Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 14/01/2013, 15:55 PM

Lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa

Cả đoàn người hành lễ Nghinh thủy triều đều xuống bến để đi vào lăng. Cửa lăng đã mở, chủ tế vào chánh điện dâng hương làm lễ cáo yết rồi đưa linh vị Ông Nam Hải nhập lăng. Nhóm múa bóng đầu đội mâm hoa đăng nhịp nhàng, uyển chuyển trong điệu múa Tinh đăng

Normal 0 false false false EN-US X-NONE X-NONE MicrosoftInternetExplorer4

Dọc theo các làng biển từ Nam Trung Bộ vào đến Hà Tiên, hầu như làng biển nào cũng có lăng thờ Ông Nam Hải. Các làng biển ở Khánh Hòa cũng có đến hàng chục lăng thờ. Nơi đây, thường diễn ra các cuộc lễ tế Ông Nam Hải hay còn gọi là lễ hội Cầu ngư. Vốn có từ lâu đời, tập quán này đã trở thành tín ngưỡng thiêng liêng trong đời sống tâm linh của ngư dân miền biển. Vì vậy, hàng năm, lễ hội đều diễn ra với nhiều nghi thức, có khi kéo dài đến 3, 4 ngày, với sự tham gia của hàng nghìn lượt người.

Vậy Ông Nam Hải là ai mà người dân miền biển lại tỏ lòng ngưỡng mộ và tôn kính đến thế?

Thực ra, Ông Nam Hải chính là loài cá voi sống ở biển cả. Loài cá này đặc tính vốn hiền lành, thường cứu giúp những người gặp tai nạn trên biển. Nhiều truyền thuyết kể về Ông Nam Hải khá ly kỳ. Truyền thuyết này được lưu truyền trong dân gian, từ đời này sang đời khác, thấm sâu vào ký ức của người dân miền biển. Rồi từ đó, nó đã trở thành tín ngưỡng dân gian, đi vào đời sống tinh thần của ngư dân Khánh Hòa.

Một chuyện khác kể rằng, trong một lần, Phật bà Nam Hải Quan Âm đi tuần du đại hải. Bà ngậm ngùi đau xót cho số phận của người trần bị chết chìm ngoài biển khơi. Bà đã lấy chiếc áo cà sa đang mặc, xé ra làm muôn mảnh thả trên mặt biển. Sau đó, bà hóa phép cho những mảnh cà sa ấy biến thành loài cá Ông, lại lấy bộ xương voi ban cho, để cá Ông có thân hình to lớn. Bà còn ban cho phép “thâu đường,” để lội thật mau, hầu làm tròn trách nhiệm cứu vớt người lâm nạn.

 

Khi tranh phong với nhà Tây Sơn, chúa Nguyễn Phúc Ánh, có lần sang tận nước Xiêm để cầu viện. Bằng đường biển, ông đã cùng viện quân, lên hàng trăm chiến thuyền kéo quân về nước để đánh Tây Sơn. Không may gặp bão dữ trên biển, thuyền của quân Xiêm La bị đắm, viện quân chết không sao kể xiết. Chiến thuyền của Chúa khi ấy cũng bị đắm. May sao được cá Ông hộ giá, cứu sống và đưa lên đảo Thổ Chu (Kiên Giang) an toàn. Sau khi chiến thắng nhà Tây Sơn, năm 1802, chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Gia Long. Cùng năm ấy, để tỏ lòng tri ân ơn cứu nạn, vua Gia Long đã xuống chiếu sắc phong cho cá voi tước vị “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Thượng Đẳng Thần”.

Từ đó, vùng biển nào gặp Ông lụy (chết) và trôi dạt vào bờ, hễ thuộc địa phận làng nào thì làng ấy có nhiệm vụ lo khâm liệm, chôn cất chu đáo. Sau khi cử tang xong, làng ấy phải xây lăng rồi rước ngọc cốt (xương cá Ông) vào thờ phụng. Hàng năm, đến ngày kị, dân làng tổ chức tế Ông Nam Hải rất là chu đáo và trân trọng. Hầu hết các lăng thờ Ông Nam Hải được xây dựng dưới thời phong kiến, có sắc phong của các vị vua triều Nguyễn. Cho đến nay, còn nhiều sắc phong cho các lăng Ông Nam Hải vẫn được các ban tế tự lăng gìn giữ hết sức cẩn thận. Sắc phong chỉ được mở ra khi được rước về hành lễ tại lăng.

Nếu những lễ hội ở vùng đồng bằng thường thiên về sự tôn nghiêm, thành kính thì lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa lại thiên về sự tưng bừng, náo nhiệt và tràn đầy sức sống.

Lễ hội Cầu Ngư phải trải qua nhiều nghi thức, đầu tiên là nghi thức rước Sắc thần. Sắc thần do vua phong cho Ông Nam Hải thường không thờ trong lăng, mà thờ ở đình làng hoặc chùa làng. Sắc chỉ được rước về lăng trong những ngày lễ hội để bái tế. Lễ rước sắc thường bắt đầu từ lúc 6 giờ sáng. Đúng giờ quy định, ban tế lễ, các hào lão trong làng cùng với hàng trăm dân làng đã có mặt đầy đủ, lễ phục trang nghiêm. Cuộc rước sắc bắt đầu. Đi đầu là hàng cờ tiết, cờ mao. Tiếp đến là hàng cờ ngũ hành, các chân cờ phục trang như lính thú đời xưa. Đi sau hai hàng cờ là 2 thanh niên vác 2 tấm biển hình chữ nhật, sơn son thếp vàng, một bảng đề chữ “Hồi ty”, bảng kia đề chữ “Tỉnh túc”. Theo sau đó là trống đại, chiêng đồng, cùng các chấp kích bưng những mâm đồ lễ. Đi giữa tốp người mang lễ vật là viên chủ tế, ông này mang một tấm biển đề 4 chữ “Thượng Đẳng Tối Linh”, có tàn lọng vây che. Theo sau ông là dàn nhạc lễ, đội lân vừa đi vừa múa. Tiếp đến là tốp lính mang đao theo hộ giá. Kế đó là long đình do 4 người khiêng. Trên long đình có đặt sắc thần Ông Nam Hải. Sau cùng là dân làng đi theo hầu lễ.

Với tiếng trống chiêng, tiếng hòa đàn của ban nhạc lễ, màu sắc rực rỡ của phục trang lễ hội, cờ xí tung bay rợp trời, đội lân hùng mạnh, long đình uy nghi, lễ rước sắc diễn ra trong không khí rộn ràng. Cuộc rước sắc từ đình về đến lăng đã mở đầu cho niềm vui của dân làng trong ngày đầu tiên của lễ hội Cầu Ngư.

Kế đến là nghi thức Nghinh thủy triều với trò diễn chèo bá trạo của lễ hội Cầu Ngư. Gọi lễ là lễ Nghinh thủy triều bởi vì lễ phải tiến hành lúc thủy triều đang lên. Đây là lễ rước hồn Ông Nam Hải từ biển khơi về lăng trước khi vào tế chánh.

Nếu như lễ rước sắc là một nghi thức chung được tiến hành cho nhiều lễ hội lớn ở những làng có sắc phong của vua từ Bắc vào Nam (chỉ khác nhau là ở quy mô tổ chức lớn, nhỏ) thì nghi thức Nghinh thủy triều lại mang nét đặc thù. Do con nước thủy triều ở mỗi nơi không thể cùng thời khắc được nên mỗi làng tiến hành lễ Cầu Ngư cũng không giống nhau về thời gian. Thế nên, có khi làng này tiến hành lúc 9 giờ sáng, thì ở làng kia lại tiến hành lúc 3 giờ chiều...

Lễ Nghinh thủy triều kéo dài chừng 2 giờ. Diễn trình của lễ như sau:

Đúng giờ vào lễ, đoàn người hành lễ đã có mặt ở ngoài sân lăng. Lúc này, cửa vào lăng đã được đóng kín. Ở ngoài sân, ban tế lễ đã chuẩn bị một chiếc thuyền lễ tượng trưng, dài khoảng 1 mét. Trên thuyền, đặt sẵn lễ vật là tam sinh cùng hoa quả. Khi tế xong thì người ta thả chiếc thuyền lễ ấy xuống biển. Lễ thả thuyền được thực hiện như sau:

Đi đầu là 2 thanh niên khiêng chiếc thuyền lễ, tiếp theo là đội múa bóng với 8 cô gái, đầu đội mâm hoa quả để thể hiện điệu múa dâng bông. Kế đến là 8 chàng trai, tay cầm đại đao trong điệu múa siêu. Theo sau chủ tế, bồi tế. Sau nữa là long đình, có đặt linh vị của Ông Nam Hải, do 4 chàng trai lực lưỡng khiêng đi. Ban nhạc lễ đi kế tiếp. Cuối cùng là đoàn bá trạo, gồm tổng lái, tổng mũi, tổng thương cùng 12 trạo phu diễn trò chèo bá trạo. Trong đám rước có sự tham gia đông đảo bà con dân làng đủ mọi lứa tuổi, thành phần.

Ra đến mé biển, đã có 3 chiếc ghe trang hoàng lộng lẫy với cờ đại, cờ ngũ hành, cờ âm dương đợi sẵn, trong tư thế trực chỉ về hướng biển. Ban tế lễ, long đình, thuyền lễ vật, ban nhạc lễ và đoàn bá trạo lên chiếc ghe lễ. Trên ghe này đã chuẩn bị sẵn án thờ, nghi trượng và hương đăng, trà quả đầy đủ. Hai ghe bên trái và bên phải thì chở đội múa bóng, đội múa siêu cùng các bậc hào lão trong làng và một số bà con ngư dân theo hầu lễ. Theo sau đoàn ghe tế lễ là những thuyền, ghe lớn nhỏ của bà con ngư dân nối đuôi nhau, tạo nên quang cảnh tươi vui, hồ hởi đến lạ thường.

Đoàn ghe lễ ra khơi khoảng hơn một cây số thì đến lạch, liền dừng lại. Lễ tế bắt đầu. Chủ tế đốt hương lên khấn vái Ông Nam Hải, khấn vừa xong thì đoàn bá trạo bắt đầu trò diễn. Lời ca trầm bổng, thành kính, tiếng nhạc réo rắc, thiết tha. Tổng lái xướng:

Nay nghinh Ông đã tới lăng trào

Cây bá trạo chèo hầu lấy thảo…

Lại trở sang giọng Nam Xuân:

Lấy thảo hai hàng nước mắt

Phải chi Ông còn biển Bắc lộng khơi

Lưng đai tẻ bạc sáng ngời

Làm tôi thủy phủ cứu người dương gian…

Tổng mũi hát tiếp:

Ai đi giống dạng Ông đi

Bọt bèo trôi nổi một khi giữa trời…

Tổng lái hô:

Bớ bá trạo!

Trạo phu đồng thanh:

Dạ…a…a…!

Sau những câu xướng đó, thì tất cả chuyển sang điệu hò Bá trạo. Đoàn bá trạo vừa hát, vừa chèo trong nhịp chèo khỏe khoắn, sinh động.

Phiêu phiêu hề nhất trạo ba, (Hò hỡi lơ!)

Khinh khinh hề trục lãng qua

Thừa phong hành phất phất (Hố khoan hò khoan!)

Thừa phong hành phất phất (Hố khoan hò khoan!)

Quơi, trạo nhập giáng ca!

Quơi, trạo nhập giáng ca!

Chèo Bá trạo là một trò diễn mang tính liên hoàn, hát xong điệu hò Bá trạo, lại chuyển sang điệu Nam Xuân, xong lại nối sang Nam Ai, rồi đến hò Mái ngơi, hò Mái đẩy, hò Tát nước, hò Chèo thuyền... Trò diễn tùy vào ngẫu hứng mà co giãn, nhanh thì 15 phút, chậm thì có lúc đến 30 phút.

Nội dung của trò diễn chèo bá trạo nhằm ca ngợi công đức của Ông Nam Hải. Không quản ngại sóng to, bão dữ, ông đã vẫn luôn kề cận cứu giúp ngư thuyền, vượt qua những cơn nguy cấp trên biển.

Sau khi trò diễn chèo Bá trạo kết thúc, vị chủ tế ra hiệu cho lễ sinh thả chiếc thuyền lễ vật xuống biển để tạ ơn thủy thần. Đồng thời, làm lễ rước hồn Ông Nam Hải về nhập lăng.

Lúc này, những chiếc ghe đều quay đầu về lại bến. Chiếc ghe lễ vẫn đi ở giữa, tốc độ chậm vừa, đoàn bá trạo lại tiếp tục diễn lớp Phụng nghinh hồi đình. Trong khi đó, hai chiếc ghe phụ lại lướt nhanh lên phía trước và chạy lượn vòng, đan chéo với nhau liên tiếp ở phía trước ghe chính lễ. Đây là sự mô phỏng việc Ông Nam Hải vượt qua phong ba, bão tố đến cứu người gặp nạn. Khi đến gần bờ, thì hai chiếc ghe phụ ngoặt lại phía sau ghe lễ, để hộ tống ghe lễ và cùng cặp vào bờ.

Lúc này cả đoàn người hành lễ Nghinh thủy triều đều xuống bến để đi vào lăng. Cửa lăng đã mở, chủ tế vào chánh điện dâng hương làm lễ cáo yết rồi đưa linh vị Ông Nam Hải nhập lăng. Ngoài võ ca, nhóm múa bóng đầu đội mâm hoa đăng nhịp nhàng, uyển chuyển trong điệu múa Tinh đăng. Tiếp đến là đội múa siêu, điệu múa võ với thanh đại đao trong tay, các võ sinh đã trình diễn một điệu múa rất uy phong, cường tráng. Sau cùng là trò diễn chèo Bá trạo lại một lần nữa trước võ ca.

Có thể nói rằng, lễ Nghinh thủy triều cùng với các trò diễn dân gian như múa bóng, múa siêu, chèo bá trạo là nghi thức độc đáo nhất trong lễ hội Cầu Ngư của cư dân miền biển Nam Trung Bộ.

 

Kế theo Nghinh thủy triều với trò diễn chèo bá trạo là lễ Tế chánh của hội Cầu Ngư. Trong bất cứ lễ hội nào, lễ tế chánh bao giờ cũng là giây phút thiêng liêng nhất. Người ta tin rằng, cuộc tế chánh càng trang nghiêm, long trọng bao nhiêu thì sự độ trì của các vị thần linh sẽ có bấy nhiêu đến với dân làng. Do vậy, trong nghi thức tế chánh, người ta không để bất cứ sự sai sót nào, dù là nhỏ nhất.

Lễ Tế chánh luôn được cử hành vào cuối giờ tý của ngày thứ hai lễ hội. Ngư dân Khánh Hòa tin đó là giờ linh thiêng nhất để Ông Nam Hải về chứng lễ. Nghi thức tiến hành tế chánh cũng không có gì khác so với các lễ hội khác. Chỉ khác nhau duy nhất ở nội dung của văn tế.

Sau lễ Tế chánh là phần hát Thứ lễ. Được thể hiện bằng hình thức hát bội, hát Thứ lễ là hát cúng thần, hát dâng lễ lên thần linh. Mở đầu cho Thứ lễ là lễ đại bái khoảng 10 phút. Để thực hiện nghi thức này, đoàn hát cử một người đại diện lên dâng hương cho Ông Nam Hải và đọc lời chúc cho vạn lạch được an khang, thịnh vượng, sau đó mới chuyển sang phần hát Thứ lễ.

Về tuồng tích, hát Thứ lễ ở Khánh Hòa bắt buộc phải hát “tuồng Ông”, tức là tuồng nói về nhân vật Quan Công trong Tam Quốc Chí. Thường vở được chọn để hát thứ lễ là vở tuồng Quan Công phục Huê Dung đạo. Đây là vở tuồng không diễn ra cảnh giết chóc trên sân khấu. Đồng thời, hành vi tha Tào Tháo của Quan Công đầy nghĩa cử, khí tiết, rất phù hợp với tâm lý của người dân biển.

Điều đáng lưu ý, người thủ vai Quan Công phải là diễn viên có uy tín và đạo đức. Theo quy định, người đóng vai Quan Công trong hát Thứ lễ phải ăn chay, niệm Phật suốt 7 ngày. Và để giữ cho tâm hồn và thân xác trong sạch, trong suốt thời gian đó, người diễn viên đó cũng không được quan hệ với phụ nữ.

Khi nhân vật Quan Công xuất hiện trên sân khấu, tất cả mọi người phải đứng lên để tỏ lòng tôn kính. Trong tâm thức của người dân Khánh Hòa, Ông Nam Hải và Ông Quan Thánh đã hòa nhập với nhau thành nhất thể. Đây cũng là nét đặc trưng trong lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa.

Sau hát Thứ lễ là nghi thức lễ Tôn vương. Đây là lễ tôn phò người lên ngôi vua để trị vì đất nước, ổn định sơn hà, chấn hưng xã tắc.

Sau nghi thức lễ Tôn vương, mọi người vào lăng thắp hương cho Ông Nam Hải, sau đó cửa lăng được đóng lại. Các sinh tư, tế vật được đưa xuống nhà trò phía sau, để làm cổ thết đãi dân làng và khách hành hương về dự lễ. Đoàn tuồng lại chuyển sang hát trường, các tuồng tích giờ đây không bị bắt buộc nữa, có thể hát bất kỳ vở tuồng nào mà bà con yêu thích, mọi người vào xem tự do, thoải mái. Hát trường có khi kéo dài liên tiếp đến 2, 3 ngày, tùy vào khả năng đóng góp tài chính của bà con ngư dân.

Xét về nguồn gốc, tục thờ Ông Nam Hải của ngư dân ở vùng ven biển Khánh Hòa đã có từ lâu đời. Nó nằm trong tín ngưỡng vạn vật hữu linh, lại được phủ thêm màu sắc của Phật giáo và Nho giáo, nên rất phù hợp với cấu trúc đa nguyên trong tín ngưỡng dân gian của người Việt. Tục thờ Ông Nam Hải và tục thờ Ông Quan Công là hoàn toàn khác nhau. Có lẽ do sự ảnh hưởng lâu đời của Nho giáo đối với người Việt và tinh thần rộng mở của người dân Khánh Hòa nên họ đã tìm thấy sự đồng nhất giữa tính trung nghĩa, vũ dũng của Quan Công và hiện tượng cứu người lâm nạn trên biển của cá Ông. Để rồi từ đó, họ đã nhất thể hóa hai nhân vật ấy thành hình tượng “Ông” đầy sức ẩn dụ và nhiều tầng ngữ nghĩa. Có thể nói, lễ hội Cầu Ngư là một nét đẹp trong đời sống văn hóa dân gian của người dân ở miền ven biển Khánh Hòa. Nó tôn vinh những giá trị đạo lý cổ truyền, thắm đượm tính nhân văn của cộng đồng cư dân Việt ở ven biển Nam Trung Bộ nói chung và ở Khánh Hòa nói riêng.


Huỳnh Phước Long - Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa
Nguồn:
Văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa, NXB Văn hóa, 2011

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Chuyện kỳ bí từ một cây sao

Phong tục tập quán 21:37 06/10/2018

Hướng dẫn chúng tôi đến tận gốc cây sao to lớn đang ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền hoặc, tâm linh, ông Lý Thum, ngụ ấp Đại Thọ nói khẽ: “Cây sao này nghe nói đã trên 700 năm rồi mà vẫn tươi tốt quanh năm. Nhiều người tới đây thắp nhang cầu nguyện lắm vì cây rất “thiêng”. Đã có những câu chuyện tâm linh xảy ra với người đã dám cưa cây để lấy gỗ. Từ đó ban đêm không ai dám bén mảng đến đây”.

Rộn ràng làng nghề làm lồng đèn giấy

Phong tục tập quán 09:20 23/09/2018

Điều đáng phấn khởi là công việc này rất đơn giản, dễ làm, không cần vốn, người cao tuổi lẫn trẻ em đều có thể thực hiện do không phụ thuộc thời gian, sức khỏe, trình độ học vấn.

Trung thu sắp về nơi xóm nhỏ…

Phong tục tập quán 14:03 14/09/2018

Ánh trăng vằng vặc ngày rằm chia sẻ niềm vui trong trẻo, hạnh phúc cho con trẻ mọi nhà dù nơi giàu có, hay còn nghèo khó như ở xóm  Ao Đình ngày nay... Trăng Trung Thu sẽ rất tuyệt vời! Muôn đời vẫn vậy…

Hương cốm gọi thu về

Phong tục tập quán 12:07 13/09/2018

Cứ mỗi độ gió heo may về, giăng giăng ngập tràn lối phố thì cũng là thời khắc báo hiệu một mùa thu bắt đầu tới! Mùa thu ở mỗi vùng miền lại mang đến cho con người ở đó những khoảng khắc, nét thi vị riêng biệt mà khi đi xa người ta thường không dễ gì quên được. Với thủ đô Hà Nội, mùa thu được mọi người biết tới không chỉ có cái hanh hao của nắng vàng, chút gió heo may se se lạnh, lá vàng rụng rơi ngập phố, mà ở đó còn có còn có mùi hương hoa sữa nồng nàn, những trái sấu chín vàng rụng hoài trên ngõ vắng, và mùi của hương cốm…

Xem thêm