Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 06/05/2018, 09:50 AM

Như Lai không giác ngộ Giác Ngộ (P.1)

Đức Thế tôn không lập ra Phật giáo mà Ngài chỉ tổ chức tăng đoàn để tu hành. Tuy Ngài có đặt ra vài luật lệ cho tổ chức nhưng Ngài chưa bao giờ chủ ý sáng lập ra một tôn giáo mới, tự xưng là giáo chủ, mặc cẩm bào ngồi ngất ngưởng trên ngai vàng để cho đám đệ tử và tín đồ đóng góp tài vật, vái lạy, tụng kinh, niệm chú, tôn sùng, ca tụng, dâng lễ vật để hối lộ, cầu xin phép lành. Vì nếu muốn duy ngã độc tôn như vậy thì Ngài đã không cần bỏ làm vua tương lai để làm Phật.  

Tam Miệu Tam Bồ Đề (Samyak sambodhi, Bodhi druma)

Cây bồ đề là loại cây thông thường mọc nhan nhản ở Ấn Độ và những quốc gia ở vùng nhiệt đới. Nhưng cây bồ đề mà đấng Thế Tôn “Buddho Bhagava” [Buddho (Bụt, Phật),  Bhagava (Thế Tôn)] đã chọn để tạm tá túc trong lúc tham thiền nhập định cho tới khi Ngài giác ngộ thành Phật là cây bồ đề rất đặc biệt được phật tử sùng bái gọi là Tam Miệu Tam Bồ Đề (Samyak sambodhi, Bodhi druma). 
 (The Buddha being tempted by the demon Mara. Hulton Archive/Getty Images)
Đức Phật đang bị Ma Vương quấy phá 
Thăng trầm theo dòng lịch sử, cây bồ đề đặc biệt này đã được thế nhân tin như là một báu vật linh thiêng, được tôn kính như là một biểu tượng liên quan đến sự giác ngộ của đức Phật.

Cây bồ đề (Bodhi tree) được gọi là "asvatthi" hoặc là cây Đa (Pipal, pippali). Theo định nghĩa thực vật học, cây bồ đề là "ficus religiosa" nghĩa là biểu tượng cho trí tuệ và sự giác ngộ của đức Phật, nên gọi là "cây giác ngộ" hoặc thường được gọi là ‘cây bồ đề’”. (Ven. Pategama Gnanagama, Bhikkhuni Sanghamitta, p.45; Dharmadoot, Maha Bodhi Society of India, Sarnath-2000).

Chính dưới cây này, đức Như Lai đã tham thiền nhập định trong nhiều ngày. Đức Thế Tôn đã chiến thắng vượt qua tất cả những thử thách nội tâm và cuối cùng Ngài đã bỗng nhiên đại giác ngộ đạt được nhất thiết chủng trí".
 (According to Buddhist texts, the Buddha meditated without moving from his seat for seven days under this tree)
Theo kinh sách viết, đức Phật tham thiền nhập định không rời chỗ ngồi của Ngài trong 7 ngày dưới cội cây này.

Cây bồ đề bên tòa Kim cang (Vajrasana) ở trên chính là cây Tatpala, cùng giống với cây đa (pippali) là một nhánh của cây chính. Ngày xưa khi đức Phật còn tại thế, cây mẹ gốc cao vài trăm feet (?) nhưng trong quá khứ lịch sử đã bị phá huỷ, đốt, chặt, đốn nhiều lần bởi ngoại đạo.
 
Không chỉ cây bồ đề gặp nạn mà khoảng chừng 700 năm sau khi đức Phật nhập diệt, Phật giáo đã gần như hoàn toàn bị hủy diệt ở vùng đất phát sinh ra nó, những thánh tích như Bồ đề Đạo tràng (Buddha-Gaya), Sarnath (Benares), núi Linh Thứu (Rajagriha) v.v… đều bị phá hủy, đốt, đập phá tan nát bởi ngoại đạo. 

Những đệ tử Phật đã phải bỏ trốn lưu vong qua Tây Tạng mang theo rất nhiều kinh điển của Phật giáo. 

Bây giờ, Dalai Lama và những sư Tây Tạng “tái bỉ ngạn” tây du, chạy sang di trú ở Ấn Độ để tỵ nạn, đàn áp tôn giáo và chiếm đóng Tây Tạng của Trung Cộng nhưng đa số văn hóa quý giá của Phật giáo vẫn còn ở lại Tây Tạng.

Theo biên niên sử của Tích Lan, Dipavamsa (thuộc thế kỷ IV), Mahavamsa (thuộc thế kỷ V) và Samanta-Pasadika (thế kỷ V) được viết bằng hai ngôn ngữ Pali và Tích Lan (Sri Lanka) cho biết rằng trong lúc vua Devanamapyatissa trị vì vào thế kỷ III trước Tây lịch, thì con trai của Đại đế A Dục (Ashoka) là Tỳ kheo Mahinda đã đi truyền đạo tại Tích Lan và đã cảm hóa được vua chúa cũng như những người dân ở hòn đảo bình yên này. Và Ngài đã thành lập tăng già Phật giáo đầu tiên tại đây.

Trong thời gian Ngài Mahinda ở Tích Lan, ngài đã khuyên vua Devanamapyatissa kiến nghị vua A Dục biếu một nhánh cây bồ đề tại Bồ đề Đạo tràng để trồng ở thủ đô Anuradhapura, Tích Lan”(Lịch sử cây Bồ đề tại Bồ đề Đạo tràng, Diệu Hương).

Theo sử sách, hơn 2.000 năm trước, theo lệnh của quốc vương ở xứ được gọi là Ấn Độ ngày nay, đó là Ashoka Đại Đế, một nhánh từ thân cây rất quan trọng này đã được chiết ra từ một cành phía nam của cây bồ đề ngay dưới tán cây đặc biệt được cho là nơi đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã ngồi tham thiền và đắc đạo.

Vua Ashoka ban tặng dấu ấn vương quyền lên cành cây đó, cho trồng nó trong một bình làm bằng vàng ròng, rồi ban chiếu chỉ sai con gái mình đích thân đưa cành cây tôn kính đó băng núi và xuôi sông Hằng xuống vịnh Bengal. 

Con gái của vua Ashoka là Tỳ kheo ni Sanghamitta đã qua thăm Tích Lan với mục đích thành lập ni đoàn Phật giáo cho giới nữ tu và đã lên tàu ra khơi rước nhánh bồ đề này qua Tích Lan cung tiến cho nhà vua Devanampiyatissa của nước này.

Vua Ashoka yêu mến cái cây tới mức ngài đã nhỏ lệ khi nhìn cảnh nó được đưa đi.
Bức tranh diễn tả Tỳ kheo ni Sanghamitta mang một cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề từ đất Phật
Nhánh cây bồ đề này được trồng tại thành phố cổ Anuradhapura suốt trong thời vua Devanampiyatissa trị vì và vẫn còn xanh tốt cho đến ngày nay.
 
Sau này, người dân Tích Lan đã gọi cây bồ đề tại Tích Lan này là "Sri Maha Bodhi", nghĩa là cây bồ đề thiêng liêng.

Nói về dữ kiện của cây bồ đề tại Bồ đề Đạo tràng và tại Tích Lan, báo The Maha Bodhi, Buddha Gaya, tháng 7, 1903 nói rằng:

"Cây bồ đề mà Đức Phật Bhagawan ngồi thiền trước kia bây giờ không còn nữa. Cây đã bị hủy diệt năm 1874 (PL.2418). Một nhánh của cây bồ đề này đã được Tỳ kheo ni Sanghamitta, con gái vua A Dục mang đến trồng tại thủ đô Anuradhapura, Tích Lan. Khi cây gốc bị hủy diệt năm 1874, một (trong những) nhánh cây con mới mọc lên và đó là cây bồ đề sum suê tại Bồ đề Đạo tràng hiện nay. Cây mọc rất tươi tốt và rậm đầy lá xanh".
 
“Theo các nhà khảo cổ học, cây này được coi là thiêng liêng ngay từ buổi bình minh lịch sử của nền văn minh Indus. Trong bộ Rig Vêđa, bộ kinh tôn giáo cổ nhất của dân tộc Aryans ở Ấn Độ đã cho biết rằng cây bồ đề này được kính trọng như vật thiêng liêng ngay từ thời đó” (Gnamarama P.Ven., Aspects of Early Buddhist Sociologist Thought, p. 163).

Lịch sử cây bồ đề tại Bồ đề Đạo tràng, Diệu Hương tham khảo:

Khái niệm thờ cây đạt đến đỉnh cao trong việc thờ cây bồ đề. Sự quan trọng của nó không chỉ nằm ở bản chất hùng vĩ của cây mà còn là sự kết hợp của sự chứng đạt vĩ đại nhất của đức Phật, đó là giác ngộ. Vì vậy, cây bồ đề từ một cây thông thường đã được coi như biểu tượng của chính sự hiện diện của đức Phật và sự chứng ngộ Phật quả. Có một sự kiện về cây bồ đề đã xảy ra ngay khi đức Phật đạt giác ngộ. 

Đức Phật đã trải qua trọn một tuần lễ bảy ngày nhìn vào cây bồ đề với ánh mắt biết ơn cây đã che chở cho Ngài những đêm mưa gió bão bùng, những ngày nắng đốt như lửa trong suốt thời gian qua, cho đến khi Ngài đạt giác ngộ. Tất cả những sự kết hợp này đã tạo nên những đặc tính của cây bồ đề tại Bồ đề Đạo tràng – cây giác ngộ”.

Bình luận về việc thờ phượng cây bồ đề hiện nay, nhà đại học giả Phật giáo Rhys Davids đã thận trọng nhắc chúng ta rằng việc thờ phượng đối với những vật thể bên ngoài như cây cối là việc không thật sự ích lợi (cho trí tuệ và việc tu hành giác ngộ, Trứ), nhưng vì cây bồ đề này có ý nghĩa tượng trưng cho cuộc đời đức Phật và sự giác ngộ tối thượng của Ngài. 

Ngày nay, những hình thức nghi lễ (tôn giáo) xung quanh cội gốc bồ đề ngày một phát triển (của tín ngưỡng) và (lòng tin) không chút suy giảm (của tín đồ nên được sáng suốt hiểu là biểu lộ lòng tôn kính thay vì mê tín cầu xin cho mục đích ích kỷ như đa số cả tin mà thờ phượng cúng bái) dù đã trải qua nhiều thế kỷ”.

Câu chuyện trên này được tôi bổ sung chi tiết qua bài viết trên của Diệu Hương và từ “Lịch sử nhân loại dưới tán cây bồ đề”, Mike Shanahan, BBC Earth, trích từ sử thi The Mahavamsa của Sri Lanka, nói tới cây bồ đề lịch sử, Buddha tree mà các khoa học gia gọi là Ficus religiosa. 
 
Cây bồ đề gốc tại Bồ đề Đạo tràng đã bị hủy nhiều lần bởi nhiều thời đại sau đó. Vì vậy, cây bồ đề được chiết trồng đã trải qua 5 đời tại thành phố Anuradhapura ở Tích Lan được lịch sử biết được và công nhận là từ cây cổ nhất trên thế giới.

Đúng như tên gọi và nhân duyên của nó, cây Tam Miệu Tam Bồ Đề (Samyak sambodhi, Bodhi druma) này là một chuỗi nhân quả từ quá khứ cả hàng ngàn năm, trước cả thời Thái tử Tất Đạt Đa và vua Ashoka, được mọc lên đúng chỗ, đúng nơi để chờ phục vụ, che chở đấng chí tôn cho đến ngày Ngài đắc đạo.  

Đức Phật giác ngộ được suy diễn như thế nào?

Trong 49 ngày lịch sử quyết tâm chứng đạo vô thượng đó (có sách viết một vài ngày) của đức Phật, đã để lại vô lượng công đức và đại sự nhân duyên cho chúng sinh, nhưng những gì biến đổi trong tâm của đức Thế Tôn như được diễn tả trong kinh sách hình như chỉ là truyền thuyết chứ không phải được thuật lại từ kim khẩu của Như Lai? 

Sau 6 năm khổ nhọc tầm đạo, đức Thế Tôn “tự mình thắp đuốc” đi tìm chân lý. Cuối cùng Ngài chọn nơi đây, dưới cội bồ đề này và quyết chí nguyện rằng: Từ nay, nếu không chứng được đạo Vô thượng Bồ đề, thì thà để cho thịt nát xương tan, chứ quyết không đứng dậy khỏi nơi này! (Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm).
  
Trong Duy Lực Thiền, đức Phật A Di Đà là ai? Truyền Bình viết: “Phật (Buddhàya) không phải là một vị thần linh, mà chỉ là một người giác ngộ, tự mình thân chứng bản tâm bất nhị là bản thể của vũ trụ vạn vật. Kinh điển Phật giáo nói rằng khi đức Phật Thích Ca ngộ đạo dưới gốc cây bồ đề, thì các thần thông, là những thuộc tính vốn có của tâm giác ngộ, hiện ra đầy đủ, nên: 

Về mặt không gian, Ngài nhìn thấy suốt cả Tam thiên đại thiên thế giới, còn gọi là Tam giới tức là Ba cõi thế giới, bao gồm Dục giới [欲 界 sa.(tiếng sanskrit) kāmaloka, thế giới mà chúng ta đang sống]; Sắc giới [色界, sa. rūpaloka thế giới cõi trời nơi chúng sinh có thọ mạng lâu dài hơn cõi thế gian] và Vô Sắc giới [無色界, sa. arūpaloka, thế giới nơi chúng sinh không còn thân thể vật chất mà chỉ còn tinh thần, ý thức]. 

Về mặt thời gian, Ngài nhìn thấy suốt cả quá khứ vị lai không có bắt đầu, không có kết thúc. 

Về mặt số lượng, Ngài nhìn thấy vô lượng vô biên thế giới, vật thể, chúng sinh, không phân biệt lớn nhỏ, từ vũ trụ bao la đến thế giới vi mô của những vật thể cực kỳ nhỏ bé mà ngày xưa không có danh từ diễn tả, nên tạm gọi là vi trần (hạt bụi nhỏ). Thật ra Ngài nhìn thấy cả thế giới hạ nguyên tử (Sub Atomic), thấy cả những vật thể như hạt quark, electron, neutrino. 

Cái thấy đó vô cùng siêu việt, Ngài nhận ra cả những khoảnh khắc thời gian cực ngắn gọi là sát na nhiều lần nhỏ hơn một giây đồng hồ (second). Đó gọi là chánh biến tri, biết cùng khắp không gian thời gian. 

Vì sao cái biết lại tuyệt đối như vậy? Bởi vì Thích Ca chính là Tâm bất nhị, chính là Tam giới. Bộ Kinh Thành Duy Thức Luận (成唯識論) của ngài Huyền Trang dịch, đã tổng kết: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”, tức là cái vũ trụ tưởng đâu là ở bên ngoài, độc lập khách quan, cũng chỉ là biến hiện của Tâm mà thôi. 

Cái tâm linh giác ngộ đó, mọi chúng sinh đều có sẵn và không hề thua kém chút nào so với Phật Thích Ca, bởi vì đều chung một Tâm bất nhị, nhưng vì mê muội chạy theo thế giới vật chất nhỏ bé tầm thường, chúng không “ngộ” được mà thôi và vì không giác ngộ nên chúng trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi đầy đau khổ. Đức Phật thấu hiểu tính chất trống rỗng của nguyên tử vật chất, một điều mà phải đến cuối thế kỷ 20, nghĩa là 25 thế kỷ sau thời đức Phật, những nhà bác học hàng đầu của nhân loại mới hiểu, khi họ khám phá ra hạt quark với đặc tính lạ lùng.

Trở lại với thế giới đời thường, đức Phật thấy rằng tất cả sơn hà đại địa, nhà cửa lâu đài, vạn vật, con người đều chỉ là nhân duyên (sự kết hợp có điều kiện) của cái không (trống rỗng không là gì cả, cái hư không vô sở hữu (không phải là sự thật tuyệt đối). Chỉ có cái bản tâm bất nhị, bất biến, bất sinh bất diệt, vô ngã (không phân biệt ta và người), vô lượng (không có số lượng), tuyệt đối (vô phân biệt, không có các cặp phạm trù mâu thuẫn) mới đích thực là mình, tất cả chúng sinh đều có chung một tâm đó. 

Vì thế Ngài nói rằng: tất cả chúng sinh đều là Phật đã thành (chứ không phải sẽ thành) bởi vì cái bản tâm đó đã sẵn có (trước khi vũ trụ được thành lập) chỉ cần buông bỏ cái tâm nhỏ hẹp, mê muội, chấp trước (không phải là mình thật) để hòa nhập vào cái tâm vô lượng quang, vô lượng thọ (tức A Di Đà), cái đó còn gọi là Niết bàn 涅槃, sa. nirvāṇa tức là bất sinh bất diệt hay là không còn sinh diệt (diệt tận 滅盡)”.

Kinh Trung A Hàm, La ma thứ 56: “Cuối cùng, vào đêm mùng 8 tháng Chạp (tức đêm mùng 8 tháng Pao sa, tháng 2 theo lịch Ấn), lúc canh hai, Ngài chứng được quả Túc mệnh minh, thấy rõ được tất cả khoảng đời của mình trong tam giới. Nửa đêm canh ba, Ngài chứng được quả Thiên nhãn minh, thấy được rõ tất cả bản thể của vũ trụ và nguyên nhân cấu tạo của nó. 

Đến canh tư, Ngài chứng được quả Lậu tận minh, thấy rõ nguồn gốc của đau khổ và phương pháp dứt trừ đau khổ để được giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Khi sao Mai vừa mọc, Ngài hiểu thấu mọi pháp không gì không do duyên khởi, tất cả pháp duyên khởi rốt cuộc là đạo lý vô ngã”. 

Theo thiển ý, đêm chứng Tam minh của đức Thế Tôn mà kinh Đại Thừa miêu tả không phải là “tam nguyên” mà là “bất tam”. Mỗi Minh cũng không tự tính. Không Tam Minh, không từng là một. Không có một cũng không có ba.

Vì khi mà đức Thế Tôn “thấy được rõ tất cả bản thể của [vô lượng] vũ trụ và nguyên nhân cấu tạo của nó” thì hai cái minh kia trở thành vô nghĩa vì cả hai cũng là bản lai của vũ trụ.  

Mà cái bản lai diện mục đó là vô sinh vô diệt, vô thủy vô chung, không có nguyên nhân hậu quả cho nên cái bản lai đó không bị chi phối bởi luật vật lý nhân quả (cause & effect) lẫn duyên khởi (dependent origination)?  

Cho nên “nguyên nhân cấu tạo của nó” cũng vô nghĩa luôn, sá gì cái “đạo lý vô ngã?”. Có thể vì vậy mà khi được hỏi, Ngài im lặng, không trả lời?

Kinh Pháp Hoa đã cố gắng giải thích: “Pháp hy hữu khó hiểu đệ nhất [như vậy] mà Phật thành tựu chỉ Phật cùng Phật mới có thể thấu suất thật tướng [như vậy] của các pháp [như thị, Trứ]”.  

Theo tôi thì Ngài tri kiến cái đạo lý Như Thị (As Is!) bất khả tư nghị!

Đức Phật tham thiền nhập định và giác ngộ như thế nào?

Hơn nữa, không có kinh điển nào ghi chép lại đầy đủ chi tiết cái điều đơn giản và thực tiễn nhất, đó là đức Thế Tôn tham thiền nhập định như thế nào trong 24 giờ/49 ngày không ăn, không uống, không ngủ như đa số nghe đồn như vậy?  

Ngài đã thở như thế nào, bằng bụng? Sau vài tiếng đồng hồ cơ thể có mỏi mệt và hai chân có tê liệt không? Có ngủ gục không?  Và thắc mắc cuối cùng là Ngài có gõ mõ, tụng kinh, niệm Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật không?
  
Cho đến khi nhờ nhân duyên mới tìm được một dòng chữ này trong bài pháp luận của cố Giáo sư, cư sĩ Phạm Công Thiện, (Ngộ Nhập, Phần thứ hai: Tiến tới, Chương Ba: Bước chân thứ ba lên ðường thực hiện việc trở về sự im lặng: Sự chuyển ðộng toàn diện của tâm thức lên đường viễn ly, Phạm Công Thiện).

Tàn canh đêm, đức Phật thức dậy ngồi im lặng và giương mắt lên nhìn chăm chăm vào cả vũ trụ thế gian” (Buddhaghosa, Sumangala Vilàsinì. 1-45).

Tôi cũng không có nhân duyên để đọc được kinh sánh nào thuật lại rằng có một cao đồ nào đó của đức Phật đã hỏi Ngài tham thiền như thế nào để thế nhân sau này có thể đốn ngộ hay gặt hái được một chút thành công thay vì phải tụng kinh, niệm Phật, ăn chay, nghe thuyết giảng, ngồi thiền và tu hành cả đời mà vẫn bị nghiệp báo không mấy ai thật sự giải thoát, giác ngộ, thành chánh quả?

Thái tử Tất Đạt Đa với tâm Bồ Tát, xuất gia, tầm sư học đạo chẳng qua là muốn giải tỏa những tư duy của nội tâm và cũng để tìm ra lối giải quyết thích đáng cho những vấn nạn sinh tử, đau khổ trên đời của nhân sinh?  

Trong vòng 6 năm đầu, đức Thế Tôn tuy là học trò nhưng Ngài tu chứng cao hơn những thầy giáo, đạo sĩ dạy mình. Hơn nữa, những đạo sĩ này cũng tự biết là họ không đủ trình độ tâm linh để làm thầy đức Thế Tôn.

Nhưng những tâm linh mà đức Thế Tôn đã đạt được qua những duyên gặp gỡ đó, Ngài không nhận thấy đó là chân lý rốt ráo, tối thượng nên tự mình thắp đuốc mà đi. Cùng với những căn cơ đã đạt được trong 6 năm đó, cộng thêm tự lực quyết tâm tham thiền nhập định trong nhiều ngày, bỗng nhiên Ngài đã đạt được “vô thượng chánh đẳng chánh giác” như đã được thuật lại trong kinh sách.

Theo Kinh Trung A Hàm, thuật ở trên thì hình như đốn ngộ là một chuỗi tiệm ngộ theo phương trình thứ tự của thời gian chứ không phải đốn ngộ của nội tâm?  

Thay vì, cái đốn ngộ đó được những thiền sư và nhiều sách hiện đại khác mô tả như là bỗng nhiên bùng lên trong tức khắc ngoài tầm kiểm soát của ta (ngã)? 

Như đa số chúng ta quan niệm, những giây phút tiệm ngộ chỉ làm cho ta tạm thời giác ngộ chứ chưa hẳn là đốn ngộ đưa đến hoàn toàn giải thoát. Ngay cả đốn ngộ cũng chưa hẳn thành Phật.

Tôi tạm thời tóm tắt: Đức Thế Tôn đã xếp bàn ngồi theo kiểu kiết già, thiền quán nhiều ngày dưới gốc cây bồ đề, chiến đấu với những nghi vấn sinh tử, những khổ nạn đau khổ của chúng sinh, những cám dỗ của tham, sân, si và những thử thách của thể chất. Lần lần, Ngài đã thấy rõ và làm chủ được những ám ảnh, lúc ẩn lúc hiện đó trong tâm thức.  

Bỗng nhiên, Ngài đạt tới giai đoạn bùng nổ như “big bang” của đốn ngộ và ngay trong lúc thập tử nhất sinh đó, Ngài phải đối phó với giặc thiên ma do “Ma Vương Mara” chỉ huy, bằng cách giữ cho lòng sắt son, tâm thanh tịnh, tinh thần sáng suốt và rồi Ngài dùng tuệ nhãn thông suốt kỳ tâm, soi sáng u minh, xuyên thấu ảo tưởng để thấy nguyên hình của Ma Vương (ma tâm) và yêu nữ (dục tâm); vì vậy mà Ngài đã chiến thắng, khuất phục Ma Vương (tâm phan duyên) thay vì bị Mara dẫn dụ vào đường ma đạo, phá hoại công phu tu hành, đưa đến tẩu hỏa nhập ma. 
 
Phật giáo đã vượt qua ải tâm linh tới bến chân như hơn 2.500 năm về trước. Khi Tâm thức của hành giả thoát nhiên giác ngộ, tức khắc giải thoát, thấy tự tánh đi xuyên qua điểm nhất thể, nhập cùng sự tĩnh lặng vô cùng của “lỗ hổng thời gian” và sự ngưng đọng của vật chất trong hố đen đó, rồi đột nhiên bùng nổ, đạt được vô thượng giác ngộ, thành Phật. 

Đây là trạng thái đạt được Niết bàn trong Phật giáo với sự tĩnh lặng, ngưng đọng vĩnh cửu của thời gian. Đó chính là Chân như tĩnh tịnh, Niết bàn Tịnh độ. Hay nói một cách khác, vượt bờ an tâm (duy ngã), qua biển khổ (hố đen mê muội) đến bến kiến tánh (vô ngã)”. (Vô tự chân kinh, tái khám phá [Resdiscovery], tác giả Lê Huy Trứ).

Như kinh nói, chư Phật, đức Thế tôn chỉ vì đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời, đại sự đó chính là Tri kiến Phật.  

Đức Thế tôn kia từ trong tam muội mà hiển hiện, dùng bao nhiêu phương tiện để khuyên bảo chúng sinh nên buông dứt, chớ hướng ra ngoài tìm cầu nơi tha lực mà nên tự lực để tu hành thì cũng sẽ phát tâm bất nhị, khai Phật tri kiến. Lục Tổ cũng khuyên tất cả chúng ta nên quán tự tại để khai tri kiến Phật ở trong tự tâm của mình.

Giác ngộ sướng như thế nào?

Hình như, Ngộ không có đích để đến. Vô không gian - không thời gian mà chỉ bỗng nhiên, bất ngờ: Một pháp thông vạn pháp điều thông?

Cái gì Ngộ? Cái Vô ngã ngộ hay cái Ngộ ngộ vô ngã? Hay là cái Tâm ngộ?  

Từ mê tới ngộ rất khó lường nhưng từ ngộ trở lại mê thì chỉ trong sát na.

Vậy thì giác ngộ sướng như thế nào?
 
Rồi có một ngày, thiền sư tuyên cáo rằng một sư trẻ đã đạt được giác ngộ.  

Các sư trẻ khác đến gặp sư đó: “Chúng tôi nghe rằng sư đệ đã giác ngộ. Có phải như vậy không?
 
Sư trẻ: “Đúng như y như rứa!
 
Vậy thì giác ngộ nó sướng như thế nào?” - Họ hỏi.
 
Sư trẻ trả lời: “Chưa khi mô, khổ răng mà khổ như rứa!
 
Các sư trẻ ngạc nhiên: “Tại sao giác ngộ lại khổ quá như vậy?
 
Sư trẻ trả lời: “Đệ chỉ mới giác ngộ như bị điện giật tê tê nhưng chưa được giải thoát vì chưa bị điện chân hỏa tam muội giật sướng muốn chết đi được”.

(Tác giả Lê Huy Trứ, phóng tác từ truyện thiền Nhật Bản, 2016).

Tôi chưa có được diễm phúc để gặp bậc giác ngộ nên không biết giác ngộ sướng như thế nào? Nhưng có người đã từng hỏi tôi, kẻ phàm phu tục tử này, đã có bao giờ “kinh qua” như bị điện giật không?

Tôi đã trả lời: Ta bị “kinh qua” điện giật tưng tưng sướng muốn chết cũng chả ăn nhằm gì tới người. Người bị “kinh lại” điện giật đau chết cũng chẳng nhằm nhò gì đến ta.

Ai bị giật nấy “kinh chết”. Sướng khổ tự “kinh nghiệm” dưới truyền đài như cái sự đời quá ngắn ngủi trong vài kiếp, chưa kịp thấy sướng, tu hành chưa xong thì đã vội vàng bỏ đó mà đi phó hội vườn đào.  

Thực tế, sinh tử luôn cận kề, phạm hạnh chưa kịp tu thành, những gì không nên làm đã lỡ làm nhưng lại phải bỏ dở vì nửa đường đứt gánh. Cái nghiệp thân này còn nặng nợ, cho nên, sau đời này mới có đời sống khác nữa để trả nợ tiếp.

Hơn nữa, “nếu lỡ dại” cầu giác ngộ được giác ngộ, phạm hạnh đã làm xong rồi thì chúng ta sẽ còn gì nữa để mà làm, ở đây làm gì nữa sau khi đã đạt giác ngộ?

Có lẽ cũng vì vậy mà từ hơn 2600 năm nay rất ít người muốn vội đáo bỉ ngạn tái thành Phật chứ không phải khó giác ngộ, thành Phật?

Nghe nói như vậy nhưng đừng vội tin như vậy mà phải thấy trước như vậy đã rồi mới tưởng như vậy và kiến như vậy vì nó y hệt như vậy. 

Ôn ơi! Răng “như thị” nó ngụy tặc dữ sợ như rứa?

Ra ngoài tê mà hỏi cái chủi ngoài cươi tề.

Đức Phật giải thích, thế nào là Bồ Tát (Bodhisatva)?

"Này Mahànàma, thuở xưa, khi ta còn là Bồ Tát, chưa chứng được Bồ đề, chưa thành chánh ðẳng chánh giác, ta khéo thấy với như thật chánh trí tuệ: Các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn, dù ta có thấy với như thật chánh trí tuệ như vậy, nhưng ta chưa chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp sinh hay một pháp nào khác cao thượng hơn. 

Và như vậy ta biết rằng, ta chưa khỏi bị các dục chi phối. Và này Mahànàma, khi nào ta khéo thấy với như thật chánh trí tuệ: Các dục, vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn và ta chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp sinh hay một pháp nào khác cao thượng hơn, như vậy ta khỏi bị các dục chi phối".

Bồ Tát là Giác hữu tình, Minh Đức viết: “Bồ đề tát đỏa gọi tắt là Bồ Tát có nghĩa là hữu tình giác. Chúng sinh có 2 loài là hữu tình và vô tình. Có tỉnh thức thì gọi là Giác, còn ý thức chập chờn đổi thay thì gọi là chúng sinh hữu tình, còn mê theo tình cảm của chúng sinh thì là phàm phu, tỉnh giác thì gọi là hữu tình giác tức là Bồ Tát”. 

Trong “Sự khác biệt giữa A La Hán và Bồ Tát là gì?”, Tỳ kheo Thích Phước Thái giảng: “Bồ Tát có 2 nghĩa: một là hữu tình giác, hai là giác hữu tình. Thế nào là hữu tình giác? 

Bồ Tát cũng là một con người như chúng ta, nhưng là một con người giác ngộ và sau khi giác ngộ, các ngài đem sự giác ngộ đó giáo hóa cho mọi người cũng đều được giác ngộ như các ngài, thì gọi các ngài là Bồ Tát. Như vậy, ai cũng có thể làm Bồ Tát được cả. Nếu chúng ta chịu khó tu học và có tấm lòng vị tha nhân ái làm lợi ích cho mọi người, cũng đều gọi là Bồ Tát. Tóm lại, Bồ Tát chỉ là một con người, nhưng là người giác ngộ, làm lợi mình và lợi người, đó là Bồ Tát.

Khác trên hình thức: Bồ Tát không nhất thiết phải là người có hình thức xuất gia mà người tại gia vẫn làm Bồ Tát. Như vậy, Bồ Tát có hai hạng: xuất gia và tại gia. Ngược lại, A La Hán thì phải là người xuất gia, vì các ngài thọ đại giới Tỳ kheo, hay Sa môn vậy”.

Thế nào là La Hán (Arahat)?
 
La Hán (Arahat) có 3 nghĩa: Sát tặc (diệt sạch giặc phiền não trong tâm), Vô sinh (đồng nghĩa với Niết bàn, tâm đầy an tịnh không còn sinh tử luân hồi) và Ứng cúng (thật xứng đáng cho trời người cúng dường).

- Như Lai nói: này các Tỳ kheo, là bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác, do yếm ly, ly tham, đoạn diệt Sắc... đoạn diệt Thọ... đoạn diệt Tưởng... đoạn diệt các Hành... đoạn diệt Thức, được gọi là bậc giải thoát, không có chấp thủ, Chánh Ðẳng Giác.

- Còn vị Tỳ kheo, này các Tỳ kheo, được giải thoát nhờ trí tuệ, do yếm ly, ly tham, đoạn diệt Sắc... đoạn diệt Thọ... đoạn diệt Tưởng... đoạn diệt các Hành... đoạn diệt Thức, được gọi là bậc giải thoát, không có chấp thủ, giải thoát nhờ trí tuệ.

Ở đây, này các Tỳ kheo, thế nào là sự sai biệt, thế nào là sự đặc thù, thế nào là sự sai khác giữa bậc Như Lai, A La Hán, Chánh Ðẳng Giác và bậc Tỳ kheo được giải thoát nhờ trí tuệ?

- Bạch Thế tôn, đối với chúng con, các pháp lấy Thế tôn làm căn bản, lấy Thế tôn làm chỉ đạo, lấy Thế tôn làm chỗ y chỉ. Lành thay, bạch Thế tôn, nếu được Thế tôn nói lên ý nghĩa của lời này. Sau khi nghe Thế tôn, các Tỳ kheo sẽ thọ trì!

- Vậy này các Tỳ kheo, hãy nghe và khéo suy nghiệm, ta sẽ nói.

- Thưa vâng, bạch Thế tôn - Các vị Tỳ kheo ấy vâng đáp Thế tôn.

- Như Lai: này các Tỳ kheo, là bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác, làm cho khởi lên con đường (trước kia) chưa khởi, là bậc đem lại con đường (trước kia) chưa được đem lại, là bậc tuyên thuyết con đường (trước kia) chưa được tuyên thuyết, bậc tri đạo, bậc ngộ đạo, bậc thuần thục về đạo.

- Còn nay, này các Tỳ kheo, các vị đệ tử là những vị sống theo đạo, tiếp tục thành tựu (đạo).

Này các Tỳ kheo, đây là sự sai biệt, sự đặc thù, sự sai khác giữa Như Lai, bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác và bậc Tỳ kheo được giải thoát nhờ trí tuệ".  

Khác biệt với quan điểm và mục đích tối thượng của Đại thừa là tu để thành Phật. Tiểu thừa không chấp nhận điều trên này, như trên internet, webpage, forum của Thế giới vô hình, trong mục đề tài: Sự khác biệt giữa Phật, Duyên Giác, A La Hán, Nhất Đẳng viết: “Phật và A La Hán sự tu chứng đạo thì không khác nhau, nhưng đức Phật khác với những bậc A La Hán là vì đức Phật là người thầy, là người đầu tiên khởi lên, đem lại và tuyên thuyết bốn chân lý của loài người, còn A La Hán (bậc Tỳ kheo được giải thoát nhờ trí tuệ) là người tu theo 4 chân lý đó (Tứ diệu đế)”.

Tiểu thừa cũng không chấp nhận “Bồ Tát đã chứng và xuống trần để đi độ người khác theo bổn nguyện của mình, hành trì 6 Ba la mật đa sau đó sẽ thành Phật... Và tất nhiên Bồ Tát phải to hơn A La Hán” (Nhất Đẳng viết trên internet).

Sự sai biệt của Phật, Duyên Giác và A La Hán

Trích và tuyển tập trong những pháp luận, kinh Phật và Kinh Ưu Bà Tắc Giới, Phẩm Ba loại bồ đề, đức Phật giảng về sự sai biệt của Phật, Duyên Giác, A La Hán chứ không phân biệt cao thấp, hơn thua, to nhỏ như sau:

Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch đức Thế tôn! Như đức Thế tôn đã nói, Bồ Tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ đề có ba loại: Thanh Văn Bồ Đề, Duyên Giác Bồ Đề và Phật Bồ Đề. Nếu thành tựu bồ đề gọi là Phật, tại sao Thanh Văn, Duyên Giác không được gọi là Phật? Nếu người giác ngộ pháp tính được gọi là Phật, Thanh Văn, Duyên Giác cũng giác ngộ pháp tính, tại sao không được gọi là Phật? Nếu người chứng được Nhất Thiết Trí được gọi là Phật, Thanh Văn, Duyên Giác cũng chứng được Nhất Thiết Trí, tại sao không được gọi là Phật?

Ngài dạy: “Thiện nam tử! Bồ Đề có ba loại: một là từ sự nghe pháp mà chứng ngộ; hai là từ sự suy tư mà chứng ngộ, ba là từ sự tu hành mà chứng ngộ. 

Thanh Văn từ sự nghe pháp mà chứng ngộ, nên không gọi là Phật. 

Duyên Giác từ sự suy tư mà chứng ngộ ít phần, nên gọi là Duyên Giác. 

Chư Phật là Bậc Không Thầy, cũng không nhờ nghe pháp, hoặc suy tư, mà chỉ do sự tu hành mà giác ngộ tất cả, thế nên gọi là Phật. 

Kinh Pháp Hoa ghi: “Chỉ có Phật với Phật mới có thể thấu suốt thật tướng của các pháp, tính như vậy, tướng như vậy, nhân vậy, duyên vậy, quả như vậy, báo như vậy, đầu cuối rốt ráo như vậy”.

Thiện nam tử! Vì thấu rõ pháp tính (tự tính), nên gọi là Phật. Pháp tính có hai loại: một là Tổng tướng, hai là Biệt tướng. Hàng Thanh Văn chỉ biết tổng tướng, nên không gọi là Phật. Duyên Giác, tuy đồng với Thanh Văn biết Tổng tướng, nhưng chẳng phải do sự nghe Pháp, nên gọi là Duyên Giác.

A Tỳ Đàm Tâm luận có ghi: “Bậc liễu tri được tự tướng và cộng tướng cả các pháp là Phật”.

Phật có đủ hai trí là tổng tướng trí, trí biết tướng chung của các pháp; biệt tướng trí là trí biết riêng các pháp.

Đức Như Lai Thế Tôn, thấu rõ tất cả Tổng tướng, Biệt tướng. Không do sự nghe Pháp, suy tư, không nương vào thầy, chỉ nương vào sự tu hành mà được giác ngộ. 

Thiện nam tử! Đức Như Lai Thế Tôn trí tuệ viên mãn, biết tất cả các pháp. Thanh Văn, Duyên Giác tuy biết rõ bốn Thánh Đế, nhưng trí tuệ chưa viên mãn, do nghĩa này nên không gọi là Phật.
 
Đức Như Lai Thế Tôn trí tuệ viên mãn, biết tất cả các pháp, nên gọi là Phật.

Thiện nam tử! Như ba con thú: thỏ, ngựa và hương tượng (hà mã), lội qua sông Hằng. Chân thỏ không chạm đến đáy sông, nổi trên mặt nước mà bơi qua. Chân ngựa thì có lúc chạm đến đáy sông, có lúc không chạm. Chân hương tượng thì lúc nào cũng chạm đến đáy sông. 

Ở đây, sông Hằng tượng trưng dòng sông mười hai nhân duyên. Khi hàng Thanh Văn vượt qua dòng sông mười hai nhân duyên, cũng giống như thỏ qua sông, khi hàng Duyên Giác vượt qua, cũng giống như ngựa qua sông, khi đức Như Lai vượt qua, cũng giống như loài hương tượng qua sông. Vì thế đức Như Lai được gọi là Phật. Thanh Văn, Duyên Giác tuy đoạn phiền não, nhưng chưa đoạn tập khí. Còn đức Như Lai đã nhổ tận gốc của tất cả phiền não và tập khí, nên gọi là Phật. 

Thiện nam tử! Sự nghi có hai loại: một là Phiền não nghi, hai là Vô ký nghi. Hàng Nhị thừa tuy đoạn được Phiền não nghi, nhưng chưa đoạn được Vô ký nghi.
 
“Vô ký không là cảnh giới thanh thanh tịnh tịnh, chẳng có suy nghĩ, chẳng có nghi tình, là cảnh giới của kiến văn giác tri, cảnh giới của tùy duyên biết, cảnh giới mặc chiếu (đang là, rõ ràng thường biết, ở đây & bây giờ, chánh niệm tỉnh giác), cảnh giới của Ngoại đạo và Nhị thừa (vô tâm, hầm sâu đen tối, căn bản vô minh). Nó giống như một empty storage trong computer, nó giống như một trang giấy trắng chưa có chữ, như mặt hồ tĩnh lặng…

 - [Phiền não] Nghi tình là cảnh giới thắc mắc, bức xúc. Nó giống như một hố đen trong vũ trụ gom hết tất cả (thân tâm & thế giới) thành một khối để có cơ hội thì bùng vỡ; như cơn ‘đại sóng thần’ gom hết nước trong đại dương (Tạng thức) vỗ vào bờ làm thay đổi mọi thứ (ngộ)…” (Phân biệt nghi tình và vô ký, Liễu Phàm).

Liễu Phàm viết: “Nghi tình thuộc phạm vi của 'Nhất niệm vô minh', Vô ký không thuộc phạm vi 'Vô thủy vô minh'...

Nghi tình như ngọn lửa lớn thiêu đốt nghiệp thức sinh tử (sắc thọ tưởng hành thức) và tập khí phiền não (tham sân si), còn Vô ký không chỉ là nơi dung chứa những chủng tử này...

Mục đích của tham thiền là dùng nghi tình phá tan vô ký không (không chấp), thành trì cuối cùng của vô minh vậy”.

Như Lai đoạn hết cả hai sự nghi, nên gọi là Phật. 

Thiện nam tử! Thanh Văn chán sự nghe nhiều, Duyên Giác nhằm sự nghĩ sâu, chỉ có đức Phật, đối với hai việc này, tâm không nhàm chán, bởi thế nên gọi là Phật. Thanh Văn, Duyên Giác, trí tuệ tuy thanh tịnh, nhưng thân tâm không thanh tịnh. Như Lai không phải thế, trí tuệ và thân tâm đều thanh tịnh, thế nên gọi là Phật. 

Thiện nam tử! Sự thanh tịnh có hai loại: một là trí tuệ thanh tịnh, hai là đức hạnh thanh tịnh. Thanh Văn, Duyên Giác tuy có trí tuệ thanh tịnh, nhưng đức hạnh không thanh tịnh. Đức Như Lai Thế Tôn trí tuệ, đức hạnh đều thanh tịnh, thế nên gọi là Phật. 

Thiện nam tử! Công hạnh của Thanh Văn, Duyên Giác có giới hạn, còn công hạnh của Đức Như Lai Thế Tôn thì không có giới hạn, thế nên gọi là Phật. 

Trong “Những đức hạnh lý tưởng của đức Phật, Hòa thượng K Sri Dhammananda viết: “Đức Phật là hiện thân của tất cả các đức hạnh lý tưởng. Ở nơi Ngài ta thấy sự hiện thân của luân lý cao nhất (giới), tập trung sâu xa nhất (thiền định) và trí tuệ thâm sâu (huệ) - những đức tính không ai vượt qua được và không sánh được trong lịch sử loài người.

Những câu kệ sau đây bằng tiếng Pali, nêu lên những đức hạnh thực chất bên trong của đức Phật mà người phật tử trì tụng khi họ vinh danh đức Phật:

"Itipi So Bhagava Araham Samma-Sambuddho
Vijja-Carana-Sampanno Sugato Lokavidu
Anuffaro Purisa Damma-Sarathi Sattha Deva-
Manussanam Buddho Bhagavathi"

Sự trung thực của câu kệ này không thể nghi ngờ vì nó bắt nguồn từ nhiều bản kinh quan trọng trong Tam tạng kinh điển theo qui chuẩn Phật giáo đã xác nhận cũng như từ nơi bốn mươi phương pháp thiền định tư duy về những đức hạnh của đức Phật.

Chuyển ngữ ngắn gọn từ tiếng Pali như sau:

Araham - Ứng cúng (bậc đáng được nhận sự cúng dường của người và Chư tiên vì dứt hết phiền não), Samma Sambuddhdho - Chánh biến tri (bậc biết hết tất cả pháp); Vijjacarana Sampanno - Minh hạnh túc (bậc có đủ trí tuệ và đức hạnh); Sugato - Thiện thệ (đã làm xong các hạnh lành, trên đường đi đến Niết bàn); Lokavidu - Thế gian giải (bậc hiểu rõ kiến thức thế gian); Anuttaro Purisadamma-Sarathi - Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu (bậc cao hơn hết trong hạng chúng sinh thống trị lấy mình như bậc trượng phu cầm cương ngựa đi vào đường lành); Sattha-Deva-Manussanam - Thiên Nhân Sư (bậc đạo sư của hàng người và hàng Chư thiên, dạy việc nên làm và việc chẳng nên làm); Buddho - Phật (bậc giác ngộ hoàn toàn); Bhagavathi - Thế tôn (bậc cao hơn hết trong cõi thế, được tất cả cõi thế, tất cả chúng sinh tôn trọng)”.

Thiện nam tử! Đức Như Lai Thế Tôn, trong một niệm trừ diệt hai chướng: một là Trí chướng, hai là Giải thoát chướng, thế nên gọi là Phật. Đức Như Lai đầy đủ trí nhân và trí quả, thế nên gọi là Phật”. 

Theo cái nhìn của Luận Khởi Tín thì những che chướng ấy là: 

[Trí] Bất giác có nghĩa là do chẳng như thật biết Chân như nên tâm bất giác khởi mà có vọng niệm. Nhưng vọng niệm không có tự thể riêng biệt nên chẳng lìa Bản giác…

Trí bất giác chướng mà sinh ra ba tướng (vi tế), ba tướng này tương ưng và không lìa bất giác:

- Tướng vô minh sinh nghiệp (vô minh nghiệp tướng): Tính giác thì không động. Nhưng do bất giác nên tâm động, gọi đó là nghiệp. Có động thì có khổ. Từ nhân động sinh ra quả khổ, quả chẳng lìa nhân.

- Tướng có cái thấy về phần chủ thể (năng kiến tướng): Do động nên sinh ra cái thấy về phần chủ thể. Nếu không động thì không có cái thấy của chủ thể.

- Tướng cảnh giới: Vì nương vào có chủ thể thấy nên cảnh giới hiện ra một cách hư vọng. Nếu lìa cái thấy từ một chủ thể thì không có cảnh giới”.

Cho nên giải thoát có nghĩa là không còn bám víu khỏi những lớp che chướng, vô minh ấy. Nếu không có những lớp che chướng ấy ràng buộc thì cũng không có cái gì để gọi là giải thoát, giác ngộ.  

Không vô minh thì không có giác ngộ, không có giải thoát.

Đạo Phật tưởng cao siêu, thật khó khăn để tu tập nhưng thật ra cũng thật đơn giản dễ dàng để tu hành: chớ tự ràng buộc mình, chớ tự che chướng mình, chớ tự lừa dối mình thì đoạn được tất cả nghiệp chướng, đạt được giác ngộ, giải thoát.

Cho nên, đừng nên nghe kinh luận phức tạp khó hiểu như trên mà vội nản chí tu hành. Vì y kinh giải nghĩa mà tín ngưỡng như vậy thì tam thế Phật oan. Ngược lại, lìa kinh nhất tự mà thể hiện được ý Phật tức không đồng ma thuyết. 

Tôi có đọc nhiều lần đoạn kinh này nhưng lần này đọc lại nó hoa mắt, hóa ra như vậy: 

Ta là Phật đã thành và chúng sinh cũng là Phật đã thành.  Chỉ khác nhau ở chỗ vô minh và giác ngộ.  

Tuy nhiên, Phật là Phật không có phân biệt nhị nguyên, khác biệt. 

Phật không biết vô minh nên không cần giác ngộ. Phật chúng sinh không biết đang vô minh nên phải cần tới giác ngộ.

Hòa thượng Thích Trí Quảng giảng: “Trong loài người chúng ta có đủ các loài của sáu đường sinh tử, kể cả bốn Thánh cũng có đủ. Bốn Thánh là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật” (Báo Giác Ngộ: số 839, 13/04/2016, 10:28:00).

Tập tĩnh được trong khi động và luôn luôn cảnh giác để luyện cho mình có sức chịu đựng để kiến tánh giữa trận đời là lối tu hành với tinh thần bi trí dũng của bậc trí tuệ.  

Dĩ nhiên là không phải dễ dàng nhưng phải cần đến dày công phu tu hành, trì giới và chuyên cần.

Đạo bình đẳng
 
Đức Thế tôn không lập ra Phật giáo mà Ngài chỉ tổ chức tăng đoàn để tu hành. Tuy Ngài có đặt ra vài luật lệ cho tổ chức nhưng Ngài chưa bao giờ chủ ý sáng lập ra một tôn giáo mới, tự xưng là giáo chủ, mặc cẩm bào ngồi ngất ngưởng trên ngai vàng để cho đám đệ tử và tín đồ đóng góp tài vật, vái lạy, tụng kinh, niệm chú, tôn sùng, ca tụng, dâng lễ vật để hối lộ, cầu xin phép lành. Vì nếu muốn duy ngã độc tôn như vậy thì Ngài đã không cần bỏ làm vua tương lai để làm Phật.  

Chúng ta thờ kính, cúng lạy Phật là lạy chính chúng ta. Mà khi mình tự mình lạy mình thì ai là kẻ kiêu ngạo, ai là kẻ thấp kém đây?  

Cái ngã nào lạy, cái ngã nào được lạy?
  
Làm sao mình lạy được mình? Tự mình bưng mình lên bàn thờ rồi bò xuống khúm núm quỳ lạy... bóng mình?

Chủ trương bình đẳng từ hơn 2600 năm về trước trong cái xã hội phân chia giai cấp của Ấn Độ thời đó và ngay cả hiện tại cũng không thay đổi mấy đã cho thấy trí tuệ của đức Thế tôn không những đã vượt thời gian về tâm linh, triết học, khoa học mà cả xã hội học.

Tinh thần bi trí dũng, phú quý không màng, uy vũ bất năng khuất, thử thách vô quái ngại của Ngài cũng đã đi trước và vượt quá nhân loại ngày nay.

Bình đẳng giác là một trong nhiều điểm đặc thù của tôn giáo Phật Đà.  

Ta là Phật; Phật là ta!

Lục Tổ chỉ rõ thêm: "Phàm phu tức Phật, phiền não tức Bồ đề; niệm trước mê tức phàm phu, niệm sau ngộ tức Phật. Niệm trước chấp cảnh tức phiền não, niệm sau lìa cảnh tức Bồ đề".

Đó là cảnh giới mà Bát Nhã Tâm Kinh diễn tả: “Vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo, mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn”. Tức là “bởi lòng không có điều ngăn ngại nên không có sợ hãi, xa lìa các sự xáo trộn và mơ màng, rốt cuộc đến Niết bàn”.

Trên thực tế, luôn luôn có rất nhiều điều bất như ý làm cho chúng ta phải lo, phải ngại, phải sợ, muốn né tránh, muốn được yên thân mà cũng không được. Nhất là trong thời đại văn minh hiện đại, cái tâm quái vật của chúng ta nó cố quái ngại, có khủng bố, gần như điên đảo, ác mộng tưởng và nhất là còn “tâm viên, ý mã” hơn ngày xưa rất nhiều.

Gần như hầu hết đa số chúng ta điều biết rõ cái nguyên lý cầu bất khả đắc nhưng không chịu chấp nhận thực tại. Đó là lúc còn ấu thơ thì mong mau lớn để muốn làm điều mình muốn làm, không phải bị bắt buộc làm điều mình không muốn làm nhưng khi lớn lên lập gia đình lại không làm được điều mình muốn làm mà lại phải làm cái điều mình không muốn nhưng phải làm.  Rồi khi trở thành già khú đế muốn làm cũng không làm nổi mà không làm nổi cũng phải bị làm. Đúng là số khổ!

Thật ra có cái quái gì trên đời cần làm đâu? Hình như chúng ta sinh ra đời đâu vì phải làm những chuyện tầm thường “rất người” đó? Mà có cố làm những điều vô lý đó thì suốt cả cuộc đời cũng không bao giờ làm cho xong được.
 
Nhân sinh sống trong mộng du, “kiến mộng” rồi mơ mộng vì “không kiến... thực” nhưng khi bừng tỉnh, tĩnh tâm mới biết là mình “kiến không”.

Tất cả mọi chuyện trên đời đều từ nhân duyên mà cùng hợp rồi đồng tan, từ nghiệp quả mà vay nợ trả oan. Cho nên, nếu không biết “nhậm vận thịnh suy vô bố úy” thì phải thuận thời mà sống, rồi thì cố sự đời cũng sẽ phải qua đi, hơi sức đâu mà lo buồn, thất chí cho khổ thân.

Theo ý Tâm Kinh viết: “Nếu” tâm không còn dính mắc, ngăn ngại thì chẳng có cái quái gì để lo ngại quá đáng, không có cái quỷ gì mà phải sợ hãi.  

Nhưng làm cách nào để tránh xa điên đảo mộng tưởng trong lòng, nhận thấy được rằng cái lo sợ đó chỉ là “thần hồn nát thần tính” để mong đạt tới cảnh giới Niết bàn, an tịnh?

Nói thì dễ, ai nói cũng được nhưng những điều giải thích dài dòng văn tự ở trên chỉ xoay quanh một chữ “Nếu”, oái ăm quái dị ở trên mà thôi.

Nếu tất cả do tâm tạo thì tại sao chúng ta không thể dụng tâm để tạo được vạn sự như ý để phục vụ chúng ta và tạo ích lợi cho chúng sinh?

Có thể chúng ta chưa đạt được tới thần thông biến hóa đó hay dường như tâm không là ta, ta không là tâm?  

Hay chính vì chúng ta chưa xa lìa được những tập quán vô minh, tham sân si, sở trụ vào sắc, chấp ích lợi để phục vụ cho cái Ngã độc tôn?

Trong đoạn Kinh Bát Nhã nói về cái “Tự tính của tâm vô tâm bừng sáng lên một cách trong suốt”, tiếp liền theo sau đó, Sariputra liền đặt câu hỏi: “Vậy cái Tâm ấy chính là Vô tâm, thế thì cái Tâm vô tâm ấy có thực không?”. Subhuti mới hỏi lại: “Cái tâm ấy có thực hay không, hoặc là ta có thể nào hiểu cái tâm vô tâm ấy theo điệu “có thực” và “không có thực”? Sariputra liền trả lời dứt khoát: “Không, không thể nào hiểu theo điệu như vậy” (phẩm 1 dòng 5).

Những đối đáp trên cho thấy, cái Vô tâm không của trí tuệ Bát Nhã vượt ra ngoài bản lai “hữu thể, hữu sắc” và “vô thể, vô sắc tướng”, vượt qua nhị nguyên quan của cái thực có thật và cái thực không có.

Tâm bất thị Ngã. Ngã bất thị Tâm! Ngã tất thị Ngã. Tâm tất thị Tâm! Vô Ngã. Vô Tâm!

Không gian vang tiếng mõ
Thăng trầm tiếng chuông ngân
Văng vẳng kinh Bát Nhã
Nhậm vận không hoàn Không

Lê Huy Trứ
Còn tiếp...
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Xem thêm