Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 05/04/2017, 15:58 PM

Lột xác (P.2)

Con người từ khi mở mắt chào đời là đã chịu sự chi phối của nghiệp nhân quá khứ, dần dần lớn khôn có sự hiểu biết, bắt đầu chúng ta huân tập nghiệp mới, cái gì ta tập lâu ngày thì trở thành thói quen. Nếu ta biết sống thân cận gần gũi và lắng nghe những lời chỉ dạy của các bậc hiền Thánh, luôn làm những điều hay lẽ phải thì lâu ngày ta trở thành người tốt, để đóng góp phục vụ cho gia đình và xã hội. Ngược lại nếu ta thường xuyên sống gần gũi những người xấu ác, thì lâu ngày ta sẽ bị tiêm nhiễm các thói hư tật xấu, làm cho nhân cách và phẩm chất đạo đức của ta trở nên tối tăm mờ mịt, tự mình chuốc lấy khổ đau.

PHẦN 2: QUAY VỀ BỜ GIÁC

GIÁC NGỘ

“Như một đứa con lạc loài sau những tháng năm phiêu lãng tìm lại mái nhà xưa, con trở về với tấm thân tàn, ma dại. Tâm trí con đã lấm đầy bùn đen cùng thấm thía những nỗi khổ niềm đau trong tuyệt vọng. Nhớ lại lỗi lầm từng làm khổ cha mẹ, tội lỗi vút ngàn làm sao con kể hết. Hôm nay, con trở về xin chư Phật một lòng thương xót cho đứa con bất hiếu. Con nguyện từ nay lìa bỏ những thói hư tật xấu, nguyện không lặp lại lỗi lầm xưa.

Tiếng chuông chùa rung động đã dắt thần thức con lần về thiền viện Thường Chiếu. Lạy Phật Tổ xin soi đường dẫn bước, cho con được gặp ân sư khai tâm mở trí, lòng ngập tràn nỗi niềm sám hối ăn năn”.

Phật giáng trần gõ cửa vô minh
Chỉ đường giải thoát chúng sinh ta bà.

Bước chân dừng trước cổng thiền viện Thường Chiếu, lòng bình yên hạnh phúc như trở về dòng sông quê êm đềm như tôi đã từng ở đây tự thuở nào, tâm tôi liền phát sinh niềm phấn khởi vô biên.

Sau đó chúng tôi đến nơi thầy trụ trì thiền viện Thường Chiếu. Chỉ một mình tôi trực tiếp xin nên sư phụ không nhận, mặc dầu tôi đã nhiều lần năn nỉ. Sư phụ hướng dẫn tôi đến gặp sư ông Trúc Lâm để xin, nhưng sư ông cũng không chấp nhận. Cuối cùng, tôi đến gặp vị phó trụ trì là thầy Thông Hạnh nhưng cũng không được giải quyết. Mẹ tôi nản lòng nên nói rằng:

Nếu quý thầy không chấp nhận, thôi thì con hãy về xin các chùa ở thành phố mà tu.

Tôi kiên quyết nói với mẹ, thôi mẹ về đi. Nếu quý thầy không cho thì con nằm vạ đến chết luôn ở đây.

May sao, sau hai lần tha thiết trình bày nữa, tôi đã được sư phụ Thường Chiếu chấp nhận và được đưa vào nhà khách để tập sự công quả.

BƯỚC ĐẦU TU TẬP

Ở đây tiêu chuẩn bắt buộc phải tập ngồi thiền theo tư thế kiết già, trong khi đó tôi ngồi bán già còn không được, huống chi ngồi kiết già. Phải trải qua 3 tháng thực tập nhưng tôi ngồi kiết già chỉ được một, hai phút là cùng. Phải mất 3 năm sau tôi mới ngồi được một tiếng đồng hồ.

Thời khóa tu rất chặt chẽ, từ 3 giờ khuya ngồi thiền đến 5 giờ sáng, ban ngày phải lao tác, làm việc có khi phải làm cả ngày lẫn đêm mới xong việc, nhất là khi thiền viện vào những đợt trùng tu. Tối, sau một giờ sám hối thì tiếp tục ngồi thiền một tiếng rưỡi.

Ngồi thiền rất khó, nhiều khi chúng tôi suy nghĩ thà làm việc cả ngày còn sướng hơn ngồi thiền. Thời gian công quả của tôi phải trải qua một năm sau mới được sư phụ cho xuất gia.

Sau khi xuất gia một thời gian, được nghe lời giảng dạy của thầy, lúc bấy giờ tôi mới nhận chân rằng:

Được sinh làm người rất khó
Giữ được thân lại khó gấp vạn phần.

Sự quý giá của thân người tương tự như con rùa mù bị trôi giạt trên biển cả, một trăm năm mới tìm được một bóng cây.

Không ngờ hơn nửa đời người, vì hiểu biết sai lầm mà tôi đã làm tổn hại không biết bao nhiêu người, nhất là cha mẹ tôi. Than ôi! Vì kiến chấp sai lầm cho rằng, chết là hết, không nhân quả, không tội phước, không có kiếp tái sinh, nên tôi tha hồ làm điều ác, sống trên sự đau khổ của nhiều người khác, mua một bán mười, đủ mánh khóe gian manh, lừa đảo, mượn nợ không trả, chỉ mong sao thỏa mãn sở thích của mình mà thôi chớ nào biết:

Phước họa do ta tạo lấy
Nhân quả theo ta như bóng với hình.

Nhờ gặp được Tam bảo, gặp được minh sư chân chính, gặp được thầy lành bạn tốt nên tôi đã dần hồi thay đổi và chuyển hóa được những thói hư tật xấu ngày càng thuyên giảm được nhiều.

Đến nay, tôi đã trải qua 12 lần nhập thất tu tập. Thiền viện Thường Chiếu là nơi đạo trên một ngàn tăng ni, đã cho tôi nhiều bài học quý giá của cuộc đời. Khó có thể tin được rằng, một con người sa đọa, không nhân cách, không phẩm chất, tội lỗi đến tận cùng như tôi, giờ đây đã được cải hóa, đã được hoàn lương và thay hình đổi dạng một cách kỳ diệu. Nhưng đây là một sự thật, là sự nhiệm mầu của Phật pháp đã giúp cho tôi làm mới lại chính mình bằng trái tim yêu thương và hiểu biết. Nếu không có Phật pháp làm gì cứu được đời tôi như ngày hôm nay.

Sau khi xuất gia được một năm, theo lời yêu cầu của bản thân, tôi được thầy cho phép nhập thất để nhìn lại chính mình.

NHẬP THẤT

Nhập thất là cửa phương tiện để mỗi hành giả tự nhìn lại chính mình mà biết cách chuyển hóa những phiền não khổ đau, thành an vui hạnh phúc và cuối cùng đạt được trạng thái tâm thanh tịnh sáng suốt, và tự tại giải thoát.

Về phương diện hình thức như ở thiền viện Thường Chiếu hiện nay có 22 cái thất để quý thầy thay phiên nhập thất. Thiền sinh mới chưa đủ khả năng nhập lâu dài thì phát tâm nhập từ một tuần đến ba tuần, chúng bình thường thì nhập 49 ngày, ba tháng, sáu tháng hoặc một năm. Khi nhập thất mỗi thiền sinh chỉ một việc buông xả tất cả mọi vọng niệm, cho dù đó là niệm Phật. Mỗi thiền sinh không được qua lại thất kế bên để trò chuyện, không được bỏ ra ngoài trong suốt thời gian tu tập, chuyện cơm nước đã có các huynh đệ hỗ trợ hàng ngày nên không phải bận tâm, lo lắng.

Về phương diện hành trì: Nhập thất giúp cho mỗi thiền sinh có cơ hội nhìn lại chính mình, thấy rõ từng tâm niệm thiện ác, tốt xấu, đúng sai mà không theo chúng thì tự động những vọng niệm ấy sẽ tan hòa vào hư không. Mỗi thiền sinh chỉ kiên trì bền bỉ làm một việc như thế nhìn rõ từng vọng niệm của mình, nó như thế nào, biết rõ như thế đó không cần xua đuổi thì tự động nó lặng và cứ như thế cho đến khi nào sạch vọng niệm mà vẫn thường biết rõ ràng thì đồng với chư Phật.

Lần đầu tiên chúng tôi xin được nhập thất hai tháng là kỷ niệm không thể nào quên được, trong cuộc đời tu tập của chúng tôi. Tại sao vậy? Vì trong hai tháng này tôi luôn sống trong cảnh giới lõa thể, thức cũng như ngủ đều thấy như vậy, không cách nào kềm hãm được, không cách nào hóa giải được, nó thôi thúc trào dâng như dòng thác đổ. Thật là trăm khó, ngàn khó, vạn khó! Nếu không đủ sức chịu đựng thì phạm giới thủ dâm, không chịu nổi thì phải bể thất. Theo kinh nghiệm của các thầy đi trước cho biết, nếu để bể thất lần đầu tiên, thì lần sau khó bề nhập thất trở lại. Biết làm sao đây? Nếu không hóa giải được thì sẽ bị tẩu hỏa nhập ma, bởi ở trong thất không có tiếp xúc với ngoại cảnh, cho nên bao nhiêu chuyện đã qua trong cuộc đời đều tái hiện rõ ràng như người cầm trái xoài trên tay.

Lúc này tiến cũng không được mà lùi cũng không xong, bước tới thì sa hầm sụp hố, đứng lại thì thịt nát, xương tan.

Nhớ lại lời Phật dạy, phải quán thân bất tịnh. Nghĩa là quán thân thể con người dù xấu hay đẹp cách mấy, dù xuất thân từ hạng bậc nào trong xã hội cũng chỉ là một cái nghĩa trang chứa đầy những rác rưởi hôi thối bên trong. Mình ăn các loài động vật như chim trời, cá nước, thú rừng, gia cầm, gia súc… nói chung những loài có sự sống là mình đã đẩy hết tất cả những vật thực này vào trong người, thành một nghĩa trang tập thể. Như thế thân người có khác nào chiếc đãy da chứa đựng những sự bất tịnh, nó có tác dụng lôi kéo bản thể của ta mãi mãi vào vòng nghiệp chướng. Nếu dung nạp ngày càng nhiều các thứ bất tịnh từ những món ăn chơi thì nghiệp chướng đó ngày càng trầm trọng đến đời đời kiếp kiếp không thể nào thoát ra được. Nhưng càng quán thì cảnh tượng lõa thể ấy lại càng hiện lên rõ ràng hơn, làm cho tôi bức rức khó chịu như người đứng trên hầm lửa.

Sau đó, tôi chuyển sang quán pháp như thật và bất thọ giả. Nghĩa là chuyện như thế nào thì quán như thế ấy. Quán một cách rõ ràng tường tận, nó hiện thì biết nó hiện nhưng không có thân này tiếp nhận. Quán như vậy kéo dài gần một tháng mà vẫn không có kết quả. Trong phạm vi nhập thất của tôi, từ trong nhà cho đến ngoài sân lúc nào cũng đầy ắp những hình ảnh ân ái nam nữ, làm tôi cho ăn không ngon ngủ không được.

Cuối cùng tôi phải chọn phương pháp thành tâm phát đại nguyện và thiết tha sám hối.

1. Nguyện đời đời kiếp kiếp tu hành cho đến khi thành Phật để cứu độ tất cả chúng sinh.

2. Nguyện cho đến khi nào chúng sinh ở cõi Ta bà này thành Phật hết, tôi là người thành Phật sau cùng.

3. Nguyện đời đời kiếp kiếp được gặp bậc minh sư chân chính, được gặp thầy lành, bạn tốt để cùng nhau diễn nói đạo vô thượng.

4. Nguyện đời đời kiếp kiếp, sau khi thành tựu đạo quả, giáo hóa chúng sinh không biết mệt mỏi, không biết nhàm chán.

5. Nguyện đời đời kiếp kiếp được trí tuệ rộng lớn thông đạt các pháp, biện tài vô ngại vì lợi ích chúng sinh.

6. Nguyện đời đời kiếp kiếp siêng làm việc lành, trừ bỏ việc ác giữ tâm không phiền não.

7. Nguyện đời đời kiếp kiếp chịu khổ cho tất cả chúng sinh.

8. Nguyện đời đời kiếp kiếp, thành quả lợi ích mà có được xin hồi hướng cho tất cả chúng sinh.

Sau khi phát đại nguyện, tôi sám hối quán kể hết tất cả lỗi lầm trong đời hiện đại. Đối diện trước bàn thờ Phật, chúng tôi thành tâm nguyện cầu chư Phật khắp mười phương quang giáng đạo tràng chứng minh cho lòng thành của con. Sau thời gian sám hối như vậy, tôi lại dùng phương pháp quán dục tưởng, từ tâm thức sinh nên phải từ tâm thức mà chuyển hóa. Bởi nội kết trong tôi về tính dục quá mạnh, cho nên phải tới ba bốn ngày gần ra thất, thế giới lõa thể trong tôi mới dần hồi giảm bớt.

Qua thời gian được nhập thất hai tháng như thế, tuy không bị bể thất ra trước thời gian. Nhưng đã cho chúng tôi một bài học vô cùng quý báu trong cuộc đời những gì chúng ta gieo trồng trong quá khứ hoặc hiện tại dù tốt hay xấu nó đã trở thành thói quen quay trở lại sai sử chúng ta, nhà Phật gọi là pháp trần tức là những hình ảnh được ta nhớ lại. Nếu ta huân tập quá đậm đà, lâu dài, thì nó trở thành thói quen thâm căn cố đế, chúng ta không cần khởi niệm nhưng nó vẫn nhú lên trong tâm thức và lôi cuốn ta nhớ lại những hình ảnh mà ta yêu thích trước kia.

Những điều vừa kể trên là thật hết sức hổ thẹn đối với người tu như chúng tôi, vì đó là nghiệp chướng ràng buộc nhiều đời. Nhưng vì nhiệt huyết cao độ làm lại chính mình, cho nên chúng tôi phải trình bày ra đây để chúng ta cùng học hỏi và tham khảo.

Chúng tôi ở thiền viện tu tập phải trải qua thử thách hết chín năm, nghiệp thức luyến ái này mới tạm thời lắng dịu, có nghĩa là vẫn còn đối với nghiệp gieo giống làm người. Thật là không thể đơn giản chút nào, nếu dễ dàng thì ai tu cũng thành Phật hết rồi. Vì vậy, vấn đề chính yếu mà chúng tôi muốn nói cho quý vị biết được là đừng để cho niệm luyến ái dục vọng nam nữ cuốn hút quá mức. Người xuất gia thì phải dứt khoát, đoạn tuyệt, vì đi ngược lại dòng đời, còn người tại gia thì vẫn còn có quyền hưởng thụ dục lạc ái ân nam nữ nhưng phải biết cách điều hòa, vừa phải cho có chừng mực. Nhưng thế gian thì cần phải phát triển giống nòi nhân loại, người phật tử có quyền lấy vợ, lấy chồng rồi có con để kế thừa sự nghiệp của gia đình. Thôi thì chúng ta có quyền chọn lựa miễn là sống như thế nào để không làm tổn hại cho người và vật là được rồi. Chỗ này nhường lại cho quý vị sáng suốt chọn lựa.

Ba trong bốn thứ đam mê như: rượu chè, cờ bạc, hút xách, tôi có khả năng vượt qua một cách dễ dàng, nhưng để đoạn trừ nghiệp luyến ái nam nữ quả thật rất là khó khăn đối với tất cả mọi người, còn người xuất gia như chúng tôi vì phải lội ngược dòng cho nên cũng trày da tróc vãy lắm để vượt qua luyến ái lìa buộc ràng.

Chúng ta vì sao có mặt ở trên cõi đời này? Xin thưa, đó là vì nghiệp tình ái. Để dứt trừ nghiệp ái đòi hỏi chúng ta phải có thời gian tu tập để lần hồi được chuyển hoá theo thời gian. Do tập khí luyến ái nam nữ huân tập nhiều đời nhiều kiếp, cho nên những pháp trần trong ta vẫn còn dấy lên, tự mình khó dừng lại được thói quen yêu thích này. Nhờ có tu hành, cho nên mình mới biết vọng niệm là không thật, ta khéo tìm cách chăn dắt tâm trở về chính niệm, khác xa ngày xưa khi dục niệm khởi lên, ta liền bám víu chạy theo để hưởng thụ cho bằng được.

Nhớ lại ngày xưa khi chưa biết tu là gì, chỉ cần khởi niệm nghĩ về tình dục là chúng tôi thao thức trăn trở không bao giờ ngủ được suốt cả đêm, thế là bằng mọi cách phải làm sao giải quyết cho bằng được, mới ngủ ngon lành.

Cũng nhờ sự nhiệt tình chỉ dạy của sư phụ đã giúp cho chúng tôi dần hồi giảm bớt được những vọng niệm xấu ác, tuy chưa hoàn toàn dứt hẳn nhưng chúng tôi cảm thấy an lạc, hạnh phúc vô cùng. Nhớ lại trong kinh đức Phật đã từng nói: nếu có cái thứ hai nữa giống sự ân ái của nam nữ thì trên đời này không ai có thể tu hành, thành tựu đạo quả, may mà nó chỉ có một thứ thôi, đã làm cho loài người điên đảo vì chúng.

TẬP NGHIỆP CHÚNG SINH

Nhờ có môi trường tu hành tốt, mỗi năm chúng tôi được nhập thất một lần 49 ngày cho đến 3 tháng và hiện nay có thêm chương trình nhập thất từ 3 tháng đến 3 năm cho mỗi thiền sinh.

Chúng tôi đủ duyên nhập thất được 12 lần từ lúc xuất gia cho đến ngày hôm nay. Vì vậy mà những gì xưa kia chúng tôi lầm chấp cho rằng chết là hết không có nhân quả nghiệp báo, tội phước hoặc những gì ta làm thì không thể thay đổi được. Hôm nay nhờ gặp được Tam bảo, nhờ gặp được Phật pháp và gặp được minh sư chân chính, mà chúng tôi biết được cách thức chuyển hóa được những thói hư, tật xấu có tính cách làm tổn cho người và vật.

Được sự chỉ dạy tận tình của sư phụ Thường Chiếu giúp cho tôi làm mới lại chính mình, từ một con người xấu xa tội lỗi đã thay đổi cuộc đời, bằng những việc làm thiết thực để dấn thân đóng góp phục vụ cho tha nhân. Qua lời Phật dạy trong kinh Nghiệp báo chúng tôi trích dẫn ra đây để mọi người cùng tham khảo và học hỏi.

Hạnh phúc hay khổ đau đều do chính mình chủ động tạo lấy, rồi bị nó chi phối sai sử trở lại làm cho ta dính mắc vào đó không thể buông xả được.

Như vậy nghiệp là do ta huân tập lâu ngày trở thành thói quen, đâu phải ai đem đến ép buộc cho mình. Nên nói tập nghiệp tính nó vốn không, nếu tính nó thật có thì mọi người ra đời đều giống nhau như khuôn đúc. Nhưng rõ ràng là không phải vậy, vì mỗi người đều có sự sai biệt khác nhau về mọi mặt. Do bản chất của nó vốn là không, nhưng tại ta tập nên lâu ngày trở thành nghiệp, cho nên nói là tập nghiệp.

Thói quen ham thích là căn bệnh chung của tất cả mọi người hầu như ai cũng có, ham thích nhiều hay ít là do thói quen huân tập của chúng ta. Quý phật tử ở nhà ăn uống những món quen miệng hợp khẩu vị, bây giờ vô chùa quý thầy cho ăn món khác, mình không thích nên ăn cảm thấy không ngon miệng. Cụ thể như đa số quý phật tử quen ăn mặn, hôm nào đi chùa quý thầy đãi ăn chay, quý vị liền nói con ăn chay không được nên chạy ra ngoài kiếm ăn.

Như vậy thói quen thích ăn mặn là do mình huân tập lâu ngày, bây giờ tuy mình là phật tử nhưng không thích ăn chay, vì ăn chay chúng ta mới tập, chớ hồi nhỏ cha mẹ cho ăn gì ăn nấy, đâu biết chay mặn là gì đâu? Nhưng khi chúng ta đã tập quen rồi, nếu thức ăn có khác đi mình chịu không nỗi, chẳng muốn ăn. Trong ăn chay cũng có cái thích và không thích nữa. Như người thích rau luộc, thích đồ mát đem thức ăn có nhiều dầu hoặc đồ giả mặn thì ta không thích. Tại sao vậy? Tại vì rau luộc hợp với khẩu vị của ta.

Người thích ăn đậu hủ, người thích xào chiên, người thích ăn rau luộc mỗi người thích mỗi thứ không ai, giống ai. Bây giờ chúng ta thử nghiệm lại coi cái thích đó tự nó có hay là do mình huân tập? Rõ ràng là do mình huân tập, lâu ngày trở thành thói quen, khi người đã quen ăn chay rồi khi nghe món mặn thì thấy khó chịu vì tanh. Cho nên cái gì chúng ta ham thích và cố gắng duy trì thì trở thành thói quen, thành ra cái thích đó trở lại sai sử chúng ta.

Từ cái chưa tập mình cố gắng huân tập cho thành có, cái có đã thuần thục rồi cho nên gọi là tập nghiệp và chúng ta bị nghiệp đó chi phối lại. Tất cả những gì ta ham thích, đó là sở thích theo nghiệp nên ta bị nghiệp sai sử trở lại, cho nên chúng ta phải gọi là thích đủ thứ. Bây giờ thử ta đi từ tập nghiệp hiện tại, trở lui về tập nghiệp quá khứ xem nó ra sao.

Như người nam hồi còn trẻ chưa biết hút thuốc là gì, họ có bao giờ thèm thuốc đâu? Nhưng khi thấy người lớn phì phà điếu thuốc trông oai phong lắm nên từ đó bắt chước theo, mới đầu chỉ tập hút một hai điếu cảm thấy đắng miệng, khó chịu nhưng tập dần riết thành quen, rồi chừng năm ba tháng sau thành ghiền. Lỡ bữa nào không có thuốc hút, họ cảm thấy khó chịu nên nói tôi thèm thuốc quá, có ai cho tôi xin một điếu thuốc hút thì ngon biết mấy.

Khi hút thuốc lâu ngày trở thành ghiền, những lúc như vậy nói tôi ghiền thuốc quá nên không làm gì được thật là khốn khổ, khó chịu vô cùng. Người nào không ghiền thuốc thì thấy khỏe re vì đâu có huân tập mà ghiền. Người nam thì hay có tật nếu không hút thuốc thì phải biết uống rượu. Nhiều người thấy hút thuốc, uống rượu hao tiền tốn của, suy giảm trí tuệ nên cố gắng chừa bỏ. Khi bỏ được chừng vài ba tháng bị bạn bè trêu chọc là pê đê, thờ bà nghe nói vậy liền tức quá hút thuốc, uống rượu trở lại sau này bị ghiền nặng hơn làm khốn khổ vợ con. Nếu ta trước kia chưa từng uống rượu, khi thấy rượu ta có ghiền, có thèm hay không? Nhưng khi ta đã uống năm ba năm rồi thấy ai bài sòng nhậu ra, dù người ta không mời, ta cũng tìm cách nhào vô uống, vì ta quá thèm và nghiền rượu rồi. Có người rắn mắc khi thấy người ta uống rượu, không mời mình liền nói: có ai kêu tôi không, không kêu à thì tôi tự phạt mình ba ly. Nhưng luật uống rượu vào ba thì ra bẩy, cuối cùng xạo xạo cũng uống được mười ly, đó là câu châm biến những kẻ ghiền rượu mà hay uống ké. Quý vị thấy mắc cở chưa, tại vì ghiền cho nên mới làm liều như vậy ai chê thì chê, miễn mình đỡ thèm là được rồi. Tại sao thèm? Vì ta huân tập lâu ngày nên thành quen, bữa nào thiếu nó thì chịu không nỗi, giống như con gà mất toi đứng ủ rủ.

Đa số người nam biết uống rượu, hút thuốc là có hại vừa tốn tiền vừa bệnh hoạn, nhưng do ta tập hoài lâu ngày thành thói quen nếu thiếu nó ta chịu không nỗi. Thế là mình bị nghiệp ghiền thuốc, ghiền rượu sai sử chi phối nên thiếu mấy thứ đó ta cảm thấy bần thần rã rượi và mệt mỏi, không làm gì được.

Trở lui về quá khứ chúng ta thấy tập quán của con người, do người này uống người kia hút rồi níu kéo chằng chịt nhau mời qua mời lại để rồi thành bạn ghiền. Nhất là ở thôn quê có tập tục, đám ma, đám cưới, đám giỗ họ bày ra hút uống nhậu linh đình mỗi khi có dịp. Họ cho đây là một truyền thống tốt đẹp của người xưa để lại, nếu con cháu không bắt chước theo sợ ông bà tổ tiên buồn phiền. Nên mỗi khi có đám giỗ, đám ma họ bày tiệc nhậu linh đình gọi là trả nợ thế gian, vì gia đình này mời gia đình kia.

Thậm chí có nhiều nhà rất nghèo thiếu thốn khó khăn đủ thứ, vậy mà khi có đám giỗ cũng ráng mượn nợ làm cho thật lớn để được gia đình người thân chòm xóm khen, nhà thằng Ba làm đám giỗ cha nó lớn ghê, đúng là ông Bảy có phước thật. Phước đâu chẳng thấy chỉ thấy để lại hậu quả không tốt, hễ thanh niên, đàn ông là phải biết hút thuốc uống rượu, rồi lại còn cái nghiệp cờ bạc nữa. Đó là chưa nói đến vấn đề trai gái, ái chà quá nhiều thứ không tốt làm cho người ta điên cuồng trong si mê nghiện ngập để rồi càng ngày làm mất đi nhân cách làm người của mình.

Thế giới chúng ta mỗi ngày có khoảng 40 ngàn người thiếu ăn vì không có đủ lương thực để cấp cho họ. Vậy mà từ gạo người ta biến chế ra rượu là cái thứ làm cho nhân loại hao tiền tốn của, mất thời gian để rồi sinh bệnh hoạn. Và từ đó vẫn đến nhiều tệ nạn xã hội do rượu gây ra, hiếp dâm, cướp của giết người, phá rối trật tự công cộng, bạo hành gia đình, tai nạn giao thông, lãng phí giờ làm việc hành chính và rượu còn tiêu tốn vào đối tác giao dịch làm ăn. Các làng nướng mọc lên như nấm, dần hồi làm mất đi phẩm chất nhân cách của con người cũng tự rượu mà ra.

Như vậy, chúng ta sở dĩ khổ đau mất tự chủ là do nghiền thuốc, nghiền rượu và làm cho người thân gia đình và xã hội lo thêm gánh nặng? Việc huân tập uống rượu, hút thuốc này ta không thể đổ thừa cho ai được, vì rõ ràng là do mình tập tành từ lúc ban đầu. Nếu ta đổ thừa tại vì người này dụ tôi hút thuốc, tại vì người kia dụ tôi uống rượu, đó là cách thức bao che lý luận đổ thừa bâng quơ không có căn cứ thực tế. Người ta ép dụ mà mình không hút, không uống thì thôi, tại vì mình ham thích và muốn chứng tỏ bản lĩnh với đời, nếu ta không huân tập thì làm sao trở thành tập nghiệp được.

Nghiệp nghiền rượu, nghiền thuốc là chính mình đã huân tập lấy chớ nên đổ thừa cho ai. Ta đã lỡ huân tập nó rồi sau đó mới thấy khốn khổ, hao tiền tốn của, thân thể sinh bệnh hoạn, tâm trí mờ mịt tối tăm làm khổ gia đình, người thân. Bây giờ chúng ta muốn bỏ nghiệp ấy thì phải làm sao đây? Ta phải can đảm, dũng mãnh chấp nhận đau thương một thời gian và thường xuyên nghiệm xét, quán chiếu sự tác hại của nó. Nghiệp do mình tạo ra từ thân, miệng, ý khi muốn bỏ, chúng ta cũng phải bắt đầu từ đó. Chúng ta biết rõ ràng trước kia mình đâu có nghiền rượu, nghiền thuốc, tại ta tập hút, tập uống lâu dần mới thành ghiền.

Bây giờ chúng ta muốn hết nghiền, đỡ tốn tiền, ít bệnh hoạn và bớt khổ đau thì ta cố gắng tập trở lại, đừng hút thuốc, đừng uống rượu nữa. Vì bản chất của rượu, thuốc tính nó là không, chúng ta tập lâu ngày trở thành thói quen, rồi thói quen đó trở lại sai sử chúng ta cho nên gọi là tập nghiệp.

Nghiệp tuy có nhưng biết nó là không thật, đừng theo nữa thì từ từ nó sẽ hết chớ có gì khó khăn đâu, tại vì ta không chịu bền bỉ, kiên trì buông bỏ chúng. Thấy thuốc không thèm hút, thấy rượu không thèm uống, tuy có khổ sở khó chịu một thời gian, nếu ai có nói móc, nói méo là chuyện của họ, ta cứ an nhiên, bình thản thì lâu ngày sẽ hết nghiền. Bởi tính của nghiệp nó vốn là không, đâu phải thật có, nó từ bên ngoài huân tập vô rồi trở thành nghiệp, không phải cái có sẵn từ trước đến giờ. Như vậy, nếu ta cố gắng kiên trì, bền bỉ một chút thì bỏ dễ dàng, chớ đâu có gì là khó khăn mà nhiều người không thể làm được.

Có mười nghiệp khiến chúng sinh bị quả báo sinh nhiều bệnh tật. Những gì là mười?

Một là vui thích với việc đánh đập chúng sinh và giết hại.

Hai là khuyến khích người khác đánh đập và hành hạ chúng sinh.

Ba là khen ngợi tán thán khi thấy người khác đánh đập chúng sinh.

Bốn là thấy người đánh đập hành hạ chúng sinh mà mình sinh tâm vui mừng.

Năm là luôn nói nặng lời với cha mẹ khiến cha mẹ buồn khổ.

Sáu là phỉ báng và chê bai các bậc hiền Thánh.

Bảy là thấy người đau khổ bệnh tật mà mình sinh tâm vui mừng.

Tám là khi thấy người khác an vui hạnh phúc mà mình sinh tâm ghen tỵ, tật đố.

Chín là không nhiệt tình chăm sóc cho người hết bệnh hoặc cho lầm thuốc giả.

Mười là ăn đêm chưa tiêu mà lại tiếp tục ăn thêm.

Do mười nghiệp đánh đập hành hạ chúng sinh cho nên trong hiện đời bị quả báo nhiều bệnh tật khổ đau. Tại sao chúng tôi mới tám chín tuổi đầu mà đã biết hút thuốc, cờ bạc và uống rượu rồi?

Con người từ khi mở mắt chào đời là đã chịu sự chi phối của nghiệp nhân quá khứ, dần dần lớn khôn có sự hiểu biết, bắt đầu chúng ta huân tập nghiệp mới, cái gì ta tập lâu ngày thì trở thành thói quen. Nếu ta biết sống thân cận gần gũi và lắng nghe những lời chỉ dạy của các bậc hiền Thánh, luôn làm những điều hay lẽ phải thì lâu ngày ta trở thành người tốt, để đóng góp phục vụ cho gia đình và xã hội.

Ngược lại nếu ta thường xuyên sống gần gũi những người xấu ác, thì lâu ngày ta sẽ bị tiêm nhiễm các thói hư tật xấu, làm cho nhân cách và phẩm chất đạo đức của ta trở nên tối tăm mờ mịt, tự mình chuốc lấy khổ đau.

Cho nên tục ngữ việt Nam có câu: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng là có nguyên nhân. Gần người tốt thì chúng ta cũng dễ dàng bắt chước làm tốt theo và gần người xấu thì ta cũng dễ bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu của họ, đó là tập nghiệp trong hiện tại. Vậy cái gì đã thôi thúc chúng tôi bị dính mắc từ khi còn nhỏ.

Phật gọi là tập nghiệp chúng sinh, còn nói theo từ ngữ khác là do thói quen hay còn gọi là chủng tử đã được huân tập thuần thục trong nhiều đời.

Vậy nghiệp là gì? Nghiệp là năng lực, là hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần qua thân, miệng, ý của mỗi người, rồi lâu ngày trở thành thói quen. Thói quen đó có sức mạnh chi phối và sai sử lại chúng ta. Bản thân chúng tôi nếu không gặp được Tam bảo, không gặp được thầy lành bạn tốt thì suốt cuộc đời sống theo những tập nghiệp xấu ác.

Thời gian được xuất gia tại thiền viện Thường Chiếu chúng tôi phải cố gắng tu học và lao động. Trong thời gian này chúng tôi bị nhiều chứng bệnh tưởng chừng như không qua khỏi. Thứ nhất là bị suy thận vì di chứng ba lần bệnh xã hội, huyết áp tăng cao đến độ không thể ngờ thường xuyên từ 21 hoặc 22 trên 11, bị viêm gan siêu vi B, bị bệnh trĩ, bệnh tim. Thân thể bị suy nhược mất sức đề kháng nên thường xuyên bị cảm cúm, đi phân sống bị tiêu chảy và nhất là bệnh mờ mắt. Bác sĩ Hồng Nhung sau khi khám bệnh đã khẳng định một câu rằng, mắt của thầy không thể chữa trị được vì đồng tử đã bị giãn nở.

Vì nhiều bệnh như thế, cho nên tôi phải áp dụng phương pháp nhịn ăn mỗi ngày chỉ uống nửa lít nước là tối đa, thời gian nhịn mỗi lần là 21 ngày. Bản thân chúng tôi tuy hiện tại bệnh tật có bớt nhiều so với khi trước, nhưng hết bệnh này thì đến bệnh khác. Loại bệnh thứ nhất là do nghiệp báo quá khứ tạo nên bây giờ phải trả. Loại bệnh thứ hai do hiện tại ăn uống sinh hoạt không phù hợp, trong 8 năm gần đây tôi bị đủ thứ bệnh hành hạ nhiều khi muốn thoái bồ đề tâm. Nhưng nhờ có tu chút đỉnh nên tôi sẵn sàng chấp nhận quả báo mệt mỏi, khổ đau và nặng nề nhất là bệnh mất trí nhớ vì bị tai biến mạch máu não.

Đó là quả báo của sự làm khổ và hành hạ chúng sinh hoặc xúi giục người khác đánh đập và giết hại. Nhẹ thì bệnh hoạn, nặng thì chết yểu. Đức Phật đã từng dạy rằng đã làm người ít ai hoàn toàn không gây tạo tội lỗi làm hại chúng sinh, chính vì những tập nghiệp của mỗi người khác nhau nên không ai giống ai, người tốt kẻ xấu, người thiện kẻ ác.

Chúng ta từ vô thủy kiếp cho đến nay không ít thì nhiều khi có mặt trong cuộc đời này, đều làm khổ đau cho nhau ngoài trừ các bậc Thánh nhân. Chính đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn phải chịu nhiều quả báo trong hiện đời, như bị cô gái giả làm bụng bầu để vu oan giá họa đức Phật trước mặt bàn dân thiên hạ. Bị bọn ngoại đạo giết một cô gái rồi đem chôn trong Tịnh xá để vu oan cho đức Phật hãm hiếp.

May nhờ phước đức của Ngài quá lớn nên đã chiêu cảm vua quan tìm ra sự thật. Nhân quả nghiệp báo sẽ không chừa bỏ một ai khi đủ nhân duyên, đủ điều kiện. Chiêm nghiệm những gì đã xảy ra trong cuộc đời của chúng tôi và một số bài học nhân quả của đức Phật. 

Chúng tôi chân thành khuyên nhủ tất cả mọi người hãy nên tin sâu nhân quả, vì làm lành được hưởng phước báo tốt đẹp, làm ác chịu quả sa đọa khổ đau. Và chỉ có Phật pháp mới giúp ích cho chúng ta biết cách làm chủ bản thân, bằng trái tim yêu thương và hiểu biết để ta dấn thân, đóng góp phục vụ tốt cho gia đình và xã hội.

Còn nữa...

Thích Phổ Giác

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Thầy Đồng Tâm ra mắt bộ 3 cuốn sách giúp bạn đọc lắng lại để nhìn sâu

Sách Phật giáo 23:26 10/04/2024

Đó là ba cuốn gồm Đủ duyên ta lại tương phùng, Sát-na này là thiên thu và Tịch tịnh do First News và NXB Dân Trí ấn hành. Trong đó, 2 cuốn đầu tái bản và làm mới, còn Tịch tịnh là tác phẩm in lần đầu.

Bộ sách tỉnh thức của bác sĩ Nguyễn Bảo Trung

Sách Phật giáo 17:31 21/03/2024

Bác sĩ Nguyễn Bảo Trung (sinh năm 1980) đang công tác tại một bệnh viện ở TP.HCM, là tác giả của các tựa sách được nhiều bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt, khởi đầu là tác phẩm Vô Thường (2016), với những câu chuyện đời thường nhưng phảng phất tinh thần Phật giáo sâu sắc.

Xem thêm