Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Những đóa sen góp phần làm đẹp Đại lễ Vesak 2014

Đại lễ Vesak 2014 ngoài công tác chuẩn bị khá chu đáo của BTC, phải kể đến những đóng góp của những tình nguyện viên, những phật tử thuần thành, những vị thầy khả kính - những hoa sen tiêu biểu

Hoa Sen 1

Được dự lễ Vesak 2014 là niềm mơ ước của tôi nhưng ở vùng quê như Ninh Hòa (Khánh Hòa) có hơn 80 ngôi chùa mà chỉ có 2 Hòa thượng là đại biểu VIP của Đại lễ. Tôi đã đăng ký đi theo đoàn chùa Giác Ngộ của Thượng tọa Thích Nhật Từ và may mắn được đi cùng xe số 2 do Đại đức Thích Ngộ Đức hướng dẫn.

Điều làm cho tôi xúc động là thầy luôn quan tâm đến đoàn với số lượng gần 200 người. Lên xe, chỗ ngồi của thầy là sàn xe, phương tiện làm việc của thầy là một máy loa, một mic, một cờ Phật giáo có ghi tên chùa Giác Ngộ và một nụ cười luôn nở trên môi. Câu hỏi đầu buổi sáng của thầy là: Các con có ngủ được không? Buổi trưa là: Các con đã ăn cơm chưa, sau khi dùng cơm xong tập trung theo thầy vào hội trường ngủ nghỉ v.v…Khi nghe một số bác than phiền đã ra đến miền Bắc mà chẳng được tham quan Yên Tử, chùa Ba Vàng, Lăng Bác Hồ, thầy nhẹ nhàng: Các con chịu khó giữ tâm thanh tịnh, đừng vì một bất như ý nhỏ mà sanh tâm phiền não, hãy xác định mình ra đây là dự lễ Vesak chứ không phải đi du lịch. Người ta bảo chín người mười ý, vậy mà gần 200 người cùng chung một ý khi được thầy sách tấn nhắc nhở.

Hoa Sen 2

Theo thông báo của đoàn, địa điểm ăn tối là chùa An Lộc, huyện Kim Bảng vào lúc 6 giờ nhưng mãi đến hơn 8 giờ xe mới đến nơi. Trời tối, xe lớn không vào chùa được, phải sang xe 12 chỗ, rồi đi bộ một đoạn. Không nhìn thấy mặt người, chỉ có ánh đèn pin chiếu sáng, thỉnh thoảng lại nghe”A Di Đà Phật”, tôi vội vàng chào đáp lễ “A Di Đà Phật”. Đại đức trụ trì Thích Chúc Đạo và phật tử bổn tự đã chu đáo lo cho đoàn miền Nam với thức ăn đặc trưng miền Bắc, dọn bàn  6 người 1 mâm cứ như ăn đám giỗ.

Tôi cứ suýt soa vì sự chu đáo nên vẫn còn e ngại thì một phật tử chùa đã nhanh nhẹn bảo: các bác miền Nam cứ yên tâm đi ạ, trái sung làm dưa góp là sư phụ chúng em trồng,  đa số rau quả là của nhà chùa đấy ạ, không phải mua ngoài chợ. Tấm lòng từ bi của thầy trụ trì và phật tử chùa An Lộc là một bài pháp ngắn để tôi sống tốt hơn. Tôi tranh thủ vào chánh điện lạy Phật với lời cầu nguyện chân thành: Kính bạch Đức Thế Tôn, xin vòng dây tham ái rời khỏi cuộc đời con, để cho trái tim con biết yêu thương tất cả.
 
Hoa Sen 3

Vào Hội trường chính dự lễ, giờ giải lao tôi tranh thủ tác nghiệp, làm quen được với hai  Phật tử Diệu Nhạc (72 tuổi), Trúc Ấn  (84 tuổi) và được các cụ chia sẻ: Chúng tôi thuộc đạo tràng chùa Kim (Ninh Bình), sư thầy dạy bảo Phật tử nào siêng năng tu tập sẽ được “phiếu” vào chùa Bái Đính dự lễ “quét sát” nhưng từ hôm vào đến giờ các cháu thanh niên trẻ làm hết, chẳng được quét, với lại sân chùa sạch như thế này làm gì có rác mà quét cháu nhỉ! Nói xong các cụ lại cười vui vẻ, cụ Trúc Ấn che tay nói nhỏ: U phải bán đi hai con gà, các con cháu cho thêm tiền để đi dự lễ đấy! Nghe cụ nói mà thương quá đỗi.
 
Với câu hỏi: Bạn có phải là phật tử chưa, cảm nhận của bạn trước và trong khi tham gia công tác tình nguyện phục vụ Đại lễ Vesak 2014 như thế nào? Chúng tôi nhận được những câu trả lời khá thú vị từ các bạn đến từ Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội
 
Bạn Đoàn Phương Thùy (23 tuổi): Em không theo đạo Phật nhưng em thích nghe các băng giảng trên mạng của quý thầy nên cố gắng sống tốt. Em thấy mình trưởng thành hơn khi tham gia hoạt động này.

Bạn Dương Thị Ngọc Anh: Chưa quy y, chưa là phật tử nhưng em tin tưởng làm lành sẽ gặp lành. Khi được phục vụ khách quốc tế em sẽ quảng bá áo dài Việt Nam đến khách nước ngoài.

Bạn Thế Sang: Rất may mắn khi  bà em là phật tử, ngay từ nhỏ bà đã dắt em đi chùa, dạy cho chúng em biết về cuộc đời của đức Phật, về nhân quả song chính nhờ  tham gia vào công tác này em mới thật sự “thấm” những gì mà đức Phật đã dạy qua sự hướng dẫn của bà. Em sẽ cố gắng bớt nóng giận cáu gắt, suy nghĩ thoáng hơn, sống không ích kỷ và em cũng rất vinh dự khi đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho Đại lễ Vesak 2014.

Giờ giải lao, tranh thủ đi vòng vòng kiếm chút ít thông tin, tôi ghi được hai hình ảnh hoằng pháp của hai vị thầy mà tôi chưa kịp biết tên. Vị thứ nhất đang chia sẻ Phật pháp cho cô công an và một số phật tử đang muốn tìm hiểu về đạo Phật. Vị thứ hai khuyên bảo các y bác sĩ đang trực tại hành lang hội trường.

Khi biết chúng tôi muốn chụp ảnh để viết bài, vì thầy hoan hỉ chia sẻ: Thầy đang nói với các bạn thân người khó được, Phật pháp khó nghe hãy sống tốt hơn khi mình làm nghề y, để khi vô thường đến chúng ta sẽ ra đi một cách thanh thản. Hãy sống thế nào để được như tác giả của hai câu thơ: “Tôi không tiếc những buổi chiều. Vì tôi đã sống rất nhiều ban mai”

Ở  khu vực vệ sinh phía sau hội trường, ngày nào tôi cũng bắt gặp hình ảnh một bạn gái nhỏ nhắn, miệng luôn tươi cười, lúc thì đưa giấy vệ sinh cho các đại biểu, lúc thì hướng dẫn cho một bác cách đưa tay vào máy sấy khô, lúc khác lại thấy bạn ấy lau sàn nhà. Bạn có vẻ hơi nhút nhát nên tôi không dám phỏng vấn mà chỉ giả vờ làm quen để khai thác thông tin và được biết tên bạn là Trần Anh Quyên, bạn phụ trách 2 khu vực vệ sinh ở cả 2 tầng lầu.

Tôi cố tình hỏi đùa để tìm hiểu thêm về bạn : Mình thấy các bạn gái ở các bộ phận khác mặc áo đồng phục rất xinh, sao bạn không chọn làm ở bộ phận lễ tân để được mặc áo dài cho đẹp và tôi thật bất ngờ với câu trả lời: Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai của người bạn mới quen này. Anh Quyên! Bạn là thần tượng của tôi, bạn là một trong những Hoa Sen đẹp mà tôi rất ngưỡng mộ. 

Hoa sen 4

Tham quan khu du lịch sinh thái Tràng An là một trong những hoạt động ngoại khóa của Đại lễ Vesak LHQ. Khu hang động Tràng An có 9 tuyến du lịch đường thủy và 2 tuyến du lich đường bộ với hàng trăm hang động chạy dài khoảng 20km. Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã bố trí sẵn hàng trăm chiếc thuyền với đội ngũ chèo thuyền chuyên nghiệp. Mỗi thuyền chỉ chở tối đa 4 người, trang bị sẵn áo phao, ô che nắng.

Qua tiếp xúc với chị Trần Thị Nhung, “thuyền trưởng” đưa chúng tôi đi tham quan, mới thấy được cái tâm của Giám đốc Xuân Trường. Công việc lãnh đạo một doanh nghiệp lớn chiếm khá nhiều thời gian và công sức nhưng với Giám đốc Xuân Trường (qua lời kể chủa chị Nhung) tôi hình dung ra ông là một con người sống gần gũi, vị tha, luôn quan tâm đến nhân viên của mình. Chị Nhung là người khiêm tốn, tiết kiệm lời nói nhưng khi biết chúng tôi là người miền Nam, lần đầu tiên biết đến khu du lịch này nên chị rất nhiệt tình, thuyết minh cứ như hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. Câu kết của chị vẫn là chúng tôi rất biết ơn Giám đốc Xuân Trường - người con ưu tú của quê hương Ninh Bình.
 

Thay lời kết

Không có thời gian để tiếp cận với những Hoa Sen đẹp, tôi chỉ tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc thật đáng nhớ mà mọi người đã và đang làm một cách vô tư không vụ lợi. Chính họ là những người thực hiện rốt ráo nhất về lời dạy của Đức Bổn Sư “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”
 
 
Những ngày được tham dự Đại lễ Vesak 2014 đã giúp cho tôi chuyển biến rất nhiều về nội tâm. Tôi thấy mình thật nhỏ bé trước những đóng góp của chư tăng, ni, phật tử trong cả nước hướng về ngày lễ trọng đại này. Không thể dùng lời để diễn tả tâm trạng của tôi lúc này, chỉ biết cúi đầu đảnh lễ Đức Bổn sư và đảnh lễ những vị Phật tương lai bằng tất cả tấm lòng của mình.

Nam mô Chứng Minh Sư Bồ Tát.

Quảng Ấn - chùa Đức Hòa

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Con “đang là” chẳng phải nhẹ nhàng thanh thoát hơn sao?

Phật giáo thường thức 16:45 28/03/2024

Hỏi: Con theo đạo Phật. Con không ham gì cuộc sống ở đời, như lập gia đình v.v...Nhưng con cũng không muốn xuất gia. Vậy có bị xem là lập dị, lưng chừng, không ra cái gì và cần chọn con đường rõ ràng không ạ?

Quán nguyện Đức Bồ-tát Quán Thế Âm

Phật giáo thường thức 15:46 28/03/2024

Lạy đức Bồ Tát Quán Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh Bồ-tát, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ.

Hải đảo tự thân

Phật giáo thường thức 15:07 28/03/2024

Khi bước vào ngôi nhà của mình, ta có thể thư giãn, trở về với chính mình. Ta cảm thấy ấm cúng, thoải mái, an toàn và hạnh phúc. Nhưng thực sự thì ngôi nhà đích thực của ta ở đâu?

Buông xả là trí tuệ

Phật giáo thường thức 15:00 28/03/2024

Ta học xả vì ta biết có cố chấp nắm giữ cũng không thể nào được. Ta xả vì ta biết rằng đó là cách duy nhất làm cho cuộc sống của ta và người thân được an vui hạnh phúc.

Xem thêm