Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 20/10/2017, 16:48 PM

Phương pháp lập nghiệp vĩnh cửu

Chúng ta phải sáng suốt không nên nhìn thiển cận ở sự nghiệp nhất thời mà bị lòng tham lam sai sử, rồi cả đời luống lao tâm tiêu tứ, kết quả chỉ chuốc lấy đau khổ. Chúng ta phải tung vãi hạnh phúc mình cho mọi người, gieo rắc tình thương cùng khắp nhân loại, ấy là thứ hạnh phúc chân thật, sự nghiệp vĩnh cửu của mình đấy. Một phật tử đã biết áp dụng điều này, vua A Dục nói: “Ta xem hạnh phúc của chúng sinh là mục tiêu thứ nhất ta phải tranh đấu”.

Ðã làm người, ai không muốn lập công danh hiển hách, sự nghiệp vẻ vang để lưu truyền vạn đại. Sự ước mong là thế, nhưng trên đường lập nghiệp đã biết bao người, hoặc đuối sức quằn quại tắt thở bên vệ đường, khi nhìn thấy thành trì sự nghiệp còn xa lắc; hoặc đã rỗ chân, sầy trán mà tìm không thấy bóng thành trì sự nghiệp ở đâu, rồi âm thầm nuốt hận quay về với hai bàn tay trắng và gương mặt hốc hác héo sầu. May ra, cũng có vài người đến thành sự nghiệp, nhưng khi đến nơi nó đã trở thành giả ảnh tan theo như sương mù buổi sớm, bọt nước chiều hôm.

Tại sao có những cuộc dở dang và thất bại ê chề trên con đường tìm sự nghiệp?

Là vì động cơ lập nghiệp của người đời là lòng tham, mà lòng tham không bờ bến, còn sức người có chừng; nên chi đều thất vọng. Người ôm lòng tham chạy tìm sự nghiệp, thì ôi! Khác gì kẻ mang kiếng xanh soạn tìm tờ giấy trắng, biết bao giờ gặp được. Ngày xưa có một nhà vua muốn xem thử lòng tham của người lên đến độ nào. Ông ra lệnh cho một lực sĩ rằng: “Từ mai sớm khi mặt trời hừng mọc, cho đến chiều hôm khi mặt trời vừa lặn, ngươi chu vi đất được bao nhiêu ta sẽ cho ngươi hết”. Chàng lực sĩ hớn hở lui về, dự bị lương thực dùng một ngày.

Hôm sau vừa sớm tinh sương, chàng chực sẵn trước đền vua. Mặt trời vừa ló dạng, chàng cắm đầu chạy. Chàng chạy hăng quên cả cơm nước. Mặt trời đã đứng đầu, chàng nhìn quay lại thấy khu đất còn nhỏ xíu. Bóng đã ngả dài, tranh thủ với thời gian, chàng chạy nhanh hơn, cho đến thân hình chàng chỉ còn là một vật chao động dưới bóng mặt trời. Vầng ô vừa kề đầu núi, chàng vận dụng hết tàn lực chạy cho đến đích, khi mặt trời vừa lặn. Ðến đích, thì ôi! Chàng chỉ còn là một xác không hồn.

Lại nữa, nền móng và nguyên liệu xây cất sự nghiệp, người đời đã đặt và dùng sai lầm, nên chỉ sớm đổ vỡ. Tòa lâu đài sự nghiệp họ đặt trên vũng bùn tham lam, nguyên liệu xây cất tòa lầu ấy, toàn bằng xương và máu thì làm sao thành tựu vững bền được! Bằng chứng, sự nghiệp của Tần Thủy Hoàng ở Trung Hoa hồi thế kỷ thứ III rất to tát và vĩ đại, nhưng kết tinh bởi lòng tham lam và xây đắp bằng xương máu của muôn dân, nên chi ông cố tìm mọi phương thế để gìn giữ nó, mà rốt cuộc cũng không trường tồn. 

Ðến công nghiệp vẻ vang và oai hùng của Napoléon ở Pháp vào đầu thế kỷ XIX, cũng do động cơ tham lam vô bờ bến của ông. Muốn thôn tính hết các nước Âu châu, nên công nghiệp ấy chóng tàn như hoa phù dung buổi sáng, và sau cùng ông bị an trí tại đảo Sainte Hélène. Lại giữa thế kỷ XX, sự nghiệp rực rỡ nhất thời của Hitler đã làm vang động thế giới, nhưng cũng bởi lòng tham muốn làm bá chủ thế giới, nên ước nguyện chưa thành mà đời ông đã mai một… Có câu: “Xây dựng sự nghiệp mình trên xương máu của người chỉ là mầm tan hoại”.

Như trên đã thấy, càng tham lam bao nhiêu thì càng chóng tan hoại và đổ vỡ bấy nhiêu. Vậy chúng ta không nên dùng động cơ tham lam gây dựng sự nghiệp, mà cần phải lấy nguyên liệu từ bi đắp xây thành trì sự nghiệp thì mới kiên cố và trường tồn. Bởi vì kẻ tham lam muốn lập nên nghiệp cả, bao giờ cũng chăm lòng tóm thâu vơ vét của người về mình, mà tóm thâu vơ vét càng nhiều thì gây oán, kết thù càng lắm. Ðã có oán thù, là có người manh tâm phá hoại, rồi một người cố giữ gìn, mà cả nghìn muôn người quyết phá hoại, thì dù gian hùng như Tào Tháo, mưu trí như Khổng Minh cũng không tài nào giữ nổi. 

Ngược lại, lấy từ bi làm động cơ lập nghiệp, tức là lấy sự ban ân bố đức cho người làm sự nghiệp mình. Tuy nhiên đem tiền của và hạnh phúc mình tung vãi cho người là đời mình sẽ thấy khổ sở và thiếu thốn; nhưng một nụ cười nở trên môi người đói khát khi được chén cơm, một cái nhìn tri ân của người vừa thoát nạn, một cái chào cảm mến của người lạc lối khi được đưa đường… bấy nhiêu ấy là nguồn hạnh phúc vô biên, là của tiền vô lượng của chúng ta vậy. Sự nghiệp ấy mới nhìn qua như không có, nhưng kỳ thật nó có rất nhiều. Bởi vì, thói thường người đời hễ thương mến ai thì muốn ủng hộ, bảo vệ cho người ấy được an vui. Chúng ta đã gieo rắc tình thương khắp mọi người thì sự an vui đến với chúng ta vô lượng. Thế là sự nghiệp vĩ đại và vĩnh cửu chớ gì!

Hơn nữa, người có lòng từ bi không thấy hạnh phúc và sự nghiệp riêng mình, mà chỉ thấy hạnh phúc và sự nghiệp chung của tất cả chúng sinh. Như vậy, càng gây cho chúng sinh được nhiều hạnh phúc, nhiều sự nghiệp, thế là hạnh phúc và sự nghiệp mình càng to. Ðức Thích Ca xa lìa đài vàng ngôi báu, chối bỏ tất cả hạnh phúc riêng, Ngài chỉ ôm bình bát đi xin ăn để gieo rắc tình thương và cảm hóa nhân loại. Do đó, mà khắp năm xứ ở Ấn Ðộ thời ấy, từ vua chúa đến quan dân đều tôn kính Ngài là bậc Từ phụ, sẵn sàng hiến dâng những ngôi vườn đẹp đẽ, để Ngài làm nơi giảng đạo. 

Cho đến ngày nay cách Phật đã trên hai mươi lăm thế kỷ, mà hầu khắp các nước trên thế giới đã xây cất biết bao ngôi chùa nguy nga tráng lệ để phụng thờ Ngài và trên sáu trăm triệu người kính thành, tôn Ngài là đấng cha lành. Nên trong kinh có câu: “Xả tất cả sẽ được tất cả” là thế.

Tóm lại, chúng ta phải sáng suốt không nên nhìn thiển cận ở sự nghiệp nhất thời mà bị lòng tham lam sai sử, rồi cả đời luống lao tâm tiêu tứ, kết quả chỉ chuốc lấy đau khổ. Chúng ta phải tung vãi hạnh phúc mình cho mọi người, gieo rắc tình thương cùng khắp nhân loại, ấy là thứ hạnh phúc chân thật, sự nghiệp vĩnh cửu của mình đấy. Một phật tử đã biết áp dụng điều này, vua A Dục, nói: “Ta xem hạnh phúc của chúng sinh là mục tiêu thứ nhất ta phải tranh đấu”.
 
Gian lao không làm ta nhụt chí

Bạn với tôi là cùng màu áo, chung thờ một lý tưởng. Ðã lâu chúng ta không gặp nhau, hoặc đã gặp mà không có dịp trao đổi ý kiến cùng nhau. Hôm nay ngày hoan hỉ đã về, lòng tôi thấy nao nao, nhớ đến bạn và cần nhủ đôi lời cùng bạn, gọi là thực hiện phần nào điều kiến hòa ðồng giải của đức Từ phụ đã dạy chúng ta.

Bạn ạ! Trên đường học đạo thật xa diệu vợi, chúng ta tiến bước đã dẫm phải bao mũi gai nhọn cản trở, và hiện thăm thẳm những hố sâu, sừng sững những vách đá chơi vơi chặn lối đi của chúng ta. Ở trường hợp này, bạn xử trí thế nào? Lùi lại chăng? Hay hăng hái tiến tới? Chắc bạn sẽ đồng thanh với tôi, chúng ta không thể lùi lại, mà vẫn anh dũng tiến lên, vì đó là hướng ta nhắm. Bảo thành đã hiện trước mắt ta rồi, dù phải tan thân mất mạng, chúng ta cũng được hài lòng, vì cái chết đó làm tăng thêm giá trị ta và đưa ta vượt lên một nấc khá cao trên cây thang đạo hạnh.

Bạn thử nghĩ! Những học sinh trung học, sinh viên đại học chịu biết bao khổ sở do những cuộc thi hành phạt. Có đôi khi, họ phải gạt nước mắt, cho đến muốn tự tử là khác. Như vậy người bày ra cuộc thi, phải chăng vì muốn ngăn bước tiến của họ? Nhất định là không. Ðó là những cuộc thử thách để khuyến khích họ cố gắng thêm, là cây thước để đo trình độ và khả năng của họ, cũng là làm tăng giá trị của họ vậy. Nếu một sinh viên đủ lý trí, có sợ thi khó mà bỏ học chăng? Có cưu lòng oán hận người khảo hạch mình không? Chắc là không, họ sẽ mang ơn những người khảo hạch, vì nhờ đó mà họ tiến thêm.

Lại nữa, một chiến sĩ, vì bảo vệ non sông Tổ quốc và rạng danh cho giống nòi, nên xem thường chết sống, lăn mình vào rừng bom đạn. Nếu một chiến sĩ mặc bộ nhung phục bóng láng, cưỡi con bạch mã thật xinh, mỗi khi ngồi trên lưng ngựa xem rất oai vệ, nhưng suốt đời chỉ ăn với ngủ, thì còn gọi được là “chiến sĩ” chăng? Cố nhiên, người chiến sĩ muốn được ngày khải hoàn rực rỡ: mỗi nhịp ngựa là hằng vạn tiếng hoan hô, hoa bội tinh bừng nở trên ngực, trước muôn triệu cặp mắt nhìn quên nháy và ước mơ, thì phải lăn mình trong ngàn tên muôn giáo, xem cái chết nhẹ hơn làn gió thoảng. Như vậy, những nguy hiểm gian lao đối với người chiến sĩ anh dũng sẽ không thấy gian lao mà chỉ thấy là công danh sự nghiệp.

Bạn ạ! Chúng ta là người chèo thuyền ngược dòng đời, thì làm gì có sự dễ dàng bình thản. Giả sử có, thì mục đích chúng ta nhắm đâu còn cao quý, vì mọi người đều có thể đến được. Bạn thử tưởng tượng, nếu một tu sĩ ăn no, ngủ kỹ, đầy đủ mọi nhu cầu, mãi sống trong cảnh nhàn hạ, mà được thành Phật, thì ông Phật ấy còn ai chịu lạy chăng? Chắc là không! Vì dễ làm quá, có gì khó khăn mà phải kính phục. Sở dĩ chúng ta và mọi người đều tôn sùng kính lạy đức Phật, vì Ngài làm những điều mà chúng ta chưa làm được. Như vậy, giá trị người tu có là do vượt qua mọi hiểm trở khó khăn, ở chỗ ô trọc, mà tâm vẫn thanh bạch cao khiết.

Bạn đang tu hạnh nhẫn nhục chăng? Nếu bạn tu hạnh nhẫn nhục, mà không có người mạ nhục, đánh đập để thử lòng bạn có phiền, có giận chăng? Thì cái nhẫn nhục ấy chỉ là nhẫn nhục ở đầu môi. Muốn chứng thật hạnh nhẫn nhục của bạn, phải có người mạ nhục, đánh đập: Ấy là lửa thử vàng nhẫn nhục của bạn vậy. Ðức Thích Ca khi còn làm vị tiên tu nhẫn nhục, nhờ có vua Ca Lợi cắt tay, thẻo mũi… Ngài mới chứng được nhẫn nhục Ba La Mật.

Bạn đang tu hạnh bố thí chăng? Thế là những kẻ đến xin đều là ân nhân của bạn. Nếu thiếu họ, bạn sẽ không viên mãn công hạnh. Mặc dù trong số người xin cũng có một hai kẻ đèo bòng, xin những điều không thể cho được. Nhưng bạn đừng vội phiền họ, mà bạn phải tự trách mình hạnh bố thí chưa cứu kính. Người Bà La Môn xin con Thái tử Tu Đại Noa, chính là người đã giúp Ngài thành tựu hạnh bố thí Ba La Mật, các hạnh khác cũng thế.

Tất cả cuộc thử thách đều là sự chứng thật hạnh tu hành của mình. Người hay hoàn cảnh để thử thách ta đều là ân nhân, là cảnh tốt nâng đỡ ta lên từng lầu thánh nhân. Vì thế trong kinh Pháp Hoa, đức Phật đã nói: “Ðề Bà Đạt Đa là thiện hữu tri thức bậc nhất của ta, nhờ Ðề Bà Đạt Đa mà ta mau chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.

Như trên bạn đã thấy, cái “khó” không phải là điều làm nhụt chí ta, mà là sự nghiệp, là chứng thật đời tu của ta. Càng gian lao, càng khó khổ, chiến thắng được nó thì giá trị ta càng cao, sự nghiệp ta càng lớn. Vì thế, các vị Bồ Tát hy sinh cảnh Niết bàn để vào địa ngục cứu độ chúng sinh.

Chúng ta đã là người tu, người sẵn sàng chịu khó khổ, mọi thử thách để rèn luyện lòng mình, để thay khổ cho chúng sinh, thì đừng bao giờ có thở dài khi gian lao, chau mày khi nguy hiểm… mà nhất định tươi tỉnh hăng hái tiến thẳng đến mục đích tuyệt vời của mình đã nhắm. Ấy là con đường mà tôi và bạn cùng đi, cùng hướng. Vậy chúng ta sẽ hẹn ngày để gặp nhau ở điểm cứu kính này.

Hòa thượng Thích Thanh Từ
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm