Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 28/06/2017, 09:23 AM

Niềm vui chân thật

Thật ra, có sống để làm việc và tu học theo lời Phật dạy thì chúng ta mới thấy Ngài là một con người có tấm lòng từ bi bao la, rộng lớn và vô ngã, vị tha. Ngài sống vì mọi người, vì lợi ích số đông, vì lợi ích tất cả chúng sinh mà không vì lợi ích cho riêng mình. Phật dạy cho chúng ta thấy một chân lý sáng ngời ngay nơi thân mỗi người mà chẳng phải tìm cầu đâu xa, không phải trông chờ sự ban ơn cứu rỗi của một đấng nào mà chính mình là thượng đế tối cao của chính mình. Mình làm lành, làm tốt thì hưởng được nhiều phước báu. Mình làm ác, làm xấu thì chịu nhiều hệ lụy, khổ đau.

Sau một thời gian tu học tại thiền viện Thường Chiếu, có người hỏi tôi: “Việc làm hằng ngày của thầy thế nào?”.Tôi chỉ mỉm cười nói:

Sáng nấu cơm vui cùng đại chúng
Trưa đến vườn lan nhìn cá bơi
Chiều về viết sách vui đây đó
Tối lại quay về việc chính mình
Đêm đến duỗi thẳng hai chân ngủ.

Đó là việc làm hằng ngày của tôi, chỉ đơn giản như thế! Cuộc sống của tôi bây giờ là vậy đó, mỗi ngày đều hân hoan, vui vẻ nấu cơm để cúng dường đại chúng. Ngày nào không được nấu cơm phục vụ, cúng dường đại chúng trọn vẹn là ngày đó tôi cảm thấy như đang thiếu thốn một điều gì. Con người là một chúng sinh cao cấp hơn hẳn các loài khác nhờ biết suy tư, quán chiếu, tìm tòi. 

Thật ra, có sống để làm việc và tu học theo lời Phật dạy thì chúng ta mới thấy Ngài là một con người có tấm lòng từ bi bao la, rộng lớn và vô ngã, vị tha. Ngài sống vì mọi người, vì lợi ích số đông, vì lợi ích tất cả chúng sinh mà không vì lợi ích cho riêng mình. Phật dạy cho chúng ta thấy một chân lý sáng ngời ngay nơi thân mỗi người mà chẳng phải tìm cầu đâu xa, không phải trông chờ sự ban ơn cứu rỗi của một đấng nào mà chính mình là thượng đế tối cao của chính mình. Mình làm lành, làm tốt thì hưởng được nhiều phước báu. Mình làm ác, làm xấu thì chịu nhiều hệ lụy, khổ đau.

Một điều kỳ diệu không thể ngờ là từ con người cho đến muôn loài, muôn vật trong bầu vũ trụ bao la này đều phải sống nương nhờ lẫn nhau mới bảo tồn tính mạng. Chúng ta không làm ruộng mà vẫn có cơm ăn, chúng ta không nuôi tằm dệt vải mà vẫn có quần áo để mặc; và cứ như thế mọi cái, mọi thứ đều đan xen, nương tựa chằng chịt lẫn nhau, cùng nhau phát triển và tồn tại theo lý duyên sinh. 

Nếu nhân loại số đông hướng theo chiều hướng tốt đẹp thì mọi người sẽ được an vui, hạnh phúc, và ngược lại sẽ chịu nhiều đau khổ. Không có cái gì do một nhân mà hình thành nên con người sống với nhau cần phải có tình thương yêu chân thật bằng sự hiểu biết chân chính vì tình người, tình nhân loại mà cùng nhau chia vui sớt khổ. Chúng ta không thể an nhiên vui vẻ để an hưởng hạnh phúc một mình trong khi có nhiều người đang gặp phải bất hạnh, khổ đau. Sự sai biệt của thế gian là do nghiệp báo của mọi người đã gieo tạo không đồng nên có sự chênh lệch về mọi phương diện, nhưng tất cả đều nương vào nhau mà duy trì sự sống. 

Người có địa vị, quyền lực cao trong xã hội là nhờ nhiều đời biết giúp ích cho nhân loại nên mới có phước báo lãnh đạo một đất nước, không phải bỗng dưng và vô cớ mà có được, hoặc do một đấng tối cao nào có quyền định đoạt và sắp đặt. Cho đến kẻ bần cùng trong xã hội cũng có sự đóng góp tích cực để kết thành một nhân duyên tốt đẹp nương tựa vào nhau. Chính vì nguyên lý duyên khởi trùng trùng điệp điệp mà chúng ta cần phải có trách nhiệm và bổn phận trên tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau tùy theo khả năng và điều kiện mỗi người.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ngày xưa, có một vị tăng đã chứng quả A La Hán nhưng vẫn phát tâm chụm lò nấu cơm phục vụ đại chúng. Có người thắc mắc hỏi thầy: “Vì sao ngài phải làm việc nặng nhọc ấy?”. Thầy nói: “Ta đã 500 kiếp vì thấy biết sai lầm mà tạo nghiệp xấu ác nên đã bị đọa vào các loài súc sinh, chỉ có hai kiếp là được no đủ. Chúng ta bây giờ thọ dụng của đàn na tín thí quá nhiều, nợ này biết chừng nào trả xong”. 

Nhìn gương hạnh của cổ nhân, mỗi người hãy tự kiểm lại chính mình mà tự hổ thẹn để cố gắng làm sao xứng đáng là người phật tử chân chính. Tôi bây giờ đủ nhân duyên được xuất gia làm tăng nên cũng cố gắng bắt chước làm theo công việc của ngài. Cho nên, tôi sáng nấu cơm vui cùng đại chúng, trưa đến vườn lan nhìn cá bơi, lúc cần làm việc thì cứ làm việc tận tụy hết sức để vuông tròn trách nhiệm, đến khi việc hết thì “được việc thảnh thơi cứ thảnh thơi”. Chim bay trên trời, cá lội dưới nước, mọi việc đều như thế có gì sai khác đâu.

Tổ đình Thường Chiếu là thiên đường của hạnh phúc, nơi đây đã dung nạp trên 1000 tăng ni, nếu ai có dịp đến tham quan và chiêm ngưỡng thì tạm thời bao nhiêu phiền muộn, khổ đau đều bị cuốn trôi theo chiều gió. Chúng ta có đôi mắt sáng để thấy rõ muôn sự, muôn vật luôn tạo cho nhau sự sống để trở thành con người tâm linh, mà con người tâm linh là con người biết đóng góp, dấn thân và phục vụ, đem an vui, hạnh phúc đến cho nhiều người và sẵn sàng sẻ chia nỗi khổ, niềm đau để làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh. 

Tôi cùng mọi người ta hãy cố gắng học hỏi và bắt chước gương hạnh của Bồ tát Quán Thế Âm, hãy cùng nhau lắng nghe tiếng kêu cứu khổ của con người, hãy cùng nhau kết nối tình yêu thương. Việc làm của Bồ tát là việc làm cao thượng khó thấy và hiếm có trên đời, chúng ta có nhân duyên tốt mới diễm phúc được gặp Ngài và cùng đi theo con đường có hiểu biết và yêu thương, dấn thân và phục vụ của Bồ tát Quán Thế Âm.

Tôi có nhân duyên lớn với Ngài từ khi mới mở mắt chào đời. Cơn bệnh ngặt nghèo tưởng chừng đã cướp đi sinh mạng của tôi trong lúc cận kề cái chết. Mẹ tôi nằm chiêm bao thấy Bồ tát Quán Thế Âm hiện về bảo rằng: “Muốn giúp đứa bé này sống còn để sau này có thể làm lợi ích cho chúng sinh thì hãy mau đến núi Bà Đen sẽ có vị thầy cứu chữa”. Nhờ vậy, tôi được sống còn và lớn lên mới tồn tại đến bây giờ. Và một lần nữa, tôi được Bồ tát Quan Âm cứu giúp để thay đổi cuộc đời xấu ác của mình, đó chính là người mẹ của tôi. Nhờ phúc duyên lớn nên tôi được xuất gia ở Thường Chiếu, và từ đó tôi được thay da đổi thịt nhờ sự hết lòng chỉ dạy của thầy lành bạn tốt. 

Đối với tôi, ơn mẹ chưa đền đáp, lại thêm ơn sâu của thầy Tổ. Mẹ đã cho tôi sự sống, thầy Tổ cho tôi sự hiểu biết và yêu thương. Tôi bây giờ càng phải cố gắng thêm nữa để được sống yêu thương và hiểu biết. Việc chung đã làm xong, giờ tôi tiếp tục phát huy thêm vai trò cùng chia vui, sớt khổ bằng sự trải nghiệm của chính mình nên chiều đến viết sách vui đây đó để có dịp chia sẻ cùng tất cả mọi người. Muốn làm vậy tôi phải tham khảo, tìm hiểu lời Phật dạy qua sự quán xét suy tư, soi sáng lại chính mình, rồi từ đó tùy theo nhân duyên mà kết tình bạn lữ gần xa để được đồng hành cùng mọi người trên tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau.

Niềm tin và lý tưởng sống rất quan trọng đối với con người. Nếu ta không biết mà định hướng sai lầm thì sẽ làm cho mình và người đau khổ. Thế gian này với biết bao chủ thuyết, học thuyết tôn giáo, ai cũng cho mình là đúng và tốt đẹp. Chính vì muốn bảo vệ chủ thuyết của mình mà con người đành lòng giết hại lẫn nhau. 

Một hôm, Phật đến một làng nọ thì người dân ở đây mới thưa hỏi Ngài: “Kính bạch đức Thế Tôn, có nhiều sa môn đến đây tuyên truyền, vận động, kêu gọi chúng con theo đạo của họ. Ai cũng bảo chỉ có đạo của họ là tốt. Vậy làm thế nào chúng con biết đạo đó là đúng, là tốt?”. Đức Phật không trả lời mà còn hỏi lại những người dân như sau: “Này các thiện nam tín nữ, tham lam, sát sinh hại người, hại vật có tốt không? Si mê, nóng giận làm khổ đau thiên hạ có tốt không?”. Tất cả mọi người đều trả lời không. 

Này các thiện nam tín nữ, khi nghe một điều gì các vị phải biết quán sát, suy tư và thể nghiệm, chớ nên vội tin một điều gì cho đến khi quý vị thấy lời dạy này tốt lành, đạo đức hay giúp mọi người hướng thiện và được các bậc hiền trí khen ngợi. Nếu sống và thực hành các lời dạy ấy sẽ đưa đến an vui, hạnh phúc về lâu về dài thì quý vị hãy đặt hết niềm tin vào giáo pháp đó và cố gắng bắt chước thực hành theo”.

Đức Phật chia sẻ tiếp: “Này các thiện nam tín nữ, nếu ai khuyên nhủ chúng ta không giết hại chúng sinh, không trộm cướp, lừa gạt của người khác, không quan hệ tình cảm bất chính ngoài vợ chồng chính thức, không nói láo hại người, không uống rượu say sưa. Như Lai tuyên bố và xác quyết rằng, nếu ai giữ được những điều vừa kể trên thì người ấy sẽ sống hạnh phúc và an lạc lâu dài”.

Quả thật, chúng ta quá diễm phúc nên mới gặp được Như Lai Thế tôn, Ngài không bắt buộc mọi người tuân theo một cách giáo điều như các nhà truyền đạo khác. Đó là điểm đặc biệt của người tu theo đạo Phật. Ngài chỉ hướng dẫn chúng ta thấy rõ đây là con đường dẫn đến an vui, hạnh phúc; đây là con đường dẫn đến sa đọa, khổ đau. 

Và Ngài đã khuyên nhủ chúng ta trước khi tin theo điều gì hãy nên quán chiếu sâu sắc, thể nghiệm được sự lợi ích thật sự cho mình và có thể giúp đỡ cho tha nhân được an lạc ngay trong giờ phút hiện tại. Đó mới là niềm tin chân chính mà chúng ta nên học hỏi và bắt chước noi theo. Tin như vậy mới là niềm tin không thối chuyển, bởi chúng ta đã biết rõ được cội nguồn của hạnh phúc và khổ đau.

Cho nên, cứ tối đến thích làm tăng vô sự, công việc trong ngày đã làm xong, mọi cái đều được sắp xếp đi theo dòng thời gian vô tận, không còn gì đáng phải bận tâm nữa. Ai có duyên lành sẽ nhìn thấy chỗ này rất ư là vi tế. Chúng ta cứ tưởng mọi cái, mọi thứ đều dừng lắng hết, nhưng không phải vậy. Dòng nước cứ trôi mãi, chỉ chậm hay mau mà thôi. Cho đến lúc chúng ta cảm thấy hình như dòng nước đang dừng hẳn, không có dấu hiệu trôi đi, nhưng cũng không hẳn là như vậy. 

Từ đằng xa của một thác nước đang tuôn chảy, chúng ta chỉ nhìn thấy một vệt trắng không lay động. Chúng ta có thể lầm tưởng như vậy, nhưng không đâu các bạn, vì vô tâm còn cách một lớp rào. Nếu ai tới đây đã tự mãn coi như xong thì suốt đời sống trong hang quỷ, chẳng lợi ích gì cho ai. Tôi cũng muốn làm tăng vô sự lắm, nhưng tập khí nhiều đời cứ che chướng mãi. Thôi thì làm tăng vô sự không được thì đành cam chịu làm tăng nhiều việc cũng tạm có chút cơm cháo sống qua ngày tháng.

Một chút duyên lành có được ngày hôm nay xin nguyện hồi hướng đến tất cả muôn loài, mong cùng nhau kết nối tình yêu thương để chúng ta được sống có tình người, tình nhân loại trong cuộc sống.  

Thích Đạt Ma Phổ Giác
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm