Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 16/11/2016, 08:43 AM

Lịch sử những vấn đề liên quan đến tài sản của Phật giáo Việt Nam

Nội dung dưới đây chủ yếu tìm hiểu và nghiên cứu tiến trình lịch sử vấn đề liên quan đến tài sản của Phật giáo Việt Nam. 

1. Quyền sở hữu tài sản của Phật giáo Việt Nam từ thời trung đại đến năm 1883

Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, hoạt động tôn giáo luôn làm phát sinh tài sản. Việc sở hữu tài sản tiếp theo đó làm phát sinh quyền sở hữu tài sản.

Sử cũ cho chúng ta biết các vị vua xây cất hiến cúng cho Phật giáo chùa chiền, hiến cúng đất đai để nhà chùa làm huê lợi.

Đến thế kỷ XIX trước khi thực dân Pháp xâm lược, thì chùa, về sở hữu có thể chia làm 3 loại:

- Chùa vua, do triều đình xây dựng, hiến cúng. Loại chùa này có thể nói do chính quyền sở hữu, tăng sĩ Phật giáo quản lý, sử dụng.

- Chùa tổ, do các vị tôn túc Phật giáo khai sơn, truyền lại cho đệ tử. Tuy là chùa do các tu sĩ Phật giáo thành lập, nhưng hầu như quyền sở hữu cá nhân đối với tài sản không được đặt ra. Phật giáo tuy suy, nhưng đã xây được nền chùa, thì chùa khó có thể bị phá ra làm nhà. Một phần vì niềm tin Phật giáo của người dân vững chắc, họ không dám biến của cải thập phương cúng dường Tam Bảo làm sở hữu riêng tư.

Tuy nhiên, ở Nam Bộ, có một số nhà sư có gia đình, vợ con cùng sống trong chùa đã khiến cho một số chùa chiền ở miền đất này đã bắt đầu rơi vào tình thế sở hữu tư nhân, không còn là sở hữu cộng đồng.

Nhà sư nhưng không giữ giới, cưới vợ thì đó là thầy cúng, và cũng có thể không phải là nhà sư nữa. Xu thế của thầy cúng là sở hữu tài sản là chùa chiền rồi truyền lại cho con cháu như truyền nghề, truyền luôn phương tiện làm nghề.

Xu hướng này đã có tác động tai hại cho Phật giáo Việt Nam. Căn cứ vào xu hướng này mà thực dân Pháp, sau đó là Dụ số 10 của Bảo Đại, vào thời kỳ tự xưng là Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam, rồi sau nữa là Ngô Đình Diệm, một tổng thống đạo Ca tô La Mã lợi dụng triệt để Dụ số 10 để loại bỏ quyền sở hữu của Phật giáo đối với tài sản nhà đất.

- Chùa tư, là chùa do quan lại hào phú có niềm tin Phật giáo xây dựng riêng cho gia đình, có thể rước tăng sĩ về trụ trì. Loại chùa này đương nhiên là sở hữu riêng cá nhân. Chủ sở hữu có thể giao quyền quản lý, sử dụng cho tu sĩ Phật giáo, nhưng cá nhân tín đồ vẫn giữ quyền sở hữu ngôi chùa, qua nhiều đời trở thành sở hữu gia tộc.

Như vậy, sở hữu chùa chiền trong lịch sử của Phật giáo Việt Nam rất đa dạng, phức tạp. Phật giáo Việt Nam trong lịch sử chưa có một tổ chức giáo hội liên tục và thống nhất, cho nên đã không thể có việc duy nhất một hình thức sở hữu.

2. Truyền thống coi thầy trụ trì chùa là chủ sở hữu chùa

Trong truyền thống Phật giáo Việt Nam, vị trụ trì ngôi chùa có vai trò rất lớn, trong đó, nhiều trường hợp, tuy chỉ là người quản lý, sử dụng, nhưng tăng sĩ và tín đồ coi trụ trì cũng là người sở hữu ngôi chùa. Quyền sở hữu ngôi chùa của trụ trì chùa, dù là có hoặc không có xác định trên giấy tờ pháp lý, vẫn được cả xã hội công nhận và thành tập quán.

Trong đạo Phật, theo thông lệ, đối với các nhà tu hành đạo cao đức trọng, đại chúng tăng ni và phật tử kiêng không pháp danh của các ngài, mà gọi theo tên chùa, như ôn Linh Mụ, ôn Già Lam, ôn Vạn Đức…

Truyền thống coi vị trụ trì là chủ sở hữu, chủ của ngôi chùa có mặt tích cực và có mặt tiêu cực. Khi xã hội thay đổi theo hướng có nền pháp trị, và các quy định của luật pháp về tài sản một cách rõ ràng thì xu hướng coi vị trụ trì là chủ sở hữu của ngôi chùa sẽ bộc lộ cả những điều tích cực và hạn chế.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa
3. Từ năm 1883 đến thập niên 1940

Năm 1883 là hiệu nước Đại Nam (quốc hiệu của Việt Nam từ đời vua Minh Mạng) mất chủ quyền vào tay người Pháp.

Những năm đen tối của dân tộc chính là những năm đen tối của Phật giáo. Đây chính là thời kỳ chùa chiền bị tàn phá. Phật giáo không có tổ chức Giáo hội, chùa không được coi là sở hữu của chung Phật giáo mà chỉ là của riêng vị trụ trì, nên khi vị trụ trì vắng mặt, do chiến tranh chẳng hạn, thì chùa mặc nhiên trở thành tài sản vô chủ, muốn chiếm là chiếm, muốn phá là phá.

Thực dân Pháp hậu thuẫn cho việc truyền bá đạo Ca tô La Mã ở Việt Nam, tức là cải đạo, nên tình huống nào có lợi đối với việc cải đạo, xóa bỏ chùa chiền, thì thực dân Pháp sẽ duy trì và khai thác.

Trong các tài liệu nghiên cứu sau này của Phật giáo về quyền sở hữu tài sản, không thấy nhắc đến sở hữu chùa Phật giáo trong các bộ Dân luật Bắc Kỳ (1931), bộ Dân luật Trung Kỳ (1938).

Theo truyền thống Phật giáo, cơ sở Phật giáo chỉ có chùa và ruộng đất thuộc nhà chùa, và vẫn được coi là tài sản của thầy trụ trì.

Trong khi đó, đã có một hình thức sở hữu tài sản tôn giáo mới được du nhập. Đạo Ca tô La Mã, với giáo hội chặt chẽ, bắt đầu xác lập quyền sở hữu tôn giáo đối với bất động sản.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, cơ sở tôn giáo không phải sở hữu nhà nước, không phải sở hữu cá nhân, không phải sở hữu của riêng nhà tu hành nào, gia tộc nào, mà là sở hữu của giáo hội.

Đạo Ca tô La Mã, giáo hội đồng nhất với tôn giáo, nên sở hữu giáo hội chính là sở hữu tôn giáo. Vấn đề sở hữu tôn giáo đối với bất động sản như thế cũng đã được đặt ra đối với đạo Phật.

Sở hữu tôn giáo về bất động sản ở đạo Ca tô La Mã không chỉ là nhà thờ (cơ sở thờ tự) và ruộng đất, mà còn là tu viện, trường học, nhà nuôi trẻ, nhà dưỡng lão, nhà từ thiện, nhà sinh hoạt cộng đồng…

Từ năm 1920, Phật giáo Việt Nam bắt đầu tiến trình chấn hưng. Ý thức tôn giáo về Phật giáo được nâng cao.

Người theo đạo Phật bắt đầu ý thức được là quyền đầy đủ của một tôn giáo Phật giáo đó phải được sở hữu tài sản với tư cách là tôn giáo.

Chấn hưng Phật giáo đi liền với việc mở trường học, cơ sở từ thiện… Những tài sản như vậy không thể đứng tên ông hiệu trưởng, bà giám đốc, là những người được bổ nhiệm có thời hạn.

Đến thập niên 1940, khi tiến trình chấn hưng Phật giáo bắt đầu có kết quả, thì Phật giáo mới bắt đầu có ý thức một cách tương đối về quyền tôn giáo, về sở hữu tài sản.

Nhu cầu về quyền sở hữu bất động sản của Phật giáo Việt Nam gắn liền với kết quả chấn hưng Phật giáo và nó có tác động mãi tới ngày hôm nay.

Đây là một nhận thức bắt đầu có ở Phật giáo Việt Nam từ những năm 1930, 1940 khi những hội đoàn Phật giáo đầu tiên ra đời và đến nay, vẫn chưa được triển khai đầy đủ, trọn vẹn trong thực tế.

4. Giai đoạn từ thập niên 1940 đến năm 1954

Trong khi tiến trình chấn hưng Phật giáo Việt Nam đang bắt đầu đi vào giai đoạn kết quả cụ thể thì chiến tranh thế giới thứ II nổ ra, sau đó là sự chiếm đóng của phát xít Nhật. Tuy vậy, cho đến 9/3/1945, bộ máy cai trị của Pháp giữ nguyên, cho nên pháp luật về dân sự không thay đổi đáng kể.

Sau Cách mạng Tháng Tám, trong một thời gian, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn áp dụng trì Luật hộ cũ (Sắc lệnh 03-SL, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ký ngày 10/10/1945).

Tuy nhiên đến đầu thập niên 1950, thì có những chuyển biến quan trọng.

Sau khi Quốc gia Việt Nam được thành lập, Quốc trưởng Bảo Đại ban hành Đạo dụ số 10 vào ngày 6/8/1950. Đạo dụ này quy định việc thành lập hiệp hội. Đối với tôn giáo, đạo Ca tô La Mã được đặt riêng. Còn các tổ chức Phật giáo Việt Nam thì đặt ngang với hiệp hội từ thiện, mỹ thuật, tiêu khiển, thể thao… “Tôn giáo chỉ có một mà thôi, là Thiên Chúa giáo vì Thiên Chúa giáo không nằm trong Dụ số 10” (1)…

Như vậy, Phật giáo Việt Nam do không được đối xử như một tôn giáo, nên không có quyền sở hữu bất động sản như đạo Ca tô La Mã. Chùa chiền, trường học đứng tên sở hữu của trụ trì, hay hội trưởng.

Đến đây thì hiện rõ vấn đề quyền sở hữu bất động sản tôn giáo gắn liền với quyền tôn giáo. Phật giáo không có quyền đứng tên sở hữu bất động sản.

Ở những vùng thuộc quyền kiểm soát của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cải cách ruộng đất được phát động. Vấn đề sở hữu bất động sản của Phật giáo cũng như Thiên Chúa giáo không được đặt ra nữa. Điều này, đối với Phật giáo miền Bắc, kéo dài đến năm 1981.

5. Giai đoạn từ năm 1954 đến 1964 ở miền Nam

Ngày 26/10/1955, Ngô Đình Diệm giải tán Quốc gia Việt Nam, thành lập Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam, bắt đầu áp dụng Hiến ước tạp thời “Luật hệ hiện hành vẫn tạm giữ nguyên”, trong đó vẫn thực hiện Dụ số 10 của Quốc gia Việt Nam.

Với bản chất kỳ thị tôn giáo, chủ trương cải đạo tín đồ Phật giáo Việt Nam sang đạo Ca tô La Mã, dĩ nhiên, nội dung Dụ số 10 được khai thác triệt để, trong đó nội dung sở hữu tài sản là bất động sản.

Với luật pháp như vậy, chùa chiền, trường học, cơ sở xã hội, từ thiện, đất đai của Phật giáo Việt Nam được mua, hiến tặng, xây dựng từ 1955 đến 1963 đều phải đứng tên sở hữu cá nhân.

Đứng tên sở hữu cá nhân, thường là vị trụ trì, hội trưởng, chùa chiền, đất đai, các cơ sở khác của Phật giáo được mua bán, sang nhượng từ cá nhân sang cá nhân. Điều đó có nghĩa là một ngôi chùa chẳng hạn có thể được người đứng tên sở hữu bán cho người khác và không còn là ngôi chùa nữa.

Ngược lại, một ngôi nhà có thể được sửa lại làm một ngôi chùa, nhưng vẫn là tài sản riêng cá nhân. Từ sau khi hòa bình lập lại, ở miền Nam dạng chùa như trên rất nhiều.

Chính quyền, đạo Ca tô La Mã coi chùa như là một dạng đình, miếu, không phải là cơ sở tôn giáo như nhà thờ. Với chính quyền Ngô Đình Diệm chủ trương cải đạo, điều này rất có lợi cho việc cải đạo vì việc xóa bỏ chùa, đổi nó thành một căn nhà hay một công năng khác, cắt xẻ nó ra thành những mảnh nhỏ, nảy sinh việc chiếm dụng bất hợp pháp xóa bỏ chùa chiền. Tổ chức Phật giáo không có quyền hạn gì.

Phía Phật giáo cũng không phải không ý thức ra vấn đề nói trên, nhưng ý thức đó hình thành chậm chạp.

Ba mươi năm sau khi đạo Ca tô La Mã hình thành cơ chế sở hữu tài sản là bất động sản tôn giáo, gần 100 năm sau khi người Pháp chính thức hóa cơ chế sở hữu tôn giáo đạo Ca tô La Mã, 13 năm Dụ số 10 được Bảo Đại ban hành, thiết lập kỳ thị tôn giáo, trong đó có kỳ thị trong sở hữu tài sản là bất động sản. Tăng, ni, phật tử Phật giáo Việt Nam mới bắt đầu ý thức về quyền sở hữu tài sản là bất động sản của tôn giáo của mình. Trước năm 1962 Phật giáo Việt Nam hầu như không có ý kiến gì về Dụ số 10, để qua các nghị sĩ của chế độ Sài Gòn, tiến hành cuộc đấu tranh pháp lý về bình đẳng quyền sở hữu bất động sản tôn giáo trên nghị trường.

Đến năm 1963, vấn đề Phật giáo không có quyền sở hữu tài sản là bất động sản không còn là vấn đề tôn giáo pháp lý mà đã trở thành vấn đề chính trị đối với chế độ Sài Gòn.

Minh Thạnh còn tiếp...
-
(1) Lời Giáo sư Cao Huy Thuần trả lời, phỏng vấn của Báo Thời Đại mới, dẫn theo Dương Kinh Thành: Loạt bài kỷ niệm 50 năm Pháp nạn 1963: Bài 3 – Đạo dụ số 10, trang web Phật tử Việt Nam cập nhật 30/4/2013.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Thiện thần bảo vệ người giữ giới

Tư liệu 14:30 24/04/2024

Ngày xửa ngày xưa, ở một nước kia, nhà vua bắt buộc nhân dân phải giữ năm giới. Một người bạn ở nước khác về chơi, vô tình đem một chai rượu biểu Lam Xoa. Lam Xoa nể bạn, cùng nhau ăn uống. Tại vách mạch rừng đem chuyện đến vua. Lam Xoa bị trục xuất ra khỏi nước.

Câu chuyện có thật về sự chủ động tái sinh

Tư liệu 14:16 19/04/2024

Khoảng một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, giáo pháp ngày càng phát triển trong giới trí thức Ấn Độ. Một trong những luận sư xuất sắc thời đó là Chandra, người vừa có cái thư thả của bậc giác ngộ, lại có cái tài hùng biện và lý luận sắc sảo của một người trí thức.

Phương thức niệm Phật đời Trần

Tư liệu 08:23 18/04/2024

Không phải ngẫu nhiên đến đời Trần, phương thức niệm Phật được Thiền phái Trúc Lâm chú trọng trong việc vận dụng vào đời sống thực nghiệm tâm linh trong các Thiền đường nước Đại Việt.

Cha mẹ là ruộng phúc trong 3 cõi

Tư liệu 08:10 16/04/2024

Phật bảo Ngài A Nan rằng: - Cha mẹ, chúng Tăng, là hai thứ ruộng phúc của tất cả chúng sinh, là diệu quả của cõi Nhân cõi Thiên, Niết Bàn giải thoát, cũng do đó mà được thành tựu vậy!

Xem thêm