Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 17/01/2017, 17:11 PM

Nghị lực của thầy giáo tật nguyền

Vượt qua nhiều km đường bãi bồi ven biển, tôi mới tìm đến được khu đất mới, nơi thầy Đào Thanh Hương - giáo viên trường Trung học Cơ sở Đa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa sinh sống. Năm nay, Thầy Hương bước sang tuổi 35 với 10 năm tuổi Đảng. Anh mang trong người di chứng chất độc da cam, thiếu hai bàn chân và một bàn tay. 

Tuy vậy 5 năm liền, anh đều là giáo viên dạy giỏi cấp Huyện với hơn 30 học sinh giỏi các cấp, đạt danh hiệu “Gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Thanh”; Gương “Điển hình học tập và làm theo lời Bác” với nhiều lần được khen thưởng. Hàng ngày, cùng vợ là Trần Thị Hương - đồng nghiệp vượt lên số phận và "viết" tiếp chuyện tình về gia đình hạnh phúc. 
 
Không bàn chân vẫn tập xe đi học

Căn nhà cấp bốn tuềnh toàng, toàn sách là sách. Anh kể cho tôi nghe câu chuyện cuộc đời mình đôi khi lóe lên niềm vui trong triền miên bất hạnh...

Ngày ấy, bố anh đi bộ đội biền biệt nhiều năm, hết vào Nam lại ra Bắc, hết chiến trường B lại lên biên giới. Khi đất nước thống nhất, được một năm thì Hương ra đời. Giây phút hạnh phúc mà bố mẹ và họ hàng chờ cũng đã đến. Nhưng chao ôi! Đau đớn! Bố anh lặng đi, còn người sản phụ ấy ngất đi, tỉnh lại bên cạnh hài nhi nhỏ bé tật nguyền. 

Năm tháng qua đi, Hương vẫn thế, thiếu một bàn tay, hai bàn chân, thân hình quặt quẹo. Em hồn nhiên lớn lên trước mọi người, bắt đầu lê la cầm giầy dép ướm thử vào chân mình và đòi cha mua cho đôi dép vừa chân. “Lúc đó tôi đau lòng lắm, chỉ con biết nuốt nước mắt và động viên con cho nguôi ngoai đi thôi chứ chẳng biết nói thế nào với con.” – Bố Hương tâm sự.

Cậu bé tật nguyền ấy cũng mon men dần đến bậc thềm, kệ cửa trước niềm vui sướng của bố mẹ. Cậu thích đi học, đòi mẹ bằng được cho đi học mẹ không đồng ý, nhiều lần phải trốn con hoặc nói dối cho qua chuyện nhưng lòng quyết tâm, sự cố gắng của Hương buộc cha mẹ cũng phải chiều theo. May thay, Hương lại ham học và khá thông minh làm bạn bè, thầy cô ngạc nhiên. Trong tiềm thức của bà con lối xóm, em là đứa trẻ “sáng dạ” và là gương để họ khuyên răn con cái.

Lên cấp 3 trường huyện, cách nhà 18 km (cả đi và về), mọi người đã nghĩ đến chuyện buộc em thôi học: "Người thế kia, có đi học cũng đâu làm được gì, chỉ làm khổ người khác thôi".

Biết được khó khăn không dễ khắc phục em rất buồn, nhiều hôm chẳng thiết ăn uống gì cả chỉ nghĩ đến việc được đi học thôi. Hương năn nỉ bố mẹ cho đi học, rồi quyết định tập xe và tự đi xe đạp đến trường giống các bạn. Nhưng thật khó, chân không có bàn như cái que rào thế kia, chỉ với một tay gầy yếu, làm sao đi được. Thấy con quyết tâm nên bố mẹ cũng không nỡ từ chối. Hai cha con bắt đầu tập xe đạp...

Con đường đất cát đâm ra hướng biển, chốc chốc trong cơn gió từ hướng đông thổi tới cuốn theo bụi mù mịt, làm quần áo nhuốm màu đất cát cùng hơi mặn chát  mang theo từ phía biển. Ngày mưa cũng vậy, hai cha con mải miết sớm trưa, có lúc cha mệt nhưng thấy con hăng say nên thương con ông cũng chiều lòng, có lần cả cha và con ngã dúi dụi xuống đường, trầy xước chân tay, máu chảy loang cả ống quần. Thấy con đau, lòng người cha quặn thắt lại, ông cũng đau lắm như chính thịt da mình vậy. Thương con, ông nghĩ đến chuyện dừng lại, tính cách khác, nhưng Hương không chịu.

Cứ thế, 5 tháng sau Hương có thể tự đi xe đạp được. Có hôm, mọi người trong nhà thấy Hương đi học về, trời đã xẩm tối, người bùn be bét. Cha mẹ ứa nước mắt, nhưng rồi cũng kịp giấu nỗi đau để động viên con. Hương học giỏi, lại yêu thích văn chương. Năm 1991, em đoạt giải Ba cuộc thi thơ văn của báo Hoa học trò tổ chức.

Mùa thi của Hương cũng đến, các bạn đăng ký trường này, trường khác. Thấy vậy, anh cũng buồn, ước mơ trở thành giáo viên dạy văn liệu có thành hiện thực? Anh làm hồ sơ thi khoa Sư phạm Văn - Trường Đại học Hồng Đức. Nhiều ngày miệt mài ôn luyện thi cử cuối cùng may mắn cũng đã đến, anh có giấy báo trúng tuyển. Người cha ôm đứa con lọt thỏm vào lòng trong sự sung sướng. Hai cha con đến trường làm thủ tục nhập học, nhưng tiếc thay niềm vui chưa được bao lâu thì hay tin nhà trường thông báo thí sinh Đào Thanh Hương không đủ điều kiện sức khỏe để học tập. Nhà trường không nhận hồ sơ trúng tuyển này. “Khi đó tâm trạng tôi thực sự hoang mang, buồn chán, cảm tưởng như màu đen u ám phủ kín cuộc đời mình vậy, hai cha con đành thui thủi về nhà” – Hương tâm sự.

Vậy là ước mơ làm thầy giáo dường như đã bị thui chột mất. Cha con anh làm đơn trình bày nguyện vọng gửi Trường Đại học Hồng Đức với mong muốn được đi học để lấy kiến thức. Nỗi khổ tâm của cha con người cựu binh da cam này đã thấu đến các cán bộ giáo dục tỉnh nhà. Hương được là sinh viên, quá trình học anh luôn chăm chỉ, nỗ lực hết mình với mong muốn lấy kiến thức hy vọng thực hiện ước mơ của mình và đền đáp  công ơn của cha mẹ. Anh năng nổ tham ra các công tác đoàn của trường, là tình nguyện viên dạy các lớp tình thương ở thành phố Thanh Hóa. Ham học, học giỏi nên Hương được công nhận là sinh viên chính thức, đoạt học bổng và tốt nghiệp xuất sắc ra trường.

Chuỗi ngày éo le của chàng trai tật nguyền cũng phần nào vơi đi. Đó là minh chứng cho nghị lực, sự cố gắng vươn lên vượt khó để đạt được ước mơ của mình. Nhiều năm liền anh là giáo viên dạy giỏi của huyện nhà, có nhiều sáng kiến dạy học, có nhiều học sinh giỏi, một cán bộ Đoàn xuất sắc nhiều năm, một đảng viên gương mẫu...

Chuyện tình hiếm thấy.

Đến nhà thầy giáo Đào Thanh Hương mưa vừa ngớt hạt, cũng là lúc chiếc xe gắn máy ậm ạch, gầm gừ đưa vợ chồng thầy Hương về nhà. Người vợ trẻ biết nhà mình có khách liền vội vàng chống xe đon đả cùng chồng mời khách vào nhà. Chẳng hiểu từ bao giờ, chúng tôi có cảm giác thân thiện giữa chủ nhà với khách như người đã quen biết nhau. Người vợ trẻ miệng mời khách ngồi, tay nhanh nhảu lấy tách pha trà. “Gặp mưa lạnh, các anh uống cốc nước trà cho ấm bụng”.

Căn nhà nhỏ đơn sơ nhưng được bài trí khá ngăn nắp, hàng giấy khen về thành tích giảng dạy và những nỗ lực vươn lên của anh. Nơi làm việc cũng vậy, chỉ toàn là sách. Khung cảnh cho thấy được sự khéo léo của bàn tay người vợ trong cuộc sống gia đình hạnh phúc. Ngồi trò chuyện anh vui vẻ kể tiếp cho tôi nghe về chuyện tình lãng mạn nhưng cũng đầy nước mắt, một chuyện tình hiếm thấy, một lần nữa khẳng định sự nỗ lực của chàng trai tật nguyền ở vùng biển xứ Thanh này.

Thầy Hương được phân công giảng dạy tại quê nhà, đó là một điều may mắn khi được phục vụ quê hương. Ngày ngày miệt mài bên chồng giáo án và những đứa học trò ngây thơ có cái nhìn dò xét, xoáy sâu vào nỗi đau của anh. Con đường từ trường về nhà không xa lắm nhưng chưa mưa đã lầy lội vừa nắng đã bụi mù, thật khó với việc đi lại của anh. Hôm ấy, tan trường, thầy Hương một mình lịch kịch chiếc xe đạp ra về, bỗng cơn dông từ cuối bể ập đến. Với anh, tình huống ấy thật éo le!

Từ trong quán nước ven đường có một người con gái chạy lại gần, chị đỡ anh từ đám bùn lầy lội lên đưa vào nơi trú ẩn. Hương còn nhớ như in cái buổi chiều ấy, anh vừa ngượng, vừa tủi thân, nhưng cũng thấy được hơi ấm từ vòng tay, lồng ngực của người con gái. Cuộc gặp gỡ nhanh chóng như cơn dông mùa hạ, anh chỉ biết người con gái ấy trùng tên với mình. Đến bây giờ khi là vợ chồng của nhau, chị Hương vẫn không sao quên được những kỷ niệm. Chị cũng không lý giải nổi tình cảm của mình nữa. Ngày ấy, chị là sinh viên sư phạm năm cuối. Một ngày hè năm 2003, khi chị đi thực tập chuyên đề tại trường huyện, thấy một thanh niên khuyết tật, chị tò mò, hết nhìn rồi lại hỏi thăm. Chị ngờ ngợ mình đã gặp ở đâu đó. Mãi tới khi biết anh là giáo viên đến từ trường Đa Lộc để tập huấn sách giáo khoa mới thì chị mới vỡ lẽ ra, trầm trồ thán phục.

Mình thử đến làm quen xem sao, trông ngồ ngộ. Cuộc "chạm mặt" lần thứ hai như một nút thắt của cuộc tình ly kỳ, oái ăm này. Thì ra họ đã quen nhau từ buổi chiều mưa dông hôm nào. Đến mùa đông năm 2003, xui khiến thế nào chị lại được nhận công tác tại trường anh. Và một lần nữa, họ trở thành đồng nghiệp. Cô giáo viên trẻ đẹp người thị trấn là ước mơ của bao chàng trai khác. Còn anh?! Thật là lạ! Tình yêu chỉ vậy thôi mà nó làm nên những điều kỳ diệu. Biển quê hương và những rặng lao xanh vi vút thắp lên trong hai trái tim trẻ những dự định sự nghiệp và tình yêu...  
Anh Đào Thanh Hương cùng hai con
Họ đã vượt qua tất cả, sự dị nghị của người đời, gia đình ngăn cản... Trải bao sóng gió, hơn một năm sau ngày đặt vấn đề, giải thích hết cách này đến cách khác, cuối cùng họ đã tiến lại gần nhau, yêu nhau và trở thành vợ chồng. Anh chị liên tiếp đạt những thành công trong sự nghiệp...

Bây giờ, tôi có cái gì cũng nhỏ: "Một người vợ nhỏ, một đứa con nhỏ, một ngôi nhà nhỏ. Mỗi ngày đặt đôi bàn chân nhỏ bé trên đất, tôi thấy cuộc sống thật ý nghĩa ngay dưới chân mình. Chiến thắng được nỗi đau và khiếm khuyết của riêng mình là điều khó khăn nhất" - Anh thổ lộ. 

Tôi nhìn sâu vào trong mắt anh, cảm nhận thật rõ được rằng anh đang thực sự hạnh phúc. Trong ánh mắt ấy cũng dấu đi niềm đau riêng. Không gượng hỏi, song qua câu chuyện tôi biết, anh đang nỗ lực hết sức để vun đắp cho hạnh phúc của mình. Anh thương chị vất vả chủ lực cầm lái con thuyền hạnh phúc gia đình, mà trên con thuyền ấy có thể một lúc nào đó lại không còn anh nữa... 

Cuộc đời vốn không giản đơn với bất kì ai, kể cả người như anh, nhưng tôi tin vào những điều tốt đẹp... 

Huy Thủy 
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Chuyện tử tế: Trụ trì chùa chăm lo cho hơn 1.000 sinh viên nghèo

Gieo mầm thiện 14:25 18/04/2024

Suốt 27 năm qua, Thượng tọa Lý Hùng, trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây (P.An Cư, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), đã chăm lo việc học cho hơn 1.000 sinh viên nghèo là con em đồng bào Khmer khắp miền Tây.

10 năm 'vác tù và hàng tổng' của ông chủ thư viện làng

Gieo mầm thiện 09:20 15/04/2024

Trong phòng khách nhà mình, năm 2013, Phùng Bá Hưng thành lập Thư viện Dương Liễu, ban đầu chỉ có một bộ bàn ghế và vài giá sách.

Bánh mỳ 0 đồng dành cho người nghèo và người khuyết tật

Gieo mầm thiện 16:55 13/04/2024

Từ nhiều năm nay, đều đặn mỗi sáng, tủ bánh mì 0 đồng tại địa chỉ 296 đường Thống Nhất (TP. Nha Trang) phục vụ cả trăm ổ bánh mì cho những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Nha Trang. Tuy trị giá mỗi ổ bánh mì không lớn nhưng chứa đựng tình cảm ấm áp của người cho.

Ni sư Thích Nữ Tâm Nguyệt trao hơn 600 triệu đồng cho người nghèo Thừa Thiên-Huế

Gieo mầm thiện 21:54 10/04/2024

Vừa qua, ni sư Thích Nữ Tâm Nguyệt (trụ trì chùa Phổ Hiền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cùng đoàn thiện nguyện mang hơn 600 phần quà nghĩa tình từ miền Nam trao cho người nghèo tại Thừa Thiên-Huế.

Xem thêm