Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 21/03/2017, 10:08 AM

Phật học vấn đáp (P.5)

Hỏi: Người niệm Phật muốn cho tâm mình đừng thọ lãnh ngoại cảnh, phải làm thế nào?- Phải tỏ ngộ các pháp không thật có, các pháp không thật thể, các pháp do nhân duyên hội hợp mà thành...

Chương V: Tây phương Tịnh độ

224. Cõi Tây phương với cõi Tịnh độ khác hay một thứ?

- Tịnh độ là một cõi, một nước, một quốc độ của Phật A Di Đà. Tây phương là ý nói cõi Tịnh độ ở phương Tây.

225. Vũ trụ mênh mông vô hạn, một cõi ở ngoài trái đất này, đâu có nhất định đông, tây, nam, bắc; tại sao lại nói ở phương Tây?

- Ông nên hiểu rằng đức Phật Thích Ca thuở xưa ở thành Xá Vệ, nói kinh Tây phương dẫn hoá, cái phương hướng ấy là do địa điểm của xứ Ấn Độ, theo hướng Tây mà phăng tới, trải qua mười vạn ức cõi Phật.

Phật dùng hướng Tây của xứ Ấn Độ làm phương tiện chỉ giáo, chớ đã trải qua mười vạn ức cõi Phật, mà nói phương hướng là một chuyện thừa.

226. Thế thì cõi Tịnh độ ở nhằm về phương tây của xứ Ấn Độ mà người ta quen miệng gọi là Tây phương?

- Phải! Đó là một phương tiện chỉ giáo đối với người tu hành có nhiều căn cơ trình độ bất đồng. Nếu lấy theo tâm pháp mà nói, thì lòng mình là cõi Tịnh Độ, lựa là phải cầu đi đâu.

227. Tịnh độ ở lòng mình, điều ấy tôi sẽ hỏi sau. Hiện thời tôi muốn biết trước những điều xác thật, không mơ hồ, không huyền bí. Vậy xin ông cho biết: Cõi Tịnh độ mà đức Phật A Di Đà lập ra đó có thật chăng? Có thể dùng khoa học chứng chắc được không?

- Cõi Tịnh độ có thật chớ không phải giả dối. Hiện nay khoa học chỉ biết những tinh cầu hữu hình thôi, còn vô số tinh cầu vô hình nói theo khoa học là tinh cầu chưa thành hình còn trong vòng bí mật, chưa thành hình đối với giới khoa học ngày nay. Tịnh độ là một thế giới vô hình chớ không có gì lạ. Ngày nay nhân loại trên mặt địa cầu còn đủ sức lập một thế giới, huống chi thần thông của Phật, mà không lập được một thế giới hay sao?

228. Trong kinh A Di Đà tả cảnh Tây phương có nói rằng: "Cõi ấy cũng có chim kêu, sen mọc, đất vàng, cây báu, ngày đêm sáu thời, v.v…” thế thì cõi Tây phương là một cõi hữu hình, một trái đất đã thành, chớ đâu phải một địa cầu chưa thành hình như ông đã nói đó.

- Tại ông hiểu lầm kinh Di Đà, tức là hiểu lầm chỗ dụng ý của Phật, nên mới nói cõi Tây phương có chim kêu, sen mọc, đất vàng, cây báu, v.v... Đó là những lời thí dụ về tâm pháp.

Từ xưa tới nay có nhiều người hiểu lầm như vậy, nên đời vua Khang Hy bên Trung Hoa, năm Canh thìn, có sáu chục vị sa môn ở chùa Từ Vân, tỉnh Chiết Giang, đồng ý cùng nhau soạn lời chú giải kinh Di Đà, chỉ rõ những thí dụ như: Bảy lớp hàng rào lan can là bảy điều răn, bảy lớp lưới là thí dụ bảy đức tính tu tập của hàng Bồ tát, bảy hàng cây là bảy món bồ đề, v.v... Ông thử nghĩ: những người vãng sinh là những người đã bỏ xác phàm, họ thuộc về vô hình, mà nói Tịnh độ là hữu hình, thật không gì mâu thuẫn bằng. 

229. Đành rằng ý Phật khó lường, lời Phật khó hiểu, đó là Phật nói xa mà tại mình hiểu gần. Nhưng thưa ông, tại sao Tây phương Cực lạc lại là một cõi vô hình?

- Nói vô hình là đối với chúng sinh mắt thịt lòng phàm cho dễ hiểu, chớ đối với con mắt huệ thì không có gì là vô hình. Cõi Tây phương cũng vậy, nói vô hình cũng được, nói hữu hình cũng chẳng phải không trúng.

230. Đức Lục tổ Huệ Năng đã bác thuyết niệm Phật cầu vãng sinh Tây phương, có phải vậy chăng?

- Ông chẳng nên nói như thế, bởi vì đức Lục tổ Huệ Năng dạy đạo nhất thừa thật tướng (bậc tu thành Phật), nếu chẳng phải là người có đại trí huệ, thì không sao hiểu thấu lời nói của Ngài. Đức Lục tổ nói rằng: "Người mê niệm Phật cầu sinh về cõi kia (Tây phương), còn kẻ ngộ thì tự trong sạch lấy lòng mình.” Câu này chẳng phải bác thuyết niệm Phật cầu vãng sinh Tây phương. Sở dĩ Ngài nói như thế là vì muốn cho ai nấy đều tỏ ngộ Tây phương tại lòng của mình. Bởi vì lòng mình là Tịnh độ, tính mình là tính Di Đà. Bằng cớ là sau khi Ngài giải thích, học trò của Ngài tỏ ngộ thấy được cõi Tây phương tại lòng mình.

Vả chăng Tổ nói kẻ mê cầu về cõi kia, tức là nói kẻ chưa tỏ ngộ, mà cũng là kẻ hạ căn hạ trí. Còn kẻ ngộ mà Tổ nói đó là nói bậc Đại thừa, chỉ cầu duy tâm Tịnh độ mà không cần cầu đi đâu cả.

231. Người nhờ Phật lực với kẻ không nhờ Phật lực tỷ như thế nào?

- Người niệm Phật nhờ năng lực của Phật giúp đỡ, tỷ như người muốn đi buôn, nhờ đại phú ông giúp vốn lập kế sinh nhai. Còn người không nhờ Phật lực, cũng như kẻ bạch thủ (tay trắng) quyết chí làm giàu mà không có ai giúp vốn.

Như thế thì biết rằng cái khó và dễ của hai đàng thấy rõ rệt.

232. Người niệm Phật chứng được cõi Tịnh độ nơi tâm với người tỏ ngộ Niết bàn tại thế, hai đàng khác hay chẳng khác?

- Không khác.

233. Nghĩa lý chỗ chẳng khác ấy như thế nào?

- Người tu hành chứng được cõi Tịnh độ nơi tâm, tức là người kiến tính chớ không có gì lạ. Kiến tính tức là thấy được bồ đề diệu minh chân tâm. Cái chân tâm này là cõi Tịnh độ (Duy tâm Tịnh độ).

Còn người tỏ ngộ Niết bàn tại thế, cũng tức là người tỏ ngộ bồ đề diệu minh chân tâm. Lý tính của bồ đề diệu minh chân tâm, cũng như lý tính của Niết bàn. Lý tính của Niết bàn cũng như lý tính của duy tâm Tịnh độ.

Thể tính của Niết bàn, thể tính của duy tâm Tịnh độ là cảnh giới của những bậc minh tâm kiến tính.

234. Thế thì cái lý "duy tâm Tịnh độ” và cái lý "minh tâm kiến tính” là đồng nhau?

- Phải! Đồng nhau. Duy tâm Tịnh độ và minh tâm kiến tính, kẻ mê cho là khác, người ngộ thấy chẳng khác.

235. Xin ông giải thích chỗ đồng nghĩa lý ấy?

Duy tâm Tịnh độ chẳng sinh chẳng diệt, thì chân tâm cũng chẳng sinh chẳng diệt.

Duy tâm Tịnh độ có đủ các công đức, thì chân tâm cũng có đủ các tính đức.

Duy tâm Tịnh độ không có ba đường ác, thì chân tâm cũng không có ba độc (tham, sân, si).

Duy tâm Tịnh độ vắng lặng và sáng tỏ, thì chân tâm cũng thường tịch và quang chiếu, v.v...

Nói tóm lại, Duy tâm Tịnh độ làm sao thì chân tâm làm vậy. Bởi thế cho nên, chứng được cõi Tịnh độ tức là chứng được chân tâm, chứng được chân tâm tức là chứng được Niết bàn (Tự tính thanh tịnh Niết bàn).

236. Đã nói tâm trong sạch của mình là Tịnh độ, thế thì cứ chỉ ngay cái giáo lý "Duy tâm Tịnh độ” chẳng được sao, lại phải nhọc công đức Phật A Di Đà lập ra cõi Tịnh độ, để dìu dắt chúng sinh về đó tu thêm, chung quy rồi cũng phải chứng lấy tâm tính của mình?

- Tôi xin lặp lại một lần nữa rằng, Tịnh độ tông thông cả Tiểu thừa và Đại thừa, căn cơ trình độ dầu cao hay thấp cũng đều tu được cả. Ông cao, ông tu cầu duy tâm Tịnh độ; tôi thấp, tôi tu cầu vãng sinh Tây phương, đến chỗ rốt ráo rồi cũng y nhau. Nhưng, chưa chắc ông được trọn vẹn thành công như tôi. Bởi tôi nhờ tự lực và Phật lực, còn ông chỉ nhờ tự lực mà thôi.

237. Có kinh nào nói Tịnh độ duy tâm hay không?

- Trong kinh Duy Ma Cật, Phật nói với Bồ Tát Bửu Tích như vầy:

Này Bửu Tích! Cõi của các loại chúng sinh, tức là cõi của Phật, của Bồ tát. Vì sao? Vì bậc Bồ tát hay tuỳ theo chỗ giáo hoá tất cả chúng sinh mà chứng lấy cõi Phật. Tuỳ theo căn cơ trình độ của tất cả chúng sinh, mở ra các phương tiện để dìu dắt chúng sinh nhập vào trí huệ Phật, ấy là chứng lấy cõi Phật. Tuỳ theo căn cơ trình độ của chúng sinh, mà dùng các phương tiện khai thị đặng nhập vào căn trí Bồ tát, đó là chứng lấy cõi Phật.

Vì sao? Sở dĩ Bồ tát chứng được cõi thanh tịnh, là vì lợi ích cho chúng sinh vậy. Thí dụ như người kia muốn kiến trúc một ngôi nhà, cần phải có miếng đất trống và nền móng vững vàng, khi ấy khởi công mới không có vật gì làm chướng ngại. Nhưng cũng chẳng phải kiến trúc chỗ không không mà được. Bậc Bồ tát cũng thế, vì muốn thành tựu cho chúng sinh mà nguyện chứng cõi Phật. Muốn chứng cõi Phật chẳng phải là tìm đến chốn xa xăm thanh vắng hay là chỗ không không (chỗ hư vô tịch diệt) mà thành công được.

Này Bửu Tích! Ông phải biết rằng lòng thẳng là Tịnh độ của Bồ tát. Bởi vậy cho nên khi Bồ tát thành Phật, những chúng sinh nào có lòng thẳng, đều sinh về cõi ấy.

Này Bửu Tích! Lòng sâu dày là Tịnh độ của Bồ tát. Bởi vậy cho nên khi Bồ tát thành Phật, những chúng sinh nào có công đức đầy đủ đều sinh về cõi ấy.

Này Bửu Tích! Tâm Đại thừa là Tịnh độ của Bồ tát. Bởi vậy cho nên khi Bồ tát thành Phật, thì những chúng sinh nào đủ căn trí Đại thừa đều sinh về cõi ấy. Nhẫn đến tâm Bồ đề là Tịnh độ của Bồ tát; bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ là Tịnh độ của Bồ tát. Tứ vô lượng tâm là Tịnh độ của Bồ tát. Tứ nhiếp pháp là Tịnh độ của Bồ tát. Phương tiện là Tịnh độ của Bồ tát. Ba mươi bảy đạo phẩm là Tịnh độ của Bồ tát. Lòng hồi hướng là Tịnh độ của Bồ tát. Mười điều lành là Tịnh độ của Bồ tát.

Này Bửu Tích! Như thế thì ông biết rằng, Bồ tát theo lòng thẳng mà khởi hạnh, theo chỗ khởi hạnh mà được tâm sâu dày, theo cái lòng sâu dày mới điều phục được ý thức. Theo ý thức đã điều phục mới y theo lời nói mà tu hành, mà hồi hướng, tuỳ chỗ hồi hướng mà bày ra các phương tiện. Theo các phương tiện mới thành tựu đặng chúng sinh, theo chỗ thành tựu của chúng sinh, tức là cõi Phật thanh tịnh, theo cõi Phật thanh tịnh, thì nói pháp thanh tịnh, theo chỗ nói pháp thanh tịnh thì trí huệ thanh tịnh. Theo trí huệ thanh tịnh thì tâm cũng tịnh, tuỳ theo cái tâm tịnh thì tất cả công đức đều được thanh tịnh.

Bởi vậy cho nên, Bửu Tích này! Bồ tát muốn được cõi Tịnh độ, thì phải tịnh cái tâm của mình, theo chỗ tịnh tâm ấy, tức là cõi Tịnh độ của Phật vậy.

238. Theo lời nói trên đây, có nhiều chỗ tôi không hiểu. Trước hết tôi muốn biết vô đầu Phật nói: "Cõi của các loại chúng sinh, tức là cõi của chư Phật, của chư Bồ tát...” cho đến chỗ mà Phật thí dụ "cất nhà cần phải có đất trống mới khỏi sự chướng ngại, nhưng cũng chẳng phải cất chỗ không mà được.” Mấy lời trên đây là ý nghĩa gì, nhờ ông giải thích?

- Mấy lời nói ấy có hai ý nghĩa: ý nghĩa thứ nhất thuộc về sự tướng, là nói cõi của chúng sinh đang ở đây, là cõi Phàm Thánh đồng cư Tịnh độ. Cõi này bốn bậc Thánh như Phật, Bồ tát, Duyên giác, Thinh văn ở chung lộn với chúng sinh để tu hành và giáo hoá. Ai thấp thì tu thêm, ai cao thì đứng ra giáo hoá chúng sinh, bởi vậy mới nói: "Cõi của chúng sinh tức là cõi của chư Phật, chư Bồ tát.” Vì vậy mới gọi là cõi Phàm Thánh đồng cư Tịnh độ (phàm nhân và thánh nhân chung cư).

Ý nghĩa thứ nhì là nói về lý tính, tức là nói về duy tâm Tịnh độ. Muốn thực hiện theo duy tâm Tịnh độ, nghĩa là muốn thực hiện cõi Tây phương tại lòng mình, thì nên biết rằng: Lòng mê muội là chúng sinh, lòng giận hờn là chúng sinh, lòng ích kỷ hại nhân là chúng sinh v.v... Chúng ta có vô số chúng sinh trong lòng, những chúng sinh ấy ở chung với Phật, với Bồ tát, tức là giác tính của mình.

* Hiểu như thế, thì chúng ta phải dùng các phương tiện đặng tu tập, đặng dìu dắt những chúng sinh ấy nhập vào trí huệ Phật, gọi là chứng lấy cõi Phật. Cái lý này cũng như người tu về Thiền tông, dùng tính Phật độ tính chúng sinh vậy.

* Đa số chủng tử mê lầm (tức là đa số chúng sinh) chung với Phật (chân tâm) làm ra thức A-lại-da.

Thấp hơn Phật là bậc Bồ tát, cũng chứng lấy duy tâm Tịnh độ, vì lẽ ấy câu kế đó nói: "Tuỳ theo căn cơ trình độ của chúng sinh (lòng mình), mà dùng các phương tiện khai thị đặng nhập vào căn trí Bồ tát; đó cũng gọi là chứng lấy cõi Phật.”

Muốn chứng lấy cõi Phật theo lời nói trên đây, Phật bèn đưa ra một cái ví dụ hết sức thiết thực và nhiệm mầu mà ít có người hiểu chỗ dụng ý của Phật: Nếu muốn chứng lấy cõi Phật, tức là cõi Tịnh độ duy tâm, thì phải dẹp tất cả chúng sinh nơi lòng mình cho trống (đất là tâm, đất trống là tâm chân không) nhiên hậu mới có thể cất nhà, mới có thể rước Phật về làm chủ nhà ấy được.

Tại sao phải dẹp tất cả chúng sinh nơi lòng mình, mới vào nhà Như Lai được (tức là rước Phật về làm chủ nhà)? Bởi vì nếu để y nguyên chúng sinh nơi lòng mình, thì chúng sinh làm trở ngại, làm sao cất nhà mới và rước Phật về làm chủ. Vì lẽ ấy, Phật mới thí dụ phải cất nhà chỗ trống. 

Tới đó cũng chưa hết nghĩa siêu việt trong cái thí dụ ấy. Là vì nếu cất nhà chỗ trống không, cũng chẳng được. Bởi vì khi lòng chúng sinh đã dẹp hết, thì còn lại cái tâm không không, trống lổng, lẽ tất nhiên lạc vào hư vô ngoan không, hay là hư vô tịch diệt, như cây khô, như cá chết, như sắt đá, chẳng có tác dụng về phần diệu giác, thì đâu phải là Phật, đâu phải là cõi Tịnh độ duy tâm, tức là cõi Thường tịch quang. Bởi vậy cho nên Phật mới nói tiếp: "Bậc Bồ tát cũng thế, vì muốn thành tựu cho chúng sinh mà nguyện chứng lấy cõi Phật. Muốn chứng cõi Phật, chẳng phải tìm đến chốn xa xăm thanh vắng nào, hay là chỗ không không mà thành công được.”

239. Câu kế đó Phật nói như vầy: "Này Bửu Tích! Ông phải biết rằng lòng thẳng là Tịnh độ của Bồ tát, khi Bồ tát thành Phật, những chúng sinh nào có lòng thẳng, đều sinh về cõi ấy.” Câu này ý nghĩa ra sao?

- Câu này cũng có hai ý nghĩa, nhưng ý nghĩa duy tâm Tịnh độ là phần nhiều. Trình độ tu học của một bậc thuộc về Đại thừa Bồ tát thì y theo đường thẳng, tức là con đường Trung đạo mà quán lý. Khi cái lý Trung đạo quán đã tương ứng với lòng mình, thì lòng mình là lòng thẳng (trực tâm) tức là lòng Trung đạo vậy.

240. Trung đạo là gì?

- Là con đường giữa, chẳng những xa lìa hai bên biên kiến, mà cũng chẳng trụ vào chính giữa.

241. Tại sao nói con đường giữa mà chẳng cho trụ vào đường giữa?

- Bởi vì nếu chấp chính giữa, thì cũng như chấp hai bên biên kiến. Cái lẽ này rất dễ hiểu, là vì có hai bên mới có chính giữa, nếu không hai bên, thì chính giữa chẳng thành, bởi vậy bỏ hai bên phải bỏ luôn chính giữa.

242. Hai bên là những gì, và cho cái thí dụ tại sao bỏ luôn chính giữa?

- Là những pháp tương đối của vũ trụ vạn hữu, như tối đối với sáng, mưa đối với nắng, lành đối với dữ, mê đối với giác, uế đối với tịnh, phiền não đối với bồ đề, v.v...

Ví như thiện đối với ác, một khi mình đã bỏ ác mà còn chấp thiện thì cũng như không bỏ, cái lẽ rất dễ hiểu là còn chấp thiện thì có khác nào chấp ác, là tại sao? Bởi thiện do ác mà có, ác do thiện mà bày.

Theo cái lẽ trên đây, người tu về trung đạo tuyệt đối, sau khi đã xả bỏ hai bên thiện và ác, đồng thời cũng chẳng trụ vào chính giữa của thiện và ác. Nếu chấp chính giữa thì lọt vào "đối thiên trung,” nghĩa là trung đạo còn trong vòng tương đối.

Trong Đại thừa Khởi Tín Luận có nói lòng thẳng như vầy: "Trực tâm là chính niệm pháp tính chân như,” mà lý tính chân như là gì, tức là Trung đạo diệu đế vậy.

243. Câu kế đó nói: Lòng sâu dày (thâm tâm) là Tịnh độ của Bồ tát, vậy thế nào gọi là lòng sâu dày?

- Lòng sâu dày là lòng ưa thích thâu thập tất cả hạnh lành, nào là từ bi, hỷ xả, cứu thế độ nhân, v.v… để trang nghiêm cho thân tâm. Theo cái nghĩa trên đây, Phật mới nói: "Này Bửu Tích! Lòng sâu dày là Tịnh độ của Bồ tát, bởi vậy cho nên, khi Bồ tát thành Phật, những chúng sinh nào có công đức đậy đủ đều về cõi ấy.

244. Tâm Đại thừa là Tịnh độ của Bồ tát, nghĩa này như thế nào?

- Hai tiếng Đại thừa là chỉ về "tâm pháp đạo,” mà tâm pháp đạo tức là tâm chân như vậy. Người tu hành tỏ ngộ được tâm pháp đạo tức là người tỏ ngộ được chân tâm thường trụ diệu minh, nghĩa là người minh tâm kiến tính, cũng tức là người chứng được duy tâm Tịnh độ.
Phật là bậc Đại giác, tức là bậc giác ngộ được tâm pháp ấy, còn bậc Bồ tát là bậc tu hành tâm pháp ấy.

245. Tâm Bồ đề là Tịnh độ của Bồ tát, nghĩa này như thế nào?

- Tâm Bồ đề là tâm toàn giác, là tâm Phật, chứng được tâm bồ đề, tức là chứng được duy tâm Tịnh độ.

246. Ba mươi bảy đạo phẩm là những gì?

- Là tứ niệm xứ, tứ chính cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, và bát chính đạo, cộng lại là ba mươi bảy đạo phẩm.

247. Trí huệ quang minh có thể làm cho mình được giải thoát chăng?

- Vâng! Nếu thành tưu được đại trí huệ quang minh, tức là giải thoát, mà cũng tức là Niết bàn, bởi vì đó là tâm bồ đề.

248. Muốn được đại trí huệ quang minh, nghĩa là muốn được giải thoát, tức là muốn chứng Niết bàn, phải làm thế nào? Xin dẫn chứng tóm tắt vài câu trong kinh Phật, đừng bàn rộng tất cả giáo lý của nhà Phật, làm cho tôi rối loạn không nhớ gì hết!

- Trong kinh Vị Tằng Hữu, Phật có nói:

"Hãy quán pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, và mười hai nhân duyên trói buộc đường sinh tử, nẻo luân hồi. Hãy tu pháp Tứ diệu đế... thực hành sáu pháp ba la mật và tứ vô lượng tâm. Tất cả những cái pháp ấy dùng làm phương tiện mà điều phục các căn. Nếu điều phục được các căn, thì ‘định huệ’ được thành tựu. Hễ định huệ mà được thành tựu thì lòng mình được ngay thẳng, nếu lòng mình ngay thẳng thì hay sinh tinh tấn. Do tâm tinh tấn, nên sinh lòng giữ giới, do sự giữ giới tinh nghiêm thì định huệ sáng tỏ. Hễ định huệ sáng tỏ thì làm đủ muôn hạnh thông suốt, không có cái gì làm chướng ngại. Nếu đã không có cái gì làm cho mình ngăn ngại được, thì gọi là giải thoát. Cái tâm giải thoát ấy là cảnh giới Niết bàn (là tâm bồ đề) vậy.”

249. Có phương pháp tu hành nào bao gồm tất cả ba mươi bảy đạo phẩm chăng? Xin dẫn chứng trong kinh Phật để làm bằng?

- Chỉ có tu luyện về tâm pháp Đại thừa Bồ tát, mở rộng trí huệ quang minh mới thâu gồm ba mươi bảy đạo phẩm. Trong kinh Vị Tằng Hữu có nói:

"Trước hết phải học rộng các pháp nói về nhân duyên. Nếu hiểu rõ được nhân duyên* thì cái đức tin của mình mới được kiên cố. Hễ gốc tin mà được đứng vững rồi, thì lẽ cố nhiên hay khởi ra cái lòng tinh tấn. Do năng lực tinh tấn, nên lòng của mình không bao giờ khởi ra các nhân duyên thuộc về ác nghiệp. Nếu đã không bao giờ khởi ra các ác nghiệp, thì đó là cái lòng của mình đã toàn thiện và không phóng dật (tâm đeo đuổi theo dục lạc). Nếu tâm phóng dật không có, thì tâm trí huệ được thành tựu. Do năng lực của tâm đại trí huệ, nên thâu nhiếp được tất cả ba mươi bảy phẩm trợ đạo, là đạo Bồ đề vậy (Phật đạo).”

* Nhân duyên: tức lý nhân quả nói tắt, nói đủ là nhân duyên quả.

250. Người niệm Phật muốn cho tâm mình đừng thọ lãnh ngoại cảnh, phải làm thế nào?

- Phải tỏ ngộ các pháp không thật có, các pháp không thật thể, các pháp do nhân duyên hội hợp mà thành...

251. Xin cho một thí dụ đặng biết rằng các pháp do nhân duyên hội hợp mà thành?

- Cũng như chiếc xe hơi được làm nên do nhiều món, nào là bánh xe, nhíp xe, thùng, mui, đinh ốc, vải nệm, máy móc, v.v... hiệp lại thành một chiếc xe hơi. Nếu tách riêng ra từng bộ phận ngổn ngang một đống, thì không có món nào khả dĩ gọi là cái xe cả.

Phân tích thêm một lần nữa: như bánh xe, cũng không có gì đáng gọi bánh xe, nếu người ta tháo rời vỏ ruột, tháo tung mâm niền.

Phân tích thêm một lần nữa, cũng không thấy cái gì đáng gọi là niền xe, nếu người ta bỏ vô lò luyện kim nấu cho sắt chảy ra. Cho đến sắt cũng không thật có nữa, nếu người ta phân tích ra nhiều phân tử và nguyên tử. Đến một ngày kia khoa học tiến bộ, phân tích được nguyên tử, thì vạn vật không có gì hết,* bởi vật chất do nguyên tử tạo thành. Vì lẽ ấy, Phật cho vạn sự, vạn vật đều là giả, là không thật có, chỉ giả danh mà thôi.

* Không có về mặt hữu vi.

Không cần phân tích làm chi cho khó hiểu, bất cứ sắt đá cây cỏ chi, để lâu cũng mục, sét, tan rã, không có vật nào bất diệt.

Một cái bánh xe phân tích ra nhiều lần, đến chỗ không không chẳng có gì hết, thì các bộ phận khác như thùng xe, nhíp xe, mui nệm, v.v... cũng y như vậy, cũng không không chẳng có gì hết. 

Đem một chiếc xe và các bộ phận mà thí dụ như thế, thì biết rằng vạn sự, vạn vật trong vũ trụ này, món nào, sự nào cũng là giả, do nhân duyên hiệp thành.

252. Nói muôn vật là giả, không thật có, bởi do nhân duyên tạo thành, điều này tôi nhờ sự phân tích theo phương pháp khoa học nên mau tỏ ngộ. Còn như nói muôn sự là giả nữa, xin giải thích thêm cho rành?

- Sự thương sự ghét, sự vui sự buồn, sự có sự không, sự phải sự quấy, sự giàu sự nghèo, v.v... không có món nào là thật cả. Chẳng qua do ảnh hưởng của muôn vật, của tư tưởng, của nhân duyên mà tạo thành.

Ví dụ như ông đang xem hát gặp cảnh buồn, lòng ông cũng tuỳ theo sự đóng trò khéo léo ấy mà quên rằng cảnh giả, nên ông cũng rơi lệ như hầu hết khán giả khác. Cái cảnh buồn ấy, chẳng phải bỗng dưng mà có, phải đủ đào kép, phải đủ vai tuồng, phải đủ cảnh ngộ, nào là sơn thuỷ, nào là thầy tuồng, nào là sân khấu, nào là âm nhạc, nào son phấn, v.v... nếu phân tích những món trên đây, ở đâu về đó, thì không có món nào khả dĩ đáng gọi là cảnh buồn cả.

Sự đời cũng vậy, có khác nào trên sân khấu diễn trò đâu. Những cảnh ly hiệp bi hoan, những sự hơn thua còn mất, v.v... đều do nhiều nguyên nhân tạo thành. Nếu phân tích cái nhân, thì cái nhân ấy cũng không có gì đáng gọi là nhân cả. Đó là chưa nói tới cái luật tương đối của vạn hữu, hễ có sự thương thì có sự ghét, có sự vui thì có sự buồn... 

Sở dĩ chúng sinh còn có cái lòng thương ghét, giận hờn, phải quấy, nên hư, đố kỵ, v.v... là tại chúng sinh không tỏ ngộ được muôn sự, muôn vật là giả, là do nhân duyên, chớ không thật.

Người tu hành thường tham thiền quán tưởng, thấu triệt được chân lý của muôn sự, muôn vật như trên đây, thì gọi là chứng lý, gọi là giác ngộ.

253. Đức Lục tổ Huệ Năng giảng giải như thế nào mà học trò của Ngài đều tỏ ngộ Tây phương tại lòng mình?

- Đức Lục tổ nói:

"Muốn quy hướng về Phật, thì phải theo trong tính của mình mà làm, chớ có chạy theo ngoài thân mà tìm cầu. Tính của mình bằng mê tức là chúng sinh, còn tính của mình biết giác ngộ tức là Phật. Lòng từ bi là Quan Âm, lòng hỷ xả là Thế Chí, lòng trong sạch tức là Thích Ca, lòng bình trực tức Di Đà.

Nếu còn có cái lòng nhân ngã bỉ thử đó là núi Tu di, lòng tà là biển nước, phiền não là sóng dợn, độc hại là rồng dữ, lòng giả dối là quỉ thần, lòng trần lao là cá trạnh, lòng tham sân là địa ngục, lòng ngu si là chúng sinh.

Này Thiện tri thức! Thường làm mười điều lành, Tây phương liền đến, trừ được lòng nhân ngã, núi Tu di đổ, bỏ lòng tà, nước biển cạn, dứt phiền não, hết sóng dợn, không độc hại cá trạnh tiêu. Tự nơi tâm địa của mình là cái giác tính Như Lai, phóng ra vô lượng quang minh, ngoài thì chiếu sáng sáu cửa đều đặng trong sạch, lướt khỏi sáu cõi Trời Lục dục. Nơi trong tính của mình mà chiếu tỏ, thì trừ được ba độc, các tội thuộc về địa ngục tức thời tiêu tan. Trong ngoài triệt để sáng suốt, như vậy có khác gì Tây phương* đâu, nếu không tu như thế, làm sao đến đó đặng.”**

* Có sáng suốt thì không có tối tăm mê lầm. Tuy nhiên đã được sáng suốt mà còn chấp cái lòng sáng suốt ấy, thì chưa thoát ly cái ngu si mê lầm. Tại vì còn chấp là còn đối đãi, hết chấp mới là tuyệt đãi.

** Toàn là lời nói Tịnh-độ duy tâm, Di-Đà tự tính.

254. Lời nói của đức Lục tổ mắc qua, tôi hiểu lờ mờ không được đích xác, xin cho biết câu: "Tự nơi tâm địa của mình là cái giác tính Như Lai, phóng ra vô lượng quang minh, ngoài thì chiếu sáng sáu cửa đều đặng thanh tịnh, lướt khỏi sáu cõi Trời Lục dục?”

- Giác tính Như Lai là chân tâm thường trụ diệu minh, nếu ông hằng lấy chân lý Đại thừa tâm pháp, tức là Đại trí huệ quang minh mà soi chiếu nơi tâm địa, đánh dẹp các lòng tà quấy: như lòng nhơn ngã, lòng tà vạy, lòng phiền não, lòng độc hại, lòng giả dối, lòng trần lao, lòng tham sân, thì đúng với câu: Từ nơi tâm địa của mình là Giác tính Như Lai, phóng ra vô lượng quang minh. 

Ông nên biết rằng phóng ra vô lượng quang minh, tức là phóng ra vô lượng trí huệ để đánh dẹp lòng tà quấy, lọc sạch vô minh trở nên sáng suốt vô ngần. Nếu làm được như vậy thì sáu căn thanh tịnh, hoàn toàn giải thoát, vượt khỏi sáu cõi Trời Dục giới.

Cái pháp duy tâm Tịnh độ mà đức Lục tổ nói đó là một pháp Đại thừa Đốn ngộ. Vì lẽ ấy ngài mới nói: "Bằng ngộ được pháp Đốn ngộ vô sinh này, thì thấy Tây phương tức khắc. Còn như không tỏ ngộ, dầu niệm Phật cầu vãng sinh, đường ấy làm sao đến được.”

255. Cõi Tây phương của đức Phật A Di Đà nói có sen mọc và liên hoa hoá thân (bông sen hoá làm thân người), quả vậy chăng?

- Đó là lời nói bóng về sự trong sạch. Nhưng nếu ông tin cũng không có hại, bởi thần thông lực của Phật làm việc gì lại không được. 

Trong sách Phật thường lấy bông sen thí dụ sự trong sạch, hễ ai trong sạch tới bậc nào (cũng như trừ sự mê lầm của mình tới bậc nào), thì chứng đắc tới chừng ấy. Vì lẽ đó mới có bày ra thượng phẩm thượng sinh, trung phẩm trung sinh, và hạ phẩm hạ sinh. Trong mỗi phẩm lại chia làm ba bậc, cộng lại cả thảy là chín phẩm (cửu phẩm liên hoa).

256. Ai tu tới bậc nào thì chứng quả Niết bàn bậc nấy, thí dụ như Hữu dư Niết bàn, Vô dư Niết bàn, Tính tịnh Niết bàn... Pháp môn niệm Phật có chứng nhiều cõi Tịnh độ như nhiều thứ Niết bàn chăng?

- Pháp niệm Phật cũng nói rành có nhiều thứ Tịnh độ như nhiều thứ Niết bàn mà ông đã kể ra. Đại khái có bốn Tịnh Độ: Phàm Thánh đồng cư Tịnh độ, Phương tiện hữu dư Tịnh độ, Thật báo trang nghiêm Tịnh độ, Thường tịch quang Tịnh độ.

257. Phàm Thánh đồng cư Tịnh độ là gì?

- Là cõi Tịnh độ mà các bậc Thánh như La hán, Bích chi, Bồ tát, và Phật đồng ở chung lộn với chúng sinh đặng giáo hoá chúng sinh mau thoát khỏi lục đạo luân hồi.

258. Thế gian là cõi ngũ trược ác thế, ngoài sự nhơ bẩn còn có chiến tranh tàn nhẫn, mà nói là trong sạch và gọi là "Tịnh độ đồng cư” sợ không nhằm chăng?

- Hễ lòng trong sạch thì chỗ nào cũng sạch, còn như lòng uế trược, dầu ở Tây phương cũng chẳng sạch nào. Lời hỏi của ông nằm trong trường hợp của ông Xá Lợi Phất. Trong kinh Duy Ma, Phật có thuật rằng:

Lúc ấy, ông Xá Lợi Phất móng lòng ngẫm nghĩ rằng: "Nếu Bồ tát tâm tịnh, thì cõi Tịnh độ của Phật cũng tịnh (trong sạch). Nhưng cớ sao đức Thế Tôn (Thích Ca) của ta, trong lúc làm Bồ tát, tâm của Ngài không tịnh hay sao, mà quốc độ của Ngài lại uế trược như vậy?”
Phật biết được lòng móng niệm của ông Xá Lợi Phất, liền trả lời rằng:

- Này Xá Lợi Phất! Ông nghĩ sao, mặt trời mặt trăng phải chăng không tịnh, nên người mù chẳng thấy?

- Bạch Thế Tôn! Đó là tại người ấy mù nên chẳng thấy, chớ chẳng phải tại mặt trời, mặt trăng.

- Này Xá Lợi Phất! Quốc độ của ta vẫn tịnh mà ông chẳng thấy được.

Ông Loa Kế Phạm Vương xen vô, nói:

- Này ông Xá Lợi Phất! Ông chớ có nghĩ như thế mà cho rằng quốc độ của Phật không thanh tịnh, là sở dĩ sao? Bởi chính tôi thấy cõi Phật Thích Ca Mâu Ni thanh tịnh, có khác nào cõi của Tự Tại Thiên Vương đâu.

Xá Lợi Phất trả lời:

- Chính tôi thấy quốc độ này toàn gò nổng ngổn ngang, hầm hố chi chít, gai chông đá cát dẫy đầy, núi non chớn chở, gia dĩ có vô số những điều uế trược, độc ác. Loa Kế Phạm Vương nói:

- Tại lòng của ông có cao thấp, có tịnh có uế... mới thấy ra như vậy. Nếu ông nương theo Phật huệ, thì đâu có thấy như thế. Này ông Xá Lợi Phất! Bậc Bồ tát đối với tất cả chúng sinh thảy đều bình đẳng, thân tâm trong sạch. Nếu ông do theo trí huệ của Phật, thì thấy được quốc độ của Phật vẫn thanh tịnh.

Hai ông còn đương thảo luận, Phật dùng ngón chân bấm xuống đất, tức thời trong cõi tam thiên, đại thiên thế giới có vô số trân bảo, đồ trang sức, không khác nào như cõi "Bảo Trang Nghiêm Phật” đầy đủ vô lượng công đức.

Trong hàng đại chúng thấy vậy, bèn khen ngợi và ca tụng, vì rằng ai ai cũng tự thấy mình ngồi trên hoa sen báu, là điều mà mình chưa từng thấy bao giờ.

Phật bèn nói với ông Xá Lợi Phất rằng:

- Này Xá Lợi Phất! Phật độ của Ta thường tịnh như vậy, nhưng tại ông chưa xem thấy mà thôi. Ông phải biết rằng nếu lòng của ông tịnh, thì thấy được quốc độ này đầy đủ công đức trang nghiêm...

Chỗ hỏi của ông, tôi xin đem sự tích trong kinh Duy Ma trên đây làm bằng. Nhưng tôi không đồng ý với kinh văn, là chỗ nói của ông Xá Lợi Phất vì lòng không tịnh nên chẳng thấy được quốc độ của đức Phật Thích Ca vẫn trong sạch. Theo ý tôi, thì ông Xá Lợi Phất là bậc đại đệ tử của Phật, có lý đâu lòng lại không trong sạch. Hoặc ông giả đò thị hiện ra như vậy, đặng phá nghi cho bậc tiểu căn chăng?

259. Tại sao người niệm Phật không được vãng sinh nơi khác cao hơn, như Phương tiện hữu dư Tịnh độ, Thật báo trang nghiêm Tịnh độ... lại còn ở cõi Phàm Thánh đồng cư Tịnh độ tức là cõi thế gian này?

- Bởi vì công phu tu hành kém quá, phước ít huệ mỏng, nghiệp dày, nhưng nhờ nguyện lực của Phật mà được đới nghiệp vãng sinh, hoặc cõi Tây phương Tịnh độ, hoặc cõi Đồng cư Tịnh độ.

260. Đới nghiệp vãng sinh là gì?

- Nghĩa là còn mang nghiệp quả trong lòng, cái khổ chưa tuyệt dứt, vô minh còn nguyên mà cũng được vãng sinh là nhờ Phật lực.

261. Xin cho thí dụ về đới nghiệp vãng sinh?

- Cũng như người leo núi, cần phải bỏ hết những đồ nặng nề mang trong mình, mới nhẹ nhàng dễ leo. Còn như để nguyên thì leo không nổi. Tuy vậy, nếu có cần trục của máy kéo, dầu mang bao nhiêu cũng lên được như thường, đó là nhờ động cơ chớ chẳng phải nhờ tự lực. Lại nữa, thí dụ như tự mình bay bổng đi tới chỗ khác không được, mặc dầu chỗ ấy không xa bao nhiêu. Nhưng trái lại, nếu nhờ máy bay chở, thì dầu xa cách mấy, cũng đi tới được một cách dễ dàng.

262. Phương tiện hữu dư Tịnh độ là gì? Bậc nào sinh về cõi này?

- Cõi Tịnh độ hữu dư, cũng chưa phải là chỗ cứu cánh tuyệt đích của người tu hành niệm Phật, cõi này còn dùng các phương tiện để tu hành. Người niệm Phật nào dứt hết kiến hoặc (sự thấy biết tối tăm) và tư hoặc (tư tưởng làm mê hoặc lấy mình), thì được vãng sinh về cõi Phương tiện hữu dư Tịnh độ. Cõi này của La hán và Bích chi ở. Chư Phật và chư Bồ tát thường ứng hiện cõi này để dìu dắt hàng Nhị thừa vượt lên Đại thừa.

263. Còn Thật báo Trang nghiêm Tịnh độ là sao?

- Ai tu hành niệm Phật, phá được vô minh, nhưng còn sót chút ít tình tưởng thì vãng sinh về cõi Thật báo Trang nghiêm Tịnh độ; cõi Tịnh độ này của các vị Bồ tát, Phật thường ngự tại đây để dắt dẫn các hàng Bồ tát lên địa vị Đẳng giác (gần kề Phật).

264. Cõi Thường tịch quang Tịnh độ là sao?

- Người nào niệm Phật phá được nguồn gốc mê lầm (nguồn gốc bất giác tâm động), không còn vô minh nữa, phước huệ đầy đủ, thì chứng được cõi Thường tịch quang Tịnh độ, tức là thành Phật. Thường tịch quang là một cõi Tự Thọ dụng độ, tức là cảnh giới tu chứng của chư Phật. Còn Tha Thọ dụng độ là cảnh giới của chư Phật thị hiện ra để độ các vị Bồ tát và Đẳng giác Bồ tát.

Chính cõi Tây phương Tịnh độ thuộc về "Biến hoá độ” do đức A Di Đà lập ra, để dìu dắt chúng sinh mau vượt lên bậc Đại thừa bất thối và thành Phật trọn vẹn, khỏi trải ba kiếp a tăng kỳ (ba vô số kiếp).

265. Theo các cõi Tịnh độ đã kể ra trên đây, thế thì người tu về môn niệm Phật, cũng đoạn hoặc chứng chân, như các giáo pháp của nhà Phật. Nhưng, người niệm Phật chưa có trí huệ, nhờ gì mà trau giồi sửa đổi thói xấu, tật hư?

- Ngoài sự niệm Phật, ăn chay, thiền định, giác ngộ, quán tưởng... có phương pháp này mau hơn hết, là nhờ thiện hữu tri thức. Nếu có ai chỉ trích cái lỗi, cái xấu của mình, thì mình phải phản quang (xem lại vào trong) mà xét lại một cách vô tư và đúng đắn, coi lời chỉ trích ấy đúng chăng. Nếu đúng thì nên công nhận và sửa đổi. 

Đó là bậc chưa có đèn huệ, soi trong nhà (thân tâm) chưa được, nên chẳng thấy bịnh tật của mình, phải nhờ thiện hữu tri thức bắt mạch cho, mới biết bịnh mà uống thuốc.

266. Còn người trí huệ bậc trung, trau giồi sửa đổi thói xấu tật hư như thế nào?

- Người có trí huệ bậc trung, hằng dùng trí này để trau giồi, nên thói xấu tật hư không còn hiện ra ngoài hành vi và lời nói, nên người ngoài khó thấy, chỉ còn cái lòng sinh diệt trong tâm niệm mà thôi. Tuy vậy, tạp khí (bịnh chứng) hãy còn, chủng tử hữu lậu (hột giống mê lầm) có lúc xuất hiện, vì gặp duyên mạnh lôi cuốn. Nhưng, nhiều khi cũng dập tắt được trong lúc bịnh mới phát.

Bậc này hành vi, cử chỉ, lời nói và tướng đi, tướng đứng được oai nghi chút đỉnh, tướng mạo hơi trang nghiêm, không còn nói chơi, không còn trững giỡn, biết ngăn tâm sinh, biết sợ nhân hơn sợ quả.

267. Bậc trí huệ rộng lớn bờ kia (đại trí huệ đáo bỉ ngạn) ra thế nào?

- Đây là bậc sáng suốt rộng lớn, đã tới bờ giác. Nhưng vì cái lẽ còn ở thế, nên hoà quang hỗn tục, hành vi cử chỉ toàn là tuỳ duyên, nên kẻ phàm phu và hàng Nhị thừa xem không thấy nổi. 

Ba bậc trí huệ trên đây là nói tổng quát, nếu phân tích kỹ mỗi bậc lại có rất nhiều trình độ không đồng.

268. Tôi nghe ông giải thích pháp niệm Phật, nhất là thấy công việc làm của Giáo hội đúng với chủ nghĩa từ bi của nhà Phật, tôi muốn theo quá, nhưng vì sợ tội phản sư, vậy phải làm thế nào?

- Cũng đồng là đệ tử nhà Phật với nhau, thì đâu phải là phản sư. Phải biết rằng chúng ta chỉ có một thầy duy nhất mà thôi, ấy là đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Còn quy y thì với Phật, Hiền, Thánh, Tăng. Chừng nào ông bỏ đạo Phật mà theo một vị giáo chủ nào khác, hoặc theo một ông thầy ngoại đạo, thì mới gọi là phản sư. Hay là ông ngại rằng trong Giáo hội TĐCSPHVN có đức Tông sư Minh Trí? 

Ông nên hiểu rằng đức Tông sư Minh Trí, Ngài xem chúng ta như thiện hữu tri thức, Ngài đối đãi với chúng ta như một bậc đàn anh do tuổi cao tác lớn, không bao giờ Ngài lấy danh nghĩa thầy trò mà đãi ngộ chúng ta. Sở dĩ Ngài được tôn lên làm Tông sư là do toàn thể các sắc hội viên và thiện nam tín nữ, trong một cuộc Đại hội, tưởng niệm đến công lao cực khổ của Ngài, tưởng niệm đến đức hạnh của một nhà đại đức, rồi đồng lòng tôn lên, để cầm giềng mối cho Đạo Hội.

Từ xưa tới nay, biết bao nhiêu vị pháp sư, biết bao nhiêu vị thiền sư, cùng là những bậc đại đức hoà thượng, nhờ đi châu du học nhiều thầy mà đặng đắc đạo, danh tiếng lẫy lừng. Nếu bắt tội phản sư, thì vô số hoà thượng, pháp sư, thiền sư đều có tội, đâu đặng chứng quả. Từ xưa tới nay, mỗi lần có một vị tôn sư đại đức nào ra đời, thì có biết bao nhiêu người lìa thầy, đổ xô tới học, đều mang tội phản sư hết hay sao?

269. Ông nói như vậy tôi cũng nhận, nhưng tôi còn thắc mắc chỗ này: Thầy tôi là người xuất gia, còn đức Tông sư là tại gia cư sĩ, nếu tôi theo ngài sợ không phải lẽ chăng? 

- Nếu nói cạn lẽ nghe cũng kỳ, vì sợ có người hiểu lầm rằng tôi có ý tranh biện hay có ý khuyến dụ ông, bằng để vậy thì chân lý bị khuất lấp, bởi vì ai cũng ngại nên không dám vạch ra. Vậy tôi xin lỗi đỡ lời: Như ngài pháp sư Ấn Tông đảnh lễ cầu pháp với đức Lục tổ Huệ Năng trong lúc Ngài chưa xuống tóc thọ cụ túc giới, chẳng là không nên hay sao?

Chưa chứng đạo mà lìa thầy để đạt chỗ tu chứng, thì có gì là tội. Dầu cho nhờ thầy mà chứng đạo đi nữa, khi xa lìa thầy cũng chưa chắc là có tội. Bằng cớ là ngài Thiện Tài đồng tử, đã ngộ đạo, đã chứng đắc rồi, mà còn bỏ thầy đi tìm cả mấy chục vị để tham học thêm đó sao? Sau khi chứng quả, ngài Thiện Tài lại bỏ Phật Thích Ca mà theo đức A Di Đà, cầu sinh về Tịnh độ, chẳng là mang tội phản sư hay sao? 

Nếu nói xuất gia, thì nên hiểu thế nào là xuất gia. Xuất là ra, gia là nhà, ra khỏi nhà nào? Có phải là ra khỏi gia đình vào chùa ở chăng? Xuất gia là ra khỏi nhà lửa Tam giới, vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi toạ cụ Như Lai.

270. Vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi toạ cụ Như Lai, là sao?

- Vào nhà Như Lai là nhập Như Lai tạng, chứng Như Lai tự tính, từ vô thỉ kiếp vị lai không bao giờ hư hoại, không bao giờ biến đổi, toàn thể pháp giới tính là như như bất động. Nhà Như Lai cũng có nghĩa là đại từ bi. 

Mặc áo Như Lai, nghĩa là áo nhu hoà nhẫn nhục, chứng bậc vô sinh pháp nhẫn, nhất thiết các pháp đều tịch diệt, chẳng động chẳng tĩnh, chẳng sinh chẳng diệt.

Còn ngồi toạ cụ Như Lai, là các pháp đều không (chân không), chẳng thường chẳng đoạn, chẳng tịnh chẳng nhiễm, chẳng vọng chẳng chân, chẳng mê chẳng ngộ, v.v... 

Cái nghĩa xuất gia là như thế, chẳng phải đầu tròn áo vuông mà gọi là xuất gia. Hễ thờ Phật là đạo chung, ông đừng ngại chuyện ấy.

271. Tại sao đạo Phật không chọn lọc tín đồ cho kỹ, ai vô tu cũng đặng hết vậy? Bên Tiên người ta lựa từng người, nếu không đủ căn bản, không thâu nhận làm học trò ...?

- Tại bên Phật thấy xa hiểu rộng, cho nên ai tu cũng được hết, chẳng cần có căn bản hay không, dầu sớm mai tu, chiều bỏ cũng được, bởi Phật dùng cách viễn nhân đắc độ, nghĩa là dùng nhân duyên lâu dài, để người ấy về sau được Phật độ.

272. Nhân duyên lâu dài là thế nào? 

- Nghĩa là hiện nay người ấy chỉ niệm một hai tiếng Phật thôi, cũng như hạt giống đã gieo sẵn đó. Có một ngày kia nghĩa là đời kiếp nào không biết, hạt giống đã gieo ấy gặp được duyên lành, tự nhiên nảy nở bộc phát, lẽ tự nhiên mau thành công đắc quả.

Miễn gieo được hạt giống Phật, còn sự kết quả tốt đẹp thì đời nào, kiếp nào cũng chẳng sao. Như đức Phật đó, Ngài cũng vô lượng kiếp mới viên thành, chớ có phải một ngày một buổi gì đâu.

Còn nữa.....
-
Trích trong: Phật học vấn đáp
Soạn giả: Cư sĩ Như Pháp
Giấy phép số: 753/X.B

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Làm sao để giữ giới không sát sanh?

Hỏi - Đáp 17:30 24/04/2024

Hỏi: Tôi là một Phật tử tại gia, tốt nghiệp đại học Nông nghiệp và hiện công tác tại trạm bảo vệ thực vật huyện (chuyên phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng). Tôi cảm thấy rất mâu thuẫn và bất an bởi công việc mình đang làm phạm vào giới sát (vì hàng ngày hướng dẫn nông dân diệt trừ sâu bọ).

Cầu nguyện Phật, Bồ tát đúng Chánh pháp

Hỏi - Đáp 16:45 24/04/2024

Tôi đã nhiều lần nhìn thấy không ít người sau khi cầu nguyện còn dùng tay xoa tượng Phật sau đó xoa lên cơ thể. Là người Phật tử chân chính, tôi rất ưu tư về điều này. Khi tôi hỏi họ làm như thế với mục đích gì thì họ bảo là để chữa bệnh.

Quy y Tam bảo mà không thọ giới được không?

Hỏi - Đáp 16:50 18/04/2024

Hỏi: Tôi có vấn đề muốn hỏi. Quê tôi chưa có chùa, vậy tôi có thể tự quy y Tam bảo ở nhà không? Và khi chưa thể giữ được 5 giới thì vẫn có thể quy y nhưng không thọ giới có được không?

Kính Tăng đúng pháp được phước vô lượng

Hỏi - Đáp 14:40 16/04/2024

Hỏi: Người Phật tử khi nhìn thấy nhà sư thì luôn khởi tâm kính trọng. Vậy đối với những vị sư không nghiêm trì giới luật, phá giới hay khiếm khuyết oai nghi thì nên khởi tâm như thế nào để không bị tổn phước?

Xem thêm