Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 03/02/2014, 10:35 AM

Phật tính vị tha trong đời sống tinh thần hiện đại

Nhờ có phật tính vị tha, ta biết đến truyền thống gia giáo của gia đình, ta gìn giữ gia phong theo mô hình “đói cho sạch rách cho thơm”, ta giữ gìn gia đạo của ngôi nhà hay dòng họ nơi mình thoát thai hiện ra trên cõi đời, để giữ gìn và bảo vệ cái gia lễ của cha ông

Trong tiến trình thời gian, lịch sử của Phật giáo ở Việt Nam phát triển song hành gắn chặt với lịch sử có nhiều khái niệm khó có thể tách bạch rõ ràng đâu là triết lí nhà phật đâu là minh triết dân gian. Khái niệm vị tha, mà ở đây chúng tôi gọi là phật tính vị tha, là một trong những khái niệm như vậy.

Qua khái niệm Vị tha (tiếng Anh: altruism, altruist, tiếng Pháp : altruisme, altruiste), ta có thể hiểu một cách đơn giản, nôm na là vì người khác, là biết thương yêu nhường nhịn, san sẻ… với người khác, vốn là hình thức ứng xử “thương người như thể thương thân” hay “lá lành đùm lá rách” trong cảm thức sống của người Việt, nhưng cũng là phẩm chất và yêu cầu cơ bản của giáo lí nhà Phật, liên quan đến quan niệm từ bi hỷ xả của Phật giáo với nguyên tắc “lợi lạc quần sinh vô ngã vị tha”.
 Ảnh minh họa
Ta sẽ không bàn tới việc khái niệm này có trước trong Phật giáo hay có trước trong tâm thức dân gian người Việt, bởi lẽ việc đó rất khó phân định, ta sẽ bàn tới quan niệm vị tha như một phẩm chất của con người - bản ngã, nghĩa là như một phật tính - suy luận từ quan niệm “Phật tức Tâm” của bản thể con người, nghĩa là vị tha là một phẩm hạnh phải có và cần có của con người trong quá trình hướng thiện, tu thiện và hành thiện của nó.

Vị tha không phải từ ngẫu nhiên sinh ra, cũng không tồn tại tự do để ai muốn ai cần thì đến xin đến lấy. Vị tha có sẵn trong bản thể con người, như một mầm thiện được tạo hóa ban tặng ngay khi nó được thành người.

Mỗi con con người đều do một cha một mẹ hợp thể mà sinh ra, người cha tạo ra tinh trùng – một tế bào sống đặc biệt; và người mẹ tạo ra một quả trứng, và cũng là một tế bào đặc biệt, để từ đó tinh cha huyết mẹ, hay cốt nhục sinh thành của cha mẹ (ta nhớ lại câu chuyện về Natra thái tử khi giận cha giận mẹ thì “róc xương trả cha, róc thịt trả mẹ”, để khi gặp Quán Thế Âm Bồ tát thì được Ngài dùng liên chi liên diệp tạo lại cơ thể), hóa sinh trong các dạng tế bào đặc biệt tạo ra con người - bản thể của ta, chất sẵn cho ta trong cái hình hài vật chất ấy những tình cảm vị tha của cõi nhân thế, của tình người tình đời. nói cách khác, mầm mống vị tha của ta được truyền lại từ cha ta mẹ ta từ ông bà tổ tiên ta, trở thành phật tính trong con người ta. nhưng phật tính vị tha lớn lên hay co mòn, tiêu hủy đi thì hoàn toàn phụ thuộc vào ta.

Nhờ có phật tính vị tha, ta biết đến truyền thống gia giáo của gia đình, ta gìn giữ gia phong theo mô hình “đói cho sạch rách cho thơm”, ta giữ gìn gia đạo của ngôi nhà hay dòng họ nơi mình thoát thai hiện ra trên cõi đời, để giữ gìn và bảo vệ cái gia lễ của cha ông – mà lễ ở đây không phải là “vào luồn ra cúi” mà lễ ở đây là  sự hiểu biết và hành động theo lẽ phải, tuân thủ gia pháp để biết giữ gìn truyền thống “xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau” hay “kiến ngãi bất vi vô dõng giả” như nguyên tắc ứng xử trong cuộc đời vốn chưa bao giờ thuận buồm xuôi gió.

Phật tính vị tha đi vào tác phẩm văn chương hóa thân thành Quan Âm Thị Kính được thờ phụng trong chùa chiền dưới dạng thức Quan Âm tống tử mà pho tượng Quan Âm tống tử của chùa Tây Phương là một kiệt tác điêu khắc cho thấy vẻ đẹp vị tha của người phụ nữ Việt nam.

Phật tính vị tha để lại cho ta truyền thuyết về bà Chúa Ba trải qua bao gian lao vất vả, chịu hết mọi nỗi gian truân trên đời để hóa thân thành Quan Âm Diệu Thiện quen thuộc dưới cái tên Phật bà chùa Hương.

Tiêu biểu nhất là Phật bà Quan Âm - biến thể của Quán Thế Âm Bồ tát - vị Bồ tát có khả năng bao quát, quán xuyến mọi âm thanh của thế giới, tức là thấu suốt được mọi nỗi đau nỗi khổ của chúng sinh mà vì thế người tâm nguyện ở lại trong cõi sa bà để cứu khổ cứu nạn bằng nước cam lộ mang tên đại từ đại bi, với phẩm chất vị tha luôn sẵn sàng cứu độ chúng sinh được người Việt tài hoa tạo khắc trong khuôn hình Phật bà nghìn mắt nghìn tay, được vinh danh thành Quan Âm Nam Hải.

Phật tính vị tha ở Việt Nam thường gắn liền với việc tôn vinh phẩm chất người mẹ. Trong lịch sử Phật giáo các vị Phật ấn Độ thường có danh phận là đàn ông, nhưng khi đi vào văn hóa Việt thì lại chuyển hóa thành Phật Ông- Phật bà mà các ghi nhận sớm nhất về vấn đề này chính là truyền thuyết về man nương gắn với huyền tích Luy Lâu - chùa Dâu, gắn liền với sự ra đời của Tứ Pháp: Pháp Vân - Pháp Vũ - Pháp Lôi- Pháp Điện, bốn người con gái của Phật mẫu man nương.

Phật giáo Ấn Độ cũng đưa vào Việt Nam một vị thần mới, đó là ông bụt (bắt nguồn từ tên gọi Budha), một vị thần hiền lành vô hạn, vị tha vô cùng, chỉ ra sức cứu đời độ nhân độ thế mà chẳng hề trừng phạt ai, tới mức trở thành một hình thức so sánh dân gian “lành (hay hiền) như Bụt” và qui định thái độ ứng xử của người dân “Hiền với Bụt chứ ai hiền với ma”.

Như vậy, có thể thấy một sự trùng khớp giữa phật tính vị tha của giáo lí Phật pháp và phẩm chất vị tha của người Việt vốn bắt nguồn từ văn hóa thờ mẫu của mình.

Điều này cũng dễ dàng nhận ra khi phần lớn các chùa chiền Việt nam đều có các ban thờ mẫu: trước hết là Tam tòa thánh mẫu, tiếp đó là các ban thờ bà chúa Thượng ngàn (tức La Bình công chúa, tương truyền là con của Thánh Tản viên, được giao cai quản 12 cửa rừng), thờ bà chúa Thượng Thiên, thờ bà chúa Thoải (là con gái của Long Vương cũng có phẩm chất vị tha, cứu người cứu đời mà người Việt vốn sống trên miền sống nước tôn vinh), thờ bà chúa Liễu hay mẫu Liễu Hạnh (Hóa thân của Mẫu Thượng Thiên, vừa là bậc Tiên thánh vừa là người trần, vốn là Quỳnh Hoa công chúa được phong thành Mã Hoàng công chúa, Chế Thắng Hòa Diệu Đại Vương, văn võ song toàn, vẻ đẹp nghiêng thành nghiêng nước, yêu sắc trọng tài….).

Tiêu biểu cho văn hóa vị tha thờ mẫu là ngôi chùa Thiên mụ - bà Trời lừng lững soi mình bên dòng sông Hương thơ mộng, hay tháp bà ở nha Trang thờ nữ thần uroja = Pô Yan ina nưga = mẹ Quê hương xứ sở, của dân tộc chăm- dân tộc kiến trúc sư tài hoa- đã dựng không biết bao nhiêu đền tháp suốt dọc dải đất miền trung nắng lửa.

Phật tính vị tha không chỉ thể hiện qua cách thức hay hành vi ứng xử mà còn thể hiện trong cách thức nói, trong nghi thức lời nói. những lời chúc thân tình ta dành cho nhau nhân ngày đầu năm mới cũng là những biểu hiện của lòng vị tha. Trong những lời chúc đó ta dành cho nhau những ước muốn chân thành, có thể là hạnh phúc trăm năm bền vững, có thể là vật chất tiền tài dư dả quanh năm, cũng có thể là những ước mong cho một sức khỏe để làm thêm nhiều việc khác nhau trong cõi sa bà, cũng có thể là lời nguyện cầu cho quốc thái dân yên, cho thái bình hoan lạc…

Phật tính vị tha cũng thể hiện trong lời ca tiếng hát nhưng cũng cần nhớ rằng khi thay đổi thị hiếu thẩm mĩ về ca nhạc thì đồng thời cũng kéo theo hệ lụy là thay đổi thị hiếu thẩm mĩ về nhân cách con người. Âm nhạc mà la nhiều hét lớn thì nhân cách cũng xuống cấp. Ta có thể thấy rõ điều này khi thưởng thức âm nhạc Phật giáo hay đắm mình trong nhạc giao hưởng của các nhạc sĩ thiên tài của nhà thờ Thiên chúa giáo như bethoven, moda…

Vì thế, tình mẹ bao la trải dài trong tiếng ru nâng giấc cho con khôn lớn, chắp cánh cho con bay xa, cũng chính là ban cho con lòng vị tha nhân ái để con biết sống cho đời, biết sống cho người, biết tận trung với nước, biết tận hiếu với dân, biết lẽ phải “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”(Tố Hữu).

Phẩm chất vị tha không những được biểu hiện trong cùng cộng đồng mà còn trở thành phương thức ứng xử ngoại giao của nhiều triều đại phong kiến Việt nam trước đây nữa.

Đó là là các cử chỉ hết sức nghĩa hiệp đối với các tù binh, hàng binh mà điển hình là cách đối xử của Lê Lợi – Nguyễn Trãi đối với bại quân nhà minh: “đi thủy thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa”, hay việc tìm kiếm, cất bốc và trao trả hài cốt binh sĩ mĩ tử nạn tại Việt nam…

Phẩm chất vị tha trở thành giải pháp cứu đời cứu người: hoặc để đi tu nương nhờ cửa Phật, lấy ánh sáng và phẩm chất phật tính để tự sửa mình mà không đổ lỗi cho đời hay không chê trách đời, hoặc trở thành “giọt nước cành dương”…nối dài tình người tình đời trong cõi nhân thế. như vậy, phật tính vị tha, có một vai trò quan trọng và tích cực trong đời sống nhân sinh, trong ứng xử thẩm mỹ giữa người và người trong cộng đồng.

Giải pháp vị tha hiện hình trong các quan niệm ứng xử không chỉ một vùng mà cả toàn cõi nước nam mà cụ thể là khi nói đến tình tất yếu phải đề cập đến nghĩa, không có tình nào mà không có nghĩa trong đó, cũng như không có nghĩa nào mà lại không nặng tình, tạo thành một quan hệ vị tha nhân bản: tình chồng nghĩa vợ, tình cha nghĩa con, tình làng nghĩa xóm, tình anh nghĩa em, …

Tiếc thay, trong đời sống tinh thần hiện đại của những ngày hôm nay, phật tính vị tha đang mất dần đi vai trò tích cực của nó mà biểu hiện cao nhất là sự vô cảm trước cái ác, trước những hành động dã man. Tai sao lại có hiện tượng đó ? Ta có thể tìm lời giải đáp trong sự biến đổi mang tính chất đứt gãy của không gian sống hiện nay.

Trong kiến trúc đình chùa cũng như trong kiến trúc không gian sống quen thuộc của người Việt, ta thường gặp mô hình nhà dài: có thể là ba gian hai chái, năm gian hai chái… của người Kinh, hay nhà rông, nhà gươil…của các dân tộc anh em. Trong không gian kiến trúc đó, bao giờ cũng có chỗ cho cái thiêng ngự trị, chỗ đó thường được gọi là gian bảy gian để thờ phụng, gian để tôn vinh ông bà tổ tiên, tôn vinh các tiền nhân xuất thế.

Trên mặt bằng của không gian nhà dài, mọi người sống trong quần thể yêu thương, đùm bọc, chỉ bảo, che chở lẫn nhau, hoặc là tam đại đồng đường hoặc tứ đại đồng đường…vốn vô giá mà không phải có tiền là mua được. Ông bà sống với con cháu, cha mẹ sống với con cái, quanh năm suốt tháng hòa thuận, không to tiếng cãi vã, không va chạm tranh chấp…, một không gian yên bình. mô hình nhà dài bị thay thế bằng mô hình nhà ống để phù hợp với cảnh đất chật người đông, kéo theo đó là sự phân hóa gia đình mà rõ nhất là sự xác lập chủ quyền sở hữu của cá nhân đối với không gian mình sống. muốn vào phòng ai thì phải gõ cửa. cha mẹ sống riêng, con cái sống riêng, ai cũng cố gắng tận hưởng cái riêng của mình, theo kiểu mình. 

Con cái suốt ngày chìm vào các trò chơi games sau khi miệt mài truy kiếm các trang sex; bố mẹ cũng mỗi người một kiểu hoặc là cá cược bóng đá ăn tiền, hoặc là theo đuổi những trang hình theo sở thích.

Đương nhiên, chẳng ai cấm ai, chẳng ai can thiệp vào ai, bởi đó là sở thích cá nhân mà cuộc sống hiện đại, theo họ, là phải tôn trọng cá nhân.

Đúng, cái cá nhân cần được tôn trọng, nhất là các phát minh sáng chế, nhưng cái cá nhân không nằm ngoài qui luật của tự nhiên, trong đó có qui luật của sự vị tha. bởi lẽ, ta tắm trẻ con trong bạo lực thì người gặt bạo lực trước hết là ta, ta bỏ đi vị tha thì cái ta còn chỉ là vị kỉ.

Vị tha là một giá trị văn hóa, mà đặc trưng mang tính giá trị của văn hóa là văn hóa bao giờ cũng vì con người, bao giờ cũng bênh vực và bảo vệ con người, tôn vinh cái đẹp và phẩm chất người cho con người. nhưng cũng cần phân biệt rõ giữa văn hóa chân chính và văn hóa giả tạo hay những thứ hàng hiệu đội lốt văn hóa để đầu độc con người.

Khi trong cuộc đời cái thiện chưa thắng thế, cái ác còn tràn đầy thì cuộc chiến Thiện - ác vẫn là cuộc chiến cam go. cuộc chiến tàn nhẫn nhất trong xã hội hiện đại là cuộc chiến dùng văn hóa hay đội lốt văn hóa để tiêu diệt văn hóa, để xóa sổ phật tính vị tha, để xác lập chủ nghĩa cá nhân  ích kỉ, vô chính phủ, vô tổ chức.

Con người Việt nam vốn thích hòa đồng, vốn thích sống trong giao lưu hòa cảm, theo kiểu “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” (Tố Hữu), có nấu nồi nước chè xanh thì gọi mời cả làng cả xóm đến cũng chỉ để uống nước, mà ai không đến sẽ bị trách cứ… cái vị tha sẽ nhân lên lòng yêu quê hương đất nước, yêu nghĩa yêu tình, yêu mọi giá trị mà cha ông để lại để tôn tạo cho đất nước này vững bền trong suốt trường kì lịch sử của nó.

Vị tha gắn liền với tính thiện của con người mà biểu hiện cao nhất của tính thiện đó là lòng thương người, là tình thương yêu đồng loại của mình. Thương yêu con người, hiểu trong khái niệm vị tha, chính là làm cho con người không cảm thấy cô đơn trong đồng loại, là làm cho con người có chỗ đứng và được đứng ngang hàng trong đồng loại, là làm cho con người sống có trách nhiệm với đồng loại, là làm cho con người trở nên cần thiết đối với đồng loại của nó.  

Đó là thứ vị tha cao cả, vị tha trong sự giác ngộ, trong sự bình đẳng chứ không phải là thứ vị tha theo kiểu ban phát, ban ơn. bởi tình thương không gắn với lẽ thiện thì không phải là tình thương mở đường, không phải là vị tha đích thực, nghĩa là vị tha phải được tạo ra và được xây dựng trên nguyên tắc “cho cần câu chứ không cho con cá”, có như thế thì mới có thể xác lập vai trò của vị tha trong thế giới sa bà được.

Vị tha đương nhiên phải xuất phát từ tâm, phải gắn với tâm, nhưng đó là tâm Phật, phải là chính tâm chứ không phải là tà tâm.

Vai trò của phật tính vị tha là hết sức quan trọng trọng việc xây dựng và xác lập nhân cách Việt trong công cuộc hội nhập hiện nay, mà qua triết lí “lợi lạc quần sinh vô ngã vị tha” của giáo lí nhà Phật, ta mới cảm được tầm vóc lớn lao của đức Thích Ca Mâu Ni tôn giả qua các giáo huấn chỉ đường vạch lối đưa con người ra khỏi kiếp người vị kỉ để hướng tới cõi vị tha.

PGS.TS Lê Nguyên Cẩn
Khoa Ngữ văn- Trường ĐHSP Hà Nội
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 1 năm 2014, Xuân Giáp Ngọ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Xem thêm