Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Người bạn ấy - Vị Bụt tương lai

Người bạn ấy có cái tên rất kêu: Võ Thiếu Nam. Nam là đứa bạn thân thời thơ ấu của tôi. Ở cùng xóm, cách nhau vài nhà nên ngày nào Nam và tôi cũng gặp nhau kể cả ngày nghỉ học để cùng trao đổi bài vở.

Tuy chúng tôi chơi thân với nhau trong tình cảm bạn bè nhưng tính nết của hai đứa đối nghịch với nhau theo lời phê trong học bạ của giáo viên chủ nhiệm: Tôi, chăm ngoan, hiền lành; còn Nam thì ngược lại, học ở mức trung bình nhưng rất hiếu động. Tôi không quan tâm đến việc học yếu kém của bạn, đối với tôi, Nam vẫn là người bạn tốt, biết bảo vệ giúp đỡ bạn bè, luôn đứng về phía phái yếu để bênh vực mỗi khi bị bọn trẻ trong xóm bắt nạt. 

Tuy Nam rất nghịch ngợm ở lớp nhưng là cái nghịch ngợm tuổi thơ “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” có thể chấp nhận được. Khi về nhà thì Nam vẫn là đứa trẻ đàng hoàng trong xóm, biết kính trên nhường dưới trong cái tình làng nghĩa xóm, nên mọi người rất quý mến Nam.

Lắm lúc tôi suy nghĩ, tại sao khi sinh hoạt trong đoàn thể GĐPT thì Nam tỏ ra là một đoàn sinh phật tử thông minh lanh lẹ và tháo vát, nhưng khi đến trường thì ngược lại, như có điều gì làm cản trở khiến sức học của Nam trở nên như vậy, ắt hẳn cũng phải có lý do?
Ảnh minh họa
Nhưng cho dù là lý do gì đi nữa thì Nam cũng cần phải siêng năng hơn nữa mới có thể vươn tới đỉnh cao, chí ít cũng phải tốt nghiệp một trường đại học hay cao đẳng nào đó để kiếm việc làm tự nuôi sống bản thân. Nhiều khi tôi muốn đưa ra một vài câu hỏi xem Nam có ước mơ gì cho tương lai:

“Lớn lên Nam thích làm nghề gì ?”

Nam ngập ngừng rất lâu mới có câu trả lời:

“Chưa biết trước chuyện ngày mai…hihihi!”

Nam cười một cách thoải mái với câu trả lời lấp lửng, tôi không dám tiếp tục xoáy sâu vào câu hỏi như thế vì sợ bạn không vui.

Thời gian thấm thoát trôi qua, tôi và Nam lớn lên trong cái xóm nhỏ này và trở thành một cặp bạn thân thiết như hình với bóng, có chuyện gì Nam đều tâm sự với tôi,  tôi bỗng nhiên trở thành vị quân sư của Nam trong mọi việc. Nam rất tin tưởng tôi, và ngược lại, tôi cũng thế, rất tin tưởng Nam vì Nam chưa bao giờ nói dối và nói xấu ai cả.

Rồi một ngày mùa đông đến, chúng tôi mới thi học thì lớp 11 xong, trên đường đi học về tôi thấy Nam có vẻ mặt buồn khác lạ, tôi tưởng Nam không làm được bài nên tôi hỏi:

“Nam có chuyện gì buồn hả? Làm bài không được hay sao ?”

“Không phải, Nam… muốn đi tu.”

Rất ngạc nhiên khi nghe Nam nói câu này. Chủ nhật hàng tuần, chúng tôi đi chùa sinh hoạt GĐPT đều đặn là chỉ để tu tập thành người tốt, chưa khi nào nghe Nam nói đến việc đi tu, bỗng nhiên người bạn thân thiết của tôi làm cho tôi hết sức bất ngờ:

“Sao ! Muốn đi tu thiệt hả ? Từ hồi đến giờ đâu nghe nói gì ? Bạn nói giỡn hả ?”

“Nói thiệt luôn đó ! Nam đã suy nghĩ kĩ rồi. Tự nhiên Nam thấy chán cuộc sống này lắm ! Quá vô vị, không có ý nghĩa gì cả, cho nên Nam muốn tìm kiếm con đường giải thoát bản thân.”

Cả hai đứa im lặng trên quảng đường về.

Vài ngày sau Nam tâm sự:

“Khi nghe Nam nói đến ý nguyện đi xuất gia thì mẹ Nam khóc quá trời bởi Nam là con trai độc nhất trong nhà, mẹ quyết liệt từ chối…”

Đúng như vậy, nhà chỉ có ba mẹ con, Nam có một đứa em gái, Nam đi rồi để mẹ ở nhà với đứa em gái bé nhỏ, không đành lòng cho lắm! Nam vốn là một cậu bé rất thương mẹ , nhưng ý nguyện xuất gia quá mãnh liệt không thể cưỡng nổi, cho nên Nam đã cố gắng thuyết phục được mẹ . Nam hớn hở thông báo với tôi:

“Mẹ Nam đã đồng ý, ngày mai Nam đi rồi.”

Té ra, việc liên hệ với ngôi chùa mà Nam muốn đến tu học, Nam đã bí mật lo trước đâu vào đấy cả rồi. Tôi cảm thấy hụt hẫng và hơi buồn một chút vì từ nay trên đường đi học không có ai để trò chuyện. Không sao! Đó là thiện duyên của Nam, tôi đâu có dám ngăn cản, chỉ biết cầu mong cho Nam thực hiện được chí nguyện cao cả của mình. Hóa ra những gì tôi đã từng nghĩ đều không đúng, một người nghịch ngợm như Nam tưởng như không thể đi tu được, cũng có thể biến thành một chú tiểu như thường.

Một ngày cuối đông, trời mưa lất phất, tôi và gia đình tiễn Nam lên tàu vào một ngôi chùa ở thành phố Nha Trang để bắt đầu tu học. Mẹ và em gái Nam không thể ngăn được giọt lệ dâng trào, còn tôi mặc dù rất buồn nhưng cố làm vui bằng nụ cười chia tay, cầu chúc Nam gặp được duyên lành tu hành tinh tấn, theo con đường ánh sáng huyền diệu của Đạo vàng. 

Trên sân ga bỗng xuất hiện người bố dượng của Nam với lời lẻ thô lỗ:

“Sao bà lại để cho thằng Nam đi tu, lấy ai chăm sóc bà khi đêm hôm trở trời hơi gió?”

Ông bố dượng chỉ vào Nam mà mắng: “Mày là đứa con bất hiếu!...Mày là thằng con trai không ra gì…”. Mùi men rượu trong ông đã ngấm khiến ông mắng mẹ con Nam dập dồn… 

Cuối cùng Nam cũng lên tàu ra đi.

Tôi chợt hiểu được nỗi buồn sâu kín của Nam trong lúc này, bố đẻ của Nam đã mất lâu rồi, mẹ Nam đi thêm bước nữa và có cô em gái, nhưng người bố dượng sống với bà vợ chính của ông, lâu lâu ông mới sang nhà Nam, hầu hết đều trong tình trạng say như sáng nay tiễn Nam lên tàu. Nam đã lớn lên trong hoàn cảnh như vậy đó. Thật buồn! Có lẽ đó là một trong những lý do mà Nam chán chường nhất trong thời gian gần đây.

Thời gian đầu làm tiểu, Nam viết bức thư đầu tiên cho tôi:

“Nha Trang chiều đông! Bạn thân mến! Cuộc sống nơi đây còn nhiều mới lạ nhưng dần rồi cũng quen, Nam có một gia đình mới là gia đình Đạo, có một nhà mới là ngôi chùa đẹp, nằm giữa lòng thành phố, có Sư thầy và Sư huynh luôn giúp đỡ và dạy bảo cho Nam. Nếu như bây giờ bạn có gặp Nam trên đường với cái đầu cạo nhẵn chỉ chừa một chõm tóc đằng trước và cái áo nhật bình màu lam rộng thùng thình, thì bạn sẽ không tài nào nhận ra Nam trong bộ dạng này đâu.”

Chúng tôi cứ thư đi tin lại để động viên nhau. Nam bình an trên con đường Đạo, còn tôi bình an trên con đường Đời. Thời gian cứ thế trôi qua, những bức thư thưa dần, bẵng đi 8 năm tưởng chừng như chúng tôi đã quên nhau vì đạo đời cách trở; bỗng dưng một ngày nọ, có một số máy lạ gọi cho tôi, khi cầm máy mới biết đó là Nam. Giọng nói thân quen và ấm áp của Nam ngày nào vọng về, không thể lẫn vào ai được: 

“Bạn đó à! Có nhận ra ai đây không ?”

Cái giọng thân quen ấy dù có lai tiếng Nha Trang chút đỉnh,  nhưng không khó để nhận ra người bạn thân thiết của tôi thời ấu thơ. Nam được sư phụ cho về thăm nhà.Vậy là chúng tôi gặp nhau sau nhiều năm xa cách. Bộ dạng của Nam bây giờ, làm cho tôi suýt nữa tôi không thể nhận ra người bạn học trò bé bỏng ngày xưa của mình. Vóc dáng cao to, chững chạc, nói năng điềm đạm ra dáng một sư thầy trẻ. Nam không còn cái vẻ lì lợm ngày xưa mà thay vào đó là cái uy nghi, ung dung và hiền từ.

Tôi lúng túng không biết phải  xưng hô như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại giữa tôi và “Thầy Nam”. Như thói quen thường lệ hễ gặp một vị thầy hay sư cô là chắp tay vái chào “Mô Phật”, tôi cũng chào Nam như vậy.

Nam kể chuyện rất dài, chặng đường tu học tuy gặp nhiều chướng ngại, nhưng Nam đã vượt qua được; và cái chướng ngại vẫn còn ở phía trước con đường Đạo mà Nam đang tiến bước độ sanh. Có ai ngờ, Nam đã tốt nghiệp cử nhân Học Viện Phật Giáo, Chuyến về thăm nhà ngắn ngủi lần này, khi vào Nam sẽ nhận chức Trụ Trì một ngôi chùa ở ngoại ô thành phố. 

Những tia nắng ấm áp, dịu nhẹ của ngày mới, những nụ hoa khoe sắc thắm, những chú chim non đang hót líu lo, chuyền cành trên cao báo hiệu một ngày tươi đẹp đang tới, lòng tôi rộn vui với một tâm trạng phấn chấn lạ kỳ khi đến chùa lễ Phật cùng người bạn học trò đã trở thành tu sĩ. Tôi hỏi Nam một câu mà tôi đã ấp ủ từ lâu:

“Tại sao Nam đi tu ?”

Nam đáp ngay mà không cần suy nghĩ:

“Mình đầu thai xuống kiếp này là để đi tu! Hihihi!!!…Vậy thôi!”

Tôi nhìn Nam, với ánh mắt kính phục:

“Nam giỏi lắm! Nam hơn mình nhiều lắm!”

Hai chúng tôi một người xuất gia và một người tại gia chừng như đã hiểu nhau , nhìn nhau mỉm cười. Bên ngoài lấp lánh nụ hồng lá non tơ, dịu dàng một nỗi vui hội ngộ. Trong đầu tôi như vẫn còn vang vọng câu trả lời của Nam: 

“Mình đầu thai xuống kiếp này là để đi tu!”

Người bạn ấy sẽ là một vị Bụt tương lai!

Diệu Hiếu/Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 5 năm 2014
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

“Muốn bảo vệ Phật pháp thì tự thân chúng ta phải sống đúng với Chánh pháp”

Phật giáo thường thức 21:45 18/04/2024

Tối ngày 18/4/2024 Thượng tọa Thích Quang Thạnh - Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương GHPGVN đã có buổi chia sẻ chủ đề “Giữ vững Niềm tin” đến với hơn 1.000 Phật tử thành phố quy tụ thính pháp.

Quy y Tam bảo mà không thọ giới được không?

Phật giáo thường thức 16:50 18/04/2024

Hỏi: Tôi có vấn đề muốn hỏi. Quê tôi chưa có chùa, vậy tôi có thể tự quy y Tam bảo ở nhà không? Và khi chưa thể giữ được 5 giới thì vẫn có thể quy y nhưng không thọ giới có được không?

Lấy từ bi làm lẽ sống, lấy trí tuệ làm sự nghiệp

Phật giáo thường thức 10:50 18/04/2024

Từ bi và trí tuệ có mối quan hệ mật thiết với nhau không thể tách rời, là mối quan hệ tương tức. Từ bi là biểu hiện của trí tuệ; trí tuệ nguồn gốc của từ bi, soi sáng từ bi.

Thái độ của Đức Phật với phân biệt đẳng cấp xã hội

Phật giáo thường thức 09:50 18/04/2024

Kinh Veda là một trong những bộ kinh cổ và đồ sộ nhất của nhân loại. Với người Ấn Độ cổ đại, không có gì trong cuộc sống lại không được diễn tả trong kinh Veda.

Xem thêm