Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 22/03/2013, 09:33 AM

Mái ấm tình thương nơi cửa Phật

Mười năm trước, có những lúc nhận liên tiếp hai, ba cháu về, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh, những lúc các cháu ốm đau cũng khá vất vả, bà con chung quanh chùa mỗi người giúp một tay

Chùa Mía, ngôi chùa hơn 300 tuổi tại xã Ðường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) luôn thu hút du khách thập phương bởi vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính. Ðây cũng chính là mái ấm dành cho trẻ em mồ côi dưới sự yêu thương của sư thầy Thích Ðàm Thanh.

Sư thầy Thích Ðàm Thanh, sinh ra trong một gia đình có bảy anh chị em, bố làm nghề giáo ở làng Ðường Lâm. Lúc nhỏ, được theo mẹ thong dong dạo mát và được nghe những bài kinh, tiếng mõ nơi cửa Phật, tự lúc nào, những câu kinh kệ, giáo huấn của Phật về đạo làm người, đối nhân xử thế đã gieo vào tâm hồn của cô gái trẻ. Năm 17 tuổi, cô xuất gia tu hành tại chùa Mía.

             Ni sư Thích Ðàm Thanh và các cháu nhỏ được nuôi dưỡng tại chùa Mía.   ( Ảnh: DUY LINH )

Trong những lần đi theo sư trụ trì Thích Ðàm Cẩn làm công tác từ thiện tại các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, khi thấy những em nhỏ còn chịu nhiều khó khăn, thiếu thốn, sư Thanh bộc bạch với sư trụ trì mong muốn nhận các trẻ mồ côi về nuôi dưỡng tại nhà chùa. Trước sự bao dung ấy, sư trụ trì chùa Mía đồng ý để vị sư trẻ đón các cháu về nuôi. Hơn mười năm kể từ khi sư Thanh nhận cháu bé đầu tiên bị cha mẹ bỏ rơi ngay sau khi mới sinh tại bệnh viện đến nay, ngôi chùa trở thành mái ấm bình yên cho bảy em nhỏ có hoàn cảnh tương tự. Cháu đầu tiên đón về, được sư Thanh đặt tên là Yến Nhi. Sau đó, thầy đón thêm sáu cháu nữa, đặt tên lần lượt là Bình Nhi, Linh Nhi, Ngọc Nhi..., riêng cháu trai bé nhất, hiện 27 tháng, được sư Thanh đặt tên là Khánh Trung với ý nghĩa là tiếng chuông, tiếng khánh ngân vang trong nhà chùa.

Chăm sóc bảy đứa con đang trong tuổi ăn, tuổi lớn khiến sư Thanh bận rộn hơn rất nhiều. Ngày nào cũng vậy, sư Thanh dậy từ sớm để chuẩn bị đồ ăn sáng, đánh thức bảy đứa trẻ, chải đầu, tết tóc, rồi đưa các con đến trường. Buổi chiều, dù bận đến mấy, sư Thanh vẫn thu xếp công việc đến đón các con, nghe chúng ríu rít kể chuyện trường, chuyện lớp. Có lẽ do sớm cảm nhận được hoàn cảnh của mình không được may mắn như bao đứa trẻ khác, cho nên các cháu bé rất ngoan, không bao giờ vòi vĩnh, đòi hỏi điều gì. Gian nhà ngang phía bên trái sân chùa được ni sư bố trí làm phòng ngủ, phòng học của các cháu, rất sạch sẽ, ngăn nắp. Dưới bàn tay chăm sóc của sư thầy, các em học được tính kỷ luật, tự lập và tinh thần tự giác. Ðặc biệt, nhà chùa chăm lo chu đáo việc học tập của các cháu. Sư Thanh cho biết: "Tôi luôn cố gắng chăm lo cho các cháu về mọi mặt, để các cháu không thấy mặc cảm vì hoàn cảnh của mình, tự tin hòa nhập với xã hội". Hiện, năm cháu lớn đang theo học tại Trường tiểu học Trần Phú, hai cháu nhỏ học tại Trường mầm non Sơn Ca - đều là trường chất lượng cao nằm ở trung tâm thị xã.

Sư Thanh kể: "Mười năm trước, có những lúc nhận liên tiếp hai, ba cháu về, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh, những lúc các cháu ốm đau cũng khá vất vả, bà con chung quanh chùa mỗi người giúp một tay. Bây giờ, các cháu đã lớn dần, việc học tập, sinh hoạt vào nền nếp. Cháu lớn nhất đã mười tuổi, ngoài giờ học đã biết giúp mẹ làm việc nhà, chăm sóc các em". Ngoài việc kèm cặp các con học văn hóa, sư thầy còn chú trọng dạy dỗ các con theo giáo lý của đạo Phật về tình yêu thương và lòng nhân ái của con người. Dưới sự chăm sóc của sư thầy, các trẻ dần khôn lớn và quấn quýt với thầy. Các bé thường sà vào lòng sư thầy, âu yếm gọi: Mẹ, mẹ...! Tối tối, sau khi xong việc Phật sự, sư thầy cùng các con học bài. Chị Bùi Thị Tuyến, một người dân sống ở gần chùa cho biết: "Các cháu bé ở chùa được các sư chăm sóc, dạy dỗ tận tình, có điều kiện sống vật chất và tinh thần khá đầy đủ. Những đứa trẻ đáng thương bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng được lớn lên trong vòng tay của Phật và sự yêu thương của mọi người".

Trong phòng học của các cháu, những tấm giấy khen học sinh giỏi của các con được treo ngay ngắn khắp bức tường căn phòng nhỏ. Sư Thanh khoe, những tấm giấy khen về thành tích học tập của các con là phần thưởng lớn nhất đối với sư thầy. Nhìn nụ cười ấm áp, ánh mắt tươi tắn của sư Thanh, chúng tôi tin rằng, mái chùa cổ kính thật sự trở thành mái ấm yêu thương của các em nhỏ có hoàn cảnh thiếu may mắn.

Tác giả: Linh Anh/Nguồn: www.vn.nhandan.org.vn

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Chuyện tử tế: Trụ trì chùa chăm lo cho hơn 1.000 sinh viên nghèo

Gieo mầm thiện 14:25 18/04/2024

Suốt 27 năm qua, Thượng tọa Lý Hùng, trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây (P.An Cư, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), đã chăm lo việc học cho hơn 1.000 sinh viên nghèo là con em đồng bào Khmer khắp miền Tây.

10 năm 'vác tù và hàng tổng' của ông chủ thư viện làng

Gieo mầm thiện 09:20 15/04/2024

Trong phòng khách nhà mình, năm 2013, Phùng Bá Hưng thành lập Thư viện Dương Liễu, ban đầu chỉ có một bộ bàn ghế và vài giá sách.

Bánh mỳ 0 đồng dành cho người nghèo và người khuyết tật

Gieo mầm thiện 16:55 13/04/2024

Từ nhiều năm nay, đều đặn mỗi sáng, tủ bánh mì 0 đồng tại địa chỉ 296 đường Thống Nhất (TP. Nha Trang) phục vụ cả trăm ổ bánh mì cho những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Nha Trang. Tuy trị giá mỗi ổ bánh mì không lớn nhưng chứa đựng tình cảm ấm áp của người cho.

Ni sư Thích Nữ Tâm Nguyệt trao hơn 600 triệu đồng cho người nghèo Thừa Thiên-Huế

Gieo mầm thiện 21:54 10/04/2024

Vừa qua, ni sư Thích Nữ Tâm Nguyệt (trụ trì chùa Phổ Hiền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cùng đoàn thiện nguyện mang hơn 600 phần quà nghĩa tình từ miền Nam trao cho người nghèo tại Thừa Thiên-Huế.

Xem thêm