Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 17/08/2016, 08:35 AM

Mùa Vu lan nghĩ về những người mẹ

Trong cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ bao nhiêu người con trai đã ra đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, người phụ nữ ở nhà vẫn “chắc tay cày tay súng”. Nhiều người trong số đó có chồng không trở về, họ trở thành những vọng phu thời hiện đại. Những “hòn vọng phu” ấy đã biết vượt lên nỗi đau để tiếp tục sống, phụng dưỡng mẹ chồng, nuôi con trưởng thành...

Hôm dự Chương trình Vu lan “Đạo hiếu và Dân tộc” tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội, về phần giao lưu, tôi nhớ TS.Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Thái Hà Book chia sẻ, ông đã đi 50 nước trên thế giới, mà không ở nơi đâu có đạo Mẫu như ở Việt Nam ta. Điều đó rất là hay. Và tôi cũng nghĩ như vị tiến sĩ làm sách “năng đi” này. 

Đạo mẫu là đạo thờ người mẹ. Một người mẹ cụ thể, của mỗi người (ai cũng có), rộng ra là mẫu Âu Cơ. Đất nước Việt Nam được ví như người mẹ, người mẹ tổ quốc. Để dựng xây đất nước ấy, có biết bao anh hùng đã ngã xuống suốt chiều dài lịch sử làm nên hồn thiêng sông núi. Đạo mẫu, thật ra là đạo “biết ơn”. Và, cái “đạo biết ơn” này cũng nằm trong “tứ trọng ân” của đạo Phật. Mặt khác, đạo Phật nằm trong dân tộc. Như vậy, hai nguồn tâm linh này bổ sung cho nhau. Thật là đẹp. 

Từ trong xa xưa, trước khi bị ảnh hưởng bởi văn hóa Hán, văn hóa người Việt vốn coi trọng người mẹ. Vì vậy, trong vốn từ vựng của người Việt, cái gì to lớn, hữu ích đều được gắn với từ “cái” (mẹ): sông Hồng là sông lớn nhất miền Bắc còn được gọi là sông cái, đường lớn được gọi là đường cái, đôi đũa lớn gọi là đũa cái, ngón chân, ngón tay cũng có ngón cái... Hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm đến vùng chịu ảnh hưởng của văn hóa Bách Việt, từ phía nam sông Dương Tử (sông Trường Giang - Trung Quốc ngày nay) là thành hình ảnh người mẹ hiền. 

Lịch sử ngàn năm Bắc thuộc, giặc phương Bắc đã bằng nhiều thủ đoạn đồng hóa dân tộc này, trong đó có tội ác “giết phu, hiếp phụ” (giết con trai, sau đó đưa con trai Hán sang lấy con gái Việt). Nhưng thật kỳ diệu, những người con ra đời, uống dòng sữa của những bà mẹ Việt ấy, uống luôn cái văn hóa ngàn đời của dân tộc này. Và vì vậy, dù bị đô hộ qua ngàn năm nhưng dòng chảy văn hóa bất tận ấy không bao giờ bị dừng lại, bị đồng hóa. Thật kỳ diệu, cũng trong ngàn năm Bắc thuộc ấy, những cuộc khởi nghĩa đầu tiên của người Việt lại do... phụ nữ lãnh đạo, như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, rồi những vị nữ tướng tài ba như Lê Chân, Bùi Thị Xuân...    

Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ, “đất nước ta mang biệt nghiệp chiến tranh” - có lẽ vậy, lịch sử dân tộc gần như là lịch sử kể lại các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Có nhà văn đã nói “chiến tranh không có khuôn mặt đàn bà”. Bởi, “chiến tranh” và “đàn bà” như hai phạm trù... đối lập nhau. Chiến tranh gắn với súng đạn, chết chóc, tang thương còn đàn bà thì xưa nay vốn được coi là phái đẹp, phái yếu. Vậy nên, ông nhà văn nọ không cho đàn bà can dự vào... chiến tranh chăng, còn thực tế... lại có phần khác.

Chị Út Tịch (“Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi) đã trực tiếp cầm súng và còn tuyên bố “còn cái lai quần cũng đánh”. Để bảo vệ nền độc lập của nước nhà, lớp lớp những nữ TNXP đã lên đường phục vụ chiến đấu. Đã có những phụ nữ kiên trung như chị Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định, Võ Thị Thắng... mà sự hiên ngang, bất khuất của họ đâu có kém gì nam giới. Người Việt Nam thấm nhuần câu nói: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.

Nhưng trong suốt chiều dài lịch sử chủ yếu là những chàng trai ra trận, người phụ nữ là mẹ, là vợ, là chị, là người yêu lùi về sau làm bức thành hậu phương vững chắc cho người ở tiền tuyến chiến thắng quân thù. Người đàn ông đi chinh chiến, ở một ngôi nhà nào đó, sau lũy tre làng có người đàn bà vò võ chờ chồng suốt tháng năm ròng. Đất nước thống nhất, có người trở về trong niềm vui sum họp nhưng cũng có nhiều người bỏ lại thân xác nơi chiến trường. Đọc những trang “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm mà nao lòng.

Có lẽ vì vậy mà từ Bắc vào Nam có những hòn đá tưởng như vô hồn, nhưng nỗi đau của dân tộc đã thổi hồn vào những hòn đá ấy để mang hình người đàn bà bồng con chờ chồng đã gắn với những truyền thuyết huyền thoại. Quen thuộc nhất là hòn Vọng Phu trên núi Tô Thị ở Lạng Sơn, đền Vọng Phu trên núi Nhồi (Thanh Hóa), đá Bà Rầu (Quảng Nam - Đà Nẵng), núi Bà (Bình Định), vào sâu hơn có ngọn Đá Bia (Phú Yên), núi Mẫu Tử (Khánh Hòa)... Những hòn Vọng Phu ấy đã trở thành những hình tượng đẹp đầy tính nhân văn, ca ngợi lòng chung thủy, nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam. Ai đến đất Bình Định, đều biết câu ca dao: “Bình Định có núi Vọng Phu/ Có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh”.

Trong cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ bao nhiêu người con trai đã ra đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, người phụ nữ ở nhà vẫn “chắc tay cày tay súng”. Nhiều người trong số đó có chồng không trở về, họ trở thành những vọng phu thời hiện đại. Những “hòn vọng phu” ấy đã biết vượt lên nỗi đau để tiếp tục sống, phụng dưỡng mẹ chồng, nuôi con trưởng thành... Những người mẹ, như mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam (có 11 người con và cháu hi sinh) và bao người mẹ khác nữa đã trở thành những người mẹ anh hùng, góp phần thành người mẹ Việt Nam. 
                          Ảnh: Mẹ Âu Cơ ở công viên Biển Đông - Đà Nẵng
Tôi có dịp quen biết nhà điêu khắc nổi tiếng Lê Công Thành khi một chiều đến thăm “khu vườn địa đàng” - căn hộ ở khu Vĩnh Hồ (Hà Nội). Về ông già như ông tiên này là câu chuyện li kỳ. Ông Lê Công Thành, khi đang tạc “tượng đài chiến thắng” ở Núi Thành - Quảng Nam, thì bị ngã xuống đất từ độ cao 20m. Tưởng như qua đời, nhưng rồi ông vẫn sống, sống thực vật cũng 20 năm chẵn. Vợ ông là họa sĩ Kim Thái nhẫn nại chăm sóc chồng từng ấy năm. Rồi, khi... tỉnh táo trở trại, ông như trở thành con người khác hẳn. Ông chả có sự quan tâm nào ngoài niềm đam mê... phụ nữ -  tạc tượng tôn vinh vẻ đẹp của mẹ. Như là thế giới tâm linh nào đó mách bảo, giao nhiệm vụ cho ông chăng, mà đề tài về hình tượng người mẹ Việt Nam, về mẹ Âu Cơ như là suối nguồn bất tận cho những sáng tác của ông. Công viên Biển Đông ở con đường Phạm Văn Đồng ven biển Đà Nẵng, có bức tượng mẹ Âu Cơ - với hai bầu sữa căng tròn, rất phồn thực dồi dào sự sống ấy, chính là do nhà điêu khắc Lê Công Thành tặng Đà Nẵng. 
   Ảnh: “Mẹ” Quán Thế Âm ở chùa Linh Ứng- Đà Nẵng
Leo lên tầng tư khu tập thể, ông già râu tóc bạc phơ ra mở cửa, “khu vườn địa đàng” hiện ra - vừa là xưởng, vừa là nơi trưng bày các bức tượng về mẹ Âu Cơ. Xem ông nâng niu những bức tượng, ông kể vệ “mẹ” như là lên đồng vậy... Vâng, mẹ. Một vị tướng lừng vang chiến công được sinh bởi người mẹ. Một vị nguyên thủ quốc gia cũng được sinh ra bởi một người mẹ. Một người công danh cái thế, thế nào thì cũng được sinh bởi người mẹ, là con của mẹ. Khi về với mẹ đều... nhỏ bé, đều cần được che chở. Và, dù con có tài giỏi đến đâu, mẹ cũng đều lo lắng cho con. Ôi, mẹ thật vĩ đại. 

Vừa rồi, chúng tôi đi dự Đại lễ Vu Lan ở Thiền viện Sùng Phúc. Khi ra về, vợ tôi nán lại mua những mớ rau, hay những món hàng nông sản được bày bán ở cổng thiền viện kéo dài ra đến ngoài đường. Đó là những bà mẹ nông dân, bòn mót trong vườn nhà, ruộng nhà những sản phẩm để bán cho những người đi dự lễ Vu lan. Trong đó, hẳn là có những bà mẹ bòn những đồng tiền lẻ để cho con đóng học? Rồi, có những người con ấy sau rồi thành tài. Sự vĩ đại của người mẹ, ở sự ít lời, ở công việc thầm lặng mà cao cả đó. 

Ở bên cạnh kia, bên gốc cây liễu, tôi thấy có một cụ già, ở bên cạnh là cái làn nhựa, bên trong có bộ quần áo, cái áo mưa được gấp cẩn thận. Cụ rón rén chìa bàn tay run run ra xin tiền những người đi qua. Chiếc nón che lụp cụp trên đầu, tóc bết nước mưa lòa xòa trên mặt, hay có thể là những giọt nước mắt của cụ? Tôi để ý, cử chỉ của cụ, rõ ràng cụ cũng có một chút tự trọng nào đó, không phải “dân ăn xin chuyên nghiệp” - tôi nghĩ vậy, chắc là bất đắc dĩ cụ mới phải ra ngồi đây ngửa tay xin sự bố thí của thiên hạ thế này? 

- Con cháu cụ đâu, sao cụ không ở nhà với con với cháu? Tôi hỏi. Cụ mếu máo:

- Chúng bỏ tôi rồi...

Mỗi gia đình đều có những câu chuyện, những trái ngang éo le riêng, khó bề phán xét. Nhưng thấy cụ già xin ăn ở vệ đường này, những người đi dự vu lan hôm ấy không khỏi chạnh lòng. Cụ cũng là một người mẹ chứ? Tất nhiên rồi. 

Cuộc sống này sẽ sụp đổ nếu có nhiều người mẹ, như người mẹ tôi bắt gặp ấy. 

Hà Quang Đức
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm