Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 16/08/2018, 10:45 AM

Một ngày theo "bước chân hoằng sự" của Chư tôn đức

Theo chân hai Hòa thượng một ngày, chúng tôi tự hỏi, nguyên khí, tinh thần nào đã tạo nên sức bền bỉ của Hai vị Hòa thượng đã ngoài sáu gần bảy mươi, để các vị quên cả nghỉ ngơi, tận hiến cho phật sự?...

1. May mắn trong nhiều lần gặp gỡ HT.Thích Tấn Đạt, Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó Ban TT Ban Hoằng pháp T.Ư GHPGVN, chúng tôi thường được Thầy chia sẻ nhiều về những chuyến hoằng pháp cùng các bậc tôn đức trong Giáo hội. Như đủ duyên lành, một ngày cuối tuần của tháng 8/2018, Hòa thượng ngỏ ý mời cùng đi trong chuyến hoằng pháp dưới miền Tây. Vậy là, ngay từ sớm tinh sương, khi những hồi chuông trên ngôi chính điện chùa Hòa Khánh (Q.Bình Thạnh, Tp.HCM) – nơi Thầy trụ trì ngân lên, cũng là lúc chiếc xe chở Hòa thượng hòa vào dòng thế nhân, băng qua những con phố Sài thành như còn đang ngái ngủ để hướng về Bến Tre.

Với người trẻ như chúng tôi, tỉnh giấc lúc 4 giờ sáng là một chuyện khá khó khăn, nhưng với Hòa thượng đã thành nếp, thường 3 giờ 30 sáng là thức, sau thời công phu thì uống tách trà nóng, ngâm vài câu thơ, viết đôi dòng pháp thoại cho trang facebook để mọi người tham khảo.
 HT.Thích Tấn Đạt giảng bài cho các vị trụ trì tại Bến Tre
Nếu không có phật sự của Giáo hội thì Thầy lên chủ trì khóa lễ sáng. Còn sáng nay, Thầy được thỉnh giảng tại Khóa Bồi dưỡng trụ trì của BTS GHPGVN tỉnh Bến Tre. Thầy cười nhẹ nhàng: “Bây giờ đi sớm cho thong thả, xuống đến nơi nghỉ ngơi, trò chuyện, thưởng trà rồi làm việc. Bữa nay, trước là đi tập huấn, sau là đi sách tấn, ủng hộ cho công trình khai sơn ngôi chùa của một Sư cô trong Giảng sư đoàn - Ban Hoằng pháp T.Ư”. Thật may mắn, đồng hành với Thầy trong chuyến hoằng pháp này còn có HT.Thích Minh Thiện, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Long An nữa.

Chiếc xe lao vun vút trên đường cao tốc Trung Lương. Trời đã sáng hẳn. Những tâm tình về công tác tổ chức ra mắt các ban của Trung ương GHPGVN, và niềm vui về sự thành công của các mô hình hội trại, khóa tu mùa hè cho các cháu thanh thiếu niên luôn ngắt quãng bởi các cuộc gọi giữa chư tôn đức trong Ban Hoằng pháp T.Ư với Thầy. Chúng tôi chợt nhận ra qua các cuộc điện thoại, mỗi vị một công việc, tự chia nhau đi, ai gánh phần việc người ấy. Tất cả đều hoan hỉ. Giáo phẩm, chức trách càng cao, chư tôn đức càng nhiều Phật sự, càng vất vả thêm, nhưng không ai nề hà phật sự công đức vì sự hưng thịnh, phát triển của Giáo hội - Đạo pháp. Xe đến địa phận Bến Tre cũng là lúc HT.Thích Minh Thiện bắt kịp, tay xách theo ổ bánh mì chay ngon nức tiếng Tân An (Long An) mời người cộng sự đồng tu của mình. Hai vị tay bắt mặt mừng, nói cười hỉ hả như những người bạn thân lâu ngày hội ngộ. Quý Thầy vừa thăm hỏi nhau thân ái, vừa trao đổi nội dung bài giảng trong buổi sáng cho khóa học. Quán ngữ “Tu có bạn” phải chăng chính là như vậy?…

2. Hai Hòa thượng đến nơi, cũng là lúc HT.Thích Nhựt Tấn, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bến Tre ra tận cổng chùa Viên Minh (Tp.Bến Tre) nghinh đón. Nắng cũng lên cao, cái nắng cuối hạ giữa xứ Đồng Khởi như cũng thoảng quyện hương dừa, dịu nhẹ. Các vị Tăng Ni đã an yên trong Chánh điện. Sau thời nghi lễ cung nghinh, HT.Thích Tấn Đạt bắt đầu chia sẻ chuyên đề “Sứ mệnh người trụ trì trong thời đại mới”. Với vốn tri thức tinh thông, uyên bác của một Tiến sĩ chuyên ngành Quản trị nhân lực, Thầy đã chỉ ra cho cử tọa những thời cơ và thách thức cho người Tu sĩ nói chung, Trụ trì nói riêng trong thời đại công nghiệp 4.0. Tiếp sau đó là chuyên đề “Người Trụ trì với công tác Hoằng pháp” của HT.Thích Minh Thiện. Bài giảng chỉ ra ba mục đích chính của người Trụ trì, trước là thờ tự Tam Bảo, sau là tu tập thân tâm, nữa là hoằng pháp lợi sinh. Người Trụ trì phải chú trọng sứ mệnh hoằng pháp bằng nhiều hình thức, mô hình mới vừa sáng tạo, vừa phù hợp. Cả hội trường chăm chú ghi chép. Bên cạnh chánh điện, bộ phận truyền thông cũng tích cực tải trực tiếp bài giảng của hai Hòa thượng lên các trang tin cho Phật tử theo dõi. Từ nửa năm nay, các hoạt động của Giáo hội ở địa phương luôn được kênh Phật sự Online, Phật sự Miền Tây liên kết đưa tin nhanh chóng. 

Đã 2 năm rồi, Phật giáo Bến Tre đều định kỳ tổ chức khóa bồi dưỡng Trụ trì cho quý tăng, ni đang đảm trách 264 tự viện trong tỉnh. Năm nay, theo Đại đức Thích Trí Thọ, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Tỉnh Hội, ngoài 212 vị Trụ trì còn có nhiều tăng, ni trẻ đã thọ giới Tỳ kheo được triệu tập tham gia nhằm hướng đến sự quy hoạch, kế thừa, bổ nhiệm cho các cơ sở chưa có Trụ trì. Bên cạnh đó, ngoài chương trình một tuần chính khóa, BTS còn được kết hợp với Chính quyền, Mặt trận, Quân sự của tỉnh tổ chức thêm 3 ngày bồi dưỡng về Luật tôn giáo, tín ngưỡng; kiến thức an ninh – quốc phòng… Đọc hết các thời khóa của lớp học, chúng tôi mới thấy thật là đạo đời hài hòa viên dung. 

3. Trời sang chính ngọ. Nhị vị Hòa thượng không nghỉ ngơi mà lại khởi hành cho kịp phật sự tiếp theo. Chuyến xe hướng về huyện Bình Đại trong cái nắng tan giòn của xứ cù lao bên cửa Tiểu, cửa Đại. Sau hơn nửa giờ, xe dừng lại ở mái ấm nuôi trẻ mồ côi Đức Quang thuộc chùa Vạn Đức.

Sẵn đón hai Hòa thượng là Đại đức Thích Lệ Hiếu – Người sáng lập mái ấm và hàng chục em nhỏ đáng yêu, cung kính lễ phép chắp tay lễ bái. Gần chục năm nay, Sư thầy Lệ Hiếu cùng các phật tử nơi đây dựng lên mái ấm tình thương, đón nuôi hơn 100 em nhỏ từ sơ sinh đến thiếu niên. Dù gặp bao khó khăn chồng chất, nhưng Thầy Lệ Hiếu đã cưu mang tất cả những em nào bị bỏ rơi trước cửa chùa như tâm nguyện: “Con ai đem bỏ chùa này/A Di Đà Phật, con thầy thầy nuôi”. Trong ánh mắt rưng rưng xúc động của Hòa thượng Thích Tấn Đạt, chúng tôi cảm nhận được cả niềm hạnh phúc của bậc Tôn đức, bởi những lớp tăng, ni hậu sinh đã tiếp nối, kế thừa trọn vẹn những công đức, tâm huyết  của thế hệ đi trước, dấn thân giữa đời để hoằng pháp độ sinh. Những cái nắm tay, những lời động viên và trao gửi ân tình của hai vị Hòa thượng dành cho Đại đức Thích Lệ Hiếu cùng các em nhỏ trong mái ấm Đức Quang chính là hình ảnh đẹp nhất đọng lại trong buổi trưa Bình Đại.
 
Rời mái ấm Đức Quang khi nắng đã ngả chiều, xe lại chuyển bánh. Sau một chặng đường dài, xe rẽ vào những con đường rợp hàng dừa xanh san sát bên những con rạch nhỏ của xã Vang Quới Đông – Bình Đại. Ở đấy có công trình khởi tạo chùa Vinh Lâm của Sư cô Thích nữ Trung Hạnh Thảo – Giảng sư, Thành viên trẻ của Ban Hoằng pháp T.Ư .

Theo Hòa thượng Thích Tấn Đạt, ở nơi này có cây trôm trên 170 năm tuổi trước vốn là điểm treo ngọn cờ cách mạng của nhân dân trong vùng. Dưới tán cây trôm là ngôi chùa nhỏ mang tên Vinh Lâm. Nhưng do chiến tranh tàn phá, ngôi Tam Bảo ở đây không còn nữa. Nay hội đủ duyên lành, phật tử nơi đây phát tâm cúng dường 3000 m2 đất để khôi phục lại chùa xưa. Mảnh đất thấp, sình lầy đang được Sư cô Thảo ngày đêm cùng phật tử hút hơn 4500 khối cát để tôn nền. Vừa bước quanh khu đất còn sình lầy, Hòa thượng Thích Tấn Đạt vừa vun mấy nắm đất rồi khởi hứng mấy câu thơ: “Hỡi bà con Vang Quới Đông/Đồng tâm phát nguyện chung lòng với nhau/Chùa Vinh Lâm, nhìn trước sau/Nhớ thuở trước, hãy mau mau phục hồi”. Cả đoàn nghe xong, đều hân hoan phấn khởi. Cũng thật trùng hợp, chính con đường nhỏ phía trước khu đất này ngày trước do Hòa thượng Thích Như Niệm, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN vận động phật tử xây dựng và hiến tặng. 

4. Tạm biệt Bến Tre. Chúng tôi theo hai Hòa thượng trở lại Sài thành. Xe tắc hàng dài phía chân cầu Rạch Miễu. Nhưng, cả hai Hòa thượng đều không hề sốt ruột, nhắc nhở lái xe cứ thong thả xếp hàng theo lối, không cần vội… Hòa thượng Thích Tấn Đạt nhìn dòng xe hai bên rồi nói: “Nếu nhìn hướng tích cực, việc kẹt xe ở cây cầu này chứng tỏ kinh tế của vùng đất Bến Tre đang khởi phát, giao thương phát triển, đó là điều đáng mừng”. Hòa thượng Thích Minh Thiện cũng tiếp lời: “Sắp tới, chúng ta sẽ có thêm một cây cầu nữa để phục vụ giao thông nơi đây, lúc đó kinh tế sẽ càng phát triển hơn”. Sau hồi lâu chờ đợi, xe cũng qua cầu. Hòa thượng Minh Thiện gọi điện nhắc bổn tự chuẩn bị cơm chiều để mời Hòa thượng Tấn Đạt khi qua địa phận Long An chứng dự. Một hồi chuông lại vang lên. Phía bên kia là TT.Thích Minh Nhẫn – Phó Ban Hoằng pháp T.Ư đang cung thỉnh hai Hòa thượng đến chứng minh cho phật sự nữa vào buổi tối. Mới hồi sáng, qua trao đổi với Hòa thượng Tấn Đạt, Thầy Minh Nhẫn còn giảng bài ở Bạc Liêu, giờ này đã có mặt ở Tiền Giang để tổ chức Đêm giao lưu văn hóa dành cho các Nghiên cứu sinh, sinh viên đến từ 6 nước Châu Âu và Đông Nam Á. Đây là chương trình Hoằng pháp của kênh Truyền hình Phật sự Online TV (trực thuộc T.Ư Giáo hội) kết hợp với Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM. Vậy là, hai Hòa thượng lại tiếp tục khởi hành về phía huyện Tân Phước (Tiền Giang) để tham dự, sách tấn. Một giờ sau, giữa khu nghỉ dưỡng Tâm linh Phật giáo Bảo Đăng tọa lạc ngoài cách cánh đồng mát mẻ đối diện Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, ba vị Phó ban Hoằng pháp của Trung ương Giáo hội lại hội ngộ cùng nhau, quay quần đàm đạo, trao đổi từng nội dung, câu chữ cho kịch bản của đêm giao lưu. Chẳng hề thấy nét mệt mỏi hiện hữu trên dung mạo của các vị tôn đức sau hơn 12 tiếng Hoằng pháp liên tục. 21 giờ tối, xe trở về Sài Gòn. Lúc lên cao tốc cũng là lúc chia tay Hòa thượng Thích Minh Thiện. Để 3 giờ sáng hôm sau, Hòa thượng Thích Minh Thiện tiếp tục đi giảng pháp ở Bạc Liêu. Còn Hòa thượng Thích Tấn Đạt cũng thế, sáng ngày mai lại lên Bình Phước chứng minh Đại pháp đàn, đến chiều lại bay ra Hà Nội cùng chư tôn đức chuẩn bị ra mắt Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN.
 
Theo chân hai Hòa thượng một ngày, chúng tôi tự hỏi, nguyên khí, tinh thần nào đã tạo nên sức bền bỉ của Hai vị Hòa thượng đã ngoài sáu gần bảy mươi, để các vị quên cả nghỉ ngơi, tận hiến cho phật sự?... Chúng tôi không dám mạo muội đối thoại với Thầy, nhưng vẫn tự tìm câu trả lời trong lúc hai Hòa thượng ngồi chứng minh đêm giao lưu văn hóa, khi trầm tĩnh ngồi lắng nghe Hòa thượng Thích Tấn Đạt giảng pháp cho cử tọa... 

Phải chăng, đó chính là nguyên khí, sức mạnh từ công phu, trí tuệ, thân tâm của những bậc xuất trần thượng sĩ, phụng sự Tam bảo, hoằng dương chánh pháp lợi sinh - “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”.

Tâm Bình
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm