Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 24/03/2017, 10:11 AM

Phật học vấn đáp (P.6)

Hỏi: Tại sao không cho diệt trừ phiền não? Xin vui lòng giải thích cho rộng nghĩa. Nhất là phải có thí dụ cho dễ hiểu. - Phiền não và bồ đề, tên tuy hai mà đồng một bản thể. Vì lẽ ấy, nếu dứt phiền não thì bồ đề cũng không còn. Cũng như nước với sóng, danh dị thể đồng, vì thế, làm cách nào cho sóng lặng là hợp với pháp lý. Trái lại, nếu như tiêu diệt sóng thì nước cũng không còn.

Chương VI: Phiền não tức Bồ đề

273. Chúng tôi xem sách Phật đã xuất bản, thấy nói khác nhau gần như đối lập, xin ông vui lòng phê bình những chỗ bất đồng ấy, đặng cho chúng tôi mau thấy ánh sáng Phật pháp?

- Xin lỗi, chúng tôi không thể nào làm vui lòng quý ông được. Bởi vì phê bình thì phải phân tích những chỗ hơn kém, phải khen cái này, chê cái kia,... Người tu hành mà còn có cái lòng khen chê kẻ khác, thì làm sao dung hoà mà cùng nhau học đạo cho được.

Nên để ý rằng, hễ có phê bình, lẽ tất nhiên có tranh biện, nhưng ít ai tranh biện vì lẽ phải, phần nhiều tranh biện vì lòng tự ái. Theo thiển kiến của chúng tôi: đối với Phật pháp mà còn tranh biện, thì chưa hiểu được Phật pháp một cách rốt ráo.

274. Có tranh biện mới có nảy sinh ánh sáng, thế mà ông lại nói: còn tranh biện thì chưa hiểu được rốt ráo Phật pháp, điều này nhờ ông giải thích.

- Phật pháp là một môn học không nhất định trong khi dạy Đạo, bởi tuỳ cơ duyên, tuỳ trình độ của mỗi người mà thuyết lý, nên không ai đồng với ai. Vì lẽ đó, mới có khác nhau về giáo lý gần như đối lập, tức là có nhiều phương tiện tu tập bất đồng. Nếu đem những chỗ bất đồng trong giáo lý, mà tìm chỗ khuyết điểm của mình, là điều rất đúng. Trái lại, đem ra phê bình là điều sai.

Đức Thế Tôn, trong bốn mươi lăm năm truyền bá Phật pháp, chẳng khác nào một ông thầy thuốc trong lúc đang chữa bịnh. Vì lẽ ấy Ngài phải tuỳ chứng mà lập phương: Hễ bịnh nhức đầu thì có thứ thuốc nhức đầu, bịnh đau bụng thì có thứ thuốc đau bụng, bịnh rét thì có thuốc rét, v.v... Bởi vậy cho nên, Phật pháp có tám vạn bốn ngàn* pháp môn, để trừ tám vạn bốn ngàn trần lao của chúng sinh.

* Tám vạn bốn ngàn (84.000) là nói tổng quát về số nhiều theo phong tục Ấn Độ.

Đối với Phật pháp mà còn tranh biện, thì không khác nào kẻ chấp thuốc nhức đầu hay hơn thuốc đau bụng, người chấp thuốc rét hay hơn thuốc kiết, có phải là lầm lạc chăng? Nội một bịnh đau bụng mà còn có nhiều chứng khác nhau, cho nên sự dùng thuốc chẳng đồng, huống hồ khác bịnh, khác thuốc mà đem ra so sánh cái công dụng của nó hơn kém khác nhau, quả là một sự lầm to.

Cái hay của thuốc (cũng như cái hay của Giáo lý) là khi nào dùng trúng bịnh chứng (dùng đúng căn cơ trình độ). Vì lẽ ấy, một vị sài hồ, nếu dùng hạp với bịnh chứng, còn quý hơn sâm nhung. Trái lại, sâm nhung mà dùng trị cảm mạo thương hàn, chẳng những không lợi cho bịnh nhơn, mà còn mắc nhân mạng là khác. Cũng như kẻ tiểu căn, tiểu trí mà truyền dạy giáo pháp Đại thừa, là một cái hại không vừa.

275. Trong khi tranh biện, dùng kinh mà làm chứng cho kinh (dĩ kinh chứng kinh), thì là một điều hay, tại sao lại cho rằng không hiểu Phật pháp?

- Nếu đối tượng cũng dùng kinh chứng cho kinh để bác nhau thì té ra Phật pháp toàn là mâu thuẫn với nhau hay sao? Chẳng phải như thế đâu. Là vì khi mê thì thấy có trình độ người này trái nghịch với trình độ kẻ khác, còn lúc tỏ ngộ thì không có gì trái nghịch cả, vốn là bình đẳng viên dung. Kinh luận nhà Phật cũng thế, nếu trình độ còn ở Nhị thừa, lẽ tự nhiên kiến thức còn hẹp hòi, sự hiểu biết không được trùm cả toàn thể đại dụng của các pháp trong khi tu học, cho nên thấy có sai biệt khác nhau. Vì lẽ ấy, mới thấy có sự phân biệt chỏi nhau giữa các kinh luận. Đến khi tỏ ngộ, thấu suốt cả tính, tướng, thể, dụng như như bình đẳng, thì kinh nào cũng như kinh nào, không có gì trái nghịch cả. Trong kinh Kim Cang, Phật có chỉ dạy: "Ta xem các pháp đều là bình đẳng, không có cao thấp.” Thế thì, dùng kinh làm chứng cho kinh, để bổ khuyết cho những điều sơ sót trong khi tu học, là một cái lợi. Trái lại, để đem ra phê bình lại là một cái hại.

Người tu hành theo giáo pháp Đại thừa, không nên cãi vã làm chi cho mất hạnh đức của minh. Chỉ có người mới tu, đức hạnh chưa có mới tranh đua giỏi dở mà thôi. Nếu ở đó khen quyển này, chê quyển kia, đó là tự mình khoe cái dốt của mình cho người khác thấy.

276. Nói như thế cũng phải, nhưng nếu gặp trường hợp: cùng một cái pháp, hoặc cùng một vấn đề, hay đồng một danh từ, mà đôi bên khác hẳn nhau, lẽ tất nhiên ông cũng phải đồng ý với chúng tôi rằng, cần phải tranh biện cho hẳn hòi chớ?

- Cái đó cũng còn tuỳ, có khi cũng không thể tranh biện được. Bởi vì tuy đồng một pháp mà Nhị thừa hiểu khác, Bồ tát thừa hiểu khác. Nghĩa là kẻ cao người thấp hiểu không đồng, mặc dầu là một vấn đề, một danh từ, hay một pháp chẳng hạn. Hễ tiểu căn tiểu trí thì giải thích theo lối sai biệt, theo lối tiệm tiến, thiên về mặt tương đối. Còn người đại căn đại trí thì lại giải thích theo lối viên dung bình đẳng, hướng về mặt tuyệt đối. Thế thì, tuy đồng một pháp, một vấn đề, một danh từ mà lý giải rất cách biệt hẳn nhau như trời với vực. Như vậy, càng tranh biện thì càng làm cho bất đồng ý kiến chớ không ích gì.

Về sự tu Phật, người cao thì nói ít mà nghĩa nhiều, cái nghĩa ấy nó thâm sâu vi diệu. Còn kẻ thấp thì nói huyên thiên kinh luận, mà ý nghĩa không rốt ráo, dầu có tranh biện trong vòng nhã nhặn cũng không có gì hứng thú.

Xê xích nhau một tý mà còn cãi nhau kịch liệt, huống chi hai trình độ, hai thái cực. Bởi vậy cho nên, người cao, luôn luôn có bổn phận cố gắng: hoặc là tuỳ duyên, hoặc là dung hoà, đừng để xảy ra cuộc tranh biện. Nếu để cho xảy ra, là tại người cao thiếu đức hạnh, không phải là bậc đại đức đáng tôn sùng. Nhưng, cũng có khi người cao dùng phương tiện đốn phá để cho người thấp chóng tỏ ngộ. Trong lúc ấy, nếu đối tượng chưa tỏ ngộ, thì không nên đốn phá thêm mà sinh ra kích bác lẫn nhau. Thế thì, nói ít là điều hay hơn hết.

277. Tại sao phải nói ít? Bởi vì càng nói nhiều, đối tượng càng hiểu nhiều chớ có sao?

- Nói nhiều để cho người ta hiểu nhiều, là khi nào nói ra một cái pháp vừa với trình độ của đối tượng kìa. Nếu đối tượng còn thấp thỏi mà dùng chân lý Đại thừa để nói nhiều, thì càng nói nhiều chừng nào, lại càng cãi nhiều chừng nấy. Tuy nhiên, cũng có khi người cao đưa ra cái thí dụ để cho đối tượng tùng dụ mà đạt được chân lý. Nếu đối tượng còn thấp kém quá lẽ, không tùng dụ mà đạt được pháp lý, thì cái pháp đương nói đó, đối tượng cần phải nỗ lực tu hành thêm không biết bao lâu nữa, mới đặng tỏ ngộ. Như vậy, có phải nói nhiều mà làm cho đối tượng hiểu nhiều đâu. Ví dụ như câu phiền não tức bồ đề, đối tượng cố viện lẽ rằng: "Cần phải tiêu diệt phiền não, rồi lần lần mới chứng tâm bồ đề.” Giải thích theo lối tu chứng sai biệt như thế, đủ biết trình độ của đối tượng rồi, cần chi tranh luận cho nhiều lời.

278. Tại sao không cho diệt trừ phiền não? Xin vui lòng giải thích cho rộng nghĩa. Nhất là phải có thí dụ cho dễ hiểu.

- Phiền não và bồ đề, tên tuy hai mà đồng một bản thể. Vì lẽ ấy, nếu dứt phiền não thì bồ đề cũng không còn. Cũng như nước với sóng, danh dị thể đồng, vì thế, làm cách nào cho sóng lặng là hợp với pháp lý. Trái lại, nếu như tiêu diệt sóng thì nước cũng không còn.

279. Xin cho một thí dụ khác và dùng kinh luận nhà Phật để làm bằng cớ?

- Cũng như vàng với xuyến: chiếc xuyến làm bằng vàng nguyên chất. Hình tướng của vàng nguyên chất là chiếc xuyến, thể chất của chiếc xuyến là vàng. Ngoài chiếc xuyến không có vàng, ngoài vàng không có xuyến. Nếu tiêu diệt chiếc xuyến thì vàng không còn; trái lại, phá hoại vàng thì xuyến cũng không có. Hễ thấy vàng thì biết được xuyến, biết được xuyến là rõ vàng. Cũng như thế, nếu biết đặng phiền não, đó tức là bồ đề.*

* Biết được vọng, thì vọng đó là chân; chấp chân, chân tức vọng.

Theo cái thí dụ trên đây, thì biết rằng không thể tiêu diệt phiền não được. Vì cái lẽ không thể diệt được như cái lý đã giải thích trên đây, nên Ngài Hương Hải thiền sư có nói:

Dục trừ phiền não trùng tăng bệnh,
Siêu khởi chân như tổng thị tà.

Trong Pháp Bửu Đàn Kinh có một đoạn không cho diệt trừ phiền não như vầy:

Vua Trung Tôn nhà Đường và Tắc Thiên hoàng hậu, có xuống chiếu mời đức Lục tổ Huệ Năng vào kinh. Ngài từ chối không đi. Vua bèn sai quan nội thị Tiết Giản, là người hiểu đạo Phật cũng khá, đáng tin cậy, đặng đủ sức tham vấn Lục tổ. Tiết Giản đến bạch rằng:

- Bạch hoà thượng, khi đệ tử này trở về kinh đô, thế nào chúa thượng cũng hỏi, xin đại sư từ bi chỉ bảo những chỗ yếu lý của tâm pháp, đặng đệ tử mới có thể tâu lại hai cung và bày tỏ cho những người học đạo ở kinh thành biết mà tu học. Như thế, ví như một ngọn đèn mà thắp ra trăm ngàn ngọn, các chỗ tối đều sáng, sáng sáng vô cùng.

Tổ trả lời rằng:

- Đạo không có sáng tối, danh từ sáng tối là nghĩa dời đổi, nếu sáng sáng vô cùng, thì cũng có ngày cùng. Bởi vì sáng tối là hai danh từ tương đối, dùng để mà đặt tên kêu gọi và phân biệt. Do theo cái nghĩa này, mà kinh Tịnh Danh có nói rằng: "Pháp không có so sánh, vì không đối đãi nhau.”

Tiết Giản bạch rằng:

- Sáng ví với trí huệ, tối ví với phiền não. Người tu hành, nếu chẳng dùng trí huệ soi chiếu, đặng phá tan phiền não, thì làm thế nào thoát ly nghiệp sinh tử luân hồi, từ vô thỉ nhẫn lại đây?

Tổ nói:

- Phiền não tức bồ đề, không hai không khác. Nếu dùng trí huệ để chiếu phá phiền não, đó là chỗ kiến giải của hàng Nhị thừa, thuộc về căn cơ trình độ của xe Dê, xe Nai.* Còn bậc thượng căn đại trí (Đại thừa) thì chẳng phải như vậy…

* Chỉ hàng Nhị thừa: Thinh văn, Duyên giác.

Xem những lời của đức Lục tổ Huệ Năng, thì biết rằng, chân lý của Đại thừa là viên dung bình đẳng, vô nhị vô dị, sắc không như một, phiền não tức bồ đề.

280. Chúng tôi xem sách Phật, thấy nói đời xưa mấy vị thiền sư cũng có tranh biện. Không lẽ mấy vị ấy không biết những lời của ông vừa nói đó.

- Vâng, cũng có một thiểu số do sự vấn đáp đưa lần tới tranh thủ ý kiến. Nhưng, đại đa số đều theo lối cổ truyền, là "đốn phá” để cho đối tượng mau tỏ ngộ đạo mầu, chớ toàn không có ý tranh luận hơn thua, giỏi dở như người đời nay. Bởi vậy, người xưa, sau khi khuất lý, bèn tỏ vẻ phục thiện, tôn trọng như bậc thầy,* vì nhờ đó mà được tỏ ngộ.

* Trong kinh Duy Ma, đức Phật có dạy tôn trọng đạo hữu như bậc thầy.

Người đời nay, đại đa số đều có lòng tự ái quá cao, nên dầu khuất lý cũng không nhìn nhận chỗ khuyết điểm của mình để mở đường khai lối. Nhiều khi còn át lời của người khác, không cho chen vào mà trả lời hay giải thích được. Người đời nay, tỏ ra không có một mảy đức hạnh trong sự thảo luận đạo đức, điều này chúng ta đã được thấy nhiều rồi.

Chẳng những vậy mà thôi, ngưòi đời nay học đạo: chưa ngộ nói đã ngộ, chưa chứng nói đã chứng, chưa hiểu nói đã hiểu, toàn là lời nói ngăn lấp con đường tu hành, dầu cho ai có muốn chỉ vẽ cũng phải ngậm lời.

281. Có kinh sách nào dạy đừng tranh cãi không?

Trong Pháp Bửu Đàn Kinh, đức Lục tổ Huệ Năng có nói:

Nhược ngôn hạ tương ưng,
Tức công luận Phật nghĩa.
Nhược thật bất tương ưng,
Hiệp chưởng linh hoan hỷ.

Thử tông bổn vô tranh,
Tranh tức thất Đạo ý.
Chấp nghịch tránh pháp môn,
Tự tính nhập sinh tử.

Đại ý: Dưới lời nói nếu đồng thanh tương ứng, thì cùng nhau ta bàn luận nghĩa lý nhà Phật. Bằng như thật chẳng đồng thanh tương ứng, thì phải vui vẻ chắp tay cung kính. Pháp môn này vốn không tranh cãi, nếu tranh cãi thì mất cái ý nghĩa của đạo vô thượng. Pháp môn phá chấp mà còn tranh chấp, làm như vậy rất trái nghịch, đó là tính của mình nhập vào sinh tử.

282. Hiện nay, ông dùng sở đắc nào để hoằng dương Phật pháp cho nhơn sinh đặng nhờ?

- Nếu có sở đắc để dạy đạo, đó là phàm phu, đó là tăng thượng mạn, đó là chấp pháp. Trong sách Phật nói: "Bánh xe gươm chém hết đầu người trong thiên hạ, còn nhẹ tội hơn kẻ có tâm sở đắc, mà nói pháp Đại thừa.”

283. Không. Ý tôi muốn nói: cái pháp mà ông sở trường dùng để dạy đạo?

- Cũng không có pháp nào gọi là sở trường, nếu có sở trường lẽ tự nhiên có sở đoản, chưa phải là bậc viên minh, chưa phải là bậc thấu tỏ toàn thể đại dụng của các pháp. Bởi vì Phật pháp toàn là tuỳ duyên mà hoá độ, cũng như y học, phải tuỳ chứng lập phương. Các pháp không có tướng nhất định (pháp vô định tướng) là ý nghĩa như vậy.

284. Trong sách Phật, có sự tích nào gọi là tuỳ duyên hoá độ chăng?

- Trong Pháp Bửu Đàn Kinh có đoạn:

Chí Thành là đệ tử của sư Thần Tú, vâng lời thầy đi qua miền Nam tìm Lục tổ Huệ Năng mà hỏi đạo.

Chí Thành hỏi rằng:

- Thầy tôi dùng pháp lý Định Huệ mà dạy Đạo như vậy, chưa rõ hoà thượng chuyên dùng pháp chi để dạy Đạo cho người đời?

Lục tổ đáp:

- Nếu ta nói có pháp để dạy Đạo, tức là nói dối với ngươi. Ta chỉ tuỳ phương tiện mà giải thoát cho người đời đó thôi.

Xét những lời nói của Tổ, thì biết rằng, nếu nói có sở trường tức là có sở đắc, mà cũng tức là còn mê chấp các pháp. Như vậy, tự mình chưa giải thoát được, mong gì giải thoát hay phá chấp cho người.


Chương VII: Phát tâm Bồ đề 

285. Ý nghĩa hai tiếng Tiểu thừa và Đại thừa như thế nào?

- Tiểu là nhỏ, thừa là cỗ xe. Ý nói rằng cỗ xe nhỏ không thể chở nhiều người được, hoặc một mình, hoặc vài người, hoặc độ thế trong một thời gian đương tu hành là cùng, chớ không có lòng thệ nguyện độ tận chúng sinh, trải hằng sa số kiếp như Đại thừa. Sức xe nhỏ, chẳng những không thể chở nhiều người, mà năng lực đi đường cũng không thể tới nơi tới chốn như Đại thừa (xe lớn).

Đại thừa là cỗ xe lớn, chẳng những chở đặng nhiều người, mà năng lực lại có thừa đi tới nơi tới chốn; hơn nữa, dầu phải đi đến vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp cũng là vô ngại. Bậc Đại thừa có cái tâm lượng rộng lớn, đại hùng, đại lực, quyết độ tận chúng sinh tổng giai thành Phật đạo, dầu phải lăn lộn trong vòng lục đạo cũng không từ. Bất cứ đời nào, kiếp nào, cùng tận vị lai, hy sinh ngôi chân phước Niết bàn (nghĩa là không chịu an hưởng công phu tu chứng của mình), tức là không an trụ tịch tịnh nơi cõi Niết bàn như Nhị thừa.

286. Muốn tu học giáo lý Đại thừa, phải làm sao?

- Tuỳ khả năng của mình, hoặc học ngay giáo lý Đại thừa như Biệt giáo, Viên giáo, hoặc tu tập từ thấp lên cao, nghĩa là phải trải qua Nhị thừa như Tạng giáo, Thông giáo, rồi mới tiến lên Đại thừa.

Muốn tu học giáo lý Đại thừa, phải xét năng lực của mình, nếu được thì phát đại thệ đại nguyện độ tận chúng sinh, nhất là phải cầu chư Phật, chư Bồ tát chứng minh và ủng hộ bản nguyện của mình cho mau thành tựu. Sự cầu nguyện giúp đỡ như vậy, không khác nào kẻ nghèo cầu người phú hộ giúp vốn đi buôn, tự nhiên sự tu hành của mình sẽ chóng phát triển.

Nên chú ý rằng, khi nào mình thấy tấm lòng từ bi bác ái của mình mở rộng, biết thương xót tất cả chúng sinh, muốn độ cho tất cả chúng sinh đều được giải thoát, thì chừng đó mới nên phát đại thệ nguyện. Bằng như tấm lòng đại từ bi của mình chưa phát hiện, dầu có lập thệ cũng không ích gì.

287. Thế nào gọi là phát tâm bồ đề?

- Phát tâm bồ đề là phát lòng cầu thành Phật. Trong Kim Cang gọi là "Phát tâm vô thượng chính đẳng chính giác,” tiếng Phạn gọi là Phát A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.

Nên biết rằng, chỉ có phái Đại thừa mới có phát tâm bồ đề mà thôi. Khi nào tấm lòng đại từ bi của mình chưa phát hiện, thì chưa có thể phát tâm bồ đề được, mặc dầu trình độ tu tập và cách thức hành đạo của mình đúng với tư cách Đại thừa. Bởi cái lẽ rất dễ hiểu, là không có một vị Phật nào, mà không có lòng từ bi rộng lớn thương khắp chúng sinh, và không có một vị Phật nào mà không có lòng độ tận chúng sinh tổng giai thành Phật đạo. Thế nên, cái nguyên động lực (động lực chính) của sự phát tâm bồ đề, là do tâm đại từ bi nảy nở. Vì lẽ đó, trong kinh Ưu bà tắc có nói: "Tâm đại bi là nguyên nhân sinh ra tâm bồ đề.”

Muốn cầu đạo vô thượng chính đẳng chính giác, mà không có lòng từ bi rộng lớn, nghĩa là không có lòng độ tận chúng sinh vô lượng vô biên khắp trong các thế giới, thì là một điều vô lý vậy. Vả lại, gian đoạn phát tâm bồ đề là giai đoạn lãnh sứ mạng của một vị Bồ tát, tức là giai đoạn xả thân cứu đời, thực hiện chủ nghĩa từ bi bác ái, tự giác giác tha, kỳ cho được giác hạnh viên mãn.* Đó là chỗ kết quả của sự phát tâm bồ đề, trong kinh gọi là "Đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.”

* Hạnh lợi mình và hạnh lợi người đều được trọn đủ.

288. Trong giai đoạn phát tâm bồ đề, ngoài cái lợi ích về sự tự giác ra, còn có cái lợi ích nào nữa chăng?

- Có một điều lợi ích to tát, mà không mấy người tu hành biết được. Nếu chúng ta phát tâm bồ đề, thì chúng ta đồng chí hướng với chư vị Bồ tát và chư Phật khắp trong mười phương ba đời. Cũng như trong nhà ta có người quân tử, thì ngoài ngõ có bậc quân tử tới viếng, vì lẽ đồng thanh tương ứng. Bởi vậy cho nên, trong khi phát tâm bồ đề, chúng ta không yêu cầu (khấn vái) các Ngài tới giúp đỡ chúng ta làm tròn sứ mạng độ sinh, tự nhiên các Ngài cũng tìm tới mà giúp đỡ, vì đó là bổn phận của các Ngài vậy. 

Nên biết rằng: kẻ phàm phu như chúng ta, mà được các Ngài tới giúp đỡ, là một chuyện may mắn to tát, một điều hạnh phúc vô biên, dầu đem tất cả báu vật của cả thế gian này, mà đổi cái giá trị hạnh phúc ấy cũng không nhằm gì. Ấy là hạnh phúc được các Ngài thường ban thần lực, thường ban ân huệ, nhất là giúp cho mình mở mang trí hoá, để cho mình ngộ giải được chân lý nhiệm mầu của Đại thừa Phật học. Cái chân lý này, dầu hội hợp tất cả trí huệ của hàng Nhị thừa, cũng không thể nào lãnh hội nổi.

289. Các Ngài hiện thân thế nào, để giúp đỡ những người tu hành phát tâm bồ đề?

- Trong mười phương thế giới, đâu đâu cũng có chư Bồ tát và chư Phật, hiện thân độ thế một cách rất bí mật, mà không mấy ai được biết, hoặc bằng cách giáng sinh, hoặc bằng siêu hình, như pháp thân ở trong cảnh giới tha thọ dụng độ, hoặc các Ngài cho học trò của các Ngài tới giúp đỡ chúng ta một cách trực tiếp.

290. Có kinh luận nào nói rõ về sự giúp đỡ của các Ngài chăng?

- Đại thừa Khởi Tín Luận có nói: "... Từ khi bắt đầu phát tâm cầu đạo vô thượng, cho đến lúc thành bậc Chính giác (Phật), trung gian nhờ chư Phật và chư Bồ tát, hoặc hiện thân làm quyến thuộc như cha mẹ, bà con, hoặc hiện thân làm kẻ hầu hạ sai khiến, hoặc làm người hạnh lành, hoặc làm kẻ oán thù, hoặc giúp sức bằng cách dạy cho tu tập bốn nhiếp pháp.* Nói tóm lại, là các Ngài giúp đỡ tất cả công việc làm và thi thố duyên lành bằng vô lượng hạnh đức. Sở dĩ có sự giúp đỡ như thế, là do lòng đại bi của các Ngài phát khởi trong sự tu tập lâu đời. Nhờ cách thức giúp đỡ như thế, làm cho người tu hành càng nảy nở thêm lớn những căn lành (thiện căn).”

* Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự.

Theo những lời của đức Mã Minh Bồ tát nói như trên, tất cả những người tu hành có lòng chí thành, muốn đến địa vị hoàn toàn giải thoát, không nên ngược đãi người ăn kẻ ở, cho đến những người mà mình gọi là kẻ thù cũng vậy. Nhất là những bạn hữu giúp ích cho mình tiến hoá trên con đường tu tập, cũng phải kính trọng như bậc thầy,** đặng dễ bề diệt thói kiêu căng tự phụ, do sự đoạn trừ chưa hết tính chấp ngã của mình.

** Kinh Duy Ma dạy như thế.

291. Khi tâm đại từ bi đã phát hiện rồi, dùng lời gì để thệ nguyện?

- Có bài tứ hoằng thệ nguyện dưới đây, gồm lý, trí, bi, dũng, nhân quả, tổng quát của sự phát tâm bồ đề (nhớ kèm thêm chí hướng và tên họ của mình):

Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ (bi) )
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn (trí) ) -> nhân = tu
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học (lý) )
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành (dũng) -> quả = chứng

Câu thứ nhất: cái lẽ phát đại thệ nguyện độ tận chúng sinh, là do nguyên động lực của tâm đại bi sinh ra. Câu thứ nhì: chỉ về trí huệ để dùng đoạn hoặc chứng chân. Câu thứ ba: chỉ về sự học hỏi, nghiên cứu chân lý kinh luận đại thừa. Câu thứ tư: chỉ sự kết quả viên mãn, do hạnh tự giác và giác tha của bậc vô thượng bồ đề.

292. Trong bốn câu thệ nguyện, câu thứ ba tôi còn nghi ngại là đời người sống được bao nhiêu, mà lại thệ nguyện học vô lượng pháp môn, biết đời kiếp nào học cho hết?

- Học đây có nghĩa là nghiên cứu chân lý của các kinh luận Đại thừa, chẳng phải học thuộc lòng như cậu học trò mà sợ rằng không hết vô lượng pháp môn.

Phật học không phải như triết học, nếu chỉ nghiên cứu suông, thì không thế nào được. Vì lẽ ấy, sự tu hành và sự học hỏi (nghiên cứu) phải đi đôi, chừng đó tâm mới mở tỏ, hễ tâm đã được mở tỏ, thì nhất lý minh vạn lý thông. Theo Phật học, sở dĩ người tu hành không thông được vạn pháp, là tại nghiệp hoặc trần sa (trần sa hoặc) che áng. Khi hoàn toàn minh tâm kiến tính, phá được nguồn gốc bất giác tâm động, nghiệp hoặc trần sa không còn, thì thông được vạn pháp. Ngài Phổ Chiếu thiền sư có nói: "Đản thức* tự tâm, hằng sa pháp môn vô lượng diệu nghĩa bất cầu nhi đắc.” Nghĩa là: Nếu tỏ ngộ được chân tâm (hay tâm pháp đạo của mình) thì tất cả pháp môn, nhiều như số cát sông Hằng, có vô lượng nghĩa nhiệm mầu, không cần cầu cũng tỏ đặng.

* Thức có nghĩa là biết, biết được tâm của mình cũng có nghĩa là tỏ ngộ, nên chúng tôi dịch là tỏ ngộ.

293. Tất cả nghĩa lý của kinh luận Đại thừa Phật học, hướng về mặt nào?

- Tất cả nghĩa lý của kinh luận Đại thừa, hướng về mặt chân lý duy nhất, là viên dung bình đẳng: sắc không như một, phiền não tức bồ đề. Nếu tỏ ngộ được chân lý ấy, thì xem kinh luận có phần dễ dàng. Đối với chân lý tuyệt đối ấy, tuỳ theo mình ngộ giải sâu hay cạn, rộng hay hẹp, có thể thông suốt kinh luận nhà Phật.

Đời xưa muốn tỏ ngộ đạo mầu như vậy, thật là một vấn đề hết sức khó khăn, chớ đời nay không còn khó như vậy nữa. Bởi vì, tất cả kinh luận nhà Phật hiện giờ, người ta phân tích một cách hết sức rành mạch, lời nói diễn giảng cũng rất phân minh.

Vả chăng, văn tự bát nhã (kinh luận nhà Phật toàn là trí huệ) là hình tướng của chân như lý, chân như lý là biểu hiện của chân như trí. Lý và trí chỉ có một chớ không phải khác. Do lẽ ấy, nếu rời văn tự bát nhã ra, chẳng khác nào bỏ hiện tượng để tìm kiếm bản thể, khác nào rời ngón tay của người chỉ mà tìm mặt trăng.* Nhưng phải biết rằng: bản thể bao la, thì hiện tượng cũng muôn vàn. Vì lẽ ấy, sự tỏ ngộ tâm pháp đạo, không cứ ở kinh luận, mà hết thảy vạn vật sự lý, đều có thể làm cho người tu hành tỏ ngộ đạo mầu được cả.

* Chấp ngón tay không được, mà rời ngón tay cũng không xong.

294. Muốn tỏ ngộ chân lý viên dung bình đẳng của Đại thừa Phật học, phải làm sao?

- Có nhiều cách: hoặc quán xét pháp Tuyệt đãi trung đạo, hoặc nhập chân như quán, hoặc quán xét pháp thật tướng, pháp bất sinh bất diệt, pháp sắc không không sắc, pháp môn bất nhị của kinh Duy Ma, cùng là tất cả những phương pháp làm cho mình minh tâm kiến tính, nghĩa là làm cho mình thấu triệt được chân lý viên dung bình đẳng của Đại thừa Phật học.

295. Tại sao chân lý của Đại thừa hướng về mặt viên dung bình đẳng?

- Tại pháp tính chân như (hay Phật tính, hay pháp giới tính) là duy nhất, tức là không sai biệt. Không sai biệt có nghĩa là bình đẳng, bình đẳng tức là viên (viên dung), viên tức là diệu, diệu tức là giác, giác tức là Phật là Như Lai.

Nói tóm lại, chân lý viên dung bình đẳng, có công dụng phá bỏ cái tâm sai biệt chấp trước theo ngoại cảnh lục trần. Nếu còn sai biệt tức là còn biên kiến, còn biên kiến tức là còn thiên chấp, nghĩa là còn chấp pháp này, còn bỏ pháp kia, gọi là tâm thủ xả. Nếu còn tâm thủ xả, là còn ở trong cảnh giới phàm phu (gồm Nhị thừa). Bởi vậy cho nên, phàm phu hay chán cảnh khổ mà tìm cảnh an lạc, không khác nào hàng Nhị thừa chán sinh tử luân hồi mà cầu Niết bàn tịch diệt, không dám lăn lộn nhiều kiếp trong cảnh trần thế, để cứu độ chúng sinh thoát khỏi vòng lục đạo. Trái lại, Đại thừa vì phá được cái tâm thiên chấp, chứng được cảnh giới viên dung bình đẳng, nên xem cõi ta bà cũng như Tịnh độ, sinh tử cũng như Niết bàn, mới dám nhảy vào đường lục đạo luân hồi trong vô lượng kiếp, để cứu độ tất cả chúng sinh.


Còn nữa.....
-
Trích trong: Phật học vấn đáp
Soạn giả: Cư sĩ Như Pháp
Giấy phép số: 753/X.B

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Quy y Tam bảo mà không thọ giới được không?

Hỏi - Đáp 16:50 18/04/2024

Hỏi: Tôi có vấn đề muốn hỏi. Quê tôi chưa có chùa, vậy tôi có thể tự quy y Tam bảo ở nhà không? Và khi chưa thể giữ được 5 giới thì vẫn có thể quy y nhưng không thọ giới có được không?

Kính Tăng đúng pháp được phước vô lượng

Hỏi - Đáp 14:40 16/04/2024

Hỏi: Người Phật tử khi nhìn thấy nhà sư thì luôn khởi tâm kính trọng. Vậy đối với những vị sư không nghiêm trì giới luật, phá giới hay khiếm khuyết oai nghi thì nên khởi tâm như thế nào để không bị tổn phước?

Việc kết nối thiên nhiên giúp trị trầm cảm như thế nào?

Hỏi - Đáp 13:03 14/04/2024

Câu hỏi: Việc kết nối thiên nhiên giúp trị trầm cảm như thế nào? Nó sẽ giúp gì trong quá trình trị liệu tâm lý?

Mất phương hướng và cô độc

Hỏi - Đáp 08:50 13/04/2024

Em hiện tại đang rất mất phương hướng. Cuộc sống của em rất bí, ít có sự giao lưu với bên ngoài. Em luôn ý thức được điều này, nhưng không biết cách khắc phục, em đã sống cô độc và trầm cảm từ năm phổ thông trung học. Mặc dù gia đình luôn quan tâm, bố em là một người rất nghiêm khắc.

Xem thêm