Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 24/03/2015, 11:34 AM

Những điều ta muốn trong cuộc đời

Người khôn ngoan, đạo đức, có phước, có bản lĩnh và trí tuệ là người biết nhìn lại cái muốn của mình để phân tích, cân nhắc, đánh giá, biết diệt cái muốn nếu thấy nó không thích hợp, không chính đáng, mặc dù “Cái muốn” đó cũng do nghiệp thúc đẩy.

Sáng ngày 25/01/Ất Mùi (15/03/2015)), Thượng tọa Thích Chân Quang - Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã về thăm và tham dự Lễ động thổ tái thiết ngôi Chánh điện chùa Pháp Đàn (thuộc ấp 2, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) theo lời mời của Thượng tọa trụ trì - Thích Tắc Phi. Việc làm mới ngôi Chánh điện này góp phần cải tạo hoàn thiện cơ sở vật chất của ngôi chùa được khang trang, tốt đẹp hơn, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào phật tử xa gần trong xu thế hội nhập và phát triển đất nước nói chung, Phật giáo nói riêng. 

Chư Tổ Sư có dạy: Phật pháp phát triển mở rộng là do công của chư tăng ni hoằng hoá. Chùa tháp trang nghiêm là nhờ tín tâm đóng góp của hàng phật tử tại gia. Vì vậy, nhà chùa rất mong sự giúp đỡ của quý phật tử gần xa, để chùa Pháp đàn có được thuận duyên sớm hoàn thành việc trùng tu, xây dựng.
 
Nhân buổi Lễ động thổ xây dựng chùa Pháp đàn, đúng 14h00” cùng ngày, TT.Thích Chân Quang đã trao đổi với các phật tử bài Pháp thoại có tựa đề “NHỮNG ĐIỀU TA MUỐN TRONG CUỘC ĐỜI”. Bài Pháp đã chỉ ra những khái niệm, các mức độ và nhân quả của cái muốn. Đồng thời, gợi mở cho các phật tử biết cách kiểm soát cái muốn của mình để tạo phước, trang nghiêm tâm và tinh tấn hơn trong tu tập.

Nói về chùa Pháp Đàn, Thượng tọa bày tỏ sự ngưỡng mộ, khâm phục đối với TT.Thích Tắc Phi. Thượng tọa nhận xét rằng: Đây là vị tăng tu hành đức độ, cứ lặng lẽ tu, không bon chen, không ham danh lợi, nên rất nhiều đệ tử tìm đến học đạo dù chùa nghèo, rất thiếu thốn. Hôm nay, các đệ tử đã trưởng thành, duyên đã đủ nên cần trang nghiêm lại ngôi chùa cho đàng hoàng, bắt kịp với sự phát triển của xã hội ta.  
 
 
Đặc biệt, chùa có lợi thế là diện tích rất rộng, lại nằm ngay trên trục quốc lộ nên cần thiết kế, quy hoạch sao cho khoa học, vừa bảo đảm cảnh quan, vừa đáp ứng được nhu cầu cho tăng ni, phật tử tu tập, và tổ chức các Lễ hội Phật giáo. Nói tới nhân quả của việc bố thí, cúng dường, Thượng tọa khẳng định trên đời có 2 dạng người bất hạnh là những người không có cơ hội làm phước và có những người không chịu làm phước, vì con người sống chỉ hơn nhau ở cái phước. Nếu không có phước thì cuộc sống rất vất vả. 

Lễ khởi công xây dựng chùa Pháp Đàn chính là cơ hội cho mọi người làm phước, vì chùa là nơi thờ Phật, cũng là nơi để chư tăng tu hành, nơi bà con khắp nơi về lễ bái. Cho nên cái phước của việc đóng góp xây chùa là rất lớn. Mọi việc phước ta làm, nhất là những việc phước lo cho cộng đồng, cho xã hội hay phụng sự Tam bảo đều có nhân quả, có cái phước xứng đáng của nó.
 
 
Đi vào bài Pháp thoại, theo Thượng tọa “Tâm”chúng ta có nhiều thành phần. Trong đó, có ít nhất 3 yếu tố là: cái biết, cái muốn và cái nghiệp. 

- Thứ nhất, nếu không có “Cái biết”, không gọi là tâm. Vì ta biết chuyện này, chuyện kia, nên ta mới có tâm hồn. 

- Thứ hai, “Cái muốn” luôn hiện hữu trong con người ta, dù chúng ta đang ở không. Dù đang không làm gì hết, cái muốn vẫn đang khởi lên, vẫn đang hoạt động, ta vẫn đang muốn cái gì đó. Cái muốn luôn hoạt động kể cả khi ta ngủ. Có những cái muốn rất mạnh khiến ta thấy rõ, cũng có cái muốn thầm kín chìm sâu phía dưới. 

Tương tự, không lúc nào “Cái biết” ngừng lại. Đừng tưởng trong giấc ngủ không có cái biết, trong lúc ngủ mê là ta không biết với cái cảnh bên ngoài thôi, nhưng trong tâm ta vẫn dựng lên một thế giới của nó, để nó biết tiếp tục, mà đôi khi nó rõ ràng thành một giấc mơ mà ta nhớ được, và có giấc mơ khi thức dậy ta quên mất, nhưng lúc đó nó vẫn tự biết đối với những ảo ảnh, ảo giác tự nội tâm dựng ra.

Thậm chí khi ta chết, thực sự lúc đó ta vẫn đang biết, cái biết này lại sáng tỏ hơn, thấy rõ hết mọi thứ. Do đó, “Cái biết”; “Cái muốn” không bao giờ ngừng, cứ âm thầm… âm thầm. 
 
 
 
- Thứ ba là nghiệp chi phối tâm ta. Nghiệp làm cho ta biết được nhiều điều hơn hoặc nghiệp che tâm khiến cho ta không biết một sự thật gì đó. Và Thượng tọa đã giải thích, chứng minh điều này rất rõ, đồng thời kết luận: Tuy là nghiệp dẫn dắt cái muốn; cái biết của ta, nghiệp tạo cái trí thông minh cho ta, mà có khi nghiệp lại che mờ tâm trí ta. Cho nên nói trong tâm ta luôn luôn tồn tại 3 điều là: Cái biết, cái muốn và nghiệp. 

Trong phạm vi đề tài này, chúng ta chỉ chuyên chú, phân tích “Cái muốn”. Sự thật, lúc nào ta cũng đang muốn một cái gì đó, và có khi cái muốn đó mạnh làm cho ta thấy rõ, có khi cái muốn đó thầm kín, chìm sâu làm ta không thấy, ta cứ tưởng mình đang không muốn gì. Thường “Cái muốn” rất đa dạng. Có cái muốn mạnh; có cái muốn yếu; có cái muốn bình thường, dung dị; nhưng cũng có cái muốn phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều người. Trong đó, cái muốn dung dị, bình thường là khi đói - ta muốn ăn; khi khát - ta muốn uống; khi buồn – muốn tìm người để nói chuyện; v.v… Đó là những cái muốn thuộc về bản năng con người mà ai cũng có suốt cả ngày. Còn cái muốn ảnh hưởng đến nhiều người chung quanh, ảnh hưởng cuộc đời của ta, ảnh hưởng tương lai ta như việc chọn ngành để học, chọn người để kết hôn, v.v…. Vì vậy đối với những cái muốn đó chúng ta phải cân nhắc kỹ lưỡng. 

Người khôn ngoan, đạo đức, có phước, có bản lĩnh và trí tuệ là người biết nhìn lại cái muốn của mình để phân tích, cân nhắc, đánh giá, biết diệt cái muốn nếu thấy nó không thích hợp, không chính đáng, mặc dù “Cái muốn” đó cũng do nghiệp thúc đẩy. Tuy nhiên, đa số chúng sinh không biết nhìn nhận lại điều này, muốn cái gì là phải cố gắng đạt được cái đó, nên chỉ là phàm phu, mê muội, vô minh, dẫn đến tạo nghiệp lúc nào không biết.
 
Nhân đây, Thượng tọa giải thích sự khác biệt giữa người có phước và người thiếu phước. Sự khác biệt đó biểu hiện ở chỗ có người muốn lại không được; có người muốn là được - gọi là phước như ý. Cái phước này do ta bòn mót dành dụm ở những kiếp trước, không có chuyện gì tự nhiên mà đến. 

Cái tâm lý con người là thích thú, sung sướng và được gọi là tự do khi “Muốn điều gì được làm điều đó”. Cũng chính vì điều này mà đã gây ra cho họ không ít rắc rối, thậm chí có khi họ nhận được những bài học thật thích đáng, vì từ tâm lý đó, con người sẽ gây ra những hành động sai trái, khiến xã hội rối loạn. Thượng tọa khẳng định, trong những điều con người muốn tự do làm thì có đến 70% là điều tầm bậy vì chúng sinh ai cũng phàm phu, mà tất cả những điều bậy bạ đó, nếu ta được làm hết thì thế giới này sẽ hỗn loạn. 

Những ý muốn của phàm phu thường sai lầm, chỉ có bậc Thánh muốn điều gì thì điều đó là điều tốt, điều đúng 100%; hoặc người mà 90% điều mình muốn là đúng thì đó là bậc Thánh. Bậc A La Hán thì cũng 95% điều muốn là đúng thôi, 5% còn lại cũng trật so với Phật, vì một bậc A La Hán trong tức thời vẫn không nhìn thấy hết như đức Phật, cho nên các Ngài nhiều khi tác ý muốn làm điều gì, đôi khi vẫn không chính xác, vẫn thường mắc sai lầm. Hiểu điều này, từ đây chúng ta phải cẩn thận điều mình muốn “Hễ muốn phải coi lại cái muốn đó xem sao”. Đó là người trí tuệ, và một xã hội được như vậy xã hội đó tiến bộ.

Ngày nay, pháp luật cũng khó can thiệp đến cái muốn của con người, vì con người được quyền muốn và làm điều mình muốn, miễn không vi phạm pháp luật. Thậm chí, họ biết cả cách “Lách luật” để thực hiện cái muốn của mình. Tuy nhiên, mọi thứ luôn có 2 mặt là nếu được tự do, muốn gì được nấy thì con người có niềm đam mê để theo đuổi, sáng tạo trong công việc và sở thích của mình nhưng họ cũng dễ bướng bỉnh, cố chấp và nổi loạn. Tiếc là các nhà chính trị chỉ nhìn thấy mặt thứ nhất là con người có thể đam mê, sáng tạo theo ý muốn mà không biết rằng họ cũng có thể nổi loạn. 

Còn trong đạo Phật, với giáo pháp của Phật, khi nhìn vấn đề ta nhìn ra hết mọi khía cạnh, nên ta phân tích ra liền. Không phải muốn gì làm nấy là tốt đâu, mà phải biết quan sát nó. Trên tinh thần đó, ta chia thế gian này ra làm 2 loại người: Một là loại người chỉ thích làm những gì mình muốn; hai là người biết kiểm soát những cái muốn của mình. Việc phân chia này giúp ta đánh giá con người chính xác, công bằng hơn việc phân chia theo màu da, tài sản, học thức, đẳng cấp, lý lịch, dòng tộc.

Ví dụ, nói chia theo tài sản người giàu người nghèo, nói vậy chứ có người nghèo cũng rất là tốt, ngược lại người giàu cũng có người rất là hư; nên nói chia làm 2 hạng người giàu nghèo là không công bằng. Rồi nói chia theo học thức, người này bằng cấp cao; người kia bằng cấp thấp, cũng không công bằng, vì có những người không bằng cấp mà họ vẫn làm được việc cho cuộc đời, có những người bằng cấp cao cuối cùng cả đời cũng không làm được gì, không sáng tạo được gì. Rồi chia theo đẹp xấu cũng không công bằng, có những người mặt xấu nhưng tấm lòng rất đẹp và ngược lại. Nói vậy, nhưng nếu chia theo cái muốn thì rất khó, vì người luôn kiểm soát điều mình muốn, cái này mình nhìn không thấy. Nên không ai chia cho mình hết mà tự mình chia cho chính mình. 

Nói về nhân quả của cái muốn, Người khẳng định việc lựa chọn cái muốn có ảnh hưởng rất lớn đến cái phước của mỗi người. Nếu chạy theo cái muốn, cho bản thân mình làm những điều mình thích thì bản ngã và sự cảm tính từ từ tăng lên, ta sẽ làm sai nhiều hơn, vì chúng ta đều là phàm phu, 70% là làm sai nên chỉ tạo nghiệp mà ít phước. Còn người kiểm soát được điều mình muốn thì là người diệt ngã, đôi khi khó tính nhưng sống vị tha, tức mình muốn gì cũng coi lại cái muốn đó có đúng hay không. Như vậy, đối với mọi người xung quanh mình hơi khó tính, vì mình hay cản người này chuyện này; người kia chuyện kia, làm cho họ phát bực, nhưng cuộc đời coi vậy tốt lên từ từ. 

Thượng tọa nhắc nhở các phật tử từ nay phải biết đem cái muốn của mình ra phân tích, mổ xẻ, cân nhắc khi nó vừa khởi lên để có hành động đúng đắn, hợp lý. Người cho rằng: Người biết tu tập, biết giữ giới, chịu nghe Pháp, chịu làm phước, thích đi chùa là những người biết kiểm soát cái muốn của mình. Cho nên, phật tử là những người rất nhiều lần biết vượt qua cái muốn của mình; những người xuất gia là người đã nhiều đời diệt bỏ cái muốn của riêng mình; còn người thanh thản vượt qua mọi cái muốn nhưng tâm phủ trùm yêu thương chúng sinh thì là những bậc A La Hán. Còn người muốn gì được nấy thì đang trôi lăn trong phiền não, khổ đau, có khi đang trong nhà tù, có khi mang thân súc sinh và có khi đang trôi lăn trong địa ngục.

Nói và hiểu về “Cái muốn” rất khó, nếu tu hành không cao, vì đây là điều vô hình nhưng ta buộc phải nhìn thấy để tiến tu. Biết kiểm soát và vượt qua cái muốn của mình là sự tiến bộ của tâm linh, của đạo đức, xa hơn nữa là tiến bộ của sự tu tập. Nếu không biết kiểm soát mà cứ muốn thật nhiều thì cái muốn đó rất dễ thành nghiện. Cái muốn lúc này rất nguy hiểm và khó kiểm soát, vì khi nghiện rồi người ta sẽ bất chấp điều ác để thỏa mãn “Cơn nghiện” của mình. 

Nói về cái nghiện chính đáng của con người, được cả cõi trời và cõi người tán thán, Thượng tọa cho rằng chỉ có thể là nghiện tu và nghiện ngồi thiền. Nghiện thiền thì tâm ta sớm thanh tịnh, có phước lớn vô cùng. Còn những cái muốn khác đều khiến con người đau khổ, dễ tạo nghiệp.

Cái muốn của con người có những cái tốt, có những cái xấu. Cái muốn tốt sẽ tạo sức mạnh cho ta bước tới tu hành, Phật gọi là ngũ căn ngũ lực, dục như ý túc (tức những điều muốn tốt đẹp) như: muốn cúng dường xây chùa, muốn xuất gia, muốn hoằng pháp, muốn làm bác sĩ chữa bệnh cứu người, v.v…

Nói về nguồn gốc xuất hiện cái muốn, Thượng tọa phân tích cái muốn của ta hầu hết là do cái nghiệp thúc đẩy, nên khi nghiệp đến cái muốn được khởi lên rất mạnh. Nhưng cũng có cái muốn do trí tuệ lựa chọn, đây là ta đã thoát cái nghiệp rồi. Mỗi lựa chọn đúng đắn sẽ giúp ta bước lên một nấc nữa trong thang tiến hóa về tâm linh, vì đó là do trí tuệ của ta lựa chọn. Người biết đạo thường có trí tuệ, lựa chọn của họ luôn đúng đắn và thành công.

Tóm lại, cái muốn có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và việc tu tập của mình, nên mọi người cần biết kiểm soát cái muốn của mình. Để làm được điều này, Thượng tọa chỉ ra 2 cách cơ bản, hiệu quả nhất: Một là ta biết thiền định để đánh giá cái muốn vừa khởi lên; hai là phải biết lễ kính Phật để chuyển cái muốn của ta, từ cái muốn tầm thường thấp hèn thành cái muốn cao cả vị tha. Đồng thời Thượng tọa đã lý giải về tầm quan trọng và sự cần thiết của hai điều này đối với việc kiểm soát cái muốn là thế nào.  

Tiếp theo, bằng phép so sánh, Thượng tọa đã giúp các phật tử hiểu rõ hơn về cái muốn của phàm phu với các vị Bồ tát một cách tinh tế. Người cho rằng cái muốn của phàm phu là muốn hưởng thụ, còn cái muốn của Bồ tát là vì lợi ích chúng sinh. Cho nên phàm phu tạo phước rồi vội vàng hưởng phước, còn Bồ tát thì khéo tạo phước nhằm trang nghiêm công đức, uy lực để lo cho chúng sinh. Ai có tâm lo cho chúng sinh thì người đó có tâm Bồ tát. Vậy nên, chúng ta cần coi lại tâm của mình.

Đây là đề tài trừu tượng, khó nghe, khó hiểu nhưng nếu ai nghe rồi mà hoan hỷ thọ nhận thì chắc chắn biết nhìn sâu vào nội tâm mình hơn, cẩn thận với những cái muốn của mình và cũng xét lại khái niệm về tự do, sẽ không nghĩ rằng tự do là hạnh phúc, hay muốn cái gì thì làm cái đó là hợp lý, mà chính động thái phải xoay lại xét cái việc mình muốn, đó mới là chân lý, đó mới là bến bờ an lạc.

Tuy nhiên, việc thực hành cần liên tục, lâu dài, kiên nhẫn vì cái muốn là cái vô hình, hiểu và kiểm soát được nó là mức độ tu tập của ta đã cao hơn rất nhiều. Đồng thời, cái muốn luôn có 2 mặt: tích cực và tiêu cực. Pháp luật không thể can thiệp sâu hơn vào cái muốn của con người, nhưng con người cần có ý thức, trách nhiệm với chính cái muốn của mình, để không ảnh hưởng đến cuộc sống của cá nhân cũng như của những người xung quanh. Ngoài ra, chúng ta phải biết phát huy những cái muốn tích cực, biến nó thành niềm đam mê, sáng tạo trong công việc, trong công phu tu hành, nhằm góp phần đem lại lợi ích nhiều hơn cho xã hội, cho đất nước và cho Phật pháp.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm