Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 23/02/2015, 13:50 PM

Nhớ núi - Nhớ chùa xưa

Trong quần thể thắng cảnh di tích lịch sử ở Chùa Thầy - Sài Sơn, thuộc huyện Quốc Oai, Hà Nội, có một ngôi chùa ở làng Khánh Tân. Ngày nay gọi là Chùa Hương Khánh. Ngôi chùa này vốn được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước ở núi Hương Sơn và núi Phượng Hoàng.

Ngàn xưa cho đến tận hôm nay
Khánh Tân làng cổ vẫn nơi này
Biết bao thế hệ lo vun đắp
Ai đến làng này cũng đắm say

Năm 1937 mới chuyển về trong làng và dồn hai chùa lại thành một. Nhân dân trong làng đã thỉnh được sư cụ Đàm Thuận ở trong hội Phật giáo cứu Quốc về trụ trì vào năm 1938.

Cảnh làng quê nhìn từ núi Thầy

Hàng năm, cứ đến hội Chùa Thày du khách bốn phương lại náo nức về trẩy hội - Đây là một trong những lễ hội và danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Xứ Đoài – nơi hội tụ khí thiêng của sông núi nước Nam, có sức quyến rũ lạ lùng hồn du khách từ xưa đến nay khi tới thăm chốn thiền môn ở nơi này. Một quần thể núi đá vôi từng được gọi là “Thập lục kỳ sơn” như tô thêm cảnh đẹp ở vùng quê này.
 
Từ trên cao, du khách nhìn xuống như thấy một phần của Vịnh Hạ Long thu nhỏ. Mỗi ngọn núi ở đây đều có tên và dáng vè đẹp riêng của nó, trong đó có ngọn núi Hương Sơn. Đây là một ngọn núi mà trong quá trình tạo sơn, tạo hoá đã khéo sắp đặt thành nhiều hình khối kỳ lạ, như một tác phẩm hội hoạ điêu khắc đầy ấn tượng. Đặc biệt trên núi cao có ngôi chùa cổ gọi là “Hương Lô Tự” theo lời kể của các vị cao niên trong làng, thì chùa Hương Lô là một trong hai ngôi chùa của làng Khánh Tân. Trước đây chùa này to và rất đẹp. Vào thời Lê Sơ, vị “Lưỡng Quốc Trạng Nguyên”. Sau Mạc Đĩnh Chi là Nguyễn Trực đã tới nơi này vãng cảnh chùa về đề thơ tại đây. Bài thơ Trạng Nguyên Nguyễn Trực viết năm đó theo thể ngũ ngôn đường luật:

Tằng tằng đăng hiến lộ
Thừa hứng yết kim tiên
Diệu khế tam sinh mộng
Do nghi nhất lữ yên
Lâu đài phi thế hữu
Hoa mộc đắc xuân thiên
Du nguyệt du vân ngoại
Mang mang thị Đại thiên.

(Được dịch nghĩa theo gia phả dòng họ Nguyễn Trực):

Từng bước leo đường núi/Nhân hứng ra mắt kim tiên
Giấc mộng ba sinh kỳ diệu/Còn ngõ một dải mây trời
Lâu đài hiếm thấy trong đời/Cỏ hoa được xuân ưu ái
Dạo chơi cùng mây trăng/ Mênh mang ngoài vạn dặm.

Rõ ràng qua bài thơ của cụ Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Nguyễn Trực, có thể khẳng định, ngôi chùa Hương Lô của làng Khánh Tân xưa là một ngôi chùa thật đẹp, bề thế và tồn tại qua nhiều thế kỷ. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử ngôi chùa Hương Lô trên núi dần dần bị hư hại, nay không còn nữa. Tiếc thay cho ngôi chùa và cả ngọn núi Hương Sơn, một thuở kiêu hãnh giữa mây trời – một công trình có giá trị về lịch sử văn hoá trong “Thập lục kỳ sơn”, in đậm trong mỗi người dân Khánh Tân, đến nay đã bị thời gian xoá đi dấu tích, khiến lòng người đầy tiếc nuối, nhớ núi, nhớ chùa:

Đỉnh núi khi xưa tụ khí lành
Hương Lô thấp thoáng giữa ngàn xanh
Chiều buông dốc núi nai khoe sắc
Sớm dậy triền non sáo đọ thanh
Nọ bóng lâu đài phi thế hữu
Nào ai diệu khế mộng tam sinh
Non tiên cảnh Phật đâu chăng tá
Hình chùa, dáng núi thấy vắng tanh.

Thập niên ba mươi của thế kỷ 20 làng Khánh Tân đã thu gom những gì sót lại từ ngôi chùa Hương Lộ trên núi Hương Sơn để xây dựng lại một ngôi chùa mới lấy tên là Hương Khánh. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chùa Hương Khánh là cơ sở bí mật, có hầm trú ẩn để cán bộ về đây hoạt động cách mạng. Ba đệ tử của sư cụ Đàm Cận (Vốn là Phó trưởng ban trị sự Hội Phật Giáo cứu quốc của tỉnh Sơn Tây) là sư Thầy Đàm Hiền, sư thầy Đàm Mùi và sư thầy Đàm Thìn đều tham gia hoạt động cách mạng và làm công tác bình dân học vụ từ năm 1946. Sư Thầy Đàm Hiền sau bị giặc bắt giữ trong một trận càn vào một ngày giữa mùa thu năm 1951. Bọn giặc tra tấn rất dã man, song sư thầy Đàm Hiền đã giữ trọn khí tiết của mình và hy sinh anh dũng vào tháng 9 năm 1951 trước họng súng của quân thù để bảo vệ cán bộ và cơ sở cách mạng. Phần mộ của sư thầy Đàm Hiền đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ của quê nhà từ đó đến nay.

Chùa Hương Khánh ngày nay

Xã Sài Sơn hiện có 6 làng, trong đó làng Khánh Tân là một làng nhỏ, dân số ít nhất xã, một làng đã được công nhận là làng văn hoá lần thứ 3. Người dân nơi đây sẵn có truyền thống yêu nước, yêu quê hương, có ý thức và tín ngưỡng trong tôn giáo; đặc biệt là rất mộ đạo và trọng giáo lý Phật Pháp, sống có lòng nhân ái và không mấy ai trong làng là không nhớ câu ca dao từ triết lý của đạo Phật để nhắc nhở nhau:

“Người trồng cây hạnh người chơi
Ta trồng cây đức để đời về sau”..

Làng Khánh Tân còn có một ngôi chùa nữa nằm trong một hang động trên núi Phượng Hoàng. Người dân thường gọi là chùa Hang. Dấu tích của ngôi chùa này trong hang động hiện còn ghi rất rõ ba chữ: Phật – Thánh – Tiên bằng chữ Hán. Hiện vật của chùa còn lưu giữ được là chiếc khánh đá cổ và pho tượng Phật A Di Đà ngồi giữa Đài Sen. Theo các nhà khảo cổ học, thì pho tượng Phật này rất quý hiếm. Hiện cả nước chỉ còn lại có 6 pho thuộc dạng này.

Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Hang là căn cứ bí mật, che chở cho cán bộ và du kích hoạt động cách mạng, là nơi hội họp bàn các công việc quan trọng phục vụ cho cuộc kháng chiến. Vào những năm chống Mỹ cứu nước, Chùa Hang tiếp tục được góp phần vào cuộc kháng chiến của dân tộc: Một bộ phận cán bộ của Thông Tấn xã Việt Nam đã về sơ tán và làm việc tại đây. 

Ngày nay, chùa Hang nay đang được xây dựng lại dưới chân núi Phượng Hoàng đặt tên là chùa Phúc Khánh. Toàn bộ kinh phí ngôi chùa do Đại đức Thích Minh Hiển – trụ trì Chùa Cả ở Chùa Thầy, Sài Sơn cung tiến cùng với sự đóng góp của dân làng Khánh Tân, do Đại đức Thích Minh Hiển làm chủ đầu tư xây dựng. Một ngày gần đây, chùa Phúc Khánh được khánh thành, ghi tiếp vào dấu tích lịch sử trong hệ thống di tích danh thắng lịch sử của khu vực Chùa Thầy – một vùng đất địa linh nhân kiệt của quê hương Xứ Đoài.

Lê Trang/Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 1 năm 2015
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Ám áp bên Thầy ngày Nhà giáo Việt Nam

Văn hóa 16:57 20/11/2018

Sáng ngày 20/11/2018 (14/10/Mậu Tuất), phật tử đạo tràng BQT chùa Đức Hòa và Thiên Bửu đã vân tập về Tổ đình Thiên Bửu (thôn Bình Thành, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) để chúc mừng Hòa thượng viện chủ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Phật

Văn hóa 12:28 14/11/2018

Phật ngồi trên sườn núi,/Nhìn xuống đường bụi mù,/Phật đang nghĩ gì thế nhỉ!/Thương con người ngược xuôi?

Tọa đàm về tác giả bài thơ bất hủ “Em đi chùa Hương”

Văn hóa 12:18 14/11/2018

Sáng ngày 9/11/2018, Nhà xuất bản Phụ nữ và Khoa Viết văn – Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức tọa đàm “Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp” về sự nghiệp văn chương, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày mất của nhà thơ tài hoa bạc mệnh.

An lành

Văn hóa 10:12 13/11/2018

Xin cầu thấu rõ chân diệu pháp/Hiện tượng vạn vật luôn biến đổi/Muôn sự hết thảy nương nhau thành/Để tâm tịch lặng an lành nhất/An lành như thế thật an lành!

Xem thêm