Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 13/03/2017, 11:02 AM

Phật học vấn đáp (P.2)

Tại sao các tôn giáo trên thế gian đều xu hướng về con đường thiện? - Bởi vì các bậc thánh mở ra con đường ấy cho chúng sinh bước tới. Và, chính con đường ấy là con đường quay về bản tính chân như, nghĩa là trở về cội nguồn Phật tính. Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận có nói: "Thiện là thuận dụng của chân như bản tính, còn ác là nghịch dụng của chân như.” Nghĩa là thể tính của chân như nếu áp dụng những phương tiện "lành” thì càng ngày càng gần với thể tính ấy, cho đến khi hướng về tính thể chân như, tức là hướng về căn bản nguồn gốc của tính thiện vậy. Còn mãi cứ làm những nghiệp ác, thì càng ngày càng xa hẳn thể t

Chương III: Giới – Định – Huệ

67. Khi đã thọ pháp Tam quy rồi, còn pháp gì nữa chăng?

- Trong lúc làm lễ thọ Tam quy, Giáo hội truyền luôn cho mình giữ 5 điều giới cấm.

68. Năm điều giới cấm là những gì?

- Một, chẳng đặng sát sinh. Hai, chẳng đặng trộm cắp. Ba, chẳng đặng tà dâm. Bốn, chẳng đặng nói dối. Năm, chẳng đặng uống rượu.

69. Năm điều ngăn cấm này phải giữ trọn hết hay sao?

- Giáo hội không bắt buộc giữ hết năm điều ngăn cấm. Từ một giới sắp lên, ai muốn giữ bao nhiêu cũng được. Song, đó là đối với người mới tín ngưỡng. Nhưng, một khi nếu mình quyết chí tu hành, thì phải giữ tất cả năm giới.

Giới thứ tư chẳng những không được nói láo mà cũng không được nói đâm thọc hai đầu, không được nói độc ác rủa sả, không được nói tục tĩu, hoa nguyệt.

Chẳng những năm giới trên đây mà thôi, một khi mình muốn tu cao hơn nữa, thì phải giữ giới thêm lên, bậc nào có giới luật của bậc ấy.

70. Giữ giới cấm có ý nghĩa gì, mục đích như thế nào?

Ý nghĩa của sự giữ giới là tránh cho thân, miệng và ý khỏi tạo ra các nghiệp tội. Còn mục đích của sự giữ giới là làm cho ba nghiệp (thân, miệng và ý) được thanh tịnh.

71. Vì lý do gì cần phải trong sạch ba nghiệp?

- Có trong sạch ba nghiệp mới được giải thoát, còn không trong sạch tức là nhiễm ô, bị trói buộc trong cảnh trầm luân bể khổ.

72. Chỉ giữ có năm giới cấm làm sao trong sạch ba nghiệp cho được?

- Tuy chỉ giữ có năm giới, nhưng giữ từ trong tâm đến ngoài thân và miệng, thì ba nghiệp cũng được thanh tịnh (trong sạch).

73. Tôi là người tại gia cư sĩ, muốn tu bậc thượng, muốn ba nghiệp được trong sạch, phải giữ bao nhiêu giới?

- Phải giữ mười giới như dưới đây: 

Về thân nghiệp: Cấm sát sinh, trộm cắp, tà dâm.

Về khẩu nghiệp: Cấm vọng ngữ, cấm ỷ ngữ (nói hoa nguyệt, tục tĩu), cấm ác ngữ (nói ác, rủa sả), cấm lưỡng thiệt (nói đâm thọc hai đầu).

Về ý nghiệp:
Cấm tham lam, cấm sân hận và không mê muội.

74. Cách thức giữ giới từ trong tâm ra ngoài như thế nào?

- Tâm sai khiến miệng và thân, nếu tâm nghĩ điều lành thì miệng nói điều lành và thân làm việc lành. Trái lại, nếu tâm nghĩ điều ác, thì miệng nói ác, thân làm điều ác. Bởi vì tâm là nguồn gốc và là động cơ sai khiến sắc thân. Dùng giới luật ngăn cản đừng cho lòng mình phạm 10 giới, đó là giữ từ trong tâm giữ ra. Tâm là gốc, là nguồn, hễ nguồn trong thì dòng sạch là lẽ tự nhiên.

75. Thiện và ác là hai danh từ không nhất định. Bởi vì cũng thời một việc mà nước này cho là ác nên cấm, còn nước kia lại được chính phủ ủng hộ. Một việc như thế thì các việc khác cũng vậy, biết lấy cái gì làm tiêu chuẩn cho thiện và ác?

- Tất cả mọi việc, dầu chiến tranh chẳng hạn, mà có mục đích bảo vệ cho đại đa số quần chúng, chẳng phải mưu sự lợi ích cho thiểu số hay một cá nhân nào, đó là thiện. Trái lại, sát sinh hay làm việc gì khác, mà có lợi cho thiểu số, cho cá nhơn, cho kẻ mạnh, đó là ác. Thiện và ác do những lẽ trên đây mà quy định và lấy đó làm tiêu chuẩn.

76. Còn giới sát sinh, lấy gì làm tiêu chuẩn, hay cấm ngặt bất cứ trường hợp nào cũng chẳng đặng sát sinh?

- Sát sinh là ác, cấm sát sinh là thiện, ý nghĩa của giới cấm này cũng như ý nghĩa của thiện và ác đã nói trên đây. Cấm sát sinh là tuỳ theo trường hợp, chớ chẳng phải cấm hẳn một cách tuyệt đối. Phật chỉ cấm về tội cố sát, nghĩa là cố ý giết hại, hoặc vì tính hung hăng, hoặc vô cớ giết chóc, hoặc cao hứng giết hại, hoặc tham lam, nóng giận, ích kỷ v.v... Những việc sát hại sau đây không cấm, là sát sinh vì lẽ công bằng pháp luật xã hội, vì mưu sự lợi ích cho đời v.v...

77. Vô cớ sát sinh với vô tình sát sinh, khác hay chẳng khác. Nếu khác thì cái nào có tội?

- Vô cớ và vô tình chẳng đồng nghĩa, tức là khác trường hợp. Vô cớ sát sinh, nghĩa là không việc gì cần dùng mà đang tâm giết hại. Ví dụ như không cúng kiến, không ăn uống mà đem lòng giết súc vật, thì có tội. Dù hữu cớ, mà quá lạm dụng cũng có tội vậy. Còn vô tình mà sát sinh, như người làm ruộng cày cấy sát biết bao nhiêu côn trùng. Người chèo ghe đụng chạm sò ốc. Người bộ hành, người chạy xe, đạp, cán sinh vật nhỏ nhít. Người làm rẫy đốn cây cuốc đất, đốt cỏ, vô tình sát biết bao nhiêu sinh vật... Những trường hợp vô tình sát sinh như trên đây không có tội, vì mình không cố ý giết hại chúng sinh.
 
78. Vô cớ sát sinh có tội, là đối với chúng sinh kia, còn đối với thảo mộc, chắc không tội thì phải?

- Cũng có tội vậy. Chẳng những thảo mộc mà thôi, cho đến sắt đá nếu vô cớ đập phá, cũng đều có tội cả. Bởi vì các loại thảo mộc, kim thạch gì cũng đều có sự sinh tồn cả; chúng nó tiến hóa mãi mãi cho đến khi thành chúng sinh và thành Phật cũng như ta vậy. Vô cớ phá hoại tàn sát, tức là ngăn cản sự tiến hoá của vạn vật.

79. Nói như thế, miễn có cớ thì đặng phép sát sinh mà không tội, còn vô cớ sát sinh thì dầu cây cỏ, sắt đá gì cũng có tội. Thế thì tín đồ nhà Phật, vì cái cớ sinh tồn, cũng có thể nuôi súc vật, hoặc làm hàng thịt, hoặc chài lưới, v.v... chăng?

- Nếu ai muốn giải thoát, muốn tu lần lên bậc cao thì dầu có cớ là lấy lẽ sinh tồn, cũng chẳng nên buôn bán súc vật, nuôi gia súc, làm hàng thịt cùng nghề hạ bạc v.v... Nghĩa là muốn giải thoát hoàn toàn, thì phải cố gắng tránh nghiệp sát sinh, để tỏ lòng từ bi bác ái đối với muôn loài vạn vật.

80. Tại sao phải cấm sát sinh?

- Bởi vì lòng từ bi bác ái của mình cần rải khắp muôn loài vạn vật. Vì cái lẽ ấy, trong Bát chính đạo (tám con đường chính) mới dạy rõ "chính mạng,” nghĩa là mạng sống chân chính, trong sạch, không phạm sát giới. Hễ nghề nghiệp của công được chân chính, thì mạng sống của ông mới đặng chân chính, gọi là "chính mạng.” Trái lại, nghề nghiệp của ông không chân chính, thì mạng sống không được trong sạch chân chính.

81. Nghề nghiệp và mạng sống phải chân chính, thế sao các nhà sư bên tiểu thừa được phép ăn thịt để sống?

- Phật cho phép các nhà sư ăn thịt sạch gọi là "tịnh nhục.” Còn thịt không sạch, tức là bất tịnh nhục thì cấm hẳn.

82. Thế nào gọi là tịnh nhục?

- Nghĩa là thịt đương ăn đó, mình không hay, không biết, không nghe nói, không thấy, không nghi người khác giết cho mình ăn, gọi là thịt sạch. Các nhà cư sĩ đời nay họ cũng biết lẽ này, nên dầu ăn mặn, cũng không ăn bất tịnh nhục.

83. Thế nào là bất tịnh nhục?

- Nghĩa là thịt mình đang ăn đó, hoặc mình có nghe, có thấy, hoặc có biết, có nghi người ta làm cho mình ăn, gọi là bất tịnh nhục.

84. Tại sao các tôn giáo trên thế gian đều xu hướng về con đường thiện?

- Bởi vì các bậc thánh mở ra con đường ấy cho chúng sinh bước tới. Và, chính con đường ấy là con đường quay về bản tính chân như, nghĩa là trở về cội nguồn Phật tính. Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận có nói: "Thiện là thuận dụng của chân như bản tính, còn ác là nghịch dụng của chân như.” Nghĩa là thể tính của chân như nếu áp dụng những phương tiện "lành” thì càng ngày càng gần với thể tính ấy, cho đến khi hướng về tính thể chân như, tức là hướng về căn bản nguồn gốc của tính thiện vậy. Còn mãi cứ làm những nghiệp ác, thì càng ngày càng xa hẳn thể tính chân như, càng ngày càng sa đoạ vào ba đường ác.

85. Có bằng cớ trong kinh nói vậy chăng?

- Làm chứng cho những lý luận trên đây của Đại Thừa Khởi Tín Luận, trong kinh Kim Cang đức Phật có nói: "Tu cả thảy pháp lành, tức đặng đạo vô thượng chính đẳng chính giác.”

86. Sách Phật có nói: Nhân giữ giới mà sinh định, nhân định mới sinh huệ, có phải vậy chăng?

- Phải! Nhưng phải giữ đúng 10 giới mới có định huệ được.

87. Vì lẽ gì giữ năm giới không có định huệ?

- Bởi vì năm giới là để cho tín đồ tu tập lần lần. Giới cấm ấy còn thô thiển, chưa đến chỗ tế nhị của lòng mình, tức là chưa phá "nguồn gốc bất giác tâm động,” thì làm sao mà có định huệ cho được. Dầu có giữ đủ năm giới, giữ từ trong tâm ra ngoài đi nữa, cũng chỉ có định mà không có huệ. Chẳng khác nào như nước tuy đứng lặng, mà cặn dưới đáy hãy còn, một khi gặp gió thì lập tức cặn bã nổi lên, nước trong trở lại đục, sáng suốt trở lại tối tăm.

Phải lọc sạch từ mặt nước cho tới đáy, dầu có gặp gió cũng vẫn trong sạch.

88. Nguồn gốc bất giác tâm động là gì?

- Là cái nguồn gốc của sự tối tăm, mê muội, sách Phật gọi là "vô minh.”

89. Vô minh do đâu mà có và nương vào đâu mà tồn tại?

- Vô minh do tâm chân như tuỳ duyên mà có. Mình chẳng hiểu cái tác dụng tuỳ duyên ấy, lại tưởng là thiệt, nên sinh ra lòng mê chấp theo những pháp tướng của tâm tuỳ duyên. Những pháp tướng ấy, là cái bóng ảnh của muôn sự muôn vật, trở lại làm mê hoặc lấy mình mà luân chuyển trong chỗ trầm luân bể khổ.

Nếu như tỏ ngộ được rằng: Chân như tuỳ duyên mà chẳng khi nào biến đổi tự tính (tuỳ duyên mà bất biến) thì mới chứng được tâm tự tại vô ngại, tức là chứng được chân tâm thường trụ diệu minh, hay là chứng được tâm bồ đề của mình.

90. Lý này mắc qua, xin ông thí dụ cho dễ hiểu?

- Cũng như nước bể duyên với gió mà sinh ra sóng, và muôn hình ngàn tướng khác nhau, nhưng bản thể của nước không bao giờ thay đổi; cũng như chân như tuỳ duyên mà sinh ra các sắc pháp (những pháp có hình sắc như ngoại cảnh lục trần hay sắc thân.) và tâm pháp (những pháp thuộc về nội tâm, như vọng, tưởng, buồn, giận, vui, thương, ghét, ưa muốn, khổ, v.v...), nhưng bản thể chân như không vì lẽ ấy mà biến đổi, mà sinh diệt, luôn luôn vẫn là thường trụ và diệu minh.

91. Sóng do nước mà có, còn vô minh nương nơi đâu mà có?

- Vô minh nương nới tâm chân như mà có.

92. Thế thì vô minh và tâm chân như chẳng phải khác nhau?

- Vâng! Cũng như nước tức là sóng, mà sóng cũng tức là nước, nhưng tác dụng của sóng khác hơn tác dụng của nước. Nghĩa là một bản thể mà hai trạng thái (trạng thái động và trạng thái tĩnh).

93. Xin ông hiển minh cái thí dụ này ra bằng danh từ Phật học cho dễ hiểu?

- Cũng như chân tâm và vọng tâm, cũng như tính Phật và tính chúng sinh, danh tuy hai mà thể vốn đồng.

94. Tính của vô minh thì sao? Còn tính của chân như ra thế nào?

- Tính của chân như thì không sinh không diệt, tức là sáng suốt; còn tính của vô minh thì sinh diệt, tức là mê muội (sinh diệt là mê, không sinh diệt là giác, giác là Phật, mê là chúng sinh).

95. Tại sao không sinh không diệt lại sáng suốt, còn sinh diệt thì tối tăm mê muội?

- Bởi vì tâm sinh diệt là tâm không thường trụ, hay dời đổi, cũng như sóng dậy ba đào, những hình tướng của sơn hà đại địa có chiếu vào, cũng không thấy rõ hình ảnh được. Còn không sinh không diệt, là tâm yên lặng thường trụ, cũng như nước đứng phẳng lặng như tờ, muôn hình ngàn tướng chiếu vào một lượt cũng hiện ra tỏ rõ.

96. Tâm mê lầm tối tăm và tâm sáng suốt có thể thí dụ như cái gì cho dễ hiểu chăng?

- Tâm sáng suốt ví như gương sáng không dính bụi, còn tâm mê muội tối tăm ví như kiếng bị bụi đóng, dầu có đem soi vật gì cũng không hiện rõ trong gương.

97. Giữ năm giới thì có định mà không có huệ, nhất là không dứt được nguồn gốc vô minh. Trái lại, giữ 10 giới thì có định huệ và phá đươc vô minh. Vậy, giới nào phá được vô minh?

- Giới thứ mười phá được nguồn gốc vô minh.

98. Giới thứ mười dạy như thế nào mà phá được nguồn gốc vô minh?

- Giới thứ mười dạy đừng si mê, muốn đừng si mê phải thường suy nghĩ chính lý. Hằng suy nghĩ chính lý, đó là huệ. Hễ tu huệ thì vô minh phải tiêu trừ.

99. Công dụng của huệ có thể thí dụ như cái gì?

- Cũng như chỗ tối tăm không có đèn, nếu thắp ngọn đèn lên, thì sự tối tăm biến mất.

100. Tại sao thường suy nghĩ chính lý mới phá được vô minh, trở nên sáng suốt?

- Bởi vì kẻ si mê như chúng sinh, nhận quấy ra phải, lấy khổ làm vui, không phân biệt được cái nào thiện, cái nào ác, cái nào chính, cái nào tà, nhất là không phân biệt được cái nào khổ, cái nào lạc; nhiều khi biết khổ mà vẫn đâm đầu vào cảnh khổ, cũng bởi tính dục khó dằn...

Nếu thường suy nghĩ chính lý thì phân biệt được vui khổ, thiện ác, tà chính v.v... nhất là nhờ tham thiền bằng cách suy nghĩ chính lý, nên tư tưởng được tập trung một cách mạnh mẽ, đủ năng lực để đánh đổ những chuyện tà quấy, chẳng phải như kẻ không tu hành, bị lòng tham dục điều khiển, mặc dầu biết đó là quấy, cũng không thể cưỡng lại được.

Hễ phá được vô minh tức là phá được nguồn gốc mê lầm.

101. Suy nghĩ chính lý tiếng Hán Việt gọi là gì?

- Gọi là "Chính tư duy.”

102. Chính tư duy có phải là trí huệ quán chiếu chăng?
 
- Phải mà không phải, bởi vì "Chính tư duy” là bậc tu của Tiểu thừa, mới bắt đầu mở trí huệ. Còn trí huệ quán chiếu là bậc tu của Đại thừa, đã có trí huệ và biết vận dụng trí huệ; vì lẽ đó nên phải mà không phải. Nhưng, từ Chính tư duy mà bước qua trí huệ quán chiếu chỉ có một con đường đi từ dưới lên trên, và cũng chỉ có một phương pháp, nhưng khác chỗ diệu dụng.

103. Trí huệ nghĩa là gì?

- Nghĩa là cái trí sáng suốt, biết biện phân các pháp một cách rành rẽ. Hễ dùng trí huệ mà soi xét vấn đề nào, thì vấn đề đó bị phân tách, mổ xẻ từng li từng tí, nguyên lý của vũ trụ vạn hữu, hiện ra trong trí của mình một cách rõ rệt, lý hiệp với trí, trí hiệp với lý, trong ngoài như một, trên dưới không hai, cao thấp chẳng khác, các pháp đều như như bình đẳng, chẳng một chẳng hai.

104. Ông đã nói huệ rồi, còn định là sao?

- Nghĩa là nhất tâm, không nhớ tưởng việc gì khác hơn vấn đề mình đang quán chiếu (soi xét).

105. Tại sao phải định rồi mới dùng trí huệ mà quán chiếu được?

- Nếu soi xét mà không tịnh định, thì tạp tưởng [tư tưởng tạp nhạp, nhiều mối, rối như tơ vò] làm rối loạn, vọng niệm tứ tung, làm sao tỉnh trí cho có sự sáng suốt mà tìm chân lý.

106. Trong sách dạy tham thiền có nói: Tịch tịch rồi tinh tinh; tinh tinh rồi tịch tịch, là ý nghĩa ra sao?

- Cái đó nói về cách tham thiền theo nghĩa định huệ. Tịch tịch là lặng lặng, tức là định. Tinh tinh là sáng sáng, tức là huệ. Nghĩa là trước khi soi xét, tâm phải cho phẳng lặng, không một tạp tưởng (vọng niệm) nào dấy lên, rồi mới khởi công quán xét. Cứ thay đổi nhau, hết lặng tới quán, hết quán tới lặng, nghĩa là hết huệ tới định, hết định tới huệ.

107. Tại sao phải thay đổi định huệ như vậy?

- Bởi vì, nếu định lâu thì sinh hôn trầm, còn huệ lâu thì sinh tạp tưởng. Phải luân phiên thay đổi như vậy, để tránh hôn trầm và tránh tạp tưởng. Định huệ thay phiên nhau cho đều như vậy, dừng cho cái nào hơn cái nào kém.

108. Xin ông cho tôi một cái thí dụ: tại sao định lâu không được, mà huệ nhiều cũng chẳng xong?

- Thí dụ như con mắt, khi nào chăm chỉ để xem, thì thấy rõ ràng, nhưng nếu chăm chỉ quá lâu, con mắt mỏi, thành ra thấy bậy. Cũng như thế, nếu mình tập trung tư tưởng và đứng lặng yên một chỗ, không tưởng việc gì khác, một hồi lâu phải mê man tinh thần bắt ngủ gục, hay là hôn hôn trầm trầm như kẻ mê tâm.

Trái lại, tâm mình được sáng suốt trong lúc soi xét, thì những chân lý hiện ra một cách tỏ tường đủ biện chứng. Nhưng, nếu ở đó mà soi xét lâu, thì tinh thần mệt mỏi, vọng niệm xen vào, chẳng những không thành được vấn đề nào cả, mà càng xét nét lại càng tăng thêm vọng niệm chớ không ích gì.

109. Tại sao định huệ phải cân phân cho đồng, không được cái nào hơn cái nào kém?

- Bởi vì trong sách Phật có nói: "Định đa huệ thiểu tăng trưởng vô minh, định thiểu huệ đa tăng trưởng tà kiến.” Nghĩa là: định nhiều huệ ít thì tăng thêm sự tối tăm mê muội; còn định ít huệ nhiều, thì tăng thêm tà kiến tức là sự thấy biết không được chân chính.

110. Định huệ của ông giải ở đây nhằm ở mực nào? Bất cứ lúc nào cũng định huệ được hết, hay chỉ dùng trong lúc tham thiền mà thôi?

- Định huệ theo chỗ bày giải ở đây, thuộc về bậc Trung, phần nhiều câu chuyện vấn đáp hôm nay cũng căn cứ theo bậc này mà thảo luận.

Định huệ theo giờ khắc tham thiền, đó là bậc trung. Đối với bậc Thượng, người ta đã kiến tính rồi, thì định huệ không phân giờ khắc. Bất cứ đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống gì cũng có định huệ luôn.

111. Người tu về pháp môn Tịnh độ, cầu vãng sinh Tây phương, có cần phải học Giới, Định, Huệ chăng?

- Cái đó thì không ép. Nhưng người nào muốn học hỏi về môn này thì càng tốt chớ sao. Chẳng những người tu về môn Tịnh độ, mà chính người tu về Thiền tông, nếu chưa kiến tính cũng nên học Giới, Định, Huệ nữa.

112. Pháp môn Tịnh độ, phần nhiều mấy bà giữ có năm giới, nay ông khuyến khích giữ 10 giới, như vậy có sai kinh luật chăng?

- Không hề sai kinh luật bao giờ, bởi vì có giữ mười giới mới là đúng theo Tịnh độ tông. Kinh bảo như vậy mà tại mình giữ có năm giới, nghĩa là giữ có phân nửa, chưa gọi là đủ.

113. Kinh nào dạy tu Tịnh độ mà phải giữ mười giới?

- Trong kinh Di Đà, đức Phật có nói: "Chốn Tây phương không có kẻ ngũ nghịch thập ác.” Lời nói này có ý cho chúng biết rằng muốn tránh thập ác, thì phải giữ thập thiện, tức là mười giới cấm đó. Giữ thập giới, hành thập thiện là cao quý nhất đối với cư sĩ.

Còn nữa.....
-
Trích trong: Phật học vấn đáp
Soạn giả: Cư sĩ Như Pháp
Giấy phép số: 753/X.B

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Quy y Tam bảo mà không thọ giới được không?

Hỏi - Đáp 16:50 18/04/2024

Hỏi: Tôi có vấn đề muốn hỏi. Quê tôi chưa có chùa, vậy tôi có thể tự quy y Tam bảo ở nhà không? Và khi chưa thể giữ được 5 giới thì vẫn có thể quy y nhưng không thọ giới có được không?

Kính Tăng đúng pháp được phước vô lượng

Hỏi - Đáp 14:40 16/04/2024

Hỏi: Người Phật tử khi nhìn thấy nhà sư thì luôn khởi tâm kính trọng. Vậy đối với những vị sư không nghiêm trì giới luật, phá giới hay khiếm khuyết oai nghi thì nên khởi tâm như thế nào để không bị tổn phước?

Việc kết nối thiên nhiên giúp trị trầm cảm như thế nào?

Hỏi - Đáp 13:03 14/04/2024

Câu hỏi: Việc kết nối thiên nhiên giúp trị trầm cảm như thế nào? Nó sẽ giúp gì trong quá trình trị liệu tâm lý?

Mất phương hướng và cô độc

Hỏi - Đáp 08:50 13/04/2024

Em hiện tại đang rất mất phương hướng. Cuộc sống của em rất bí, ít có sự giao lưu với bên ngoài. Em luôn ý thức được điều này, nhưng không biết cách khắc phục, em đã sống cô độc và trầm cảm từ năm phổ thông trung học. Mặc dù gia đình luôn quan tâm, bố em là một người rất nghiêm khắc.

Xem thêm