Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 27/12/2019, 16:04 PM

Mũi tên đỏ vút bay

Phatgiao.org.vn trân trọng giới thiệu một truyện ngắn thấm đẫm chất nhân văn của nhà văn Kiều Bích Hậu - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nghịch lý ngày Nhà giáo Việt Nam

Bài liên quan

Vừa tiễn một bé tự kỷ và mẹ của bé ra về sau buổi can thiệp khôi phục chức năng phát âm, Hà kéo cánh cửa sắt, định khóa lại thì nghe tiếng chuông điện thoại. Chị vội chạy vào phòng trong tìm chiếc smart phone, chắc là nó nằm trên bàn làm việc của chị.

Một người lạ, xưng là bố của một trẻ tự kỷ, nghe nói chị Hà can thiệp nhiều trường hợp trẻ tự kỷ thành công, khôi phục được chức năng ngôn ngữ cho các bé, nên anh ta gọi điện muốn xin chị cái hẹn vào chủ nhật tuần tới. Chị Hà đồng ý gặp anh ta lúc 3 giờ chiều chủ nhật.

Kể từ khi chị Hà học xong chương trình thạc sĩ về giáo dục trẻ tự kỷ, và câu chuyện thành công của chị trong giáo dục cho chính đứa con trai bị tự kỷ của mình giao tiếp được và tự chủ tới 70% trong các sinh hoạt cá nhân, rất nhiều người có con tự kỷ đã tìm đến chị. Năm năm qua, Hà tự tin mở trung tâm tại gia, vừa điều trị cho con trai mình, kết hợp điều trị cho những trẻ tự kỷ khác. Công việc này hóa ra mang lại cho chị một nguồn thu tương đối tốt, một điều mà chị không ngờ tới khi quyết định theo học tới Thạc sĩ về giáo dục trẻ tự kỷ. Khi ấy, chị chỉ nghĩ là mình học thật cao, thật kỹ về chuyên ngành này, để làm sao khôi phục được một số chức năng cơ bản cho con là hạnh phúc lắm rồi. Có lẽ, cuối cùng thì chị cũng cần cảm ơn Minh, đứa con trai tự kỷ của chị, dù từng mang đến cho chị những nỗi đau khó tả, nhưng cũng đưa đến cho chị một sự nghiệp, một giá trị bất ngờ…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nghĩ đến đó, chị Hà bỗng giật thột. Minh đâu? Hình như chị quên chưa khóa cửa kéo. Chị buông điện thoại chạy ra phòng ngoài. Cánh cửa kéo mở rộng một bên. Vậy là thằng con đã không bỏ qua sơ sẩy của mẹ nó. Nó vọt ra ngoài mất rồi. Thằng bé lộc ngộc lên mười tuổi này được hàng xóm đặt cho biệt danh “tên bắn” bởi nó không bao giờ đi một bước bình thường, cứ không có người kiểm soát là nó lao như mũi tên rời cánh cung, bất chấp hiểm nguy. Nhiều lần nó đã lao ra đường, va vào xe máy đang chạy, ngã sưng u đầu, toạc da đầu gối, khuỷu tay, chảy máu nhoe nhoét mà nó vẫn nhỏm ngay dậy, cười hềnh hệch. Để tránh cho con bị tai nạn, và cũng để dễ tìm con giữa đông người, chị thường mặc áo phông màu đỏ cho con.

Hà nhớn nhác nhìn xuôi ngược con phố nhỏ, cố tìm sắc đỏ áo phông. Trong đầu chị ập đến những dự cảm chẳng lành, hình ảnh thảm khốc. Chị chạy trên hè phố, gặp ai cũng túm lại hỏi có thấy thằng bé mười tuổi, mặc áo phông màu đỏ không. Mấy người lắc đầu, chị liền băng qua đường, chạy theo hướng ngược lại tìm con.

Chị Hà bỗng khựng lại, chết sững khi nhìn thấy cảnh tượng một vụ tai nạn. Một chiếc xe ô tô 5 chỗ dừng giữa đường, người qua đường xúm đông xúm đỏ. Hà cố trấn tĩnh, lao tới đám đông, gạt mọi người ra. Thằng Minh con trai chị, nằm bất tỉnh giữa vũng máu, ngay đầu ô tô. Chị hoa mắt khuỵu xuống trước con.

***

Quá thích cái gì thường chết vì cái ấy. Sau vụ tai nạn đó, thằng bé Minh không chết vì cái ô tô mà nó lao vào, nhưng cũng gãy chân trái và khâu năm mũi trên trán, ba mũi ở gần khuỷu tay. Đây là tai nạn lớn thứ hai trong đời nó. Hồi lên bảy tuổi, nó cũng bị một tai nạn với ô tô, nhưng may là chiếc xe đó đang lùi vào garage với tốc độ chậm, nên Minh chỉ bị thương phần mềm. Minh cực thích ô tô, cứ thấy ô tô là nó lao đến, nếu nó không bị ô tô cán phải, thì chính nó sẽ tìm cách vặn gương xe, đập vỡ gương hoặc cào xước thân xe bằng bất cứ vật gì có trong tay. Chị Hà nhiều lần phải đền tiền cho chủ xe vì cái thú vui quái đản của con mình.

Bài liên quan

Hơn sáu năm qua, Hà vừa học, nghiên cứu phương pháp giáo dục trẻ tự kỷ, vừa tự trị liệu cho con trai. Chị đã đạt được những thành công mà truyền thông ca ngợi là “đáng nể”. Minh, con trai chị, cho đến bốn tuổi chỉ nằm, uống sữa rồi khóc la, chứ không biết đi, biết nói, biết ăn cơm như trẻ bình thường. Chị Hà bỏ việc tại thư viện một trường đại học để ở nhà chăm con, mua biết bao sách hướng dẫn dạy trẻ tự kỷ về đọc, áp dụng cũng không ăn thua. Cuối cùng, chị bàn với anh Huy, chồng chị và quyết định vay tiền đi học, thuê người giúp việc trông con. Khi được học hành bài bản tại trường, học qua các thầy trong nước và nước ngoài, chị Hà thay đổi phương pháp trị liệu cho con. Dần dần, chị giúp con khôi phục chức năng đi, nói, ăn được cơm, rau, thịt cá… Khi chị chia sẻ niềm vui của mình về tiến bộ của con trên facebook, một số phóng viên đã tìm đến phỏng vấn chị, đăng bài trên báo. Nhiều người biết tiếng, đưa con mình đến nhờ chị can thiệp. Chị cũng có được thành công với các trường hợp trẻ tự kỷ khác nữa. Chị được coi là một chuyên gia có thành tựu trong trị liệu trẻ tự kỷ từ đó.

Nhưng sau vụ tai nạn lần hai của Minh, chị Hà day dứt với câu hỏi, phải chăng sự tiến bộ của con trai đã chững lại? Chừng một năm nay, Minh không có thêm được kỹ năng mới nào, dù chị ra sức dạy con cách đọc, viết, làm toán. Con chỉ đọc được từng chữ rời, chứ không ghép vần ghép câu được, làm toán cũng chỉ trong phạm vi 10. Nhưng đáng lo hơn, con càng khỏe, thì càng không chịu đi những bước đi bình thường, mà chỉ lao như tên vọt khỏi cung. Vợ chồng chị luôn phải khóa cửa kéo để tránh việc con trai lao ra ngoài phố. Nhưng nhốt con không phải là giải pháp tốt. Nhìn con trai bứt rứt tay chân, lao qua lao lại giữa hai bức tường nhà, ánh mắt đôi khi lóe lên những tia rất lạ, chị Hà thấy vô cùng bất an. Trong con trai chị đang chất chứa một nguồn năng lượng lạ mà chị không biết kiểm soát, không có giải pháp để nguồn năng lượng ấy được giải phóng trúng đích. Càng ngày, con chị càng như một thùng thuốc súng chờ nổ.

- Hay là chúng ta cho con đến một lớp học ở trường bình thường xem sao? – Huy bàn với vợ sau khi suy nghĩ nhiều ngày, bởi anh biết vợ anh chắc chắn phản đối ý này.

- Anh bị điên à? – Hà nhướng mắt – Có cả trăm lần chúng ta thử đưa con đến học ở trường bình thường, thì cả trăm lần thầy cô đều xin lỗi không nhận con. Em quá sợ những cái lắc đầu xin lỗi của thầy cô ở nhà trường bình thường, mới phải đầu tư đi học về giáo dục trẻ tự kỷ để tự dạy con, mà bây giờ anh lại đưa ra đề nghị ấy. Em chẳng hiểu anh nghĩ gì.

- Anh chẳng nghĩ gì ngoài ý nghĩ con mình phải tiến bộ. Anh công nhận em đã giúp con tiến bộ rất nhiều. Nhưng chỉ đến năm qua, thì con dừng lại, thậm chí còn suy thoái. Qua tai nạn vừa rồi mà em chưa tỉnh hay sao? – Huy nói, giọng bực bội.

- Thế theo anh thì em phải làm gì bây giờ? – Hà cũng cáu – Em đã nỗ lực hết sức mình rồi.

- Em phải thay đổi phương pháp giáo dục con! – Huy đáp.

- Thay đổi thế nào? Anh làm ơn nói rõ cho em được không?

- Thay đổi thế nào thì em phải tự nghĩ ra, bởi em là chuyên gia về giáo dục trẻ tự kỷ, chứ đâu phải anh. Chúng ta đã thống nhất ngay từ đầu, rằng anh chịu trách nhiệm lo kinh tế gia đình, em dành toàn tâm toàn ý, toàn thời gian để nghiên cứu cách dạy con. Bây giờ cách dạy của em không giúp con tiến bộ hơn lên, thì em phải động não ác liệt để thay đổi chứ! Em không thể để con mãi như thế này được. Không tiến thì thoái.

- Em có phải là thánh đâu! – Hà nói dỗi.

Nhưng chồng chị nói đúng. Không tiến thì thoái. Tai nạn vừa rồi của Minh là cảnh báo nghiêm trọng cho chị. Nếu chị không tìm ra giải pháp mới để phát triển con, thì chị sẽ mất đứa con này. Công sức, tâm huyết, tình yêu thương, kể cả danh tiếng mà chị vừa có được, sẽ bị thiêu rụi khi con trai chị hỏng hoàn toàn. Nhưng phương pháp mới là gì? Chị nghĩ nát óc chưa ra. Có lẽ chị cần đầu tư đi học cao hơn nữa, để nâng tầm của mình lên may ra mới tiếp tục trị liệu được cho con. Nghĩ đến chặng đường 10 năm đã qua mà chị rùng mình. Giờ tiếp tục ra sao quả là mù mịt. Nếu con chị không có tương lai, thì chị có gì?

Hà lắc đầu, cố không để cho những ý nghĩ xấu dìm nghỉm chị.

***

Hà lao đến, vội vàng giằng bàn tay trái Minh ra khỏi miệng con. Chị đau đớn nhìn cả mười đầu ngón tay con bị gặm trụi móng, nhiễm trùng sưng lên và rớm máu.

- Hòa, chị đã dặn rồi mà sao em không giữ cháu để cháu cắn nát cả mười đầu ngón tay thế này? – Không kìm chế nổi, Hà quát cô gái giúp việc.

- Em có giữ cháu đấy chứ. Chỉ là em mới buông cháu ra tí ti để làm nóng cơm cho cháu ăn. – Cô giúp việc giãi bày.

Hà một tay giữ chặt hai tay con, tay kia phát mạnh lên mu bàn tay Minh.

- Chừa cái tay này, lần sau có dám đưa tay lên miệng cắn nữa không?

- Dạ không ạ. – Minh nói, cười hềnh hệch.

Thằng bé không hề có cảm giác đau ở tay, và một số phần khác trên cơ thể. Bởi nếu nó biết đau, nó đã chẳng tự phá nát mười đầu ngón tay như thế. Đầu óc Hà quay cuồng.

Vừa lúc ấy, một người bạn của Hà thời phổ thông đến chơi, nghe chị than thở vấn đề của thằng con, liền giới thiệu cho chị một khóa học kỹ năng sinh tồn.

Hai chữ “Sinh tồn” gieo vào não Hà, và ghim vào đó. Phải rồi, con trai chị cần nhất kỹ năng này. Nó cần nhận thức những gì nguy hiểm cho tính mạng, để biết tránh, biết vượt qua. Nó cần phải sống, sau khi vợ chồng chị chết đi…

Bài liên quan

Chẳng kịp bàn với chồng, Hà liên lạc với nhà tổ chức khóa học kỹ năng sinh tồn, đăng ký cho Minh học. Khóa học tập trung kéo dài 1 tháng tại Hải Phòng. Hà không dám nói con mình bị tự kỷ, bởi vẫn lo con sẽ không được nhận nếu chị nói thật điều đó. Ngọc, giáo viên chính, kiêm người phụ trách chương trình huấn luyện kỹ năng sinh tồn đã vui vẻ nhận Minh vào lớp. Mức phí đóng cho khóa học khá cao, nhưng Hà không phiền về vấn đề đó. Quan trọng nhất là con chị được nhận vào học. Hà khá yên tâm khi cô Ngọc cho biết, trong thời gian học, các con được quản trong một doanh trại quân đội. Như vậy, Minh sẽ không tìm được cơ hội để vọt ra ngoài, con sẽ không bị nguy hiểm.

Để con lại cho cô giáo Ngọc, Hà trở về nhà. Trong lòng chị thấp thỏm. Cứ vài phút chị lại kiểm tra điện thoại, chị lo rằng cô Ngọc sẽ gọi điện đòi trả lại Minh về nhà. Nhưng cả ngày trôi qua êm thấm.

Đến 6 giờ chiều, cô Ngọc mới gọi điện. Hà nghe máy, tim lập tức lên nhịp. Nhưng giọng cô Ngọc qua điện thoại nghe khá bình tĩnh:

- Chuyện này có vẻ hơi khó nói với tôi. – cô Ngọc vào đề luôn – Nhưng tôi nghĩ, chị và tôi đều làm trong ngành giáo dục, và hơn hết, đều là người mẹ, nên tôi cứ nói thẳng để chúng ta cùng giúp con có kết quả tốt. Cháu Minh có những đặc điểm khác biệt nào, chị cứ cho tôi biết.

- Xin lỗi cô giáo vì tôi đã không nói trước, là vì tôi sợ cô sẽ không nhận cháu nếu biết sự thật – Hà ngập ngừng – Con trai tôi bị tự kỷ, thể tăng động. Cháu không thể nào đứng ngồi yên được, cũng không đi bình thường mà chỉ lao vút đi nếu không được kìm giữ…

Hà thuật lại tỉ mỉ những cố tật, hành vi quái lạ của con mình. Không hiểu sao, người phụ nữ ở đầu dây bên kia chỉ im lặng, mà lại có thể khiến chị tin tưởng đến thế, khiến chị tuôn hết thảy những khiếm khuyết của con, không chút nào ngại ngần hoặc giấu giếm.

- Tôi hỏi chị là để hiểu con rõ hơn, và phòng những rủi ro không đáng có xảy ra chỉ vì thiếu thông tin. Chứ tôi không có ý định trả con về nhà. Chị yên tâm là Minh sẽ tiến bộ.

Hà ngỏ ý có thể trả thêm kinh phí học cho trường hợp đặc biệt của Minh, nhưng cô giáo Ngọc từ chối.

Cuộc gọi kết thúc rồi, mà Hà vẫn bần thần hồi lâu. Cô Ngọc vừa nói gì nhỉ, “yên tâm là Minh sẽ tiến bộ”. Cô ấy có hiểu tự kỷ là gì không mà dám khẳng định thế? Để xem cô giáo có thể quản Minh được đến ngày thứ ba hay không?

Nhưng dù sao, cứ bám vào tia hy vọng mong manh, còn hơn là nghi ngờ và lo lắng. Hà cố gắng tập trung dồn năng lượng vào việc dạy dỗ những đứa trẻ tự kỷ khác.

***

Bài liên quan

Một tháng trời không được đến thăm con, không được gọi điện hỏi thăm như cam kết giữa ban tổ chức khóa học “Sinh tồn” với phụ huynh, quả là một thách thức với cả các con cũng như bố mẹ. Với vợ chồng Hà, thách thức càng lớn hơn, vì Minh còn mang chứng bệnh kỳ quái. Biết bao câu hỏi nảy ra trong óc, cô giáo Ngọc làm thế nào kiểm soát được Minh? Liệu cô có trói con lại, hoặc thậm chí đánh đập con, bởi hành vi quái đản của con cứ lặp đi lặp lại? Là bố mẹ đẻ thì có thể cố mà chịu đựng được con mình, chứ với người ngoài, dù là cô giáo, cũng thật khó khăn.

Đêm trước ngày đón con, vợ chồng chị khó ngủ vì nóng ruột. Khi tới cơ sở dạy kỹ năng sống của cô Ngọc, gặp Minh, cả hai vợ chồng đều sững sờ. Con trai gầy hơn, nước da trắng xanh vì bị nhốt trong nhà lâu ngày nay rám nắng rắn rỏi. Hà nắm hai bàn tay con. Thật kỳ lạ, mười đầu ngón tay con đã lành.

- Cháu gần như đã bỏ được thói cắn ngón tay – Cô Ngọc thấy vậy giải thích – Về cơ bản là bỏ được 90% rồi.

- Cô đã làm thế nào vậy? – Hà sửng sốt hỏi.

- Minh, con biểu diễn tung bóng cho mẹ Hà và bố Huy xem nhé. – Thay vì trả lời Hà, cô Ngọc đưa cho Minh ba quả bóng tennis màu xanh nõn chuối.

- Vâng ạ - Minh đáp ngoan ngoãn và đứng trước mặt bố mẹ, tung hứng 3 quả bóng suốt trong 1 phút mà không đánh rơi quả nào.

- Bằng cách đó chị ạ – Cô Ngọc nói – Khi cháu không chịu bỏ tật cắn ngón tay, một thầy giáo của chúng tôi đã nghĩ ra cách này, làm hai tay cháu luôn bận rộn, không đưa lên miệng cắn nữa.

Hà lặng người đi, sung sướng, cảm phục, biết ơn. Tại sao cô Ngọc và thầy giáo nào đó mà chị chưa biết mặt, lại có thể làm được điều này, trong khi chị sống cùng con hơn 10 năm mà lại không nghĩ ra được phương pháp đó? Chị chỉ từng dọa dẫm, đánh tay con, có lúc bất lực còn trói hai tay con lại. Sao đầu óc chị u tối quá thế! Quả thực trong giáo dục, không thể một mình làm tất cả, dù chị có dồn tất cả yêu thương và trí tuệ của mình cho con.

- Con trai anh chị rất giỏi – Cô Ngọc nhấn mạnh – Tôi đề nghị anh chị cho cháu Minh ở lại cơ sở của chúng tôi để được giáo dục, dạy dỗ, huấn luyện tăng cường kỹ năng tung bóng, và từ kỹ năng trụ cột này, cháu sẽ phát triển các kỹ năng khác, và phục hồi tư duy.

- Chị khẳng định điều này ư? – Hà thốt ngạc nhiên – Có tổ chức chuyên môn nào công nhận hay không?

- Cơ sở chúng tôi khẳng định – Ngọc nói chắc như đinh đóng cột – Chưa tổ chức chuyên môn nào công nhận cả, mà đợi được công nhận chắc tôi qua đời rồi. Chúng tôi chỉ bằng kết quả thực tế chứng minh. Chị hãy tin ở chúng tôi.

Hà im lặng băn khoăn. Nhưng lúc ấy Huy tiến lên, mắt anh ánh lên tia hy vọng:

- Tôi tin cô giáo, cảm ơn cô nhiều lắm. Nhìn thấy cháu Minh có thể ngồi yên từ nãy tới giờ mà không lao vụt đi và nhìn hai bàn tay cháu với những ngón lành lặn là tôi tin lắm rồi. Đó là một kết quả kỳ diệu. Chúng tôi đội ơn các cô các thầy. Mặc dù rất nhớ con, nhưng vì tương lai của con, chúng tôi xin cô giáo nhận con học nội trú ở đây. Học bao lâu cũng được, miễn là con tiến bộ.

***

Bài liên quan

Kể từ đó, Minh học nội trú trong cơ sở của cô giáo Ngọc. Theo cam kết mới với cơ sở, vợ chồng Hà đến thăm con tại cơ sở mỗi tháng một lần, một quý được đón con về nhà hai ngày dịp cuối tuần. Vợ chồng Hà đã quen dần với việc xa con, và yên tâm khi thấy con có những tiến bộ trông thấy. Minh đọc và viết tốt như một đứa trẻ bình thường, chỉ có điều làm toán chưa tiến bộ. Sau một năm, con bỏ được hành vi lao vụt như tên bắn, đã có thể đi đứng bình thường. Huy rất sung sướng, tâm đắc với phương pháp của cô giáo Ngọc, đến nỗi cứ mở miệng là ca ngợi cô giáo Ngọc, suy tôn cô như một Thánh nữ. Anh còn đi xa tới mức, giành thời gian tìm kiếm các phụ huynh đồng cảnh, vận động họ đưa con đến cô giáo Ngọc xin học như Minh. Anh còn nhỏ to thuyết phục cả phụ huynh có con tự kỷ đang theo lộ trình can thiệp bởi vợ anh tại gia, để tìm cô giáo Ngọc tham khảo. Hà không nói gì, nhưng cũng không bằng lòng với việc chồng chị tín cô Ngọc quá mức. Chị cho rằng, cô Ngọc chỉ gặp may với trường hợp của Minh thôi. Thực tế, trong giới chuyên môn can thiệp trẻ tự kỷ, cô Ngọc không có bằng cấp, chẳng được tổ chức nào chứng nhận…

Hôm ấy, vợ chồng Hà khá ngạc nhiên khi nhận được điện thoại từ cô Ngọc, thông báo đêm hôm sau, anh chị đến Nhà hát lớn để dự lễ trao bằng kỷ lục gia Việt Nam cho Minh.

- Cô giáo không đùa chứ ạ?  - Hà đánh liều hỏi – Cháu Minh nó làm gì mà được công nhận kỷ lục gia?

- Anh chị cứ y hẹn đến, có người chờ ở cửa soát vé đưa giấy mời cho anh chị. – Cô Ngọc nói ngắn gọn rồi cúp máy.

Nửa tin nửa ngờ, vợ chồng Hà tìm nguồn tin trên mạng và hỏi han nhiều người, biết rằng có sự kiện trao danh hiệu kỷ lục gia cho một số nhân vật tài năng của quốc gia vào đêm hôm sau, nhưng danh sách ai đoạt kỷ lục gia thì chưa công bố.

Đêm sau, ngồi dưới hàng ghế khán giả, vợ chồng Hà vẫn không tin, lòng dạ cứ bồn chồn, họ khó có thể tập trung vào các màn diễn và trao kỷ lục đầu tiên. Hà cứ lẩn thẩn nghĩ mãi về việc mình không mua sẵn một bó hoa. Chị sợ mình sẽ tẽn tò. Bỗng chồng chị đập vào gối chị:

- Em ơi, nhìn kìa, phải thằng bé “tên bắn” nhà mình kia không em?

Hà chỉnh lại cặp kính cận, một cậu thiếu niên tóc húi ngắn khôi ngô mặc đồ diễn viên xiếc áo satin trắng, quần xanh cổ vịt đã đi ra sân khấu. Trông cậu bé vừa quen vừa lạ. Hà bỏ kính, dụi mắt rồi lại đeo kính lên.

Cậu thiếu niên cúi chào khán giả. Bốn hỗ trợ viên mặc đồ màu đen bước ra, họ đã đặt tấm ván gỗ lên 5 con lăn. Cậu thiếu niên tiến lại, vịn một tay vào ván gỗ, một tay lên vai người hỗ trợ bên cạnh. Khán phòng nín thở. Tim Hà muốn nhao ra ngoài. Trời đất ơi, Minh con chị là thiếu niên kia ư? Nó sẽ đứng trên 5 con lăn đó, nó sẽ ngã mất! Tại sao họ dám liều với con chị thế!

Nhưng Minh đã đứng thăng bằng trên 5 con lăn. Chưa hết, người ta còn đưa cho cậu 8 quả bóng tennis, và một chai nước đội trên đầu. Người cậu lắc lư, cậu tung bóng, mặt ngửa lên giữ thăng bằng chai nước. Hà nín thở nhìn đôi chân thiếu niên trên tấm ván gỗ, lạy trời hãy giữ cho tấm ván thăng bằng. Chị không thể quan sát được thiếu niên làm gì với bóng và chai nước nữa, nỗi sợ khiến chị xây xẩm mặt mày.

Tràng pháo tay nổ khán phòng khiến Hà bừng tỉnh. Hình như cậu thiếu niên đã nhảy xuống sàn sân khấu và đang tươi cười, người ta đang choàng lên vai cậu vòng hoa nguyệt quế, tay cậu giơ cao biểu tượng kỷ lục gia. Và người ta xướng tên cậu:

- Hoàng Bình Minh – Kỷ lục gia Việt Nam năm 2017, kỷ lục gia trẻ tuổi nhất đứng thăng bằng trên 5 con lăn, đội chai nước, tung 8 bóng trong thời gian lâu nhất!

Tai Hà ù đi. Chị thấy chồng chị lặng lẽ nắm chặt tay chị. Hình như anh ấy khóc. Người ta ào lên tặng hoa con trai anh chị. Truyền hình phỏng vấn:

- Trong phút giây vinh quang này, Minh muốn nói điều gì nhất?

- Con… muốn cảm ơn… mẹ Hà, bố Huy và cô giáo Ngọc ạ!

Hà trào nước mắt, họng chị nghẹn ứ. Cuối cùng thì sau bao nhiêu đắng cay, thử thách, vợ chồng và con trai chị đã có được phút giây đẹp đẽ này. Chị cứ ngồi lặng khóc như vậy, không thể bước lên sân khấu mà ôm con trai, giờ đây đã trở thành thần tượng của biết bao thiếu niên. Chị chỉ sợ đây là một giấc mơ mà thôi.

- Con mời mẹ Hà uống nước ạ! – Minh nhoẻn cười với mẹ.

- Ô, thế nước của mẹ đâu? – Hà ngạc nhiên khi thấy hai tay con trai không cầm một vật gì.

- Nước của mẹ đây! – Minh nhún người xuống trước mặt mẹ, để mẹ cậu nhìn thấy ly nước trên đầu cậu.

- A, mẹ cảm ơn con! – Hà vừa hạnh phúc, vừa ngạc nhiên và vui vui trước cách mời nước độc đáo của con trai. Nó không đưa ly nước bằng tay như bình thường, mà đội ly nước trên đầu. Đúng là thông minh quá! Đúng là một diễn viên xiếc thực thụ.

- Trong ngôn ngữ xiếc, Minh là người có tài “phân thân” đấy chị ạ - cô giáo Ngọc tự hào nói – từ phần thắt lưng trở lên, con có độ dẻo và khéo léo kỳ tài. Chính vì vậy mà sau một thời gian rèn luyện không lâu, con có thể kết hợp ba kỹ năng khó và vượt qua cả những diễn viên xiếc chuyên nghiệp giỏi nhất như chị thấy trong hôm trao danh hiệu kỷ lục gia.

- Đó là nhờ công lao của cô Ngọc và các giáo viên của cơ sở, vợ chồng tôi đời đời kiếp kiếp biết ơn các cô, các thầy. – Hà nói – Như đã trao đổi trước với cô qua điện thoại, hôm nay vợ chồng tôi muốn đón cháu Minh về nhà hẳn. Vợ chồng tôi mới đầu tư mở rộng trung tâm can thiệp trẻ tự kỷ Bình Minh, với sự tiến bộ của cháu bây giờ, cháu sẽ cùng tôi hỗ trợ để giúp nhiều trẻ tự kỷ cũng được tiến bộ như cháu.

- Thực ra, cơ sở chúng tôi cũng rất muốn Minh ở lại đây. Cháu đang là ngôi sao, là tấm gương và tạo động lực cho các bạn khác phấn đấu. – Cô Ngọc chợt trầm giọng xuống – Nhưng quyền đón cháu về là của anh chị. Sau này, có ca nào khó, chị có thể phối hợp với chúng tôi.

Hà và Huy đưa con về nhà. Lẽ ra phải vui mừng, thì lòng họ lại nặng trĩu. Có cảm giác như họ vừa phủi tay với cô giáo Ngọc.

Xe taxi nặng nề trườn đi, trồi lên sụt xuống trên đoạn đường đang sửa. Trên xe taxi, cậu bé Minh cứ ngoái lại nhìn hút theo bóng cô giáo Ngọc. Minh thấy những giọt nước mắt long lanh trên khóe mắt cô. Trong đầu cậu hiện lên một loạt hình ảnh như thước phim quay chậm: cô khóc và rối xít xoa vết bầm dập vì cậu chạy vấp ngã, cô khóc khi cậu hất đổ cả mâm cơm cô vừa dọn ra cho cậu, nước mắt cô rơm rớm khi đêm khuya cậu tỉnh dậy trong cơn sốt nóng li bì, húp thìa cháo cô bón… Minh muốn vùng lên, lao như tên bắn về phía cô giáo Ngọc, nhưng chiếc taxi đã cầm tù cậu. Người cậu rung lên trong tiếng khóc nén, nước mắt tuôn ròng ròng trên má, rớt xuống tấm áo phông đỏ chói, như những giọt nhựa đen. Hình dáng cô Ngọc nhòe đi…

Bởi, đó mới chính là người mẹ sinh ra một kỷ lục gia.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Công đức phóng sinh và sám hội giúp thân tâm an lạc

Góc nhìn Phật tử 13:13 29/03/2024

Em bây giờ quyết tâm tu hành tha thiết và hễ có cơ hội thì em đều khuyên người phát tâm trường chay, phóng sinh, niệm Phật, phát nguyện cầu sanh Tây Phương Cực lạc.

Ngọn rau quê mẹ

Góc nhìn Phật tử 10:15 29/03/2024

Thị thành rau nhiều vô kể. Từ khắp nơi đổ về những cọng rau xanh um, non mượt, ú nu khoe dáng trong những khu chợ đông người. Loại nào cũng làm người ta mê mắt, nhìn là muốn mua về trổ tài nấu nướng cho cả nhà dùng.

Nhập thất: Nhất tâm, lộ trình sơ thiền (5)

Góc nhìn Phật tử 17:30 28/03/2024

Tôi đề cập vấn đề này nhiều lần mà có vẻ như chưa đủ. Hai chữ nhất tâm nó có thể quyết định toàn bộ con đường tu tập, cả về phương pháp luận về các pháp hành mà Đức Phật đã chỉ ra.

Người trồng nụ cười

Góc nhìn Phật tử 10:51 28/03/2024

Thoáng chốc đã hai năm nó gặp Thầy! Người đã thay đổi cuộc đời nó. Từ một cô bé vô tư, ngây ngô, chỉ biết ở chùa cho vui, làm công quả để kiếp sau bớt khổ. Đó là nó nghe được từ các cô, các bà chứ đôi mươi thì nào biết gì.

Xem thêm