Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 17/02/2016, 15:49 PM

Phật đang ở đâu?

Như một thói quen đã ăn sâu vào tâm thức mỗi người dân Việt, dịp Tết đến Xuân về là người người lại rủ nhau đi lễ chùa đầu năm để cầu an cho bản thân và gia đình.

Bởi nhiều tác động của cuộc sống vật chất, chưa có cơ duyên được giác ngộ Phật pháp, một số bộ phận người dân do chỉ biết đến với Phật giáo theo kiểu tự nhiên chủ nghĩa, tín ngưỡng tự phát, cộng thêm tâm lý đám đông mới dẫn đến những hành động chưa đúng thậm chí là sai lệch gây ra sự biến tướng, sai lệch trong các hoạt động văn hóa tâm linh.

Mùng 1 Tết đầu xuân, năm nào gia đình tôi cũng đi chùa để cầu chúc một năm mới tốt lành đến với mọi người cũng như hi vọng xã hội sẽ luôn yên bình. Nhưng không giống như không khí của những năm về trước, tôi thấy cách người dân đi lễ chùa giờ nhộn nhạo quá. Tôi thoáng buồn khi thấy chùa không còn là nơi để người ta tìm về với chân tâm thanh tịnh nữa mà chùa giờ như một nơi du lịch, là danh lam thắng cảnh. Họ đến chùa chọn chỗ có cây đẹp, tượng to rồi bảo nhau chụp lấy vài tấm ảnh rồi đi về. Vô tình đi qua nghe mấy bạn trẻ nói chuyện với nhau mà thấy cuộc sống đúng là lắm chuyện bi hài. “Up ảnh lên FB đi mày. Ảnh chùa thế này nhiều người like lắm. Viết thêm cái caption sâu sắc là ngon rồi”. Hóa ra để có được cái ảnh nhiều like cũng “kì công” đến vậy. 

Nhớ lại ngày trước hồi tôi còn học cấp 2, sau khi đi học về mẹ đón tôi đi lễ ở đền Voi Phục nhằm ngày mùng 1. Hôm ấy tôi bị sãi trong chùa nhắc nhở vì mặc váy vào chùa, dù lúc đó tôi mặc váy đồng phục dài qua cả đầu gối. Mẹ tôi phải xin sám hối vì tôi vừa đi học về nên không kịp thay quần áo. Các sãi bảo đến chùa thì phải ăn mặc cho kín đáo, trước tự tôn trọng mình sau là tôn kính Phật. Mặc váy như thế cũng bất tiện khi lễ dù lễ đứng hay ngồi. Ngày trước đi chùa chuyện trang phục rất được mọi người coi trọng, thời ấy hầu như ít ai mặc đồ ngắn đến chùa vì được gia đình giáo dục rất kĩ lưỡng.  

Ấy vậy mà thời nay người ta ăn mặc thoáng quá, váy gì mà ngắn cũn, quần cũng chẳng hiểu nên gọi là quần gì nữa. Nếu gọi là quần đùi thì nó vẫn dài quá. Kết hợp với áo crop-top cùng tất lưới đủ loại. Giờ mặc thiếu vải thế này trở thành mốt, giới trẻ đua nhau mặc. Thực ra mặc gì là quyền tự do của mỗi người, quan trọng là nơi mà bạn đến khi mặc nó mà thôi.
 Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
Nếu đi chơi thì mặc thế nào cũng được nhưng đến chùa thì cần phải chú trọng đến việc ăn mặc hơn. Vì dù đất nước có phát triển thế nào đi chăng nữa thì phẩm hạnh của bạn cũng thường được người khác đánh giá trước hết qua bộ quần áo. Đấy là về trang phục, còn tác phong khi lễ chùa hiện nay cũng rất kém. Tôi thấy nhiều gia đình đến lễ chùa rất vội vã. Vào vái vội vài cái rồi chạy ngay ra ô tô đi tiếp. Nghe phong thanh lúc họ nói chuyện thì một ngày phải cố đi cho hết mười chùa, đi được càng nhiều càng tốt.

Hóa ra đi càng nhiều chùa thì càng nhiều lộc. Tư tưởng này hiện đại quá giờ tôi mới được phổ cập. Không biết họ có thấy nhiều lộc không nhưng nhìn dáng vẻ vội vã của họ tôi chỉ thấy tội nghiệp. Họ đến rồi đi nhanh đến nỗi có khi Phật còn chưa kịp nhìn mặt để mà phù hộ ấy chứ. 

Rồi đến chuyện thắp hương trong chùa. Hầu như ai cũng muốn thắp một nén hương dù nhiều nơi đã ghi biển hạn chế thắp vì các thầy đã thắp sẵn hương vòng. Khói hương giờ tẩm nhiều hóa chất nên rất độc. Không phải chùa nào cũng có điều kiện để thắp hương trầm. Bởi thế nên khi thắp nhiều hương không chỉ gây độc cho mọi người mà còn làm mờ tượng. Vậy mà nhiều người vẫn cố thắp nhanh nhanh dù lúc sau người trông chùa lại phải nhổ ra vì nhiều quá. Há chẳng phải bạn đang làm việc vô ích hay sao?

Bạn nên nhớ đốt hương là tự đốt tâm hương trong mình:

“Giới hương, định hương, giữ huệ hương
Giải thoát giải thoát tri kiến hương
Quang minh vân đài biến pháp giới
Cúng dường Thập phương Tam Bảo Tiền”

Khi thắp một nén hương là bạn đang dâng lên Phật tấm lòng thành kính trước đạo hạnh của Người. Nhìn nén hương lòng bạn như tĩnh lại, nguyện noi theo tấm gương sáng của Đức Phật để tu hành sao cho tốt đời đẹp đạo. 

Ngoài việc thắp hương thì việc thắp nến cũng chứa đựng rất nhiều triết lý Phật học. Xưa thường dùng đèn dầu nay dùng nến và đèn điện để chiếu sáng. Trước là soi sáng không gian, sau là thắp sáng trí tuệ trong mình.  Rồi lấy trí tuệ của mình để khai sáng cho chúng sinh.
 
Bạn đi lễ chùa nhiều như vậy có thể trả lời giúp tôi câu hỏi: Phật giờ đang ở đâu không? Những chùa lớn, chùa cổ, chùa đông người là Phật ở đó nên bạn mới cố đi cho đủ? Vậy những chùa nghèo, chùa vắng là không có Phật hay tại Phật không có linh? Bạn ơi, thế là bạn lại mắc vào chấp kiến rồi. Bạn tự giữ trong mình những suy nghĩ đó nên mới làm mình phiền não. Chỉ vì muốn đi đủ những chùa có Phật linh ấy mà bạn vội vàng, hấp tấp, đến đi như gió, còn đâu là oai nghi của một một người đi lễ Phật.  

Đi chùa quan trọng là giữ cho mình sự thanh tịnh và an lạc trong tâm hồn. Trước kia mỗi khi bước chân vào cửa chùa ai cũng tự nhắc nhở nhau phải đi nhẹ, nói khẽ, không được làm động tâm người xung quanh. Nhưng giờ có lẽ vì sự phát triển quá nhanh chóng của xã hội hiện đại nên người ta bị cuốn theo dòng xoáy ấy mà quên đi những lễ nghi cơ bản.
 
“Phật ở đâu xa, Phật tại lòng”. Mong bạn có thể nhớ câu nói ấy. Phật đang ở trong chính bạn chứ đâu xa. Bạn yêu thương mọi người, bạn là Phật. Bạn tha thứ cho kẻ thù của mình, bạn là Phật. Bạn bố thí cho người gặp khó khăn, bất hạnh, bạn là Phật. Chỉ cần làm những gì Phật dạy thì Phật sẽ ở ngay đó. Chỉ vì vô minh nên tâm Phật của bạn mới vô tình bị che lắp khiến bạn cứ mải miết đi tìm Phật ở vạn nơi. Mà quên mất rằng Phật ở ngay đây, trong trái tim của bạn.

Nguyện cầu cho tâm Phật của bạn khai mở để có thể soi rọi vào cuộc đời mình và soi chiếu vào cuộc sống của nhân sinh. Đừng đi chùa một cách công nghiệp, cố đi cho đủ số chùa mình định ra cho yên tâm cõi lòng. Đơn giản nhất, bạn chỉ cần đến ngôi chùa ngay gần nhà mình và đôi khi bạn không cần phải đi đâu cả. Đứng trước bàn thờ của gia đình, tụng một thời kinh hoặc niệm Phật. Sau đó bạn lắng lòng lại để nghe những vang động trong tâm. Quán chiếu những phiền não mình đang gặp phải để đi tìm căn nguyên của nó để giải quyết.

Nếu đến chùa bạn hãy nhắm mắt lại, chắp tay trước ngực để cho tiếng chuông chùa vang vọng vào trong tiềm thức, hít lấy hơi thở của đất trời vào buổi sớm, gạt bỏ đi tất cả những phiền não đang trỗi dậy để thân tâm hoàn toàn thanh tịnh. Mỉm cười và cất lên lời nguyện ước: “Nam Mô A Di Đà Phật! Con nguyện yêu thương tất cả mọi người, cầu cho khắp pháp giới ai cũng nhìn thấy ánh sáng của Phật và được giải thoát”.

Khi đó ánh hào quang ấm áp của đức Phật đang ôm trọn lấy bạn. Tâm bạn đang sáng chói và rực rỡ như ánh nắng mùa xuân. Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, đều có hạt giống Phật. Hãy làm cho hạt giống Phật nảy mầm, đơm hoa, kết quả, đừng làm cho hạt giống đó bị vùi lấp. Như lời đức Phật đã căn dặn các đệ tử của mình: “Hãy tuân theo Chánh Pháp mà tu, hãy giữ gìn giới luật mà sống thì Như Lai lúc nào cũng gần gũi. Nếu không theo Chánh Pháp, không giữ giới luật thì có Như Lai bên cạnh cũng chẳng giúp được gì.” 

Nguyễn Linh Chi
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm