Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 13/12/2012, 11:28 AM

Người ông đặc biệt của những đứa trẻ mồ côi

“Ông cúng” - đó là cách bé Sáu (bé Liên) gọi thầy Tuân từ sự nhận thức ngây ngô, đáng yêu mà một em bé 2 tuổi như em thấy được. Trong 7 em bé, dường như Sáu là người quấn quýt thầy Tuân nhất.

Chùa Giữa Đồng (phường Nam Hoà, TX Quảng Yên), đúng như cái tên của nó - được bao bọc bởi ruộng đồng và xóm làng yên ả của đảo Hà Nam, cách TX Quảng Yên chưa đầy 10km. Không chỉ là một ngôi chùa gắn bó với đời sống tâm linh của người dân phường Nam Hoà, chùa Giữa Đồng giờ đây còn là chốn nuôi dưỡng, nương thân của 7 em bé mồ côi.

Có cha mẹ mà vẫn mồ côi

“Cha mẹ các em đều còn sống cả đấy. Các em có phải trẻ mồ côi đâu… Nhưng vì bị bỏ rơi nên em phải thành trẻ mồ côi” - cô Mười, một trong ba người được trụ trì Thích Thanh Tuân tin tưởng giao chăm sóc các em hàng ngày ôm cậu bé nhỏ nhất trong đám trẻ vào lòng, nói giọng buồn bã. Hôm nay chỉ có mình cô ở nhà chăm sóc 5 đứa trẻ chưa đầy 2 tuổi (hai bé lớn nhất đã được gửi vào lớp mẫu giáo của phường) nên cũng khá vất vả. Vừa tất bật lau dọn phòng ở, cô vừa thủ thỉ kể cho chúng tôi nghe hành trình đón các em về với chùa của sư thầy trụ trì Thích Thanh Tuân.

Chỉ vào 2 đứa trẻ đứng cạnh, cô Mười bảo: “Đây là em Sáu, kia là em Bảy. Thầy đều đặt tên rất đẹp và hay cho các em như: Quảng, Trường, Thọ, Thanh, Tâm, Liên, Đại… Nhưng mọi người hay gọi tên theo “thứ tự” được thầy đón về để dễ nhớ hơn!”. 7 đứa trẻ, hai cháu lớn nhất mới lên 3 và được thầy gửi đi học mẫu giáo. 5 đứa bé trên dưới 2 tuổi đều có chung một vóc dáng gầy gầy, nho nhỏ như nhau. Có em được đích thân thầy Tuân lên các bệnh viện trên Uông Bí, Hạ Long đón nhận. Cũng có em bị người mẹ nào đó đang tâm bỏ lại ngay cửa chùa từ lúc còn sơ sinh. Sẽ chẳng có ai biết cha mẹ các em là ai, và suốt ba năm qua ngôi chùa này cũng chưa từng đón một người mẹ, người cha nào đến tìm, đến thăm con mình cả. Những cái tên thầy đặt đều mang đầy ý niệm về sự an lành, đẹp tươi - như mong muốn cho các em sau này một cuộc sống bình an, hạnh phúc.

“Quảng, Trường, Thọ, Thanh, Tâm, Liên, Đại - tên nào cũng đẹp cả” (Từ trái qua phải là các bé: Thọ, Tâm, Đại, Thanh).

Câu chuyện về sư Tuân chân thành, hảo tâm, chủ động đón nhận các em về nuôi dưỡng trong sự chở che bình yên của Phật pháp được đông đảo nhân dân trong vùng và ít nhiều du khách phương xa biết tới.

Tình thương yêu vô bờ của “ông cúng”

“Ông cúng” - đó là cách bé Sáu (bé Liên) gọi thầy Tuân từ sự nhận thức ngây ngô, đáng yêu mà một em bé 2 tuổi như em thấy được. Trong 7 em bé, dường như Sáu là người quấn quýt thầy Tuân nhất. Thầy vừa xuất hiện ở lối vào khu phòng ở, cậu bé con đã lon ton chạy ra đón, dúi đầu vào lòng tà áo nâu, rồi nghịch ngợm đòi trèo lên cho “ông” bế. Vị sư thầy mang dáng vẻ trầm ngâm, ít nói của một người đã đi quá nửa đời người và có 30 năm theo Đức Phật bỗng trở nên vui vẻ hơn hẳn khi vui đùa với đám trẻ. Mấy đứa bé vây quanh tranh nhau đòi bế, được ông đút cho từng chiếc kẹo, chỉnh lại bộ quần áo mà đường chỉ đã cũ sờn... Ánh mắt thầy chùng xuống và trở lại vẻ suy tư, trầm mặc khi được hỏi về danh tính cha mẹ của các em. Có lẽ, hơn ai hết, thầy là người hiểu rõ nhất sự thiệt thòi của các cháu bé...

Khi đón các em về với mái chùa này, vị trụ trì đã dành tình yêu thương cho các em bằng sự chăm sóc, quan tâm cụ thể và chu đáo nhất. Trong lòng ngôi chùa được xây dựng rộng rãi, khang trang, một khu nhà thoáng mát, nhỏ xinh được thầy xây dựng dành riêng cho các bé. Trực tiếp giúp thầy việc sinh hoạt, ăn ở, đưa đón các em đi học hàng ngày là ba cô bác có nhà ngay gần chùa. Họ đều là những người có gia đình, cháu con yên ấm; đến với các em không chỉ vì công việc của người bảo mẫu mà còn vì lòng rung cảm, thương yêu, trìu mến gọi các em là “con” xưng “mẹ”.

Điều đáng nói hơn cả là, trong khả năng nỗ lực của một vị sư chùa làng, thầy Tuân đã dành cho các em điều kiện chăm sóc tốt nhất. Như hôm tới thăm chùa, nhớ mãi việc thầy nhắc người bảo mẫu bữa nay nhớ phải mua cua đồng về làm món gì đó để các bé không bị thiếu canxi...

Bé Sáu trong vòng tay thầy Tuân.
Bé Sáu trong vòng tay thầy Tuân.

Sự chia sẻ hướng tới ngày mai

Dù thế nào, người dân và chính quyền địa phương cũng đã sẻ chia với sư thầy và các em bằng lòng cảm thông chân thành nhất. Trường mầm non không thu học phí, người cho bộ quần áo, người tặng ít đồ chơi. Tuy huyện Yên Hưng đã nâng cấp lên thị xã nhưng phường Nam Hoà vẫn còn in đậm dáng vẻ vùng quê, và cuộc sống người dân nơi đây vẫn chưa đủ sung túc để họ có thể san sẻ với các em nhiều hơn. Khi chuẩn bị tạm biệt các em nhỏ và ngôi chùa, chúng tôi bất ngờ gặp nhóm 4-5 học sinh nữ Trường THCS Nam Hoà đến thăm các em sau giờ tới lớp. Mấy cô bé vui vẻ hồn nhiên cho biết, cứ vài ngày, sau giờ học các em lại rủ nhau đạp xe vào chùa - “Tới để chơi với các bé thôi, chứ bọn em chẳng có gì cả đâu...”.

Chúng tôi rời mảnh đất đảo Hà Nam thấm đẫm tình người mà trong đầu không tránh khỏi băn khoăn, ái ngại. Đâu đó vẫn có những nhà hảo tâm, du khách phương xa tới lễ chùa, gặp các em và không ngại ngần giúp đỡ... Nhưng phía trước còn một chặng đường quá dài, và thầy Tuân - người “ông” của 7 đứa trẻ hẳn vẫn còn quá nhiều điều phải lo...



Theo Ngọc Bích (báo Quảng Ninh)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nước ngọt về xã đảo ở Giồng Trôm

Gieo mầm thiện 17:54 24/04/2024

Bà con xã đảo Hưng Phong (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), ngày 23/4 đã nhận được nước ngọt và thùng nhựa từ một hoạt động từ thiện mang tên "Giọt nước nghĩa tình".

Làm điều không ai làm suốt 6 năm, cụ bà tái sinh cuộc đời cho một người dưng

Gieo mầm thiện 14:33 20/04/2024

Dù không phải là máu mủ ruột rà, hơn 6 năm qua, bà Thử vẫn tình nguyện chăm sóc nam bệnh nhân liệt tứ chi tại bệnh viện, đưa anh về nhà chăm lo như con ruột.

Chuyện tử tế: Trụ trì chùa chăm lo cho hơn 1.000 sinh viên nghèo

Gieo mầm thiện 14:25 18/04/2024

Suốt 27 năm qua, Thượng tọa Lý Hùng, trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây (P.An Cư, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), đã chăm lo việc học cho hơn 1.000 sinh viên nghèo là con em đồng bào Khmer khắp miền Tây.

10 năm 'vác tù và hàng tổng' của ông chủ thư viện làng

Gieo mầm thiện 09:20 15/04/2024

Trong phòng khách nhà mình, năm 2013, Phùng Bá Hưng thành lập Thư viện Dương Liễu, ban đầu chỉ có một bộ bàn ghế và vài giá sách.

Xem thêm