Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 15/02/2013, 16:55 PM

Phật giáo và vài vấn đề xã hội

Văn hóa là linh hồn dân tộc. Mất văn hóa là mối nguy hại lớn nhất, vì nó làm tê liệt sức sống của một dân tộc, ví như người mắc bệnh lao, bệnh ung thư đục khoét cơ thể dần mòn để chỉ còn có chờ cái chết

Ở Việt Nam, trong chính điện những chùa ở miền Bắc và Trung chúng ta thường thấy tượng hai vị Hộ Pháp đứng hai bên, phía trước bàn thờ Phật. Từ ngoài nhìn vào thì vị Hộ Pháp mặt trắng hiền hòa đứng bên phải, vị mặt đen trông có vẻ dữ tợn đứng bên trái.

Đó là ông
Thiện và ông Ác, danh từ quen thuộc của giới bình dân gọi hai vị Thần (God) Hộ Pháp.

Ông Thiện là để trải rộng giáo lý từ bi hỉ xả của đức Phật ra khắp nhân loại, khuyên con người làm thiện; và

Ông Ác là để bảo vệ Chính Pháp, ngăn chặn tà thuyết xâm nhập, mê hoặc tâm tư con người khiến cho con người xa lìa Chính Pháp, cùng răn đe trừng phạt những kẻ xấu ác. Cho nên, dân gian còn gọi hai vị Hộ Pháp này là Khuyến Thiện và Trừng Ác. Vì là Hộ Pháp của nhà Phật cho nên tuy mang tiếng là ông Ác với mặt mũi dữ dằn, tâm của ông lại hiền như Bụt, và tất cả hành động của ông đều bắt nguồn từ thiện tâm. Thanh long đao trên tay ông chưa từng chém ai, vì đó là thanh long đao trí tuệ dùng để ngăn chặn tà thuyết và phá vỡ vô minh.

 

Ai cũng biết một trong những nhiệm vụ chính yếu của người Phật tử là hộ pháp. Do đó, người cư sĩ Phật giáo mang trên vai một trọng trách hộ Pháp nặng nề vì phải gánh cả hai phần: hoằng dương đạo Pháp (ông Thiện) và ngăn chặn ma quân (ông Ác). Hiển nhiển, những hành động của cư sĩ Phật giáo cũng phải bắt nguồn từ thiện tâm và cái vũ khí cư sĩ dùng trong trọng trách hộ pháp này không gì khác là trí tuệ.

Đôi khi người Phật tử, muốn giải trừ một số bệnh kinh niên đã ăn sâu vào đầu óc con người, phải dùng tới những liều thuốc đắng, nhưng tâm nguyện của người Phật tử luôn luôn chỉ là hi vọng có thể trục bệnh ra khỏi con người chứ không bao giờ chủ trương hủy diệt con người để trừ bệnh. Phật giáo không thể đứng ngoài dân tộc, do đó, ngoài bổn phận đối với Phật giáo, người Phật tử, tăng cũng như tục, còn có bổn phận đối với quốc gia dân tộc, một bổn phận nặng nề hơn, vì sự tồn vinh củạ dân tộc cũng là sự tồn vinh của Phật giáo. Nếu chúng ta không hiểu được điều này thì không bao giờ có thể hiểu được cái sinh lực Phật giáo trong lòng dân tộc.

Chúng ta đều biết, ảnh hưởng của Phật giáo trên nền văn hóa dân tộc thực là sâu đậm, sâu đậm đến độ người ta không còn phân biệt được đâu là văn hóa Phật giáo và đâu là văn hóa dân tộc. Đây là một sự kiện không ai có thể phủ bác. Sở dĩ như vậy là vì Phật giáo đã đi vào dân tộc Việt Nam, không bằng con đường giáo điều khô cứng, không bằng con đường ru ngủ dân chúng (có tác dụng như thuốc phiện) với những hứa hẹn hão huyền, mà bằng con đường trí thức, con đường phát triển trí tuệ, tự lực tự cường, và nhất là không chống lại những truyền thống của dân tộc Việt Nam. Với những giáo lý nhân bản và những triết thuyết cao siêu, phù hợp với tinh thần khoa học, Phật giáo đã đáp ứng được những đòi hỏi suy luận trí thức của giới có học. Với bản chất hòa bình, bao dung, bình đẳng, và những giáo lý giản dị, Phật giáo cũng đã đáp ứng được khao khát của giới bình dân, ít học. Từ đó, Phật giáo đã đi vào dân gian, hội nhập trong dân gian, trên mọi giới, đề tạo nên một tinh thần Phật giáo dính liền với một tinh thần yêu nước cao độ.

Phật giáo chưa bao giờ phản bội dân tộc, liên kết với kẻ ngoại xâm tiêu diệt kháng chiến, giết hại đồng bào. Phật giáo Việt Nam chưa bao giờ nhận lệnh của bất cứ chức sắc ngoại quốc nào, lệ thuộc bất cứ một tổ chức chính trị hay tôn giáo quốc tế nào. Tinh thần Phật giáo không thể tách rời tinh thần yêu nước, cho nên trong suốt dòng lịch sử, nhiều tăng sĩ đã “cởi áo cà sa, khoác chiến bào”, tham gia cuộc chiến chống xâm lăng. 

Điển hình là trong thời đại Lý, Trần, thời đại với câu truyền tụng “Thiên hạ Lý Trần bán vi Tăng”, thời đại hiền hòa nhất, nhưng cũng là thời đại oanh liệt nhất, hai lần thắng Nguyên Mông.  Và trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ gần đây, cũng đã có nhiều vị Tăng “khoác chiến bào”, thể hiện lòng yêu nước, bảo vệ non sông, chứ không phải do sự kết hợp với bất cứ ý thức hệ thế tục nào. Với tinh thần đó nên Việt Nam đã bao lần thành công trong việc đánh đuổi ngoại xâm, từ những thế kỷ đầu cho tới hạ bán thế kỷ XX. Với một lịch sử du nhập và tinh thần như vậy chúng ta hẳn không lấy làm lạ khi thấy tinh thần Phật Giáo thể hiện sâu đậm trong mọi bộ môn của nền văn hóa Việt Nam như văn chương, thi ca bác học cũng như bình dân, trong nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc v.v...

Trong bài "Phật giáo Việt Nam và Vấn đề gìn giữ và Phát huy nền văn hóa dân tộc", đăng trong tập I của tuyển tập "Phật Giáo Trong Thế Kỷ Mới", Giao Điểm xuất bản 1995, và sau đó đăng trên http:/giaodiem.com/mluc/mluc_III04/904_Pgiao_IV.html, với mục đích ngăn chặn mưu toan huyễn hoặc dân chúng Việt Nam của một tôn giáo mà thực chất chỉ là một tổ chức thế tục buôn thần bán thánh, với những giáo lý quy thần, không phù hợp với nền văn hóa và truyền thống Việt Nam, tôi đã bắt buộc phải đóng vai ông Ác, đưa ra những tài liệu bất khả phủ bác về những sự thực của một tôn giáo toàn cầu mà lịch sử thế giới đã chứng minh rằng đi tới đâu cũng mang tới sự chia rẽ, thù hận, giết chóc v.v. . ,  kéo dài cho tới tận ngày nay ở nhiều nơi trên thế giới, chưa kể đến những mưu toan và hành động thực sự để phá hủy các nền văn hóa địa phương.

Tôi quan niệm rằng, nếu những tài liệu tôi dẫn chứng mà phần lớn là kết quả của những công cuộc nghiên cứu nghiêm túc của các vị Hồng y, Tổng Giám mục, Giám mục, Linh mục, các nhà Thần học trong Ca-Tô Giáo Rô Ma, khoan kể đến những tác phẩm nghiên cứu của các chuyên gia về tôn giáo cùng những giáo sư đại học nổi tiếng, hiện có đầy trong các thư viện của các trường đại học, trong các tiệm sách, trong Internet v.v. .. mà không thành vấn đề ở Âu Mỹ, ở trong những quốc gia mà đa số theo Ki Tô Giáo, thì không có lý do gì chúng lại trở thành vấn đề đối với người dân Việt Nam trong đó chỉ có độ 5-7% theo Ca Tô Giáo Rô Ma.

Do đó,
ngăn chặn phổ biến các tài liệu trên là đi ngược lại trào lưu mở mang dân trí của người dân, giữ dân tộc Việt Nam trong vòng ngu muội, đặt quyền lợi tôn giáo phe phái lên trên quyền lợi của dân tộc. Người Việt Nam cũng như người dân trong mọi quốc gia tân tiến khác, có quyền biết về những sự thực lịch sử này liên hệ đến vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng. Chỉ có như vậy, dân trí mới mở mang không vấp lại những sai lầm hại dân hại nước, và sự hòa đồng dân tộc mới có hi vọng thực hiện như chúng ta đã thấy trong các nước văn minh tiến bộ nhất. Tôi cũng đã đưa ra một cách đại cương vài ý kiến về đường hướng thực thi nhiệm vụ gìn giữ và phát huy nền văn hóa dân tộc.

Sau đây tôi sẽ khai triển những ý kiến này cho đầy đủ hơn. Lẽ dĩ nhiên, ý kiến của một cá nhân bao giờ cũng hạn hẹp và thiếu sót. Nhiệm vụ gìn giữ và phát huy nền văn hóa dân tộc là nhiệm vụ chung của mọi người dân yêu nước, và nhiệm vụ này chỉ thành công nếu có sự phối hợp của
một chính quyền thực sự vì dân vì nước với các đoàn thể không thuộc loại phi dân tộc, phản dân tộc, và người dân.

Muốn gìn giữ và phát huy nền văn hóa dân tộc, tôi thiển nghĩ con đường duy nhất để đi đến thành công là mở mang dân trí và giáo dục quần chúng. Mở mang dân trí để Việt Nam có thể học những kinh nghiệm lịch sử, theo kịp những tiến bộ của nhân loại, và giáo dục quần chúng để duy trì tinh thần yêu nước, tạo nên căn bản dựng nước và giữ nước, và nhất là để gìn giữ và phát huy nền văn hóa cổ truyền dân tộc, coi đây như là một cách bảo tồn phẩm cách quốc gia. Giáo dục phải được đặt lên hàng ưu tiên trong những quốc sách. Tại các nước tân tiến, ngân sách quốc gia dành cho giáo dục bao giờ cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể và có một nền giáo dục miễn phí cưỡng bách cho tới Trung Học trong các trường công lập.

Nhưng mở mang dân trí và giáo dục qụần chúng như thế nào, theo những tiêu chuẩn nào? Những ý kiến sau đây xin được coi như là để gợi ý, bởi lẽ như đã nói ở trên, vấn đề này cần có một sự cộng tác của nhiều người, nhiều cơ quan chính quyền, nhiều đoàn thể dân tộc, và đòi hỏi một công cuộc nghiên cứu cẩn thận và sâu rộng về các vấn đề liên hệ, dựa trên hoàn cảnh lịch sử, địạ lý, nhu cầu và truyền thống của dân tộc Việt Nam, để đưa ra một sách lược khả thi.

Trong thời đại của những tiến bộ khoa học làm cho con người chóng mặt ngày nay, Việt Nam không còn chọn lựa nào khác ngoài việc đi theo con đường hiện đại hóa, kỹ thuật hóa, vì chỉ có những kiến thức khoa học cập nhật hóa mới có thể làm cho Việt Nam trở thành dân giàu nước mạnh, một căn bản vững chắc để giữ nước và xây dựng nước. Có lẽ đây là mục tiêu đứng hàng đầu trong việc mở mang dân trí. Nhưng hiện đại hóa không có nghĩa là Âu Mỹ hóa, mang nếp sống thiên về vật chất và cá nhân của Âu Mỹ, quan niệm tôn giáo Âu Mỹ, và ngay cả quan niệm về dân chủ và nhân quyền của Âu Mỹ, về cấy trên đồng ruộng, làng xóm Việt Nam. Và kỹ thuật hóa cũng không có nghĩa là đầu tư vào những kỹ thuật hay dự án có tính cách giai đoạn mà không có lợi ích trực tiếp cho Việt Nam về lâu về dài. 

Nhiều người, nhất là ở các nước đang mở mang, chỉ biết nước Mỹ qua những thành quả khoa học hoặc qua một vài chuyến công du ngắn ngủi, nhìn nước Mỹ với một cặp mắt ngưỡng mộ về đời sống vật chất và tự do dân chủ, đầy đủ nhân quyền, nhưng rất ít người để ý đến một sự kiện là về phương diện xã hội, nước Mỹ cũng là nước giật giải quán quân trên thế giới về tội ác, băng đảng giết người, xì ke ma túy, trộm cướp, đĩ điếm, cưỡng dâm, vị thành niên mang thai hoang, con giết cha mẹ, cha mẹ giết con, học trò bắn thầy giáo, cô giáo, loạn luân, linh mục cưỡng bức tình dục trẻ em và nữ tín đồ, kỳ thị và ly dị v…v...

Các nhà truyền giáo Ki-Tô Giáo đi khắp thế giới để truyền đạo, chỉ quảng cáo vài đoạn trích dẫn lạc lõng trong Thánh Kinh và cái vỏ vật chất của Âu Mỹ chứ không bao giờ đưa ra những sự thực về những tệ đoan xã hội, và lẽ dĩ nhiên không bao giờ giải thích được câu hỏi: Ki Tô Giáo nói chung là lực lượng chỉ đạo tinh thần và đạo đức của Âu Mỹ trong 2000 năm qua, truyền bá những cái mà họ gọi là tình thương và đạo đức của Thượng Đế dạy trong Thánh Kinh, mà tại sao về phương diện đạo đức xã hội lại quá suy đồi đến mức như vậy?

5l% các cuộc hôn nhân do Chúa kết hợp trở thành ly dị, và các tệ đoan trong xã hội như vừa nêu ở trên đã đưa đến bao nhiêu vấn đề xã hội, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của chính phủ mà phần lớn do dân chúng đóng góp qua thuế má. Ở phương trời Âu Mỹ ngày nay, Ki Tô Giáo đã thất bại trong vấn đề chỉ đạo, nêu cao đạo đức và thăng tiến trí tuệ cho con người, trong khi đó vẫn còn duy trì một mớ những điều mê tín và giáo lý phản khoa học.  Cho nên sự suy thoái trầm trọng của Ki Tô Giáo ở phương trời Âu Mỹ ngày nay đã là một sự kiện, đến nỗi Giáo hoàng Benedict XVI đã phải thú nhận là không nhìn thấy phương cách nào có thể cứu vãn cho tình trạng suy sụp này.

Cho nên, chúng ta phải biết rằng, nếu đi vào con đường hiện đại hóa, mở mang kinh tế, không có cách nào chúng ta có thể tránh khỏi những tệ đoan xã hội, ảnh hưởng của những nền văn hóa ngoại lai, điển hình là nền văn hóa mà các nhà truyền giáo Tây phương vẫn thường nhập nhằng liên kết với những tiến bộ của khoa học Tây phương để mà hãnh diện gọi là nền văn minh KiTô Tây phương (Westem Christian Civilization). Có vẻ như văn hóa Coca-cola và văn hóa của mấy phim ảnh Nam Hàn đã phần nào xâm nhập xã hội Việt Nam, ít ra là ở các thành phố lớn. Vấn đề là làm sao giảm thiểu những ảnh hưởng này và gìn giữ tối đa nền văn hóa dân tộc. Việc này có thể thực hiện được nếu chính quyền khôn ngoan trong chính sách đối ngoại và đối nội. Hiển nhiên sự đóng góp của Phật tử trong lãnh vực này không phải là nhỏ, nếu Phật tử biết gìn giữ đạo đức và quảng bá tinh thần, đạo đức Phật Giáo trong quần chúng.

Một mặt khác, chúng ta cũng cần phải ý thức được rằng: chưa đủ kinh nghiệm mà lao vào những bước nhảy vọt kinh tế tùy thuộc vào đầu tư của ngoại quốc là "đánh đu với tinh". Không phải là cái gì tiến mau cũng hay, cổ nhân đã dạy: dục tốc bất đạt. Một nền kinh tế dựa vào ngoại bang như vậy có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, kết quả là nợ nần chồng chất, tài nguyên hao hụt, và phẩm cách quốc gia bị coi thường. Bài học đồng tiền sụt giá, khủng khoảng kinh tế ở Thái Lan năm 1997 vừa qua đáng để cho chúng ta suy ngẫm, học hỏi và đừng đi vào vết chân của Thái Lan, hoặc nếu đã đi vào rồi thì phải kịp thời chuyển hướng. Nhưng có vẻ như đã quá muộn rồi. Tưởng chúng ta cũng nên duyệt qua nguyên nhân làm đồng tiền sụt giá ở Thái Lan, với hậu quả là nền kinh tế trở nên trì trệ, và ảnh hưởng đến những nền kinh tế Singapore, Malaysia, Philippines, và Indonesia.

Sự việc có thể tóm tắt như sau: Cũng như các nuớc đang mở mang, Thái Lan chọn sách lược phát triển kinh tế qua quyết định mở cửa, nhận đầu tư của ngoại quốc, và cố ý lơ là luật lệ kiểm soát, để cho các ngân hàng phát triển tự do, không có kế hoạch thích đáng để phục vụ quốc gia.

Năm 1984, để cho đồng "baht" được ổn định và có giá trị, chính phủ Thái đã đóng dính đồng "baht" với đồng đô-la. Công thức trên thành công vượt tiêu chỉ. Vốn ngoại quốc đổ vào Thái Lan và Thái Lan trở thành một nuớc mà nền kinh tế tăng trưởng mau nhất. Một khi có nhiều tiền vào, các ông chủ ngân hàng bắt đầu tài trợ ngành địa ốc mà không nghiên cứu kỹ luỡng, đi đến tình trạng xây cất quá mức, kết quả là nhiều món tiền cho vay không lấy lại được. Nhiều công ty Thái đổ xô vào vay tiền. Thế rồi, hai năm trước đây, Mỹ tăng giá đồng đô la đối với đông Yen của Nhật. Việc này làm cho nhân công Thái trở nên đắt hơn và giảm đi sức mạnh cạnh tranh.

Những chuyên viên buôn bán tiền tệ quốc tế, còn được biết dưới tên "đầu cơ tiền tệ" (Georges Soros,…), nhìn thấy rõ cái nền tảng yếu ớt của nền kinh tế Thái Lan, đánh cá đồng baht một cách tiêu cực, ép đồng baht phải sụt giá. Trong hai tháng 5 và 6, 1997, Bangkok phải đi vay nhiều tỷ đô la để chống đỡ cho đồng baht, nhưng rồi đến ngày 2 tháng 7, 1997, đã phải quyết định tách rời đồng baht ra khỏi đồng đôla, cho thả nổi đồng baht. Trong vòng một tháng, đồng baht sụt giá 1/3, từ 24 đồng bath một đô la xuống tới 32 đồng. Kết quả là dân Thái phải trở lại sống theo những tiêu chuẩn của những thời buổi khó khăn: dự trữ lương thực, để dành tiền, tiêu pha ít đi, chưa kể đến những dịch vụ của chính phủ để phục vụ dân chúng bị cắt giảm.

Sự phân tích sau đây của R.C.Longworth trên tờ Chicago Tribune, ngày 28 tháng 9 năm 1997, sẽ cho chúng ta thấy rõ nhiều chi tiết hơn:

Sự khủng khoảng ở Đông Nam Á đặc biệt là ở Thái Lan và Mã Lai Á, là các thí dụ giáo khoa về thị trường quốc tế: mới đầu là đưa đến thịnh vượng, rồi xuống thành thoải mái, rồi sụp đổ dễ bị tiêu tán, ở các nước không biết đối phó với những tình trạng trên. Giống như ở Mễ Tây Cơ và các nước đang ngoi lên, Thái Lan và Mã Lai quyết định mang vào nước những công trình đầu tư ngoại quốc. Họ thông qua những đạo luật để thu hút vốn ngoại quốc. Họ cố ý giữ một hệ thống luật lao động và thuế má yếu kém. Mục đích của chính sách trên là dùng tiền của ngoại quốc để hiện đại hóa nền kinh tế.

Trong một thời gian ngắn, chính sách này có hiệu quả. Đầu tư ngoại quốc đổ vào từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, và các nước giàu có khác. Các hãng sản xuất, để bớt đi chi phí., dựng lên các xưởng chế tạo xe hơi, đồ điện tử và các hàng tiêu thụ hầu hết là để xuất cảng. Những nuớc này biết rằng lúc đầu họ sẽ bị thâm hụt trong vấn đề giao thương vì họ phải nhập cảng máy móc để làm ra các hàng hóa truớc khi họ có thể tự lực làm ra các hàng hóa này. Các ngân hàng ngoại quốc, bị quyến rũ bởi mức độ phát triển của những nước này, sẵn sàng cho vay tiền. Rồi quá trình trên tiến đến độ không kiểm soát được. Điều này đã xảy ra tại nhiều quốc gia đang mở mang. Sự phát triển tăng quá mau. Quá nhiều máy móc được nhập cảng để sản xuất hàng hóa trước khi các quốc gia này có thể tự lực sản xuất ra hàng hóa đủ để trả những phí tổn nhập cảng này. Các chủ ngân hàng cho vay quá nhiều tiền cho những quốc gia chỉ biết sốt sắng đi vay tiền.

Ở Thái Lan và Mã Lai Á, nhiều người trở thành giàu có, và họ dùng những tài sản mới này để nhập cảng những món hàng ngoại quốc đắt tiền. Hai quốc gia này trở thành những thị trường tiêu thụ tốt nhất trên thế giới về loại xe hơi đắt tiền Mercedes. Một vài món tiền vay của ngân hàng được dùng trong những nhu cầu hạ tầng cơ sở và xưởng máy tối cần thiết. Nhưng phần lớn đổ vào địa ốc và những dự án vĩ đại của chính phủ và nhiều dịch vụ đầu tư khác không mang lại lợi nhuận. Thế rồi sự thâm hụt trong vấn đề giao thuơng và nợ nần trở nên quá lớn. Các ngân hàng lo sợ, ngưng lại không cho vay nữa. Vào lúc này, các chuyên gia trong thị trường tiền tệ quốc tế, nhìn rõ được sự yếu kém của nền kinh tế phát triển quá nhanh, nhảy vào đánh một đòn dứt điểm. Những con buôn tiền tệ ở Nữu ước (New York) và Luân Đôn (London] bắt đầu ép hối xuất của đồng baht của Thái Lan và đồn ringgit của Mã Lai Á phải xuống. Đồng baht sụt giá 40 phần trăm đốí với đồng đô-la và đồng ringgit sụt xuống 20 phần trăm. Vấn đề là, hầu hết những món nợ ngân hàng là bằng đô-la cho nên, thí dụ như Thái Lan, phải trả 40% hơn số đã dự tính, và đây chỉ đủ để trả lãi".

 

Cái đòn kinh tế đánh vào các nước đang mở mang trên đã làm cho Thủ tướng Mã Lai Á Mahathir giận giữ nhận định: “Người ta bảo chúng tôi phải mở cửa để cho giao thương và thương mại hoàn toàn tự do. Tự do cho ai? Cho những kẻ đầu cơ xảo quyệt lưu manh?” (We are told we must open up, that trade and commerce must be totally free” said Mahathir, the angry Malaysian prime minister. “Free for whom” For rogue speculators?"). “Mở Cửa” chẳng qua chỉ là chính sách thực dân mới của Mỹ thay thế cho chính sách thực dân cũ của Tây phương.  Chính sách thực dân cũ là chính sách đơn phương (unilateral) của một cường quốc, đi chiếm thuộc địa đất đai, và độc quyền khai thác tài nguyên và độc quyền nắm giao thương giữa thuộc địa với mẫu quốc. Chính sách thực dân mới là mọi nước phải mở cửa (open door) để cho Mỹ và các cường quốc tự do vào cạnh tranh nhau, khai thác tài nguyên, tiêu thụ hàng hóa và sử dụng nhân công rẻ, và chính sách này rất có lợi cho Mỹ vì Mỹ có ưu thế trên mặt sản xuất và kỹ thuật.  Thủ tướng Mahathir đã nêu đích danh tên đầu cơ tiền tệ George Soros ra chỉ trích, nhưng thật là khôi hài, Soros, kẻ đầu cơ tiền tệ đã kiếm ra bạc tỷ qua những thủ đoạn ép buộc tư bản, đã không ngần ngại, vạch trần những nguy hiểm của thị trường tự do: "Thị Trường tiền tệ, bản chất của chúng là không ổn định. Quá nhiểu cạnh tranh và quá ít hợp tác có thể gây nên những sự bất công và bất ổn đáng kể. Kẻ thù chính cuả xã hội mở cửa (dân chủ) không còn là cộng sản nữa mà chính là những sự đe dọa của tư bản". (Financial markets are inherently unstable. Too much competition and too little cooperation can cause considerable inequities and instability. The main enemy of the open (democratic) society is no longer the communist but the capitalist threat). Soros và một số kinh tế gia cũng như nhiều nhà doanh nghiệp đều đồng ý là sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế thị trường quốc gia thực sự cần thiết.

Chúng ta thấy rằng, bài học về sự khủng khoảng kinh tế ở Thái Lan này thật rõ ràng: Khi tiền tệ luân chuyển trên thế giới với vận tốc của ánh sáng, các quốc gia đang mở mang không còn có thể tin cậy vào những vốn đầu tư của ngoại quốc, nhân công rẻ, khả năng xuất cảng, và các nhà ngân hàng tự tung tự tác, với hi vọng làm cho nền kinh tế phát triển. Một sách lược phát triển kinh tế dài hạn phải đặt căn bản trên một chính sách tiền tệ và ngân sách hợp lý, coi chừng và kiểm soát các dịch vụ ngân hàng, và sự đầu tư vào giáo dục và huấn nghiệp quần chúng. Trong tương lai dài, chính sách này sẽ đưa đến sự tăng gia sản suất và nâng cao đời sống của dân chúng. Các nhà cầm quyền phải nghĩ đến những chương trình dài hạn mở mang đất nước, phải chuyển thói quen tiêu thụ hàng ngoại quốc thành chính sách tự túc, tiêu thụ hàng nội hóa, làm nghiêng cán cân về phía xuất cảng thay vì nhập cảng, nhất lại là sự nhập cảng những món hàng xa xỉ đắt tiền, không cần thiết, hay những món hàng độc địa có hại cho sức khỏe quần chúng.

Trong một chuyến đi thăm Trung Quốc tôi nhận thấy đó là những sách lược mà Trung quốc đã và đang thực thi. Trừ thành phố Thượng Hải, một trung tâm quốc tế, nơi mỗi ngày có khoảng 2 triệu người ra vào mua bán, tôi thấy ở 11 tỉnh khác mà tôi thăm viếng, kể cả Bắc Kinh, rất hiếm hàng ngoại quốc. Đặc biệt ở Bắc Kinh, chính phủ cấm lưu hành xe gắn máy. Người dân được khuyến khích dùng hàng nội hóa. Cũng vì vậy, năm 1996, trong vấn đề giao thương với Trung Quốc, Mỹ đã thâm hụt trên 5 tỷ đô-la. (Trade deficit). Và cả thế giới đều đồng ý là Trung Hoa sẽ trở thành một siêu cường kinh tế trong tương lai gần. Một mặt khác, Trung Quốc tìm cách xuất cảng những nhu yếu phẩm biến chế sao cho giá thành ở mức tối thiểu bất kể đến phẩm chất của món hàng.  Vì vậy chúng ta biết rằng rất nhiều sản phẩm của Trung Quốc rất độc, trong tương lai sẽ ảnh hưởng nhiều đến xã hội Việt Nam.  Biết rằng chúng độc mà chúng ta vẫn mua dùng thì đó là tại lỗi của chúng ta, vì mục đích của họ là kiếm lời.  Việt Nam cần phải giáo dục người dân để đại chúng sống một cách khôn ngoan, lành mạnh trong đời sống hàng ngày, tránh xa những thứ hàng độc địa của Trung Quốc, nhiều khi có thể dưới nhãn hiệu ngụy tạo xuất xứ từ Việt Nam.

Thật ra thì Việt Nam vẫn có nhiều tiềm lực để thoát ra khỏi cảnh khó khăn trên bằng một chính sách : tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng, hạn chế nhập cảng các sàn phẩm không thuộc loại tối cần thiết, khai thác tài nguyên phong phú, sử dụng hợp lý lực lượng nhân công khéo léo, và nhất là đầu tư vào giáo dục cũng như huấn nghiệp ở trình độ cao. Nếu biết khai thác những tiềm lực này, nền kinh tế rất có thể tự phát triển mà không cần phụ thuộc vào nền kinh tế của các nước ngoài. Và đây cũng là lời khuyên và nhận định của chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc, UNDP (United Nations Development Plan). Nhưng chính sách này chỉ thành công nếu quốc gia có một nền luật pháp nghiêm minh, chính quyền cương quyết trong chính sách giáo dục người dân, bảo vệ nhân vị và quyền lợi của công nhân, và giảm thiểu, xin đừng nói đến diệt trừ, tham nhũng. Nếu ý thức được Lý Vô Thường của nhà Phật, và nhận thức được sự ngu xuẩn trong khuynh hướng ăn chơi đàng điếm, thì sự tham nhũng sẽ bớt đi.  Con người, bất kể quyền cao chức trọng hay giàu có như thế nào, cuối cùng cũng phải đối diện với một thất bại lớn nhất của đời người, đó là không ai có thể sống mãi, khỏe mạnh mãi mãi.  Và khi đó thì sẽ ra đi với hai bàn tay trắng, có để lại của phi nghĩa cho con cháu thì của đó cũng không bền. 

Những chính sách về kinh tế và giáo dục nói trên nằm trong tay chính quyền. Nhưng không phải vì vậy mà Phật tử không cần quan tâm gì đến hay không có trách nhiệm gì đến vấn đề này. Trái lại, Phật tử có thể đóng góp rất nhiều trong việc thực thi những chính sách xây dựng nước.    Hơn 80 phần trăm dân Việt Nam chịu ảnh hưởng tinh thần của Phật Giáo. Nếu các Phật tử, tăng cũng như tục, ý thức được lý vô thường, tự mình sống một cách giản dị, không xa hoa, không đua đòi, và giáo dục quần chúng cũng như con em về một đời sống lành mạnh, đặt nặng tinh thần, coi nhẹ vật chất v.v... thì những lối sống này sẽ có tác dụng ảnh hưởng đến chính sách của chính quyền. Nhưng chúng ta chớ lầm coi nhẹ vật chất rồi phó mặc cuộc đời hay an phận nghèo khổ mà nuốt viên thuốc phiện: "nghèo khổ là con đường chắc chắn nhất để đi tới hạnh phúc trong đời sau" của một mối gọi là "phúc thật" trong Thánh kinh Ca-tô Rô-ma. Ngày nay, các tôn giáo ngoại lai xâm nhập Phật Giáo không phải vì họ mạnh mà vì Phật Giáo yếu.  Nếu Phật Giáo mạnh lên, thể hiện trong gương đạo đức của các bậc tu hành, trong những giáo lý thực tế sát với thời đại, và trong sự dấn thân với tinh thần vô úy, tham gia xây dựng đất nước cùng với chính quyền, thì lo gì Phật Giáo không vững mạnh và là nguồn đạo đức, tâm linh chính đáng cho người dân Việt.

Đức Phật đã thấy rõ không phải ai cũng có thể sống một đời sống tu hành cho nên Người đã đưa ra những tiêu chỉ cho những Phật tử thông thường trong đời sống xã hội, thường ngày va chạm với những thực tế phũ phàng trong xã hội. Trong Trường Bộ Kinh, Đức Phật đã vạch rõ cho chúng ta thấy sự nghèo khổ là nguồn gốc của vô luân và tội ác như trộm cướp, gian lận, bạo hành, sân hận, độc ác v.v... Ngày nay, cơn sốt vật chất, tiền bạc trong xã hội cũng góp phần không ít cho những tệ đoan xã hội như trên.  Đức Phật đề nghị rằng muốn giải quyết vấn đề tội ác, điều kiện kinh tế của dân chúng phải được tăng tiến. Người đã chỉ rõ cho Phật tử tầm quan trọng của sự cải tiến tình trạng kinh tế của con người. Nhưng điều này không có nghĩa là Đức Phật khuyên mọi người đi tích lũy của cải bằng bất cứ phương tiện nào để thỏa lòng tham và tham đắm vào vật chất vì đây là điều trái ngược với giáo lý căn bản của Người.

Đức Phật đã dạy một người dân thường tên là Dighajanu là có bốn điều kiện đưa hạnh phúc đến cho con người ở trên cõi đời:

-   Thứ nhất: chăm chỉ, cố gắng đạt tới "nhất nghệ tinh nhất thân vinh";

-   Thứ nhì : phải bảo vệ tài sản kiếm dược một cách chính đáng bằng mồ hôi, nước mắt;

-   Thứ ba: kết bạn với các thiện tri thức nghĩa là những người đạo đức, học rộng biết nhiều, phóng khoáng và thông minh, để giúp mình tiến bộ trên Chánh Đạo, xa lánh ác nghiệp;

-   và Thứ tư: tiêu pha trong khả năng và dành một phần cho những việc thiện, không bần tiện mà cũng không hoang phí.

Sau đó Đức Phật nêu ra 4 đức tính đưa đến hạnh phúc trong tương lai của con người, và đây mới là những mối "phúc thật" chính tông:

(l): phải có lòng tin vào những giá trị đạo đức, tinh thần và trí thức (Saddha);

(2): phải giữ năm giới căn bản của Phật tử (Sila);

(3): Thực hành hạnh bố thí, lòng quảng đại, không bám chặt vào của cải (Caga);

(4): Phát triển trí tuệ trên con đường diệt khổ, nhằm cứu cánh Niết Bàn (Panna).

Như vậy chúng ta thấy rằng giáo lý của Đức Phật nhằm tạo ra sự ổn định kinh tế gia đình và từ đó đưa đến sự ổn định và phát triển kinh tế quốc gia mang lại hạnh phúc cho dân chúng. Song song với việc mở mang dân trí là việc giáo dục quần chúng. Không ai có thể phủ nhận giáo dục là căn bản xây dựng nước và giữ nước. Theo truyền thống Việt Nam, giáo dục còn đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng đạo đức xã hội. Vì thế khi xưa các bậc thầy, cô được đặt lên trên cha mẹ, và chức vụ truyền lại kiến thức cho hậu thế còn được gọi là “thiên chức”..

Ở Việt Nam, truyền thống xã hội không cho phép các thầy, cô tự do muốn làm gì thì làm. Vì các thầy cô, ngoài việc dạy văn hóa, chuyên môn trong các trường, còn là những tấm gương về tác phong và đạo đức để cho các học trò soi vào. Một cô giáo không thể ngồi ở đầu đường ăn quà vặt, không thể ăn mặc lôi thôi hay màu sắc sặc sỡ, lố lăng. Một ông thầy không thể rượu chè be bét, không thể ăn chơi trác táng, đầu tóc bù xù.v... Nghề giáo bao giờ cũng là nghề khiêm tốn về đồng lương nhưng cũng là nghề cao quý nhất trong xã hội, vì các thầy cô, ngoài việc truyền bá kiến thức còn dạy giỗ đàn em nhỏ trong vấn đề đạo đức và luân lý qua tác phong và đạo đức của chính bản thân. Cho nên một chính sách khôi phục truyền thống học đường, nghiêm giữ kỷ luật học đường, song song với chính sách đãi ngộ giáo chức cho xứng đáng phải là một ưu tiên trong những quốc sách quan trọng và cấp thời nhất.

Vì vai trò của giáo chức trong xă hội Việt Nam rất quan trọng, có ảnh hưởng đến tương lai dân tộc cho nên một sự suy sụp đạo đức trong giới giáo chức là một điều bất hạnh nhất cho dân tộc. Một nền giáo dục có phẩm chất tùy thuộc hoàn toàn vào giáo giới với sự cộng tác của gia đình học sinh, sinh viên. Cho nên, muốn cải tiến hay sửa chữa một nền giáo dục; chúng ta phải chữa ở gốc chứ không chỉ để ý đến ngọn. Chúng ta phải để ý đến đời sống kinh tế của giáo chức sao cho họ có một mức sống đủ để họ không còn phải lo nghĩ ra những phương cách, nhiều khi không được đẹp đứng trên cương vị của một giáo chức, để kiếm thêm tiền cho đủ sống và nuôi gia đình. Nhưng như vậy thì “thiên chức” của giáo chức không còn ý nghĩa, và đừng trách bọn hậu sinh mất đi niềm kính trọng đối với giáo chức. Một cái cây mà gốc èo ẹt thì không có hi vọng gì tạo ra cành lá xum xuê, khỏe mạnh tươi tốt. Trong các nước tân tiến, sự mở mang đầu óc và phát triển giáo dục quần chúng luôn luôn dựa vào hai yếu tố: khả năng và đời sống kinh tế của giáo chức, và thư viện đầy đủ sách vở. Muốn cho đầu óc lớp trẻ mở mang, không gì bằng đầu tư vào sách vở trong thư viện các trường cũng như các thư viện công cộng, song song với một chương trình giáo dục đặt nặng vào sự suy cứu tìm tòi của học sinh, bỏ lối học từ chương.

Các sách vở thuộc loại nghiên cứu với đầy đủ tài liệu, dù có đụng chạm đến vấn đề tế nhị tôn giáo, tín ngưỡng, cũng phải để cho tự do phổ biến. Chỉ có như vậy người Việt mới có thể nhìn thấy rõ sự thực, rút ra những kinh nghiệm lịch sử, củng cố lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Trong một nền giáo dục mà tài liệu phong phú, cập nhật hóa sáng kiến mới nẩy nở để có thể đưa nước nhà tới chỗ giàu, mạnh.

Một mặt khác, giáo dục học đường không không đủ, vì thời gian các em ở học đường quá ít và các thầy, cô nếu làm tròn nhiệm vụ hàng ngày của giáo chức cũng đủ mệt rồi. Cho nên, giáo dục gia đình cũng là một phần quan trọng trong vấn đề giáo dục toàn bộ con người. Trong lĩnh vực này, Phật tử có thể đóng góp rất nhiều. Đại cương thì các bậc cha mẹ, anh chị trong gia đình phải kiểm soát đời sống của các em nhỏ để kịp thời ngăn chặn những ảnh hưởng xấu do bọn người vô lương kiếm lợi bằng cách làm ô nhiễm đầu óc lớp trẻ qua sách báo, phim ảnh đồi trụy, hoặc đầu độc các em bàng ma túy, thuốc lá hay rượu. Phụ huynh học sinh cần đòi hỏi chính quyền ra những đạo luật nghiêm trị những kẻ phạm pháp trong lãnh vực đầu độc đầu óc và thân thể lớp trẻ này. Phụ huynh học sinh cũng phải đòi hỏi chính quyền ra những đạo luật ngăn cấm trẻ em vị thành niên uống rượu, hút thuốc lá, lái xe hơi, xe gắn máy.v.v... và đưa ra những chính sách lành mạnh hóa xã hội, cấm nhập cảng phim ảnh, sách báo mà nội dung có tính cách bạo tàn hay khiêu dâm.

Phụ huynh cũng phải tự mình làm gương cho con em qua một lối sống lành mạnh và đạo đức, khuyến khích con em học những ngành hữu dụng, gia nhập những đoàn thể để có những sinh hoạt tập thể lành mạnh như Hướng đạo, Gia đình Phật tử v.v... Phụ huynh cũng nên góp ý cùng chính quyền và đóng góp vào việc thành hình một chương trình giáo dục hợp lý. Chương trình giáo dục nàv phải phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, địa lý, kinh tế của đất nước.

Việt Nam nặng về nông nghiệp và ngư nghiệp, cho nên mọi chính sách kinh tế không thể bỏ qua hai lãnh vực này. Sự phát triển kinh tế phải đồng đều : phát triển thành thị song song với cải tiến và phát triển nông thôn đề hố cách biệt giữa nông thôn và thành thị không quá sâu và quá xa, dễ đưa đến sự bất mãn so bì và hiện tượng nông thôn đổ lên thành thị, làm suy yếu nền tảng hạ tầng cơ sở xã hội và gây nên nhưng vấn đề xã hội nơi thành thị.

Vấn đề mở mang dân trí và giáo dục quần chúng là một vấn đề rộng lớn. Trên đây tôi chỉ nêu ra vài ý kiến đại cương, coi như là để gợi ý. Tôi mong rằng giới Phật tử, Tăng cũng như tục, hãy tập trung nỗ lực vào con đường mở mang dân trí và giáo dục quần chúng, góp sức cùng chính quyền, nghiên cứu sâu rộng vấn đề để đưa ra một quốc sách về giáo dục. Đường hướng giáo dục, bất kể theo sách lược nào, đều nên hướng về mục tiêu bảo vệ và phát huy nền văn hóa dân tộc. Thật vậy, "Văn hóa là linh hồn dân tộc, mất văn hóa là mối nguy hại lớn nhất, vì nó làm tê liệt sức sống của một Dân Tộc, ví như người mắc bệnh lao, bệnh ung thư đục khoét cơ thể dần mòn để chỉ còn có chờ cái chết" (Lê Trọng Văn, "Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng Hay Đến Bờ ảo Vọng", trang 159).

 

Để kết luận, tôi xin phép được trích dẫn nơi đây hai điểm đầu trong bản "Đường Hướng Của Phật Giáo Việt Nam" do Thiền sư Thích Nhất Hạnh đề xướng, coi như là một Chính đạo mà mọi Phật tử và mọi người dân yêu nước cùng bước trên đó trong nhiệm vụ bảo vệ quê hương và nền văn hóa dân tộc:

Bảo vệ tài sản thiên nhiên của tổ quốc :

"Phật tử Việt Nam nguyện bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thồ Việt Nam, bảo vệ đất, núi, rừng, sông biển và không khí Việt Nam, nguyện làm tất cả những gì có thể làm được để bảo vệ môi sinh, bảo vệ mọi loài cầm thú và thảo mộc trên đất nuớc Việt Nam, nguyện chận đứng nạn ô nhiễm và phá hoại di sản thiên nhiên của tổ quốc Việt Nam. Phật tử Việt Nam kêu gọi đồng bào, chính quyền và các bạn yêu Việt Nam trên thế giới góp sức vào công việc bảo vệ này. Phật tử Việt Nam đòi hỏí rằng những nỗ lực phát triển nông nghiệp, phát triển kỹ nghệ; đầu tư ngoại quốc và khai thác tài nguyên... cần được thực hiện trên nguyên tắc bảo vệ di sản thiên nhiên này". (Điều này có nghĩa là mọi kế hoạch khai thác phải đi song song với kế hoạch phục hồi di sản thiên nhiên. TCN).

Bảo vệ di sản văn hóa truyền thống của dân tộc :

"Phật tử Việt Nam nguyện ghi nhớ công ơn khai sáng của tổ tiên, nguyện không từ bỏ gốc rễ văn hóa truyền thống của tổ tiên và dân tộc, nguyện bảo vệ dòng văn hóa dân tộc. Tất cả những di sản văn hóa như kiến trúc (chùa, đình, lăng mộ, miếu. ..) thư tịch, thi văn âm nhạc, vũ điệu, tập tục, y phục. . . đều phải được bảo tồn, tái thiết không được phá hủy, để mọi người dân bây giờ và sau này có thể tham cứu và tiếp xúc với văn hóa cổ truyền. Phật tử kêu gọi đồng bào, chính quyền và các bạn yêu Việt Nam góp sức vào công việc bảo vệ này. Sự du nhập các tư tưởng mới, các lối sống mới, tín ngưỡng mới cần được thực hiện trong tinh thần và nguyên tắc tôn trọng di sản văn hóa truyền thống ấy.

Con người ở thời đại mới của Tây phương cũng như Đông phương sở dĩ khổ đau và bơ vơ là vì đánh mất liên lạc với gốc rễ văn hóa truyền thống của mình. Phật tử Việt Nam kêu gọi về nguồn để khám phá lại niềm tin nơi các giá trị truyền thống để bồi đắp và làm sáng hơn lên những giá trị ấy, cá nhân không phải là cái gì biệt lập mà là sự tiếp nối tổ tiên, dòng họ và văn hóa; điều này phản chiếu sự nhận thức duyên sinh và vô ngã của đạo Phật".

 
Trần Chung Ngọc


Chú thích: Bài viết do tác giả gửi tới phatgiao.org.vn; đây là bài đã được tác giả hiệu chỉnh, biên soạn lại từ bài viết đã đăng trên mạng Internet từ năm 1997, nội dung phản ánh góc nhìn riêng của tác giả.

 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Quảng Ninh "quản lý hòm công đức" và một góc nhìn!

Ý kiến – Diễn đàn 13:37 09/11/2018

Vậy thì, trước khi ban hành Công văn số 489/UB-VX1, UBND tỉnh Quảng Ninh đã được chủ sở hữu tài sản “ủy quyền” định đoạt hoặc ủy quyền được tham gia định đoạt tài sản chưa? Đã có trong tay quy định nào từ văn bản luật làm căn cứ pháp lý ban hành chưa? Nếu “chưa” thì rõ ràng là không ổn rồi!

Âm mưu phá hoại Phật giáo của Pháp Luân Công

Ý kiến – Diễn đàn 15:30 07/11/2018

Pháp Luân Công, một tổ chức ngụy trang Phật giáo, đã bóp méo giáo lý của Phật giáo. Cộng đồng Phật giáo phản đối việc đăng ký của Pháp Luân Công cũng là để làm sáng tỏ và bảo vệ Phật giáo chính thống thì lại bị buộc tội không coi trọng nhân quyền. Ai là kẻ vi phạm nhân quyền, phá hoại tôn giáo khác và ai mới là người bảo vệ tôn giáo chính thống?

Suy nghĩ đôi điều về sự cầu siêu và cúng thí thực

Ý kiến – Diễn đàn 15:10 11/10/2018

Cầu siêu là cầu mong siêu thoát, nghĩa là dùng phương pháp nào đó để giúp vong linh của người đã chết vượt qua khỏi cảnh khổ đau. Ý nghĩa thì như vậy, nhưng có siêu thoát được hay không, đây là vấn đề thuộc phương pháp siêu độ hay nói đúng hơn là Pháp thuật vi diệu nào đó mới siêu độ nổi vong linh người quá cố.

Nhà Phật có cấm đánh ghen không?

Ý kiến – Diễn đàn 05:15 09/10/2018

“Tinh tinh”... tiếng chuông tin nhắn vang lên. “Nhà Phật có cấm đánh ghen không mày?”, đọc tin cô bạn thân gửi mà tôi vừa thấy buồn cười lại vừa lo lắng. Tôi vội nhấc điện thoại hẹn gặp bạn ngay để hỏi thăm tình hình, phòng trường hợp bạn “giận quá mất khôn”.

Xem thêm