Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 26/12/2012, 11:05 AM

Phỏng vấn Diệu Nhân - nữ cư sĩ đầu tiên là Ủy viên HĐTS (GHPGVN)

Tôi cũng chuẩn bị để thể nghiệm những sự kiện, những hoạt động mới như Game show tìm hiểu giáo lý Phật giáo để trình chiếu trên Truyền hình An Viên, lấy đó làm cơ sở để phát triển các hình thức học tập giáo lý Phật giáo mới phù hợp với thanh thiếu niên

Một trong những điểm mới của Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ VII là qua suy cử, lần đầu tiên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có một nữ ủy viên cư sĩ: Phật tử Diệu Nhân Nguyễn Thị Xuân Loan.

Đây có lẽ cũng là thành viên nữ cư sĩ đầu tiên trong hàng lãnh đạo Phật giáo Việt Nam, kể từ khi Phật giáo Việt Nam được tổ chức thành những hiệp hội đoàn thể đầu tiên trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam từ đầu thế kỷ XX. Điều đó cũng có nghĩa trong lịch sử hội đồng điều hành các tổ chức, hiệp hội Phật giáo Việt Nam, lần đầu tiên đã có được sự hiện diện đầy đủ của cả bốn chúng đệ tử Phật: tỳ kheo, tỳ kheo ni, cận sự nam và cận sự nữ.

Vì vậy, chúng tôi tìm đến đề nghị phỏng vấn cư sĩ Diệu Nhân Nguyễn Thị Xuân Loan, nhưng chị đều từ chối, vì lý do không muốn nói về cá nhân mình, cũng như vì “chưa làm được việc gì đáng kể”. Thuyết phục mãi, với lý do việc chị được suy cử vào Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam là điều có ý nghĩa chung đối với tổ chức Giáo hội, không chỉ là chuyện cá nhân riêng chị, cũng như nội dung trả lời phỏng vấn có thể đóng vai trò là chất xúc tác tốt của chị đối với những cống hiến sắp tới cho Giáo hội, chị mới khiêm tốn nhận trả lời phỏng vấn trang tin Phattuvietnam.net. Với giọng Bắc ấm, gần gũi và quý phái của người Hà Nội, buổi nói chuyện kéo dài khá lâu với nhiều thông tin lý thú.

Phattuvietnam.net: Trước hết, xin chị vui lòng cho biết đôi nét về nhân thân?

CS Diệu Nhân Nguyễn Thị Xuân Loan: Quê tôi ở Diễn Châu, Nghệ An. Ông nội tôi là tướng lĩnh phong trào yêu nước Cần Vương cuối thế kỷ XIX. Do cuộc nổi dậy thất bại, nên ông đưa cả gia đình tạm lánh qua Đông Bắc Thái Lan, rồi ông tôi mất ở đó.

Năm 1960, theo lời vận động của Bác Hồ, gia đình tôi cùng một số gia đình Việt Kiều yêu nước hồi hương, vinh dự được chính Bác Hồ ra đón. Sau khi gia đình định cư ở Hải Phòng một năm, tôi được sinh ra vào năm 1961. Đến năm 14 tuổi tôi về học ở Hà Nội.

Phattuvietnam.net: Lớn lên chị theo học ngành nào và làm nghề gì?

CS Diệu Nhân Nguyễn Thị Xuân Loan: Tôi trúng tuyển vào Cao đẳng Mỹ Thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ Thuật), khoa Đồ họa. Tốt nghiệp, tôi là họa sĩ vẽ tranh đá men xuất khẩu. Tôi yêu thích việc chụp ảnh, tích cực làm công việc này để phục vụ Giáo hội về sau cũng vì trước hết tôi là một họa sĩ.

Phattuvietnam.net: Chị đến với đạo Phật từ lúc nào? Do nhân duyên gì?

CS Diệu Nhân Nguyễn Thị Xuân Loan: Tôi đến với đạo Phật, có thể nói, từ thời sinh viên, và đến một cách tự nhiên, từ lúc nào không hay.

Là sinh viên mỹ thuật, tôi thường đến thực tập ở các chùa. Tôi rất thích đến chùa, yêu mến hình bóng nâu sồng của chư Tăng Ni, đặc biệt là bóng áo nâu người tu sĩ trong hoàng hôn của các ngôi cổ tự. Tôi cũng yêu mùi hương trầm, nhất là về đêm, nên vẫn thắp hương ở ký túc xá, có lần bị quản sinh phạt!

Có thể nói, tôi đến với đạo Phật do nhân duyên từ tiền kiếp. Tiếng chuông chùa, tiếng tụng niệm, tiếng khánh, tiếng mõ, mùi trầm hương, hình tượng Đức Phật… cứ thôi thúc tôi đến với cửa Phật cứ như là nhân duyên với đạo Phật đã nhiều đời. Tôi thường đi chùa, nhưng phải đi một mình, không cho ai biết, vì sợ bị phê bình. Tuy tôi đã bị phê bình vì đi chùa nhưng tôi lại nghĩ nhờ đi chùa mà mình học giỏi. Năm 1981, tôi được Hòa thượng Thích Tâm Tịch quy y và truyền giới, được thầy đặt pháp danh là Diệu Nhân. Tôi trở thành một Phật tử từ đó.

Phattuvietnam.net: Giới Phật giáo biết đến chị như là một người chụp ảnh chuyên nghiệp cho nhà chùa? Chị bắt đầu công việc đó ngay từ khi trở thành Phật tử?

CS Diệu Nhân Nguyễn Thị Xuân Loan: Chưa đâu, phải chờ đến nhân duyên lần thứ 2. Tôi đến chùa công quả trước tiên như các nữ Phật tử khác, tức là phụ trách việc dọn dẹp, quét tước, nấu nướng trong chùa. Bấy giờ tôi công quả với sự hướng dẫn của ni sư Đàm Nghiêm. Dù là việc như thế tôi cũng rất vui, vì được công quả nơi cửa Phật.

Phattuvietnam.net: Vậy khi nào chị mới làm việc chụp ảnh, cho Giáo hội rồi viết tin, đưa tin cho báo Giác Ngộ?

CS Diệu Nhân Nguyễn Thị Xuân Loan: Tình cờ một hôm Hòa thượng Thích Thanh Tứ thấy tôi chụp ảnh hoa cảnh ở chùa Quán Sứ, Hòa thượng bèn nhờ tôi chụp ảnh một cuộc đón đoàn khách Tăng Nhật Bản tại sân bay Nội Bài. Thế là từ đó tôi làm thêm việc chụp ảnh cho Giáo hội, nhưng tôi vẫn giữ việc công quả như trước tại chùa.

Còn việc viết tin, đưa tin cho bào Giác Ngộ là do sự động viên của Đạo hữu Tống Hồ Cầm qua những lần gặp gỡ ở chùa Quán Sứ. Những lần đầu tôi viết còn vụng lắm, nhưng sau quen dần. Tin, ảnh tôi gửi cũng được đăng nhiều hơn.

Phattuvietnam.net: Được biết, lúc đó chi phí chụp ảnh rất đắt. Vậy kinh phí chị làm việc ra sao?

CS Diệu Nhân Nguyễn Thị Xuân Loan: Đúng là chi phí chụp ảnh lúc đó rất đắt, nhưng tự tôi lo cả. Tôi không nghĩ đó là tịnh tài mình cúng dường Tam Bảo, mà cứ thấy việc có ích chung là mình làm. Cũng nhờ tôi làm việc liên hệ đến xuất khẩu nên dư dả đôi chút để tự trang trải kinh phí làm Phật sự. Ảnh chụp về, những bức đẹp tôi rọi lớn ra khổ 25x30 treo khắp trong chùa để chư vị Hòa thượng Tăng Ni Phật tử cùng xem. Quý Hòa thượng thích xem ảnh nhưng không quan tâm đến việc giữ ảnh, vì các ngài xem mọi sự là vô thường, vô ngã, không lo toan cất giữ thứ gì, thành ra tôi phải kiêm nhiệm luôn công việc thư ký lưu trữ hình ảnh cho quý hòa thượng, có thể là gần 30 năm.

Phattuvietnam.net: Xin tán thán công đức phục vụ Đạo pháp của chị như thế trong gần 30 năm. Thế nhưng sao gần đây chị lại chuyển sang Phật sự hướng dẫn Phật tử, mà lại tập trung vào lứa tuổi thanh thiếu niên nhi đồng?

CS Diệu Nhân Nguyễn Thị Xuân Loan: Việc này là nhân duyên lần thứ 3 của tôi với Phật giáo. Đó là lần Hòa thượng Thanh Tứ đi dự lễ tang một chức sắc đạo Thiên Chúa, tôi theo chụp ảnh. Thấy tín đồ đạo Thiên Chúa có rất đông thanh thiếu niên nhi đồng, tôi rất ngạc nhiên và cũng muốn phía Phật giáo cũng có đông đảo thanh thiếu niên nhi đồng Phật tử. Tôi về trình bày ý kiến của mình lên Hòa Thượng Thích Thanh Tứ. Đó là vào khoảng năm 1993. Khi ấy, Phật tử ở Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung toàn là người cao tuổi và chưa có tổ chức Gia đình Phật tử.

Phattuvietnam.net: Như vậy, chị là người đầu tiên khởi xướng phong trào thanh thiếu niên Phật tử ở miền Bắc và cũng từ động lực thúc đẩy Phật giáo phát triển bằng các tôn giáo khác?

CS Diệu Nhân Nguyễn Thị Xuân Loan: Vinh dự đó quá lớn, tôi không dám nhận, nhưng những thành viên đầu tiên của Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử chùa Quán Sứ là 2 cháu gái nhà tôi. Tôi cứ băn khoăn mãi trước tình trạng tín đồ Phật giáo chỉ toàn là người già, trong khi đó, giáo lý Phật giáo rất hay, rất thích hợp, rất bổ ích cho giới trẻ. Tôi quyết tâm làm sao để sân chùa Quán Sứ rộn rã tiếng chân, tiếng cười nói của các em thanh thiếu niên và đã bước đầu có được kết quả như mong muốn. Sinh hoạt thanh thiếu niên Phật tử ở chùa Quán Sứ, ở Hà Nội, ở toàn miền Bắc và trong cả nước có chuyển biến tích cực, nhiều nơi khởi sắc. Ảnh chụp các ngày lễ Phật giáo của tôi bắt đầu có nhiều hơn những khuôn mặt trẻ. Đó là điều mà tôi lấy làm mừng. Tôi thấy những cố gắng của mình là đúng hướng và đã đóng góp cho việc gia tăng đạo đức xã hội qua việc đưa đạo Phật đến với thanh thiếu niên nhi đồng, giáo dục các cháu bằng những giá trị đạo đức ưu việt của Phật giáo.

Phattuvietnam.net: Nhưng chị còn tổ chức nhiều hoạt động khác cho các giới như phụ nữ, cựu chiến binh… Như thế có làm loãng đi hoạt động thanh thiếu niên Phật tử không?

CS Diệu Nhân Nguyễn Thị Xuân Loan: Tôi nghĩ làm được càng nhiều cho Phật giáo thì tôi càng cố gắng, không hạn chế ở lĩnh vực nào, ở lứa tuổi nào. Phương châm của tôi là “đem đạo vào đời”, là “đạo Phật nhập thế”… Mà cuộc đời thì muôn hình vạn trạng, để đem đạo Phật vào cuộc sống hữu hiệu thì cần rất nhiều hình thức, càng phong phú, càng đa dạng càng tốt. Đạo hữu thấy tôi tổ chức nhiều hoạt động là vì giới trẻ đến chùa, ông bà đến chùa, thì cả nhà cùng nhau tìm thấy sinh hoạt phù hợp với mình nơi cửa Phật. Đó là mục tiêu của tôi. Những sự kiện như họp mặt cựu chiến binh Phật tử, phụ nữ Phật tử, phát thẻ Phật tử, hội trại Gia đình Phật tử… chỉ mới là những hoạt động có tính chất thử nghiệm.

Phattuvietnam.net: Chị định sẽ làm gì trong nhiệm kỳ mới, với cương vị Ủy viên Hội đồng Trị sự?

CS Diệu Nhân Nguyễn Thị Xuân Loan: Được suy cử vào Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đó là nhân duyên mà đồng thời cũng là động lực, và cũng là trách nhiệm để Diệu Nhân tôi tinh tấn hơn trong Phật sự.

Trước mắt, tôi cố gắng đẩy mạnh Phật sự theo hướng phát triển, mở rộng, nâng cao đi vào chiều sâu những hoạt động đã làm được trong thời gian qua. Tôi sẽ cố gắng đẩy mạnh Phật sự theo hướng phát triển, mở rộng, nâng cao, đi vào chiều sâu những hoạt động đã làm được trong thời gian qua. Cố gắng của chúng tôi không chỉ là tăng số lượng thành viên Câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử, tăng số lượng các sự kiện, đa dạng hóa hình thức sinh hoạt, mà chú trọng đến tác động thực tế, sức lan tỏa, hiệu quả theo thời gian của các hoạt động, các sự kiện.

Tôi cũng chuẩn bị để thể nghiệm những sự kiện, những hoạt động mới như Game show tìm hiểu giáo lý Phật giáo để trình chiếu trên truyền hình An Viên, lấy đó làm cơ sở để phát triển các hình thức học tập giáo lý Phật giáo mới phù hợp với thanh thiếu niên.

Thể nghiệm mới không chỉ ở thể loại, hình thức, mà còn ở nội dung. Sau khi kết nối Phật giáo với các cựu chiến binh, chúng tôi tiến đến kết nối Phật giáo với hoạt động Đoàn thanh niên, sao cho Đạo Phật trở thành đạo của toàn dân, đạo của mọi người.

Phattuvietnam.net: Làm Phật sự đa đoan như vậy, nặng nề như vậy, liệu sức khỏe chị có chịu đựng nổi không, trong bối cảnh nhiệm kỳ VII của Giáo hội mới vừa bắt đầu?

CS Diệu Nhân Nguyễn Thị Xuân Loan: Trái lại, tôi sẽ ốm nếu không làm Phật sự. Làm Phật sự càng nhiều, tôi thấy mình càng khỏe khoắn, càng hoan hỷ, càng hưng phấn. Đó có thể là do Tam Bảo gia hộ chăng? Hiện nay, cả nhà tôi đều làm Phật sự. Nhà tôi là biên tập viên Nhà xuất bản Tôn giáo, phụ trách mảng sách Phật giáo, nên cả ngày đều đọc kinh đọc sách. Anh nói âu cũng là duyên và cố gắng không ngừng nâng cao chất lượng biên tập sách Phật giáo. Cháu Cẩm Vân nhà tôi cũng làm cho kênh truyền hình văn hóa phương Đông mang màu sắc Phật giáo An Viên. Gia đình tôi luôn sách tấn cùng nhau thực hiện tốt hơn Phật sự mà từng người đảm nhiệm.

Phattuvietnam.net: Việc tu hành của riêng chị thế nào?

CS Diệu Nhân Nguyễn Thị Xuân Loan: Pháp môn tu của tôi là Bát Chánh đạo, trong đó chú trọng Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh tinh tấn. Làm Phật sự cho thanh thiếu niên, lợi lạc quần sinh là một cách hoằng pháp, do vậy cũng là tu trì. Tu như vậy, đối với tôi có kết quả ngay, đó là sự hoan hỷ, an lạc, ngày càng nhiều cho bản thân và gia đình.

Phattuvietnam.net: Chị có khó khăn gì trong khi làm Phật sự?

CS Diệu Nhân Nguyễn Thị Xuân Loan: Khó khăn thì nhiều, nhưng tôi vẫn xem là chư Phật chư Bồ tát thử mình. Có vượt qua được thì mới được phần công đức. Khó khăn lớn nhất trong các hoạt động Phật sự do tôi tổ chức là phần chuẩn bị tài chính. Tôi rất nhút nhát trong việc vận động tài chính, nên phải ra sức tự mình gánh vác một phần. Phần còn lại trông cậy vào sự vận động, sự đóng góp tịnh tài của cô bác anh chị em. Nhưng rồi nhờ ơn Tam Bảo gia hộ, đâu cũng lại vào đấy cả.

Phattuvietnam.net: Hiện nay, chị còn công việc nào nữa ngoài công việc giáo hội?

CS Diệu Nhân Nguyễn Thị Xuân Loan: Mình có đảm nhiệm một số chức vụ ở các đoàn thể, như Hội Khuyến học, Hội Sinh vật cảnh. Mình tuổi trung niên, mà lại một bên lo việc các em thanh thiếu niên, một bên lo việc cho các cụ lão niên (Hội Khuyến học, Hội Sinh vật cảnh phần lớn là các vị cao tuổi). Như thế kể cũng vui. Mình xem đó là dịp thay đổi môi trường làm việc, có tác dụng giải trí, thư giãn, làm nhiều vui nhiều.

Phattuvietnam.net: Cảm ơn chị đã dành cho cuộc phỏng vấn. Chúc chị thành công trong cương vị mới.



Minh Thạnh
Nguồn: Phật tử Việt Nam

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm