Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 06/03/2018, 08:13 AM

Những ý nghĩ thầm kín chi phối phước nghiệp của ta

Sáng ngày 10/Giêng/Mậu Tuất (25/02/2018), TT.Thích Chân Quang - Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã có buổi thuyết giảng nhân dịp đầu năm mới tại chùa Bát Tràng (thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, Hà Nội) về đề tài “Những ý nghĩ thầm kín chi phối phước nghiệp của ta”. Buổi pháp thoại đã thu hút sự tham gia của hơn 10 nghìn phật tử xa gần tại thủ đô Hà Nội, các tỉnh thành miền Bắc, và đến tận miền Nam như: Tp.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cà Mau… các phật tử cũng về tham dự.

Bài pháp thoại đã đem đến cho phật tử cái nhìn rất rõ trước những tác động của ý nghĩ với đời sống, hành động của mỗi người. Đồng thời, đưa ra những câu thần chú, giúp mọi người có thể bảo vệ tâm mình trước những tư tưởng xấu. Từ đó, ai ai cũng có thể sống tốt hơn để góp phần làm đẹp đời, đẹp đạo.
 
Mở đầu bài pháp, Thượng tọa cho biết gần đây các nhà tư tưởng văn hóa, nhà quản lí chính trị, chức sắc tôn giáo đã có sự quan sát, nhận xét, điều chỉnh lại nhiều lễ hội để chúng thật sự phù hợp với văn minh thế giới, đúng với đạo lí của Phật pháp và đạo đức của con người.

Ví dụ, T.Ư GHPGVN đã có công văn đề nghị loại bỏ việc đốt vàng mã, đây là hành động rất dũng cảm, đã được nhà nước khen ngợi. Theo thống kê không chính thức của giới truyền thông, mỗi năm chúng ta chi đến 5.000 tỉ đồng cho việc đốt vàng mã. Liệu những thứ ta đốt, người thân của ta ở cõi âm có tiếp nhận được không hay đây chỉ là một sự lãng phí vô ích, gây ô nhiễm môi trường?

Thực sự, tục đốt vàng mã chỉ xuất phát từ niềm tin của chúng ta thôi chứ không hề có cơ sở khoa học. Hay như việc cúng sao giải hạn, liệu nó có đuổi được cái xui xẻo, mang lại may mắn cho ta không? Những điều này bắt đầu được đem ra xem xét lại. Việc này đúng là một sự chuyển mình lớn của văn hóa để nước ta bước vào hội nhập thế giới.Thêm nữa, người nước ngoài đến Việt Nam rất nhiều, dĩ nhiên họ tôn trọng văn hóa, tín ngưỡng của ta nên không phê bình hay can thiệp gì. Tuy nhiên, sâu trong ý nghĩ thầm kín, họ thấy đây là hành động lạc hậu, thiếu hợp lí. Nghĩa là, họ đánh giá thấp dân tộc ta. Vậy nên, khi đất nước hội nhập, lễ hội văn hóa cũng phải có tầm văn minh cho xứng đáng.

Để tạo ra những lễ hội văn hóa đúng mực, thuyết phục, có lợi ích, ta phải điều chỉnh lại rất nhiều. Ví dụ như lễ phóng sinh đầu năm mà các chùa tổ chức. Đây là lễ hội cầu phúc đầu năm, mang tính hợp lí trên nhiều phương diện. Đầu tiên, ta thả cá về với đời sống tự do của nó. Mà việc giải phóng chúng sinh để chúng được bình an, hạnh phúc sẽ trở thành nhân quả trở lại cuộc đời ta trên hai ý nghĩa. Nói theo nhân quả, nó giải cái tội của ta trong quá khứ, tạo thành sự may mắn ở tương lai. Còn theo môi trường, ta đang tạo sự đa dạng sinh học, giúp các loài động vật duy trì sự sống, tránh khỏi nguy cơ bị cạn kiệt hay tuyệt chủng.

Có hai cách đơn giản để ta tạo thêm sự sống cho hành tinh là trồng cây và phóng sinh. Tạo sự sống cho hành tinh trên ý nghĩa môi trường là ta giúp cho môi trường sống được tốt hơn, đây là ý nghĩa nhân văn khoa học. Còn về nhân quả, tạo sự sống cho đời thì ta được “sống”. Chữ “sống” ở đây mang hai ý nghĩ: sống khỏe và sống lâu. Do vậy, người tích cực trồng cây, phóng sinh sẽ được sống lâu và mạnh khỏe.

Ngoài ra, phóng sinh còn giúp ta giải được những tai ách đáng lẽ sẽ xảy ra trong cuộc đời. Việc ta giam hãm các loài động vậy như chim, cá,… sẽ đưa đến nhân quả là ở tù. Do đó, người ở tù có khi là do xui chứ không phải do kém đạo đức. Nếu trước đây ta có gieo những loại nhân quả đó thì phải tích cực phóng sinh để giải nghiệp, tránh không bị vướng vào các cái xui vô lí. Thực tế cuộc sống cho thấy, nhân quả là điều có thật. Chúng ta có thể không tin gì hết nhưng phải tin nhân quả. Nếu không làm được điều này, ta không còn lương tâm, không còn trí tuệ để xứng đáng là một con người đạo đức nữa.

Ta nhớ điều này, mọi điều công bằng, hợp lí, bao gồm cả luật pháp, cũng chính là thể hiện của luật nhân quả mà thôi. Như luật pháp điều chỉnh hành vi con người bằng chế tài xử phạt, thì xử lí vi phạm cũng chính là nhân quả. Người làm sai bị trừng phạt, người làm tốt được khen thưởng. Cũng giống nhân quả, gieo nhân gì, gặt quả nấy. Như ta thấy, có rất nhiều trường hợp nhặt được của rơi, trả lại người mất. Chưa có bộ luật nào quy định hành động đúng đắn, nhân đạo này sẽ được nhà nước thưởng bao nhiêu, nhưng các cơ quan chức năng khác đã bù đắp chỗ thiếu đó cho pháp luật bằng cách gửi bằng khen. Đó cũng là đề cao danh dự, là một sự công bằng.

Hay có những tôn giáo, tín ngưỡng thờ thần thánh. Ta đến đó cầu nguyện vì tin rằng các vị ấy có thưởng phạt rõ ràng thì sự thưởng phạt ấy cũng phản ánh luật nhân quả. Thần thánh dù quyền uy thế nào cũng không thể làm khác nhân quả được, bởi người quyền cao chức trọng chính là người cầm cân nảy mực, bảo vệ sự công bằng thông qua việc thực hiện luật nhân quả trong cuộc sống bởi trí tuệ của mình. Trong luật gọi điều này là án lệ. Nghĩa là trong những trường hợp không dựa theo luật lệ, quy định cũ thì bản án được quyết định bằng trí tuệ, lương tâm của quan tòa. Quyết định mà đúng với nhân quả, đúng với lương tâm loài người thì vị đó có cái đức rất lớn, thế gian gọi là quyền chức, còn cõi âm gọi là vị Thánh. Mỗi cá nhân cũng vậy, sống mà thể hiện sự công bằng của luật nhân quả thì tự nhiên cái đức lớn dần, khiến quỷ thần cũng phải kinh sợ. 

Thực hiện luật nhân quả trong đời sống của mình nghĩa là gì? Đó là việc ta dẹp được tình cảm riêng để công tâm, để sống bằng lí trí, ai tốt thì ủng hộ, ai xấu thì nghiêm khắc phê bình. Người làm được vậy sẽ có cái đức lớn. Ngược lại, người sống cảm tính, không công bằng thì cái phúc biến mất. Sau này, chính họ sẽ trở thành người tầm thường, thấp hèn. Tuy nhiên, đa số chúng ta bị cảm tinh chi phối. Thiên vị riêng tư chính là nguồn gốc sâu xa, tạo nên cái tội của ta. Vậy nên, ta phải đến chùa tu tập để vượt qua cái cảm tính này, sống cho công tâm hơn, giống như các Thần thánh trên cao. Nhờ đó, ta thực hiện được luật nhân quả trong đời sống, cái phúc, cái đức của ta cũng vì thế mà tăng lên.

Còn một việc nữa làm thay đổi cái phước nghiệp của ta nhưng không ai thấy. Ví dụ, ta phóng sinh, trồng cây, đắp đường, giúp người là làm cái phúc dễ thấy. Nhưng một số loại phúc tội không thấy mà quả báo đến rất rõ. Đó là những ý nghĩ thầm kín trong tâm ta. Rất nhiều người đang bị ý nghĩ xấu len lỏi trong đầu. Do không ai nhìn thấy để nhắc nhở, giải thích, chỉnh sửa giúp nên những cái ý nghĩ đó cứ tồn tại dai dẳng. Đến lúc chín muồi, nó làm hư bộ não, có khi khiến ta phát điên luôn. Ngược lại, cũng có rất nhiều người nuôi dưỡng được ý nghĩ thầm kín tốt đẹp, làm thay đổi con người họ, biến họ thành người có đầu óc ngày càng sáng suốt, dễ vào thiền sâu. Đặc biệt, họ biết được ngày chết của mình luôn. Thế nên, ta mới nói rằng những điều thầm kín chi phối cuộc đời, tâm hồn, phước tội của ta.
 
Dịp này, Thượng tọa nhấn mạnh, vì là điều thầm kín nên không ai biết để sửa cho ta. Do đó, ta hoàn toàn phải chịu trách nhiệm với nó. Hoặc là để nó phá tan cuộc đời, hoặc là nhờ nó giúp ta xây dựng cuộc đời, trở thành bậc cao quý giữa loài người. Tuy nhiên, việc khởi lên những ý nghĩ xấu dễ hơn khởi lên ý nghĩ tốt. Nguyên nhân bởi 2 điều:

- Một là những quan điểm sai của ai đó rớt vào tâm ta, ta tiếp nhận mà không chịu sửa nó. Cứ thế, nó nằm im trong tiềm thức, đến ngày ta tu tập, nó lại khởi lên. 

- Hai là ta bị những tư tưởng của ma gửi vào. Ta nhớ rằng tâm này không phải của ta nên nó luôn bị tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có cả những thế lực siêu nhiên. Nếu may mắn được thần Thánh gửi vào thì tâm ta toàn những điều đúng đắn. Nếu thiếu phước, ta sẽ bị ma gửi những điều xấu ác, khiến tâm khởi lên những điều bậy bạ. Thế nên, những điều  tội phước bí mật trong tâm ta rất đáng sợ.

Vì vậy, mọi người cố gắng giữ những điều được học hôm nay như một câu thần chú để bảo vệ tâm hồn mình trước các tư tưởng xấu, không cho chúng tác động, làm ảnh hưởng rồi tàn phá tâm ta. Ví dụ, khi ta thành công thì đừng tự hào rằng mình hơn người khác mà phải tác ý, mong nhiều người cùng thành công để đất nước được phát triển. Đây là câu thần chú đầu tiên ta phải giữ gìn.

Tiếp đến, thấy người thành công thì đừng ganh tị mà hãy tác ý, mong họ có đạo đức tương xứng bởi tầm ảnh hưởng của họ rất lớn. Người thành công mà không có đạo đức thật là một thảm họa cho đời. Thế nên, càng thành công thì càng phải có đạo đức. Một người giảng sư cũng vậy. Dù nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng thế nào cũng phải giữ được sự khiêm tốn, biết tác ý cho những vị giảng sư khác cũng thành công để tiếp tục đem lợi ích đến cho chúng sinh. Đặc biệt, mong các vị ấy tu tốt ở bên trong, vậy lời giảng mới có sức thuyết phục, làm lợi được cho mọi người. Đây là câu thần chú thứ hai.

Rồi khi thấy người khác thất bại, đau khổ, phạm lỗi ta phải tác ý, mong họ biết sám hối, nhận ra lỗi lầm để vượt qua được nghịch cảnh, đứng lên làm lại từ đầu. Ta đừng cười chê, chỉ trích hay nhạo báng sự thất bại của họ bởi cái tâm này rất ác, nhân quả sẽ khiến ta phải chịu cái nghiệp giống họ luôn. Ta phải biết thất bại của người khác cũng là cái nghiệp của họ. Cái nghiệp này có thể do họ lỡ xúc phạm bậc đáng kính, chà đạp lên thành tựu của người khác,… nên đây là quả báo của họ. Cho nên, cái lỗi trước là nguyên nhân dẫn đến cái lỗi sau và cái lỗi sau chính là quả báo. Vì vậy, hãy tìm cách để họ suy nghiệm được nhân quả này, từ đó sửa cái nghiệp của mình. Đồng thời, mong mọi người đừng bao giờ mắc lỗi nữa.

Chúng ta phải cẩn thận trong từng suy nghĩ, hành động, lời nói của mình. Phải hiểu rằng, cuộc đời này có những người rất đáng thương, cũng có những người rất đáng kính. Đừng chỉ vì hiếu thắng, nghe ai công kích rồi khởi lên những suy nghĩ bậy bạ, làm những việc xấu xa, bằng không sau này ta sẽ phải chịu quả báo rất nhục nhã. Đây là câu thần chú thứ ba.

Tiếp đến, khi nhìn thấy mọi người, nếu khởi lên được ý nghĩ rằng nguyện cho tất cả mọi người biết yêu thương nhau thì ta có phước lớn về sau. Khởi được ý nghĩ đó, nghĩa là lòng ta đã yêu thương được tất cả chúng sinh rồi. Lúc đó, ta yên tâm bởi Thần thánh sẽ che chở ta liền. Thêm nữa, đây là câu thần chú cực kì tốt đẹp, mang lại cho ta công đức rất lớn, dù có đốt ba tấn vàng mã, giải mười cái sao, công đức mang lại cũng không lớn bằng.

Theo Thượng tọa, nguyện cho chúng sinh biết yêu thương nhau chỉ là ý nghĩ bí mật trong lòng ta, tưởng không ai biết nhưng thần Thánh lại biết. Nhờ phước đó, cuộc đời ta bắt đầu thay đổi. Câu thần chú này có thể nói là “Thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú”. Và nó linh hơn tất cả các câu thần chú khác. Nói vậy hoàn toàn không cường điệu bởi trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Phật có nói “Tâm của Phật là tâm đại bi”. Cho nên, ai tu tập tâm đại bi thì tâm người đó ứng với tâm Phật. Công đức, đạo đức của người đó cũng vô lượng, nó phù hợp với lẽ công bằng, là lương tâm của nhân loại nên ta không sợ nó là mê tín.
Người nhận định, việc đốt vàng mã, cúng sao giải hạn mới là mê tín. Còn nguyện cho mọi người biết yêu thương nhau là một điều rất cao quý, đạo đức, đúng với nhân quả, giúp ta khai mở trí tuệ.
 
Giờ nếu bị mọi người chê bai, khinh bỉ, thù ghét thì ta nghĩ gì? Nếu không bình tĩnh, ta dễ khởi nên nhiều ý nghĩ tiêu cực. Nhưng nếu bình tĩnh, ta có thể đưa ra một số suy xét:

Đầu tiên, đây có thể là cái nghiệp từ những việc xấu ta đã làm nên hôm nay ta xin chấp nhận tất cả trong bình an, tha thứ, yêu thương. Đồng thời, mong mọi người chê bai nhiều hơn nữa để ta học được bài học nhẫn nhục, tha thứ, yêu thương. Vậy nên, đừng cầu nguyện Phật rằng: “Xin Phật gia hộ để con không bị ai thù ghét, để ai cũng yêu thương con”. Câu này rất ích kỉ, tầm thường. Người khuyên nhủ, ta phải xin Phật là: “ Xin cho con nhận được nhiều sự khinh bỉ, thù ghét hơn nữa để con học được bài học nhẫn nhục, yêu thương, tha thứ”.  Chứ ta đừng sợ, đừng tránh né, vậy mới có can đảm để sống, rồi vượt qua cái nghiệp của mình nhanh được. Rồi khi được mọi người xưng tụng, ca ngợi, yêu mến, ta đừng vì đó mà sung sướng không bản ngã tăng lên, rồi phước sẽ mau hết. Một thầy tu được nhiều người quỳ lạy thì cũng đừng lấy đó làm vui mừng. Thay vào đó, ta phải biết ơn sự yêu mến, ca ngợi đó.

Tiếp đến, phải biết tự mình chỉ là cát bụi, không xứng đáng nên xin cúng dường toàn bộ sự yêu mến, ca ngợi đó lên đức Phật. Họ khen ta tức là khen Phật, họ yêu ta tức là yêu Phật. Như vậy, phước họ vượt lên gấp trăm lần, ta không nhận gì cả. Thượng tọa nhắc nhở, những tác ý trên đây đều là những câu thần chú bí mật, bảo vệ cuộc đời và tâm hồn ta khỏi những ý niệm xấu ác thầm kín. Nhưng đây chỉ là những tình huống mẫu, trong thực tế cuộc sống còn rất nhiều tình huống khác, buộc ta phải rất thông minh, tác ý làm sao để nâng đạo đức mình lên. Nhất là đừng quên tác ý “nguyện cho chúng sinh biết yêu thương nhau”, bởi nó là câu thần chú căn bản nhất.

Tóm lại, bài pháp thoại đã đưa ra rất nhiều tình huống cụ thể trong cuộc sống, nghe tưởng chừng rời rạc nhưng thực tế, chúng lại rất logic và có liên quan mật thiết với nhau, giúp Thượng tọa làm rõ hơn các đạo lí được nói đến. Việc đưa ra những dẫn chứng thực tế này, khiến bài pháp trở nên tự nhiên, khách quan và dễ hiểu hơn.  Thông qua đó, có thể thấy Thượng tọa đã đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, trí tuệ trong việc mang đạo lí Phật dạy vào trong cuộc sống. Phải là người tu thân, tu tâm, tu đạo kĩ lắm, lúc nào cũng nặng lòng với đạo pháp mới làm được công việc cao quý nhưng đầy khó khăn này.

Đồng thời, bài pháp cũng truyền tải một thông điệp vô cùng nhân đạo, tốt đẹp. Đó là hãy xây dựng và bảo vệ sự sống cho chúng sinh trên hành tinh này, bởi đây cũng là cách để ta duy trì, bảo vệ sự sống cho bản thân. Chúng ta không bao giờ sống tách rời khỏi môi trường này, nên đừng tự đứng ngoài trách nhiệm đó. Vậy ta mới không hổ thẹn với đời.

Sau khi kết thúc bài thuyết pháp, Thượng tọa còn chủ trì buổi phóng sinh tại làng gốm cổ Bát Tràng với số lượng hơn 5 tấn cá. Đây là lễ phóng sinh quy mô lớn nhất Hà Nội trong năm mới 2018 này, do các phật tử tại thủ đô Hà Nội tổ chức, cùng với sự tham gia của rất nhiều phật tử trên cả nước. Mọi người tham gia hoạt động này trong tâm thế hồ hởi, vui vẻ. Thật là một hành động nhân đạo, đẹp đẽ, đáng được bảo vệ và lan truyền rộng rãi.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm