Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 04/05/2013, 18:31 PM

Lời tưởng niệm Giác linh Trưởng lão HT.Thích Quảng Mẫn của TW GHPGVN

Trải qua nhiều nhiệm kỳ, với gần 70 năm hoạt động, Hòa thượng đã có những cống hiến quý báu cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam nói chung, và tăng, ni, phật tử Hải Phòng nói riêng

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

BAN TỔ CHỨC LỄ TANG 

LỜI TƯỞNG NIỆM GIÁC LINH

TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG MẪN

của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

________________________________________________

Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Trước khi cử hành lễ phụng nghinh kim quan Trưởng lão Hòa thượng an táng trong khuôn viên tháp lâm chùa Vĩnh Phúc, nơi an nghỉ nghìn thu của trần thế, chúng tôi xin được thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tăng Ni, Phật tử có đôi lời tưởng niệm.

Kính bạch giác linh Trưởng lão Hòa thượng!

Nhớ giác linh xưa, thiện căn đầy đủ, hạnh nguyện đại thừa từ vùng đất nổi danh học sĩ danh giá đời đời, xứ Hà Nam Hòa thượng đã thác tích hiện thân làm nơi thọ mệnh, để một đời Pháp giới dung thông hiện thân Đại sĩ, nương các duyên thực hành Bồ tát đạo. Hòa thượng đã sớm kết duyên lành với ngôi Tam Bảo, tuổi mười bốn xả tục cầu chân với Sư Tổ trụ trì chùa Thiên Phúc - Trà Phương và cũng là người cậu ruột của Ngài ở nơi vùng đất Kiến An. Kể từ đó, đường giải thoát lâng lâng nhẹ gót, vượt trần gian siêu thoát ba đường, bỏ ngoài nghìn dặm lòng tham dục, để lẽ huyền vi mãi ở trong Tâm.

Rồi đến độ tâm hoa khai phát, suối nghĩa dạt dào, đèn thiền tỏ rạng, sáng danh Thích tử nghìn đời, sau sáu năm vun bồi cội đức, nỗ lực tinh chuyên, thuận lý chân như, nhân duyên hội đủ theo luật Phật định kỳ, năm 1947, Hòa thượng đã được Sư Tổ cho đăng đàn thụ giới Tỷ khiêu tại Tổ đình Thiên Phúc – Trà Phương. Kể từ đây, giới thể chu viên, chính thức dự vào hàng cập đệ, ngôi Tam bảo tam tôn kế vị, đạo nghiệp từ đây phát tích.

Vốn tuệ căn sẵn có, y đức truyền thừa gia giáo, Hòa thượng đã dành nhiều thời gian tham học tại các chốn Tổ đình danh tiếng như Yên Linh, Nam Sách tỉnh Hải Dương, Bổ Đà tỉnh Bắc Giang, Tổ đình Phúc Lâm, Dư Hàng, Tp. Hải Phòng và Ngài đã quán thông được một số bộ Kinh, Luật, Luận. Ngũ minh sáng tỏ, noi gương Tuệ Tĩnh thiền sư danh y trác tuyệt, Hòa thượng đã tỏa ngát hương thơm giải thoát, gióng trống lôi âm vang rền tiếng pháp, nêu cao gương uy mãnh giữa rừng tà, tự tại thong dong, tùy duyên hóa độ chúng sinh, thừa hành Phật sự, làm cho Pháp phái thiền gia ngày càng tỏ rạng, Tổ ấn trùng quang, đạo vàng xán lạn, ân đức bay xa, chan hòa tình Đạo pháp. Quả thật:“Nào ai biết được trời không ấy, một bậc chân tu hiện giữa trần”.

Với hạnh nguyện lợi tha, nêu cao chí cả “Hộ quốc an dân”, là tu sĩ cũng là công dân nước Việt, khi nước nhà lâm cơn nguy biến, với lòng yêu nước thương dân, y phương minh làm hành trang cứu kính. Hòa thượng đã tham gia chăm sóc, cứu chữa bệnh binh trong Mặt trận Tăng già cứu quốc chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần giành độc lập dân tộc, làm cho xã hội an vui hạnh phúc, đất nước hòa bình thịnh vượng, đạo đời hòa quyện một thể viên dung. Quả thật: “Hoa đời hoa đạo đua nhau nở, mãi mãi nghìn sau vẫn ngát hương”.

Hòa thượng đã vào đời bằng tinh thần đại sĩ. Với ân đức trang nghiêm, đạo tâm trác thế, trí tuệ viên dung, tùng lâm thạch trụ, ánh sáng của rừng thiền, cho nên mỗi lời nói của Hòa thượng là những đạo từ thâm thúy đã in đậm trong tâm của người con Phật; mỗi bước chân đi của Hòa thượng đã ghi dấu biết bao tình Đạo pháp nghĩa đồng bào; mỗi cử chỉ của Hòa thượng đều thể hiện sự khoan dung độ lượng, lòng từ chan chứa bao la Bồ Tát hạnh. Hòa thượng chính là hình ảnh giải thoát vô ngại, là lẽ sống muôn đời cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam.

Khi đất nước thống nhất, Hòa thượng đã cùng các bậc Trưởng thượng thành lập Chi hội Phật giáo thống nhất tại Hải Phòng, là Chi hội sớm nhất miền Bắc và sau này Ngài là một trong những thành viên tích cực của Ban vận động thống nhất Phật giáo toàn quốc, là trưởng đoàn đại biểu Tăng Ni Chi hội Phật giáo Hải Phòng tham dự Đại hội Đại biểu Phật giáo thống nhất toàn quốc tháng 11 năm 1981 tại thủ đô Hà Nội. Khi Giáo hội được thành lập, Hòa thượng đã được trao trọng trách lãnh đạo và Ngài đã dành nhiều tâm huyết, công sức để làm cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển trang nghiêm vững mạnh, nhất là trên phương diện giáo dục Tăng tài và từ thiện xã hội. Quả thật:

Mỗi người mỗi nước mỗi non

Khi vào cửa Phật như con một nhà.

Cùng nhau thực hiện lục hòa,

Chúng sinh lợi lạc chan hòa tình thương.

Trải qua nhiều nhiệm kỳ, với gần 70 năm hoạt động, Hòa thượng đã có những cống hiến quý báu cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam nói chung, và Tăng Ni, Phật tử Hải Phòng nói riêng. Đối với sự nghiệp giáo dục Tăng Ni, Hòa thượng đã mở trường Trung cao đẳng Phật học Hải Phòng, đảm trách Hiệu Phó trường Cao cấp Phật học Việt Nam nay là Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội và Hòa thượng đã giảng dạy, đào tạo nhiều thế hệ Tăng Ni có đầy đủ sở tu sở học, tích cực dấn thân và kiên định trong chí nguyện phụng sự đạo pháp theo phương châm của Giáo hội. Những Tăng Ni là học đồ được Hòa thượng giảng dạy cũng đã ảnh hưởng ân đức của Ngài, hiện nay đang đảm nhiệm các trọng trách của các cấp Giáo hội, tiếp nối sự nghiệp mà Ngài và các bậc Trưởng lão lãnh đạo Giáo hội đã dầy công tạo dựng.

Trên ý nghĩa trang nghiêm ngôi Tam bảo là trang nghiêm tịnh độ tại thế gian, báo Phật ân đức và báo đáp công ơn của Thầy Tổ, Hòa thượng đã nỗ lực trùng tu chốn Tổ đình Vĩnh Phúc và Thiên Phúc là hai Tổ đình lớn nổi tiếng của Phật giáo xứ Đông, giữ gìn và phát triển hai ngôi cổ tự già lam ngày một khang trang tố hảo, xứng đáng là chốn Tổ đình của Đạo pháp, là di sản văn hóa lâu đời của dân tộc.

Là bậc đống lương, thạch trụ tùng lâm, hành trạng và công đức của Hòa thượng đã viết nên trang sử rạng ngời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và nhất là Phật giáo Hải Phòng nói riêng. Quả thật:

Một mai thân xác tiêu tan,

Danh thơm vẫn ở thế gian muôn đời.

Pháp thân lồng lộng tuyệt vời,

Chiếu soi Pháp giới rạng ngời sử xanh.

Theo lý vô thường có sinh có diệt, Hòa thượng đã mãn nguyện Sa bà, trở về cõi Niết bàn vô tung bất diệt. Sự ra đi của Trưởng lão Hòa thượng là một mất mát to lớn cho Giáo hội, cho Tăng Ni, Phật tử, môn nhân đệ tử học đồ và Tứ chúng thành phố cảng Hải Phòng. Song, hành trạng, công đức và đạo hạnh của Hòa thượng vẫn còn sống mãi trong tâm tư, trong ký ức của Tăng Ni, Phật tử, các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trong giây phút nghìn thu vĩnh biệt, trước linh đài khói hương quyện tỏa, chúng tôi thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo có đôi lời tưởng niệm để vĩnh biệt bậc chân nhân Đại sĩ sáng ngời gương đạo hạnh. Kính nguyện Giác linh Trưởng lão Hòa thượng bất vong nguyện lực, tái hiện đàm hoa, phát triển đạo vàng, quang vinh họ Thích; và xin đốt nén tâm hương cúng dàng Giác linh Trưởng lão Hòa thượng để gọi là thể hiện mối tâm giao, tình Pháp lữ đời đời trong Chính pháp.

Nơi bảo tháp chốn Tổ trang nghiêm, thân tứ đại Hòa thượng hãy an nghỉ cho nghìn thu vang bóng, pháp thân lồng lộng với hư không, sẽ sống mãi trong lòng Pháp lữ, trong tư duy trong pháp giới vô biên.

“Từ chân như Người đến đất Hà Nam,

Nay viên tịch trở về nơi chín phẩm,

Tổ ấn, Tông phong gửi lại miền đất Cảng,

Giáo hội, Môn đồ vĩnh biệt nghìn thu”.

NAM MÔ VIỆT NAM PHẬT GIÁO GIÁO HỘI THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG CHỨNG

MINH NGUYÊN PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ, TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG

THƯỢNG QUẢNG HẠ MẪN GIÁC LINH THIỀN TỌA HẠ

Xin bái biệt Hòa thượng.

GHPGVN

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm