Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 08/01/2013, 10:10 AM

Lễ Tống Ôn - Lễ thức cầu an của cộng đồng cư dân ven biển Đà Nẵng

Mỗi danh xưng phản ánh một khía cạnh trong đời sống tâm linh ’’đa tầng’’ của cộng đồng, song đều xoay quanh một hạt nhân nghĩa là biểu hiện ước vọng bình an của dân biển

Lễ Tống Ôn là một nghi lễ truyền thống của các làng quê xứ Quảng, được tổ chức hàng năm vào ngày Khai Hạ - mùng bẩy tháng Giêng hoặc ngày tế cô hồn/âm linh nhằm tống tiễn xua đuổi ôn hoàng dịch lệ, cầu xin thần linh và người khuất mặt hộ trì cho làng xóm cuộc sống bình an trong năm, đồng thời còn là dịp để cộng đồng tri ân quá khứ, thể hiện tình cảm nhân văn với người đã khuất. 

Đối với nhiều làng biển Đà Nẵng, đây là một nghi lễ nằm trong lễ tế Âm linh thường niên, còn gọi là: lễ ’’Tống cói hạ kỳ’’ hay lễ ’’Tống ôn đưa khách’’. Mỗi danh xưng phản ánh một khía cạnh trong đời sống tâm linh ’’đa tầng’’ của cộng đồng, song đều xoay quanh một hạt nhân nghĩa là biểu hiện ước vọng bình an của dân biển. 

Khai khoang điểm nhãn cho Long Chu

Hàng năm, vào ngày 25 tháng Chạp, các làng ven biển nhất loạt làm lễ thượng nêu và cờ phướn ở các đình, lăng, miếu; đến ngày bẩy tháng Giêng thì làm lễ hạ nêu. Sau hạ nêu, có làng làm lễ Tống ôn ngay, nhưng phần lớn là tổ chức vào ngày tế Cô Hồn của làng, thường từ rằm tháng Giêng đến rằm tháng Ba, nhằm tống khứ những điều xúi quẩy, uế tạp, mà dân biển quen gọi là ’’cói’’. Cói có lẽ là cách nói trại (do kiêng kỵ) từ từ ’’quái’’ hoặc ’’cuối’’ (quái - điều xấu, điều dữ; cuối là tận, là chót - những từ này hàm nghĩa kết thúc, tận cùng, nên dân biển thường kiêng). Tống cói đi liền với hạ kỳ/ cờ để sau đó bước vào mùa đánh bắt mới; còn gọi lễ Tống Ôn/ Tống cói hạ kỳ là ’’Tống ôn đưa khách’’ vì: bên cạnh việc tống cói/ tống ôn, làng vạn còn đưa tiễn vong hồn Cô Bác - những người chết bất đắc kỳ tử, trong đó có người vong thân trên sông biển và cộng đồng Người khuất mặt, mà theo quan niệm của người Việt vùng này thì đó chính là vong hồn cư dân vốn là dân thổ trước của vùng đất/ vùng biển xứ Quảng xưa - người Chăm. 

Địa điểm tiến hành lễ Tống Ôn là lăng Âm Linh, nơi thờ Cô Hồn/ Cô Bác của làng. Một vài nơi tiến hành ở đình làng (làng Cổ Mân, làng Tân Thái - Đà Nẵng) hoặc lăng Bà - miếu thờ nữ thần (làng Nam Thọ - Đà Nẵng).... Thực hiện lễ thức là Ban khánh tiết do ông Hội chủ làng đứng đầu cùng đại diện các Chư tôn tộc phái trong làng. Người trực tiếp cúng cầu là Hội chủ làng. Thời gian tiến hành thường chỉ một buổi sáng, nhưng sự chuẩn bị thì từ nhiều ngày trước đó, với các việc chính như: rẫy mả âm linh, cúng rước Cô Bác trên bờ, dưới biển về lăng chứng hưởng; làm các nghi trượng của lễ Tống ôn. 

Nghi trượng quan trọng nhất, bắt buộc phải có là chiếc bè Long Chu. Đó là chiếc thuyền đầu Rồng đuôi Phụng, làm bằng tre, dán giấy, đặt trên một chiếc bè tre hoặc bè chuối. Long Chu có số thuyền, địa chỉ, và được khai khoang điểm nhãn. Vì là phương tiện chuyên chở ôn hoàng dịch lệ tống ra sông biển, đồng thời cũng là phương tiện chuyên chở tiễn đưa Cô Bác và Người khuất mặt về cõi thuỷ phủ, địa phủ, nên Long Chu phải đẹp, phải vững để trôi nhanh ra biển. Do đó, người làm Long Chu phải khéo tay, cẩn thận. Phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng về sản phẩm của mình. Nếu Long Chu không trôi nhanh, bị nghiêng ngả, hay cứ quanh quẩn trong bờ, thì người làm ra nó bị quở trách. Bởi người ta quan niệm, năm nào Long Chu trôi thật nhanh, ra thật xa, năm ấy làng vạn sẽ bình an, no đủ. Ngược lại, một tâm lý nặng nề với linh cảm mơ hồ rằng tất xảy ra những điều không may trong năm đó, nếu bè Long Chu cứ quanh quẩn trong bờ, nhất là lại bị lật úp khi vừa tống xuống biển. 

Kích thước và cách bài trí trong Long Chu ở các nơi tương đối giống nhau. Long Chu sẽ dài, rộng gần bằng một chiếc thuyền (ghe máy), nếu làm lễ lớn, còn bình thường nó dài từ 1,6m - 1,8m, cao và rộng khoảng 40 đến 80cm, chia thành bốn khoang. Thức cúng và nghi trượng bài trí trên đó phần lớn là đồ mã, như: Vàng, áo, cháo, nổ; chiêng trống, cờ phướn, và rất nhiều hình thế (hình vẽ đàn ông, đàn bà, trẻ con). Riêng làng Nam Ô, ngoài các vật cúng trên còn có cuốn sổ mang tên ’’Sở thuyền bài’’ và hình nhân ba ông Thần Tướng vai vác cung tên, đứng ở ba vị trí mũi, khoang, lái của Long Chu. Sở thuyền bài còn gọi là ’’Thẻ bài’’, trong đó ghi tên năm vị thần cũng là năm thuỷ thủ đưa thuyền. Đó là: 1. Thuỷ Tinh hành trình. 2. Đại vương/ Đương niên Hành Khiển. 3. Ngũ Miếu hành binh chi thần. 4. Tống Tào Phán quan. 5. Rợ Cước Quỷ Vương sứ giả. 

Lễ Tống Long Chu của làng Nam Ô

Nghi trượng tiếp theo là đồng tiền âm dương. Có nhiều làng dùng đồng âm dương dưới dạng ’’đồ mã", gồm hai mẩu tre cột lại với nhau thành hình chữ thập. Mỗi "đồng" dài khoảng 5cm. "Đồng dương" mặt trắng, màu của cật tre; "đồng âm" mặt xanh, màu của bìa tre. Đồng ’’tiền giả’’ để ông Hội chủ gieo quẻ (mà chỉ được gieo một lần duy nhất) vào khoang giữa của Long Chu rồi tống theo Long Chu. Cấu tạo của nó giúp ông chủ làng không bị áp lực tâm lý nặng nề khi gieo quẻ xin keo, vì có rơi theo chiều nào thì vẫn được mặt trắng và mặt xanh, tức một âm, một dương, là tín hiệu báo Cô Bác, các bậc thuỷ thần, Người khuất mặt đã về chứng lễ, nhận lời thỉnh cầu của vị đại diện làng xin cho làng vạn năm mới được bình an khương thái, điều lành mang đến, điều dữ tống đi. Hành vi này còn mang tính chất cúng thế (vì đồng âm dương tre được tống đi luôn) với ý nghĩa là sự tự trấn an tâm lý của những con người thường xuyên phải đề phòng những bất trắc rủi ro trên sóng nước. 

Nghi trượng cuối cùng là một ngọn đuốc cháy to, tục gọi là mồi lửa, dùng để xua đuổi tà ma, chướng khí, ám khí, để dẫn đường đưa bè Long Chu ra biển. Có nơi như Hội An, khi tống Long Chu xuống nước, vị Hội chủ đích thân dùng ngọn đuốc dẫn đường đốt cháy Long Chu. Người ta tin rằng, sức mạnh của lửa sẽ thiêu huỷ tất cả những xui xẻo, uế tạp. 

Diễn trình lễ Tống ôn ở các làng biển gồm hai giai đoạn, thể hiện qua hai lễ là Nhương ôn, và Tống ôn/ Tống ôn đưa khách. 

Lễ Nhương ôn nhằm khao mời ôn hoàng dịch lệ, vong hồn Cô Bác và các ’’Khách’’, và cũng là lễ giải hạn cho cả làng. Các bàn án của lễ Nhương ôn được bài trí từ trong lăng ra đến ngoài hiên, sân. Thường có ba bàn đặt theo hàng dọc ở gian tả của lăng Âm linh (nhìn từ trong ra ngoài): Bàn trong cùng, cao nhất để cúng Thành hoàng bổn xứ và các vị Tiền Hiền, Hậu Hiền; bàn thứ hai cúng Cô Bác; bàn thứ ba ở ngoài hiên hoặc sân, dành để khao ôn/ nhương ôn. Trước bàn nhương ôn đặt bè Long Chu. Vật phẩm dâng cúng ở ba bàn án khá giống nhau, gồm: trầu rượu, hoa quả, kim ngân, thanh y, xôi chè, một con gà luộc (bàn khao ôn có thêm con gà nướng), cá, tôm, cua thịt (cá gọi là gỏi; gà gọi là chim), ở bàn cúng Cô Bác và bàn nhương ôn còn thêm bỏng nổ, bánh trái, khoai sắn cơm canh, rau sống, mắm cái, bánh tráng..., cùng rất nhiều giấy vẽ hình nhân thế mạng và áo đất (áo giấy cúng cho người ở cõi âm). Tất cả lễ vật để khao ôn/ nhương ôn được xếp đặt theo tục truyền, như: con chim/ gà nướng phải quay đầu vào trong để chầu Thần và Cô Bác, nếu vô ý làm ngược lại, thần linh sẽ không chứng, biểu hiện là không xin keo được. 

Lễ Nhương ôn diễn ra lâu hay mau còn tuỳ thuộc vào việc xin keo của Hội chủ làng ở từng bàn hương án. Tục lệ quy định, từ bàn cúng này chuyển sang bàn cúng khác, vị chủ cúng phải gieo quẻ xin keo ở bàn án vừa cúng. Chỉ khi nào được quẻ thì mới chuyển sang bàn khác. 

Lễ Nhương ôn bắt đầu sau ba hồi chiêng trống khởi dài. Các bô lão đại diện các họ tộc trong làng, đại biểu các đoàn thể trong xã, phường, và dân làng cùng tham gia cuộc lễ. Hội chủ làng, sau khi thắp hương cúng cáo ở các bàn hương án của gian chánh điện, lần lượt đến các bàn án cúng Thành Hoàng, Tiền Hiền, Hậu Hiền, Cô Bác/ Âm linh và bàn Nhương ôn. Lời khấn tại bàn cúng Thành Hoàng và Cô Bác giống nhau, đại thể là cầu xin sự hộ trì cho làng vạn cả năm làm ăn tấn tài tấn lợi, ghe thuyền ra khơi vào lộng an toàn. Còn đến bàn Nhương ôn thì ông Hội chủ khấn mời ôn hoàng dịch lệ, những ma Lồi, ma Chăm, ma Mọi, ma Rợ... về hưởng lễ, xin đừng quấy làng phá xóm. 

Nghi thức lễ tiết ở ba bàn án ấy như nhau, đều dâng đủ ba tuần: dâng hương, dâng rượu, dâng trà. Ngày trước, làng nào cũng có đọc văn cúng Tống ôn, nhưng nay chỉ còn một vài làng giữ nghi tiết này, như: làng Nam Thọ, Nam ễ. Văn Tống ôn có nội dung chủ yếu là cầu cho làng vạn được bình an, phát tài. 

                                    Tống Long Chu ra biển  

Nghi thức cúng Nhương ôn hoàn tất, cũng là lúc kết thúc lễ Khao ôn/Nhương ôn Lễ tất. Toàn bộ thức cúng của bàn Nhương ôn và các đồ mã của bàn Cô Bác được để hết vào các khoang của Long Chu. Lúc này, người dự lễ lần lượt vào thắp hương cho Cô Bác trong lăng. Đại diện các hộ ngư dân mang lễ vật đến cúng, nhờ bè Long Chu tống tiễn. Vật phẩm cúng của các gia đình cũng là vàng, áo, cháo, nổ, hình người thế mạng, có nhà cúng cả tiền thật. Riêng làng Nam Ô, người ta cúng cả những bó đũa ăn, nhà càng đông người cúng càng nhiều đũa và hình thế. Dân làng này gọi những vật phẩm ấy là ’’Đồ thế thẩm’’. 

Thời gian để mọi người thắp hương cho Cô Bác khoảng một tiếng. Sau đó, Hội chủ làng cẩn trọng đặt đồng âm dương vào khoang giữa Long Chu. Trống chiêng lại vang lên, Lễ Tống Ôn đưa khách bắt đầu. Bè Long Chu do các trai đinh khiêng đi giữa dòng người, đuốc lửa, trống chiêng, cờ xí, phần nào mang dáng dấp của một đám rước thần. ở làng Cổ Mân, cách thức tống tiễn có phần hơi khác. Đó là chỉ có các trai đinh đi tống Long Chu: Dẫn đầu là một thanh niên cầm đuốc lửa chạy trước, bè Long Chu được khiêng chạy theo sau; chạy sau cùng là người đánh chiêng. Tục lệ làng này quy định, Long Chu phải được khiêng chạy chứ không được đi, và phải hò hét, la ó hết cỡ cho đến khi tới địa điểm tống bè; người khiêng Long Chu thì không được dừng hoặc ngoái đầu trở lại vì bất cứ lý do gì. Vào thời điểm tống tiễn Long Chu, mọi nhà không mở cửa, không ai chạy ra đường. Nếu làm trái, ma quỷ sẽ quay trở lại tìm nơi trú ngụ, quậy phá làng vạn. 

Đến biển - nơi định địa điểm tống tiễn, đám người khiêng Long Chu chạy ào xuống; trên bờ, chiêng đánh liên hồi kỳ trận. Mồi lửa, bè Long Chu được tống ra thật xa; các ghe thúng đựng đồ thế thẩm thì mang ra lạch thả. Đám người dõi theo Long Chu. Họ thực sự an tâm, phấn chấn khi thấy Long Chu trôi nhanh ra biển. Lễ Tống ôn đến đây hoàn tất. Buổi tối cùng ngày là lễ tế cô hồn/ Cô Bác. 

Qua hồi cố, các lão ngư cho biết, lễ Tống Ôn ngày nay đã giảm nhiều chi tiết, nhất là những gì liên quan đến thầy pháp (Đạo giáo). Theo họ, ngày trước, lễ Tống Ôn đưa khách bao giờ cũng có ông thầy pháp (thầy phù thuỷ). Thầy pháp là người thực hiện các nghi thức của lễ Nhương ôn như đuổi tà, bắt ấn và đọc văn cúng. Các chi tiết này được một số người cao niên ở Hội An, Núi Thành, Đà Nẵng, vốn đã từng làm thầy pháp xác nhận. 

Cho đến nay, lễ Tống Ôn vẫn giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống của cá nhân và cộng đồng cư dân ven biển Đà Nẵng, mà mở rộng ra là cả xứ Quảng. Một vài yếu tố bị cho là mê tín đã không còn nữa, song lễ thức thì vẫn thường còn. Bởi lẽ bản chất của nó không ngoài mục đích là ’’phấn đấu’’ cho cuộc sống của ngư dân bình an và phồn thịnh. 

T.S Nguyễn Xuân Hương - Đại học Văn hóa Hà Nội
Nguồn: Tạp chí Văn hóa Du lịch Đà Nẵng

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Chuyện kỳ bí từ một cây sao

Phong tục tập quán 21:37 06/10/2018

Hướng dẫn chúng tôi đến tận gốc cây sao to lớn đang ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền hoặc, tâm linh, ông Lý Thum, ngụ ấp Đại Thọ nói khẽ: “Cây sao này nghe nói đã trên 700 năm rồi mà vẫn tươi tốt quanh năm. Nhiều người tới đây thắp nhang cầu nguyện lắm vì cây rất “thiêng”. Đã có những câu chuyện tâm linh xảy ra với người đã dám cưa cây để lấy gỗ. Từ đó ban đêm không ai dám bén mảng đến đây”.

Rộn ràng làng nghề làm lồng đèn giấy

Phong tục tập quán 09:20 23/09/2018

Điều đáng phấn khởi là công việc này rất đơn giản, dễ làm, không cần vốn, người cao tuổi lẫn trẻ em đều có thể thực hiện do không phụ thuộc thời gian, sức khỏe, trình độ học vấn.

Trung thu sắp về nơi xóm nhỏ…

Phong tục tập quán 14:03 14/09/2018

Ánh trăng vằng vặc ngày rằm chia sẻ niềm vui trong trẻo, hạnh phúc cho con trẻ mọi nhà dù nơi giàu có, hay còn nghèo khó như ở xóm  Ao Đình ngày nay... Trăng Trung Thu sẽ rất tuyệt vời! Muôn đời vẫn vậy…

Hương cốm gọi thu về

Phong tục tập quán 12:07 13/09/2018

Cứ mỗi độ gió heo may về, giăng giăng ngập tràn lối phố thì cũng là thời khắc báo hiệu một mùa thu bắt đầu tới! Mùa thu ở mỗi vùng miền lại mang đến cho con người ở đó những khoảng khắc, nét thi vị riêng biệt mà khi đi xa người ta thường không dễ gì quên được. Với thủ đô Hà Nội, mùa thu được mọi người biết tới không chỉ có cái hanh hao của nắng vàng, chút gió heo may se se lạnh, lá vàng rụng rơi ngập phố, mà ở đó còn có còn có mùi hương hoa sữa nồng nàn, những trái sấu chín vàng rụng hoài trên ngõ vắng, và mùi của hương cốm…

Xem thêm