Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 18/09/2013, 16:35 PM

Lời tưởng niệm Giác linh HT.Thích Đạt Đạo

Trong buổi đầu xuất gia học đạo, suốt bao năm vun bồi cội đức, Hòa thượng đã luôn tinh tấn, nỗ lực chuyên cần, công phu công quả, học pháp xuất trần với các bậc thượng tôn, danh đức thời bấy giờ.

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Kính bạch . . .
Kính thưa  . . . 

Trước khi cử hành lễ cung tống kim quan Hòa thượng đến đài hỏa táng, chúng tôi xin được thay mặt Hội đồng Trị sự, các Ban, Viện Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp.Hồ Chí Minh, Quận Bình Thạnh và tăng ni, phật tử có đôi lời tưởng niệm.

Kính bạch Giác linh Hòa thượng, 

Trong Pháp giới duyên sinh vô tận, một nhục thân ngũ uẩn xuất trần, nương tứ đại làm thân giả hợp, giữa phàm trần không nhiễm hồng trần, đất Hạnh Thông duyên lành kết trái, Gia Định thành một đời thọ mạng, nước sông Sài gòn thao thao dòng diệu thủy. Hòa thượng vốn sẵn có duyên lành, nên phát chí xuất trần từ thuở nhỏ, chốn Tổ Già Lam tầm đạo xuất gia, nêu cao chí cả. Đường giải thoát lâng lâng nhẹ gót, vượt trần gian siêu thoát luân hồi, bỏ ngoài ngàn dặm lòng tham dục, để lẽ huyền vi còn mãi trong tâm.

Trong buổi đầu xuất gia học đạo, suốt bao năm vun bồi cội đức, Hòa thượng đã luôn tinh tấn, nỗ lực chuyên cần, công phu công quả, học pháp xuất trần với các bậc thượng tôn, danh đức thời bấy giờ. Trải qua các chốn Tòng lâm Phật học Viện, Hải Đức – Nha Trang, miền thùy dương cát trắng, sóng vỗ rạt rào; Phật học Viện Báo Quốc – xứ thần kinh cố đô Huế, Đại học Khoa học, Vạn Hạnh chốn Sài thành hoa lệ, hòn ngọc viễn đông. Hòa thượng đã nỗ lực ngày đêm nghiên tầm giáo điển, thâm nhập nghĩa lý Phật thừa, trí tuệ khai thông, thành tài đạt đức, trở thành pháp khí Đại thừa, đống lương trong Phật pháp, xứng danh con nhà họ Thích ngàn đời. 

Quả thật: 

“Hương thiền gió lộng tỏa ngàn phương
 Trăng sáng năm xưa ngập dặm đường
Hương lòng quyện tỏa từ độ ấy
Mãi mãi ngàn sau vẫn ngát hương”.

 Chư tôn đức HĐTS GHPGVN kính viếng

Với tinh thần tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức, sứ giả của Như Lai, như Phổ Hiền hạnh nguyện: “Nơi nào Đạo pháp cần thì con đến. Chỗ nào chúng sanh cần thì con đi, không nại gian lao, không từ khó nhọc” nên Hòa thượng đã cùng chư Tôn túc Hòa thượng tham gia nhiều công tác Phật sự ngay từ ngày đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới thành lập năm 1981, như giáo dục, đào tạo tăng tài cho Phật giáo Việt Nam qua các Trường Phật học, Học viện và tham gia nhiều công tác khác của Giáo hội như Hoằng pháp, Giáo dục Tăng Ni, Hướng dẫn Phật tử, Nghiên cứu Phật học v.v….Hòa thượng đã đăng đàn thuyết pháp, giảng dạy cho Tăng Ni, Phật tử xa gần phát huy huệ mạng, tín tâm kiên cố, đạo nghiệp tinh chuyên, trở thành những người hữu ích cho Phật pháp và xã hội, góp phần làm cho Phật pháp ngày càng phát triển, ổn định, trang nghiêm trong thời kỳ hội nhập thế giới và không ngừng phát triển. Bên cạnh công tác Phật sự của Giáo hội, Hòa thượng còn tham gia các công tác xã hội, các phong trào tại địa phương góp phần làm tốt Đạo đẹp Đời, chan hòa trong lòng dân tộc.

Quả thật: 

Hương thiền quyện tỏa gần xa
Vườn hoa xã hội nở hoa bốn mùa.

Trên ý nghĩa trang nghiêm ngôi Tam bảo là trang nghiêm Tịnh độ tại thế gian, với trách nhiệm trụ trì, Hòa thượng đã duy trì và trang nghiêm ngôi Tam bảo chùa Bát Nhã, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam, xứng đáng là cơ sở Giáo hội tại địa phương. 

“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ tông.
Giữ gìn Tổ ấn Tông phong
Tốt đời Đẹp đạo giữa lòng nhân gian” 

Thế những tưởng, trên bước đường phụng sự Đạo pháp, phục vụ chúng sinh, Hòa thượng còn trụ thế lâu hơn nữa để chung vai gánh vác Phật sự của Trung ương Giáo hội và Phật giáo Tp.Hồ Chí Minh. Nào ngờ đâu, một thoáng vô thường, âm dương cách biệt, bỏ lại sau lưng các pháp hữu vi giả tạm, với bao ước nguyện chưa tròn. Hỡi ơi! 

Người xưa nay đã còn đâu
Chỉ còn mây bạc lòng sầu tiếc thương
Ra vào lòng dạ vấn vương
Bóng hình Hiền sĩ trong gương xa mờ. 

Sự ra đi vĩnh viễn của Hòa thượng là một sự mất mát lớn lao đối với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, và Môn đồ pháp quyến, tăng ni, phật tử nói chung. Sự mất mát này, chúng tôi cũng như tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam, không sao tìm lại được trong cuộc đời hữu hạn của kiếp người hiện tại. Quả thật! 

Gặp nhau cùng khắp trong thiên hạ
Hiểu được lòng nhau có mấy người.

Thế nên, dù thời gian có trôi qua, không gian có thay đổi, nhưng công đức và đạo nghiệp của Hòa thượng vẫn còn sống mãi trong tâm trí của Tăng Ni, Phật tử. Như Cổ đức đã nói: “Một mai thân xác tiêu tan, danh thơm vẫn ở thế gian muôn đời. Pháp thân lồng lộng tuyệt vời, sáng soi Pháp giới rạng ngời Chân như”. 

Hôm nay, trong giây phút nghìn thu vĩnh biệt, trước linh đài khói hương quyện tỏa, chúng tôi kính nguyện Giác linh Hòa thượng bất từ bổn thệ, trở lại cõi Ta bà tiếp tục thực hành Bồ tát đạo. Đồng thời, để tưởng nhớ công đức và gương đạo hạnh của Hòa thượng, chúng tôi thay mặt Hội đồng Trị sự, các Ban, Viện Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh đốt nén tâm hương, đôi lời tưởng niệm để gọi là thể hiện mối tâm giao, tình đồng sự Pháp lữ đời đời trong Chánh pháp. Đồng thời kính nguyện:

Linh sơn nghĩa cũ tình xưa
Ta bà, Tịnh độ say sưa pháp mầu
Kiếp sau xin nhớ nguyện đầu
Xây tình Pháp lữ, bắt cầu Tâm giao
Đời nay cho đến đời sau
Chung lo Phật sự với bao nhiêu tình
Quyết lòng độ tận chúng sinh
Từ bi trí tuệ thỏa tình ước mong
Không rời bản thể Chân không
Tùy duyên hóa đạo thong dong mọi miền.

Cuối cùng trong ý nghĩa Niết bàn vô tung bất diệt, Pháp thân lồng lộng khắp 10 phương, nơi Bảo tháp Bát Nhã trang nghiêm, Linh cốt Hòa thượng hãy an tọa cho nghìn thu in bóng, mãnh hình hài lồng lộng tợ hư không, sẽ sống mãi trong lòng Pháp lữ, trong tư duy cùng Pháp giới vô biên. Còn mọi Phật sự của Giáo hội Trung ương và Tp. Hồ Chí Minh chúng tôi sẽ lo liệu mọi bề chu tất. Vậy, Hòa thượng hãy an nghỉ.


Xin tiễn biệt Hòa thượng !
Nam mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

Lời tưởng niệm Giác linh HT.Thích Đạt Đạo của Chư tôn đức HĐTS GHPGVN
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Câu chuyện có thật về sự chủ động tái sinh

Tư liệu 14:16 19/04/2024

Khoảng một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, giáo pháp ngày càng phát triển trong giới trí thức Ấn Độ. Một trong những luận sư xuất sắc thời đó là Chandra, người vừa có cái thư thả của bậc giác ngộ, lại có cái tài hùng biện và lý luận sắc sảo của một người trí thức.

Phương thức niệm Phật đời Trần

Tư liệu 08:23 18/04/2024

Không phải ngẫu nhiên đến đời Trần, phương thức niệm Phật được Thiền phái Trúc Lâm chú trọng trong việc vận dụng vào đời sống thực nghiệm tâm linh trong các Thiền đường nước Đại Việt.

Cha mẹ là ruộng phúc trong 3 cõi

Tư liệu 08:10 16/04/2024

Phật bảo Ngài A Nan rằng: - Cha mẹ, chúng Tăng, là hai thứ ruộng phúc của tất cả chúng sinh, là diệu quả của cõi Nhân cõi Thiên, Niết Bàn giải thoát, cũng do đó mà được thành tựu vậy!

Thiện duyên của người mẹ cúng dàng 500 vị Bích Chi Phật

Tư liệu 06:58 16/04/2024

Theo kinh Ðại phương tiện Phật báo ân, vào thời quá khứ xa xưa có một người nữ, do một bất thiện nghiệp ở tiền kiếp đã sinh ra làm con của một con nai cái. Nhưng cũng nhờ những nghiệp nhân tốt đẹp khác, cô gái do nai sinh ra có một tướng mạo đoan chính, tính tình bao dung, hiền thiện.

Xem thêm