Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 12/03/2018, 13:21 PM

Nhớ quê vùng sông nước

Tôi xa quê đã lâu, mỗi độ xuân về tết đến thì nỗi nhớ quê cồn cào tím ruột. Nhớ lắm từng bến nước, cây cầu, nhớ mùi rơm rạ, nhớ những món ăn dân dã, nhớ cánh diều tuổi thơ, nhớ trò chơi ngộ nghĩnh lúc nhỏ thật ngây ngô.

                         Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Hồi xưa, ở quê tôi trước đám cưới vài ngày, bọn con trai kéo nhau bơi xuồng sang nhà hàng xóm để mượn bàn, ghế, mặt bàn. Kế đến là việc tước lá dừa, bẹ chuối, đủng đỉnh làm nhà khách, cổng rạp. Tốp khác lau chùi các đèn “măng xông”, chuẩn bị các bình “ắc qui” phục vụ ánh sáng. Đám con gái thì phụ người lớn xay bột, làm bánh hỏi, làm bún, nướng bánh kẹp, làm bánh bông lan, làm gà vịt và chuẩn bị các thức ăn khác. Cánh đàn ông thì chẻ củi, chuẩn bị mần heo, thường thì lấy đầu lòng để đãi khách tới “dọn” vào đêm nhóm họ.

Chạng vạng tối đêm nhóm họ rất vui. Người thì đánh cờ tướng, người khác thì đánh. Vui nhất là sự xuất hiện của các gánh đờn ca “bồ tèo” cây nhà lá vườn với lủ khủ nhạc cụ như: dàn trống, âm li, loa thùng, micro, đờn… cùng với các diễn viên “cây nhà lá vườn” ăn mặc rất tươm tất. Về khuya, cháo được mang ra đãi khách trong tiếng nhạc “sống” xập xình náo nhiệt. Khổ nhất là khi đang trình diễn thì cúp điện, nhà giàu có máy đèn còn đỡ, còn hộ nghèo thì đành chịu. Vậy là tạm ngưng chờ điện. 

Vui nhất là chuyện đàng trai tới rước dâu, gặp lúc nước ròng, ghe không cập bến được, vậy là cả họ đàng trai xắn quần lội sình lên nhà đàng gái cho kịp giờ làm lễ. Vui nhất là cuộc chiến “đấu rượu” giữa hai họ. Thường thì đàng trai “rượt rượu” đàng gái đến khi xuống ghe mới thôi. 
                          Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long quê đi đâu cũng dễ dàng bắt gặp những cây dừa nước xanh mịch. Chúng gắn bó với các dòng sông lớn nhỏ, với các con mương rạch nhỏ, với các bến nước, cây cầu. Tuổi thơ chúng tôi còn gắn bó với cây dừa nước bởi chúng là những chiếc phao “dã chiến” tập bơi, là những phương tiện để chúng tôi làm súng các loại như súng trường, súng trung liên, đại liên để tập trận đánh nhau trên những cánh đồng rộng thênh thang sau mùa thu hoạch chỉ để lại những gốc rơm vàng hực. Chúng tôi còn thường xuyên lội vào các đám dừa nước chặt cả buồng đem ra ruộng chẻ ra ăn cái dừa rất thơm ngon kỳ lạ.

Quê tôi hầu hết ai cũng biết chầm lá dừa nước để có được những tấm lá lợp nhà để ở, làm mui che ghe xuồng khi đi lại để tránh nắng, đục mưa. Ông ngoại tôi còn kể dừa nước là loại cây che giấu bộ đội rất an toàn và hiệu quả trong chiến tranh. Nội tôi còn kể rằng: có những khi bị bố ráp quá ngặt nghèo, không thể vượt thoát vòng vây trong khi lương thực cạn kiệt thì trái dừa nước hóa thành món “cứu nguy”.
                           Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Chiều tết trên cánh đồng quê mát dịu, trong lành. Đi ngang qua những cây rơm vàng ươm cao ngất ngưởng thơm mùi lúa chín. Xa xa những cánh diều xuân tung tăng bay lượn, bao kỷ niệm ngày xưa lại theo nhau về trong ký ức. 
       
Hồi đó, lũ chăn trâu, thả vịt chạy đồng chúng tôi thường lấy tre, trúc chẻ ra làm sườn diều thường có hình thoi, hình vuông rồi ngồi vót ở sân đình, miếu của làng. Vót tre, trúc có nhiều đứa bị đứt tay chảy máu đầm đìa, nhưng không đứa nào chịu thôi. Con nhà giàu thì dán lên trên đó những tờ giấy kiếng đủ màu sắc rực rỡ, con nhà nghèo chúng tôi thì lấy giấy “nhựt trình” cắt ra làm mình, cánh và đuôi diều. 

Chúng tôi thường thả diều bay lên không trung bằng những sợi chỉ mảnh rẻ tiền, có đứa chơi sang thì dùng nhợ, cước ni lông quấn chặt vào những chiếc lon “ghi gô”, hay lon sữa bò “Ông Thọ”. Nhớ có lúc gió mạnh diều bị “băng” cuốn ống lon chạy ào ào trên ruộng làm chúng tôi chạy theo thục mạng để lấy lại. Không gì thú vị bằng vừa ngắm những cánh diều đủ màu bay lượn trên bầu trời trong ánh nắng chiều sắp tắt, vừa chơi trò đánh “khăn”, đánh “trõng”, bắn cu li, đá banh “mũ” trên những cánh đồng vừa mới gặt xong còn đầy gốc rạ. Vui lắm cái cảnh tranh nhau lội qua kênh rạch hái bần chua, “bình bác” chín cây thơm phức rồi cuốn diều về nhà trong niềm vui tràn ngập.

Hồi xưa không có máy gặt đập liên hợp như bây giờ, lúa được cắt bằng phương pháp thủ công, bó từng bụi to rồi dùng trâu bò cộ về sân nhà để đạp lúa lấy rơm. Một số nông dân vừng manh bồ tại ruộng để đập lúa để khỏi phải vận chuyển về nhà. Lũ nhỏ chúng tôi rất thích điều khiển các chú trâu, bò đạp lúa đi vòng tròn trên những khoảng sân rộng với những tiếng hô: ví, thá. Có những lúc cao điểm phải đạp lúa vào cả ban đêm. Vui lắm những đêm trăng sáng, đàn ông và trẻ con xốc rơm cho tơi để lúa rơi xuống mặt sân, sau đó rơm được chất thành cây cao nghều nghệu rất đẹp mắt. Phụ nữ thì xúm xít chuyện trò bên các nồi bắp, khoai luộc. Có nhà còn tổ chức nấu cháo, nấu chè rất rôm rả.

Nội tôi nói chuyện chất rơm thấy đơn giản vậy chớ đòi hỏi nghệ thuật lắm, nếu không biết cách thì cây rơm không đẹp, không chắc và không cao. Hồi đó nhà nào cũng có nuôi trâu bò nên chúng tha hồ ăn rơm cả năm. Nhiều người còn lấy rơm ủ làm nấm rơm dùng chế biến các loại thức ăn rất ngon.

Tôi nhớ lắm, lũ con nít ban đêm thường lấy rơm vấn thành các con “cúi” cháy bừng bừng để đi chơi trên các con đường làng, đường đê tối om om bởi làng quê chưa có điện. Khi lửa sắp tắt thì quơ thật mạnh trong không khí để lửa lại cháy bùng lên. Khi xóm tôi có hữu sự thì nhà nhà mang “cúi” ra sân tiếp ứng sáng rợp trời. Chúng tôi rất thích ăn món cá lóc nướng trui bằng rơm bởi hương vị thơm thơm mùi lúa không lẫn vào đâu được. Còn gì sung sướng hơn giữa trưa hè cột trâu vào các chân đê, ăn những con cá đồng dân dã chấm nước mắm me cùng chuối chát rồi tung tăng bơi lội trên sông rạch.

Nhiều. Nhiều lắm những kỷ niệm xưa về vùng quê sông nước. Và cứ mỗi khi tết đến, xuân về, ký ức tuổi thơ lại sống lại trong tôi với niềm hoài cổ rất êm đềm pha lẫn sự tiếc nuối, nhớ thương.

Phan Thị Anh Thư
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Ám áp bên Thầy ngày Nhà giáo Việt Nam

Văn hóa 16:57 20/11/2018

Sáng ngày 20/11/2018 (14/10/Mậu Tuất), phật tử đạo tràng BQT chùa Đức Hòa và Thiên Bửu đã vân tập về Tổ đình Thiên Bửu (thôn Bình Thành, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) để chúc mừng Hòa thượng viện chủ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Phật

Văn hóa 12:28 14/11/2018

Phật ngồi trên sườn núi,/Nhìn xuống đường bụi mù,/Phật đang nghĩ gì thế nhỉ!/Thương con người ngược xuôi?

Tọa đàm về tác giả bài thơ bất hủ “Em đi chùa Hương”

Văn hóa 12:18 14/11/2018

Sáng ngày 9/11/2018, Nhà xuất bản Phụ nữ và Khoa Viết văn – Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức tọa đàm “Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp” về sự nghiệp văn chương, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày mất của nhà thơ tài hoa bạc mệnh.

An lành

Văn hóa 10:12 13/11/2018

Xin cầu thấu rõ chân diệu pháp/Hiện tượng vạn vật luôn biến đổi/Muôn sự hết thảy nương nhau thành/Để tâm tịch lặng an lành nhất/An lành như thế thật an lành!

Xem thêm