Sáng ngày 08/07/Giáp Ngọ (03/08/2014), chùa Tăng Phúc (số 27 Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội) tổ chức Pháp Hội Vu Lan PL.2558. Buổi lễ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khách thập phương và phật tử, về sự đón tiếp chu đáo, khâu tổ chức chuyên nghiệp làm nổi bật lên tình đạo vị giữa tứ chúng phật tử, cùng những thời Pháp nuôi lớn tình mẫu tử.
Pháp hội Vu Lan PL.2558 tại chùa Tăng Phúc có một phúc duyên thù thắng vi có những thời Pháp của Thượng tọa Thích Minh Tuệ - giảng viên tại Tu viện Nguyên Thiều (Bình Định) để cùng đại chúng ôn lại ý nghĩa của mùa Vu Lan: Đó không đơn thuần chỉ là một ngày lễ của Phật giáo ở chùa chiền, đó là lễ hội sinh hoạt văn hóa gắn liền với phong tục truyền thống của dân tộc Việt Nam. Bởi vậy mỗi dịp tháng 7 mưa ngâu, nhìn thấy màu áo phật tử trên đường đi chùa, hẳn ai ai cũng nhận ra mùa Vu Lan đã về. Đạo Phật tôn vinh hạnh hiếu, vì đức Phật thời còn tại thế, sau khi Ngài thành đạo đã trở về quê hương để thăm gia đình, và hóa độ dòng họ hướng đến bờ giải thoát; rồi trong giây phút vua cha Tịnh Phạn sắp qua đời,
đức Phật cũng ở bên hồi hướng công đức đến cha, để ông đến với cảnh giới tốt đẹp nhất, trong lễ tang của cha mình, Đức Bản sư của trời người còn ghé vai khiêng quan tài cha. Và Ngài cũng dành ra 3 tháng trên trời Đao Lợi thuyết pháp hóa độ Mẹ mình là hoàng hậu Maya.
Nối tiếp gương Đại hiếu của đức Phật, tôn giả Xá Lợi Phất dành cả một cuộc đời, đến cả những giây phút cuối cùng, để hướng mẹ mình đến với Phật pháp, cho mẹ mình sống an vui hơn.
Tinh thần hiếu đạo của mỗi người con ngày nay cần được thể hiện qua sự ý thức và trân trọng sự hiện diện của cha mẹ ngay trong từng giây phút cuộc sống, bằng những câu nói tình cảm, những cử chỉ chăm sóc ân cần.
Đặc biệt, đối với những người con phát tâm xuất gia luôn cần được sự chấp nhận từ cha mẹ, con cái làm gi trong cuộc sống cũng vậy, cần hỏi ý kiến cha mẹ để bày tỏ sự tôn trọng và từ đó nhận được những kinh nghiệm quý giá cha mẹ truyền lại.
Trong bài phát biểu, Sư cô Thích Đồng Hòa trụ trì chùa Tăng Phúc cũng khẳng định:
“Trung ngyên tháng 7 là thời điểm cho bao nhiêu cảm xúc dâng cao, cho bao nhiêu tâm tình lắng đọng. Trung Nguyên ngày hội Vu Lan, bến giác dù tu sống đạo đàng/Những ai là kẻ mang ơn nặng/ lòng vẫn tâm thành đón
Vu Lan.
Tất cả kinh điển thánh hiền minh triết đều nói lên tinh thần hiếu kính cha mẹ ông bà tiên tổ, thế nên Tổ Đức có dạy “Thiên kinh vạn quyển, hiếu nghĩa vi tiên”. Đức Phật dạy rằng “ Không hạnh nào cao cả bằng hạnh hiếu, không tội ác nào nặng hơn cho bằng tội bất hiếu”. Ca dao VN cũng có câu :
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mơi là đạo con”
Nước trong nguồn chảy ra thành biển cả, núi Thái Sơn vững như bàn thạch cuộc đời. Hai đấng sinh thành cho ta tất cả, tuổi hoa của cha mẹ qua lớp lớp sóng gió in đậm sâu trên những gương mặt hào hoa đã cống hiến trọn vẹ cho cuộc đời
“Đời còn rả rích mưa mau
Hình thương cha mẹ như bầu trời xanh”
Cuộc đời thật của con người thì hữu hạn mà tình cha nghĩa mẹ thì vô hạn muôn đời, bởi tình mẹ nghĩa cha là sức mạnh huyền kiếp không sao kể hết, những ai biết nâng niu sức mạnh ấy sẽ khôn lớn trưởng thành, còn ai không biết thì làm sao sống với đời cho trọn vẹn?
Đại lễ Vu Lan là một trong những mùa lễ thiêng liêng nhất của
Phật giáo nhằm nối tiếp tinh thần truyền thống báo hiếu báo ân của người Việt, từ ngàn đời nay, ở Việt Nam, đạo hiếu và phong tục thờ cúng tổ tiên đã hiện diện trước khi Phật giáo du nhập vào, lòng hiếu kính là nền tảng vững chắc của tình gia tộc, với đất nước 4000 năm văn hiến, đạo hiếu là tinh thần văn hóa bất di bất dịch đối với đời sống của mỗi con người.
Phật giáo hòa quyện với văn hóa Việt Nam như nước với sữa. Phật tử chúng ta làm thế nào để lễ hội Vu Lan báo hiếu vượt ra khỏi khuôn khổ Phật giáo ở chùa chiền, để trở thành nếp sống chung cho toàn xã hội. Tu tập tâm linh đạo hạnh luôn gắn liền với bà con dân tộc để rèn luyện ý thức sâu sắc gắn bó với tình yêu gia đình, như lời một Đại Đạo sư đã từng nói “ Gốc rễ tâm linh xin bồi đắp/Suối nguồn huyết thông nguyện khai thông”.
Vu Lan cũng là dịp để những người con Phật niệm tưởng tứ trọng ân. Ý nghĩa Vu Lan là đỉnh cao của chân thiện mỹ, xây dựng đời sống có ý thức cộng đồng trong mối tương quan tương duyên phát triển dân sinh xã hội qua bốn phương diện gọi là Tứ trọng ân.
Đặc biệt Trung nguyên 15/7 là thời điểm Chư tôn đức tăng, ni vừa trải qua 3 tháng
an cư kiết hạ: thúc liễm thân tâm, trau dồi trí tuệ, tịnh tu tam nghiệp, đạo hạnh thăng hoa, ngày chư Phật hoan hỷ là cơ hội để phật tử gieo trồng phước điển qua việc cúng dàng Tam bảo để hồi hướng cho gia đình.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Khánh Dư - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo bày tỏ niềm biết ơn và vinh hạnh được tham dự buổi lễ Vu Lan lần thứ 2 tại chùa Tăng Phúc. Ông tán thán công đức của Sư cô trụ trì đã thỉnh Chư tăng giảng sư về Đại lễ để ban truyền Phật Pháp đến với công chúng, điều đó khiến Pháp hội có ý nghĩa để lại trong lòng người nhiều dư âm hơn.
Nương theo tâm nguyện của Thầy trụ trì rằng làm sao để lễ Vu Lan vượt ra khỏi khuôn khổ Phật giáo và lan tỏa trong xã hội, ông nhắc lại ý nghĩa của Tọa đàm Khoa học Vu Lan Báo Hiếu và xã hội Việt Nam hiện đại để đưa ra những giải pháp thực hiện điều đó, làm sao để GHPGVN tuyên truyền rộng rãi hơn nữa đến cả xã hội về ý nghĩa của
Vu Lan Báo hiếu, điều đó sẽ góp phần vào công cuộc chấn chỉnh hệ đạo đức của xã hội hiện nay đang bị xuống cấp.
Hiện nay Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa tôn giáo đang gửi công văn đề nghị Nhà Nước nghiên cứu & công nhận lễ Vu Lan Báo Hiếu là lễ hội văn hóa của toàn dân, và đến Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch công nhận lễ Vu Lan Báo hiếu trở thành di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ hội góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam độc đáo bản sắc dân tộc phù hợp với thời đại.
Tư tưởng tri ân, báo ân của Pháp hội Vu Lan gói gọn trong những món tứ sự mà phật tử cúng dàng lên Chư tăng, để tỏ lòng biết ơn Tam Bảo đã cứu độ nhân sinh. Tình đạo vị giữa tứ chúng phật tử gửi gắm vào những bông hồng hiếu hạnh đỏ thắm trong tim những người con may mắn còn bố mẹ, trong những bông hồng hiếu hạnh màu vàng – màu của trí tuệ giải thoát đi vào trong trái tim từ bi của Chư tăng, ni.
Diệu Hòa