên cam kết làm một số việc cần thiết như: Hướng dẫn Phật tử tu học chính tín theo tinh thần Phật dạy, nói không với tục đốt vàng mã, không cho phép đốt vàng mã trong các chùa; gia đình Phật tử nào muốn được tăng ni đến tụng kinh cầu siêu cho người thân đã mất phải từ bỏ đốt vàng mã; khích lệ Phật tử tại gia thay vì dùng tiền mua đồ vàng mã thì lấy số tiền đó làm từ thiện, để kẻ còn lẫn người mất đều được lợi lạc theo tinh thần nhân văn được Phật dạy trong kinh điển; tuyên truyền cho Phật tử không làm điều gì góp phần gây ô nhiễm môi trường, mà đốt vàng mã là gây ô nhiễm không khí, nguy hại môi trường.

Cùng rất quan tâm đến việc tuyên truyền nhằm hạn chế tiến tới loại bỏ việc đốt vàng mã,  Tiến sĩ và Thượng tọa mong muốn điều gì để công việc được thúc đẩy nhanh hơn và đạt hiệu quả như mong muốn?

- Tiến sĩ Bùi Hữu Dược: Người Việt vốn có trí sáng tạo, để giải quyết vấn đề vàng mã mà vẫn duy trì được tính giáo dục, duy trì truyền thống hiếu hạnh, thiết nghĩ cùng với tuyên truyền và vận động có thể lựa chọn phương thức mới nhẹ nhàng mà đi sâu vào nhận thức và làm thay đổi hành vi như việc tổ chức một cuộc thi hoặc trưng cầu ý dân về một phương thức mới thay cho vàng mã. Nếu có cuộc thi hoặc trưng cầu ý kiến rộng rãi chắc sẽ có nhiều sáng kiến hay. Thông qua sinh hoạt đó thông điệp cần truyền tải đến nhân dân sẽ rộng rãi và hiệu quả hơn.

- Thượng tọa Thích Nhật Từ: Cách đẩy nhanh việc từ bỏ tục đốt vàng mã phải bắt đầu bằng việc tăng cao nhận thức và trí tuệ, khai trừ mê tín dị đoan. Trí tuệ như mặt trời, xuất hiện nơi nào thì mê tín như bóng đêm sẽ kết thúc nơi đó. Có trí tuệ thì không còn sợ hãi, mê tín nữa. Tôi xin có lời nhắn gửi đến những ai có thói quen đốt vàng mã rằng hành động đốt vàng mã không chỉ gây ô nhiễm môi trường, phí phạm tiền bạc vô ích mà còn gieo nghiệp “nghèo khó” cho bản thân và gia đình, vì có tiền không biết làm việc nghĩa lợi mà lại đốt cháy do mê tín, dẫn đến nhiều hậu quả nghèo khó về sau.

Ở góc độ chính sách pháp luật của Nhà nước, tôi thấy cần thống nhất về nội dung cấm và tăng cường hình phạt về việc sản xuất và đốt vàng mã trong các nghị định của Chính phủ. Hiện tại, Nghị định 103 năm 2009 quy định “cấm đốt đồ mã nơi công cộng” trong khi Nghị định 158 năm 2013 lại “cấm đốt vàng mã sai nơi quy định”.

Đề nghị cả hai Nghị định nên đổi các cụm từ “nơi công cộng” và “nơi quy định” thành “ở bất kỳ nơi nào”. Vì còn cho phép ở nơi công cộng hay nơi đúng quy định tức mặc nhiên cho phép sự mê tín được tồn tại. Căn nguyên sâu xa hơn là khi Nghị định không cấm sản xuất đồ vàng mã thì dù có cấm đốt vàng mã vẫn không hiệu quả. Đề nghị tăng cao hình thức xử phạt tiền đối với hành vi đốt vàng mã ở bất kỳ nơi nào và hành vi sản xuất và tàng trữ vàng mã. Hình phạt nặng thì mới đủ sức răn đe và giúp cho người dân không tiếp tục phí phạm tiền bạc vì mê tín.

Xin cảm ơn Tiến sĩ và Thượng tọa!

Hồng Minh (thực hiện)
Nguồn: http://baophapluat.vn/thoi-su/lanh-dao-va-nha-tu-hanh-phai-lam-guong-289023.html
Thượng tọa Thích Nhật Từ (trái) và Tiến sĩ Bùi Hữu Dược.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm