Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Lễ hội chùa Bà (Bình Dương): Bên ngoài "chặt chém", bên trong xô đẩy

Ở khu vực trước cổng chùa, các quầy hàng ăn uống, bán sớ, bán nhang, mâm quả, bói toán, vé số… mọc lên nhan nhản, lấn chiếm tới 3/4 lòng đường, nhiều chỗ chắn hết cả đường đi, khiến du khách luôn phải chen chúc, đi vòng vèo

Dịp Tết, nhiều gia đình có thói quen đi lễ chùa để cầu may, cầu phúc. Thế nhưng, ở Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu tỉnh Bình Dương (còn gọi là Lễ hội chùa Bà), du khách khá buồn phiền bởi nạn “chặt chém” và cảnh chen lấn, xô đẩy, kể cả việc không ít kẻ lợi dụng cảnh lộn xộn để móc túi, trộm đồ và sàm sỡ phụ nữ. Thực trạng trên, không chỉ ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa Việt ở chốn linh thiêng, mà còn làm tình hình an ninh trật tự trong những ngày Tết thêm phức tạp.

                  Cổng chùa Bà, tỉnh Bình Dương giống như một cổng chợ.

Các dịch vụ “chặt chém”

Như đã thành lệ, ngày Mồng 4 Tết năm nay, trên con đường từ Tp.Hồ Chí Minh về Tp.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, dòng người tấp nập với nhiều phương tiện ô tô, xe máy đã đổ về chùa Bà Thiên Hậu để cầu cho một năm hạnh phúc, làm ăn thuận lợi, học hành đỗ đạt. Nhiều đám thanh niên, xe máy chở ba, chở bốn người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu làm nhiều người tham gia giao thông phải dạt vào sát mép đường. Trên con đường vào gần chùa, những điểm giữ xe tự phát mọc lên san sát và luôn có nhiều tốp thanh niên mời gọi, níu kéo gửi xe. Khách chưa kịp dừng xe đã có sáu, bảy thanh niên tranh nhau chạy ra kéo, giật. Anh Nguyễn Văn Quang, đến từ tỉnh Đồng Nai dắt xe máy ở trong bãi ra vừa trả tiền vừa lẩm bẩm, ấm ức: “Gửi xe có một chút xíu mà giá tới 20.000 đồng/xe máy”. Một nhân viên giữ xe lên tiếng: “Đây là điểm rẻ nhất rồi đó. Nhiều nơi khác giá 25.000 - 30.000 đồng/xe cơ”. Chứng kiến cảnh đó, tôi giơ máy ảnh lên chụp, thì vài nhân viên giữ xe lừ mắt như sắp sửa đánh nhau ngay. Một nhân viên từ trong nhà lên tiếng: “Nếu bãi giữ xe này mà lên báo, truyền hình thì coi chừng đó nha”. Theo ghi nhận của chúng tôi, Ban quản lý lễ hội cũng không đứng ra tổ chức các bãi giữ xe. Tất cả các bãi giữ xe đều tự hình thành và tự định giá. Để qua mặt các ngành chức năng, nhiều chủ bãi đẩy thẳng xe vào trong nhà mình. Số khác lợi dụng danh nghĩa tiệm bán xe gắn máy làm bình phong, cũng treo biển giữ xe đi lễ hội. Không những thế, tại một số tuyến đường, trường học gần với chùa Bà, cũng trở thành những bãi giữ xe ô tô với giá từ 50.000 đến 70.000 đồng/một xe (tùy từng loại). Tình trạng này đã gây cản trở giao thông trong những ngày Tết Nguyên đán Quý Tỵ.

Ở khu vực trước cổng chùa, các quầy hàng ăn uống, bán sớ, bán nhang, mâm quả, bói toán, vé số… mọc lên nhan nhản, lấn chiếm tới 3/4 lòng đường, nhiều chỗ chắn hết cả đường đi, khiến du khách luôn phải chen chúc, đi vòng vèo. Cứ có khách vào chùa là những người bán hàng xông ra mời chào, níu kéo rất mất lịch sự. Cầm bó cây phát tài trên tay, chị Lê Thị Hồng, một du khách ở tỉnh Long An chỉ biết lắc đầu, vì giá cả lên đến 50.000 đồng/bó, trong khi những ngày thường nó chỉ có giá khoảng 15.000 đồng.  Không chỉ cây tài lộc, mà các loại lễ vật khác phục vụ nhu cầu tâm linh, nhu cầu sinh hoạt của du khách như nhang, hoa, mâm quả... cũng được hét giá cao hơn mức bình thường từ 2 đến 3 lần.

Nắm được tâm lý đi chùa của du khách là ít trả giá, nên các loại dịch vụ thi nhau “chặt chém” không thương tiếc. Bà Lê Thị Giang, 60 tuổi, quê ở tỉnh Đồng Nai ngán ngẩm: “Không biết đi chùa có cầu được may, được phúc hay không, mà thấy toát mồ hôi, mệt cả người vì giá các loại dịch vụ tăng chóng mặt. Tìm hiểu chúng tôi được biết, đây là dịp làm ăn của người dân quanh chùa, nên họ phải tranh thủ "chặt chém". Ngay trong ngày Mồng 4 Tết, chúng tôi đã chứng kiến hai vụ cãi vã, ẩu đả của các chủ hàng ở đây để tranh giành khách.

Lộn xộn chốn linh thiêng

Ngoài đường thì đầy cảnh "chặt chém", khi vào chùa thì cảnh tượng lại ngột ngạt, khó chịu. Thời tiết miền Đông Nam Bộ đang ở mùa khô rất nóng bức, nhưng dòng người vào chùa vẫn chen lấn, xô đẩy, thậm chí giẫm đạp lên nhau để vào khấn lễ, cầu may. Tội nhất là những em bé. Cụ ông Lê Văn Tứ, 76 tuổi ở Tp.Hồ Chí Minh bức xúc: “Các cụ ngày xưa khi đến đình chùa, chốn linh thiêng đều phải tự giác đi thành hàng lối trật tự, nền nếp, có văn hóa chứ đâu có cảnh chen chúc, xô bồ như thế này”.

Đi chùa là thể hiện nét đẹp của văn hóa Việt Nam chốn linh thiêng, thành kính, nhưng nhiều người đã biến nơi đây thành nơi lộn xộn và nhếch nhác. Đã thế, một số nam thanh niên còn lợi dụng cảnh chen lấn để sàm sỡ phụ nữ, các "đạo chích" cũng nhanh tay móc túi, trộm đồ của du khách. Khi chúng tôi đưa những vấn đề bức xúc phản ánh với Ban quản lý nhà chùa, thì họ trả lời: “Ban quản lý chỉ phụ trách trong chùa, còn bên ngoài, chúng tôi không biết”. Ông Lê Anh Tuấn - một cán bộ công an của phường Phú Cường, Tp.Thủ Dầu Một cho biết: “Chính quyền địa phương cũng có kế hoạch tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, nhưng do mỗi ngày có hơn chục ngàn du khách đến lễ chùa, nơi đây là chốn linh thiêng nên chúng tôi cũng ngại nhắc nhở”. Theo thống kê của ngành chức năng, chỉ từ ngày 29 tháng Chạp đến mồng 4 tháng Giêng, tại chùa Bà đã xảy ra 7 vụ móc túi, trộm cắp tài sản và hàng chục vụ cãi nhau.

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu là lễ hội lớn của tỉnh Bình Dương và trong vùng, kéo dài đến qua Rằm tháng Giêng. Để khắc phục tình trạng mất an ninh, trật tự, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân trong khu vực và thực hiện các biện pháp kiên quyết, để chấm dứt nạn "chặt chém", trộm cắp, mất trật tự ở chùa Bà Thiên Hậu. Các phường, khu phố quanh chùa cũng cần tổ chức cho lực lượng công an, dân phòng tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát, bảo vệ an ninh trật tự, xử phạt thật nặng những người lợi dụng lễ hội để trục lợi. Các du khách đi chùa nên tự giác chấp hành quy định nhà chùa, của địa phương, nêu cao tinh thần cảnh giác để không bị móc túi, trộm đồ, lợi dụng.

Bài và ảnh: Duy Hiển - Phúc Nam/Nguồn: www.qdnd.vn

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nghĩ về hạnh nguyện ngài Địa Tạng

Phật pháp và cuộc sống 13:39 19/04/2024

Mỗi khi chắp tay kính lễ chư Phật và Bồ-tát, trong tôi lại sừng sững dáng Tăng của ngài U minh Giáo chủ Đại hùng, Đại lực, Đại từ, Đại bi Bổn tôn Địa Tạng Vương Bồ-tát.

Chuyện tử tế: Trụ trì chùa chăm lo cho hơn 1.000 sinh viên nghèo

Phật pháp và cuộc sống 14:25 18/04/2024

Suốt 27 năm qua, Thượng tọa Lý Hùng, trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây (P.An Cư, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), đã chăm lo việc học cho hơn 1.000 sinh viên nghèo là con em đồng bào Khmer khắp miền Tây.

Nhờ Bồ tát Quan Thế Âm gia hộ, bé gái bị dị tật bẩm sinh được lành bệnh

Phật pháp và cuộc sống 12:55 18/04/2024

Tôi lập gia đình năm 25 tuổi. Cuối năm, tôi sinh được một bé gái. Năm năm sau, vợ chồng tôi quyết định sinh đứa thứ hai. Chồng tôi rất thích đứa con thứ hai này là con trai, nhưng rủi thay lần mang thai này tôi lại sinh ba bé gái.

Chúng sanh và lục thông

Phật pháp và cuộc sống 12:20 18/04/2024

Lục thông là sáu thần thông ưu việt hơn những năng lực bình thường của đa số chúng sanh nhân giới. Sáu thần thông bao gồm: 

Xem thêm