Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 03/11/2014, 10:49 AM

Nhân sinh quan Phật giáo trong truyện Kiều

Chiều ngày 31/10/2014 tại hội trường phòng 105 nhà B1 – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy), lễ bảo vệ luận án tiến sĩ triết học của NCS Hồ Ngọc Anh đã diễn ra, qua bài luận án làm rõ những giá trị của nhân sinh quan Phật giáo thể hiện qua truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. 

Trải qua ngàn năm đồng hành cùng dân tộc, tư tưởng Phật giáo có sự ảnh hưởng lớn lao trong mọi phương diện đời sống tinh thần người Việt như văn học, chính trị, nghệ thuật. Trong đó nền văn học nước nhà có tác phẩm kinh điển là truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.

Nhà văn hóa Phạm Quỳnh từng cho rằng “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Và những vấn đề thuộc phạm trù triết học dưới sự ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo mà truyện Kiều đặt ra, đến nay vẫn còn nhiều giá trị với xã hội Việt Nam hiện đại, đặc biệt là vấn đề đạo đức.


Nguyễn Du  (1766-1820) là đại thi hào của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa cùng tác phẩm truyện Kiều. Nguyễn Du sinh ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu, tức ngày 3/1/1766 ở kinh thành Thăng Long trong một gia đình quý tộc lớn. Thân sinh ông là Hoàng Giáp Nguyễn Nghiễm (1708-1775), làm quan đến tham tụng (tể tướng) tước Xuân quận công triều Lê. Xuất thân trong gia đình quý tộc, sống trong không khí văn chương bác học, nhưng ông có cách nói riêng, bình dân, giản dị, dễ hiểu, thấm đượm chất dân ca xứ Nghệ.

Sự thăng tiến trên đường làm quan của Nguyễn Du khá thành đạt. Nhưng ông không màng để tâm đến công danh. Trái tim ông đau xót, buồn thương, phẫn nộ trước "những điều trông thấy" khi sống lưu lạc, gần gũi với tầng lớp dân đen và ngay cả khi sống giữa quan trường. 

Truyện Kiều được viết ở những năm cuối thế kỉ 18 đầu thế kỉ 19, để khắc họa cuộc đời của những kiếp người như thế thông qua cuộc đời tài sắc bạc mệnh của Thúy Kiều, những vần thơ lục bát truyền cảm ấy còn là tiếng nói trong tim của đại thi hào, để bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc của ông đối với những kiếp người bị chà đạp xâm hại nặng nề trong xã hội phong kiến. 
 
Mở đầu quá trình bảo vệ luận án, NCS Hồ Ngọc Anh đã đưa ra cơ sở hình thành nên nhân sinh quan của Phật bao gồm cơ sở về kinh tế xã  hội trong xã hội Ấn Độ cổ chịu ảnh hưởng của sự chia rẽ phân biệt nhiều giai cấp dẫn đến mâu thuẫn trong mọi mặt của cuộc sống, trong bối cảnh đó vai trò chủ quan của Đức Phật cùng với đại nguyện làm cuộc sống của nhân sinh thoát khỏi khổ đau. Đến nay, sự kế thừa và phát triển những tư tưởng triết học đương thời vẫn xoay quanh đạo lý nhân quả. 

Từ đó, bài luận án về nhân sinh quan Phật giáo tách làm hai phần rõ rệt, nói lên sự thật về cuộc đời của phụ nữ thời phong kiến hội tụ đủ 8 loại khổ đau mà kinh Phật đã dạy, bên cạnh đó làm rõ nguyên nhân dẫn đến cuộc đời bạc mệnh được gửi gắm trong những câu thơ Kiều. Vì vậy, bài luận án đã cho thấy nhân sinh quan Phật giáo giúp điều chỉnh hướng thiện cho suy nghĩ, hành vi đạo đức của con người Việt Nam, bên cạnh đó còn giúp những thế hệ người đọc tìm được sự tĩnh tâm trong cuộc sống. 

Xuyên suốt bài luận văn, những kiến thức Phật học của NCS thể hiện qua những quan điểm về Nghiệp báo và nhân quả, Nghiệp báo là những suy nghĩ hành động có tác ý. Trong đó nhân là năng lực tác động lên suy nghĩ và hành vi, quả là sự hình thành của năng lực tác động ấy. Đạo lý nhân quả và nghiệp báo được thể hiện rõ rệt qua cuộc đời tài săc mà truân chuyên  của Thúy Kiều – nhân vật chính của tác phẩm. Bài luận án làm rõ nguyên nhân dẫn đến cuộc đời bảy nổi ba chìm của Kiều là do nghiệp xấu từ vô số kiếp quá khứ chiêu cảm nên “ Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”; và sự đa sầu đa cảm của Kiều thể hiện qua bản nhạc Bạc Mệnh mà nàng sáng tác năm 16 tuổi cũng cho thấy cuộc đời khổ đau đó cũng do những suy nghĩ và việc làm trong hiên tại gây nên, điều đó thể hiện qua đoạn thơ:

“Lại mang lấy một chữ tình
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong
Vậy nên những chốn thong dong
Ở không an ổn, ngồi không vững vàng
Ma đưa lối quỷ dẫn đường
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”

Thật vậy, cuộc đời của Kiều là tiếng kêu đau lòng thốt lên để cảm thán cho đầy đủ 8 loại khổ đau của đời người mà Đức Phật đã chỉ dạy. Cuộc đời lênh đênh “ thanh lâu hai lượt, thanh y ba lần” của Kiều khắc họa những nỗi đau của cái già cái bệnh của đời người:

“Những là lần lửa nắng mưa
Nửa đời nếm trải mọi mùi đắng cay
Bấy chầy gió táp mưa sa
Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn
Còn chi là cái hồng nhan
Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi”

Chính vì thân phận nàng bị chà đạp và đưa đẩy đến nhiều ngõ cụt của cuộc đời, nên người con gái trẻ tuổi đã quặn lòng chịu đựng nỗi đau trong nhiều lần biệt ly xa rời những người thân yêu, thể hiện ở những câu thơ làm rung động lòng người:

“Ông tơ ghét bỏ chi nhau
Chưa vui sum họp đã sẩu chia phôi
“Bây giờ trâm gãy gương tan
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân”
“Đau lòng kẻ ở người đi
Lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tằm”

Không dừng lại ở đó, nàng phải xa rời những người thân yêu để đối mặt những những người xấu xa, những nghịch lý cuộc đời trong quãng thời gian “ thanh lâu hai lượt, thanh y ba lần”, nàng những muốn thoát ra nhưng:

“Thoắt trong nàng đã biết tình
Chim lồng khôn lẽ, cất mình bay cao
Chém cha cái số hoa đào
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi”

Chính vì vậy, trong truyện, không ít lần Kiều muốn tìm đến cái chết để giải thoát khỏi cuộc đời quá nhiều khổ đau, nhưng tác giả không để nhân vật chạy trốn mà ông muốn Kiều không được chết mà ở lại để trả nốt nghiệp. Cuộc đời con người ta cũng chịu những vấn nạn do nghiệp gây nên, khi đã kiên cường vượt qua những vấn nạn ấy, thì khổ tận cam lai. 

“Vì rằng nhân quả dở dang
Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao”
 
Trong nhân sinh quan Phật giáo thể hiện trong truyện Kiều, sự thấu hiểu về đạo lý nhân quả làm thức tỉnh nhận thức và lương tri của hàng triệu thế hệ độc giả người Việt, để những thế hệ hiện tại và mai này biết đồng cảm và chia sẻ với những cảnh đời éo le, đừng khinh ghét và xa lánh những người ở góc tối của xã hội. 

“Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”

Cuộc đời con người do Nghiệp từ quá khứ chiêu cảm nên, con người không thể tự chọn cảnh giới để sống, mà chỉ có thể tự mình tu tập để chuyển hóa nghiệp cũ, bằng cách nhìn lại chính mình để sửa chữa lỗi lầm và đồng cảm và yêu thương, chia sẻ với những người chưa hoàn hảo. 

Đến với nhân sinh quan Phật giáo thể hiện xuyên suốt truyện Kiều, hy vọng rằng triệu triệu thế hệ bạn đọc người Việt sẽ biết thương mình và thương người nhiều hơn. Con người ta chỉ có thể hạnh phúc khi trải lòng từ bi đến với nhau, cuộc sống sẽ tốt đẹp lên rất nhiều. Vì vậy nhà văn hóa Phạm Quỳnh đã khẳng định truyện Kiều góp phần gìn giữ truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”.
                                           
Diệu Hòa
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Ám áp bên Thầy ngày Nhà giáo Việt Nam

Văn hóa 16:57 20/11/2018

Sáng ngày 20/11/2018 (14/10/Mậu Tuất), phật tử đạo tràng BQT chùa Đức Hòa và Thiên Bửu đã vân tập về Tổ đình Thiên Bửu (thôn Bình Thành, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) để chúc mừng Hòa thượng viện chủ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Phật

Văn hóa 12:28 14/11/2018

Phật ngồi trên sườn núi,/Nhìn xuống đường bụi mù,/Phật đang nghĩ gì thế nhỉ!/Thương con người ngược xuôi?

Tọa đàm về tác giả bài thơ bất hủ “Em đi chùa Hương”

Văn hóa 12:18 14/11/2018

Sáng ngày 9/11/2018, Nhà xuất bản Phụ nữ và Khoa Viết văn – Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức tọa đàm “Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp” về sự nghiệp văn chương, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày mất của nhà thơ tài hoa bạc mệnh.

An lành

Văn hóa 10:12 13/11/2018

Xin cầu thấu rõ chân diệu pháp/Hiện tượng vạn vật luôn biến đổi/Muôn sự hết thảy nương nhau thành/Để tâm tịch lặng an lành nhất/An lành như thế thật an lành!

Xem thêm