Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 19/01/2018, 16:16 PM

Phật giáo Ninh Bình trong công tác hoằng pháp và hướng dẫn phật tử

Kể từ khi tái lập tỉnh (1992) đến nay, GHPGVN tỉnh Ninh Bình đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Ninh Bình hiện có 351 ngôi chùa, 390 tăng ni và khoảng 150 ngàn phật tử. Trong nhiệm kỳ qua (2012-2017), dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo sát sao của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN; sự quan tâm giúp đỡ và tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các ngành chức năng của tỉnh, GHPGVN tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành xuất sắc các công tác phật sự đề ra, trong đó nổi bật nhất là công tác “Hoằng pháp & Hướng dẫn Phật tử”.

Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch Chư tôn đức Ban Chứng minh, Đoàn Chủ tịch;
Kính thưa chư vị Đại biểu khách quý;
Thưa toàn thể Đại hội,

Trước hết, thay mặt cho tăng ni Phật giáo tỉnh Ninh Bình, chúng con nhất trí cao với Báo cáo Tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ 2012-2017 và Phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2017-2022 của GHPGVN, do Ban Thư ký vừa trình bày trước Đại hội. Để bổ sung cho bản báo cáo, góp ý kiến trước Đại hội, con xin trình bày tham luận với chủ đề “Phật giáo Ninh Bình trong công tác Hoằng pháp & Hướng dẫn Phật tử”.

Lời đầu tiên, cho phép con được thay mặt cho gần 400 tăng ni của Phật giáo Cố đô Hoa Lư xin gửi tới chư Tôn đức, quý vị Đại biểu khách quý lời kính chúc sức khỏe, an lành và thành đạt; chúc Đại hội thành công viên mãn.

Kính thưa Đại hội,

Kể từ khi tái lập tỉnh (1992) đến nay, GHPGVN tỉnh Ninh Bình đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Ninh Bình hiện có 351 ngôi chùa, 390 tăng ni và khoảng 150 ngàn phật tử. Trong nhiệm kỳ qua (2012-2017), dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo sát sao của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN; sự quan tâm giúp đỡ và tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các ngành chức năng của tỉnh, GHPGVN tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành xuất sắc các công tác phật sự đề ra, trong đó nổi bật nhất là công tác “Hoằng pháp & Hướng dẫn Phật tử”.

1. Một số điểm nổi bật trong công tác Hoằng pháp & Hướng dẫn Phật tử của Phật giáo Ninh Bình

GHPGVN tỉnh Ninh Bình luôn ý thức rằng, sự nghiệp “Hoằng pháp lợi sinh” và hướng dẫn phật tử đi theo chính pháp, sống tốt đời đẹp đạo là nhiệm vụ cốt yếu của mỗi tăng ni, đồng thời cũng là trách nhiệm của cả hệ thống Giáo hội. Trong nhiệm kỳ qua, GHPGVN tỉnh Ninh Bình đã rất chú trọng tới công tác Hoằng pháp & Hướng dẫn Phật tử. Một số điểm nổi bật như sau:

1.1. Phối hợp với Ban Hoằng pháp và Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương tổ chức các buổi thuyết giảng cho hàng vạn tín đồ phật tử trong dịp diễn ra Đại lễ Vesak 2014; tổ chức Khóa Tập huấn “Kỹ năng tổ chức quản lý điều hành các mô hình sinh hoạt tu học” cho hơn 700 Khóa sinh của các tỉnh, thành phía Bắc và Khóa tu “Đức Phật trong ta” cho 2500 phật tử trong và ngoài tỉnh.

1.2. Thường xuyên vận động tín đồ phật tử luôn nêu cao tinh thần “phụng đạo, yêu nước”, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào, như: Phong trào “Xây dựng xứ họ đạo bình yên, chùa tinh tiến về ANTT”, “Tổ dân phố, thôn, xóm an toàn”; Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại các khu phố, thôn, xóm; tích cực hưởng ứng các cuộc vận động từ thiện nhân đạo do MTTQVN các cấp phát động..., góp phần cùng với các cấp, các ngành đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ANTT trên địa bàn tỉnh.

1.3. Thường xuyên phối kết hợp với chùa Bái Đính và các trường THPT, THCS trên địa bàn tỉnh, tổ chức các buổi thuyết giảng về kỹ năng sống Phật pháp, các Khóa tu mùa hè và sinh hoạt ngoại khóa dành cho học sinh, sinh viên. Điển hình như năm 2017 đã tổ chức thành công 02 Khóa tu mùa hè cho trên 3000 học sinh, sinh viên tại chùa Bái Đính, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng các khóa sinh, phụ huynh và các thầy cô giáo; được chính quyền và nhân dân trong tỉnh ghi nhận và đánh giá cao vai trò của Phật giáo trong công tác giáo dục thế hệ trẻ.

1.4. Khuyến khích Ban Trị sự PG các huyện, thành phố trong tỉnh tổ chức các Lớp giáo lý dành cho phật tử. Hiện nay toàn tỉnh đã có 6/8 BTS PG mở Lớp giáo lý dành cho phật tử. Đến nay, các Lớp giáo lý vẫn duy trì đều đặn mỗi tháng học 02 - 04 buổi, số lượng học viên lên tới trên 3000 người. Điều đáng chú ý là, đội ngũ phật tử trẻ tham gia các khóa học ngày một gia tăng rõ rệt.

1.5. Khuyến khích các chùa trong tỉnh thành lập các Đạo tràng tu tập và tổ chức nhiều khóa tu, câu lạc bộ, như: Khoá tu Bát quan trai, Khóa tu một ngày an lạc, Khóa tu mùa hè, Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử và các lớp dạy võ thuật, dạy tiếng Anh miễn phí... Hiện nay Phật giáo tỉnh Ninh Bình có hơn 10 Đạo tràng tu tập, gần 10 Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử và nhiều chùa hàng năm đều tổ chức các Khóa tu mùa hè, Khóa tu một ngày an lạc dành cho học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh.

1.6. Tập trung rà soát và thống kê số lượng phật tử trong toàn tỉnh, đồng thời tiến hành cấp phát thẻ chứng nhận cho các phật tử đã quy y Tam Bảo. Theo thống kê sơ bộ, hiện tỉnh Ninh Bình có khoảng 150 ngàn phật tử, chiếm tỷ lệ 7,65% dân số trong tỉnh.

1.7. Thành lập Giảng sư đoàn, gồm các thành viên có kinh nghiệm và nhiệt huyết trong công tác Hoằng pháp & Hướng dẫn Phật tử; phân công giảng luân phiên tại các Lớp giáo lý, các Đạo tràng tu tập và các khoá tu, như: Khóa tu mùa hè, Khóa tu Bát quan trai, Khóa tu Một ngày an lạc...

1.8. Bổ nhiệm các tăng ni trẻ có năng lực và nhiệt huyết trụ trì, kiêm nhiệm trụ trì để hoằng pháp và hướng dẫn phật tử tại các chùa ở một số xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, đặc biệt là các xã mới được thành lập ở vùng ven biển thuộc huyện Kim Sơn và ở vùng miền núi thuộc huyện Nho Quan...

Trong nhiệm kỳ qua, Phật giáo Ninh Bình đã có nhiều tấm gương phật tử tiêu biểu, sống tốt đời đẹp đạo, vinh dự được nhận Bằng tuyên dương công đức của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương.

2. Những hạn chế và bất cập trong công tác Hoằng pháp & Hướng dẫn Phật tử hiện nay

Qua thực tiễn cho thấy, công tác Hoằng pháp & Hướng dẫn Phật tử ở các địa phương vẫn tồn tại nhiều hạn chế và bất cập. Điển hình như sau:

2.1. Vai trò và trách nhiệm của người “hoằng pháp” và “hộ pháp” chưa thực sự được đề cao và phát huy triệt để các thế mạnh, dẫn đến tình trạng bỏ lỡ nhiều tiềm năng và cơ hội tốt trong công tác Hoằng pháp & Hướng dẫn Phật tử.

2.2. Nhu cầu tu học Phật pháp của tín đồ phật tử, đặc biệt là giới trẻ trong những năm qua đã và đang không ngừng gia tăng, nhưng đội ngũ giảng sư có kinh nghiệm và nhiệt huyết với sự nghiệp hoằng pháp còn quá mỏng. Thêm vào đó, nhiều vị trụ trì và tăng ni chưa thực sự quan tâm tới sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, chủ yếu vẫn còn nặng về phục vụ tín ngưỡng, lễ bái...

2.3. Hiện nay đang xuất hiện một số tình trạng lôi kéo phật tử, nhằm tạo dựng uy tín cá nhân của một bộ phận tăng ni đang diễn ra phổ biến và có xu hướng gia tăng ở một số địa phương, khiến cho vai trò lãnh đạo của Giáo hội cơ sở bị mờ nhạt và gây khó khăn không nhỏ trong công tác quản lý tăng ni, tín đồ phật tử.

2.4. Tình trạng sư giả, đạo lạ (như: Long hoa Di lặc, Thanh Hải vô thượng sư, Pháp luân công, Ngọc Phật HCM...) đang hoạt động tràn lan ở một số nơi, không chỉ gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại một số địa phương, mà còn làm tổn hại đến niềm tin của tín đồ phật tử đối với Tam Bảo.

2.5. Tình trạng hướng ngoại, lai căng pháp môn tu và tôn sùng các “thầy ngoại” một cách thái quá của một số chùa, một số tăng ni, không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến pháp môn tu truyền thống của Phật giáo Việt Nam, mà còn gây xáo trộn và tạo tâm lý hoang mang trong tín đồ phật tử.

2.6. Tình trạng công kích và thậm chí là bài xích lẫn nhau giữa đạo tràng này, pháp môn nọ vẫn diễn ra khá phổ biến và thường xuyên ở một số địa phương, không chỉ gây mất đoàn kết trong nội bộ phật tử, mà còn làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương.

2.7. Một số vị giảng sư ở nơi khác đến quy tụ tín đồ phật tử và tổ chức thuyết giảng, nhưng không thông báo với Giáo hội địa phương, đã phần nào gây khó dễ cho Giáo hội địa phương trong công tác quả lý tự viện và tín đồ phật tử.

2.8. Công tác Hoằng pháp & Hướng dẫn Phật tử ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được các cấp Giáo hội quan tâm đúng mức; một số tăng ni trẻ có tư tưởng ngại khó, ngại khổ, không muốn dấn thân hoằng pháp ở các vùng đặc biệt khó khăn này.

2.9. Do chưa thống nhất được về nghi lễ và Việt hóa hoàn toàn các thời khóa tụng niệm, lễ sám..., dẫn đến tình trạng nơi này lễ một cách, nơi kia tụng một kiểu, thậm chí là trong một xã có 8 chùa thì 8 hình thức nghi lễ và tụng niệm khác nhau.

2.10. Do chưa có bộ giáo trình giảng dạy và hướng dẫn chung cho các Lớp giáo lý dành cho phật tử, nên tình trạng mỗi nơi giảng một kiểu, mỗi người hướng dẫn một cách vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu tu học Phật pháp của đông đảo tín đồ phật tử và quần chúng nhân dân.

3. Một số kiến nghị và giải pháp

Từ những hạn chế và bất cập nêu trên, GHPGVN tỉnh Ninh Bình xin nêu ra một số kiến nghị và giải pháp cụ thể như sau:

3.1. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người “hoằng pháp” và “hộ pháp”; phát huy tiềm năng và thế mạnh về hoằng pháp & hướng dẫn phật tử, như: Tổ chức nhiều buổi thuyết giảng, các khóa tu cho tín đồ phật tử và cần có sự quan tâm đặc biệt đến giới trẻ; mời các giảng sư có trải nghiệm về tu tập và kinh nghiệm về hoằng pháp tới hướng dẫn và thuyết giảng.

3.2. Thường xuyên vận động các vị trụ trì, đặc biệt là các tăng ni trẻ nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong sự nghiệp “hoằng pháp lợi sinh”, đáp ứng nhu cầu tu học Phật pháp của tín đồ phật tử và quần chúng nhân dân trong thời đại mới.

3.3. Đề cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Giáo hội cấp trên; nâng cao vai trò quản lý của Giáo hội cơ sở; lấy tư tưởng đoàn kết hoà hợp làm nòng cốt cho mọi hoạt động phật sự; chấn chỉnh kịp thời những hành vi lôi kéo, lợi dụng lòng tin của tín đồ phật tử, nhằm phục vụ riêng cho lợi ích cá nhân của một số tăng ni.

3.4. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp để từng bước xử lý triệt để tình trạng sư giả, đạo lạ, nhằm xây dựng niềm tin kiên cố và tạo môi trường lành mạnh về tu tập cho tín đồ phật tử.

3.5. Bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị tu tập truyền thống của Phật giáo Việt Nam; tiếp thu có lựa chọn những pháp môn tu tập ngoại lai sao cho phù hợp với truyền thống văn hoá Phật giáo Việt Nam; hạn chế tình trạng “hướng ngoại, bài nội” một cách thái quá.

3.6. Định hướng pháp môn tu tập cho các đạo tràng phật tử một cách xuyên suốt và có hệ thống, tránh tình trạng cùng là đệ tử Phật nhưng lại công kích, chê bai lẫn nhau về pháp môn tu.

3.7. Để tránh tình trạng gây khó dễ cho Giáo hội cơ sở trong vấn đề quản lý tự viện và tăng ni, tín đồ phật tử. Ban Hoằng pháp Trung ương nên có quy định cụ thể, rõ ràng đối với đội ngũ giảng sư, các hoằng pháp viên về việc phối hợp với các Giáo hội địa phương mỗi khi tới hoằng pháp và hướng dẫn phật tử.

3.8. Cần có định hướng cụ thể và chú trọng hơn nữa về công tác Hoằng pháp & Hướng dẫn Phật tử ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; động viên, khích lệ kịp thời các tăng ni trẻ chịu khó dấn thân hoằng pháp ở những nơi đặc biệt khó khăn.

3.9. Việc thống nhất về nghi lễ và Việt hóa các thời khoá tụng niệm, lễ sám..., là nguyện vọng chung của đông đảo tăng ni, tín đồ phật tử trong cả nước. Do đó, Ban Nghi lễ và Ban Văn hóa Trung ương nên phối hợp tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo về vấn đề này và sớm đưa ra một nghi lễ thống nhất và hoàn toàn Việt hóa được các thời khoá tụng niệm, lễ sám...

3.10. Để đảm bảo tính thống nhất và đem lại hiệu quả cao trong công tác Hoằng pháp & Hướng dẫn Phật tử; Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Hoằng pháp và Ban Nghi lễ Trung ương nên phối hợp biên soạn bộ giáo trình tu học và nghi lễ dành cho các Lớp giáo lý trong cả nước. 

Trên đây là một số kiến nghị và giải pháp khắc phục, kính mong Đại hội quan tâm, xem xét. Trước khi dừng lời, con xin kính chúc chư Tôn thiền đức pháp thể khinh an, tuệ đăng viễn chiếu, chúng sinh dị độ; kính chúc chư vị Đại biểu khách quý thân tâm thường lạc, vạn sự cát tường như ý; chúc Đại hội thành công viên mãn.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Tác Đại Chứng Minh!

Tham luận của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Bình
Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, Nhiệm kỳ (2017-2022)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông là Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2024 - 2025

Sách Phật giáo 11:04 24/04/2024

Sư cô Suối Thông (Thích nữ Hạnh Đức) - đang công tác tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, thành viên Ban Văn hóa Phật giáo TP vừa được trao nhiệm vụ này từ Sở TT&TT TP, trong ngày Sách và văn hóa đọc lần 3, hôm 19/4.

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Xem thêm