Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 18/11/2012, 14:44 PM

Ngôi cổ tự gắn với câu chuyện Huyền Trân công chúa

Chùa Diệu Giác, tên dân gian là chùa Phú Lộc, toạ lạc tại thôn Phú Lộc, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi hơn 20 km về phía bắc, áp sát phía tây Quốc lộ 1.

Đây là một trong những ngôi cổ tự được xây dựng sớm nhất và có vai trò đáng kể trong lịch sử hoằng dương Phật giáo ở Quảng Ngãi.

 
Buổi ban đầu chùa có tên là Viên Tông tự, được chúa Nguyễn Phúc Khoát ban biển ngạch Sắc tứ vào ngày mùng 8 tháng 6 năm Giáp Tuất- 1754, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 15, triều vua Lê Hiển Tông. Năm Thiệu Trị nguyên niên (Tân Sửu- 1841) chùa đổi tên là Diệu Giác tự vì kỵ huý tên nhà vua -Nguyễn Phúc Miên Tông.

 
Tam quan Diệu Giác tự
Tam quan Diệu Giác tự
 


Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, chép:

 
“Chùa Diệu Giác ở huyện Bình Sơn, chùa dựng trên gò cao, trước mặt trông ra hồ lớn nhỏ. Hồi đầu bản triều có sắc cho tên là Viên Tông, quy mô rộng rãi, sau trải qua loạn lạc, chùa bị tàn phá, đến lúc đại định, các tăng đồ mới tu bổ lại.


 
Từ đấy đèn hương rất thịnh. Năm Thiệu Trị thứ nhứt (1841) đổi tên là chùa Diệu Giác, năm thứ 5 người địa phương trùng tu, nhà cửa sạch sẽ rộng rãi, giới luật trang nghiêm, nhiều người đến lễ và xin thẻ”(1).


 
Hiện chưa tìm thấy tài liệu nào khả dĩ giúp dẫn viện đích xác năm dựng chùa. Có ý kiến dựa vào truyền thuyết dân gian cho rằng chùa được kiến tạo vào năm Bính Ngọ -1666 và gắn với câu chuyện Huyền Trân công chúa (con gái vua Trần Nhân Tông) trên đường vào kinh đô Chà Bàn của nước Chiêm Thành để làm vợ Chiêm vương Chế Mân (1306) có dừng chân lại nơi này.


 
Hoành phi Diệu Giác tự
Hoành phi Diệu Giác tự



Chuyện cũ đã lùi xa vào dĩ vãng, thật khó để truy nguyên sự thật, song hiện nay trong khuôn viên nhà chùa có một am nhỏ nằm chếch về phía nam chính điện thờ nàng công chúa nhà Trần số phận long đong, nhưng cũng là một bậc nữ nhi lá ngọc cành vàng dốc lòng vì nước.


 
Một số văn bản chữ Hán đã được Hoà Thượng An Thắng phiên dịch ra Quốc ngữ (hiện do cư sỹ Tâm Nhạc Nguyễn Hồng Khanh lưu giữ) cho biết, từ năm 1841 (Thiệu Trị nguyên niên) đến năm 1848 (Tự Đức năm thứ 2) chùa Diệu Giác có 3 lần trùng tu Đại Hùng bửu điện, cải danh biển ngạch, đắp tượng, bồi tháp vào các năm 1841, 1845, 1848.


 
Từ đó cho đến nay (2012) nhà chùa lại trải qua 3 lần trùng tu vào các năm 1959 (bồi tháp), 1974 (sửa chữa lớn) và 2010 – 2012 (sửa chữa lớn, chỉnh trang khuôn viên và mở rộng quy mô các công trình tu tập).


 
Kiến trúc ngôi chùa hiện nay so với trước đã có nhiều thay đổi. Tuy vậy, sự tôn nghiêm, cổ kính trong nội viện và cảnh trí phong quang của một ngôi cổ tự vẫn là những nét đặc trưng mà Diệu Giác tự vẫn còn lưu giữ đến ngày nay.


 
Theo lời truyền lại, xưa kia chùa được xây dựng theo kiểu chữ Tam, có 2 tầng mái chồng diêm, bốn góc uốn cong gắn đầu phụng. Năm Tự Đức thứ hai – 1848 xây thêm bảo tháp Quán thế âm ở sân chùa. Nội thất ngôi chùa khá uy nghi, gian chính điện có bức hoành phi sơn son dát đồng.


 
Do tác động khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết và bom đạn chiến tranh lại thêm tình trạng không có sư trụ trì trông coi trong một thời gian khá dài nên nhà chùa nhiều lần bị hư hại phải sửa chữa, trùng tu nhờ vào công sức chủ yếu của cư dân địa phương, trong đó có không ít trường hợp chỉ là cấp thời nhằm tránh cho các công trình khỏi sụp đổ.


 
Vì vậy, sự thay đổi vóc dáng ban đầu của ngôi chùa và tình trạng chắp vá, tạm bợ trong việc sửa chữa ở một vài đơn nguyên kiến trúc là khó tránh khỏi. Cũng vì hoàn cảnh như vậy mà kinh sách, khí vật của nhà chùa cũng bị suy suyển đáng kể.


 
Nhờ vào sự thành tâm của nhiều tăng ni, phật tử và dân chúng trong vùng nên sau bao nhiêu biến thiên, đến nay nhà chùa vẫn còn giữ được một số khí vật giá trị. Trong số đó, đáng chú ý là một khánh đồng, một tiểu hồng chung và một đại hồng chung đều có khắc 5 chữ Hán 勅 賜圓 宗 寺 (Sắc tứ Viên Tông Tự).


 
Trên thân đại hồng chung có dòng chữ Hán “Tuế tại Ất sửu niên, lục ngoạt, thập ngũ nhựt” (ngày rằm tháng 6 năm Ất Sửu). Vì đại hồng chung nầy do Hòa thượng Quảng Độ (1739 – 1811) chú tạo, nên Ất Sửu ở đây, theo tây lịch chính là năm 1885 (PL 2.399), niên hiệu Gia Long thứ 4.


Chùa hiện nay có kiến trúc tổng thể hình chữ khẩu 口. Từ tam quan đi vào chừng hơn 50 mét là Đại hùng bửu điện. Đây là ngôi nhà chính, khang trang, bề thế, với 4 cột ở trung tâm kết hợp cột gạch và vách ứng lực đỡ 2 vì kèo trụ chồng chày cối, đầu lắp cánh dơi.


 
Qua bàn thờ niệm hương ở tiền đường là đến chánh điện. Tại đây, ở nơi cao nhất treo bức hoành phi có 3 chữ đại tự 妙 覺 寺 (Diệu Giác tự). Điện thờ Phật uy nghi, trên bậc cao là tượng Tam thế Phật, ở giữa là tượng Phật A di đà hào quang rạng rỡ phía sau đầu, bên trái của ngài là tượng Bồ tát Quán thế âm, bên phải là tượng Bồ tát Đại thế chí. Cả 3 pho tượng đều ở tư thế đứng.


 
Bên dưới, ở trung tâm là tượng Phật Thích ca mâu ni trong thế toạ thiền, tay phải cầm đoá sen giơ lên. Hàng dưới cùng có tượng Thích ca mâu ni lúc sơ sinh, gợi chuyện lúc ngài giáng sinh có chín con rồng xuống phun nước cho ngài tắm, đoạn ngài bước đi bảy bước, mỗi bước dưới chân nở một đoá sen, một tay của ngài chỉ lên trời, tay kia chỉ xuống đất mà nói rằng: "Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn!” 天  上 天 下 惟 我  獨 尊 (Trên trời, dưới trời, duy chi có ta là quí hơn cả)(2).


 
Trung tâm hậu điện là bàn thờ thiết đặt long vị các tổ sư, trụ trì đã viên tịch, phía trên có tượng Đạt ma tổ sư. Cạnh đó, ở bậc thấp hơn là bàn thờ các Phật tử và những người quá vãng theo di nguyện hoặc được người thân gởi nương tựa cửa chùa.


 
Ngoài ra, trong nội điện còn có bàn thờ chư thiên bồ tát, hộ pháp cùng các vị nhân thần theo truyền thuyết đã giác ngộ Phật pháp. Phía sau gian nhà chính là nhà tổ, nhà khách và nhà trù nằm giăng ngang.


 
Trong khuôn viên chùa Diệu Giác, ngoài miếu thờ công chúa Huyền Trân, (thường gọi là công chúa Hồng Hoa), còn có 3 ngôi mộ tháp, xây bằng đá ong, gạch đất nung và tam hợp chất. Đây là nơi gìn giữ pháp thân của Viên Tông toạ chủ Chiêu công (trụ trì đời thứ 1), Giám viện Đỗ Đại sư (đời thứ 2) và Quảng Độ Nguyễn Hoà thượng (đời thứ 5).


 
 Am thờ Huyền Trân công chúa
Am thờ Huyền Trân công chúa



Hằng năm, ngoài những ngày lễ, vía theo nghi lễ chung của nhà Phật, chùa Diệu Giác lấy ngày viên tịch của Hoà thượng Quảng Độ (17 tháng 9 âm lịch) làm ngày hiệp kỵ các vị tổ sư, trụ trì và tăng chúng. Những năm gần đây, vào các dịp lễ trọng của Phật giáo và ngày hiệp kỵ, phật tử cùng khách thập phương về dự khá đông đúc, làm sống lại cảnh chùa thời hưng thịnh từng được Quốc sử quán nhà Nguyễn ghi nhận.


 
Chuông đồng
Chuông đồng


Một trong những đặc điểm trong lịch sử chùa Diệu Giác là các nhà sư trụ trì qua các đời thuộc nhiều thiền phái khác nhau (Thiên Đồng, Mộc Trần Đạo Mân, Thiệt Diệu Liễu Quán, Minh Châu Hương Hải, Minh Hải Pháp Bảo…) nhưng vẫn duy trì nghiêm ngặt giáo pháp, gìn giữ mối tương thân huynh đệ cùng tôn chỉ hoằng độ chúng sanh.

 
Mặc khác, đây cũng là ngôi chùa mà sự gắn bó với người dân quanh vùng rất sâu nặng, thể hiện qua việc nhiều lần lý hương làng Phú Lộc đứng đơn khấu trình triều đình xin trùng tu, tôn tạo; nội dung các câu đối gắn bó tên chùa và tên làng; một số công trình trùng tu còn văn bia ghi rõ công lao đóng góp của dân chúng.

 
Suốt thời gian khá dài không có sư trụ trì, việc hương khói thường nhật và các dịp lễ cùng việc gìn giữ ngôi chùa là do phật tử và dân cư quanh vùng đảm nhận. Điều này thêm một lần nữa cho thấy tín ngưỡng Phật giáo sâu nặng tư tưởng hoà đồng, khoan dung, gắn bó sâu đậm và trở thành một bộ phận hữu cơ của nền văn hoá Việt.

 
Chùa sắc tứ Diệu Giác đã được Bộ Văn hoá Thông tin, nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hoá quốc gia, tại Quyết định số 06/QĐ-VH ngày 13/4/2000.


Theo Báo Quảng Ngãi
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Ngôi chùa cổ kính giữa biển khơi

Chùa Việt 11:20 27/03/2024

Linh Quang tự nằm trên một ngọn đồi cao ở thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh, là ngôi chùa đầu tiên trên đảo Phú Quý, gắn chặt với đời sống văn hóa tín ngưỡng và tâm linh của các thế hệ người dân trên đảo.

Tìm về ngôi chùa cổ xưa bậc nhất TP. HCM

Chùa Việt 18:50 24/03/2024

Tọa lạc trên đường Đặng Văn Bi, thành phố Thủ Đức, chùa Huê Nghiêm (còn gọi là Huê Nghiêm cổ tự) là ngôi chùa lâu đời bậc nhất ở TPHCM, do Thiền sư Thiệt Thoại – Tánh Tường lập vào thế kỷ 18.

Viếng chùa Tân Chánh

Chùa Việt 17:35 23/03/2024

Chùa Tân Chánh toạ lạc trên diện tích khoảng 3.300m2 thuộc tổ 3 thôn Phú Lộc Đông, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà.

Thiền Viện Trúc Lâm Phú Yên, nơi tĩnh lặng và bình yên trên Cao nguyên Vân Hòa

Chùa Việt 11:00 21/03/2024

Được xây dựng trên Cao nguyên Vân Hòa, Thiền Viện Trúc Lâm Phú Yên trở thành điểm đến của nhiều Tăng Ni Phật tử cùng du khách, nơi tất cả được hòa mình vào thiên nhiên, tìm kiếm sự tĩnh lặng và yên bình trong tâm hồn.

Xem thêm