Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 10/03/2017, 14:43 PM

Phật học vấn đáp (P.1)

Hỏi: Nếu mình lo tự cứu tự độ, thế thì Phật chẳng có độ chúng sinh hay sao? Đáp: Mình muốn cho Phật độ, trước mình phải tự độ mới được, nếu mình không tự độ, thì ai độ cho mình. Cũng như học chữ hay học nghề, nếu mình không chịu ra sức, ai mà học thế cho mình được; bởi vì thầy chỉ tiếp sức chỉ dạy chớ không học giùm cho mình được.

Lời tựa

Câu chuyện vấn đáp trong quyển sách này, một phần do các vị đạo hữu đến viếng Giáo hội mà hỏi đạo, và hỏi công việc làm của Giáo hội, còn một phần nữa do chúng tôi biên soạn.

Có nhiều đoạn chúng tôi không thể chép hết ra đây được, là những lời khen tặng, những câu chúc tụng Giáo hội, nhất là không thể thuật kỹ những việc từ thiện đã làm bấy lâu nay.

Học thì phải hỏi, ai hỏi nhiều người đó học nhiều. Nhưng nếu dụng đâu hỏi đó, thì không bổ ích cho sự học. Đến một trình độ tự học tự hỏi bên trong, đó mới chính là cái đạo học của Đông phương, đó mới là chỗ quán xét tự tâm.

Về sự hỏi đạo, có vị hỏi mắc, có vị hỏi rẻ, có người hỏi cao, có kẻ hỏi thấp, v.v... Cái đó là do trình độ học đạo của mỗi người. Bao nhiêu những sự thảo luận ấy, chúng tôi sắp đặt lại có hệ thống, có chương mục đàng hoàng mới đem ra xuất bản.

Phật học vấn đáp sắp theo ba cấp bực từ thấp lên cao. Chương chót bàn về ba chân lý sắc không của ba cấp bực: Nhị thừa, Sai biệt trí Bồ tát và Đại thừa Viên đốn. Ba chân lý nầy thâu nhiếp tam tàng giáo hải nhà Phật. Thông suốt được ba chân lý, là thông suốt cả ba tạng kinh.

Chưa thông suốt ba chân lý trên đây, dù dịch kinh cũng còn sai, huống hồ viết tay hay nói, lại càng sai nhiều hơn nữa.

Ba chân lý của nhà Phật là một cây kim chỉ nam, giúp cho người học Phật trong sự tu chứng cũng như trong sứ mạng hoằng pháp lợi sinh, khỏi sợ lầm đường lạc nẻo.

Cư sĩ Như Pháp
***

Chương I: Giáo hội Tăng già
1. Vấn: Phật học là gì?

- Đáp: Phật học là một khoa học dạy về cái pháp của Phật.

2. Tôi muốn học Phật (tu hành) phải làm thế nào?

- Phải làm lễ thọ giáo quy y.

3. Lễ thọ giáo quy y tại đâu?

- Muốn thọ giáo quy y phải đến Giáo hội, do Tăng chúng truyền thọ.

4. Hai tiếng Giáo hội tôi chưa đặng hiểu rõ. Có phải là những chùa Phật mà trong ấy nhà sư làm trụ trì chăng?

- Không phải! Đó là chùa riêng của một vị chủ chùa, hay là một vị trụ trì chớ chẳng phải của Giáo hội.

5. Thế thì Giáo hội là gì?

- Giáo hội là một đoàn thể Tăng già, tức là gồm cả những nhà xuất gia và tại gia cư sĩ, hoà hiệp lại để chung lo việc Phật pháp.

6. Tổ chức Tăng già do ai sáng lập ra và lấy gì làm nền tảng?

- Tổ chức ấy do đức Phật lập ra, căn cứ trên nền tảng Tam tụ Lục hoà.

7. Bấy lâu nay tôi thấy thiện nam tín nữ đều quy y ở các chùa, nay sao ông lại bảo phải đến Giáo hội mà quy y?

- Có đi đến Giáo hội mà quy y, mới gọi là chấn hưng Phật pháp, và mới thống nhất tăng đồ, tín đồ nhà Phật theo nghĩa Tăng già (hoà hiệp chúng).

8. Vậy chớ quy y với các chùa Phật không thể thống nhất Phật giáo đồ hay sao?

- Bởi vì các chùa là hình thức của sự chia rẽ. Tín đồ và tài sản của một chùa nào, tức là những vật riêng của một chùa hay của một ông trụ trì, nên ít có nhà sư nào, ít có ông chủ chùa nào dám hy sinh chùa và tín đồ của mình, để nhập chung làm của Giáo hội.

9. Thế thì chùa, tài sản của chùa và tín đồ là của chung của Giáo hội hay sao?

- Phải. Là của chung của Giáo hội nếu thống nhất được Phật giáo.

10. Thống nhất giáo đồ nhà Phật là một điều hay, cũng là một điều ăn nhịp với trào lưu tiến hoá, chuyện ấy tôi nhìn nhận là đúng. Nhưng, nếu tổ chức Giáo hội Phật giáo, y như xưa của Phật đã sáng lập ra, điều ấy sợ không hợp thời chăng?

- Không hợp thời là khi nào mình không chịu canh cải kia. Nói về sự hợp thời thì Phật giáo có thừa hơn các tôn giáo khác. Giáo lý còn phải hợp thời cơ thay, huống hồ là cách thức tổ chức Giáo hội Tăng già.
 
11. Thế thì đạo Phật cũng đồng với thuyết tiến hoá?

- Chẳng những đồng mà còn tiến hoá hơn hết. Về mặt tinh thần người tu hành từ chỗ ngu đến chỗ trí, từ chỗ tối tăm đến chỗ sáng suốt, từ chỗ mê lầm đến chỗ giác ngộ, v.v… đều do năng lực tiến hoá không ngừng, cho đến khi đạt mục đích hoàn toàn giải thoát mới thôi. Chẳng những tự mình ráng sức tiến hoá, mà cũng ráng sức làm cho đời càng tiến hoá hơn nữa (Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn).

12. Thế sao có nhiều người tu Phật không theo lời nói ấy để mà tiến hoá, lại bày những điều mê tín làm chi, chẳng những mâu thuẫn với giáo lý nhà Phật, mà lại làm cho các nhà trí thức ưu thời mẫn thế lấy làm ái ngại, nhiều khi còn lên án là khác?

- Cái đó có nhiều nguyên nhân không thể nói hết được. Những hình thức chậm tiến ấy, lần lần sẽ bị luật tiến hoá đào thải.

13. Nền tảng của Giáo hội là Tam tụ Lục hoà, có hợp với trào lưu tiến hoá chăng?

- Chẳng những rất hợp với cuộc diện thế giới, mà còn giúp cho thế gian mau tiến tới cõi đại đồng Phật hoá nữa.

14. Giáo hội Tăng già là gồm hai phái xuất gia và tại gia cư sĩ, vậy xuất gia có mấy chúng (bực) và tại gia có mấy chúng?

- Xuất gia có 5 chúng, tại gia có hai chúng, cộng lại là bảy chúng.

15. Những chúng ấy gọi là gì?

- Năm chúng xuất gia là:

a. Tỳ kheo (sư ông)
b. Tỳ kheo ny (sư bà)
c. Thức xoa ma na (sư cô)
d. Sa di (sư bác nam)
e. Sa di ni (sư bác nữ)

- Hai chúng tại gia là:

a. Ưu bà tắc (thiện nam)
b. Ưu bà di (tín nữ)

Bảy chúng này hoà hợp chung lại, mới lập thành Giáo hội Tăng già.

16. Nếu các nhà sư giữ mãi những hình thức chia rẽ, nghĩa là không hiến chùa mình cho Giáo hội làm thế nào thống nhất giáo đồ nhà Phật?

- Muốn tồn tại thì phải thuận với trào lưu tiến hoá trên thế giới. Chẳng những thống nhất được Phật giáo trong nước, mà giáo đồ nhà Phật còn phải rán tiến khỏi ranh giới quốc gia, để họp mặt với Phật giáo quốc tế nữa.

17. Nền tảng của Giáo hội là Tam tụ và Lục hoà, xin ông kể ra cho biết?

- Tam tụ là: thứ nhất dứt các điều ác, thứ nhì làm các điều lành, thứ ba có lòng từ bi thương xót và tế độ tất cả chúng sinh.

Lục hoà là: Một là thân hoà đồng trụ (cùng nhau hoà hiệp chung ở). Hai là khẩu hoà vô tranh (không tranh đua cãi lẫy). Ba là ý hoà đồng duyệt (ưa nhau không trái ý). Bốn là giới hoà đồng tu (đồng cùng nhau tu theo giới luật). Năm là kiến hoà đồng giải (chỗ thấy biết về sự tu học đồng giải rõ với nhau). Sáu là lợi hoà đồng quân (quyền lợi chia nhau đồng đều).

18. Điều thứ ba của Tam tụ là có lòng từ bi thương xót và tế độ chúng sinh. Vậy Giáo hội có thực hành lời nói ấy chăng?

- Ngoài sự hoằng dương Phật pháp để giác mê khải ngộ, còn phải thực hiện chủ nghĩa từ bi bác ái, cứu thế độ nhơn y theo lời Phật đã dạy, chớ không phải chỉ nói suông mà được.

19. Giáo hội thực hiện chủ nghĩa từ bi bác ái của nhà Phật bằng cách nào?

- Chúng tôi lập hạnh bố thí vô lậu, y như trong Kim Cang có dạy "vô trụ tướng bố thí,” tưởng không nên thuật ra đây làm chi.

20. Cái đó thuộc về hạnh tu hành. Còn tôi hỏi đây là có ý nhập vào Giáo hội để chung lo việc ích lợi cho nhơn sinh, ông cũng nên nói ra cho chúng tôi biết với.

- Để thực hiện chủ nghĩa từ bi bác ái, mỗi chi hội đều có thành lập phòng thuốc Nam phước thiện. Hiện nay, TĐCSPHVN có trên 200 chi hội, tức là trên 200 phòng thuốc Nam hoạt động thường xuyên, để hốt thuốc cứu độ bịnh nhân.

21. Thuốc Nam xưa nay nhiều người chỉ dùng đỡ, bởi vì thuốc không có nhiều, quanh quẩn chỉ vài chục món, làm sao trị nhiều chứng bịnh cho được?

- Đó là học chưa tới, hoặc không phải thầy chuyên môn. Hiện nay thuốc Nam có trên ngàn vị, có đủ thang danh tính dược, cũng bắt mạch xem chứng như thuốc Bắc vậy. Sở dĩ thuốc Nam được như vậy, là do vợ chồng ông giáo Thiện và một nhóm người chung lo, đã mở mang ra non mấy chục năm nay.

22. Công việc từ thiện thuộc về xã hội, thì để cho xã hội lo lấy. Giáo hội gánh vác làm chi cho mệt. Vả lại, bố thí giúp đỡ mà người ta không chịu tu cũng chẳng bổ ích gì?

- Có đủ ba người là thành một xã hội, Giáo hội của chúng tôi thành lập với đại đa số hội viên và thiện tín, thì còn gì nữa mà không thực hiện công việc cứu trợ lẫn nhau. Nếu còn có cái lòng phân biệt kẻ tu người không, đó là người không học Phật. Ngưòi đã tu hành rồi, bỏ cái tâm phân chia bỉ thử, nhơn ngã, để lấp bằng cái hố chia rẽ đạo và đời. Loài vật còn cứu trợ thay huống là nhơn loại, nhắm mắt làm ngơ sao cho đành. Giúp người tức là giúp mình, cứu người tức là cứu mình. Nếu buộc người ta tu hành theo mình mới cho thuốc, đó là ích kỷ.

Đạo Phật là một đạo cứu khổ, chẳng những cứu khổ về tinh thần, mà cũng cứu khổ về vật chất nữa. Vậy mới đúng câu thứ ba của Tam tụ.

23. Về sự tu hành, có người nói rằng phải xuất gia mới thành La hán, mới thành Phật phải chăng?

- Cư sĩ cũng chứng quả y như hàng xuất gia vậy. Thành đạo do tâm, đâu phải do tướng.

Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật có nói: "Sau khi ta diệt độ rồi, ta sẽ cho các vị Bồ tát cùng các vị La hán ứng sinh vào đời mạt pháp, thác sinh đủ hình tướng trong các hạng người, để cứu độ những kẻ trầm luân. Trong khi thác sinh như vậy, hoặc làm thân thầy tu, hoặc làm thân cư sĩ, làm vua, làm tể tướng, làm đồng nam đồng nữ; cho đến làm gái mãi dâm, làm đàn bà goá, làm kẻ gian lận trộm cắp, làm người hàng thịt, ăn xin... nhất là ăn chung ở lộn, làm cùng nghề với các giai cấp người trong xã hội, thừa dịp giảng nói pháp Phật cho họ nghe, khiến cho thân tâm họ nhập vào bực giác ngộ. Công việc làm như vậy, nhưng không bao giờ tự nói rằng mình thiệt là Bồ tát, là La hán giáng sinh.”

Theo lời huyền ký của Đức Thế tôn: "Đến đời mạt pháp, đạo của Ngài suy vi. Lúc ấy các hàng cư sĩ đứng ra phục hưng và làm vẻ vang đạo Phật.” Nếu cư sĩ tu không chứng quả thánh, thì Đức Thế tôn đâu có giao phó sứ mạng quá lớn lao, quá thiêng liêng như vậy. 

24. Đó là tôi nghe lời truyền ngôn của người ta, làm tôi tin lầm mà thối chuyển. Vậy phải làm thế nào?

- Ông hãy y theo kinh luật trên đây mà đính chánh những lời truyền ngôn ấy. Ở trên thế gian nầy, ai biết ai là gì mà dám phê bình này nọ, hoặc cho rằng không xuất gia thì không đắc đạo. Biết đâu những người bạch y cư sĩ, những hạng bần cùng, những thợ thuyền lao động, những đàn bà goá, v.v… lại có nhiều người là hiện thân của các vị Bồ tát hay La hán mà Phật sai xuống lập hạnh lợi tha để cứu đời.

Trong kinh Niết Bàn quyển ba có một đoạn nói như vầy: Khi ông Ca Diếp nhắc nhở tới các hàng Tỳ kheo hay tụng đọc kinh điển, hay suy nghĩ toạ thiền, hay khuyên kẻ khác làm việc bố thí và giữ giới luật, thì Phật nói rằng: "Nầy Ca Diếp ơi! Ông nên biết rằng những vị Tỳ kheo mà tu hành như thế, chẳng những không ích lợi gì cho mình, mà cũng chẳng ích lợi gì cho chúng sinh cả. Mấy ổng chỉ là những người tu hành biếng nhác, mặc dù họ có giữ giới tinh nghiêm đi nữa. Đối với chúng sinh, mấy ổng không có làm được việc gì lợi ích cho ai cả!”

Phải làm việc từ thiện xã hội, mới đúng với ý muốn của Phật.
 

Chương II: Tam quy ngoại - Tam quy nội

25. Sau khi tôi đã chọn lựa được một vị tu hành đúng đắn, đặng làm gương mẫu cho tôi học hỏi, vậy phải làm thế nào để nhập môn tu hành?

- Phải thọ pháp Tam quy và giữ giới cấm.

26. Muốn thọ pháp ấy phải làm sao?

- Phải viết đơn xin với Giáo hội. Trong đơn có nói rằng mình muốn ông A hay ông B truyền thọ quy giới cho mình. Ngoài ra cũng có thể nhờ người quen giới thiệu (người trong Giáo hội) cho mình nhập môn tu hành.

27. Nếu tôi chưa biết vị nào để chọn lựa, nhưng tôi muốn nhập môn tu hành, vậy phải làm sao?

- Hãy đến Giáo hội, nhưng không xin đích danh một vị nào để truyền thọ quy giới. Trong Giáo hội có sẵn Ban Đạo Đức lo về việc nầy.

28. Tam quy là ba môn nào?

- Một là quy y Phật. Hai là quy y Pháp. Ba là quy y Tăng.

29. Quy y nghĩa là gì?

- Quy là theo, y là nương. Quy y tức là nương theo, cũng có nghĩa là trở về. Trở về nương theo Phật, nương theo Pháp, nương theo Tăng, gọi là Tam quy.

30. Xin ông cho biết thêm ý nghĩa "nương theo,” đặng hiểu cho rành?

- Cũng như con nhờ nương theo cha mẹ mà trưởng thành và nên thân phận. Cũng như học trò nương theo thầy mà học hỏi thành danh.
Nương theo Phật để tu hành cho được thành công đắc quả y như Ngài đã đắc quả.

Nương theo Pháp, tức là nương theo giáo lý kinh, luật, luận để mở mang trí huệ, thấu triệt được nguyên lý của vũ trụ vạn hữu.

Nương theo Tăng là người dạy dỗ mình, để học hỏi những giáo lý và những phương pháp tu hành. Phật, Pháp, Tăng là ba món rất quí báu cho người nào muốn tu hành, bởi vậy mới gọi là ba báu (Tam bảo) cần phải thờ kính.

31. Thờ kính ngôi Tam bảo có ích gì?

- Theo kinh luận thì người nào thờ kính, nương theo ngôi Tam bảo, chẳng bị đoạ vào tam đồ (Quy y Tam bảo bất đoạ tam đồ).

32. Nương theo Tam bảo có phải là ỷ lại ba món, rồi cứ cầu nguyện sẽ đặng thành công chăng?

- Không! Quy y Tam bảo chẳng có nghĩa là ỷ lại.

33. Xin ông cho một cái thí dụ thiết thực: quy y (nương theo) chẳng phải là ỷ lại?

- Cũng như một người con lúc nhỏ cần phải nương theo cha mẹ, khi lớn lên thì tự lo gầy dựng lấy thân danh và sự nghiệp.

Lại nữa, ví như một người đau bại lúc bịnh cần phải nương gậy, khi lành mạnh thì bỏ gậy. Cái nghĩa nầy chẳng phải là ỷ lại, vì đó là một phương tiện nhất thời, hoặc lâm thời. Nếu ỷ lại thì có khác nào như bà vợ không biết tự lập, cứ mãi nương theo chồng mà sống nhờ tấm thân. Như vậy có khác nào cây chùm gởi, hễ cây sống thì nó còn, cây khô héo thì nó chết.

34. Nương theo ba báu (quy y Tam bảo) có cái nghĩa cao quý như thế, nhưng tôi thấy sao đa số tín đồ nhà Phật cứ mãi ở đó cầu nguyện, cúng vái, cầu khẩn. Như vậy tức là ỷ lại nơi Phật, Pháp, Tăng chớ còn gì nữa?

- Cái đó là những người mới biết tín ngưỡng, chớ chẳng phải chánh thức đứng vào hàng đệ tử chân chánh của nhà Phật.

Đạo Phật dạy mình tự độ trước, rồi độ cho cho người sau, nếu như mình ỷ lại nơi Phật, Pháp, Tăng chẳng những không độ lấy mình được, huống nữa là độ người.

35. Tự độ, có cái nghĩa là mình tin lấy mình chớ chẳng tin Phật, Pháp, Tăng phải chăng?

- Tin tưởng chân chánh, do lý trí thẩm xét là một điều kiện rất cần cho sự học đạo. Đối với người niệm Phật thì luôn luôn phải gồm đủ tha lực và tự lực, nghĩa là chẳng những tin mình mà cũng tin Phật, Pháp, Tăng; không như Thiền tông chỉ tin lấy mình mà thôi.

36. Nếu mình lo tự cứu tự độ, thế thì Phật chẳng có độ chúng sinh hay sao?

- Mình muốn cho Phật độ, trước mình phải tự độ mới được, nếu mình không tự độ, thì ai độ cho mình. Cũng như học chữ hay học nghề, nếu mình không chịu ra sức, ai mà học thế cho mình được; bởi vì thầy chỉ tiếp sức chỉ dạy chớ không học giùm cho mình được.

37. Phật đã tịch diệt hơn hai ngàn năm, làm sao mà nương theo để học hỏi?

- Phật tịch diệt chớ Giáo pháp của Ngài vẫn còn, người lãnh đạo vẫn không thiếu. Câu hỏi của ông không khác câu hỏi của ông A nan trước khi Phật gần nhập Niết bàn.

Ông A nan hỏi Phật rằng: "Bạch đức Thế tôn! Phật còn tại thế, chúng tôi như con có cha, như trò có thầy, nếu Phật nhập diệt, chúng tôi nương vào đâu và lấy ai làm thầy mà học hỏi?”

38. Ông A nan hỏi như thế, rồi Phật đáp làm sao?

- Phật nói rằng: "Sau khi ta nhập diệt, các ngươi lấy giới luật làm thầy. Dầu ta có trụ thế bao lâu đi nữa cũng không có dạy gì khác hơn.”
Chúng ta nên hiểu rằng, tại chúng ta còn mê, nên cứ tìm Phật hay tìm thầy bề ngoài mà nương dựa học hỏi. Bằng theo chánh lý mà nói, thì tâm của mình là Phật, là thầy, nương theo đó mà học hỏi, chắc chắn được thành công.

Ông cũng nên hiểu thêm rằng, trong lúc Phật còn sinh tiền, đã có đa số người trong Giáo hội biết nương theo Phật lòng mà tu hành rồi.

39. Hồi đức Phật còn sinh tiền, đại đa số ai ai cũng biết nương theo Ngài để tu học, thế mà lại có nhiều vị biết nương theo Phật lòng, nghĩ cũng lạ thật, mà cũng là cái hay nữa. Vậy trong lúc ấy có kinh nào làm căn bản dạy bỏ Phật ngoài, nương theo Phật lòng chăng?

- Mặc dầu có nhiều thứ kinh dạy tìm Phật lòng, nhưng công dụng và đắc lực hơn hết từ xưa tới nay là quyển KIM CANG BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA.

40. Kinh Kim Cang tôi cũng có trì tụng lâu năm, nhưng tôi chưa tỏ ngộ câu nào Phật dạy tìm Phật lòng, bỏ Phật ngoài, xin ông vui lòng cho biết?

- Toàn quyển Kim Cang đều có dạy, chẳng phải riêng một vài câu mà tìm chẳng ra.

41. Xin cử ra một vài câu để làm bằng cớ?

- Phật hỏi ông Tu Bồ Đề rằng: "Ý ông thế nào, có nên dùng thân tướng mà thấy Như Lai chăng?” Sau khi ông Tu Bồ Đề trả lời "không,” Phật bèn dạy thêm như vầy: "Phàm chỗ nào có tướng đều là hư vọng cả. Bằng thấy cả thảy tướng mà chẳng phải tướng, tức thấy đặng Như Lai.”

42. Tôi chưa mấy gì hiểu hai câu nói ấy của Phật, có ý dạy tìm Phật lòng, xin giải thích giùm?

- Phật hỏi ông Tu Bồ Đề một câu như thế là vì Ngài nhận thấy cái bịnh "chấp tướng” của chúng sinh và hàng Nhị thừa. Cũng vì cái bịnh chấp tướng ấy, nên bỏ quên cái tâm Phật của mình bên trong, cứ chạy theo bề ngoài, nhất là thấy Phật có tướng tốt, có hào quang sáng rỡ. Ông Tu Bồ Đề trả lời và giải thích rồi, thế mà Phật còn căn dặn thêm, bởi Phật thấy trong Đại hội thính giả, còn có nhiều người chưa tỏ ngộ, chưa thấy được Phật lòng, nên mới chỉ cho mỗi người đều thấy cái bản tính Như Lai của mình, bằng cách "xa lìa các tướng hư vọng.” Hễ mê theo tướng thì chẳng thấy được tính, cũng như mê sự thì thất lý vậy.

43. Thế thì hai tiếng "Như Lai” trong câu nói ấy, là Phật ám chỉ cái bổn tính của mình, chớ chẳng phải chỉ Phật. Như câu nói "Nhơn nhơn hữu tính Như Lai?”

- Vâng! Phật chỉ bổn tính Như Lai của mỗi chúng sinh đều có, ai ngộ được gọi là thấy Như Lai, hoặc gọi là kiến tính Như Lai, cũng gọi là kiến Phật tính. Người kiến tính là người biết nương theo Phật lòng để mà tu. Vì lẽ câu ấy chỉ về Phật tính của mình, bởi vậy cho nên, tuy Phật đã nhập Niết bàn trên hai ngàn năm nay, mà nhiều người học Kim Cang, nhờ câu ấy mà tỏ ngộ không biết biết bao nhiêu. Và, cũng nhờ câu ấy mà người tu học đời nay, biết quay về Phật lòng bỏ Phật giả ở ngoài.

44. Xin cử ra thêm một câu nữa (cũng trong kinh Kim Cang) dạy người tu hành bỏ Phật ngoài tìm Phật lòng?
- Phật có nói bài kệ như vầy:
Bằng lấy sắc mà thấy Ta,
Lấy âm thinh mà cầu Ta,
Là kẻ làm tà đạo,
Chẳng thấy được Như Lai.

45. Bài kệ nầy trong Kim Cang tôi hiểu chưa tới. Chữ "Ta” ấy là Phật tự xưng, và hai chữ "Như Lai” ấy cũng là Phật tự xưng chăng? Thế thì câu nào bảo bỏ Phật ngoài tìm Phật lòng?

- "Ta” là do tiếng "Ngã” trong bốn đức của tính thể Niết bàn là "thường, lạc, ngã, tịnh.” Như thế thì đâu phải Phật tự xưng. Còn hai tiếng Như Lai ấy, là Phật chỉ cái bổn tính Như Lai, chớ đâu phải Ngài tự xưng.

Bài kệ ấy có ý nói rằng: Ai muốn thấy được cái ta chân thật (chân ngã), nghĩa là ai muốn thấy được "bổn tính Như Lai của mình,” thì phải xa lìa sắc tướng, thinh âm. Nếu ai nói rằng bài kệ ấy Phật dạy lìa sắc tướng, thinh âm để thấy Ngài, thì cũng không trật hẳn, nhưng cũng mất rất nhiều ý nghĩa.

46. Tại sao tuy không trật hẳn mà mất rất nhiều ý nghĩa.

- Không trật là vì các Tỳ kheo, nếu muốn tìm hiểu Phật, thì phải xa lìa các tướng tốt của Ngài như 32 tướng chánh, 80 tướng phụ, sắc da vàng ánh, hào quang sáng chói, tiếng nói dịu dàng thanh nhã,... mới hiểu biết, nghĩa là mới thấy [Chẳng phải thấy bằng mắt, mà do lòng chứng biết.] Ngài được. Bằng như mắc kẹt trong những màu sắc tướng hảo của Phật, thì làm sao mà thấy Phật cho được, nghĩa là làm sao thấy được cái pháp thân của Ngài, tức là thấy được bản thể thường trụ bất sinh bất diệt.

Mất rất nhiều ý nghĩa là: Phật đã nhập diệt hơn hai ngàn năm nay rồi, còn đâu nữa mà lìa sắc tướng, thinh âm để thấy Ngài. Như thế chẳng hoá ra bài kệ chỉ dùng được trong lúc Phật còn tại thế mà thôi ư? Ngày nay Phật không còn nữa, chắc là bài kệ ấy không có chỗ dùng, cho những người hậu lai muốn học Kim Cang mà chẳng còn Phật để nhìn thấy.

47. Lúc Phật còn sinh tiền, bỏ Phật ngoài tìm Phật lòng là khó, chớ ngày nay đức Phật đâu còn nữa mà chạy theo Phật ngoài lòng?

- Nếu nói như ông vậy thì ngày nay ai ai cũng tỏ ngộ được Phật lòng của mình hết hay sao? Vậy ông chẳng thấy người ta chạy theo Phật cốt, Phật giáng cơ,... toàn là Phật ngoài tức là Phật giả đó hay sao? Những người cúng vái, cầu phước, cầu tự, cầu tài, tụng tán lăng xăng, há chẳng phải là họ chạy theo Phật giả, Phật ngoài hay sao? Ông nên hiểu rằng, người tu hành mà rõ được Phật lòng của mình để quy y (nương theo), thì đâu có chạy theo sắc tướng bề ngoài như chúng ta thường thấy đó.

48. Như thế thì pháp Tam quy của nhà Phật cũng có bề ngoài bề trong nữa hay sao?

- Phải! Quy y bên trong sách Phật gọi là "Tam quy nội,” còn quy y bên ngoài, thì gọi là "Tam quy ngoại.”

49. Thế nào là Tam quy nội?

- Tự quy y Phật, tự quy y Pháp, tự quy y Tăng, là Tam quy nội.

50. Thế nào gọi là "tự quy y Phật”?

- Nghĩa là nương theo Phật lòng của mình, không nương theo bất cứ Phật nào khác ở ngoài lòng. Sách Phật có câu: "Phật là lòng, lòng là Phật” (Phật tức tâm, tâm tức Phật). Ai ai cũng có lòng, tức là ai ai cũng có Phật, nương theo Phật lòng ấy mà tu, gọi là tự quy y Phật.

51. Đành rằng lòng thì ai ai cũng có, nghĩa là ai ai cũng có Phật tâm, nhưng làm thế nào để mà nương theo, đó mới là cái bí quyết học đạo, đó mới là cái then chốt để hạ thủ công phu, xin ông giải rõ.

- Nếu lòng ông biết giác ngộ, đó là Phật lòng, đó là tự quy y Phật lòng mình. Trái lại, nếu lòng mình mê muội là lòng của chúng sinh, và mình bị chúng sinh dẫn dắt làm cho sa đoạ. Sách Phật có câu: "Giác là Phật, mê là chúng sinh,” nương theo cái lòng biết giác ngộ ấy, gọi là tự quy y Phật lòng mình.

52. Xin ông vui lòng giải thích hai chữ "giác ngộ,” rồi tôi mới hiểu được Phật lòng của mình, nhất là phương pháp giác ngộ, để thực hành điều mà tôi cần biết hơn hết.

- Giác ngộ nghĩa là hiểu biết, là tỉnh thức không mê lầm nữa...

53. Tôi học đạo rất kém, kinh luật ít xem, xin thí dụ cho tôi biết thế nào là giác ngộ, và cách thức hạ thủ công phu, mới có thể giác ngộ lòng mê lầm của mình được mà trở nên sáng suốt.

- Thí dụ như ông đang sa mê cờ bạc, là lòng chúng sinh mê lầm. Có một ngày kia, ông xét kỹ lại, thấy rằng cờ bạc là có hại cho ông, mà lại hại cho cả gia đình nữa. Ông dùng chánh lý mà suy nghĩ, phân tách cái hại về cờ bạc từng li từng tí. Ông càng để tâm xét nét chừng nào, lòng của ông càng hiện ra nhiều lẽ chánh đáng, làm cho ông hiểu biết một cách thâm thuý mà tỉnh thức hẳn và đoạn tuyệt thói cờ bạc; đó gọi là giác ngộ, đó gọi là phương pháp thực hành. Biết giác ngộ là biết tu hành, không biết giác ngộ là không biết tu hành. Bất cứ những thói mê lầm nào mà ông dùng chánh lý để giác ngộ được như trên đây, đó là phương pháp thực hành.

54. Giác ngộ tới chừng nào mới thôi?

- Chừng nào ông sạch hết những thói mê lầm, những tính xấu xa của lòng chúng sinh, đó là ông hoàn toàn giác ngộ, nghĩa là hoàn toàn sáng suốt, gọi là Phật, cũng gọi là bực Chánh giác, hay là Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

55. Những người tu về Tịnh Độ Tông, không học phương pháp giác ngộ, chỉ biết niệm Phật, có được gọi là giác ngộ chăng?

- Niệm Phật cũng gọi là giác ngộ vậy. Bởi vì mình niệm Phật mà không tỉnh thức thói mê lầm của mình, thì niệm Phật vô ích; tại phương pháp không giống nhau, chớ cũng đồng là thuốc để trị bịnh mê lầm. Nếu ai nhất tâm niệm Phật, thì không cần phải nhờ phương pháp nào khác. Bằng như mình không được nhất tâm, thì cũng nên tìm phương pháp để giác ngộ, chớ niệm Phật mà không hiệu quả, nghĩa là uống thuốc mà không lành bịnh, thì nên đổi thuốc khác cho hạp chứng.

Có người tuy tu theo môn niệm Phật, nhưng đôi khi cũng có để tâm gẫm xét, nghĩa là để tâm giác ngộ, nhưng vì không chuyên luyện, nhất là không có người chỉ rành phương pháp, nên tuy có giác ngộ mà kết quả không mấy gì hiệu nghiệm, cũng như bào chế thuốc chưa đúng, nên uống vào không mấy công hiệu.

56. Thế nào gọi là tự quy y Pháp?

- Tâm mình là pháp, nương theo tâm pháp ấy mà tu hành, gọi là tự quy y Pháp.

57. Ông đã nói tâm mình là Phật, nương theo Phật tâm ấy mà tu hành. Sao ở đây lại nói tâm mình là Pháp, nương theo tâm pháp ấy mà tu hành? Thế thì tâm vừa là Phật, mà cũng vừa là Pháp hay sao?

- Ông nên biết rằng: Tuỳ theo chỗ thị hiện hay chỗ tác dụng mà đặt tên có khác nhau, chớ nguyên cũng đồng một bản thể không riêng không khác. Cái bản thể ấy, nếu đủ nhơn duyên của cái tâm thì gọi là tâm; đủ nhơn duyên của cái pháp thì gọi là pháp.

58. Cái Tâm như thế, thì đâu có khác với cái thuyết "chân như” của đức Mã Minh Bồ Tát?

- Vâng! Chân như hay chân tâm chỉ khác danh từ, chớ cũng đồng một nghĩa lý với nhau. Chân như tuỳ duyên mà hiện ra các pháp tướng, cũng như tâm tuỳ duyên mà hiện ra các hiện tượng vậy. Như thế thì biết rằng: Cái tâm ấy, nếu đủ nhơn duyên của tính Phật, thì gọi là Phật, đủ nhơn duyên của tính Pháp, thì gọi là Pháp. Cho đến thiên đường cũng là tâm, địa ngục cũng là tâm, Tây phương hay Niết bàn cũng là tâm cả, v.v...

59. Cái lý trên đây hơi mắc một chút, xin ông vui lòng thí dụ cho dễ hiểu. Bởi người ít tu học như tôi, nhờ thí dụ mà đạt đến lý.

 - Cũng như nồi, chén, lu, chậu, v.v... tuy tên khác, công dụng cũng khác, nhưng bản chất của nó có một là "đất.” Mặc dầu cũng là một chất đất, nhưng nếu đủ nhơn duyên của cái chậu thì gọi là chậu, đủ nhơn duyên cái chén, thì gọi là chén, v.v... Cái tâm của mình cũng thế, nếu đủ nhơn duyên gì thì thành cái ấy.

60. Về chỗ quy y Pháp bề ngoài, ông đã nói rằng: Nương theo Pháp tức là nương theo Giáo ly kinh, luật, luận để mở mang trí huệ, thấu triệt được nguyên lý của vũ trụ vạn hữu. Còn ở đây lại nói quy y Pháp bên trong, tức là nương theo tâm của mình,bởi vì tâm của mình là Pháp, thế thì tâm của mình có đủ kinh, luật, luận hay sao? (xem số 30). 

- Vâng! Chẳng những tâm mình có đủ kinh, luật, luận mà lại có đủ muôn sự muôn vật như tôi đã nói và đã thí dụ khi nãy (xem lại số 57, 58).

Phổ Chiếu Thiền sư nói: "Đản thức tự tâm, hằng sa pháp môn, vô lượng diệu nghĩa, bất cầu nhi đắc.” Nghĩa là: "Miễn biết được tâm mình, thì hằng sa pháp môn, vô lượng nghĩa diệu huyền, không cần cầu cũng tỏ đặng.” Sách Phật cũng đã nói: "Tâm sinh các pháp đều sinh, tâm diệt các pháp đều diệt,” là cái lý ấy.

61. Khi mình quy y Pháp bên trong, nghĩa là khi mình nương theo tâm pháp của mình, thì mình có thấu triệt được nguyên lý của vũ trụ vạn hữu như quy y Pháp bề ngoài hay không?

- Tâm là Pháp, là nguyên lý của vũ trụ vạn hữu, nếu nương theo tâm ấy mà tu, đó là đi tắt từ trong ra ngoài. Còn quy y bề ngoài, nương theo sự tướng ở bề ngoài, là đi vòng quanh từ ngoài vô trong, rốt lại cũng phải đến chỗ nguồn gốc là tâm, mới thấu triệt được nguyên lý của vũ trụ vạn hữu. Nhiều khi nương theo kinh, luật, luận bề ngoài, rồi chấp cứng theo bề ngoài, mắc kẹt trong chỗ tụng tán kệ kinh. Cầu pháp trên mặt giấy là như vậy: một là chậm thành công, hai là mắc kẹt trong thành kiến chấp pháp. Nếu đã chấp pháp làm sao tránh khỏi chấp ngã, bởi ngã với pháp liên lập, dính một cái là dính cả hai.

62. Ông đã nói rằng quy y Pháp bề ngoài, nương theo kinh, luật, luận thì trí huệ mở mang, thấu triệt được nguyên lý của vũ trụ vạn hữu, sao ở đây lại nói: cầu pháp trên mặt giấy thì chậm thành công và mắc kẹt trong thành kiến chấp ngã chấp pháp?

- Xin ông phân biệt hai bực: Một bực mê mải tụng tán mà không hiểu nghĩa lý để thực hành. Còn một bực thì xem kinh để nghiên cứu kỹ càng, hiểu rõ chắc chắn rồi mới thực hành. Ông nên hiểu rằng: Nhờ học hỏi nghiên cứu mà "ngộ giải được đạo lý,” mới là thấu triệt được nguồn gốc của vạn hữu. Trái lại, tụng kinh mà không rõ nghĩa, chẳng những không được lợi ích gì hết mà lại còn mang tội chê kinh ngạo Phật nữa là khác.

Đọc thơ để cầu lý, cũng như thắp đuốc để tìm ánh sáng, chớ có phải để mắc kẹt thành kiến mê chấp đâu.

63. Tự quy y Pháp, tôi đã tỏ ngộ rồi, xin giải thêm "tự quy y Tăng”? 

- Tăng có nghĩa là tịnh, nương theo tâm thanh tịnh của mình mà tu hành, đó là tự quy y Tăng.

64. Phật là tâm, Pháp là tâm, và Tăng cũng là tâm nữa hay sao?

- Đã nói muôn sự muôn vật là tâm, thì có cái gì chẳng phải tâm?

65. Tăng tức là cái tâm thanh tịnh của mình, vậy thế nào gọi là thanh tịnh?

- Thanh tịnh nghĩa là trong sạch, tức là tâm không ô nhiễm ngoại cảnh trần duyên. Trái lại tâm uế trược, là tâm ô nhiễm, tham luyến hồng trần khổ hải. Bỏ tâm uế trược, dùng tâm thanh tịnh mà tu hành, gọi là tự quy y Tăng. Ông nên hiểu rằng, cái tâm trong sạch là cái tâm tự tại giải thoát, vì nó không ô nhiễm mảy trần nào hết, ấy là tâm Phật vậy.

66. Ông giảng ba tiếng Phật, Pháp, Tăng đều có một cái tâm tác dụng mà ra, cũng như ông đã thí dụ đất làm ra nhiều món khác nhau, nhưng cũng đồng một chất. Điều này tôi đã hiểu, nhưng về danh từ có khác, bởi vì có kinh nói rằng: "Phật là Giác, tính giác ngộ; Pháp là Chánh tính chân chánh; Tăng là Tịnh, tính thanh tịnh.” Tuy lời giải đồng một nghĩa lý, nhưng "tâm” hay là "tính” trúng? 

- Tâm mà tôi nói đây là "chân tâm.” Còn tính mà ông nói đó là "bổn tính,” đều một nghĩa mà khác danh từ.

Tâm, thì có chân tâm, vọng tâm. Chân tâm là Phật, vọng tâm là chúng sinh.

Tính cũng có hai thứ: Tính chúng sinh và tính Phật.

Vậy thì chân tâm là Phật tính, còn vọng tâm là tính chúng sinh. Thế thì tâm và tính đồng một nghĩa lý với nhau.

Còn nữa.....
-
Trích trong: Phật học vấn đáp
Soạn giả: Cư sĩ Như Pháp
Giấy phép số: 753/X.B
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Kính Tăng đúng pháp được phước vô lượng

Hỏi - Đáp 14:40 16/04/2024

Hỏi: Người Phật tử khi nhìn thấy nhà sư thì luôn khởi tâm kính trọng. Vậy đối với những vị sư không nghiêm trì giới luật, phá giới hay khiếm khuyết oai nghi thì nên khởi tâm như thế nào để không bị tổn phước?

Việc kết nối thiên nhiên giúp trị trầm cảm như thế nào?

Hỏi - Đáp 13:03 14/04/2024

Câu hỏi: Việc kết nối thiên nhiên giúp trị trầm cảm như thế nào? Nó sẽ giúp gì trong quá trình trị liệu tâm lý?

Mất phương hướng và cô độc

Hỏi - Đáp 08:50 13/04/2024

Em hiện tại đang rất mất phương hướng. Cuộc sống của em rất bí, ít có sự giao lưu với bên ngoài. Em luôn ý thức được điều này, nhưng không biết cách khắc phục, em đã sống cô độc và trầm cảm từ năm phổ thông trung học. Mặc dù gia đình luôn quan tâm, bố em là một người rất nghiêm khắc.

Nhiệm vụ của bạn là nở hoa trước

Hỏi - Đáp 09:00 12/04/2024

Hỏi: Bạch thầy làm sao con có thêm sức chịu đựng. Con đã từng yêu người ấy nhưng bây giờ thì...Bạch thầy con mệt mỏi quá! Mong thầy cho con lời khuyên ạ.

Xem thêm